Saturday, January 16, 2016

Nghề Tang Tằm Và Bối Cảnh Sự Nghiệp Của Ỷ Lan Phu Nhân - Nguyễn Đức Cung



NGHỀ TANG TẰM VÀ BỐI CẢNH SỰ NGHIỆP CỦA

Ỷ LAN PHU NHÂN 

 


       
    Văn chương bình dân Việt Nam thường hay phản ánh đường nét hiện thực của một xã hội tổ chức trên nền tảng lao động lồng trong khung cảnh của những quan hệ luân lý, đạo đức và tình thương gia đình, tỉ dụ những câu như sau:

                Mẹ ơi! Chớ đánh con đau,

        Ðể con mót lúa, hái dâu mẹ nhờ. (Ca dao)

hoặc là trong Thơ mới:

                Tằm em ăn rỗi hôm nay,

        Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua.

                                 (Nguyễn Bính, Áo anh, 1939)

 

        Trong một số công việc liên quan tới nông nghiệp hay công tác nơi đồng áng nông thôn Việt Nam, các việc làm như mót lúa hoặc hái dâu, hầu như chỉ dành cho lớp người phụ nữ nghèo khổ bình dân trong xã hội. Với bốn thành phần giai cấp sĩ, nông, công, thương của xã hội phong kiến Việt Nam từ ngàn xưa, những người chuyên nghiệp mót lúa, hái dâu cũng không được xếp vào hạng nào cả trong các hạng nói trên bởi vì điều kiện vật chất của họ tương đối thấp kém. Văn chương thi phú và các hình thái nghệ thuật bác học khác trước đây cũng ít khi nhắc tới hoặc viết đến họ. Họ không được một luật lệ nào của xã hội bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của họ cả.

        Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam, một nhân vật nữ xuất thân từ nghề hái dâu hèn mọn đã leo lên vị trí của một bậc mẫu nghi thiên hạ để lại tiếng thơm trong lịch sử, đó là Ỷ Lan Nguyên Phi, vợ của vua Lý Thánh Tông (1054-1072), mẹ của vua Lý Nhân-Tông (1072-1127).

        Vào thời tiền chiến ở nước ta, một số tác phẩm ít nhiều có viết về các đề tài xã hội và gần đây cái khuôn hiện thực thuộc định chế xã hội chủ nghĩa có nhắc đến với mục đích sử dụng tầng lớp nghèo của xã hội nông thôn làm đề tài trong một thể loại văn nghệ gọi là nền văn nghệ minh họa qua đó mượn họ mà đề cao một chế độ chính trị hoặc xưng tụng những kẻ cầm quyền của nền chuyên chính vô sản. Chúng ta đọc lại chuyện Ỷ Lan, một người con gái xuất thân từ nghề trồng dâu nuôi tằm để trân quý một mẫu người có nghị lực biết tìm cách vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn, một người có tầm nhìn hiện thực và đầy viễn kiến dù sống cách chúng ta hơn mười thế kỷ.

 

        1.- Nghề tang tầm, nét đặc thù của nền văn hóa cần lao Việt Nam.

 

        Nếu cây lúa là biểu tượng cho cái ăn của người Việt Nam thì cây dâu, con tằm nói chung “tang tằm” chỉ cái mặc của tiền nhân chúng ta qua trường kỳ lịch sử. Nền văn hóa Việt Nam trước đây chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc mà trong nền văn chương Trung Quốc, cây dâu được dùng để ví von cho nhiều việc, nhiều sự kiện, tốt cũng như xấu, từ sự biến thiên thay đổi ngoài không gian đến tình tự lứa đôi giữa các cặp trai gái thời xưa, sự được thua may rủi trong cuộc đời, hình ảnh nói về cảnh quan địa lý, thậm chí đến cả kỹ thuật “chài mồi” bậc hoàng đế quân vương trong chốn tam cung lục viện của các cung nữ ngày xưa.

            Trong văn chương ta thường nghe “tang bồng” tức tang hồ, bồng thỉ: cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Ngày xưa tục nước Tàu hễ đẻ con trai thì dùng cung tên bằng tang và bồng bắn sáu phát lên trời xuống đất và ra bốn phương, tỏ ý người con trai sẽ có công việc ở thiên địa tứ phương. Vì thế người ta dùng chữ tang-bồng hồ-thỉ mà tỏ chí khí của nam nhi. 1 Liên hệ đến tình cảm gia đình, người Trung Quốc dùng hai chữ tang và tử (cây dâu và cây thị qua kinh Thi với câu “Duy tang dữ tử, tất cung kính chi” ý nói cây tang, cây tử là của cha mẹ trồng, mình nhớ đến nó thì sinh lòng cung kính. Sau vì thế mà nói tang-tử là nơi quê nhà.

         Trong văn học Trung Quốc, người ta thường nói “thương hải biến vi tang điền” hay ngắn gọn là “tang hải” chỉ sự đổi thay trong ngoại cảnh không gian (biển xanh hóa thành ruộng dâu). Thành ngữ “Bộc thượng tang gian” nói về tích xưa con trai nước Trịnh và con gái nước Vệ, thời Xuân Thu, hẹn nhau ra vườn dâu trên bờ sông Bộc để tư tình. Một điển tích khác nói rằng quan Thái Sử vua Trụ hay đàn bản dâm cho vua nghe. Sau ông trầm mình chết ở sông Bộc, lưu truyền lại cho dân-cư tại đó những bản đờn dâm. 2 Trong Kinh Thi của Trung Hoa, bài “Tang Trung” có câu : “Kỳ ngã vu tang trung” (hẹn với ta ở trong bãi dâu) cười chê con trai con gái hẹn nhau làm việc dâm bôn. “Tang trung chi lạc” nghĩa là “cái vui ở trong ruộng dâu” tức chuyện trai gái cẩu hợp.

            Trung Quốc có chữ tang du. Sách Tàu xưa truyền rằng ở góc biển Tây có cây tang-du, mặt trời đến đó thì lặn, nên người ta nói cảnh tượng người già gần chết, thì nói rằng tang-du vãn-ảnh. Như vậy tang-du là phương tây nên còn có câu “ Thất chi đông ngung, thu chi tang du” nghĩa là mất ở góc đông, thu lại góc tây, ý nói mới ra lầm lỡ sau lại đền bù được vậy 3. Ở Trung Quốc, trong thời cổ, người dân không được phép trồng cây lớn trong ruộng, sợ mất đất trồng lúa, nhưng được phép trồng dâu, rau, trái cây chung quanh mỗi nhà, có lẽ cũng vì những lợi ích thực tiễn, ngắn ngày của chúng.

        Trong văn chương bác học Việt Nam, qua tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, Ðặng Trần Côn đưa vào đó hình ảnh cây dâu có lẽ cũng rất quen thuộc với xã hội nông thôn Việt Nam, phản chiếu bóng dáng của một “thương hải biến vi tang điền” đậm đặc nét Trung Quốc trong ý nghĩa điển tích:

            Tương cố bất tương kiến,

         Thanh thanh mạch thượng tang,

            Mạch thượng tang, mạch thượng tang…

        Thiếp ý quân tâm thùy đoản tràng.

 

            Ðoàn Thị Ðiểm (?) đã dịch là:

            Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

         Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

            Ngàn dâu xanh ngắt một mầu,

         Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? 4

 

            Cụm từ mạch thượng tang (mạch: đường nhỏ, đường bờ ruộng) 5  được tác giả sử dụng kỹ thuật điệp ngữ để tạo ra hình ảnh trùng trùng điệp điệp ngàn dâu xanh trong văn bản chữ Hán vẫn được dịch giả tài tình diễn lại trọn tình, trọn ý trong bản Nôm!

        Trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã mượn điển tích của văn học cổ Trung Hoa nói về người cung nữ rải lá dâu trước cửa phòng để dụ xe dê chở vị hoàng đế đi qua, dừng lại phòng mình để mong lọt mắt xanh đấng cửu trùng:

                        Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

            Kiếp tằm vương tơ, biểu tượng số mệnh của người nghệ sĩ, vốn là điều ai cũng biết nhưng tìm nguồn gốc ví von này cũng không đơn giản. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Từ đó biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn nói đến thân phận tằm cũng để nói lên số kiếp của mình.

 

 

        Trong văn chương bình dân nước ta, chúng ta cũng đọc thấy những vần điệu về nghề tằm tang như sau:

         Trời mưa lác đác ruộng dâu,

         Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay.

        Bước chân xuống hái dâu này,

        Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ.

        Thương em chút phận ngây thơ,

        Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng…

Hoặc là:

            Sáng ngày ta đi hái dâu,

        Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.

            Hai anh đứng dậy hỏi han,

        Hỏi rằng: Cô ấy vội vàng đi đâu?

        - Thưa rằng tôi đi hái dâu,

        Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.

        - Thưa rằng bác mẹ tôi răn,

        Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

 

        Trong sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho biết văn minh tằm tang là của người phương Nam truyền ngược lên phương Bắc : “Trong những di chỉ khảo cổ thuộc Hậu Kỳ Đá Mới cách nay khoảng 5.000 năm (như di chỉ Bàu Tró), đã thấy có dấu vết của vải, có dọi xe chỉ bằng đất nung. Ðến giai đoạn Ðông Sơn (cách nay khoảng 3.000-2.500 năm), hình người trên trống đồng đều mặc áo, váy và đóng khố. Cấy lúa và trồng dâu, nông và tang – đó là hai công việc chủ yếu luôn gắn liền nhau của người nông nghiệp Việt Nam. Người Hán từ xưa đã luôn xem đó là hai đặc điểm tiêu biểu nhất của văn hóa phương Nam: Ðó cũng chính là hai đặc điểm đầu tiên mà Từ Tùng Thạch kể đến trong cuốn Việt Giang Lưu Vực Nhân Dân [Kim Ðịnh 1971a: 108]; trong chữ “Man”mà người Hán dùng để chỉ người phương Nam có chứa bộ trùng chỉ con tằm.” Và tác giả này trích dẫn: “Từ phương Nam, nghề tằm tang đã được đưa lên phương Bắc. Sách Hoàng Đế Nội Kinh của TrungQuốc nói về việc này một cách hình tượng là “Khi Hoàng Ðế chặt đầu Si Vưu thì thần Tằm Tang dâng lụa cho ông”(hiểu là: khi bộ lạc phương Bắc do Hoàng Ðế làm thủ lĩnh chiến thắng bộ lạc phương Nam do Si Vưu làm thủ lĩnh, thì người phương Bắc tiếp thu được bí quyết nghề trồng dâu nuôi tằm của người phương Nam). Các sách cổ Trung Quốc như Thủy Kinh Chú, Tam Đô Phú, Tề Dân Yếu Thuật… đều nói rằng đến đầu Công Nguyên, trong khi ở Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp (Chăm-pa) một năm đạt được tới 8 lứa.” 6  Nói như vậy có cường điệu phần nào chăng? Có thể là như vậy. Vả lại nền văn minh Ðại Việt tiên vàn là nền văn minh Hán hóa và các tầng văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn rồi Ðông Sơn có thật sự là nền văn minh Việt Nam hay của dân sở tại thuộc giống Indonésien hay Mélanésien mà hậu duệ ngày nay là người Mường7, một vấn đề đã được sử gia Nguyễn Phương, Giáo Sư Sử Học Viện Đại Học Huế nghiêm túc trình bày cách đây hơn bốn thập kỷ? 

        Năm 1092, trong bước đầu củng cố và phát triển chế độ quân chủ tập quyền, nhà Lý tiến hành lập địa bạ lúc đó gọi là điền tịch trong đó xác nhận địa phận làng xã, kê rõ diện tích ruộng đất làng xã, phân loại phẩm chất đất, phân loại theo cây trồng như trồng lúa, trồng dâu, trồng mía và như vậy nghề trồng dâu đã được minh định trên sổ sách giấy tờ từ rất lâu cách nay mười thế kỷ.8 Theo Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, gọi tắt là Cương Mục, sau khi đánh thắng Hai bà Trưng, “vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập thành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái tổ kén, nên gọi là thành Kiển Giang.” Lời chua sách Cương Mục tiếp đó chép: "Theo Ðại Thanh Nhất Thống Chí, Thành Kiển Giang, thành Vọng Hải đều ở huyện An Lãng. Khoảng năm Kiến Vũ (25-56), trong khi Mã Viện nhà Hán sang bình Giao Chỉ, đắp hai thành ấy ở huyện Phong Khê và huyện Vọng Hải.” Kiển là cái kén tằm, tức là cái tổ của con tằm nó tự nhả tơ ra để che mình nó. Như vậy từ thế kỷ I sau Công Nguyên, nghề tăng tằm hay ít nhất ý niệm về nghề này cũng mới được truyền vào nước ta qua công trình kiến thiết thành lũy của Mã Viện, vị tướng nổi danh của phương Bắc. Việc Mã Viện dùng danh từ Kiển Giang để gọi kiến trúc phòng bị mới xây hoặc là vì cấu trúc chung của thành có hình giống cái tổ kén mà đặt tên về sau hoặc sơ đồ dự án xây cất dựa trên ý niệm thời thượng lúc bấy giờ trong một xã hội mà việc tang tằm mới được du nhập và cổ xúy ở nước ta.

        Như một quy luật của lịch sử, các con sông lớn ở Việt Nam cũng như các con sông khác trên thế giới thường tạo nên một số các nền văn minh quốc gia. Thí dụ ở Trung Quốc có hai sông Hoàng Hà và Dương Tử tạo ra nền văn minh Trung Quốc. Ở Cận Ðông và Lưỡng Hà Ðịa là văn minh của Mesopotamia thuộc hai sông Tigris và Euphrates. Ở Ai Cập, có văn minh sông Nile. Các sông lớn ở Bắc Mỹ như Mississipi, Amazone hoặc các sông ở Pháp như Rhône, Garonne, Rhin v.v… cũng từng giữ những vị trí quan trọng trong đời sống người dân ở các vùng đất chúng chảy qua. Ở Việt Nam, nói đến văn minh sông Nhị Hà, người ta thường gọi văn minh sông Hồng, hay ở trong Nam thì gọi văn minh Nam bộ hay văn minh miệt vườn, có khi gọi là văn minh sông Cửu Long.

        Do việc những bãi đất tân bồi của sông ngòi xứ Bắc như bờ bãi sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thương là những vùng đất lý tưởng đối với việc trồng dâu nên đã khiến nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành một công nghệ gia đình phổ biến với diện tích độ từ 14.000 đến 15.000 héc-ta.10 Tại miền Trung, đất hẹp người đông, nhiều sông ngòi nên dân địa phương đã tranh thủ các vùng đất bồi từ các sông thuộc rặng Trường Sơn phía tây đổ về để phát triển nghề trồng dâu với một quá trình lịch sử cũng lâu đời như miền bắc và tơ tằm của ta ngay từ thời Lê mạt đã cạnh tranh rất đắc lực với tơ tằm Nhật và Trung Hoa.

                Ở Quảng Bình, dọc theo hữu và tả ngạn sông Gianh ở ba nguồn sông là Nguồn Nậy, Nguồn Son và Nguồn Son có nhiều làng chuyên trồng dâu, dệt vải, dệt lụa như Thuận Bài, Thổ Ngọa v.v… Quảng Nam có sông Thu Bồn, Quảng Ngãi có sông Trà Khúc, sông Vệ, sông La-châu với những bãi đất mới ven sông do các trận lụt thường niên bồi đắp, nông dân từ đời này sang đời khác tranh thủ biến thành ruộng lúa, nương dâu. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có khi được dùng để đan lưới rất chắc. Các vùng đất thuộc lưu vực các sông ở Bình Ðịnh như sông Vực-lấm, sông Ðà-bàng, sông An-lão, sông Kim-sơn thuộc tỉnh Bình Ðịnh, lưu vực sông Ðà-Rằng thuộc tỉnh Phú Yên cũng có nhiều vườn dâu vì cây dâu ưa loại đất xôm xốp có thấm nước. Tơ lụa ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng nổi tiếng khắp nước, và dĩ nhiên nỗi vất vả còn theo mãi với cuộc sống người dân quê ở đây.

            Ai về qua phố Hội An

         Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên

(Trần Trung Ðạo, Lụa Duy Xuyên).

Hay là:

            Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy

        Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai

            Nghiệp tầm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài

        Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ.

       (Trần Trung Ðạo, Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng).

 

        Nói chung toàn bộ các tỉnh miền trung có khoảng 6.500 héc-ta vườn dâu. 11

        Ở miền Nam, Trần Văn Giàu đã khái quát hóa khi cho rằng “trước khi Tây đến, nghề trồng dâu để tằm khá thịnh đạt; rất nhiều làng có những “xóm lụa”, “xóm lãnh”, “xóm cửi”. Vĩnh-long là một chợ quan trọng mua bán tơ, Sa-đéc, Bến-tre, Hà-tiên, Châu-đốc, Long-thành, Thủ-dầu-một, xưa kia đều thịnh vượng về nghề tằm tang lụa vóc. Nhưng đến sau 1914-1918 thì hầu như Nam-kỳ không còn có nghề trồng dâu để tằm đáng kể nữa. Ðó là vì vải nước ngoài do Pháp đem vào cạnh tranh làm cho nghề trồng dâu để tằm, dệt lụa chết sạch. Nay (sau 1914-1918) chỉ còn có ở Tân-châu, Chợ-mới, Ba-tri, Cai-lậy, An-hóa. Từ năm 1920 đến 1927 chỉ có 450 éc-ta trồng dâu thôi; từ 1927 diện tích trồng dâu có lên, năm 1930, Nam-kỳ có 1.200 éc-ta trồng dâu.” 1

            Dựa theo tài liệu của nhà đương cuộc Pháp trong Niên Giám Ðông Dương, Nguyễn Phan Quang đã viết khá đầy đủ về nghề tằm tơ. Theo ông vào những năm cuối thế kỷ XIX cây dâu được trồng phổ biến ở Nam Kỳ. Mỗi gia đình trồng dăm gốc dâu để nuôi tằm, nhưng nghề trồng dâu với quy mô lớn thì chưa thành hình. Giống dâu trồng phổ biến ở tỉnh Gia Ðịnh là dâu tàu (gốc Trung Hoa), cho nhiều lá, thân cây rất cao. Ngoài ra còn giống dâu sẻ, thích nghi với đất bùn, thu được ít lá. 13  Căn cứ theo phúc trình của Công Sứ tỉnh Gia Ðịnh, trong Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất, ở Gia Ðịnh rất ít người nuôi tằm ươm tơ, chỉ thấy lác đác một số gia đình ở An Thạnh, Long Tuy Hạ và Bình Trị Thượng. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất, diện tích trồng dâu ở Nam Kỳ có tăng thêm. Tổng diện tích trồng dâu năm 1924 là 438 ha; trong đó nhiều nhất là Châu Ðốc (300 ha), Bến Tre (100 ha).14  Tư liệu của Nguyễn Phan Quang cho biết ở Nam Kỳ lá dâu có thể thu hoạch quanh năm, còn ở Bắc Kỳ chỉ thu hẹp trong ba tháng mùa đông.15 Nói chung toàn quốc có khoảng 20.000 hécta đất để trồng dâu.

            Nghề tằm tang vốn là một nghề phụ của nông nghiệp nhưng đặc biệt lại là nghề riêng của đàn bà con gái. Trong các gia đình Việt Nam ngày xưa, việc cày sâu cuốc bẩm vốn để cho cánh đàn ông con trai vốn vai u thịt bắp, có sức khỏe chịu đựng được mưa nắng còn nghề hái dâu, chăn (nuôi) tằm thường để cho con gái bình dân nơi thôn xa, kể cả con gái nhà khá giả vốn cần mẫn, chịu thương chịu khó với nghề nghiệp của mình. Ðàn bà, con gái Việt Nam sẵn khéo tay lại siêng năng, tỉ mỉ, chu đáo nên khá thích hợp với nghề đó. Nhiều người xác nhận đây là một nghề rất vất vả cực nhọc (Làm ruộng ba năm  không bằng chăn tằm một lứa; Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng). Kinh nghiệm nghề nghiệp cho biết từ tơ tằm, người Việt chúng ta ngày trước đã từng dệt nên nhiều loại sản phẩm khác nhau như: tơ, lụa, lượt, là, gấm vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, đũi, địa, nái, sồi, thao, vân…

        Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng nhắc nhở như là những vật thể kỷ niệm:

                        Nào đâu cái yếm lụa sồi?

            Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

                        Nào đâu cái áo tứ thân?

            Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

 

            Trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục, Phan Kế Bính đã viết rất chi tiết về cách nuôi tằm và cách ươm tơ với những đoạn trích dẫn như sau:

            “Cách nuôi tằm trước hết mua trứng ngài treo để chỗ mát cho nó nở ra các con sâu nho nhỏ rồi bỏ vào nong, lấy lá dâu thái thực nhỏ như sợi thuốc lào, rắc vào nong cho nó ăn. Mỗi ngày phải cho ăn độ ba mươi sáu hoặc bốn mươi tám lần, ít nhất cũng phải hai mươi sáu lần. Cho ăn như thế độ một tuần lễ, rồi thái to hoặc để cả lá mà cho ăn mỗi ngày độ năm sáu lần. Nuôi cho đến khi thấy con tằm vàng ánh bụng ra thì bắt nó lên né cho nó kéo tơ làm tổ, gọi là quả kén.

        Cứ hai mươi bốn ngày hoặc một tháng thì được một lứa tằm. Nhà thường thường mỗi lứa nuôi vài chục nong, nhà giầu nuôi đến hàng trăm nong.

            Nuôi tằm phải làm một phòng riêng hoặc phải làm riêng một cái nhà. Nền nhà phải cao cho khỏi ẩm thấp. Nhà phải kín và bốn mặt đều phải có cửa, thường thường phải mở cửa cho thông khí. Giời nóng phải mở cho mát, giời rét phải đóng cho ấm.

        Phải giữ gìn đừng cho ruồi nhặng đậu vào con tằm. Nếu để ruồi nhặng đậu vào thì sinh ra bọ mà hại kén về sau. Lại phải giữ chuột vì chuột hay ăn tằm lắm.

            Nuôi tằm kiêng nhất là hơi người chết. Nếu phạm phải hơi ấy thì tằm giã nước mồm ra, ăn kém, không kéo được ra tơ mà làm thành kén nữa.

        Lại kỵ nhất là gió tây. Hễ mùa bức động có gió tây thì tằm chết nhiều, nên phải che kín chiều gió ấy mà mở cửa khác cho mát.”

 

    Ngòi bút của Phan Kế Bính lướt vào lãnh vực ươm tơ từng chi tiết như độ nóng của nước, cách bỏ kén vào nồi ươm, cái cần để bắt chéo mối tơ v.v… và kết luận: “Nghề nuôi tằm và nghề làm ruộng đều là nghề nghiệp căn bản rất hệ trọng cho việc sinh nhai và lại rất khó nhọc hơn cả mọi nghề, nước nào, thì cũng phải trọng hai nghề ấy làm cốt. Nước Tàu và nước ta, nhà vua cũng phải có ruộng tịch điền, có nhà tàm thất, vua thì phải thân canh, bà hoàng hậu thì phải chăn tằm để làm gương cho thiên hạ, cũng là ý trọng nghề căn bản đấy thôi.”16         

 

2.- Một bậc anh thư nổi tiếng trong lịch sử xuất thân từ nghề hái dâu. 

 

    Dưới thời các vua nhà Lý, chính sách  trồng dâu nuôi tằm được triều đình khuyến khích, đặc biệt Lý Thánh Tông thường “khuyên dân làm ruộng trồng dâu, chẩn cấp kẻ bần cùng, chấn chỉnh việc văn, xét duyệt võ bị, các chính sự tốt, trong sử chép luôn luôn.”17  Thời Lý Thần Tông (1128-1138), nhà vua cho lập tại chùa Kim Liên một cung điện để công chúa Từ Hoa dạy dân trồng dâu nuôi tằm, thuở ấy mang tên là trại Tằm Tang.18  Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XI cung cấp mẫu chuyện về một người con gái xuất thân từ nghề hái dâu lại trở thành hoàng hậu, một bậc “mẫu nghi thiên hạ” đã để lại một số nghi án trong lịch sử. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi tắt Toàn Thư chép như sau:

        “Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi Hậu Nội Nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan Phu Nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Ðức tức Nhân Tông. (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan Phu Nhân. Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Ðồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Ðồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn)19     

     Trước hết, sự kiện cần được cẩn án lại đó là tên họ thực sự của người con gái hái dâu dựa trên một số tài liệu của quốc sử quán (chính sử) và sử liệu tư nhân (dã sử). Ông vua mà Toàn Thư vừa đề cập tới ở trên là Lý Thánh Tông, con trưởng của Lý Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái Hậu họ Mai, lên ngôi năm 1054, tại vị 17 năm, mất năm 1072. Ða số các tư liệu Việt Nam chỉ đề cập đến nhân vật nữ này với cái tên là Ỷ Lan Phu Nhân (dựa vào cây lan).  Cương Mục ghi mẹ đẻ của Thái tử Càn Ðức (hay Kiền Ðức) là Ỷ Lan Nguyên Phi và không rõ họ là gì.20  Trong Việt Sử Tiêu Án,  Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ có ghi: “Vua mất, miếu hiệu là Thánh-Tôn, Thái-tử lên nối ngôi vua, mới 7 tuổi, mẹ đẻ là Ỷ-Lan Lê-Thị.” 21 Như vậy, Ngô Thời Sỹ đã biết rõ họ của bà Ỷ Lan nhưng không ghi tên thật mà chỉ để Lê-Thị, vì theo lối viết sử trước đây, khi gặp nhân vật nữ người ta chỉ được phép ghi họ mà thôi.

            Trong tác phẩm Lý Thường Kiệt, Lịch Sử Ngoại Giao & Tông Giáo Triều Lý, học giả Hoàng Xuân Hãn có dẫn sách Mộng Khê Bút Ðàm của Thẩm Hoạt đời Tống viết rằng “Nhật Tôn (Thánh Tông) mất, Càn Ðức lên, chọn hoạn quan Lý Thường Cát và mẹ Lê Thị Yến Loan Thái Phi cùng coi việc nước.” 22  Như vậy Ỷ Lan Phu Nhân,  mẹ của Lý Nhân Tông, có tên là Lê Thị Yến Loan.

        Nếu chúng ta không đặt thành vấn đề việc một thiếu nữ không thèm ra đón nhìn xa giá là chuyện thật hay hư cấu thì sự kiện đó cũng là một việc khác thường. Hoặc là vì người con gái hái dâu kia thủ phận, không dám đua đòi với các chị em chung quanh, hoặc là vì nàng coi khinh mọi đối nhân, đối tượng dù đó là vị vua chúa giàu sang, quyền thế, mà trong đầu óc nàng đã xây dựng một mẫu người tình lý tưởng khác hay đang nghĩ vẩn vơ về một chuyện nào đó mà lơ là đối với sự kiện quan trọng kia chăng?

            Toàn Thư ghi thêm : “Ðổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên Phi.” 23 Theo Trần Trọng Kim, làng này sau còn đổi là Thuận-quang  có lẽ vì để tránh trùng tên với huyện Siêu-Loại cũng thuộc tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hà Bắc) chăng? 24  Hoàng Xuân Hãn cho biết : “Làng là bởi chữ hương mà dịch ra. Nhưng hương không phải một làng nhỏ như bây giờ. Từ đời Tần, nước Trung Quốc chia ra từng quận. Quận chia thành huyện. Huyện chia thành hương. Hương chia thành đình. Ðình chia thành Lý. Tuy đời sau có đổi chế độ ít nhiều. Nhưng Hương vẫn là phần của huyện. Lúc nước ta thuộc Bắc, nước thành quận, cũng bị chia ra châu hay huyện. Vậy chế độ hương  có từ đời ấy. Mà hương là lớn như một tổng lớn đời sau.”25  Việc đổi tên làng từ Thổ Lỗi ra Siêu Loại là một sự kiện khá đặc biệt trong lịch sử, có lẽ chịu ảnh hưởng của một tục lệ thời thượng (đổi tên) từ tên mới của kinh đô là Thăng Long chăng? Dưới thời nhà Nguyễn, khi viết về quê hương của Nguyễn Kim là làng Gia-Miêu (Gia Miêu ngoại trang) và huyện Tống-Sơn, Quốc Sử Quán thường viết là quý hương và quý huyện để tỏ lòng kính trọng (kị húy) chứ không đổi ra tên khác.

        Lúc này mọi quyền hành thu vào trong tay Thái Hậu Dương thị và Thái Sư  Lý Ðạo Thành.

            Cương Mục chép: “Tháng giêng, mùa xuân, Lý Thánh Tông mất. Nhà vua mất ở điện Hội Tiên; đặt tên thụy là Ứng Thiên Sùng Nhân Chí Đạo Uy Khánh Long Tường Minh Văn Duệ Vũ Hiếu Đức Thánh Thần Hoàng Đế, miếu hiệu là Thánh Tông, ở ngôi 17 năm, thọ 50 tuổi.

        Thái Tử Kiền Ðức lên ngôi, đổi niên hiệu mới (tức là Lý Nhân Tông).

            Tôn mẹ già (đích mẫu) là Thượng Dương Thái Hậu Dương Thị làm Hoàng Thái Hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên Phi (không rõ họ là gì) làm Hoàng Thái Phi. Thái Hậu buông mành, ngồi bên trong, nghe bầy tôi tâu bày và quyết đoán mọi việc chính sự. Nhà vua mới bảy tuổi, Thái Hậu buông mành cùng tham dự chính sự. Thái Sư Lý Ðạo Thành làm Phụ Chính.”26   Thái Phi dĩ nhiên không có quyền hành cho bằng Thái Hậu. Vai trò của Thái Hậu lúc bấy giờ là “buông mành”, nghĩa là bắt chước quy luật của Trung Quốc, tức “thùy liêm thính chính” (buông rèm ngồi bên trong mà nghe việc nước). Trong triều đình nhà Lý lúc bấy giờ, quyền hành thuộc về bà Thái Hậu họ Dương và Lý Ðạo Thành. Biết mình lâm vào thế yếu nên dĩ nhiên Thái Phi phải tìm cách liên kết với một lực lượng để tranh đoạt quyền hành, đó là phe nhóm của Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ đang cầm quân đội.

 Nguyễn Đức Cung

 Ghi Chú:
304Đen rất hân hạnh được đăng lại bài viết này, từ trang Hạ Vũ, một bài viết hết sức công phu, tuy giữ nguyên văn bản của tác giả nhưng , theo chủ trương và lập trường của mình, 304Đen xin được phép đọc những chữ “Trung quốc” trong bài là chữ “Trung cộng”.

No comments: