Suốt ngày hôm ấy, từ sáng sớm, A
Múi nấp dưới gầm giường trong một căn phòng nhỏ và tối, đầu gục xuống, người
không nhúc nhích và không dám thở mạnh.
Dưới chân ngọn núi Hồng Tử Sơn
là một cánh rừng rậm, đầy những cây thông và các loài cây khác. Một con suối
nhỏ chảy qua một cánh đồng trồng bắp. Bên cạnh cánh đồng là một dãy bảy căn
nhà, phần lớn đã cũ kỹ và xiêu vẹo. Chỗ này là làng Ðào. Tuy nhiên trong làng
chẳng có ai họ Ðào cả. Bốn trong số bảy căn nhà này là của gia đình họ Trần,
căn nhà cuối dãy phía tây là nhà từ đường để thờ tự linh hồn người chết, và ở
giữa dãy là một căn nhà tương đối mới và đẹp đẽ của phú ông họ Trần.
Chính trong căn nhà thứ bảy, căn
nhà nghèo nhất, chỉ có năm phòng nhỏ của gia đình họ Vương, là nơi A Múi đang
nằm ẩn nấp. Thực ra nửa căn nhà này đã cầm cho phú ông họ Trần rồi. Hai năm
trước khi ông già Vương chết, họ Trần đã cho người góa phụ vay bốn chục ngàn để
có tiền làm tiệc ma chay cho chồng. Do đó bây giờ bà Vương sống với con trai,
thằng Tiểu Bội, và người con gái, A Múi, trong phía sau của túp lều mà không
thuộc quyền của Trần phú ông. Trong căn phòng kế nhà bếp, đúng hơn là trong góc
bếp, vì chiếc giường được ngăn khỏi nhà bếp bằng một vài tấm ván mỏng , A Múi
run rẩy và nín thở suốt ngày trong một nỗi kinh sợ khó hiểu. Một vài cái thớt
và những giỏ tre trống rỗng dựa vào tường nhà bếp.
Nhà bếp lúc này đang rất ồn ào.
Có bốn chiếc bàn vuông bằng gỗ, có ghế kê hai bên, và những chiếc ghế này cùng
với những người ngồi trên ghế đã làm chật cứng căn phòng nhỏ. Tất cả người ta
có thể đếm được hơn ba mươi người, không những chỉ có dân làng Ðào mà thôi, mà
còn có khách từ các làng Dự và Hồng Tường bên cạnh nữa. Họ ngồi ăn nhậu một
cách thỏa thuê. Phần lớn khách mặc quần áo vải xanh hoặc trắng, và đi chân đất.
Tuy nhiên có ba người mặc áo choàng dài là Trần phú ông, Ngô thương gia, một
người biết đọc biết viết, và vị Lão Trượng Tóc Bạc được kính trọng vì tuổi tác.
Rất ít khi những nhân vật mặc áo dài này đến thăm một nơi bần hàn như thế, và
hiển nhiên họ biết rằng sự hiện diện của họ đem lại sự trang trọng cho bữa
tiệc.
Ðồ ăn thì khá sơ sài, chỉ có bốn
chiếc tô lớn đựng thịt, cá, củ cải và canh trên mỗi bàn. Nhưng bốn tô này được
múc thêm luôn luôn, và mỗi lần múc thêm thì lập tức lại vơi đi ngay. Ngoài ra
một lát nữa, các người đàn bà trong làng cũng được mời ăn nữa. Mọi người ăn đến
phình bụng, tự động lấy thịt và rót rượu mà không cần phải giữ mẽ; sự hiện diện
của họ trong bữa tiệc cũng chẳng có thiện ý gì, mà chính là một biện pháp trừng
phạt bà mẹ của một đứa con gái không biết xấu hổ. Họ không quan tâm đến gánh nặng
tài chính cho bà góa phụ họ Vương! Ðó là cách bảo vệ phép công.
Sự thực là phải cầm nốt nửa căn
nhà còn lại thì người đàn bà khốn khổ ấy mới có đủ tiền để đãi bữa tiệc kỳ lạ
này. Một người tình cảm có thể nhận xét rằng những đồ ăn mà khách gắp bằng
những đôi đũa kia quả thực là máu và thịt của góa phụ Vương, vì bữa tiệc này là
một sự khánh tận cho bà. Tuy nhiên bằng sự hy sinh này bà mới có thể cứu được
mạng sống cho con gái. Không ai có thể phủ nhận được con gái bà phạm tội đó.
Mặc dù một tội như thế đòi hỏi ít nhất hai người mới có thể phạm được, nhưng
luật lệ mạnh mẽ bất thành văn của Trung hoa chỉ bắt một mình con gái bà chịu
trách nhiệm, và cho phép bất cứ người dân làng nào cũng có quyền đánh, mắng
chửi, hành hạ hoặc giết nàng nếu người đó cho rằng làm thế là thích đáng. Vậy
thì liệu mạng sống của đứa con có thể được cứu thoát bằng bữa tiệc tốn kém đãi
những dân làng bị xúc phạm, và nhất là xin được lòng thương của Trần phú ông,
Ngô thương gia và vị Lão Trượng Tóc Bạc không? Mặc dù cuối cùng chính bà có thể
kiệt quệ đến chết, nhưng bà góa phụ cũng nhất quyết thực hiện cho được bữa tiệc
này.
Hai ngày hôm trước, vào lúc buổi
chiều, bà đã phải sai đứa con trai tới nhà Trần phú ông. Ðứa con trai đã phải
cúi lạy, van xin lòng thương xót và xin vay một số tiền ba chục ngàn, và dùng
phần còn lại căn nhà của góa phụ Vương làm bảo đảm. Rồi với số tiền trong tay,
đứa con trai theo lệnh của mẹ, chạy ra chợ mua ba chục cân thịt, hơn hai chục
cân cá, một giỏ củ cải và một ít đồ gia dụng khác cho bữa tiệc. Từ sáng sớm
ngày hôm trước, góa phụ Vương rất bận rộn lau rửa và sửa soạn món ăn, nấu rượu,
và làm những việc vặt khác đến nỗi bà không có một phút nghỉ ngợi.
Khi khách tới, bà còn bận hơn
nữa. Một mình bà, bà làm việc không nghỉ, hầu hạ khách, lúc nào cũng lo đổ đầy
thức ăn vào những cái tô, hâm rượu nóng. Rượu đó cũng giống như mạch máu trong
người bà bị hút cạn, nhưng lúc bà nào cũng cố giữ một nụ cười, và làm như có vẻ
vô cùng vui thích với bổn phận của mình làm.
Một gã thô lỗ kêu lên, “Hày anh
Hạnh Căn, đừng ngần ngại! Ðây không phải là một dịp hội hè, nhưng là một bữa ăn
không tốn tiền. Coi kìa, anh không cần phải trả lại gì đâu, vậy thì ăn đi chứ!
Ăn cho no đến cổ đi.”
Người tên là Hạnh Căn trả lời,
“Ông bạn nói phải lắm. Tại sao lại chậm chạp nhỉ? Hãy ăn đi vì cơ hội ăn như
thế này cũng hiếm lắm… Ðúng ra cô gái A Múi, tuy không biết xấu hổ, nhưng trông
khá đẹp. Bao nhiêu con gái quanh đây có thể thể sánh được với con bé đó? Thực
ra…”
Gã thứ ba la lên, “Càng có nhiều
con gái như A Múi thì càng có nhiều tiệc nhậu. Riêng tôi, tôi hy vọng chúng ta
sẽ có dịp nữa –“.
“Ái chà, Lão Phá ơi! Lúc nào
cũng khoe khoang. Ông bạn là một tên quỷ lúc nào cũng thèm khát đàn bà! Nhưng
đừng quên trong vụ này: đứa con gái ngay dưới mũi ông bạn lại đi chọn một thằng
cha ở làng bên cạnh, chứ không phải ông bạn!”
“Lão Phá, hà hà!”
“Hà! Lão Phá dở quá!”
Góa phụ Vương có vẻ như không
hiểu những lời phẩm bình của khách, và chỉ cúi xuống cho tròn nhiệm vụ hầu hạ,
và luôn giữ một nụ cười trên mặt. Bà không dám cau mặt lấy một lần. Nhưng A Múi
nghe thấy hết và run sợ, và bò lết thật xa tới chân tường. Nàng không biết cảm
giác nàng đang trải qua là sự nhục nhã hay kinh hoàng, hoặc phẫn nộ, hoặc chỉ
là một nỗi buồn nặng nề, nhưng có một cái gì giống như một tảng đá dường như đè
bẹp nàng xuống, và tim nàng nóng cháy như bị một con dao bằng sắt nung đỏ đâm
vào. Mấy hôm trước nàng đã can đảm phó mặc thân mình cho bất cứ cái gì mà số
phận đem đến, nhưng bây giờ nàng chỉ còn muốn bò lê.
Cuối cùng vị Lão Trượng Tóc Bạc
vào đề. Lão bắt đầu nói một cách từ tốn. “Nói cho ngay thì có lẽ đây không phải
là một vấn đề quá trầm trọng. Lẽ tự nhiên là con gái đến tuổi đều muốn lấy
chồng, phải vậy không ạ? Nhưng đi ngủ với… một gã đàn ông… một cách lén lút,
như quý vị biết đó, mà không ai hay biết gì cả… mà không có lễ nghi thông
thường… ai có thể tha thứ được việc này?”
“Ðúng vậy!” Ngô thương gia phụ
họa. “Này góa phụ Vương, đây là một việc chỉ có thể xảy ra cho một người mẹ như
là một sự trừng phạt cho chính tội lỗi của người mẹ trong quá khứ. Hãy xét một
đứa con như thế không những sỉ nhục cho chính tên tuổi gia đình nhà bà, mà còn
sỉ nhục tất cả làng Ðào này nữa. Bà biết rõ rằng theo luật lệ lâu đời thì tội
này phải trừng phạt không thể nhẹ hơn cái chết. Bây giờ hãy nhớ lại trường hợp
đứa con gái nhà họ Châu — xảy ra cách đây ba hoặc bốn năm tại làng Thạch Môn —
đã bị đánh đến chết vì cùng một tội đó. Bà có nhớ rằng đứa con gái ấy đem chôn
mà không có quan tài không? Không ai gọi đó là sự tàn ác, mà chỉ là công lý
thôi, vì đứa con gái đã vi phạm luật lệ về đức hạnh. Hơn nữa, điều tệ nhất là
ngay cả sau khi đã chết, đứa con gái ấy vẫn còn tiếp tục bêu nhục danh thơm của
cả cộng đồng. Chấm dứt đời sống không chấm dứt được tội phạm của chúng… Không,
quả thực như vậy, và mọi người biết rằng cái chết không chuộc lại được tội
lỗi.”
“Ðiều ông vừa nói quả thực đúng
không cãi được. Cái chết không thể che xóa được tội phạm. Nhưng về mặt khác, đó
không phải hoàn toàn lỗi ở đứa con gái… Người mẹ cũng đáng trách nữa: gia đạo
bất nghiêm, kỷ luật dễ dãi. Trong trường hợp này có thể là chính người mẹ không
được đạo hạnh trong kiếp trước… Góa phụ Vương, để tôi khuyên bà phải cẩn thận.
Trong kiếp này bà phải nghiêm khắc hơn nữa.”
Lão Trượng Tóc Bạc là người vừa
ban những lời vàng ngọc này, mà lạ lùng thay không làm góa phụ Vương tức giận,
trái lại còn khuyến khích bà lên tiếng. Bà khép nép tiến lên, hai tay bối rối
kéo vạt áo rách. Bà nói, bằng một giọng nhẹ nhàng và mỉm cười một cách đau khổ.
“Vâng… Lão Trượng đáng kính… điều đó đúng lắm. Nếu con bé làm điều lầm lỗi thì
thực là tội của tôi. Tôi không biết được những tội không tha thứ được mà tôi
mắc phải trong kiếp trước, nhưng nhất định là đúng như lời Lão Trượng nói. Và
cái tội lỗi ghê gớm này của con gái tôi, Lão Trượng cũng đúng lắm, cái chết chỉ
là sự trừng phạt xứng đáng mà thôi. Tuy vậy…” bà bật lên khóc. “Nhưng tôi không
thể nói, tôi không còn mặt mũi nào để nói… tôi chỉ cầu xin sự thương xót! ít
nhất xin tha mạng sống cho nó!”
Ðây quả thực là một lời yêu cầu
táo bạo, một sự đòi hỏi quá đáng, và nếu lúc đó người làng không đang ăn uống
đồ ăn của bà thì bà không tránh khỏi sự chế nhạo của họ. Họ chủ trương phải thi
hành công lý và đạo đức thật sát chữ nghĩa, và thường thì không chấp nhận một
sự nửa vời. Tuy vậy mọi người đều hiểu rằng họ đã tới, đã ăn, đã được thỏa
thích và một số người tự động đến ăn mà không được mời, nên họ cũng không còn
lòng dạ sắt đá nữa. Nhưng quyết định của họ còn tùy thuộc vào ý kiến của Trần
phú ông, Ngô thương gia và Lão Trượng Tóc Bạc. Mọi người im lặng cho đến lúc họ
Trần tuyên án.
“Tôi đồng ý ông Ngô đã nói một
cách rất thông thái, và rất đúng vấn đề. Chết không che xóa được tội lỗi. Ðúng
thế! Vậy thì đối với tôi thì giết đứa con gái bây giờ cũng chẳng có lợi gì. Con
bé đã nhận tội, và góa phụ Vương cũng đã cầu xin lòng thương xót, và đã xin
chúng ta nể mặt người chồng quá cố của bà ta. Bà ta muốn tha mạng sống cho đứa
con gái, và nếu suy xét mọi khía cạnh thì có thể được lắm. Nhưng đồng thời
chúng ta không thể cho phép một người đàn bà vô luân lý tiếp tục bôi nhọ danh
thơm của làng. Nó phải đi khỏi làng ngay!”
Lão Trượng Tóc Bạc tán đồng quan
điểm này. “Việc đã làm rồi không lấy lại được nữa. Mặc dầu đứa con gái đó hoàn
toàn không có danh dự, nhưng giết nó đi thực là vô ích. Tốt hơn như ông vừa nói
là đuổi nó đi khỏi làng — phải tống nó đi ngay lập tức.”
Hai người này đã tuyên bố phán
quyết của họ, những khách còn lại tự coi là bồi thẩm đoàn, cũng lên tiếng buộc
tội. Quyết định được toàn thể đồng ý. Bộ mặt tái nhợt và mệt mỏi của góa phụ
Vương nở một nụ cười thành thực. Bà cúi vái lạy thật thấp ba người đàn ông
thông thái, và khúm núm cám ơn các nhân viên của một bồi thẩm đoàn tự chỉ định.
Trong bóng tối, A Múi đang ẩn nấp đã nghe thấy hết, và lạ lùng nàng không cảm
thấy sung sướng trước sự khoan hồng này. Nàng hiểu rằng mạng sống của nàng đã
được hồi phục, nhưng trong lúc viễn ảnh của cái chết làm nàng kinh hoàng thì
dầu sao nàng cũng còn quá trẻ để không quá sợ, trong khi đó bị đuổi khỏi làng,
xa lìa bà mẹ và không bao giờ được gặp lại, từ giã đứa em trai để lao mình vào
một tương lai xa lạ và vô định — thì đó là một điều nàng biết còn tệ hơn cả cái
chết. Sự đau khổ làm nàng run rẩy và tưởng như làm vỡ, xé nát thân thể nàng đến
nỗi nàng dường như không còn là một thân thể toàn vẹn, mà chỉ còn là một đống
vật gì đang run sợ một cách kỳ lạ vì đời sống.
oOo
Chuyện ấy xảy ra hai tháng
trước, lúc đầu tháng tư, vào một ngày có đầy sự dịu dàng vô tả, một sự uể oải
ngoài sức chịu đựng và một nỗi lâng lâng làm người ta lờ đờ mơ mộng, ngây ngất
như là uống một thứ rượu kỳ diệu.
A Múi đang trên đường về nhà vào
một buổi chiều từ làng Dự bên cạnh. Nàng nghĩ nàng chưa bao giờ biết một ngày
đẹp rực rỡ như thế. Trong cơ thể nàng có một hương ấm mới, một khí lực lạ lùng
trong nàng như thể nàng vừa bắt đầu biết sống. Cánh đồng hai bên đường đã đổi
từ màu vàng úa héo sang một màu xanh mới đầy nhựa sống, cây cối bừng sống dậy
và trên cành cây đầy nụ mới, chim chóc đậu đầy và hót líu lo vui vẻ. Tất cả thế
giới mà nàng có thể trông thấy được đều trẻ trung, tươi mát, nở hoa, thức dậy
và mong chờ. Mong chờ gì? Nàng không biết, nhưng nàng bỗng thấy mình bước đi
chậm lại. Mặt nàng nóng bừng từ một ngọn lửa bên trong, và nàng bỗng nhiên biết
đến cơ thể của mình, rung động và ấm áp căng đầy dưới quần áo.
“A Múi!” một tiếng gọi vang lên
từ đâu đó.
Ngạc nhiên và hơi sợ hãi, nàng
dừng lại, nhìn quanh, ngó qua cánh đồng tới những bụi thông và cả con đường đèo
trên núi, nhưng không thấy ai. Trên đầu nàng một đôi chim ó bay lượn vòng tròn.
Nàng đỏ mặt, xoa bộ mặt nóng bừng và bước đi.
“A Múi!” có người lại gọi nữa,
lần này gần hơn. Nàng đứng lại, phân vân hơn, nhưng vẫn không trông thấy ai và
lại bắt đầu bước đi thì nàng lại nghe tiếng gọi một lần nữa, lần này thật là
gần: “A Múi, tôi đây mà!”
Quay vội lại, nàng trông thấy
một cái đầu nhô ra từ một bụi cây. Rồi từ từ một thanh niên mặc áo choàng dài
bước ra, kể cả chiếc nón có nút đỏ đẹp đẽ. Gã con trai chừng hai mươi tuổi,
trông không tệ lắm, và khuôn mặt hớn hở tươi vui. A Múi nhận ra thanh niên đó
ngay. Ðó là con trai nhà họ Lý, có cửa tiệm trong làng bên cạnh. Nàng biết tên
gã là A Tiến.
A Múi nói, “Ái chà! Là anh hả?
Anh làm tôi sợ gần chết. Anh đi đâu về vậy?” Tuy nhiên nàng không có vẻ bực
mình khi gã con trai xuất hiện.
“Tôi ư?” gã hỏi. “Tôi ư? Tôi vừa
đi tỉnh về và tình cờ trông thấy cô từ đằng xa, và nấp ở đây định chọc cô.”
“Anh thực là một người trơ trẽn
quái quỷ!” Nàng la to một cách vui vẻ, giơ tay lên như muốn đập gã. “Làm người
ta sợ muốn chết.”
“Tôi thành thực xin lỗi, A Múi.
Sự thực là tôi có một điều quan trọng muốn nói với cô.”
“Cái gì vậy?”
Nhưng gã con trai bỗng nhiên yếu
đuối hoặc e thẹn. Gã nói thì thầm “Tôi…tôi…tôi–“, rồi nắm lấy tay nàng.
“Cái gì thế này?” A Múi vội giật
người lại, nhưng hai chân nàng từ chối không chịu nhúc nhích. Thân thể nàng run
rẩy, như bị một khích động, và nàng lại cảm thấy da thịt nàng rạo rực bên dưới
quần áo. Tất cả sức mạnh của nàng dường như mất hết. Gã con trai quàng tay ôm
lấy nàng, kéo nàng sát vào hắn, và rồi dẫn nàng vào trong rừng. Nàng không thể
tập trung được một sự kháng cự, trí óc nàng dường như không làm việc như thường
lệ, nàng hầu như không biết hai người đang di chuyển; và nàng không nói lên một
lời. Nàng chỉ biết rằng bên trong, nàng cảm thấy bừng bừng và hân hoan lạ lùng.
Hai người ngồi xuống bên dưới
một cành cây rậm lá, đầu nàng tựa vào vai gã con trai. Mắt nàng nhắm lại và
nàng thở hổn hển. Nàng cảm thấy bàn tay của gã con trai úp nhẹ lên vú nàng,
trên trái tim đang đập mạnh của nàng. Môi hắn đụng vào môi nàng, và bỗng nhiên
nàng cảm thấy một sự rạo rực của thân thể mà nàng chưa bao giờ được biết.
“Quạ!”
Một con chim ác là bay trên đầu
làm nàng giật mình, và trong một giây, đánh thức nàng biết rằng thế giới vẫn
còn tồn tại. Nàng rùng mình.
“A Tiến! Không, không! Thôi
đừng! Má sẽ đánh tôi chết!”
“Ðừng! Cô đừng lo. Hãy tin tôi.
Mọi việc rồi sẽ tuyệt diệu, như thế này mãi
Giọng nói của gã con trai cũng
run run, và một sự rung động kỳ lạ, một sự kêu gọi mà nàng chưa bao giờ nghe
thấy, và sự mời gọi ấy không thể từ chối được, đã hoàn toàn chiếm đoạt nàng.
Hắn mân mê cánh tay nàng, mặt nàng và cổ nàng. Nàng không còn chống lại nữa.
oOo
“Con làm sao thế, A Múi?” Góa
phụ Vương hỏi con gái khi A Múi, vẫn còn rất xúc động, trở về nhà vào lúc chiều
tối. “Con sốt hả?” Bà sờ trán nàng phủ lòa xòa vài sợi tóc. “Con có bị sốt
không?”
“Không sao cả. Con… con chỉ cảm
thấy không được khỏe thôi,” A Múi nói thì thầm, một nửa nói với mình. Nàng vào
giường và nằm xuống, và trong một lúc lâu nàng nằm yên không cử động. Nàng biết
rất rõ sự liều lĩnh, sự nguy hiểm, số phận đang chờ đón trước mặt, nhưng nàng
cũng biết rằng nàng sẽ vẫn gặp A Tiến, bất cứ khi nào hắn đòi hỏi, phải, dù là
ngay ngày mai.
Nàng chờ đợi một việc khủng
khiếp xảy ra; nàng sửa soạn tinh thần đón nhận sự khủng khiếp ấy. Về sau, sau
mỗi lần gặp gỡ hắn, nàng chờ đợi tội lỗi của nàng bị phơi bày và mỗi lần nàng
ngạc nhiên không thấy ai đến tố cáo. Dẫu sao nàng sẵn sàng nộp mình khi bại lộ,
nhưng cảm thấy an tâm khi nghĩ rằng người tình của nàng sẽ đứng ra bảo vệ nàng,
chấp nhận sự trừng phạt. Nàng tưởng tượng chính nàng trong giờ phút tủi nhục
đó, sẽ hãnh diện đứng bên cạnh người tình, chia xẻ với người tình bất cứ điều
gì số phận bắt hắn phải chịu. Và điều nàng luôn lo sợ cuối cùng đã xảy ra,
nhưng hậu quả không giống những gì nàng đã lãng mạn tưởng tượng. Chuyện xảy ra
đúng ba ngày trước khi góa phụ Vương đãi dân làng một bữa ăn linh đình như thế.
oOo
Sau ngọn núi Hồng Tử Sơn là một
ngọn đồi nhỏ mà người ta quên mất tên rồi. Lưng chừng đồi, hầu như chìm khuất
sau lá cây là một ngôi đền thờ vị sơn thần, nhưng bây giờ ít ai tới đó nữa, và
cũng ít người đi ngang qua ngọn đồi, trừ vài người thỉnh thoảng muốn đi tắt
sang làng Thạch Môn. Những khu rừng chung quanh là của một vị sứ quân giầu có;
ít người dám liều lĩnh đi ngang qua những lối đi um tùm ấy. Chỗ ấy bao trùm một
bầu không khí im lặng ma quái, nhưng lại là nơi hò hẹn rất tốt cho những người
tình trẻ.
Ngày hôm ấy Lão Ðức mặt rỗ, một
người thợ đốn củi, bò vào rừng để ăn trộm củi. Lão đã kiếm được một mớ và đang
định ra về vào lúc mà mặt trời hoàng hôn hắt những tia nắng đỏ rực vào bức
tường phía sau của ngôi đền thờ sơn thần. Quang cảnh đó mời gọi lão, và lão bỏ
bó củi xuống và ngồi xuống bậc thềm, thở dài, đốt tẩu thuốc hút và lơ đãng ngắm
trời đất.
Nhưng tiếng động gì thế này?
Nhét cây tẩu vào thắt lưng, lão cầm chiếc rìu lên, và đứng sẵn sàng để chống
lại bất cứ một con dã thú nào xông ra. Lão chờ đợi vài phút, tinh thần căng
thẳng và cũng hồi hộp. Lão đã định bỏ chạy, rồi lão nghĩ lại và nhớ rằng tấn
công trước là cách hay nhất để phòng vệ. Nhặt một hòn đá to bằng trái trứng
ngỗng, lão ném thật mạnh vào chỗ rậm rạp nhất của khu rừng.
Lão bỗng ngạc nhiên khi thấy
không phải một con thú xông ra, mà là một thanh niên. Gã thanh niên không đứng
lại, hoặc nhìn về phía Lão Ðức, trái lại gã chạy biến mất như ma quỷ. Tuy nhiên
Lão Ðức cũng kịp nhận ra gã là A Tiến. Hơi ngạc nhiên, lão bước vào chỗ bụi rậm
nơi gã thanh niên xuất hiện.
Thế là lão bắt gặp A Múi, vẫn
còn bơ phờ, quần áo xốc xếch, tóc vương đầy lá cây, và trông vẫn còn vẻ ngơ
ngác bàng hoàng. Quang cảnh đó khiến Lão Ðức nổi nóng, một cơn giận ghê gớm đã
xua đuổi cơn hoảng sợ của lão. Lão mở to mắt nhìn, rồi cúi xuống và đánh nàng
không nương tay.
“Hà! A Múi! Con quỷ! Mày làm
việc đẹp lắm!” Nàng không nói gì, chỉ đưa cặp mắt van nài và cầu xin lòng
thương xót. “Thật là con người không biết xấu hổ và ô nhục! Lén lút đến đây nằm
với nó!” Lão tàn nhẫn táng thêm vào mặt nàng.
Sau đó, cảnh này, và những sự
đánh đập tiếp theo của Lão Ðức đang tức giận chỉ còn lại lờ mờ trong tâm trí A
Múi. Nàng không thể nhớ được bằng cách nào, dưới sự lôi dẫn của lão, nàng trở
về nhà trong tủi nhục, và cũng không biết tại sao tin tức về người tình của
nàng lan khắp làng trong vài phút. Nàng đã nhìn thấy tất cả những cặp mắt đầy
giận dữ: những cặp mắt liếc nhìn lạnh lùng của lòng thù ghét. Ngay cả mẹ nàng
cũng nhìn nàng một cách giận dữ và chua chát, tuy thế thật sâu bên dưới cặp mắt
đó là một cái nhìn của một nỗi buồn đau đớn làm nàng khổ tâm. Nhưng những cây
gậy quật xuống, những trận đòn đến như mưa, những lời nguyền rủa, tất cả không
làm nàng đau đớn và cũng không nhục nhã và cũng không hối tiếc một chút nào.
Nàng đã chờ đợi những sự đó, và
bây giờ đã đến. Ðó không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng là điều chắc chắn xảy
tới của số kiếp, và nàng đã sửa soạn chờ đợi những gì đã xảy ra. Chỉ có một
điều xảy ra làm nàng kinh hoàng và chán nản, là người tình của nàng không phải
chịu một hậu quả nào, và không tỏ ra một chút quan tâm đến nàng nữa.
oOo
Ba ngày trôi qua như một biến cố
trong giấc mơ, và bây giờ phán quyết của các nhà thông thái đã được công bố.
Không phải chết nữa. Ðúng ra nàng cũng cảm thấy đôi chút dễ chịu trước quyết
định này; tuy thế nàng không vui sướng chút nào. Nàng cảm thấy thân thể già đi,
nặng nề và vô cùng mệt mỏi, và tinh thần nàng hoàn toàn tan nát — tan nát không
phải bất cứ điều gì đã nói về nàng, đã xảy đến với nàng, cũng không phải nỗi
buồn chua chát trong đôi mắt của bà mẹ. Ðó chính là sự kiện một mình nàng phải
chịu tất cả trách nhiệm, và tư cách hèn nhát của gã con trai, người tình của
nàng.
Ngay trước khi các khách đàn ông
uống cạn chút rượu cuối cùng thì khách đàn bà tới ăn phần của họ, và trong lúc
ấy A Múi vẫn tiếp tục chúi sát vào chân bức tường, lục đục trong chỗ ẩn núp,
đói và run rẩy, không phải vì trời lạnh, không phải vì nàng không còn cảm thấy
sợ chết, nhưng vì một cơn bệnh không tên đang chiếm trọn nội tâm nàng. Các
người đàn bà ăn uống mạnh bạo không kém gì khách đàn ông. Khi người khách cuối
cùng ăn xong thì trời đã khuya, và từng người một ra về. Giống khách đàn ông,
trong lúc họ ăn uống từng đống đồ ăn trước mặt một cách rất thèm thuồng, họ
cũng đưa ra những lời phẩm bình gay gắt và chế nhạo, với ý định đâm thêm cho bà
mẹ và người con gái một cách tàn nhẫn.
Không khí bữa tiệc bỗng căng
thẳng khi bà Lý, mẹ của gã A Tiến, bất ngờ xuất hiện trước bữa tiệc. Bà ta tới,
không phải là để xin lỗi về phần con trai của bà ta, mà trái lại, đến để nguyền
rủa góa phụ Vương đã để cho con gái dụ dỗ con trai của bà ta phạm tội tà dâm.
Bà ta bắt đầu bài chửi ngay trước khi bước vào nhà. Khi trông thấy thân hình
mập phì của bà ta đi núng na núng nính từ đằng xa, người góa phụ đã vội chạy
lại chào đón bằng một trái tim đã chìm xuống. Bà Lý lạch bạch đi qua cây cầu
uốn cong trên dòng suối, và đi thẳng tới cửa nhà họ Vương. Khi trông thấy người
mẹ đau khổ, mụ ta thụt lui lại vài bước, chỉ tay vào mặt bà Vương và lớn tiếng
mắng chửi, “Con đàn bà khốn nạn! Con nào mẹ đó! Vậy mà mụ còn mặt mũi nào ra
đây gặp ta? Thực không? Con trai ta trong sạch, không tà dâm, đàng hoàng tử tế;
nó đã quỳ gối trước bàn thờ Khổng Tử; nó đã thông hiểu những lời dạy dỗ của vị
đại thánh. Thế mà mụ, người mẹ không biết xấu hổ, và đứa con gái vô luân lý đã
định quyến rũ nó và làm hại đời nó! Ta quyết định cùng chết với mụ ngay bây
giờ.”
Và nói thế xong, mụ quả thực
định xông về phía góa phụ Vương, và có vẻ quyết định ăn thua đủ với người đàn
bà khốn khổ. Các khách đàn bà khác vây quanh hai người, làm thành một vòng tròn
nhỏ, và an ủi vỗ về cơn giận của bà Lý bị xúc phạm. Thực ra, mụ đàn bà mập quên
đi ý định đầu tiên, nên mụ để cho các thực khách đàn bà dẫn mụ vào nhà. Mụ cũng
tham dự bữa tiệc một cách thực tình, và thỉnh thoảng vẫn lải nhải, “Con bé đã
quyến rũ con trai tôi… Từ nay trở đi con trai tôi sẽ không thể ngẩng mặt lên
được.”
Khi người khách cuối cùng đã về
rồi, bà góa phụ già chậm chạp bước vào trong chỗ tối tăm, cầm theo cây đèn dầu.
Bà gọi A Múi ra để ăn. A Múi từ từ chui ra, nhưng cả một ngày ẩn nấp, nằm thu
mình vào một chỗ chật chội, đã làm nàng mệt mỏi đến nỗi bây giờ nàng không còn
sức đứng thẳng được. Ngay trước đó, nàng tưởng nàng đói đến chết, nhưng bây giờ
nàng không thể nuốt được một miếng nhỏ.
Nửa đêm. Góa phụ Vương vẫn chưa
đi ngủ. Bà đi lại trong căn phòng nhỏ, nhặt những món đồ chỗ này chỗ kia, bận
rộn sắp xếp vào hành lý mà A Múi sẽ đem theo, khi nàng ra đi vào sáng sớm ngày
hôm sau. Cuối cùng bà buộc chặt túi hành lý, rồi lại mở ra lần nữa, bỏ thêm hai
đôi vớ nữa. Bà đứng im lặng một lát; rồi từ một chiếc tủ cũ đã gẫy, bà lấy ra
một chiếc váy vải, và cái váy dường như hoàn tất số quần áo của người ra đi.
Ðêm mùa xuân thực là ngắn, và
một lát sau những con gà trống bắt đầu gáy. Người góa phụ đánh thức con trai và
con gái dậy, thắp ngọn đèn lồng, cho hai đứa con ăn sáng, và rồi đi theo A Múi
tới chiếc xe cút kít ngay ngoài cửa.
“Con ơi, con hiểu không, không
phải là mẹ muốn bỏ con — con đã tự làm hỏng đời con –“.
Nhưng chiếc bóng của một người
lưng đã còng bỗng xúc động tràn đầy nước mắt. Bà dường như ôm lấy không khí, và
tiếp tục nói, cố gắng mỉm cười dịu hiền, “A Múi, con cần phải thận trọng. Từ
nay trở đi con phải đứng một mình, và mẹ sẽ không còn phải lo lắng nữa. Về phần
mẹ, con nên nghĩ rằng mẹ đã chết, không còn trên cõi đời này nữa. Nếu mẹ con ta
không còn gặp nhau tại đây nữa, thì có lẽ là sau khi chết… dẫu sao, cũng nên hy
vọng.”
Bà ngồi bên cạnh A Múi trên
chiếc xe cút kít do đứa con trai đẩy, cho tới khi họ đi đến một cây sồi cổ thụ,
ngay tại đường lộ lớn, khoảng nửa dậm từ nhà bà. Bà bước xuống tại đó, từ giã
con gái, và đứng nhìn theo chiếc đèn lồng xa dần, giống như tia sáng cuối cùng
của đời sống trong cõi chết mênh mông, tia sáng lờ mờ của chiếc đèn chìm vào
một vùng tối đen thăm thẳm.
Nguyễn Vạn Lý
§ Tựa đề
nguyên thủy ” A Múi” trên trang Truyện Ngắn – Ebook
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment