Friday, December 30, 2016

Chúc Mừng Năm Mới 2017 - 304Đen



 
 
 
Thân Kính Chúc Một Năm Dương Lịch Mới 2017 An Khang Và Mọi Điều Như Ý

Nhân dịp này 304Đen, chân tình cám ơn mối thân tình quý báu của quý anh chị em và bạn bè gần xa đã dành cho và quý tác giả của các bài viết mà 304Đen mạn phép đăng lại trong suốt năm qua.

304Đen

Đêm Đông Mong Chờ & Nổi Buồn Đêm Đông & Chạnh Cố Hương & Chạnh Nhớ Quê Nhà - Con Gà Què & Nguyễn Cang & Hồ Nguyễn & Trần Đông Thành & LHN


ĐÊM ĐÔNG MONG CHỜ
 

 












Đêm hun hút, tuyết rơi đầy
Khẳng khiu hiu hắt hàng cây đợi chờ…
Giá băng dưới ánh đèn mờ
Ngóng về quê cũ, hồn trơ thân gầy !
Ước mong sẽ tới một ngày
Hồi hương hát khúc sum vầy khắp nơi
Chờ trông sắp tận cuối đời
Thêm bao lâu nữa? Chờ rời rã thân !


Con Gà Què

(12/11/2016).

 
NỖI BUỒN ĐÊM ĐÔNG

 
Mùa đông giá lạnh tuyết đầy
Ngoài kia phố vắng hàng cây gục đầu
Đèn đường vàng vọt đêm thâu

Vài ba người vội bước mau về nhà
Nhà thờ chuông đổ ngân nga
Thương về quê mẹ xót xa nỗi lòng
Giáng Sinh lễ chúa đêm đông
Đèn giăng lấp lánh bên song lững lờ
Bao nhiêu năm tháng ước mơ
Mong ngày xum hợp em thơ đợi chờ
Thời gian mái tóc bạc phơ
Mùa đông lại đến, hững hờ trôi đi!


 
Nguyễn Cang (25/12/16)


Chạnh cố hương

Trời đông thức giấc đêm dài
Trách thân lang bạc đọa đài tấm thân
Vì đâu xác thể như  dần
Nước người dầu vạn ngàn lần xứ ta
Quê mình nghèo khó xót xa
Thương thương nhớ nhớ xóm nhà làng quê
Hay đâu chưa tỉnh cơn mê
Quãy hàng chợ sớm dọc đê chiều về        

 
Trần Đông Thành !2/27/2016*


 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
NỖI BUỒN ĐÊM ĐÔNG

 
Hồn không tuyết vẫn lạnh đầy
Từ lâu khô héo mầm cây mong chờ
Niềm hy vọng đã phai mờ
Trong tim dòng máu đã trơ mạch gầy
Mong gì sống được tới ngày
Quê hương quang phục vui vầy muôn nơi
Thôi đành biết đủ một đời
Tri túc tiện túc hồn rời xác thân .

 
LHN

HỌA Ý

 
CHẠNH NHỚ QUÊ NHÀ

 
Đông sang chạnh nhớ quê nhà,
Bóng thân thương quá nơi xa mãi còn.
Bóng người em gái sắc son,
Thẩn thờ đưa mắt mỏi mòn đợi trông.
Đến giờ em vẫn chưa chồng,
Tủi cho thân phận má hồng phòng không.
Trách ai đã nở bội vong,
Ngàn thu vằn vật trong lòng đớn đau.
Quê người đông lạnh thấm vào,
Tim như dao cắt rỉ trào tái tê.
Đông sang lạnh khắp tư bề,
Nhưng tim ai vẫn cận kề bên em.
Quê nhà chạnh nhớ đêm đêm,
Gió ơi đừng thét chi thêm não lòng!!

 
HỒ NGUYỄN

 

 

Gởi Ai Đã Và Sắp Đến Tuổi Già - Không Rõ Tác Giả


Gởi ai đã và sắp đến tuổi già.

 

Bài viết của một tác giả không nhớ rõ tên, có một nội dung quá thâm thuý, dành cho những ai trong tuổi Cao Niên nếu muốn có một đời sống hạnh phúc trong những ngày còn lại trên trần gian này, trước khi thân xác trở về cát bụi thì nên suy luận những điều được nêu ra trong bài viết này.
IMG_4677.GIF
    Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, chúng ta lang thang trong khuôn viên trường đại học, vui cười vô tư và bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già !

Bây giờ, những năm còn lại trong cuộc đời của một người, chúng ta cần sống thanh thản, sống thoải mái, sống hạnh phúc vì qua một ngày, chúng ta đã mất một ngày. Vì vậy, một ngày đến, chúng ta vui một ngày. Vui một ngày…rồi không biết được bao nhiêu ngày nửa. Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, vui sướng cũng do chính mình tìm lấy vì những niềm vui ấy đã ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt xãy ra trong đời sống.
Hạnh phúc là những gì hiện đang ở chung quanh chúng ta, trong tầm tay chúng ta. Nhà nho Nguyễn Công Trứ quan niệm “ Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”…

 Tiền rất quan trọng trong đời sống của con người nhưng tiền không phải là tất cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền và cũng đừng lệ thuộc vào đồng tiền, mặc dù biết rằng nếu không có tiền thi làm sao chúng ta sống, làm sao để được thoải mái.

Ta vẫn biết khi ta ra đời,ta đâu có mang nó đến và khi ra đi, chúng ta cũng không mang nó theo.
Đồng tiền có thể mua một lâu đài to lớn nhưng đồng tiền không mua được mái ấm gia đình.

 
 

    Đồng tiền giúp chúng ta mua được nhiều thứ tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng tiền không mua được sức khỏe cũng như hạnh phúc trong đời sống.
Quảng đời còn lại thì quá ngắn ngủi, ta phải sống những ngày tháng cho đáng sống, ta phải làm cho cuộc đời thêm phong phú .

Những gì cần ăn thì cứ ăn, cần mặc thì cứ mua sắm, muốn đi du lịch thì cứ đi. Tập cho mình có nhiều đam mê, tự tìm niềm vui cho chính mình.

    Vào trong internet để gửi thư cho bạn bè, để chia sẻ một tin hay, một chuyện vui, một bản nhạc, đọc những bài viết có giá trị, hay “chat” với người quen biết. Chúng ta cần trao dồi bộ óc để trí nhớ vẫn còn sáng suốt.

Nếu có người bạn cần giúp, ta cứ mở lòng nhân ái, tốt bụng với mọi người. Rảnh rổi đi làm những việc từ thiện xã hội, giúp một tay tại những nơi tôn kính như nhà Chùa, nhà Thờ,… lấy việc giúp người làm niềm vui, đó là những thú vui trong tuổi già

IMG_4680.JPGHơn nửa đời, chúng ta dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho thanh thản, vui vẽ.
Việc gì muốn thì làm, ai nói sao thì mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá kiêng cử thì không đủ chất bổ dưởng, quá nhàn rổi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu…

IMG_4681.JPGCuộc sống tuổi già thật đa dạng, nhiều màu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn bè hoặc tham dự vào những sinh hoạt trong các Hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gở bạn bè và người thân vì không còn nhiều thời gian nửa.

IMG_4659.JPGMột người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chổ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói, hay nghỉ là: “ Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nửa”. Đừng nói những lời hay những tư tưởng có ý tuyệt vọng.

IMG_4683.JPGNgười già chỉ sảng khoái khi được có bạn tâm giao, đó là một liều thuốc bổ mà không Bác sĩ nào có thể biên toa cho ta mua được.
Ở tuổi hiện tại, chúng ta đừng nghỉ đến đồng tiền, đừng nghỉ đến giàu hay nghèo nửa và cũng đừng than trách hay hối hận vì những lầm lỗi trong quá khứ và cũng đừng tự hỏi là tại sao bây giờ ta không có nhiều tiền. Đừng nói ta không có tiền.

Có những thứ hiện đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người phối ngẩu của chúng ta.

Nếu có chút ít đồng tiền thì cứ tiêu xài những gì ta cần vì sẽ có lúc chúng ta để lại cho người khác xài. Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ăn ta thích và ăn biết ngon là ta đã có một khối tài sản to lớn trong tuổi già
Rồi ta tìm đến những người bạn cùng nhau uống tách trà nóng, ly cà phê buổi sáng, kể chuyện năm xưa hay trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại.

    Cuối tuần, hẹn nhau với người bạn đi câu cá, hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và cũng để cho tâm tư lắng đọng, tinh thần thanh thản. Đó là những niềm vui trong cuộc sống của tuổi già.

 
Người chuyển bài – Hồ K Dũng

Một Thời Ngây Dại - Không Đề Tên Tác Giả


Một thời ngây dại

 
 
 
Tên : Phi Hùng...
Tuổi: 25
Quê quán: Không rõ.
Trú quán: Làng Mai động, quân Hai Bà Trưng.

Gã trai ấy là chiến sĩ giỏi trong đơn vị. Không có hiểm nguy nào làm gã chùn bước. Không tình huống nào khiến gã bối rối. Trời sinh ra gã để làm nghề giết người.
Đúng như sách Binh thư yếu lược đã dạy ta tiêu chuẩn tuyển chọn binh lính: Thượng đẳng là quân đầu trộm đuôi cướp không cửa không nhà, thứ đến bọn tứ cố vô thân, cầu bơ cầu bất. Bọn ấy liều chết chẳng tiếc thân.

Về tướng mạo, bọn đó có: Một gương mặt vẻ u ám, hình cong diệp cày, - mũi nhọn và khoằm - cằm rất dài nhô ra như mảnh sành vỡ dưới hai gò má bẹt, - hai mắt nhỏ, xếch, cái nhìn ngưng đọng như cái nhìn của loài rắn. Họ có dáng đi lừ đừ nhưng trong nửa giây thoắt biến thành con mèo rừng chộp mồi, sau đó tức khắc trở lại vẻ lừng khừng an nhiên.
Hùng thường nghĩ ra những cách giết người đặc sắc trong các trận giáp lá cà. Và gã kể lại cho đồng đội nghe với khoái cảm không che đậy. Kẻ thì gã xọc lê từ họng xuống tim, - kẻ gã chọc từ nách bên phải qua bên trái, - kẻ gã lại đâm từ hạ bộ ngược lên ở bụng.
Kỳ thú nhất là một lần đánh ấp, gã bò vào phòng riêng một tên sĩ quan ngụy , chờ tên này dính chặt với cô vợ trắng phôm phốp của y như một cặp cá thờn bơn, gã mới phóng lê tử trên xuống "Một xọc xuyên hai, bảo đảm là sướng mắt".
Có lần tôi vô tình hỏi Hùng: "Hôm tòng quân có em nào khóc trên vai cậu không đấy?". Gã bỗng trợn trừng mắt nhìn chằm chặp vào mặt tôi, tưởng tôi trêu chọc. Sau một lát biết tôi hỏi thật tình, gã bảo: "Chẳng đứa nào rỏ nước mắt cho em. Mà từ khi biết sự đời, em không nhớ có lần nào mình khóc. Thiên hạ chỉ cười thôi! Họ cười khi em bị đứa nào đó sừng hơn, quật ngã em. Hoặc họ cười vụng khi công an còng tay em điều qua chợ.
Thủ trưởng biết không, làng em ở, chuyên nghề thịt trâu trộm. Thịt trâu trộm và trộm trâu là mặt lục và mặt nhất của con súc sắc. Em sống bằng hai nghề đó. Khi nào có tiền, em đánh bạc. Mười lần thì chín lần rưỡi là thua. Nhưng hễ vơ được tiền thì vơ cả nắm. Có nắm tiền trong tay, phải có lưỡi dao cắt lìa cổ thằng khác mới giữ nổi tiền."
Kể xong, gã cười. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cười ấy.
Tôi bắt đầu chú ý đến Hùng. Nếu không vì buổi tâm sự thì những thành tích chiến đấu của gã đã chinh phục tôi tuyệt đối . Gã nhiều tài vặt: thịt nai, thịt sơn dương, thịt dô ộc, không nói đến thịt trâu thịt lợn, kể đến thịt, voi gã cũng làm được khéo léo, trơn tru.
Gã đan rổ đan rá cũng tài. Nghe đâu, trước khi trở thành thằng bụi đời ở chợ Mai động, gã đã từng ở quê vài năm. Gã chữa súng nhanh hơn cả những tay quân khí sừng sỏ. Đôi lần hứng lên, gã hát khá hay. Giọng gã ấm nhưng lời hát kinh dị:
"Con chó xồm nằm trong xó nhà
Cho một nhát là nằm quay lơ
Nào chả, nào hầm, nào xóc bún tao bằm thây mày làm bảy món Riêng cái đầu chặt giữ đem sấy khô... "

Gã chỉ hát đi hát lại mấy câu ấy suốt bảy năm trong quân ngũ. Có lẽ trong nhà tù gã cũng hát như vậy.
Tôi hơi thích gã, ít nhất gã cũng hấp dẫn hơn những thằng nịnh nọt như câụ liên lạc. Tôi cũng ghê ghê khi gần gã . Hùng không mái nhà trú thân, không anh em, họ hàng.
Bố mẹ đẻ không biết. Mụ chột mà gã nhận là mẹ nuôi, - chuyên mua rẻ đồ ăn cắp của Hùng và cho gã ngủ trên chiếc bàn bán quà vặt - chỉ là một liên minh ma quỉ tạm bợ của kiếp bụi đời. Có lẽ chính vì chẳng bận bịu gì với ai mà Hùng đã gia nhập vào cuộc sống này như một cuộc trùng phùng vô tiền khoáng hậu.
Tôi có một kỷ niệm với gã...
Dạo ấy, mùa thu oan nghiệt năm Mậu thân đang rà lưỡi hái của Tử thần trên đầu chúng tôi từng giây, từng phút, từng ngày. Mỗi chiều, - hoàng hôn tro xám nơi phương trời phía Tây, mịt mù khói súng và bụi - mỗi chiều chúng tôi lại kéo xác đồng đội rời khỏi vùng đất lầy máu thit, máu thịt tươi tanh ói của ban ngày, máu thịt thối nồng nặc còn lại từ hai, ba hôm trước và máu thịt lưu cữu đã qua bảy đêm sương, bốc lên một mùi thối khẳm, - mùi thối độc địa không thứ văn chương nào tả nổi.
Trong ánh chiều chạng vạng, từng bầy dơi liệng một bên trời và đàn quạ bay bên trời kia buông tiếng kêu đỏ lòm thịt sống.
Chúng tôi, đứa nào đứa nấy nhễ nhại mồ hôi, nhễ nhại máu, vác trên lưng cả súng lẫn tử thi. Có tử thi nguyên vẹn, có tử thi cụt đầu hoặc chân tay, gan ruột xổ lòng thòng.
Máu đồng đội quyện với mồ hôi muối xót thấm khắp người, trí óc mê mụ đi vì mệt mỏi, vì tuyệt vọng, chúng tôi dồn toàn lực vào cuộc rút chạy không phải vì ước vọng bảo toàn đời sống mà vì ý muốn điên cuồng tham dự vào cuộc chém giết sắp tới ngày mai. Chúng tôi phải sống để hai mươi bốn giờ nữa, hoặc bốn mươi tám giờ nữa, hoặc bảy mươi hai giờ nữa, những nòng súng của chúng tôi sẽ khạc lửa vào kẻ thù.
Trước luồng đạn ấy sẽ có những xác thịt đổ xuống, sẽ có những vòi máu phun lên, sẽ có từng bụm óc trắng phọt ra... sẽ phải có tất cả cái cảnh tượng ngoạn mục ấy.
Mỗi người kiếm một gốc cây, chúng tôi đặt xác đồng đội và vũ khí sang một bên rồi, kẻ nằm vật ra cỏ, người ngồi dựa gốc cây thở.
Không ai nhìn rõ mặt ai vì trời tối, nhưng tất cả đều ngấm đầy độc tố cay đắng, tủi hổ và thù hận. Tôi rờ rẫm lên mái đầu bết máu bụi của tử thi Hoàng, cậu lính trẻ nhất đơn vị. Đó là người trong trắng nhất trong đám chúng tôi .
Chúng tôi, đám tàn quân, những kẻ mang nặng nỗi tủi hổ và cay đắng sau một ngày bị tàn sát khốc liệt, lúc ấy bùng lên khát vọng trả thù. Cái đói, sự mệt nhọc, nỗi đau đớn tan biến. Cần ăng-ten của người lính trở nên tinh tường. Mắt sọc qua những lằn sáng mờ nhạt để đinh vị mục tiêu, mũi đánh hơi để nhận biết con mồi di chuyển... Chúng tôi đã bắn như để tẩy rửa nỗi đớn đau và cơn tuyệt vọng của mình.
Lặng dần, lặng dần những tiếng kêu, những làn đạn bắn trả. Sau rốt, im lặng hoàn toàn. Nghe rõ tiếng kêu lạc của chim đêm. Một tiếng rên bật lên sau hồi yên tĩnh. Tiếp theo một phát đạn gằn. Rồi giọng của Hùng vang lên rành rọt:
- Được chưa con? Bố mày gia ân cho đấy nhé...
Lại im ả. Bóng Hùng lướt sát bên tôi. Giọng gã ném vào không gian tối om, rời rạc như từng viên đá rơi xuống khe núi:
- Thằng nào còn sống, biết điều thì đứng lên.
Hùng cười gằn, ngừng một chút rồi thong thả nói tiếp:
- Không xó xỉnh nào thoát được mắt Tôn Hành Giả đâu, bố cho các con biết...
Tôi nghe tiếng tiểu liên Hùng đập vào đùi. Tôi bảo:
- Đồng chí Hùng, không được bắn tù binh. Giải cả về cứ .
Nói xong, tôi thấy một bóng đen từ sau lưng tôi lò dò đi lên, run rẩy:
- Con... con xin...
Hùng nói:
- Lại đây, mày có hai thằng bạn sau lưng tao đây rồi.
Lúc ấy tôi mới biết Hùng đã bắt được hai tù binh khác. Trung đội rủi ro của bọn ngụy bị xóa sổ. Hùng dẫn ba tù binh. Chúng tôi lần mò tìm lại xác đồng đội của mình, tiếp tục đi nốt quãng đường cuối. Chợt tôi sực nhớ, gọi hỏi:
- Đồng chí Hùng, lúc nãy đồng chí cõng ai?
- Không cõng ai cả. Tôi vác súng hộ đồng chí Thêm.
Sau này, tôi biết Hùng không chịu làm công tác thương binh hay tử sĩ. Có lần, gã cười hềnh hệch "Đòm bao nhiêu thằng cũng không ngán. Nhưng cõng mấy đứa cụt đứa què với xác chết, tao chả chơi."
Đêm hôm đó, chúng tôi mò mẫm đi như những bóng ma. Cơn say máu chiến đã qua, cái đói, mỏi mệt thấm vào từng thớ thịt. Xác cậu bé Hoàng đã cứng, lại mất một bên chân nên tôi luôn bị chòng chành. Các chiến sĩ của tôi cũng mệt.
- Cố lên, sắp tới rồi... các cậu....
Thỉnh thoảng tôi lại lên tiếng động viên anh em, biết điều đó vô ích vì chính tôi cũng hoa mắt lên từng chặp và lưng gần như sụm xuống.
Rồi chúng tôi đi qua vực Khan. Con vực dài, sâu hút. Những lay động âm u trong đêm khe khẽ vọng lên. Có lẽ chỉ nửa giờ nữa là tới cứ. Chợt nghe tiếng Hùng quát:
- Nhanh lên.
- Dạ... thưa ông... con đau....
- Đứng lên. Tao cho mày một phút.
- Dạ ạ ạ...
- Rộp.

Một tiếng động khô khan. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì núi rừng rung lên bởi tiếng thét man rợ của kẻ xấu số.
Một cây thịt đổ xuống vực Khan, dội lại tiếng đá lăn giữa hẻm núi. Hai tên tù binh còn lại rú lên như mất trí. Chúng đã chúng kiến cái chết của đồng bọn. Chúng bỏ chạy.
- Rộp....
Lại một tiếng động khô khan, đanh gọn.
Sau đó hai phát đạn.
Hai cái xác rơi tiếp xuống vực. Các hồi âm đuổi nhau, vọng theo....
Lúc đó, tôi đã tới sát mặt Hùng. Chúng tôi cùng nghe rõ hơi thở của nhau. Hơi thở gã đều đặn, bình thản. Hơi thở của tôi, hổn hển vì mệt và sợ hãi. Đáng lẽ tôi phải cao giọng trách mắng, cảnh cáo Hùng trước mặt mọi người: Luật nhân đạo với tù binh, quy ước của chiến tranh, nhân phẩm và danh dự của chiến sĩ... Nhưng lưỡi tôi như cứng lại trong hàm ếch.
Tôi đồng lõa?!... Vì cái chết của cậu bé Hoàng, vì nỗi đau sót của kẻ tuyệt vọng, vì tính chất quá khủng khiếp của tội ác?... Có lẽ vì tất cả... Hoặc, có lẽ chẳng vì điều gì hết.


Kha im lặng. Tôi hỏi gặng:
- Cậu làm như thế để được cái gì?
Kha ngẩng lên, nhìn vào mắt tôi:
- Nhưng không làm như thế em cũng chẳng được gì.
- Cậu nhầm rồi! Cậu đã phá hoại tài sản của nhân dân. Tất cả những gì chúng ta đổi xương máu để có đều thuộc về nhân dân.
Kha cười:
-
Làm gì có nhân dân?
Cái vẻ nhếch mép chán chường của nó... Cái ánh mắt chán chường trên gương mặt tái xanh... Thằng lỏi khốn kiếp, vốn được tôi o bế, giờ coi tôi như một gã khờ đáng thương hại. Tôi cố nén cơn giận, mỉm cười:
- Cứ nói đi... Ngày hôm nay cậu đã tàn phá bao nhiêu thứ?
- Tụi em bắn tan ba công-ten-nơ đựng thứ đài to có mặt kính. Nghe thủy tinh nổ như mưa rào khoái cả tai. Rồi xơi đến mấy chiếc tủ lạnh trong bếp ban chỉ huy cứ điểm.
Còn buổi tối thì...
- Đủ rồi!
Tôi ngắt lời:
- Các cậu đã phá hủy một số thuốc đủ tiêm cho hàng vạn bệnh nhân. Còn thứ đài to có mặt kính là máy truyền hình, có thể chiếu cho hàng ngàn người...
- Vâng...
Kha ngắt lời tôi:
- Nhưng số người được xem chiếu hình không phải là nhân dân... Nhân dân, trong đó có bố mẹ anh, bố mẹ em, có đám lính tráng này... đừng hòng xơ múi...
Tôi bảo:
- Tại sao cậu dám nói thế? Kha đặt tay lên vai tôi:
- Anh Quân, đừng to tiếng... Năm em mười bảy tuổi, ở thị trấn, người ta quyên tiền xây dựng nghĩa trang cho các liệt sĩ hồi kháng Pháp. Tình cờ, lúc nộp tiền, em ở nhà.
Trong số tiền mẹ em nộp cho chính quyền có một tờ bạc có lỗ thủng bằng hột vừng đúng giữa hình bông lúa.
Năm hôm sau, một đứa bạn gái học cùng lớp rủ em lên tỉnh chơi. Nó kém em vài tháng, được nước da trắng hồng nhưng mắt lác và rụt cổ. Nó mê em như điếu đổ. Trong chuyến đi ấy con bé tiêu tiền như ném rác. Cửa hàng nào nó cũng sà vào, mua toàn đồ xa xỉ, không cần trả giá.
Số tiền nó tiêu một
ngày gấp sáu lần số lương tháng của bố nó, ông chủ tịch thị trấn. Và trong số tiền hôm ấy, em nhìn thấy tờ giấy bạc có lỗ thủng bằng hột vừng đúng giữa hình bông lúa, đó rõ ràng là tiền của mẹ em!
Tôi lặng im, Kha cũng lặng im. Chúng tôi nghe gió lang thang qua phi trường, nghe tiếng nổ lép bép của đám cháy nào đó chưa lụi hết. Lát sau, tôi nói:
- Cậu làm tôi choáng cả đầu!
Kha đáp:
- Em nghĩ nhiều... Em cũng nghe chán vạn điều thiên hạ nói. Nhưng mà,
nhân dân lúc có thật, lúc như bóng ma: Nếu cần lúa, nhân dân là con bò kéo cày. Lúc có chiến tranh, con bò ấy mặc áo giáp và cầm súng.
Rồi, khi mọi sự đã qua, vào những ngày lễ lạc, hội hè... người ta tôn xưng nhân dân như hú vọng các hồn ma, tưởng thưởng cho khói thơm và tro tiền, còn phần xôi thịt thì kẻ khác hưởng...
Tôi choáng váng thật sự, như bị đè dưới đáy nước, giống hệt cảm giác hồi năm tuổi bị thằng anh họ điên khùng dìm dưới sông.
Rồi Kha nói:
- Anh đưa em ra tòa án binh cũng được... Nhưng mà em đã trót biết sự thật... em đã trót nghĩ như thế...
Nó cúi đầu, mái tóc đen lánh đổ xuống... "Thằng khốn kiếp... Nó làm mình tái tê..."
Tôi nhớ đôi bàn tay xanh lét của nó hơ trên lửa dạo ở trong hang Bò cạp. Tôi nhớ miếng thịt chim ưng núi vừa dai vừa khét nó chia cho tôi ở bên kia đường. Tôi nhớ thân hình mảnh dẻ của nó, trần truồng lông nhông chạy bên bờ suối, lúc nó bị sốt rét ác tính hành. Tôi nhớ... Bỗng dưng, toàn thân tôi run bần bật.
Tôi quát:
- Đồ khỉ... Lẽ ra cậu phải lãnh một viên đạn ở tòa án binh... Về ngủ... Từ ngày mai, bỏ trò phá hoại ấy đi...
Kha đứng lên, lẳng lặng ra khỏi phòng.

Không Đề Tên Tác Giả

304Đen - Llttm

Sân Trường Cai Lậy - Ngô Văn Thọ


Sân Trường Cai Lậy

 


 
 
 
 
 
 
 
 
Tôi vẫn nhớ buổi kinh hoàng Cai Lậy
Giặc pháo vào trường học lúc giờ chơi
Tuổi thơ ngây đang đùa giỡn vui cười
Nằm phơi xác miệng còn trơ viên kẹo

Tôi thấy những người mẹ đi lẽo đẽo
Quanh ngôi trường tìm nhặt mớ thịt xương
Gỡ tóc tai, lẫn máu dính trên tường
Của hai mươi chín thiên thần bé bỏng

Tôi đã thấy hai hàng lệ nóng
Chảy không ngừng trên gương mặt xanh xao
Của người mẹ buồn héo hắt khổ đau
Nhận xác con nhờ áo lem mực tím...

 
Ngô Văn Thọ

 

 

Tuesday, December 27, 2016

Cái Giống Yêu Hoa - Tản Đà & Bài Họa: Hồ Nguyễn & Nguyễn Cang & vkp Phượng tím


CÁI GIỐNG YÊU HOA
 

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cái giống yêu hoa lạ lạ đời,
Mắt xanh chưa lọt đã mê tơi.
Chim trời cá nước duyên ai đó?
Vía dạ hồn khôn chết dễ chơi!
Xa cách ngoại trăm nghìn dặm đất,
Ước ao trong sáu bảy năm trời.
Cái mê vô ích mà mê dại,
Mê dại mê mê mãi chẳng thôi.

 
TẢN ĐÀ

 
Họa 1

Yêu hoa cái giống lạ trong đời,
Chưa lọt mắt vào đã khoái tơi.
Cá nước chim trời ai phận đó?
Hồn khôn vía chết dễ như chơi.
Xa xôi cách trở xa nghìn dặm,
Sáu bảy năm mơ ước số trời.
Vô ích mê hoa mê dại quá,
Dại mê mê dại chẳng hề thôi.

 
HỒ NGUYỄN (06-12-16)


Họa 2
   

YÊU DẠI

Yêu hoa cái thói lạ trong đời
Chưa biết tên người đã khoái tơi
Nhạn lạc trên trời ai bắt được?
Hồn mê dưới thế chết như chơi!
Xa xôi ngăn cách trăm nghìn dặm
Mơ ước gần nhau mấy tháng trời
Vô ích mơ chi, thân hóa dại
Dại thời cứ dại vẫn mê thôi.


Nguyễn Cang (25/12/16)

 
YÊU DẠI - HÓA KHÔN 

 Đáp ý bài  họa thơ Tản Đà YÊU DẠI của Nguyễn Cang

Yêu hoa cũng chỉ bình thường thôi
Vội bảo làm chi  thói lạ đời
Cá nước chim trời tìm đuổi bắt
Chết trong hạnh phúc cũng mê tơi...
Dẫu trăm nghìn dặm còn xa cách
Trăng gió nước non vẫn lả lơi
Duyên cớ vì sao mà nói dại?
Mộng du chao đảo ngả nghiêng  trời!!!
      
Saigon 28/12/2016
Vkp phượng tím

 

 

 

 

 

Người Chồng Một Đêm - Khuất Đẩu



NGƯỜI CHỒNG MỘT ĐÊM!

 



Năm ấy, tôi mười bảy tuổi. Ở đất Bình Định, tuổi đó đã có người đi lấy chồng. Như mẹ tôi, như cô tôi. Tệ lắm cũng đã có người đi dạm. Nhưng tôi thì chưa. Tôi đang học lớp bảy nên có nhiều mộng ước hơn mẹ và cô. Tôi chưa nghĩ ra người chồng tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng ít ra cũng hơn cha tôi và dượng tôi.
Đó là những người đen đúa, tuy không đến nỗi xấu xí, nhưng ai cũng già trước tuổi. Quanh năm gần như chỉ mặc quần đùi để lộ đôi chân khẳng khiu mốc thếch. Đó là chưa nói tới cái bệnh sốt rét họ mang về từ rừng núi xa xôi sau khi đi làm nghĩa vụ dân công, tức là đem gạo muối tiếp tế cho bộ đội, hay đi tải đạn. Người nào mặt cũng tái mét, da dẻ vàng vọt như không còn một hột máu.
Thực ra, mẹ và cô tôi cũng chẳng hơn gì. Ai cũng một bộ đồ đen bạc phếch, cũng một búi tóc thiếu chải gỡ, trông xơ xác như một mớ râu bắp. Lũ con gái chúng tôi có khá hơn vì đang là tuổi dậy thì, tự nhiên da thịt hồng hào dù phải ăn uống kham khổ.
Năm lớp bảy là năm cuối cấp hai, bọn tôi được chọn đi dự trại liên hoan mừng chiến thắng ở Bồng Sơn. Cùng đi với chúng tôi còn có các cô gái chưa chồng trong hội phụ nữ. Vì đã hòa bình, chúng tôi được phép ăn mặc đẹp. Nghĩa là được đội nón trắng không phải quét bùn, được khoe chiếc kẹp mạ bạc óng ánh trên mái tóc. Ai khá hơn được mặc áo in hoa cổ tai bèo hay áo trắng khoét cổ trái tim.
Chúng tôi ngắm lẫn nhau, khen lẫn nhau. Biết mình đẹp hơn khi nhìn vào mắt người khác, chứ cái gương tròn nhỏ như chiếc bánh bèo chỉ đủ để soi mặt thôi, làm sao thấy được toàn thân như khi đứng trước gương. Nhưng thế cũng đủ vui quá rồi, nhất là lần đầu tiên được đi xe cam nhông ray, chạy trên đường sắt êm như lướt đi trong gió.
Chúng tôi được bố trí ở những trại đã được dựng sẵn dưới bóng dừa. Cơm nước cũng đã có người lo. Trước mặt trại là một đống củi gộc xây hình tháp, hứa hẹn một đêm lửa trại cháy đến tận sáng. Phía bên kia, cũng là một dãy trại đã được dựng sẵn dành cho bộ đội. Họ cũng là những người chưa vợ được chọn từ các tiểu đoàn.
Thế là chúng tôi cứ việc vui chơi, nhảy múa, hát ca. Chúng tôi làm quen nhau thoải mái, cứ ưng ý là bắt cặp nhau mà không sợ bị phê bình này nọ. Ai, chứ với bộ đội trẻ trung mà được thân quen với họ, là ước mơ thầm kín của lũ con gái thời ấy.
Chúng tôi ở đó ba ngày vừa đủ cho trai gái bén hơi nhau. Rồi sau những màn nhảy xôn đố mì chân nọ đá chân kia, nhảy sạp cắc cắc bụp bên đống lửa hồng, tất cả lặng lẽ kéo nhau vào rừng dừa, nơi ánh sáng không còn rõ mặt, cứ mỗi gốc dừa là một cặp ngồi tỉ tê tâm sự. Rồi chúng tôi làm cái việc gọi là yêu nhau tại chỗ. Nếu ai đó không muốn thì cũng đành chịu, chứ biết thưa kiện ai.
Khi Mỹ đến, sau những trận đánh khốc liệt, bọn họ tràn vào các quán bar cũng là để mừng chiến thắng hay trút nỗi buồn thua trận trên thân xác của các gái bán bar mà thôi. Có điều họ phải trả tiền, mà tiền đô, còn bộ đội thì không ngay cả tiền tín phiếu như giấy vàng mã !

Rồi họ xuống tàu đi tập kết, mang theo những chiếc khăn do chúng tôi thêu làm kỷ niệm. Còn họ để lại cho chúng tôi một thứ nhiều hơn chiếc lược nhôm hay lược gỗ được cắt gọt công phu, một thứ có thể họ không ngờ là cái bào thai trong bụng mỗi đứa.
Rất nhiều đám cưới được tổ chức chớp nhoáng. Không hai họ, không đón đưa, chỉ có thủ trưởng đứng ra tuyên bố hai người là vợ chồng. Thế là xong, như cha đạo thay mặt Chúa Trời. Dẫu không mang thai họ cũng đã là những thiếu phụ mòn mỏi đợi chồng dù chỉ một đêm, nhưng có nghĩa vụ lo cho cách mạng ròng rã suốt hai mươi năm sau đó.
Tôi được mẹ cha hiểu ra cái trò mừng chiến thắng bằng cách cướp đi cái phần trinh trắng nhất của đời con gái họ, sau khi đã cướp lúa gạo vòng vàng bảo là để cho cuộc kháng chiến thành công, nên đã nén cái đau cái nhục xuống đáy lòng, cho tôi vào trốn ở Sài Gòn.
Từ một xứ nhà quê, lại là vùng Việt Minh, đến một thành phố giàu có đông đúc, tôi hết sức ngỡ ngàng. Nhưng rồi tôi cũng quen dần, người Sài Gòn xởi lởi, tốt bụng, có đủ chỗ cho tôi kiếm sống. Chỉ khổ là cái bụng mỗi ngày một to, lắm khi cũng phải lao đao vì nó. Tuy vậy, đến ngày sinh, cũng có người sốt sắng đưa tôi vào sinh ở nhà thương thí.
Bao nhiêu cực nhục rồi cũng qua đi. Ơn Trời, tôi sinh được một cháu gái. Đó là kết quả của mối tình một đêm bên gốc dừa!

Ngồi ngắm con ngủ, tôi cố nhớ chút gì gợi lại hình bóng của người đã cùng tôi tạo ra nó, nhưng không tài nào nhớ nổi. Tôi chỉ nhớ cái mùi mồ hôi anh ta, nhớ tiếng thở hào hễn và nhiêu đó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xấu hổ, tủi thân. Chiếc lược mà anh ta tặng tôi trở thành một kỷ vật đắng cay. Tôi không trách anh, cả tôi cũng không tự trách mình, tôi chỉ trách ai đó đã lợi dụng tình yêu cho dù là xác thịt để đạt tới những mục đích sâu xa của họ.
Cùng một lứa với tôi, những cô gái tươi non khi ấy, sau này đã là những người nuôi giấu cán bộ, đào hầm vót chông, mua thuốc trụ sinh, chuyển vũ khí bằng cách khoét rỗng ruột bí bầu nhét đạn hay lựu đạn vào, khi bị bắt dù bị đánh đập tra khảo đến thừa sống thiếu chết vẫn không chịu khai …
Để đến khi hòa bình, nhiều người cũ hoặc làm ngơ coi như không biết, hoặc có biết cũng chỉ lén lút mà gặp nhau một lần rồi thôi, vì sau lưng họ còn có những người đàn bà xứ Bắc không dễ gì trả lại chồng. Thì thôi đành vậy, vui chỉ một đêm mà buồn khổ suốt cả một đời !
Sau ngày 30 tháng tư, như bao người miền Nam, hai mẹ con tôi cố sống lây lất qua ngày, chạy chợ trên bán chợ dưới, bị quản lý thị trường rượt đuổi như chó săn chuột.

Một lần tôi bị bắt, bị tịch thu mấy bao gạo mua từ ga Biên Hòa. Nếu tôi bỏ hết hàng họ mà “xéo đi” theo lệnh họ, thì tôi đã không phải bị giam ở trụ sở phường. Đằng này tôi gào khóc, chửi rủa, cào xé mũ áo nên họ tống tôi vào như một mụ điên. Sau cùng, họ bảo tôi phải viết kiểm điểm thành khẩn nhận lỗi đã xúc phạm cán bộ, họ mới chịu thả ra. Thì viết
Nhưng cái nỗi đau mất của, cái đói đang chực chờ khiến cho tôi cứ ngồi mãi mà chẳng viết được dòng nào, ngoài mấy chữ: Tôi tên là…
Lúc ấy có một người mặc đồ bộ đội không biết cấp bậc gì đi ngang qua, thấy tôi ngồi bên bàn với tờ giấy ở trước mặt liền chồm tới xem thử. Bỗng người ấy hỏi, chị tên thật đó à? Tôi nói, chứ chẳng lẽ tôi viết tên giả. Lại hỏi, chị quê ở Bình Định phải không?
Tôi nói, ông định tống tôi về ngoài đó chứ gì? Ừ, tôi là gái Bình Định, theo chồng vào đây không được sao? Người ấy nói, đó không phải là việc của tôi. Giờ đã tối rồi chị về đi. Nhưng ngày mai chị nhớ đến đây gặp tôi. Có thể chúng tôi xét mà trả lại hàng cho chị. Nhớ nhé, chị phải tới không thì hỏng cả đấy.
Thế là sáng hôm sau tôi lại tới dù hy vọng rất mong manh. Lại thấy ông ta đứng đợi lù lù ở trên thềm. Ông ta ra hiệu cho tôi vào phòng. Dẫu sao nói chuyện với những người đứng tuổi như ông cũng dễ chịu hơn là với bọn lau nhau mới hùa theo cách mạng.
Ông ta chỉ ghế mời ngồi, nhìn tôi, rồi kéo từ hộc bàn ra một quyển sổ. Ông đặt lên bàn, lại nhìn tôi kèm theo một nụ cười khá tử tế. Ông lấy từ trong sổ ra một tấm hình ố vàng đẩy về phía tôi. Đó là tấm hình chụp một anh bộ đội và một cô gái đứng bên gốc dừa.
Trông thấy tấm hình, tôi xây xẩm mặt mày, toàn thân lạnh cóng. Tôi nhớ lại những đêm ở Bồng Sơn, nhớ cái phút giây điên cuồng dại dột. Và sau đó là thấp thỏm lo cha mắng mẹ chửi. Rồi kinh hoàng khi nghĩ tới lúc Tây tiếp thu, chúng sẽ thọc lưỡi lê vào bụng những người vợ Việt Minh mà lôi đứa nhỏ ra ngoài!
Tôi nghe ông ấy hỏi: chị có biết hai người trong tấm hình này không? Tôi bặm môi một lúc rồi nói: không biết. Chị không nhớ cái đêm liên hoan trong rừng dừa hồi đó sao? ông lại xoáy thêm vào nỗi đau của tôi.
Thế là bao nhiêu uất ức, bao nhiêu đắng cay, cô độc trong hơn hai mươi năm như một con sóng lớn sắp đập vào bờ, tôi muốn đứng dậy chồm qua bàn, nhìn sát vào mặt ông mà gào lên:
- nhớ chứ, nhớ ông đã làm gì tôi, đã hứa hẹn thề thốt rồi bỏ tôi mà đi đến hơn hai mươi năm, giờ về đây cướp mấy bao gạo của mẹ con tôi. Ông có biết tôi đã khổ như thế nào mới có được nó không? Ông biết tôi là ai sao không bảo lũ lâu la kia đem trả gạo lại cho tôi. Ít ra con ông cũng còn có được hột gạo mà ăn. Các ông vào đây cướp thì có chứ quản lý thị trường cái nỗi gì

Tôi tức nghẹn, nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh nói với`giọng rắn rỏi chính tôi cũng không ngờ: nếu tôi đến đây chỉ để ông tra hỏi như thế này thì tôi thấy không cần phải ở lại nữa!
_ Khoan đã. Ông cũng đứng lên nói: Giờ, chị có thể đem mấy bao gạo về!
Nhưng tôi trở nên cay nghiệt: Đó không phải là gạo của tôi, mà là của cướp giựt. Các ông cứ nhập kho rồi chia nhau!
Tôi ra khỏi trụ sở phường, người lảo đảo cứ như say. Tôi đi tới đi lui, đi hoài cho đến khi mệt lả mới nằm dài trên một ghế đá ở công viên. Tôi nghĩ đến ngày mai, đến con tôi. Đã có lúc tôi muốn chạy đến trụ sở phường gặp ông ta, bảo rằng tôi biết hai người trong tấm hình đó.
Tôi hình dung ra cảnh ông ôm choàng lấy tôi và cả hai cùng khóc. Ông sẽ bảo với mọi người trong cơ quan, đây là người vợ ông đã tìm lại được. Còn tôi sẽ bảo với con, đây là cha của con. Và cuộc đời của chúng tôi sẽ khác.
Nhưng chút tự trọng của một người đàn bà níu chân tôi lại. Ông hẳn đã biết tôi là ai vậy mà cứ vòng vo hỏi tới hỏi lui. Ngày ấy tôi đã mê muội đem dâng hết cả đời con gái cho ông. Giờ đây ông còn muốn tôi quỳ xuống nữa sao? Ông kiêu ngạo hay sợ đảng đến nỗi không dám nhận một con buôn làm vợ ?!
Tôi đứng lên, lủi thủi một mình đi về nhà. Con gái tôi hỏi, không xin lại được sao mẹ? Tôi lắc đầu. Tôi nghe nó thở dài giống như tôi cách đây hơn hai mươi năm.
Từ đó tôi thôi chạy chợ, kiếm nghề khác để khỏi phải gặp ông. Lúc đó tôi 39 tuổi, con gái tôi 21. Cũng đã đến tuổi lấy chồng. Cầu trời cho nó không lấy phải người chồng một đêm!

Khuất Đẩu
11.11.2014

304Đen - Llttm