Ngày còn nhỏ vẫn nghe bà nội nói: "Mẹ nó này, hôm nay mưa dầm cả ngày, giời đất cứ như ngoài Bắc... Để phần mẹ nó bát bún thang có cả cà cuống chả thơm bằng cà cuống Bưởi...Trong này hoa mai vàng, mạn ngược nhà mình lại sính hoa đào..." Thế nên, đất Bắc không chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ mà còn là nỗi ràng buộc rất sâu.
Ngày vào Nam còn quá bé nhớ chẳng được nhiều. Nhớ nhất làng Bưởi lối vào làng lát gạch đỏ au màu đỏ cam tươi nõn ưa nhìn. Có lần dọn nhà phải bỏ đi bao nhiêu thứ, nhưng vẫn cố giữ một bình đất nung không tráng men không hoa văn vẻ đẹp mộc mạc gợi nhớ những viên gạch Bát Tràng làng Bưởi.
Từ đầu làng đến nhà cậu phải đi qua một cái ao. Cái ao này lớn hơn ao ở Hưng Yên quê ngoại. Quanh ao trồng môt hàng dừa vốn khá hiếm ở đất Bắc. Lá dừa xòe ra như nan quạt. Những quả dừa bé tí rụng đầy mặt ao. Bờ ao viền gạch Bát Tràng. Những bậc thang cũng lát gạch ý chừng muốn chiều chuộng bàn chân các cô gái đi gánh nước. Các cô cẩn thận bấm chân trên cầu tay kéo váy đen chùng xuống bắp chân, bờ mông nhịp nhàng theo hai thùng "sắt tây", yếm nâu buộc hờ có khi tung tăng hai quả vú vừa bằng cái bánh giò. Nhìn các cô đong đưa đòn gánh trên vai thương không để đâu cho hết, hình như chẳng bao giờ có được cái thùng nào lành lặn. Mỗi bước đi những tia nước nhỏ xoè xuống nền gạch đỏ ngoằn ngoèo trông như một đàn giun. Chiều nào đi tắm ao cũng chạy loăng quăng theo dấu nước ấy.
Hai bên đuờng làng bụi dâu rực những chùm quả mầu hồng hồng đo đỏ núm phơn phớt vàng ăn vào chua chua ngọt ngọt. Quanh làng những bụi thầu dầu lá đỏ tía xoè ra như ngôi sao. Xin chị hái cho mươi quả, tách ra lấy cái nhuỵ bé tí mầu trắng trên đầu đội mũ đỏ chói. Chị kính cẩn gọi là cô tiên của Tây Vương Mẫu bị giáng xuống trần. Xếp hàng cho mươi cô tiên nằm ngay ngắn trên lá dâu xanh, tha thẩn cứ thế mà chơi cho hết buổi sáng. Đang chơi, nghe tiếng rao của bà bán kẹo mach nha là bỏ hết cả. Tiếng bà thanh và cao như tiếng chị. Nhưng thật ra bà đã già rồi. Bà gánh hai nồi đất nung đầy kẹo mạch nha trong mầu hổ phách. Bà mặc quần chân què yếm nâu đã bạc chân đi đất. Tóc vấn vội vàng trong mảnh khăn đen. Mắt hấp háy kèm nhèm vì nắng. Khuôn mặt nhăn nheo chịu đựng. Lúc đó cứ không hiểu tại sao có những người Hà Nội cực khổ đi khắp hang cùng ngõ hẻm đổi tóc rối và vỏ quít phơi khô. Siêng năng nhặt tóc rối đưa cho bà nội cất vào một bình sứ nhỏ dành đổi lấy những que kẹo mạch nha ngọt rất thanh. Bà cười xinh đôi môi ăn trầu hàng răng đen đã bạc. Những người đàn bà quê hương muôn thuở đều như thế. Sắc không lộng lẫy mà lòng thuần thục. Chịu bao oan khổ tình đời mà lòng không tê tái.
Một hôm, bà nội chào bà kẹo mạch nha: "Bà ơi, hôm nay đãi bà năm hào. Chào bà ở lại nhớ, mấy hôm nữa cho các cháu vào Nam". Tiếng bà kẹo mạch nha kêu toáng lên: "Lạy thánh mớ bái, sao cụ lại đi vấy?". Giọng bà nội rầu rầu: "Nào có muốn đi nhưng bố mẹ cháu đổi vào trong ấy, đâm ra phải đi theo trông cháu. Bà tính, cứ là đứt cả ruột gan chứ lại gì. Đấy, mấy ngày hôm nay đi ra đi vào chẳng còn hồn vía sất cả. Có ai muốn đi đâu bà nhể...?". Bà nội và bà kẹo mạch nha sụt sùi một lúc, nghe mãi mới hiểu là sắp đi xa, xa lắm. Chẳng thế mà đang ở đường Hồ Trúc Bạch, mẹ mang cả nhà đến Bưởi ở với ông ngoại đợi ngày đi.
Từ lúc ấy, linh tính như báo một cuộc chia ly. Thơ thẩn trong sân cố chơi với tất cả những gì có trong mảnh sân vuông ấy. Bể nước mưa xi măng chứa đầy nước dành uống quanh năm. Hai cây cau trồng hai bên lúc đó đang tuổi trổ hoa. Hoa cau từ từ nhú lên trong bẹ đến lúc vỡ tung ra, từng tia trắng ngà vươn ra như cổ tay một cô công chúa mười sáu tuổi. Chị nói cứ như đã được gặp một cô công chúa. Hoa cau trắng rụng lấm tấm xuống nền gạch đỏ trông như một chùm pháo bông. Chạy chơi khát nước xin dì Út một gáo nước mưa. Uống phải ngửa cổ nhìn trời dốc ngược cả gáo dừa lên mặt. Dì không cho bỏ một giọt nào: "Cháu ạ, của trời cho, không được phí". Trời nắng hoa cau thơm gắt nhưng khi mưa xuống mùi hoa dịu hơn. Thích nhìn dòng nước trong thoăn thoắt từ trên trời cao rơi đan nhau trôi tuột qua tầu cau len lỏi như một đàn rắn hối hả trườn qua chùm hoa cau trắng mướt. Dì Út và chị cười khúc khích: "Hôm nay trời tắm cho công chúa". Hạt nước như những chuỗi ngọc, quấn quít lấy những bông hoa cau liên tiếp rớt xuống. Nước quấn hoa hoa đỡ nước âu yếm không rời. Dì ẵm cho hai dì cháu soi bóng trong vại nước mưa. Mặt nước sóng sánh in mây trắng rắc hoa cau lấm tấm. Dì nói nhỏ "Cháu đi có quên dì không?". Úp mặt vào trong vại, tiếng nói rền vang "Cháu nhớ dì, cháu nhớ dì cho ăn bánh đúc..." Dì cười, đôi mắt khép lại, gò má xuân thì nhợt nhạt thiếu ăn chợt xinh ửng lên: "Cháu nói giống người bạn của dì quá". Dì ôm thật chặt, nhắc đi nhắc lại mắt thoáng mơ màng như nói với ai.
Về sau này, khi đọc hai câu thơ của thi sĩ Quang Dũng,
Vại mưa in dáng
mây trời
Em soi bóng có nhớ người xa em
Em soi bóng có nhớ người xa em
mới ngẩn người mang máng hiểu chắc lúc ấy dì đang chờ đợi. Một người nào đó ở phương xa cũng đang chờ đợi. Cả hai người cùng chờ ngày lại cùng soi bóng bên vại nước mưa. Chỉ những nhà thơ sống nhiều và yêu thật mới có thể làm được một câu thơ như thế. Câu thơ như một máy ảnh thu hình ảnh của thế hệ 1954. Một thế hệ phủ đầy bóng tối của chia lìa.
Hẹn mai về, hẹn
mai về
Xuân rồi xuân quạnh quẽ
Người gái quê, người gái quê
Xuân buồng xuân vắng vẻ
Xuân rồi xuân quạnh quẽ
Người gái quê, người gái quê
Xuân buồng xuân vắng vẻ
Dì có gặp lại người ấy hay cả hai cứ bên chờ bên hẹn? Không bao giờ hỏi dì vì chưa được về Hà Nội . Nhưng lúc nào chẳng gặp Hà Nội nhất là vào ngày giỗ chạp, bà nhắc chị nhớ cúng chè hoa cau.
Cũng nhớ mùi hoa móng tay, bụi hoa trồng ngay cửa sổ gần giường hai bà cháu. Hoa có mùi thơm lạ. Mãi về sau không có hoa nào thơm biêng biếc như vậy nữa. Dì Út giã lá buộc vào mười đầu ngón tay ngày mai móng ửng hồng. Hai dì cháu đang hí hửng bị ông ngoại bắt gặp mắng cho một trận nên thân. Đám con gái bị mắng suốt ngày đủ thứ tội. Làm đẹp cũng là một tội sao? Hoa móng tay mầu ngà, nở thành chùm như hoa khế. Hoa thơm nức buổi sáng sớm khi nắng chưa lên. Còn hoa buởi lại thơm vào buổi tối. Trèo lên cây bưởi hái hoa, nhà cậu không có vườn cà cho nên vắng nụ tầm xuân.
Những ngày hôm sau ấy đi với mẹ chào họ hàng truớc khi vào Nam. Bà cô mở ruột tượng, cho mẹ một đôi khuyên "cho cháu làm vốn nuôi con". Ông chú ân cần dặn dò: "Này, cháu phải nhủ con cái nhớ lấy gia phả nhà mình. Người có gốc sông có ngọn. Mẹ con nhà mày đi như thế là chú lo lắm đấy."
Các dì đã soạn sẵn đồ đoàn cho mẹ. Dì Ba gói cho mẹ một chục bát mẫu rất mỏng, mẹ chối mãi mà không được. "Chị mang theo tập cho trẻ con, ăn cơm hẩm cũng được, nhưng bát đĩa phải cho đẹp, chị ạ. Cái nết nhà mình nó như thế." Dì Năm ép mẹ tôi nhận tấm áo nhung huyết dụ, "Nghe nói trong Nam nóng lắm chị ạ. Biết đâu chị mang cái rét của mình vào Nam. Em mới luôn xong tà tối qua. Thầy bắt thùa khuy tết, thầy không cho dùng khuy bấm đâu. Em vừa may vội, vừa nhớ chị, kim đâm nát cả đầu ngón tay thế này này..."
Mẹ dắt đi phố Hàng Đào ra Hồ Hoàn Kiếm rẽ vào đền Ngọc Sơn. Lúc ấy trời đã vào thu. Cây bên bờ đã đổi màu gió chạy đuổi theo hàng trăm chiếc lá cuốn tròn. Hai mẹ con bước lên cầu Thê Húc gỗ sơn đỏ uốn cong nối bờ hồ với ngọn đồi nho nhỏ. Mẹ sẽ sàng thắp sáu nén hương. thành kính nhìn xuống mặt hồ sóng gợn. Mẹ xin gì nữa đây? Có còn lại gì đâu sau mấy năm chạy loạn. Có mỗi một tí quê hương lại sắp sửa rời xa. Hay là, mẹ khấn gửi lại cho thần Tháp Rùa chuỗi đời xuôi nguợc, ngôi nhà thấp thoáng hình ảnh gia đình, và cả bực thềm đã cùng mẹ thuộc lòng những truyện truyền kỳ từ trăm năm trước?
Chiều hôm đó hai mẹ con đi xe điện từ Hà Nội về Bưởi. Chẳng hiểu sao xe điện chạy chầm chậm rồi dừng hẳn. Hành khách xôn xao chán rồi cũng phải xuống đi bộ. Hai mẹ con cố đi cho kịp, trời đã về chiều. Bên đường, mấy bụi cây có những chùm hoa nhỏ li ti mầu đỏ. Xin mẹ chạy đến hái vội một chùm, chợt thấy một đám dây màu vàng phủ đầy. Mẹ gọi với: "Ðừng hái dây tơ hồng, bửn cả tay. Về nhanh kẻo bà mong". Quay nhìn mẹ in nền trời màu vàng nhạt. Mẹ đứng cạnh con tàu điện bị bỏ quên bên đường tàu song song, quần trắng guốc mộc áo dài nỉ màu mơ chín, cổ đeo chuỗi ngọc xanh tóc rẽ ngôi giữa búi lơi buông sau gáy. Mẹ nhìn âu yếm, nét buồn cổ điển dịu dàng nửa như đánh liều nhắm mắt nửa như phân vân không biết đoạn đường sắp tới liệu có nuôi nổi đàn con gà vịt. Thôi thì cứ đi. Từ đó trở đi, dù lòng riêng mang tám chín cái biệt ly, nhưng xao xuyến nhất vẫn là bóng mẹ nghiêng nghiêng bên đường xe điện, chiếc bóng chưa được hưởng chút xuân vui trong lòng Hà Nội đầy gió bão.
Hôm cuối cùng, mẹ ghé lại ngôi nhà đường Hồ Trúc Bạch chào lần nữa. Không theo mẹ vào nhà, đứng chơi ngoài cổng gặm nốt cái ngô luộc. Cái cổng gỗ mộc và hàng rào nở rực những chùm tường vi. Có lẽ nhớ hoa qua màn sương mờ ảo của thời gian, nên màu tường vi Hà Nội hình như phơn phớt so với tường vi Đà Lạt. Từ trên giàn cao, hoa rơi xuống từng chùm phớt trắng phớt hồng phớt đỏ. Với mãi không sao chạm tới hoa giống như yêu Hà Nội mà không rõ vì sao. Hôm ấy vắng tiếng chim kêu, không "có tiếng oanh ca bên bờ tường vi..." như ông Song Ngọc viết. Bài hát đầm đìa tình yêu Hà Nội, dù tác giả chưa biết bao giờ.
Song Ngọc trong
Nam đã thế, nói gì đến những tài hoa miền Bắc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm nổi
tiếng với nghệ thuật đen trắng "Ảnh đen trắng chụp cành tre cũng có màu
xanh". Ảnh đen trắng khêu gợi được chiều sâu thẳm của cảnh và tình, dù người
nghệ sĩ đã khuất rồi. Bức ảnh Hồ Gươm, vạt nắng soi thân cây gân guốc in trên mặt
nước dịu dàng. Ngàn năm rồi mặt hồ chứng kiến bao mùa xuân mùa thu Hà Nội, đã
chịu bao ngọn roi phũ phàng của lịch sử? Năm mươi năm nữa liệu có còn Hồ Gươm
còn Tháp Bút còn tháp vua Lê? Một đêm xuân não nề chín năm sau 1954, thi sĩ Vũ
Hoàng Chương đã biên vào tấm ảnh:
Chín giao thừa tám năm dư
Cành mai trắng mộng đêm trừ tịch xuông
Lòng sung như lòng vả, lòng vả tựa lòng sung, nỗi nhớ nhà không phải riêng ai. Hóa nên những tấm tài tử đa tình ngồi giữa lòng quê mà vẫn thổn thức tiếc quê hương.
Với một đứa bé, cầu Gia Lâm dẫn đến sân bay quả là một con ngáo ộp. Đầu này nuốt chửng hàng chục cáí xe đầu kia nhả ra hàng trăm đôi mắt mếu máo tràn nước mắt. Ngồi lọt trong lòng mẹ, cố nhoài người nhìn những thanh sắt đen sì thoăn thoắt giật lùi. Mẹ khẽ nói: "Thế là mình đi thật rồi". Về sau này mới hiểu cảm giác "đi thật hay chưa" là một tiếng than dài từ nỗi đau tím bầm gan ruột.
Vào đến trong Nam, bà nội vẫn luôn nhắc về miền Bắc. Phủ Lý, Tháí Nguyên, Nho Quan, Ninh Bình, cốm vòng, cháo sườn, ốc bung, chè nụ... Một hôm bà bảo mẹ "Khéo không năm nay giời rét hơn cái năm mình mới vào Nam ấy nhỉ". Thật ngạc nhiên, một bà cụ răng đen áo cánh trắng quần thâm không biết chữ, lại có cùng ảo tưởng như thi sĩ Nguyễn Bính:
Mình đi trăm núi nghìn sông
Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam
Chẳng riêng gì bà hay thi sĩ Nguyễn Bính, mà còn biết bao cụ ông cụ bà "Bắc kỳ di cư 54" không bao giờ ngờ rằng trong tay nải mang theo có cả nỗi oan khiên khiến thời tiết cũng nghiến răng thay đổi. Không giống như nhân vật tiểu thuyết được nhào nặn, các cụ đã tự mình lựa chọn một chuyến phiêu lưu gian khổ với đầy đủ trách nhiệm trong vô thức. Cuộc di cư ấy tưởng chỉ là chia ly sinh tử của gần chín trăm ngàn người (2) . Nhưng tích cực nhìn lại, là một nhịp cầu lịch sử nối liền sông Gianh với sông Bến Hải. Tiếp sức cho đồng bằng sông Hồng 2000 năm bền bỉ chống ngoại xâm. Nối Thăng Long cổ kính điêu tàn với Sài Gòn son trẻ bừng bừng sức sống. Nối 12 triệu người miền Bắc với 11 triệu người miền Nam và làm tiền đề cho bước di tản sau này: thổi một làn hơi sung mãn vào nền văn minh nông nghiệp sau luỹ tre làng. Ngày rời miền Bắc, các cụ không bao giờ nghĩ mình sẽ là gì. Ấy thế, các cụ đã làm nên lịch sử, đã là chứng nhân cho một khoảnh khắc kỳ lạ của cả hai miền Nam - Bắc.
Thế hệ "Bắc kỳ di cư 54" đã làm xong bổn phận. Đã liều bước tử sinh, dìu dắt cháu con xuyên cơn bão táp. Những đôi vai lảo đảo bồng bế trẻ thơ và cõng trên lưng cả nỗi đau chạy trốn trên chính đất nước mình, trao những đứa bé ấy vào đôi tay rộng mở của một miền Nam hồn nhiên và nhân hậu. Có bao giờ những người như bà nội bố mẹ có một phút nào tạm dừng bước, thở một hơi dài trước khi bắt đầu một cuộc sinh tồn? Trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, ở miền Nam mưa nắng hai mùa, dù hạnh phúc hay khổ đau, bất hạnh hay may mắn, những mảnh đời phiêu bạt ấy đã cố gắng hết sức mình chu toàn cho cả gia đình và đất nước.
Chinh chiến đã tàn, Việt kiều vượt biển vượt sông. Việt cộng thắng Tây đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào. Nguỵ nhào nhưng vẫn tức tủi gửi bạc tỉ về rốt cuộc được đổi tên "khúc ruột xa ngàn dặm". Gía mà mang khúc ruột ấy ra nấu cháo lòng? Liệu chữ "Việt" ấy có đủ lấp nổi dòng Bến Hải li ti ở trong tâm mỗi người tự nhận là người Việt? Có khi một hai trăm năm nữa trôi qua, nếu chưa mất nước, thì giấc mơ ấy là điều duy nhất người Việt mình có được.
Cứ mơ! Miễn là đừng mơ hơn điều chúng ta làm.
Chín giao thừa tám năm dư
Cành mai trắng mộng đêm trừ tịch xuông
Lòng sung như lòng vả, lòng vả tựa lòng sung, nỗi nhớ nhà không phải riêng ai. Hóa nên những tấm tài tử đa tình ngồi giữa lòng quê mà vẫn thổn thức tiếc quê hương.
Với một đứa bé, cầu Gia Lâm dẫn đến sân bay quả là một con ngáo ộp. Đầu này nuốt chửng hàng chục cáí xe đầu kia nhả ra hàng trăm đôi mắt mếu máo tràn nước mắt. Ngồi lọt trong lòng mẹ, cố nhoài người nhìn những thanh sắt đen sì thoăn thoắt giật lùi. Mẹ khẽ nói: "Thế là mình đi thật rồi". Về sau này mới hiểu cảm giác "đi thật hay chưa" là một tiếng than dài từ nỗi đau tím bầm gan ruột.
Vào đến trong Nam, bà nội vẫn luôn nhắc về miền Bắc. Phủ Lý, Tháí Nguyên, Nho Quan, Ninh Bình, cốm vòng, cháo sườn, ốc bung, chè nụ... Một hôm bà bảo mẹ "Khéo không năm nay giời rét hơn cái năm mình mới vào Nam ấy nhỉ". Thật ngạc nhiên, một bà cụ răng đen áo cánh trắng quần thâm không biết chữ, lại có cùng ảo tưởng như thi sĩ Nguyễn Bính:
Mình đi trăm núi nghìn sông
Ngờ đâu mang cả lạnh lùng sang Nam
Chẳng riêng gì bà hay thi sĩ Nguyễn Bính, mà còn biết bao cụ ông cụ bà "Bắc kỳ di cư 54" không bao giờ ngờ rằng trong tay nải mang theo có cả nỗi oan khiên khiến thời tiết cũng nghiến răng thay đổi. Không giống như nhân vật tiểu thuyết được nhào nặn, các cụ đã tự mình lựa chọn một chuyến phiêu lưu gian khổ với đầy đủ trách nhiệm trong vô thức. Cuộc di cư ấy tưởng chỉ là chia ly sinh tử của gần chín trăm ngàn người (2) . Nhưng tích cực nhìn lại, là một nhịp cầu lịch sử nối liền sông Gianh với sông Bến Hải. Tiếp sức cho đồng bằng sông Hồng 2000 năm bền bỉ chống ngoại xâm. Nối Thăng Long cổ kính điêu tàn với Sài Gòn son trẻ bừng bừng sức sống. Nối 12 triệu người miền Bắc với 11 triệu người miền Nam và làm tiền đề cho bước di tản sau này: thổi một làn hơi sung mãn vào nền văn minh nông nghiệp sau luỹ tre làng. Ngày rời miền Bắc, các cụ không bao giờ nghĩ mình sẽ là gì. Ấy thế, các cụ đã làm nên lịch sử, đã là chứng nhân cho một khoảnh khắc kỳ lạ của cả hai miền Nam - Bắc.
Thế hệ "Bắc kỳ di cư 54" đã làm xong bổn phận. Đã liều bước tử sinh, dìu dắt cháu con xuyên cơn bão táp. Những đôi vai lảo đảo bồng bế trẻ thơ và cõng trên lưng cả nỗi đau chạy trốn trên chính đất nước mình, trao những đứa bé ấy vào đôi tay rộng mở của một miền Nam hồn nhiên và nhân hậu. Có bao giờ những người như bà nội bố mẹ có một phút nào tạm dừng bước, thở một hơi dài trước khi bắt đầu một cuộc sinh tồn? Trong 21 năm, từ 1954 đến 1975, ở miền Nam mưa nắng hai mùa, dù hạnh phúc hay khổ đau, bất hạnh hay may mắn, những mảnh đời phiêu bạt ấy đã cố gắng hết sức mình chu toàn cho cả gia đình và đất nước.
Chinh chiến đã tàn, Việt kiều vượt biển vượt sông. Việt cộng thắng Tây đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào. Nguỵ nhào nhưng vẫn tức tủi gửi bạc tỉ về rốt cuộc được đổi tên "khúc ruột xa ngàn dặm". Gía mà mang khúc ruột ấy ra nấu cháo lòng? Liệu chữ "Việt" ấy có đủ lấp nổi dòng Bến Hải li ti ở trong tâm mỗi người tự nhận là người Việt? Có khi một hai trăm năm nữa trôi qua, nếu chưa mất nước, thì giấc mơ ấy là điều duy nhất người Việt mình có được.
Cứ mơ! Miễn là đừng mơ hơn điều chúng ta làm.
Trần Thị Vĩnh
Tường
304Đen - Llttm
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment