Friday, September 14, 2018

Đọc Thơ Trần Nhân Tông - Nguyễn Cang


ĐỌC THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
 
 
 

 
Bài 1: Xuân nhật yết Chiêu Lăng

Nguyên tác chữ Hán:






(陳仁宗)

Phiên âm:

     
Xuân nhật yết Chiêu Lăng

 
Tì hổ thiên môn túc,
Y quan thất phẩm thông.
Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.


(Trần Nhân Tông)

 
Chú thích từ ngữ:

yết(): yết kiến, báo cáo, vào hầu// thăm viếng.

tì hổ(貔虎): gấu, cọp.

túc(): cung kính, nghiêm nghị.

y quan(衣冠): y phục của quan.

tại(): ở, như, còn//lời trợ ngữ chỉ đích danh chỗ nào.

vãng vãng(往往): thường thường

thuyết(): nói, lấy lời nói giải thích rõ sự vật gì.

Chiêu Lăng:là vùng đất phát tích của vương triều Trần, vì cách đây hơn 700 năm, tại đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp.Khu di tích đền Trần Thái Bình thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Còn Trần Cảnh sau truyền ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng. Đến năm Đinh Sửu (1277) ông mất, và mùng 4 tháng 10 cùng năm, ông được táng ở Chiêu Lăng, phong miếu hiệu là Thái Tông.

Chuyện Nguyên Phong là nhắc về niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 của vua Trần Thái Tông với chiến công oanh liệt : Ngày 17.01.1258, quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ (phía Nam Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ), vua Trần Thái Tông đã đích thân chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc: “Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn...” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Đến ngày 29.01.1258, tức chỉ nửa tháng sau, vua Trần Thái Tông cùng thái tử Hoàng (vua Trần Thánh Tông sau nầy) đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ Nhất.

“Người lính bạc đầu” là nói về những người lính 27 năm về trước (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 1), nay đã là những ông già đầu bạc, ngồi ôn lại chuyện cũ với lòng tự hào và xúc động.

Mặc dù đã đánh thắng quân nhà Nguyên xâm lược, nhưng trong chính sách ngoại giao khôn khéo với đối phương, vua Trần Nhân Tông luôn giữ phong thái đĩnh đạc: Khiêm hạ nhưng không yếu hèn, ôn nhu nhưng dũng lược,  khoan hòa nhưng vẫn kiên định vững chắc, khiến cho quân thù phải nể nang và tôn trọng.

Dịch nghĩa:

      
Ngày xuân viếng Chiêu Lăng

 
Quân thị vệ như hùm gấu, đứng nghiêm túc trước nghìn cửa,
Áo mũ các quan đủ cả bảy phẩm.
Người lính già đầu bạc còn ở nơi đây,
Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong.


 
Nhận xét : Bài thơ ngắn gọn cô đọng trong 4 câu, 20 chữ nhưng mỗi câu mỗi chữ như vết khắc trong lòng nhà vua Trần Nhân Tông đầy cảm xúc. Ý thơ bày tỏ lòng tri ân bậc tiền nhân và binh sĩ đã tham gia gia cuộc chiến chống xăm lăng vừa là niềm cảm khái với nét đẹp bi hùng và lòng tự hào dân tộc, tin tưởng tuyệt đối vào lòng yêu nước thương dân của bậc minh quân. 

 
Dịch thơ:

    
Ngày xuân vếng mộ Chiêu Lăng

 
Ngàn cửa gấu cọp canh,
Áo quan thất phẩm rành.
Lính canh nay đầu bạc
Nguyên Phong trận liệt danh.

 
Nguyễn Cang

 
HLO diễn thơ:

       
Chiêu Lăng mộ

 
Ngày xuân thăm viếng Chiêu Lăng mộ,
Thị vệ canh ngàn cửa đứng nghiêm.
Bảy phẩm cân đai đầu đã bạc,
Nguyên Phong kể lại liệt oanh thêm.  .

 
Hương Lệ Oanh, VA

 
Bài 2:

 

Lạng Châu vãn cảnh

Nguyên tác chữ Hán :

諒州晚景

 
古寺淒涼秋靄外

漁船蕭瑟暮鐘初

水明山靜白鷗過

風定雲閒紅樹疏.

(陳仁宗)

Phiên âm:

   
Lạng Châu vãn cảnh

 
Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thuỷ minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

(Trần Nhân Tông)

 
Chú thích từ ngữ:

Lạng Châu (諒州): một địa danh có ngôi chùa cổ thuộc tỉnh Hà Bắc ( Bắc Giang) miền bắc Việt Nam.

vãn(): buổi chiều, muộn

tự (): chùa

thê(): buồn bả thê lương, tịch mịch

ái(): mây đen mù mịt

ngư (): câu cá

tiêu (): tịch mịch

mộ (): buổi chiều

chung(): chuông

sơ(): bắt đầu

quá (): đi qua

thụ(): cây lớn

sơ(): thưa, ít

 

Dịch nghĩa:

     
Cảnh chiều ở Châu Lạng

 
Ngôi chùa cổ quạnh hiu trong lớp mây khói mịt mù của mùa thu,
Thuyền câu buồn bã, chuông chùa bắt đầu điểm.
Nước trong, núi lặng, cò trắng bay qua,
Gió im, mây lững lờ, cây thưa lá đỏ.

 
Diễn thơ của các thi nhân:

 
Bản 1: Nguyễn Lương Vy

    
Cảnh chiều ở Châu Lạng

 
Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm,
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.
Núi tạnh nước trong, âu trắng lượn,
Gió lặng mây nhàn, lá đỏ phơi.

 
Nguyễn Lương Vy

 
Bản 2: V.Ng

    
Châu Lạng chiều hôm

 
Chùa cổ đìu hiu, gió lộng sầu
Chuông chùa hiu hắt vọng thuyền câu
Cánh âu lờ lững nghiêng trên sóng
Lá đỏ tơi bời đổ bến sâu.

V.Ng

 
Bản 3: Nguyễn Cang

    
Cảnh chiều ở Châu Lạng

 
Chùa cổ đìu hiu mây trắng phủ
Thuyền câu buồn bã tiếng chuông đưa
Nước trong núi tĩnh con cò lượn
Gió lặng mây nhàn lá đỏ thưa.

 
Nguyễn Cang

 
Bản 4: Chu Hà

          
Cảnh chiều ở châu Lạng

 
Chùa xưa khói tỏa buồn hiu
Thuyền câu nằm đợi chuông chiều ghé chơi
Nước trong cò trắng ngang trời
Cây trơ lá đỏ gió khơi mây ngàn

 
Chu Hà

 
Bản 5: HLO

        
Chiều Châu Lạng

 
Cổ tự chiều thu sầu quạnh quẻ,
Thuyền câu lặng lẽ tiếng chuông buồn!
Nước trong, núi vững đàn cò lượn, 
Lặng gió mây ngừng lá đỏ tuôn! 

 
Hương Lệ Oanh, VA

 
Nhận xét:

Bài thơ "Lạng Châu vãn cảnh" được vua Trần Nhân Tông sáng tác khi ngài đi thăm ngôi chùa cổ ở Lạng Châu, vào một buổi chiều mùa thu. Cảnh vật nơi đây  hoang vắng, chỉ có tiếng chuông từ xa vọng lại. Bên dòng sông nhỏ buồn hiu  lặng lẽ, mặt nước phẳng lỳ, một chiếc thuyền câu lặng lờ trôi, trên không đàn cò trắng nhẹ cánh bay qua khu rừng lá thay màu đỏ rực như một bức tranh thủy mạc lung linh sinh động.

 
Vài nét về tiểu sử vua Trần Nhân Tông:

Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 7 tháng 12 năm 1258 – 14 hoặc 16 tháng 12 năm 1308), tên khai sinh Trần Khâm (陳昑), là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó làm Thái thượng hoàng từ năm 1293 cho đến khi qua đời. Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước. Ngoài ra, ông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại.
Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông có vai trò lãnh đạo quan trọng trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 và lần 3.
Trần Nhân Tông cũng là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu Đà Hoàng Giác Điều Ngự (Vikipedia).Theo sử sách còn ghi được, Trần Nhân Tông là tác giả các tập thơ sau đây: Trần Nhân Tông Thi Tập, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ. Tuy vậy, sau bao nhiêu phen dâu bể của chiến tranh, loạn lạc, số tác phẩm trên đều đã mất. Hiện thơ ông chỉ còn giữ được 31 bài, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh và một bài tán, chép trong các tuyển tập.

Nguyễn Cang(10/9/18)

 

 

 

 

 

 

No comments: