Friday, May 31, 2019

Hoài Hương - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa


THƠ XƯỚNG HỌA- NHÓM VƯỜN THƠ MỚI

Chủ đề: Hoài Hương
 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bài xướng:

HOÀI HƯƠNG

Một thoáng hoài hương gởi mấy câu,
Thời gian như nước chảy qua cầu,
Con thuyền cưỡi sóng chao nghiêng mái
Ngọn núi ôm mây bạc trắng đầu.
Lối cũ còn ươm màu phượng thắm?
Trường xưa có rộn tiếng ve sầu?
Bạn bè thuở ấy ai còn mất
Nghe xót xa lòng chuyện bể dâu.


Minh Tâm

 
Họa 1:

XA CÁCH MUÔN TRÙNG

 
Cố nhân ngàn dặm nhắn đôi câu,
Tha thiết hoài hương mãi nguyện cầu.
Sóng vỗ muôn trùng khơi nỗi nhớ, 
Mây trôi lơ lững đợi giang đầu.
Bạn bè chung lớp giờ đâu nhỉ?
Trường cũ chia tay biết có sầu? 
Tuổi trẻ ngày xưa đầy kỷ niệm,
Chia ly đời bể hoá nương dâu!

 
huongleoanh va 

 
Họa 2:

 
 
 










VỌNG CỐ HƯƠNG

Thấp thoáng thời gian tựa bóng câu
Tuổi thơ chân sáo bước sang cầu
Cuộc đời đua đẩy theo dòng nước
Lối sống bon chen bạc mái đầu
Trường cũ còn in màu bụi phấn
Đàn xưa lỗi nhịp mối tình sầu
Đêm nằm chợt nhớ về quê mẹ
Ngõ trúc hàng cau mấy khóm dâu.


Nguyễn Cang

Họa 3:

HOÀI HƯƠNG VẠN LÝ

Nắng xuân còn đọng mái thuyền câu
Tha thướt áo bay trắng nhịp cầu
Trang vỡ vẫn nguyên màu cánh phượng
Trường quê in đậm mối tình sầu
Soi trong tiềm thức khâu niềm nhớ
Tận cuối chân mây vọng tiếng sầu
Buốt dạ hoài hương xa vạn lý
Thương đời cha mẹ cảnh nương dâu.

Kim Trân

Họa 4:

HOÀI NIỆM
 
Trương buồm nhân nghĩa chở vài câu
Bể ngạn duyềnh loang tắc hữu cầu
Danh giá nào quên thời kỷ niệm
Hèn sang vẫn nhớ thuở ban đầ
Bến mê lắm trượt khơi dòng thãm
Tâm tịnh nhiều thanh lấp mạch sầu
Cõi tạm bòn chen thà ngoảnh mặt
Lâu dài biển lặng hóa cồn dâu.

 
Nguyên Triêu Dương

Wednesday, May 29, 2019

40 Năm Rồi Còn Mãi Ra Đi - 304Đen - Llttm


40 năm rồi, còn mãi ra đi
 
 
 

Tôi đã đi
Nói cho đúng, tôi rời Sài-Gòn đã 46 năm rồi để lên đường đi du học bên trời Bỉ. Cũng như bao nhiêu du học sinh khác, tôi cũng chỉ nghĩ đó là một chuyến đi ngắn hạn rồi trở về sống cuộc đời một người Việt bình thường.
Rồi tháng tư năm ấy, chúng tôi nghe trên đài truyền-thanh, truyền-hình thấy tin tức quê nhà rất đáng ngại và đến cuối tháng thì điều chúng tôi lo sợ nhất đã xảy ra. Ai nấy bàng hoàng, sửng sốt. Chúng tôi chợt ý thức rằng mình sẽ không còn được trở về. Một cảm tưởng kỳ lạ, như khi mình ra khỏi nhà rồi cửa bỗng đóng sập lại mà mình lại không mang theo chìa khoá, như khi mình bị “nhốt ở ngoài”.

Tôi vẫn đi mãi
Nhưng rồi cuộc sống vẫn phải tiếp tục và tôi vẫn ra đi. Nhìn lại đời mình, tôi chỉ là một người bộ hành, nay đây mai đó: Hà-Nội, Sài-Gòn, Liège (Bỉ), Lille, Toulouse, Paris (Pháp) và cuối cùng là Woodstown (Mỹ). Rồi tôi cũng cưới vợ, có con, đi làm, về hưu, tiếp tục sống trong một môi-trường đáng lẽ không phải của mình. Và tôi vẫn đi mãi, đến tận mùa đông cuộc đời.

Sài-Gòn ơi
Sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào…

Lâu quá rồi, tôi chỉ còn nhớ vài con đường: hẻm Cây Điệp nơi tôi đã lớn khôn, một con đường hẻm nhỏ bé ăn thông từ Tự Đức sang Phan Đình Phùng, song song với Mạc Đĩnh Chi và Đinh Tiên Hoàng. Tôi đã bắt đầu đi học ở trường Tiểu-học Đinh Tiên Hoàng một hai năm trước khi chuyển sang trường Lamartine, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng trên đường đó có một hồ tắm, nơi tôi đã tự học bơi (nói cho đúng, không có tiền lấy lớp học bơi, tôi đã phải học lóm của một chú bé đang học bơi lúc đó).

Tôi nhớ đường Lê Quí Đôn, gần dinh Độc-Lập, nơi tôi đi học Trung-học, nhớ đường Công Lý khi tôi chở thằng Dũng đi “lạng Cút” (Cút = chữ gọi tắt cho trường trung học nữ Marie Curie) sau tan giờ học. Tôi nhớ những lần thằng Dũng và tôi đi xem phim ở rạp Rex (bố nó có vé mời thường-trực ở rạp này do ông Ưng Thi làm chủ, nếu tôi không lầm).
 
 
 

Tôi nhớ khu ĐaKao của tôi, với những rạp xi-nê Asam (vào trong rạp mới biết có rận, bảo đảm gãi như điên), Casino và Văn Hoa.

Tôi nhớ mì Cây Nhãn và nhớ tiệm Chez Albert, nơi tôi có kỷ-niệm “buồn” là lần duy nhất được bố mẹ dẫn đi ăn cơm Tây thì tôi ăn món tôm bị dị ứng, nổi “mề đay” đầy người, bố tôi phải đưa tôi về trong khi mọi người ở lại tiếp tục hưởng đời. Tôi nhớ chợ Đa Kao khi thỉnh thoảng, tôi chở mẹ tôi đi chợ trên chiếc Mobylette xám.

Đại khá, tôi chỉ nhớ bấy nhiêu. Không hiểu tại sao kỷ-niệm Sài-Gòn của tôi lại ít thế? Tại thuở ấy, tôi “cù-lần” và ít được đi chơi nơi này, chốn nọ? Tại lâu quá rồi và tại mình già nên quên hết? Nhưng mà nghe nói về già, thường chúng ta nói trước quên sau chứ chuyện đời xưa thì nhớ vanh vách cơ mà?
Hay tại tiềm-thức tôi đã tự-động xoá đi gần hết để khỏi đau lòng, khỏi luyến tiếc? Hình như tâm-lý học có nói về chuyện này (?) Tôi nhớ sau đó tôi đã lăn xả vào đời sống bên Pháp, cắt đứt mọi liên lạc với người Việt và văn-hoá Việt. Tôi đã cố trốn tránh những gì?
Nhưng quên đi những hình ảnh xưa đâu có nghĩa là không còn cảm xúc? Đâu có nghĩa là không còn buồn, còn nhớ? Ngược lại, cơn nhớ lại còn ray rứt hơn khi mình cố trốn tránh sự thật vì vết thương vẫn còn đấy.
Vì Sài-Gòn vẫn còn mãi trong tim tôi.

Biết bao giờ trở lại
Sau tháng 4 năm ấy, tôi đã trao lại sổ thông-hành Việt Nam cho Cơ-quan Bảo vệ người tỵ nạn và vô quốc-tịch của Pháp (Office Français de Protection des Refugiés et Apatrides). Tôi không còn là công-dân Việt-Nam.
Hôm nay, tôi mang hai sổ thông-hành và tôi đã nhận quê người làm quê-hương. (Ai đã nói “Quê hương mình là nơi mình hạnh phúc” ?)
Nhưng quê-hương ơi, suốt đời tôi cũng chỉ có một quê-hương mà thôi. Tên họ tôi vẫn không thay đổi, da tôi vẫn vàng, mũi tôi vẫn tẹt, tôi vẫn ăn cơm và húp nước mắm mỗi ngày và tôi vẫn nói và viết tiếng Việt (có bỏ dấu).
Tổ-quốc là nước của cha ông, tổ-tiên tôi thì làm sao tôi quên được?
Tôi nhớ, tôi thương đất nước tôi quá và giấc mơ hồi hương, ai lại không ôm ấp?

Tôi muốn về lắm nhưng tôi không muốn về như một người du-khách, như một người “ngoại-quốc” trên chính đất nước mình, tôi không muốn bị người đồng-hương gọi là “Việt-Kiều”. Tôi là người Việt-Nam mà?


... Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.

(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)

Ôi, biết bao giờ trở lại?

Tôi vẫn tin
Tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại…
Trời làm một trận lăng nhăng, Ông hoá ra Thằng, Thằng hoá ra Ông,
Trời làm một trận lằng nhăng, Thằng vẫn là Thằng, Ông vẫn là Ông.

Thay đổi là lẽ tự-nhiên ở đời. Cho nên tôi vẫn tin sẽ có ngày đất trời sẽ thay đổi, tôi tin rằng tôi sẽ được trở lại. Và nếu không phải là tôi, sẽ là con tôi, hay cháu tôi, hay chắt tôi,… Nhưng tôi tin chắc sẽ có ngày trở lại.
Il pleure dans mon cœur comme il pleut sur la ville. Trời mưa bên ngoài như tim tôi khóc bên trong.
Sau cơn mưa, trời lại sáng. Nhưng mưa ơi, mưa vẫn mưa mãi, biết bao giờ nắng lại?

Không đề tên người viết
304Đen – Llttm - YD

Người Đàn Bà Khóc Chồng - Không Đề Tên Người Viết


Người đàn bà khóc chng

Rất nhiều hình ảnh tư liệu về Thảm sát Mậu Thân được lưu trữ trên mạng Internet. Nếu bạn có lương tri, thì bức hình nào cũng khiến bạn phải xót xa, căm phẫn. Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là hình người đàn bà ôm hài cốt thân nhân trên vùng cát trắng.
 
 

Tấm hình chụp khoảnh khắc chị ngồi bệt trên cát, cúi rạp xuống ôm bộ hài cốt bọc trong túi poncho, nét mặt thống khổ. Nhìn biểu cảm trên khuôn mặt và dáng ngồi, tôi hình dung ra nỗi đau đứt ruột, đau theo đúng nghĩa sinh học của chị. Khi đau đến không thể chống đỡ, không thể chịu nổi, chừng như chảy máu trong ruột, người ta hay có dáng ngồi như vậy. Bạn nào sinh bằng cách mổ bắt con, sau khi hết thuốc mê sẽ hình dung ra cảm giác đau đớn quặn ruột này. Bàn tay phải trượt trên cát để lại một vệt sâu, năm ngón tay bấu chặt xuống nền cát bỏng. Năm ngón tay phải bấu chặt cát bỏng trong khi bàn tay trái mở dài từng ngón đặt lên bộ cốt, âu yếm, vỗ về, dịu dàng và nhẫn nại. Không hiểu sao nhìn hai bàn tay, tôi cứ hình dung ra rõ mồn một hai con người, hai cảm xúc trong một hình hài. Đau hận, căm uất giữ lại cho mình. Thương yêu, che chở, phía trái tim là dành cho người thương yêu. Nhìn bóng đổ trong hình, ta nhận ra khi đó, mặt trời gần như đang chiếu thẳng đứng, tức là vào khoảng 12h trưa, thời điểm nắng thiêu đốt trên cát. Có lẽ vậy mà chị đã gỡ chiếc nón trên đầu che cho người nằm xuống. Chỉ có Chất Mẹ bản năng, chỉ có tình thương yêu, xót xa tận cùng mới khiến chị hành động như vậy. Hình ảnh chiếc nón che đầu cho bộ hài cốt, tôi dám chắc không một nhiếp ảnh gia nào, dù tài ba đến mấy, có thể nghĩ ra để đạo diễn. Người nằm xuống, là ai? Cha, chồng hay con chị? Tôi cảm giác, đó là chồng chị. Bức ảnh cực tả nỗi thống khổ. Đã đành. Nhưng với tôi, nó còn là tượng đài về thân phận người phụ nữ trong thảm sát Mậu Thân, tượng đài cho Chất Mẹ, cho tính nữ. Chở che, bao bọc, nâng giấc dịu dàng, và nuốt sâu vào lòng, chịu đựng một mình những tang tóc thương tâm.

Mỗi lần ngồi trước tấm ảnh, tôi đều tự hỏi, những người viết nên kịch bản Mậu Thân, những người kiên quyết đem máu xương làm cuộc tập dượt, những người “nổi dậy” của thành phố Huế, có bao giờ biết tới tấm ảnh này không? Nếu biết, họ có lắng lòng lại để ngồi ngắm xem bức ảnh nói gì? Có bao giờ họ đặt giả thiết, nếu người phụ nữ trong tấm ảnh là Mẹ, là Vợ, là Em Gái mình?

 
 
 

Việc ai đó có mặt hay không có mặt tại vũng máu đồng bào, suy cho cùng, không xóa được sự thật: Máu đã chảy, xương đã khô và người đã mất. Hàng ngàn oan hồn không cô đơn. Vì họ còn những người chứng tha hương khắp nơi trên thế giới. Họ còn những người chứng sống ngay trên đất cố đô. Sự thật sẽ được trao truyền, bất chấp quan điểm của mấy nhà sử học cánh tả phương Tây, bất chấp sự phủ nhận, lấp liếm của những người Huế tham gia “nổi dậy” hoặc mong muốn của một nhóm người nào đó.

Không muốn nhắc lại những lời Hoàng Phủ Ngọc Tường HPNT phát biểu năm 1982, 2008. Thôi thì tin rằng, khi sắp chết, con chim cất tiếng kêu thương, con người cất lời nói phải. Rốt cuộc, sau nửa thế kỷ, Hoàng Phủ Ngọc Tường HPNT đã khẳng định một sự thật: Có vụ thảm sát. Vụ thảm sát do những người nổi dậy (tức là người kháng chiến ở Huế) gây ra.

Không đề tên người viết
Người chuyển bài – HHM - USA

 

Chào Nguyên Xuân - Bùi Giáng


Chào Nguyên Xuân
 
 
 










Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng


Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người


Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau


Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây


Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu


Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân


Mưa Nguồn, 1962
Bùi Giáng


(Tranh Hà Huỳnh My)̃

 

Bùi Giáng, mùa Xuân phía trước















Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

(Bùi Giáng, Chào Nguyên Xuân)


Chào Nguyên Xuân là một bài thơ hay của nhà thơ Bùi Giáng trong tập Mưa Nguồn, và Mưa Nguồn theo ý người viết bài này, là thi phẩm hay nhất của ông, xuất bản trong năm 1962. Trong khoảng từ 1960 tới khi xuất bản tập thơ đầu tay này, hầu như chúng tôi gặp nhau hàng ngày, khởi sự thường là trong căn phòng tôi thuê ở đường Cao Tháng, xế rạp xi-nê Việt Long. Anh đến bằng cách nào không rõ lắm, nhiều khi đi đâu về đã thấy anh ngồi bệt trước cửa căn phòng đóng kín ở trên lầu hai. Khu này có 5 phòng, tôi ở phòng giữa, từ cửa sổ có thể nhìn thẳng xuống phòng khách một căn nhà của khu nhà phía sau, lại đúng là nhà của Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế. Cách nhà ông bốn năm căn về phía tay phải là nhà ông thầy Quốc Văn của tôi, Giáo Sư Lữ Hồ.

Ðôi khi anh ngoắc tôi đi luôn, không cho vào nhà. Với chiếc velo solex, chúng tôi đi lòng vòng nhiều nơi. Anh ngồi phía sau, tay cầm một xấp bài vở kẹp trong một cái bìa, đôi khi kẹp trong một tờ báo, thường là báo Gió Mới của Hội Giáo Chức, tờ báo anh làm thư ký tòa soạn, đã đăng trước sau ba bốn bài “trăm câu một vần” của tôi. Nhiều lúc người bạn gái học Dược có giờ trống tới chơi mà anh cũng bắt tôi đi, dĩ nhiên là tôi phải từ chối, nhưng anh không giận. Anh còn làm ít ra là ba bài thơ về cô bạn tôi nhưng không hẳn là những bài thơ trọn vẹn. Thơ Bùi Giáng hay từng câu, ít khi trọn vẹn cả bài, nhưng bài Chào Nguyên Xuân là một bài hay trọn vẹn.

Thơ Xuân là loại khó làm hay, vì đề tài này có cả ngàn bài, để vượt trội lên không phải chuyện dễ, tuy rằng có khi rất tình cờ nó trở thành một bài thơ hay. Người ta hay dùng chữ Nguyên Ðán, buổi sáng đầu tiên, sớm ngày đầu tiên, tác giả tìm được một nhan đề hay cho bài thơ xuân của mình, Nguyên Xuân: mùa xuân sớm nhất, mùa xuân đầu tiên. Và ở lúc sớm nhất của mùa xuân sớm nhất, chúng ta đã gặp nhau ở giữa đường rồi. Khi nào nhỉ ta đã lên đường, khi còn “tóc xanh” chúng ta đã “cùng nhau hẹn rằng” thì lúc “dù có phai màu” vẫn phải nhớ lời hẹn ấy, “chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau.”

Chúng ta đã mỗi người ra đi từ lâu rồi, cuộc hành trình của chúng ta vẫn tiếp tục, rồi sau khi gặp nhau đây, chúng ta đâu có dừng lại, chúng ta còn: “mùa xuân phía trước.” Chúng ta chưa thực sự bước vào mùa xuân, mùa xuân còn ở phía trước chúng ta: “mùa xuân đương đợi bước ai đi vào.” Vậy là khi chúng ta gặp nhau đây, trong giữa cuộc hành trình của mỗi người – “giữa con đường” riêng của mỗi người, chúng ta ai cũng đã có một quá khứ bỏ lại: “miên trường phía sau.” Quá khứ ấy có thể đương thiêm thiếp ngủ, “miên trường,” giấc ngủ ấy có thể đã ngàn năm, cùng cỏ cây thiên nhiên trời mây nước, và “bên bờ nước có bóng ta bên người,” có thể kiếp trước chúng ta đã là bạn, có thể ở kiếp khác mỗi chúng ta có những quá khứ khác, cuộc đời này không phải mới bắt đầu, cũng không phải sẽ tồn tại, giữa chốn bụi hồng, dưới bóng mây xế, có người khác đương trông ngóng chúng ta:

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu.


Viên Linh

*Trích đoạn trong bài viết của nhà văn Viên Linh

304Đen – Llttm - OVV

 

"Đừng Đem Chính Trị Vào Nghê Thuật" - Trung Bảo


“Đừng đem chính trị vào nghệ thuật”
 
 

Hôm qua, một đồng nghiệp cũ gửi link liên khúc Chiều trên phá Tam Giang – Người tình mùa đông do nam (?) ca sĩ Đức Tuấn thể hiện. Vốn không thích giọng ca “tròn vành rõ chữ” của ca sĩ này nhưng không phải vì vậy làm tôi không thích bài hát trên do anh hát. Không thích bởi một lý do.

Lý do đó là Đức Tuấn cố lượt bỏ đi câu hát “Bên một người đi giữa chiến tranh” như trong bản gốc của nhà thơ Tô Thuỳ Yên được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Được rồi, tôi biết sẽ có bạn nói nếu không bỏ đi chi tiết “nhạy cảm” ấy thì sẽ không được phát hành và thà như vậy còn hơn cả bài hát không ai biết đến.

Thôi, nếu vậy thì hãy để chúng tôi nghe “lậu” những nhạc phẩm này như lâu nay. Bỏ đi bối cảnh chiến tranh, bài hát bỗng nhạt nhẽo như mọi bản tình ca tầm thường khác. Chính vì “bên một người đi giữa chiến tranh” khiến tôi khi ngây ngất trong men rượu lại thấy yêu nhạc phẩm ấy vô cùng. Cái lãng mạn của người nơi đô thành và niềm nhớ đau đáu của người nơi chiến tuyến là linh hồn của nhạc phẩm. Vào tay Đức Tuấn thì nhạc Trần Thiện Thanh cũng như nhạc Phó Đức Phương hay Phú Quang.

Có thật đừng đem chính trị vào nghệ thuật để nghệ thuật được vô nhiễm không! Nói vậy thì thoả hiệp với chính trị để được lưu hành một tác phẩm nghệ thuật chẳng lẽ không phải là hành động đem chính trị vào nghệ thuật?

“Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi”

Những câu thơ này của cố thi sĩ Tô Thuỳ Yên làm tôi yêu Sài Gòn mê mệt. Nó gợi cho tôi về những chuyện vui buồn ở nơi đó với những con đường xanh mướt lá me. Bên em.

Nhưng, khổ thơ dưới đây mới là linh hồn của Chiều trên phá Tam Giang:

“Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau”

Đó, nếu không đem chính trị vào nghệ thuật thì làm sao nghệ thuật đi vào lòng người và sống mãi dù thi sĩ cũng qua đời!


25-5-2019
304Đen – Llttm - TD

Chút Ký Ức Bụi Đời Hai Chế Độ - Người Đưa Tin - Nguyễn Đan Thanh


Chút ký ức bụi đời hai chế độ
 
 

Mỗi lần viết về Thương Binh Việt - Nam Cộng Hòa. Nhớ về những Người Lính thời chiến chống trả sự xâm lược của cộng sản Bắc Việt. Lẽ ra, lũ "cô hồn sống" chúng tôi phải quỳ xuống mà viết mới xứng với kỷ niệm một thời các Chú, các Anh mang đến niềm an ủi vô biên cho lũ trẻ mồ côi. Ký ức sống còn hằn sâu trong từng nếp nghĩ, đành rằng chúng tôi là một lũ thất học, hoặc gọi chúng tôi là rác rưởi cuộc đời, thậm chí là những thằng con hoang cũng đúng thôi, không hề phản đối. Lũ trẻ bụi đời chúng tôi còn thua cả rác Mỹ thải ra. Ngược đời, nhưng sự thật là vậy, rác Mỹ có thể ăn được, có thứ bán ra thị trường làm giàu được, còn lũ trẻ mồ côi, bụi đời chúng tôi thì thật vô dụng. Thậm chí là gánh nặng nhân đôi của xã hội Miền Nam thời chiến.

Nghĩ rằng, không bao giờ chúng tôi quên ơn Chính phủ VNCH đối với những mảnh đời bất hạnh. Bụi đời tuy thất học, nhưng chắc chắn chúng tôi không bao giờ là kẻ vô ơn, không trở giọng đón gió trở cờ, không ăn cháo đái bát như những kẻ tự xưng là trí thức MTGPMN. Họ ảo tưởng có thể làm tốt hơn Chính phủ VNCH. Và rằng cũng sẽ là một Chính phủ, một nhà nước danh chính ngôn thuận song song với VNDCCH của cộng sản Bắc Việt. Sau 1975, MTDTGP cũng từng nộp đơn xin LHQ thừa nhận một Việt - Nam hai Chính phủ, cho đến khi bị cộng sản Bắc Việt khai tử.

Thưa rằng, trước 1975 tại MN ai trúng thầu đổ rác Mỹ thường giàu có, nói là rác nhưng thật ra vô số thứ còn tốt sau khi phân loại. Và, thật xin lỗi, thực phẩm đồ hộp trong đống rác Mỹ hiếm có thứ gì mốc meo không dùng được. Với chúng tôi, đó thường là những bữa ăn thịnh soạn bị vứt bỏ từ "Đế Quốc Mỹ". Bới rác tìm thức ăn nghe có vẻ khổ sở nhưng có thể nói đó là những thực phẩm sạch, so với thực phẩm trong chế độ cộng sản ngày nay, không có thứ gì là không có hóa chất độc hại. Theo báo cộng sản, tại VN mỗi ngày có hơn 300 người chết vì ung thư chứng minh điều đó. Và, nhìn sang đất nước giàu tài nguyên dầu mỏ như Venezuela cũng vì theo Mác-Lê CNXH, tham nhũng tràn lan, xáo trộn chính trị biến đất nước lẽ ra giàu có, người dân cũng phải bới rác kiếm thức ăn thừa. Giả như, Venezuela cũng có rác Mỹ như trước 1975 ở Miền Nam VN, có thể người dân Venezuela giàu cũng như nghèo sẽ thích thú, khi bới rác Mỹ tìm thực phẩm như lũ cô hồn chúng tôi ngày trước. 

Hồi đó, cuộc sống lũ mồ côi chúng tôi quanh quẩn Trại Tế Bần là nhà, Chí Hòa là "khách sạn", với Ông Chú (không biết tên) mỗi lần thấy mặt chúng tôi, câu đầu tiên luôn là "Đồ cô hồn các đản, cơm đâu nuôi tụi bây hoài hả hả hả!". Mấy chữ "hả hả hả" dễ thương của Ông Già nhân từ nhưng khó tính, đôi khi dữ dằn, đó là một kỷ niệm khó quên. Với những quán cơm xã hội đầy dẫy khắp Sài Gòn thì chúng tôi là những " thượng khách" vừa ăn vừa phá, thường bị chửi té tát nhưng được cho ăn ngập mặt miễn phí với lời đưa tiễn ngọt ngào "làm ơn đi đi, đồ cô hồn sống!", Thời đất nước loạn ly có những tình cảm thật kỳ cục, dù sao cũng cảm ơn đời, tạ ơn người Miền Nam đã cho lũ cô hồn chúng tôi những tháng ngày êm ả của một thời để nhớ, để thương. 

"Tàn dư Mỹ Ngụy" - Cơ hội đất nước phát triển bị phá hoại bởi sự tàn bạo của cộng sản Bắc Việt sau 1975

Tàn dư là những thứ còn sót lại sau chiến tranh, là cái thùng rác đựng đầy cặn bã xã hội. Ai cũng nguyền rủa chiến tranh nhưng có mấy ai tự đặt câu hỏi: Kẻ nào mới thật sự là thủ phạm gây ra cuộc chiến phi nghĩa, nếu không là cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp Định Paris 1973, dẫm đạp lên chính những gì chúng đã ký kết với LHQ? Đừng quên khi cộng sản cướp Miền Nam, cơ sở hạ tầng gần như nguyên vẹn. Thay vì tận dụng điều kiện sẵn có để xây dựng, cộng sản say máu chiến thắng giả tạo và ảo tưởng, tàn phá tất cả những gì liên quan đến "Mỹ - Ngụy". Thứ gì có giá trị lớn được chở về Bắc như chiến lợi phẩm, 16 tấn vàng của VNCH còn trong ngân khố, vu vạ cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mang theo khi di tản. Những từ ngữ tồi tệ nhất đổ trút lên đầu Quân Dân Cán Chính VNCH "Sài Gòn là một ổ đĩ điếm, xì ke ma túy" v.v...

Những nhà báo thiên cộng (nếu còn sống) cũng nên công tâm nhìn lại để có nhận định công bằng về chiến tranh VN từ nhiều góc độ. Thực tế cho thấy ngày nay trên khắp đất nước VN nơi nào cũng có quán bar và đĩ điếm, trụy lạc, thác loạn còn nhiều hơn trước 1975. Mới đây, báo chí trong nước đưa tin lượng ma túy xâm nhập vào VN bị bắt gộp lại có đến hàng trăm ký ma túy các loại. Từ thành thị đến nông thôn nơi nào cũng có người nghiện, nơi nào cũng có những vụ giết người rùng rợn và dã man nhất, nơi nào cũng có tệ nạn ấu dâm, thầy hiếp trò đổi tình dục lấy điểm, học sinh hiếp học sinh, thậm chí cha ruột hiếp dâm con gái đến mang thai. Các quan chức cấp cao thi nhau vào tù vì tham nhũng, đó là tàn dư của Hồ Chí Minh, kẻ đã mang chủ thuyết hận thù giai cấp vào VN.

Nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) đã biến VN thành trại tù khổng lồ, nơi tù nhân có quyền tự do ăn nhậu, cởi truồng nhảy nhót thâu đêm suốt sáng, tự do vào nhà thổ hành lạc, thứ tự do được thỏa mãn bằng bản năng phô diễn đến tởm lợm thay cho lòng nhân đạo. Cứ kiếm tiền và hưởng thụ, đừng nhìn những đứa bé thay vì được đến trường phải lang thang suốt ngày với sấp vé số trên tay, đừng nhìn những người già bên vệ đường với chiếc nón lá như vẫy chào người qua kẻ lại... Đừng nhìn, để khỏi áy náy nếu bất chợt tính thiện trỗi dậy sau nhiều năm tưởng chừng hóa đá. Cứ thế mà sống "tự do" nhưng tuyệt đối cấm nói ngược ý đảng cộng sản. Thế nên, xem ra thứ gọi là "Tàn dư Mỹ Ngụy", coi vậy mà hữu ích cho sự phát triển đất nước, thứ tự do dân chúng có thể cầm nắm, cảm nhận được cho mỗi phận người. Trước khi cộng sản Bắc Việt cướp Miền Nam. 

Mới đây, NCQCS lại đào bới "Tàn dư Mỹ Ngụy" để dùng lại, đó là những chiếc C130 còn nguyên vẹn sau 1975, họ khoe nhờ có C130 việc vận chuyển quân và khí tài làm "nhiệm vụ quốc tế" mùa khô 1979 tại Campuchea được dễ dàng hơn. Các báo trong nước thi nhau phô trương chủ đề "Sức mạnh của máy bay vận tải C-130 Việt Nam từng sở hữu" có thể dùng cho cả quân sự và dân sự, đó là bài học "tương tác" v.v..., cộng sản thật khéo nịnh "Mỹ Ngụy" khi muốn trục lợi, dù chỉ là "Tàn dư".

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng máy bay C130 thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Miền Nam Việt - Nam Cộng - Hòa. Hoàn toàn không thuộc quyền sở hữu của cộng sản Bắc Việt trước 1975. Việc báo chí trong nước đồng loạt ca ngợi sức mạnh máy bay C130 cho thấy tuy là "Tàn dư Mỹ Ngụy", 44 năm sau vẫn có giá trị nhất định đối với "bên thắng cuộc". Biết học hỏi là điều tốt, nhưng "Tàn dư Mỹ Ngụy" còn nhiều thứ quý giá khác mà muốn tận dụng, cần có can đảm thượng tôn sự thật mới có thể góp phần phát triển đất nước. 

Một nhà nước thật sự vững mạnh đòi buộc Chính Phủ phải do dân cử như thời Việt - Nam Cộng - Hòa. Làm nền cho việc chiêu hiền, đãi sĩ, đào tạo nhân tài phục vụ Quốc gia, không vay mượn chủ thuyết ngoại bang. Không lấy thành bại để luận anh hùng, không kỳ thị lý lịch. Phải từ bỏ lý sự ngớ ngẩn, VNCH tài giỏi sao để mất nước về tay cộng sản? Hai chữ "chiến thắng" sẽ thật rỗng tuếch khi cứ phải chạy theo học hỏi "Tàn dư Mỹ Ngụy". 

Một đất nước thật sự vững mạnh phải biết lấy Dân làm gốc để có được sự đồng thuận, sẽ tập trung được nội lực Dân Tộc. Phải xem trọng giáo dục, lấy phương châm "Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau" để hướng dẫn các em ý thức bổn phận Công dân là niềm vinh dự, trang bị cho các em kiến thức về cách học chớ không nhồi nhét phải học cái gì. Khuyến khích các em sáng tạo bằng chính sự tưởng tượng của chúng. Phải dẹp bỏ thứ "sáng tạo" vay mượn. Thật điên rồ khi lấy thứ chủ thuyết loài người văn minh vứt bỏ để "sáng tạo" trong giáo dục. 44 năm, cộng sản vẫn loay hoay "cải cách giáo dục" kiểu lộn ngược như ông Bùi Hiền, Hồ Ngọc Đại v.v... thì không bao giờ VN có nền giáo dục đúng nghĩa Chân Thiện Mỹ.

Trong mọi hoàn cảnh, nếu không tìm được điều gì tốt hơn thì tận dụng cái cũ không có gì phải đáng xấu hổ. Thứ thật sự đáng xấu hổ là không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám thừa nhận trình độ nhận thức còn hạn chế, mang nặng mặc cảm thua sút, sinh ra thù hằn nhỏ nhen. Cứ mạnh dạn dùng lại hệ thống Giáo dục của Việt - Nam Cộng - Hòa trước 1975, điều gì không phù hợp với bối cảnh hiện tại thì bỏ qua, điều gì hay thì áp dụng ngay vào Giáo dục cho đến khi thấy điều gì tốt hơn "Tàn dư Mỹ Ngụy".

Chính thể Việt - Nam Cộng - Hòa không còn hiện hữu. Tại sao cộng sản cứ mang nặng hận thù dai dẳng, dùng những lời lẽ vô học, bịa đặt trút lên đầu nạn nhân nhằm lấp liếm, che đậy tội ác vi phạm Hiệp Định Paris 1973, dùng vũ lực xua quân cưỡng chiếm Miền Nam VN. Vận mệnh xui xẻo đầy nghiệt ngã đẩy những Người Lính VNCH can trường nhất vào ngõ cụt, họ vét hết sức tàn chống lại cả khối cộng sản Đông Âu. Điều đó cho thấy tuy VNCH thua cuộc chiến dẫn đến mất nước về tay cộng sản nhưng có quyền hãnh diện một Quân Đội cho đến giờ phút sau cùng của cuộc chiến, dù bị đồng minh bội ước, vẫn kiên cường chống trả cộng sản để bảo vệ Miền Nam tự do, và họ đã phải trả bằng giá máu. Không gọi họ là Anh Hùng thì gọi là gì.

Bốn mươi bốn năm sau. Lịch sử chứng minh cộng sản Bắc Việt không thể thắng nổi Việt - Nam Cộng - Hòa cả về chiến thuật, chiến lược cũng như thu phục lòng dân bằng chính sách an sinh xã hội. Viết cho đúng sự thật rằng, cộng sản Nga - Tàu đã đánh bại VNCH với vũ lực áp đảo, cộng sản Bắc Việt chỉ là thuộc hạ thừa hành mệnh lệnh của đàn anh. Không xứng tầm làm đối thủ của Quân Lực Việt - Nam Cộng - Hòa. Vì lẽ, một Quân Đội được đào tạo bài bản và có học thức nhất định, hoàn toàn khác xa với một đội quân đa phần mới hoặc chưa xong trung học, trộn lẫn thành phần ba đời bần cố nông với hệ thống quân giai thật kinh dị, theo lời Hồ Chí Minh "Đánh thắng tướng thì làm tướng". Thành phần tướng tá kiểu cộng sản như vậy thì dù có tồn tại bao lâu vẫn chỉ là thân phận toi đòi, tay sai ngoại bang, lòn cúi để tồn tại. Với dân chúng thì đàn áp, duy trì quyền lực để hưởng thụ trên xương máu đồng bào Việt - Nam. Tất nhiên, kể cả đội quân của Nguyễn Phú Trọng ngày nay.

Ai đó nói "cộng sản chỉ biết tuyên truyền dối trá", điều đó không sai vì bản chất cộng sản là vậy. Sở trường của chúng là nói láo nhằm mục đích ngu dân. Nhưng đôi khi cộng sản cũng nói thật dù là hiếm hoi, tiết lộ thân phận "lính đánh thuê" của nó như Lê Duẩn thú nhận "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô và TQ", hoặc như Hồ Chí Minh thú nhận làm công ăn lương QT cộng sản và Hồ cũng thú nhận rằng "Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài chủ nghĩa Mác- Lênin". Một đội quân chỉ biết vâng lệnh quan thầy như cộng sản Bắc Việt không bao giờ là đối thủ xứng tầm với VNCH. Nhìn tình cảm của người dân dành cho một chính thể không còn tồn tại đã 44 năm, sẽ thấy nền văn minh VNCH đã thắng chế độ cộng sản man rợ về văn hóa, kinh tế và cả chính trị lẫn thu phục nhân tâm. 

Đã đến lúc quý ông bà giáo $ư, tiến $ĩ trường đảng, những quý ông cố vấn mấy đời thủ tướng cộng sản nên thu hết can đảm nhìn thẳng vào sự thật rằng muốn đất nước phát triển và thoát ách Tàu cộng, phải biết khai thác và tận dụng "Tàn dư Mỹ Ngụy" vào mọi lãnh vực bằng sự thành thật, phải đặt quyền lợi Quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ lên trên quyền lợi đảng phái, mới có thể tiếp cận nguồn tài nguyên vô giá của Người Việt Tự Do. Ngoài núi vàng và đô la, còn có những cái đầu xuất chúng đến thế giới cũng phải nể phục. Họ là những doanh nhân tỷ phú đô la, là những Nghị sĩ, Dân biểu, những nhà khoa học của cơ quan không gian NASA Hoa Kỳ, họ là Tướng lãnh trong Quân Đội hùng mạnh nhất thế giới, họ có tiếng nói giá trị cao đối với Chính phủ Mỹ. Chính họ mới là tác nhân làm Vẻ Vang Dân Việt. 

"Tàn dư Mỹ Ngụy" còn là khắc tinh của Tàu cộng, vì Tàu cộng đã vấy máu ăn phần cướp đoạt Hoàng Sa, Trường Sa lãnh hải của Việt - Nam với sự tiếp tay của cộng sản Bắc Việt bằng công hàm phản quốc của Phạm Văn Đồng. Hành động xâm lược của Tàu cộng cho thấy chúng đã vi phạm Hiệp Định Paris 1973 về sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải VN mà Tàu cộng đã ký kết tuân thủ với LHQ. Theo Luật sư Lâm Chấn Thọ, Luật sư Lê Trọng Quát việc giải tỏa những khuất tất, khôi phục Hiệp Định Paris, tái hợp để đưa Tàu cộng ra Tòa án Quốc Tế tuy nhiều khó khăn nhưng có thể thực hiện được, để đòi lại những gì Tàu cộng xâm chiếm. 

Thường dân chúng tôi ước mong, sẽ có ngày Toàn dân Việt - Nam trong và ngoài nước chung sức, chung lòng cùng xuống đường biểu tình nêu cao ý chí cương quyết giải tán đảng cộng sản. Đòi cho bằng được cuộc Tổng tuyển cử trên toàn cõi VN dưới sự giám sát của LHQ. Khôi phục Việt - Nam Cộng - Hòa phù hợp với Công pháp Quốc tế. giải pháp tốt nhất để đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh hải Việt - Nam. Đánh đuổi đội quân Tàu cộng ra khỏi lãnh thổ VN dù chúng ẩn núp dưới bất kỳ hình thức nào. Dân Tộc VN không chấp nhận CNCS, không giao du với Tàu cộng, một thứ "cường quốc" trộm cướp, tên cho vay nặng lãi, biến con nợ thành nạn nhân để chúng sai khiến và thôn tính bất kỳ nước nào rơi vào bẫy nợ của chúng. 

Thương Binh Việt - Nam Cộng - Hòa những Người Lính chịu nhiều thiệt thòi nhất sau cuộc chiến Vệ Quốc bất thành

Cuộc chiến bom đạn chấm dứt đã 44 năm. Sự bất công và nỗi hàm oan vẫn đeo bám cuộc đời họ. Những người may mắn thì đã vượt thoát để tránh sự trả thù lẫn truy sát của cộng sản khát máu say men "chiến thắng" từ 1975 cho đến tận ngày nay. Đối với Thương Binh VNCH, có thể nói họ là người hứng chịu đòn thù của công sản nặng nề nhất, kể cả gia đình và con cái cũng vạ lây. Trong cảnh cùng khổ sau 1975, không ai có thể giúp ai, họ gần như bị vứt bỏ bên lề cuộc sống. Xã hội lúc bấy giờ biến họ thành những người vô hình. Thương nhất là những Người Lính không còn nhà để về, thậm chí không còn người thân để chăm sóc vết thương chưa kịp lành khi bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa. Họ gần như mất tất cả, trừ một thứ mà lũ cô hồn chúng tôi khắc sâu vào tiềm thức, đó là Nhân Cách thể hiện sự ngay lành trong mọi hoàn cảnh.

Số phận đưa đẩy những người cùng cảnh khổ gặp nhau bên hè phố. Có Anh vẫn nói nói cười cười như không có thứ gì lay chuyển được tính lạc quan. Nghe chúng tôi giới thiệu về "dòng dõi hoàng gia" tứ cố vô thân. Các Anh nói rồi các em sẽ khôn lớn và có gia đình, sẽ có mái ấm như bao người khác. Còn các Anh thì mồ côi Tổ Quốc, đã từng có tất cả và đã mất tất cả sau ngày mất nước, không biết đến bao giờ mới có lại được những ngày xưa. Rồi kể cho lũ trẻ chúng tôi nghe về đời Lính, ba tháng quân trường, 29 ngày tái khám sau trận xáp lá cà với VC. Chúng tôi ngồi nghe say mê như đang xem ciné, đâu biết sau những vui buồn đời lính là nỗi khổ đau chỉ có Trời mới thấu. Điều chúng tôi cảm phục nhất là chưa từng nghe các Anh, các Chú Thương Binh VNCH than trách ai đó sao nỡ vô tình.

Khi DCCT ở số 38 Kỳ Đồng Sài Gòn có chương trình Tri Ân Thương Binh Việt - Nam Cộng - Hòa, cùng nhau đi hết quảng đời còn lại, thấy vui biết chừng nào khi họ đã có chổ nương tựa, dù có hơi trễ nhưng thật ấm áp tình người. Nhìn nụ cười rạng rỡ của các Chú, các Anh đón nhận những tấm lòng nhân của quý Mạnh Thường Quân, chúng tôi không cầm được nước mắt. Nghĩ là Đồng đội các Anh bên kia bờ đại dương sau nhiều năm bầm dập nơi xứ người, đã có thể nhường cơm xẻ áo cùng những lời an ủi chân tình. Rồi niềm vui vụt tắt, khi hay tin văn phòng Công Lý và Hòa Bình thông báo đóng cửa. Những giọt nước mắt buồn lần nữa được tát cạn. Những mảnh đời tiếp tục trôi dạt và bầm dập mà bờ bến yêu thương vẫn ở nơi nào xa lắc.

 
Người Đưa Tin - Nguyễn Đan Thanh (Danlambao)

Tham khảo:

 
- Sau 30/4/75 từng có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ. Joaquin Nguyễn Hòa
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48009443

 - Thời nào dân Việt sướng nhất. Nguyễn Hội
ttp://old.danchimviet.info/archives/44837/th%E1%BB%9Di-nao-dan-vi%E1%BB%87t-s%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%A5t-2/2011/10

- Ngược đãi sau 30/4 là bi kịch lịch sử. Nam Nguyên, phóng viên RFA
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/discri-after-fall-saigon-04222015080143.html

- 44 năm sau cuộc chiến: Nhiều người Việt vẫn phải chọn bỏ nước ra đi. Hòa Ái, RFA
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-in-44-year-independence-the-waves-of-immigrants-arenon-stop-04222019112635.html

- Vay nợ Trung Quốc rất nguy hiểm, nhưng Việt Nam nợ bao nhiêu? Kính Hòa RFA
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-loan-dangerous-08222018123936.html

 - Máy bay vận tải thời chiến tranh Việt Nam biến thành lớp học tương tác. 21.05.2019
https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-van-tai-thoi-chien-tranh-vn-bien-thanh-lop-hoc-tuong-tac/4925158.html

- TS Lưu Nguyễn Đạt: Từ Quốc Hận 30 Tháng Tư Tới Sứ Mạng Chân Chính Của Người Việt Tử Tế
https://www.vietthuc.org/luu-nguyen-dat-tu-quoc-han-30-thang-tu-toi-su-mang-chan-chinh-cua-nguoi-viet-tu-te/

- Hiệp định Paris: Khuất tất và khả năng tái hợp. Tường An RFA 13.05.2019
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/irregularities-in-the-paris-agreement-and-the-possibility-of-reconvening-05132019121009.html

- Việt Nam Cộng Hòa, lối thoát của Hoàng Sa và dân tộc. Trần Trung Đạo
https://danlambaovn.blogspot.com/2014/05/viet-nam-cong-hoa-loi-thoat-cua-hoang.html

- Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955. Nguyễn Văn Lục
http://ttntt.free.fr/archive/nguyenvanluc5.html

- Tiến sĩ Rupert Neudeck, ân nhân của thuyền nhân Việt, qua đời tại Đức
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/OverseasVietnamese/the-grand-savior-of-vns-boat-people-died-tt-06232016134146.html

- Tội ác Cộng Sản Việt Nam: Thuyền Nhân
https://www.vietthuc.org/t%E1%BB%99i-ac-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-vi%E1%BB%87t-nam-thuy%E1%BB%81n-nhan/

- Thuyền nhân Việt Nam: thảm trạng lịch sử chưa thể sang trang
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/OverseasVietnamese/boat-poep-stori-nevr-fade-04302015054249.html tu

- Hòa Thượng Thích Không Tánh lên tiếng vụ ‘ngưng Tri Ân Thương Phế Binh VNCH’
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/ht-thich-khong-tanh-len-tieng-vu-ngung-tri-an-thuong-phe-binh-vnch/

- Xung quanh việc Văn phòng Công lý - Hoà bình tạm đóng cửa
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-behind-closure-of-office-for-justice-and-peace-05182019085316.html

- Tổng Y Viện Cộng Hòa ,có bác chú anh chị nào vô đây .....chưa ?
http://namrom64.blogspot.com/2012/08/hinh-anh-xua-tong-y-vien-cong-hoa-co.html

304Đen – Llttm - DLB