Wednesday, May 1, 2024

Ngày Thần Tiên Em Bước Lên Ngôi - Luong Le Huy

 

NGÀY THẦN TIÊN EM BƯỚC LÊN NGÔI

 

Một buổi trưa hè nóng bức Sài Gòn của năm 1964 hay 65, tôi nằm mơ màng nửa thức nửa ngủ. Cạnh đầu là chiếc radio xách tay muôn thủa hiệu National, đang phát chương trình Phụ nữ do nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh phụ trách.

Lương Le Huy

 


Cuối chương trình luôn là một bản nhạc, trưa hôm đó bản nhạc được giới thiệu có một tựa đề hay và lạ, Tình Khúc Thứ Nhất, người hát có tên Từ Hà.

“Ngày thần tiên em bước lên ngôi

Đã nghe son vàng tả tơi…”

Giọng hát êm đềm, thủ thỉ. Nói hơn là hát, kiểu như “diseuse” Juliette Greco hát bài ‘Les Feuilles Mortes’. Từ ngày đó, tôi nghe vài chục ca sĩ hát bản nhạc “Tình khúc số dách” – biệt danh giới làm VHNT Sài Gòn gọi bản nhạc – nhưng không thích bằng khi nghe người ca sĩ bất đắc dĩ hát lần đầu đó.

Từ Hà không là ai khác hơn nhà thơ nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Tôi biết cái tên Từ Hà đã lâu, qua những chương trình thoại kịch – kịch nói – trên Đài phát thanh Sài Gòn. Những vở kịch có lẽ do chính ông viết, không được in, nay bản thảo không còn. Một giọng đọc đàn ông mà ai nghe qua một lần sẽ không thể quên.

Tôi đã đọc cuốn truyện đầu tay của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, cuốn ’Chị em Hải’, 1961. Trước đó Nguyễn Đình Toàn có tập thơ ’Mật đắng’, nhạc sĩ Vũ Thành An đã phổ nhạc một số bài thơ trong đó. Hay nhất có lẽ là bài ‘Khi em về’, tôi còn nhớ ít câu:

Quê mẹ đó ưu phiền nhiều quá lắm

Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo

Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng

Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa

Cứ cúi đầu rồi cứ thế ra đi

Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết

Và dấu giày mai sẽ lá sương che.

(Có lẽ Vũ Thành An là người duy nhất phổ nhạc thơ Nguyễn Đình Toàn, và rất hay. Riêng bài ‘Tình Khúc Thứ Nhất’ là Nguyễn Đình Toàn đặt lời sau khi Vũ Thành An viết nhạc).

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn viết khá nhiều tiểu thuyết, thường được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Văn Học trước khi xuất bản. Tác phẩm Áo Mơ Phai được trao giải thưởng văn chương quốc gia năm 1973.

Nói đến nhà văn Nguyễn Đình Toàn, người ta cũng nhớ đến chương trình “Nhạc chủ đề”, chính thức do Vũ Thành An phụ trách, Nguyễn Đình Toàn viết và đọc lời giới thiệu khá tỉ mỉ về người nhạc sĩ được giới thiệu trong buổi phát thanh và trước mỗi bài nhạc được hát. Lời giới thiệu và cả giọng đọc làm nên sự thành công của “Nhạc chủ đề”. Cũng kể từ đó, hầu hết các cuốn băng nhạc được làm ra đều mang một chủ đề nào đó.

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn cũng viết nhạc, nhưng tôi không được thưởng thức, bản nhạc duy nhất của ông tôi được nghe là bài “Sài Gòn niềm nhớ không tên”, được chuyển lén ra hải ngoại khi tác giả còn ở trong nước.

Nhớ đến nhà văn Nguyễn Đình Toàn tôi luôn nhớ đến vóc dáng gầy gầy, áo sơ-mi trắng dài tay cài măng sét, mỗi buổi chiều ngồi một mình ở chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ, với ly trà Lipton trong quán cà phê Brodard, đường Tự Do. Khác với La Pagode, vốn dành cho người lớn tuổi và văn nghệ sĩ hay Givral cho giới trung niên, Brodard dành cho giới trẻ, choai choai Sài Gòn. Tôi không biết tại sao ông lại chọn quán này. Vì tâm hồn ông trẻ hay không khí vui nhộn trẻ trung của Brodard cho ông nhớ lại thời trẻ của chính mình ở một thành phố khác, cách xa hàng ngàn cây số, Hà Nội?

Nỗi hoài vọng về Hà Nội, thành phố của tuổi trẻ huy hoàng đã mất, hiện nguyên hình trong “Áo mơ phai”, một trong những cuốn truyện cuối cùng của NĐT trước 1975. Hà Nội xưa đẹp, lại càng đẹp trong lòng những người con của nó đã phải dứt áo ra đi khi tuổi vừa chớm biết yêu. Tuổi trẻ luôn quay trở lại ám ảnh khi người ta nhận ra nó đã không bao giờ trở lại.

“… Lúc mắt chưa nhạt phai, lúc tóc chưa đổi thay, lúc môi chưa biết dối cho lời…” (‘Tình Khúc Thứ Nhất’, nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn).

Lương Le Huy

304Đen – Llttm -sgtc

 

No comments: