Thursday, December 22, 2016

Hạ Xưa - Thảo Ly



Hạ xưa

 


Tôi đẩy cánh cổng khép hờ bước vào khoảnh vườn nhỏ sau nhà em gái. Chiều cuối hè nắng nhạt dần. Mẹ đang cắm cúi tưới giàn bầu còn sót lại những trái muộn.

Tôi bước nhẹ tới gần. Lòng xúc động, bồi hồi khi nhìn thấy trên giàn, giữa những chiếc lá màu xanh nổi bật trái bầu đã ngã sang màu vàng úa. Tôi bâng khuâng hỏi. Mẹ định giữ lại làm trái bầu khô có phải không? Mẹ tôi lặng lẽ gật đầu. Ngay lúc đó, trí nhớ tôi như chắp cánh bay về muà hạ cũ.

Năm đó, lẫn trong đoàn người chạy loạn, có Ba Mẹ, dì dượng tôi và 6 anh em. Tôi, đứa con gái bình thường tròn trịa nhất nhà, đã trở thành gánh nặng cho cha tôi bởi cơn bệnh đến không phải lúc. Tựa đầu lên đôi vai rắn rỏi của cha, tôi nhắm nghiền đôi mắt để cha tôi dìu đi trong khi bom đạn thét gào làm rung chuyển cả bầu trời. Khi đoàn người lết thết chạy tới cửa ngõ ra vào tỉnh lỵ ở Chà Là, là lúc tôi kiệt sức nằm dài dưới gốc cao su. Cơn sốt đến và cơn khát đến, nhưng không tìm đâu ra một giọt nước. Lúc rời nhà trong lửa khói vây quanh, xác người rải rác khắp cùng, mẹ tôi làm sao nhớ ngoài một ít gạo với lương khô mang theo, nước là thứ cần hơn hết. Tôi chập chờn với ý nghĩ sự sống và nỗi chết cách nhau đâu có bao xa. Chỉ cần một trái đạn pháo rớt ngay đây, xác thân tôi rồi sẽ giống như nhiều người nhìn thấy trên đường, nát vụn bay khắp chốn để mai này thành phân bón những cội cây.

Nhưng tôi vẫn sống và giật mình tỉnh hẳn khi nhận ra những giọng nói mang âm hưởng nặng nề rất đỗi lạ tai. Nhìn lên là nón cối. Ngó xuống là dép râu. Cuối cùng chính mắt tôi đã nhìn thấy họ lần đầu tiên trong tâm trạng sợ hãi, rã rời, tuyệt vọng. Ruột không ai cắt mà đau. Dượng tôi và người anh trai, cùng với đám trai tráng đàn ông bị họ tách riêng vì cần thêm nhiều tấm bia đỡ đạn cho biển người ồ ạt tràn vào tỉnh lỵ. Dì tôi thét gào man dại giữa những lần ngất xỉu tội tình. Dì quì xuống trên xác lá, giữa rừng cao su hoang tàn xiêu đổ ngả nghiêng, vừa van lạy người sống, vừa cầu khẩn kêu thương Trời Phật. Đáp lại lời bi thương tuyệt vọng, là những câu đanh thép lạnh lùng của đám người “sinh Bắc- tử Nam” thuở ấy.

Ngoài mấy chữ đứt từng đoạn ruột, tôi không biết dùng lời nào để nói lên tâm trạng của mình. Thà rằng tử biệt, có lẽ không đau bằng khi đứng lặng nhìn theo, bóng dượng và anh tôi bước lui dần, càng lúc càng xa khuất giữa rừng cao su thăm thẳm bạt ngàn bên cạnh những chiếc nón cối, cho cảm giác của tận cùng sợ hãi. Cùng một tiếng nói màu da, mà sao có cảm tưởng như họ là những tên đao phủ, được hung thần phái đến đoạn lìa sự sống của nhiều người. Tôi chợt nhận ra, thân phận con ngưòi nhỏ nhoi tội nghiệp biết dường nào. Bất lực và mong manh quá. Trời thật xa và đất quá dửng dưng. Ba mẹ tôi như hoá đá khi đứng nhìn dượng và anh tôi cùng những người chung cảnh ngộ đi dần vào nỗi chết. Năm đó, dượng tôi còn rất trẻ và người anh hiền như đất của tôi chưa đầy 17 tuổi.

Trên bờ vai chất ngất khổ đau của người cha, tôi tiếp tục lê bước trong cơn khát đến tột cùng. Dường như khi nhận biết không còn gì để mất nhiều hơn, thì lẽ sống và nỗi chết không làm mình sợ hãi. Mặt trời mùa hạ vẫn uy nghi chiếu rọi những tia nắng nung người làm thiêu đốt bầu trời đang dậy lửa đó đây. Tôi không còn sức để đau xót lặng nhìn những bàn chân phồng nước, dộp bể đang lê lết trên đường nhựa. Những đôi dép chẳng may bị đứt, là nỗi oan khiên trên đường chạy loạn ngày xưa. Cũng may cho tôi và đàn em nhỏ, không quăng luôn giày dép trong cơn hoảng loạn. Nhiều người đã quấn hai bàn chân bằng chiếc áo, nhặt vội vàng bên cạnh những xác người. Lẽ ra, mỗi đứa trẻ phải mang theo một bình nước, thì chị em tôi nhét đầy áo mới trong những túi đeo vai. Tuổi thơ dường như không biết đến chiến tranh, dẫu lẫn trong tiếng ru của mẹ đêm đêm là tiếng đại bác từ xa vọng lại.

Thương nhất vẫn là đứa em gái út. Mới năm tuổi mà em đã có sự cảm nhận, sẻ chia tất cả những gì xảy ra ở chung quanh. Đói khát, sợ hãi và nỗi khổ đau trước cảnh chia lìa khiến mọi người như kiệt sức, vậy mà em- đứa bé mới lên năm vẫn lặng lẽ nắm tay mẹ lúc chạy, lúc đi bình thản như không. Lúc đó những câu nói thơ ngây, chân thành tuyệt nhiên không bật ra từ đôi môi thơ dại, mà cả nhà vẫn quen nghe và âu yếm trêu em, là con đồng bào Thượng, được ba mẹ xin về nuôi để khỏi bị ở trong rừng. Lẽ ra em đã được cõng trên vai nếu như cha chẳng dìu tôi. Tuổi thơ của em có nhiều gắn bó với những người Thượng sinh sống trong rừng ven tỉnh lỵ. Mùa bắp đến, người đàn bà Thượng đeo chiếc gùi chất đầy bắp sau lưng, đi chân đất từ nương rẫy thật xa tìm đến nhà tôi. Dù cả nhà chỉ ưa ăn những trái bắp nếp luộc nóng hổi, hạt đều, dẻo và thơm lừng nhưng mẹ vẫn ưu ái đỡ chiếc gùi, nhận hết những trái bắp đá hột to, luộc hoài vẫn cứng và khô. Mẹ không trả tiền mà đổi lại bằng muối và gạo trắng, để sẻ chia nỗi lam lũ, nhọc nhằn của một đời cơ cực trên rừng. Bé út khi ấy chừng bốn tuổi ngồi lặng nhìn, quan sát thật lâu. Đợi người đàn bà mang gùi đi khuất xa rồi, bé lên tiếng hỏi vì sao mẹ cho bà ta nhiều vậy? Mẹ cười chưa kịp trả lời, tôi và những đứa em khác cùng trêu em gái nhỏ. Mẹ tốt với bà, vì bà đã tặng con là Út để mẹ nuôi. Em tôi bối rối hỏi có phải thật vậy không hở mẹ? Mẹ trả lời bằng một nụ cười. Đâu ngờ sự trêu đùa vô tình đã làm khốn khổ em tôi suốt một thời gian. Không ai nghĩ đứa bé mới lên bốn đã biết nhận xét sự khác biệt quá nhiều giữa những người ở rừng và phố thị. Cho tới một ngày, khi nghe mẹ tôi kể chuyện với người bà con, ngày sanh bé út mẹ bị băng huyết ngỡ đâu đã chết bỏ lại con… Em gái nhỏ chạy tới sà vào lòng mẹ, nói nghe tội nghiệp làm sao. Con là con của mẹ, chứ không phải con bà Thượng. Nhìn đứa em gái ngây thơ mừng rỡ, kèm theo những giọt nước mắt còn đọng lại trong đôi mắt thật to, mẹ và chị em tôi thương xót, ăn năn. Đâu ngờ câu nói đùa vui trong chốc lát đã đè nặng lên tâm hồn thơ dại. Bây giờ sau mấy mươi năm, bé út ngày xưa vẫn còn trong rất nhiều câu nói thật lòng đến độ không ngờ. Anh tôi có khi vừa bực, vừa thương. Anh nói út vẫn là em bé con đồng bào Thượng, dù được nuôi trong thành phố và lớn lên ở xứ sở văn minh bậc nhất nơi đây!

Tôi khép mắt lê bước theo vòng tay dìu rời rã của cha tôi. Quanh đó những âm thanh ghê sợ của vùng đất chết vẫn không ngừng cuồng nộ. Trong tôi, dường như không còn cảm giác sợ hãi hay hy vọng. Bình thản đến lạ lùng khi nghĩ dẫu bỏ thân ở lại giữa rừng, thì tôi rồi sẽ gặp anh tôi nơi cõi chết- người anh hiền lành mà tôi luôn để ý, chở che dù chỉ là em. Bỗng đâu như có phép lạ xảy ra. Trước mắt cha con tôi, một người đàn ông đi xe đạp bỗng dưng dừng lại. Trên chiếc xe đòn dông cũ kỹ, lủng lẳng trái bầu khô bên cạnh ghi đông. Người đàn ông có nước da đen bóng, mình trần trụi giữa nắng hè thiêu đốt thịt da, trao cho tôi những giọt nước cam lồ đựng trong trái bầu khô. Tôi kê bờ môi khô nứt, uống vội vàng những ngụm nước mát ngọt ngào, tưởng chừng như người đàn ông trên mình không có gì hơn ngoài một tấm khố mong manh, chỉ đủ che chút xiú phần dưới bụng, là đức Quán Âm thị hiện, vì lòng từ bi cứu khổ chúng sanh. Đưa trả lại bầu nước mát, cho tới lúc này tôi mới nhìn ngắm kỹ càng người đã cứu mình. Đó là người đàn ông Thượng trung niên, có mái tóc đen xoăn tít, hàm răng trắng và đôi mắt sáng trên khuôn mặt hiền lành chân thật. Rồi theo lời Ba tôi bảo, tôi ghé ngồi lên phía sau chiếc xe đạp đòn dông, trong khi quanh đó khói lửa, đạn bom vẫn không ngừng rơi rớt. Ngồi nép mặt sau bờ lưng đen bóng, cảm nghe hạnh phúc còn hơn những lần Ba tôi chở cả nhà đi nghỉ mát nơi xa. Chở tôi một đoạn đường dài, coi như tạm tránh xa vùng lửa đạn. Người đàn ông Thượng dừng xe cho tôi bước xuống, không nói một câu, lặng lẽ quay trở lại để chở từng người trong gia đình tôi kẻ trước, người sau cùng đến một nơi. Khi Ba tôi có ý muốn tạ ơn, ông nói hồn nhiên là không cần gì ngoài một ít muối bây giờ. Mẹ tôi xa xót vì không có thứ này, xin được tặng chiếc nhẫn vàng đang đeo ở ngón tay, mong lúc bình yên người của chốn núi rừng sẽ có cơ hội ra quận lỵ đổi lấy những thứ cần dùng trong cuộc sống.

Người tá điền của cha tôi có chiếc xe lam từng chở lúa gạo bao năm, đã ngoảnh mặt làm người lạ khi cha tôi cần giúp. Dì tôi bất bình, cay đắng trước tình người, trong khi cha bình thản coi như không có. Thi ân bất cầu báo là cách mà cha đã sống từng ngày ở trong đời. Trong hoạn nạn thường rất dễ nhận ra, người hết lòng chia sẻ khổ đau, bất hạnh chung. Người chỉ thấy sự sống của mình và nguời thân là trên hết. Chiếc xe lam tưởng bình yên xuôi về đất hứa. Đâu ngờ đã nát tan mất dấu cả xe và người vì những trái mìn ẩn giấu dưới lòng đường. Cha tôi thở dài niệm chú vãng sanh. Mong người không còn quay trở lại cảnh trầm luân của kiếp người vui ít, khổ nhiều.
 Theo đoàn người chạy loạn, cả nhà tôi dừng chân nơi vùng tạm chiếm Tân Khai. Hoang mang, lo sợ hơn bao giờ bởi họ hoàn toàn kiểm soát nơi này. Muối trở nên hiếm quý khi cần nấu những bữa ăn tạm bợ trên đường chạy loạn. Miếng thịt heo vừa xẻ trong làng cùng những trái xoài xanh hái trên cây, mẹ phải đổi bằng vàng mới có. Không thể kho thịt bằng nước lã, hay nấu nồi canh bằng cách luộc những trái xoài non. Lần đầu tiên trong đời, tôi ăn bữa ăn ngồi bệt trên nền đất, với thịt kho muối và tô canh xoài mẹ nấu vội vàng. Cảm thấy ngon như chưa bao giờ được ăn ngon. Phải nếm mùi đói khát mới biết cảm niệm ơn sâu của tạo vật, và những người đã đem lại cho mình miếng cơm, manh áo, chốn nương thân.

Một buổi chiều, đứa con trai trạc bằng tuổi ở chung nhà ngập ngừng rủ tôi đi lấy nước chung. Nó biết gánh nước nhưng chỉ mượn được một chiếc thùng của chủ nhà. Nếu xách thùng nước bằng một tay, đi đoạn đường hơi xa có nhiều mô đất thấp cao, e nước sẽ đổ nhiều nên nó nghĩ ra chuyện kêu tôi cùng đi lấy nước chung. Tôi tròn xoe đôi mắt nhìn cây đòn gánh, nhìn vào khuôn mặt của đứa con trai có vẻ ở miệt vườn ven tỉnh lỵ, như thay câu hỏi vì sao nó rủ tôi. Tôi làm gì biết gánh nước mà kêu gánh một đầu chung với nó. Môt thoáng bối rối khi thấy tôi không giấu nỗi ngạc nhiên, đứa con trai giải thích bằng giọng chất phát, hiền lành. Cô lớn nhứt nhà, không đi lấy nưóc về để tắm giặt nấu ăn, thì còn ai đi lấy nữa? Tôi chợt nhớ ra bổn phận của mình. Hồi ở nhà, ba mẹ có đào một cái giếng sau nhà. Chị đi lấy chồng, giao lại cho tôi lo chuyện nước non! Cả mười người tắm giặt mỗi ngày. Tôi có hai bàn tay chai cứng quanh năm. Thầm nghĩ sẽ không lớn nổi vì quay nước giếng và xách từng thùng nước nặng nề đổ vào chiếc bồn lớn để dùng.

Tôi thẫn thờ nối gót theo đứa con trai, qua những mô đất mà bước đi thong dong còn chưa vững, nói chi gánh một đầu thùng nước nặng. Tới giếng, đổ đầy thùng nước bằng cái gàu không lớn lắm, thòng xuống bởi sợi dây dài, xong nó tháo sợi dây đã nối sẵn hai đầu, xếp đôi lại và thắt vào thanh gỗ đóng ngang thùng đựng nước. Xỏ chiếc đòn gánh vào dây xong, nó bảo tôi ghé vai vào đầu phía trước, phần nó ở đầu sau. Tôi lẳng lặng làm theo như không còn sự chọn lựa nào, thầm nghĩ sẽ có hai điều xảy ra liền sau đó: thùng nước không ngã thì tôi cũng ngã. Thế mà tôi gượng nổi, đứng lên. Bước chệnh choạng đi tới một khoảng ngắn rồi chúi nhủi vì bờ vai như rướm máu. Đau đến chảy nước mắt ra, bởi trong đời chưa bao giờ chất lên vai bất cứ vật gì, ngoài trò chơi đặt đứa em nhỏ yêu thương ngồi choàng đôi chân bé xíu trên hai vai, nắm giữ hai bàn tay nhỏ nhắn cho em đừng tuột xuống, rồi đi những bước chậm để nghe tiếng cười trẻ thơ rất đỗi dễ thương. Gượng lại kịp cả người và thùng nước, dù đã sánh ra vơi một ít ngay từ bước đầu tiên. Tôi bậm môi cố giấu nỗi đau, kê chiếc đòn qua vai trái lòng thầm mong sẽ bình yên. Tôi thuận bên trái nên bờ vai trái chịu đau có vẻ giỏi hơn. Tôi lê lết đem được hai phần ba thùng nước về đến nơi sau nhiều lần dừng lại xoa bờ vai buốt nhói. Ý nghĩ nếu đi phía sau chắc sẽ đỡ nặng hơn bị xóa tan, khi đứa con trai nhìn tôi ái ngại, phân trần. Gánh đầu phía trước nhẹ hơn ở phía sau. Điều này tôi không biết vì có bao giờ gồng gánh. Nhưng tôi tin và thoáng ăn năn. Có lúc đau quá tôi nghĩ nó khôn bắt mình đi phía trước. Biết sức tôi không kham nổi, thằng bé tạm trú chung nhà đành để tôi chọn cách đi nhiều bận, xách về mỗi lần một ít nước thôi. Tôi chọn chấp nhận hai bàn tay đỏ phồng đau đớn. Có lẽ để dành đôi vai hứng giông bão cuộc đời cuồn cuộn sau này. Cũng từ đó tôi biết cảm thương khi nhìn những người chất trên vai gánh nặng, đi giữa trời mưa nắng dãi dầu.

Phải mất gần tuần lễ, gia đình không tròn vẹn của tôi mới vượt qua khỏi gần 30 cây số để tìm về vùng đất bình yên. Khoảng cách không dài lắm nhưng thời gian như ngừng lại. Ngày nắng lửa chói chang bên tiếng bom đạn vang rền khắp bầu trời. Đêm sâu thẳm trong bóng tối tưởng chừng tai ương đang rình rập.. Tôi biết, bấy giờ sự sống chết riêng mình không làm bận lòng ba mẹ lẫn dì tôi. Chỉ có sự sống của dượng, của anh tôi và sự an nguy của 5 chị em tôi đè nặng lên tâm trí ngày đêm. Đoàn người di tản chờ đêm gần sáng lặng lẽ rủ nhau đi tiếp trên con đường quốc lộ 13, chỉ vì biết không thể nào ở lại để trở thành người dân sống trong vùng “giải phóng”. KP, đứa bạn thân nhất của tôi thì thầm khi thấy đám bộ đội bắt thanh niên đi họp. Ly ơi! P sẽ tự tử nếu như phải sống chung cùng cộng sản. Một đêm rồi hai đêm. Không có đường đi tới phải quay về. Cho đến khi ra khỏi nơi tạm chiếm, chợt nhận ra mình đã dẫm lên xác chết mà đi. Mặt trời lên, cảnh tượng đau xót hiện ra trong tầm mắt. Xác của những người lính tiếp viện cho An Lộc nằm la liệt trên đường nhựa. Nắng hè thiêu đốt sậm đen. Các anh nằm đó không biết đã bao lâu. Xác căng phồng, rỉ nước nhìn đau lòng muốn khóc mà sao nước mắt chừng như khô cạn. Người thân, gia đình của các anh có biết hay chăng? Tôi hiểu, biết ơn và thương đời lính hơn bao giờ.

Đã ba mươi mấy mùa hè trôi qua từ dạo đó. Tôi nhiều lần băn khoăn tự hỏi, không biết người năm xưa có còn không? Người Cha kính yêu của tôi đã an giấc đời đời ở bên này. Dượng và anh tôi trở về từ cõi chết vài tuần sau đó, nhờ vết thương mưng mũ của anh tôi và những cơn đau oằn người của dượng tôi. Họ bỏ lại đám người thương tật giữa rừng vì trở nên vô dụng không thể mang vác đạn. Người dì xinh đẹp của tôi cũng đã xa đời. Dì mất khi tuổi còn xuân sắc vì căn bệnh ung thư. Ngày ba mẹ và chị em tôi rời quê hương, dì không còn sức tiễn đưa. Nhìn đôi mắt dì đọng nước, rưng rưng, tôi vòng tay ôm nhẹ nhàng lúc giã từ mà không thốt được lời nào. Chợt nhận ra, những gì đậm nét còn giữ lại từ dì đều quá ngậm ngùi. Rừng cao su vang rền bom đạn. Dì rũ riệt thét gào giữa đất rộng, trời cao. Hình ảnh cuối còn giữ lại là căn nhà nhỏ, sau đêm cúp điện bóng tối còn vây phủ chung quanh. Dì ngồi đó, lặng yên bất động, khuôn mặt đẹp não nùng như một bóng ma. Là đứa con gái mồ côi sớm, dì lớn lên giữa miền quê nghèo mà xinh đẹp sáng ngời. Ở quê dì tạo ra một cơ ngơi bằng chính đôi tay và sự cần mẫn siêng năng. Về sống nơi phố xá dì biến căn nhà thành quán ăn ngon nổi tiếng. Dì là người tài sắc vẹn toàn. Dì tạo ra đó rồi mất đó. Tất cả đều mong manh như sự sống và nỗi chết. Trong tôi hình ảnh dì luôn đi kèm với những mùa hè khó nhòa ở trong đời. Ngày tôi rời quê hương cũng là một ngày mùa hạ của năm 1983. Đó chính là niềm mơ ước của bao nhiêu người thuở ấy. Mơ thoát ra khỏi địa ngục trần gian.

 Trái bầu khô nhìn lại buổi chiều nay, ở một nơi được gọi là mặt trời bên kia mùa hạ, khiến lòng tôi có chút lao xao. Nghe từ bên nhà xa thẳm mịt mờ, những người đồng bào chân thật sống trong rừng núi đời này qua đời khác, giờ cũng chẳng yên lành. Những giọt nước cam lồ ngày đó. Chỗ ngồi lắc lẻo trên xe đạp, nép sau chiếc lưng đen nhánh, đem lại cảm giác an lành dù bom đạn vang rền. Tôi mang ơn sâu khó nỗi đáp đền. Lòng vẫn hỏi sao người cùng xứ sở vì đâu không ngừng gieo thêm đau khổ cho nhau. Người năm xưa chẳng biết có còn. Riêng tôi đã từng có lúc âm thầm sám hối, bởi ngày xưa dù sợ rớt xuống trên đường, vẫn vì phân biệt, e dè màu da đen đúa nên ngại ngần không dám đưa tay ôm giữ vòng lưng của ngưòi đã đem lại sự sống cho mình thuở ấy.

Thảo Ly

304Đen - Llttm

 

 

No comments: