Ngôi
nhà không có đàn ông
Nhà có ba chị em gái sàn sàn tuổi nhau, thêm mẹ là
bốn, quanh năm dù có vui hay buồn cũng chỉ nghe mỗi tiếng đàn bà. Ba bỏ nhà đi
sau khi mẹ sinh con gái út được vài tháng. Ông chê mẹ “không biết đẻ”, lấy đó
làm lý do để ra đi. Mẹ buồn một thời gian dài nhưng nhờ có cơ quan, bạn bè mẹ
lại đứng dậy được, một mình nuôi ba cô con gái khôn lớn. Mẹ không bao giờ nhắc
đến ba trước mặt mấy chị em nó, và mấy chị em nó cũng thế - hình như chị em nó
sợ mẹ buồn, nhưng nó biết hễ có ai nhắc đến ba là mẹ im lặng, sau đó nén một
tiếng thở dài.
Chị cả tên Quyên, là bản sao của mẹ từ vóc dáng, gương
mặt đến cả sự khéo léo, dịu dàng. Chị hiền, trong mắt luôn chứa một nỗi buồn u
uẩn. Tóc chị dài, đen và đẹp. Gương mặt chị cũng đẹp, nhìn thánh thiện như một
thiên thần.
Quỳnh thì khác. Quỳnh thua chị Quyên ba tuổi nhưng từ
khuôn mặt đến tính tình khác Quyên đến ngàn lần. Tóc ngắn, ánh mắt lạnh lùng và
một dáng vẻ con trai, chị luôn tạo cho mình một vẻ bất cần. Không có ba, Quỳnh
gánh vác luôn vai trò người đàn ông trong nhà. Từ sửa điện, sửa ống nước, chữa
bàn ghế gãy... đều một tay Quỳnh làm. Mỗi lần chữa xong một thứ bị hỏng Quỳnh
lại bảo mẹ: “Sau này con chẳng lấy chồng làm gì, ở vậy với mẹ... hết đời”. Mẹ
cười: “Để rồi xem...” nhưng trong mắt thoáng một nỗi buồn.
Con gái út - từ khi sinh ra đã phải mang một cái tên
con trai: Quân. Hồi bé đi học thường bị thầy cô giáo gọi nhầm, rấm rứt khóc đòi
“mẹ đổi tên khác cho con” nhưng mãi rồi cũng thành quen, thỉnh thoảng còn bật
cười thích thú về sự nhầm lẫn “cố tình” đó! Quân không đến nỗi ngang tàng như
chị Quỳnh song cũng không nhất thiết phải tỏ ra dịu dàng mới được bằng chị
Quyên. Nó mang một nửa tính cách của ba, một nửa tính cách của mẹ nhưng lúc nào
cũng nhủ thầm: “Con là nỗi buồn của mẹ”.
Chị Quyên học sư phạm, ra trường xin về dạy ở một
trường ngay gần nhà. Học trò của chị là những đứa trẻ mắt đen lay láy, tay
nguệch ngoạc những nét chữ đầu tiên, tâm hồn còn trong trẻo như tờ giấy trắng.
Chị yêu bọn trẻ ấy đến nhường nào Quân không hề biết, chỉ thấy mỗi khi về đến
nhà câu đầu tiên chị nói với mẹ thường là: “Hôm nay học trò của con...”.
Những lúc ấy, chị cười chị nói, đôi mắt sinh động hẳn
lên, nhìn chị càng xinh đẹp gấp bội lần. Đã có lúc Quân đứng lặng im ở cửa bếp
nhìn mẹ và chị Quyên nấu cơm, chị Quyên líu ríu như con chim non bên cạnh mẹ,
Quân thấy lòng mình thật ấm áp.
Quỳnh về, ào ào như một cơn lốc: “... Lại chuyện trẻ
con... Sao mà lắm chuyện thế! Chị thích trẻ con sao không cưới đi cho xong...
Đẻ một lũ, tha hồ mà khoe”... Quỳnh bĩu môi trêu chọc chị, xong cười một mình,
có vẻ khoái chí mặc cho má chị Quyên đang đỏ dần vì ngượng. “Bà này cứ như bọn
chíp hôi mới lớn ấy... trêu thế đã đỏ mặt, sau này lấy chồng thì thế nào...”,
Quỳnh liếc chị Quyên một cái rồi xô ghế đứng dậy, vừa đi vừa nói vọng lại: “Con
đi có việc một chút mẹ ạ!”. Mẹ nhìn theo, khẽ lắc đầu: “Chị em chúng mày sao mà
khác nhau đến vậy...”. Quyên lặng thinh, sau bảo: “Kệ nó, mẹ...”. Quân ngồi im,
cố gắng không thở dài.
Chẳng mấy khi Quân thấy chị Quỳnh cười hay vui vẻ được
lâu, cứ năm phút trước cười, năm phút sau lại cau có là chuyện thường. Khuất
bóng Quỳnh rồi mẹ mới than thở: “Con ấy... chẳng giống ai...”. Quân hiểu mẹ
đang nói đến ba, định hỏi điều gì đó nhưng thấy mẹ buồn buồn nên lại thôi, lẳng
lặng đi về phòng. Nó không thấy ghét hay giận chị Quỳnh, chỉ nghĩ chị quen với
ý nghĩ mình “là” con trai rồi, giờ khó có thể dịu dàng được... Tự nhiên trong
đầu lại xuất hiện suy nghĩ lẩn thẩn: “Giá như không có mình, chắc ba không bỏ
đi như vậy!”.
Một lần Quân đánh bạo hỏi mẹ về ba, mẹ không trả lời,
chỉ nói: “Lớn lên một vài tuổi nữa con sẽ hiểu”. Chị Quyên về, thấy mắt mẹ hoe
hoe đỏ, vội kéo tay nó ra ngoài, giọng ươn ướt: “Từ nay em đừng nói chuyện đó
với mẹ nữa nhé!”. Tối đó, Quỳnh gằn giọng với nó: “Trẻ con đừng có lắm chuyện!
Mày mà còn nhắc đến... ông ấy một lần nữa thì đừng trách tao!”. Nhìn vào mắt
Quỳnh lúc đó không hiểu sao nó thấy sờ sợ. Giận dữ. Lạnh lùng. Nó không dám tin
rằng Quỳnh lại hận ba đến từng ấy. Nó nhìn Quỳnh, không hiểu sao lại gật đầu.
Phong bảo nó: “Dạo này Quân có vẻ buồn...”. Nó nhếch
mép cười (cười xong, thấy giật mình vì... mình bắt đầu giống Quỳnh quá!). Nó
thì lúc nào chẳng thế, buồn hay vui chỉ là cơn gió thoảng qua trên nét mặt chứ
đâu làm thay đổi được cả tính cách con người. Phong với nó học chung với nhau
từ hồi cấp ba, giờ vẫn chung trường nhưng khác khoa, khác lớp. Phong hiểu nó
cần gì và không lúc nào làm nó buồn. Còn nó, nó biết tình cảm của Phong nhưng
còn ngại ngần... không nghĩ đến chuyện gì khác. “Mấy hôm rồi toàn gặp chị Quỳnh
đi với một anh nào đó, nhìn cũng bụi bụi...”. Phong nói thế rồi cười. Nó gật
gật đầu, nghĩ bạn chị Quỳnh thì ai chả “bụi bụi”, có ai hiền lành thư sinh bao
giờ. “Phong là bạn Quân mà cũng bụi bụi đấy thôi...”. Nó trả lời Phong vậy và
nheo nheo mắt, cười. Đầu đinh, đeo kính cận, lúc nào cũng áo kẻ carô rộng thùng
thình, chẳng ai nghĩ Phong là sinh viên kinh tế. Nghe vậy, Phong chỉ cười. Nụ
cười có chiếc răng khểnh, thật hiền! Mỗi lần Phong đưa nó về, chị Quyên thường
trêu chọc: “Hai thằng đi chơi đừng có đánh nhau nhé!”. Phong cũng cười, hài
hước không kém: “Quân nó giành hết bạn gái của em rồi chị ạ”.
Cứ thế, ngày này qua ngày khác nối đuôi nhau đi ngang
qua căn nhà - dẫu buồn hay vui cũng chỉ nghe mỗi tiếng đàn bà. Chị Quyên vẫn
bận rộn cả ngày với đám học trò, chị Quỳnh đi cả ngày, tối mới thấy có mặt ở
nhà - mà có ở nhà Quỳnh cũng chẳng mấy khi ra khỏi phòng, mình chị hình thành
một thế giới riêng biệt. Quân thì cũng chẳng có gì khác trước, nó đi nhiều hơn,
mái tóc mỗi ngày một ngắn lại, cảm thấy càng ngày nó càng giống chị Quỳnh...
Nhưng vì sao lại thế thì Quân không sao giải thích nổi, đành lúc lắc đầu cho
rằng đó là ý thích nhất thời của mình.
Mẹ về hưu, thành ra người nội trợ trong nhà. Cả ngày
ba chị em đi hết, mình mẹ lui cui dọn dẹp trong căn nhà rộng thênh thang, Quân
thấy “tồi tội sao đó”, nhưng rồi... nó cũng chẳng biết làm gì, cứ vùi đầu trong
cái vòng quay riêng của mình, khi nhìn lại thì cũng là lúc đồng hồ gõ từng
tiếng cuối trong ngày.
Phong hỏi: “Không nghe chị Quỳnh kể về anh “bụi bụi”
đó à?”. Quân cười, lắc lắc những cọng tóc ngắn theo gió xòa ra trước trán.
Quỳnh có kể hay không cũng chẳng có gì quan trọng, bạn của chị con trai nhiều
hơn con gái, có khi... đến Quỳnh cũng chẳng còn biết mình yêu ai nữa là. Quân
dè dặt hỏi Quỳnh: “Dạo này... chị... hay đi với anh nào vậy?”. Quỳnh cười. “Lại
nghe thằng Phong mách lẻo chứ gì?... Tao thì lúc nào chả có mấy thằng ở cạnh,
đâu riêng gì thằng nào...”. Nó cũng cố lấy giọng chua loét: “Bà cứ như một con
cáo ấy! Ai làm gì đến bà mà phải khư khư đề phòng...”. Nghe trong giọng mình
bắt đầu nhuốm phần cay độc, nó im lặng, ánh mắt đầy vẻ hối lỗi nhìn chị. Nhưng
Quỳnh chẳng để ý đến điều đó, chỉ nhìn sang rồi lặng lẽ quay về phòng. Hai chị
em hình như ngày càng nối dài thêm khoảng cách.
Cuối năm, mẹ tính chuyện cho chị Quyên cưới chồng.
“Ngày bằng tuổi mày mẹ sắp có cái Quỳnh, đâu như bây giờ...”. Mẹ nói với chị
Quyên vậy rồi mỉm cười, khóe mắt ươn ướt.
Mẹ lấy ba năm hăm bốn tuổi, hăm lăm tuổi có chị Quyên.
Ba là con trai duy nhất trong gia đình, lại là trưởng họ nên ông bà nội rất coi
trọng chuyện cháu trai, cháu gái. Mẹ sinh thêm chị Quỳnh, ba bắt đầu sinh lầm
lì cáu bẳn, họ hàng bên nội nhỏ to điều ra tiếng vào. Quân là giọt nước làm
tràn ly, từ đó mọi chuyện dường như kết thúc.
Đó là những chuyện mãi sau này Quân mới biết, còn
trước đó mẹ và chị Quyên đều giấu, bảo nó còn nhỏ chưa hiểu gì.
Chị Quyên ấp úng: “Tháng trước... ba đến tìm con...”.
Ánh mắt Quỳnh tóe lửa: “Tìm... tìm làm gì? Không còn chỗ nào cho “ông ấy” đi
nữa nên định quay về, bày đặt xin tha thứ à?”. Mẹ tát Quỳnh, năm ngón tay hằn
rõ trên má nhưng gương mặt mẹ nhăn nhúm lại, ánh mắt thật đau đớn. Quỳnh đứng
lên, định đi song mẹ quát: đi là đi khỏi nhà luôn đừng quay về nữa. Chị toan
bước đi nhưng nghĩ thế nào đó, quay lại và ngồi phịch xuống ghế, nhìn mẹ bằng
đôi mắt trống rỗng.
“Con muốn ba có mặt trong đám cưới của con... Dẫu sao
thì đó cũng là ba... mà mẹ...”. Chị Quyên nói với mẹ, khẽ khàng và nài nỉ như
nói với chính bản thân mình. Mẹ lặng thinh, không trả lời.
Quân cũng chẳng có ý kiến gì nhưng trong lòng trào
dâng những cảm xúc lẫn lộn. Nó vừa muốn đứng về phía chị Quyên, lại vừa muốn
ủng hộ ý kiến của chị Quỳnh. Nó vừa muốn gặp ba, lại vừa thấy xa lạ... Đơn giản
từ lúc sinh ra tới giờ nó mới chỉ nhìn ba qua những tấm ảnh - mà những ngày đó
thì đã xa, thật xa rồi...
Quỳnh đứng dậy, đưa tay vuốt vuốt mái tóc ngắn, rành
rọt: “Chị muốn cưới thì cứ cưới, còn... có mặt “ông ấy” thì không có mặt tôi”, đoạn
quay bước bỏ về phòng. Mẹ nhìn theo, không cần giấu một tiếng thở dài. Chị
Quyên ôm mặt khóc tấm tức.
x
Một chiều, Quân bước chân vào phòng chị Quỳnh, bắt gặp
những trang nhật ký viết dở:
“... Trong mình hình như không còn có cảm giác yêu
thương hay thù hận nữa... Mình bắt đầu cảm thấy lo sợ về điều ấy! Từ trước đến
nay mình luôn không được sống bằng chính bản thân mình rồi, những ngày sắp tới
cũng vậy sao? Ở trong nhà, mình đóng vai trò một người đàn ông lúc nào cũng
phải thật mạnh mẽ. Ở ngoài đường thì gồng mình lên, cố tỏ ra cay độc chỉ để...
không bao giờ có cảm giác thất bại. Ngay cả khi yêu T. cũng vậy! Biết là đang
yêu phiên bản của mình nên không bao giờ dám nghĩ đến những từ chở che, nương
tựa. Và biết những người giống nhau quá thì không yêu được nhau, chia tay là
điều dễ hiểu, vậy mà sao mình vẫn buồn. Không lẽ mình yêu T. đến vậy à?
Mình không còn thấy cảm giác giận ba hay gì khác. Đó
là mình thấy mẹ cứ ủy mị theo chị Quyên nên mới nói cứng thế thôi. Từng ấy năm
mẹ giấu mình, giấu Quân về cuộc sống của ba, còn chị Quyên thì mẹ lại chẳng
giấu điều gì, chị ấy giống mẹ nhiều quá, chỉ có chị ấy mẹ mới tâm sự được những
điều làm mẹ khổ tâm. Sao mẹ lại làm thế hở mẹ?...
Mình chỉ thương con bé Quân. Mình và chị Quyên còn
biết mặt ba, còn có những kỷ niệm, còn nó lúc ấy nhỏ tí, có biết gì đâu! Nó
không bao giờ nói với mình nó nghĩ những gì, nhưng mình đọc trộm sổ của nó thì
mình biết... Lẽ ra nó phải là người tỏ thái độ với ba nhiều nhất chứ, sao lại
là mình?... Nó có sự điềm tĩnh của ba. Nó hơn mình ở điều đó! Mình hiểu vậy nên
càng tỏ ra bất cần, mình ghét ba đến nhường nào mà không biết rằng càng làm thế
mình càng khiến mẹ nghĩ đến ba nhiều hơn. Thật là tệ!
... Không phải mình không muốn ba không có mặt trong
đám cưới của chị Quyên, mình còn muốn ba quay về đây với mẹ nữa! Ở gia đình kia
ba cũng đâu có gì ngoài mấy đứa con gái và bị đối xử như người lạ qua đường?
Nhiều khi nghĩ lẩn thẩn, mình cho rằng ba đang bị “quả báo” và cảm thấy hài lòng
với ý nghĩ đó; nhưng nhìn mẹ ngồi một mình bên cửa sổ, lại nghĩ đến cảnh sau
này mẹ cô độc một mình... mình không đành lòng...
Chị Quyên đi rồi. Mình và Quân cũng đâu ở mãi với mẹ
được! Quân là đứa kín đáo, nó không nói nhưng chắc nó cũng nghĩ như mình. Càng
ngày nó càng giống mình, nó làm mình có giảm giác hối hận... Nó cứ tự dằn vặt:
“Con là nỗi buồn của mẹ”, nhưng thực ra đâu phải lỗi tại nó! Cuộc sống có những
điều mà nó chưa hiểu hết, có những điều mà thầy giáo và nhà trường không dạy
cho nó, những điều mà mới hai mươi tuổi người ta không thể biết được...
Mình ước gì chị em mình có thể trò chuyện với nhau như
ngày xưa. Chị sẽ nói với em những gì chị nghĩ. Về một căn nhà đầy ắp tiếng
cười. Về ba. Về mẹ. Chị sẽ được sống thật là mình, được yêu ghét những gì mình
yêu ghét. Em không còn phải dằn vặt: “Con là nỗi buồn của mẹ”... Ngày ấy có còn
xa nữa không hả Quân?...”.
Quân gập sổ vào, nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài kia,
trong màu vàng rợ của nắng có một câu trả lời.
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment