Monday, September 28, 2020

Dậy Đi Con - Vũ Mạnh Cường

DẬY ĐI CON




 













Dậy đi con.. ra Huyện ngắm cổng chào..

Mới xây xong to cao đẹp lắm đấy

Không giống như cột điện bị gió đẩy

Bão nhẹ thôi đã bị gẫy làm đôi

 

Cổng trường con các bạn nghịch đổ rồi

Để vài bạn giờ thôi không học nữa

Dậy đi con.. sắp sửa được uống sữa

Cán bộ trên đã hứa chuẩn bị cho..

 

Dậy đi con...mẹ đi bán con bò..

Mua bao tải sách to... vào lớp một

Sách tham khảo Bộ bảo giờ rất tốt..

Chục quyển dày không học dốt nữa nghe..

 

Dậy đi con lớp học có mái che..

Thủng vài chỗ bàn ghế què.. nền nhão.

Xin ông trời đừng có làm mưa bão..

Đừng gió lùa làm ướt áo con tôi..

 

Dậy đi con trống trường đã điểm rồi

Tiền đánh trống hơn trăm thôi... quy định

Tết trung thu ngắm trăng xuông là chính

Bánh kẹo ư.. để Huyện Tỉnh sắp cho..

 

Dậy đi con.. đi ngắm cổng chào to..!!!

Con xin Mẹ... cho con no đủ bữa

Bớt cổng chào cho con xin hộp sữa

Bớt tượng đài cho con nửa... Bánh Trung thu..!

 

Vũ Mạnh Cường

 

Nguồn: Thấy share trên facebook

Người chuyển bài – GSN /NGBSPSG


Buồn Như Tiếng Vượn - Nguyễn Thị Hải Hà

 

Buồn Như Tiếng Vượn





 

Tiếng đàn của Thúy Kiều chắc phải buồn lắm. Nàng đàn cho Thúc Sinh nghe, Thúc Sinh rơi lệ. Ối, Thúc Sinh thì nói làm gì, chàng này là một người thiếu chí khí, có khóc thì cũng chẳng lạ. Nhưng Hồ Tôn Hiến, một kẻ làm chính trị mưu mô dạn dày, khi nghe tiếng đàn của Kiều, cũng nhăn mày châu rơi:

Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu trên đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày châu rơi

Nỗi buồn từ tiếng đàn như máu từ tim chảy ra đầu ngón tay của Kiều được Nguyễn Du so với tiếng vượn. Như thế tiếng vượn kêu (hót hay hú) ắt phải não nề thê lương lắm? Những người sống ở thành phố, hay nông thôn, ít khi nghe tiếng vượn vì chúng sống trong rừng núi. Người sống ở miền lạnh càng ít khi nghe tiếng vượn hơn vì đa số khỉ vượn sống ở vùng nhiệt đới, ngoại trừ vài địa hạt ở miền Bắc Nhật Bản có loài khỉ mặt đỏ sống vì có nhiều suối nước nóng.

Nhưng có thật tiếng vượn buồn không hay chỉ là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Xin mời bạn cùng với tôi, thử đi tìm nỗi buồn trong tiếng vượn trong một số bài thơ.

Ca dao Việt Nam có:

Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Hai câu thơ này không nói gì về nỗi buồn. Phải chăng người đọc chỉ phỏng đoán cô gái trẻ lấy chồng về nơi rừng núi hiu quạnh, nhớ mẹ ắt phải buồn và từ đó nghe thấy nỗi buồn trong tiếng vượn?

Mã Đái, một nhà thơ thời Vãn Đường (836-905)[1] không rõ tiểu sử, có bài thơ tựa đề Sở Giang Hoài Cổ nói về tiếng vượn như sau:

Lộ khí hàn quang tập,
Vi dương há Sở khâu.
Viên đề Động-đình thụ
Nhân tại mộc-lan chu.
Quảng trạch sinh minh nguyệt,
Thương sơn giáp loạn lưu.
Vân trung quân bất kiến,
Cánh tịch tự bi thu.

Cụ Trần Trọng Kim dịch là Thơ Hoài Cổ Làm Trên Sông Nước Sở:

Khí sương sáng lạnh một bầu,
Bóng dương mờ chiếu Sở khâu sớm ngày,
Động-đình vượn hót trên cây,
Thuyền lan chở khách, người ngây nỗi lòng.
Trăng soi đầm rộng sáng trong,Núi xanh bao khắp mấy giòng nước giao.
Chúa mây lui tới rất mầu
Suốt đêm chỉ những rầu rầu cảnh thu.

(Trần Trọng Kim, tr. 223)

Ở bốn câu thơ tiếng Hán Việt, “viên đề Động-đình thụ” nghĩa là con vượn kêu trên cây ở Động đình đâu có thấy nói gì về tiếng vượn kêu nghe buồn thảm đâu nhưng khi dịch ra tiếng Việt dịch giả Trần Trọng Kim lại thêm bốn chữ “người ngây nỗi lòng.” Phải chăng vì câu chót của bài thơ “Cánh tịch tự bi thu” khiến dịch giả nhìn thấy nỗi buồn của tác giả rồi gán nỗi buồn này vào tiếng vượn? Để tham khảo, xin mời độc giả đọc thêm ở cuối bài về bài thơ Sở Giang Hoài Cổ từ  thivien.net[2]

Ngoài Mã Đái, trong khi đi tìm nỗi buồn trong tiếng vượn, tôi gặp một số nhà thơ rất danh tiếng thời Đường có nhắc về tiếng hú của loài vượn. Xin mời độc giả cùng tôi xem các thi sĩ này đã gởi gấm những gì trong tiếng vượn.

Nhà thơ Vương Xương Linh, không biết rõ năm sinh và ngày chết (?-756-?)[3], đỗ Tiến sĩ, chẳng biết ông làm lỗi gì mà bị biếm chức đến Long Tiêu. Một ngày đi ngang con sông nhìn thấy lầu Vạn Tuế, chung quanh là núi cao sông sâu, buổi chiều có mây có khói, trên núi có vượn có sóc, ông bùi ngùi nhớ về quê xưa rồi viết bài thơ Vạn Tuế Lâu, trong bài thơ có hai câu:

[…]
Viên dứu hà tằng li mộ lĩnh,
Lô tư không tự phiếm hàng châu.

Bản dịch của Trần Trọng Kim dịch là:

Núi chiều vượn khỉ yên vui
Bãi kia chim cốc tới lui từng bầy 
(Trần Trọng Kim, tr. 229)

Và Chi Điền dịch là:

Ngơ ngác vượn chiều lìa đỉnh núi,
Lênh đênh đàn cốc nổi ven cầu.
[4] (Chi Điền Hoàng Duy Từ, tr. 129)

Một ông thì bảo rằng vượn khỉ yên vui, một ông lại nói ngơ ngác vượn chiều, đã yên vui thì chắc không buồn, còn con vượn ngơ ngác thì có buồn hay không? Vì không biết nên tôi tham khảo với thivien.net thấy dịch là:

Vượn sóc chưa từng rời khỏi đỉnh núi chiều,
Cò vạc lặng lẽ qua lại trên bãi vắng vẻ lạnh lùng.
[5]

Hai câu này chỉ nói có vượn sóc trên núi và cò vạc trên bãi sông, nhưng cuối bài thơ, nhà thơ Vương Xương Linh có câu “hướng vãng mang-mang phát lữ sầu” nói về nỗi buồn của người xa nhà khi nhớ về quá khứ. Dịch giả của chúng ta dùng tiếng kêu của loài vượn để nói lên nỗi sầu ly hương của tác giả.

Đỗ Phủ mở đầu bài thơ Đăng Cao (Lên Cao) bằng câu “Phong cấp thiên cao viên khiếu ai” thì nói rõ ràng tiếng vượn kêu nghe buồn. Dịch giả Trần Trọng Kim dịch ra chỉ đơn giản là “trời cao, gió mạnh, vượn kêu”[6] nhưng không nói gì đến nỗi buồn. Đỗ Phủ dùng tiếng vượn để than thở tuổi già bệnh tật phải lên núi một mình, tóc đã bạc mà vẫn còn vất vả gian nan.[7]

Nghe tiếng vượn kêu buồn đến chảy nước mắt có nhà thơ Cao Thích[8]. Trong bài thơ có cái tựa rất dài Tiễn Lý Thiếu-Phủ Đi Giáp-Trung và Vương Thiếu-Phủ Đi Trường-Sa[9] Cao Thích viết,

[…]
Vu-giáp đề viên sổ hàng lệ,
Hành-dương qui nhạn kỷ phong thư
[10]
[…]

Dịch giả Trần Trọng Kim dịch là:

Kẽm Vu tiếng vượn lệ rơi,
Hành-dương chim nhạn đem vài phong thư (TTK, trang 252)

Bài thơ tiễn hai chàng trai bị vua đày, người họ Lý đi Giáp Trung đất Thục, người họ Vương đi Trường Sa đất sở. Tiễn người bị đi đày dĩ nhiên là buồn, đến cái chỗ hẻo lánh nên nghe tiếng vượn buồn rơi nước mắt là tất nhiên.

Thêm vào những bài thơ Đường vừa kể trên, tôi còn gặp vài bài thơ Đường trong đó có câu thơ nói về tiếng kêu của con vượn như Khê Hành Ngộ Vũ Dữ Liễu Trung Dung của Lý Đoan, và riêng nhà thơ Lý Bạch có nhiều bài nhưng ở đây xin trích dẫn sơ qua hai bài Ký Thôi Thị Ngự và Trường Can Hành. Trong bài thơ của Lý Đoan, đặc biệt, tiếng vượn không buồn, mà đọc kỹ một chút độc giả có thể nhận ra sự hài lòng, thậm chí là vui ngầm của người trong cuộc.

Khê Hành Ngộ Vũ
Dữ Liễu Trung Dung

Nhật lạc chúng sơn hôn,
Tiêu tiêu mộ vũ phồn.
Nả kham lưỡng xứ túc
Cọng thính nhất thanh viên.

Cụ Trần Trọng Kim dịch là:

Mặt trời lặn, núi tối mò,
Rầu rầu chiều tối, mịt mù mưa sa.
Sao đành đôi chốn ngủ xa,
Chi bằng tiếng vượn một nhà cùng nghe.
[11]

Thiết nghĩ chiều tối mưa rơi thì cảnh có vẻ buồn, nhưng đôi bạn Lý Đoan và Dữ Trung Dung, cùng ở chung một quán trọ cùng nghe một tiếng vượn ắt là phải vui vì không phải xa nhau.

Nhân vật trong các bài thơ của thi hào Lý Bạch vì xa nhà nghe tiếng vượn hú mà lòng buồn (Ký Thôi Thị Ngự). Vợ của người đi xa, nghĩ đến chồng ở nơi quan san cách trở, hai bên vách núi có tiếng vượn kêu thảm thiết vang trời (Trường Can Hành).

Đa số, những câu thơ nhắc đến tiếng vượn kêu, nếu có buồn thì chỉ vì phản ảnh tâm tư của nhà thơ. Tiếng vượn cũng như tiếng mưa rơi, buồn vì nhà thơ đã mang sẵn tâm sự buồn.

@ @ @

Sau khi tìm tiếng vượn trong thơ Đường, tôi thử tìm tiếng vượn trong thơ hài cú của Basho nhà thơ Nhật Bản. Basho trong lúc hành hương đi vòng quanh nước Nhật, đến một làng hẻo lánh cạnh bở sông, ông bắt gặp một đứa bé bị bỏ rơi. Chia cho đứa bé chút thức ăn, ông và người đệ tử lại lên đường. Sau đó, nghe tiếng vượn kêu ông liên tưởng đến tiếng khóc của đứa bé.

Poet grieving over shivering
monkeys, what of this child
cast out in autumn wind.

Thi sĩ ngậm ngùi vì con vượn
run rẩy, còn đứa bé này ra sao
khi bị bỏ rơi trong gió thu[12]

Con Vượn là một biểu tượng đặc biệt của văn hóa Nhật Bản thường tượng trưng cho vài đặc tính không tốt của loài người. Bài thơ dưới đây tôi có thể hiểu từng chữ nhưng thật tình không hiểu hết ý bài thơ. Con vượn trở nên giống cái mặt nạ, hay cái mặt nạ thay đổi cho giống tính con vượn, hay cái mặt nạ lật mặt nạ con vượn?

Year by year,
the monkey’s mask
reveals the monkey

Năm này sang năm kia,
mặt nạ của vượn
để lộ ra vượn

Winter downpour –
even the monkey
needs a raincoat

Mưa mùa đông xối xả
ngay cả loài vượn
cũng cần áo mưa

Loài vượn cũng được tôn làm thần thánh trong Phật Giáo Nhật và Shinto. Chúng ta đã từng nghe đến câu chuyện sanzaru hay Ba Con Vượn Khôn Ngoan. Sanzaru là một cách chơi chữ của người Nhật với chữ saru gần giống zaru có nghĩa là con vượn và chữ gốc –zaru trong tiếng Nhật cổ được dùng trong cách chia động từ nói về cái không có, thí dụ như mizaru, kikazaru, iwazaru có nghĩa là không thấy, không nghe, không nói. Đền thờ Tōshō-gū, ở Nikkō có khắc tượng Ba Con Vượn Khôn Ngoan. Vào thời thật cổ xưa (c. 787-824), kinh điển Phật Giáo có lưu truyền câu truyện về một nữ thánh đầu tiên bị chế nhạo là saru (con khỉ hay vượn) vì cho rằng bà chỉ giả vờ bắt chước người tu, nhưng về sau để vinh danh bà người ta đặt cho bà cái tên sari (có nghĩa là Xá Lợi của Phật).[13]

Ba con vượn khôn ngoan là: Mizaru, bịt mắt để không nhìn những điều tội lỗi; Kikazaru, bịt tai để không nghe những lời thị phi; và Iwazaru, che mồm để không nói những lời độc ác.[14] Trong văn hóa Tây phương, ba con vượn này lại bị hiểu theo nghĩa không hay tượng trưng cho những người hèn nhát, trốn tránh sự thật, giả vờ không nghe không thấy để không phải thốt lên những lời đấu tranh bảo vệ sự thật.

@ @ @

Loài khỉ hay vượn được nhắc đến rất nhiều trong văn học cũng như phim ảnh. Khán giả điện ảnh chắc chưa quên một con dã nhân khổng lồ rất khôn ngoan trong phim King Kong, hay con dã nhân khổng lồ trong Mighty Young Joe được cô chủ Jill cứu và giúp đưa về Phi châu. Nhà văn Haruki Murakami có truyện ngắn “A Shinagawa Monkey,” trong đó con khỉ biết nói đã khiến một nhân vật trong truyện bị mất trí nhớ, và nhờ đó mà quên chuyện đau lòng với người trong gia đình. Nhà văn Patricia Highsmith, người Hoa Kỳ nhưng nổi tiếng ở Anh và Pháp hơn ở nước nhà, có truyện “Eddie and the Monkey Robberies” về một con khỉ được nuôi để đi ăn trộm. Người Mỹ có rất nhiều phim trong đó khỉ là nhân vật như “Planet of the Apes” trong phim này khỉ là chủ nhân còn loài người là nô lệ vì loài người quá tiến bộ trong việc phá hủy sự sống trên trái đất, sau đó là Rises of Planet of the Apes và Dawn of Planet of the Apes. Có hai truyện ngắn về khỉ tôi rất thích đó là “The Monkey’s Paw” của W. W. Jacobs và The Monkey King của May Sharon. Trong “The Monkey’s Paw” Bàn Tay (hay bàn chân) Khỉ là một thứ bùa linh thiêng, hễ ai có nó sẽ được toại nguyện với ba điều ước nhưng phải trả giá rất đắt cho ba điều ước này. Còn The Monkey King thì nói về con khỉ đầu đàn của một đàn khỉ sống trong thời diệt chủng ở Campuchia.

Có một phim tài liệu nói về một vụ kiện rất nổi tiếng vào thập niên hai mươi đó là phim “The Monkey Trial.” Năm 1925 giáo viên John Scopes bị đưa ra tòa vì bị cáo buộc đã dạy thuyết tiến hóa Darwin. Đưa thầy giáo Scopes ra tòa chỉ là một cái cớ để vạch ra một điều luật mâu thuẫn và lỗi thời của Hoa Kỳ. Dù thuyết tiến hóa của Darwin rất phổ thông trên toàn thế giới và được đưa vào sách giáo khoa của các trường Trung học Hoa Kỳ, một số địa phương vẫn còn bảo thủ nên có luật cấm giáo viên không được dạy cho học sinh thuyết Darwin. Cuộc tranh cãi của hai bên, biện hộ và công tố viện, đại diện hai bên đều là luật sư rất nổi tiếng thời bấy giờ, kéo dài mấy tháng trời; biến Dayton, một thành phố vô danh của tiểu bang Tennesse, trở nên nổi tiếng như một thành phố du lịch vì ký giả từ trên toàn nước Mỹ tựu về thành phố này để kịp loan tin cho những tờ báo lớn. Ngay cả người dân của thành phố cũng chia thành hai phe, một bên tin vào khoa học chấp nhận khỉ là thủy tổ của loài người, còn bên kia nhất quyết chỉ tin con người là một sáng tạo của Thượng Đế.

Khỉ được xem là thủy tổ của loài người. Cynthia Ozick trong bài tiểu luận The Novel’s Evil Tongue đăng trên The New York Times diễn giải rộng hơn một chút, loài khỉ cũng chính là ông tổ của nhà văn. Theo bà Ozick, nghề văn bắt đầu từ thuở Eve nghe lời con rắn dụ dỗ ăn trái táo, sau đó đến thời loài khỉ ngồi bắt chí bắt rận cho nhau, thì thầm kể cho nhau nghe chuyện hàng xóm láng giềng. Nghề kể chuyện, cho dù là chuyện ngồi lê đôi mách, lâu ngày biến thành nghề viết văn. Bà Cynthia Ozick bảo rằng “to choose to live without gossip is to scorn storytelling,”[15] nghĩa là chọn lựa sống mà không nói chuyện thị phi là khinh bỉ nghề kể chuyện (hay viết truyện).

Cứ nghe các nhà thơ kêu ca tiếng vượn thật là ai oán, tôi dùng Google để thử nghe tiếng vượn có thật sự buồn không và nếu buồn thì buồn đến cỡ nào. Người Việt có rất ít ngữ vựng nói về giống khỉ, trong khi Anh ngữ lại có rất nhiều phân biệt từng loài. Ngoài chữ monkey còn có simian, ape (khỉ dã nhân), gibbon (vượn), macaque (khỉ mặt đỏ của Nhật), gorilla, primate, và orangutan. Tôi nghe nhiều thứ tiếng của loài khỉ nói chung, monkey, gibbon, gorilla, macaque, thật tình chỉ thấy đó là tiếng hú của loài vật. Trò chuyện với người tình của gần bốn mươi năm về trước (nay là chồng nên hết là người tình), tôi bảo rằng đúng là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, khi buồn thì tiếng mưa tiếng gió ngay cả tiếng mèo ngao chó sủa cũng buồn, mấy ông nhà thơ chỉ vẽ chuyện. Chàng, không quan tâm thơ thẩn gì cả, bảo rằng: ngày xưa trong xóm của chàng có một người bắt được con vượn trong rừng đem về thành phố nuôi. Con vượn có lẽ nhớ rừng thường hay hú vang cả xóm. Tiếng hú của nó thật là ai oán. Có lẽ tất cả nỗi nhớ đàn nhớ rừng đều gói trọn trong tiếng hú.

 

Nguyễn Thị Hải Hà

304Đen – llttm -tvvn

[1] Trần Trọng Kim, Đường Thi, nhà xuất bản Đại Nam (California, Hoa Kỳ), trang xxix
[2] http://www.thivien.net/M%C3%A3-%C4%90%C3%A1i/S%E1%BB%9F-giang-ho%C3%A0i-c%E1%BB%95/poem-K4ceSkJo_U1dyPvax3W7zg
[3] Chi Điền Hoàng Duy Từ, Đường Thi Tuyển Dịch, xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1984, bản quyền của Hoàng Tuấn Lộc, tr. 129.
[4] Chi Điền Hoàng Duy Từ, tr. 129.
[5] http://www.thivien.net/V%C6%B0%C6%A1ng-X%C6%B0%C6%A1ng-Linh/V%E1%BA%A1n-Tu%E1%BA%BF-l%C3%A2u/poem-R90JLHqIaGEjbqMZJ_yJYA
[6] Trần Trọng Kim, tr. 248.
[7] http://www.thivien.net/%C4%90%E1%BB%97-Ph%E1%BB%A7/%C4%90%C4%83ng-cao/poem-h3EvqeQvlQUxq2sceUWWYQ
[8] Cao Thích (?-765) tự là Đại Phu, quê ở Trực Lệ, 50 tuổi mới làm thơ, tỏ ra có thi tài và khí chất hơn người. Thường đến Biện Châu cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ, uống rượu làm thơ. Trích trang 82 trong Đường Thi Tuyển Tập của Chi Điền Hoàng Duy Từ.
[9] Trần Trọng Kim, trang 252 .
[10] http://www.thivien.net/Cao-Th%C3%ADch/T%E1%BB%91ng-L%C3%BD-thi%E1%BA%BFu-ph%E1%BB%A7-bi%E1%BA%BFm-Gi%C3%A1p-Trung-V%C6%B0%C6%A1ng-thi%E1%BA%BFu-ph%E1%BB%A7-bi%E1%BA%BFm-Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-Sa/poem-WlSbS0D9s5mtpoEgdRajNw?Sort=Update&SortOrder=desc
[11] Trần Trọng Kim, tr. 335.
[12] Trích trong Basho – On Love and Barley, Haiku of Basho, bản dịch sang tiếng Anh của Lucien Stryk.
[13] https://en.wikipedia.org/wiki/Monkeys_in_Japanese_culture
[14] https://en.wikipedia.org/wiki/Three_wise_monkeys
[15] Cynthia Ozick, The Novel’s Evil Tongue, the New York Times, Dec. 16, 2015.

 

Bươm Bướm Ngày Xưa - Nguyễn Bính

Bươm Bướm Ngày Xưa
















Học trò trường huyện ngày xưa ấy
Em tuổi bằng anh, lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
Lá sen vương phấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cổng mới tan mơ
Em đi phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới nhớ
Tình anh như chuyện bướm xưa thôi…

Nguyễn Bính

Người Là Ai - Thạch Thảo

 

Người Là Ai?





Cảm tác lời nhạc trong DVD của Ca Sĩ Hoàng Tường)

… Họ là những anh hùng không tên tuổi,
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Lớp này vong, lớp khác tiến ngay lên…

Đó là chân dung người lính QLVNCH. Họ là những người trai trẻ, vì lý tuởng, vì sự tồn vong của đất nước, mạnh dạn bước vào quân ngũ, khoác mầu áo trận, vai mang ba lô với lời tuyên thệ “Vị Quốc Vong Thân“.

Từ quân trường, Anh được tôi luyện thành những chiến sĩ can trường, coi thường mọi hiểm ngay trước lằn tên mũi đạn… Anh đã thực sự truởng thành để bước ra mặt trận, tay cầm súng, chân mang giầy saut, giẫm mòn nửa vòng trái đất để bảo vệ quê hương, nơi nào có giặc đỏ Bắc phương, có nón cối dép râu, có những kẻ ngông cuồng vượt đường mòn muốn “Sinh Bắc Tử Nam” là nơi đó có Anh…

Hai mươi năm chiến tranh, quê hương điêu tàn trong khói lửa, 20 năm dài hầu như Anh không hề có một giấc ngủ bình yên. Trừ những lần đơn vị về duỡng quân, Anh mới có được những ngày phép ngắn ngủi về thăm gia đinh, cha mẹ, vợ con, anh em bè bạn hoặc người yêu..

Bao nhiêu năm chinh chiến, là có bấy nhiêu ngàn ngày để Anh ra đi từ sáng tinh mơ và cũng bấy nhiêu ngàn đêm để bóng Anh mịt mờ trong núi rừng giá lạnh… Để đêm đêm nghe đại bác vang trời, mưa bom đạn réo bên tai, nhìn ánh hỏa châu rơi mà thi vị hoá cuộc tình, tuởng chừng như ánh mắt người yêu dõi theo Anh từng bước quân hành… Anh thương cho quê hương còn dầy đặc bóng quân thù và cũng thương cho ai kia mòn mỏi đợi chờ… để rồi đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc… Anh cũng đã từng có những ước mơ tuổi trẻ, ước mơ đất nước sớm được thanh bình. Ngày về sẽ là những ngày hoa đăng, ngày cưới… Trong 20 năm khói lửa điêu linh, tình hình chiến trường ngày càng sôi động, người lính cứ đi và đi mãi. Chân Anh hầu như không biết mỏi… đầu đội nón sắt, vai mang ba lô lội qua những vùng sình lầy, nước ngập ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa danh xa lạ: Ashau, A Lưới, Bồng Sơn, Tam Quan, hay Anh đã từng truy kích địch ở Cố Đô Huế, chiếm lại từng tấc đất quê hương. Máu Anh đã tô thêm để ngọn cờ Vàng ba sọc đỏ thân yêu, ngạo nghễ trên cổ thành Đinh Công Tráng năm nào. Người dân hiền lành xứ Quảng vô cùng nhớ ơn Anh. Suốt chiều dài lịch sử, từ Bắc vô Nam, dọc đến Cái Nước, Đầm Doi, Chương Thiện… Anh đã nằm xuống nơi đã từng in dấu chân. Đạn pháo vô tình đã cướp đi hơi thở, niềm tin yêu, và tuổi trẻ của Anh.

Anh nằm xuống để cho miền Nam được tươi xanh luống mạ, thân xác Anh được gói trọn trong tấm poncho, để che kín bầu trời miền Nam. Anh đi “Tổ Quốc Ghi Ơn“, để cho hậu phương được yên lành no ấm…

Nói đến người dân miền Nam, những người yêu chuộng Tự Do, không bao giờ muốn sống chung với cộng sản, họ luôn muốn bỏ chạy khi cộng sản đến. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ Quốc Gia, ngàn thù dẹp loạn cho của những người cầm súng và họ cũng tự trấn an rằng lính của QLVNCH không bao giờ buông súng và không bao giờ đầu hàng giặc. Mà thật vậy, lời ca của một ca sĩ nào đó như còn văng vẳng:

Vì đâu Anh buông súng?
Chẳng phải Anh người chiến bại trước kẻ thù
Ngoài chiến trường xa còn đang say giết giặc
Thì lịnh đầu hàng, lịnh Tủi Nhục Ngàn Thu

 Vì đâu Anh buông súng?
Lúc mà lòng Anh là viên đạn đã lên nòng
Họng súng “Tự Do” đang còn loang máu giặc
Thì lịnh ban truyền “Lịnh giao bán núi sông”

30/4 Ngày giao hàng của phường buôn dân bán nước
30/4 Ngày tủi nhục của người vì Tự Do tranh đấu
Ngày Tổ Quốc quấn khăn tang
Ngày Việt Nam trong đêm đen
Ngày dẫn cuộc đời Anh đi vào nhà giam…

Mỗi lần đi làm về khuya, mở nghe nhạc đến bản này, người viết có cảm giác như hồn tử sĩ đang ai oán, nức nở, khóc cho quê hương…

Trở lại thân phận người lính, đời lính gian khổ, tương lai và sự sống đếm từng ngày trên đầu ngón tay. Lính là đồng nghĩa với nghèo. Mỗi lần về hậu phương Anh cảm thấy lạc lõng, bơ vơ như người Thượng mới về Kinh. Thật là mỉa mai thay, nào là ca tụng Anh trai tiền tuyến, Em gái hậu phương.

Những người vợ lính mới thật sự là những người đàn bà thầm lặng và bình dị trong xã hội. Họ tất tả nuôi chồng ở các TTHL, về nhà họ vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi dậy con cái, chịu đựng và hy sinh để cho chồng an tâm chống giặc. Hạnh phúc của họ thật mong manh, hằng đêm thức khuya lắng nghe tiếng đại bác để rồi lo âu trằn trọc và nguyện cầu sự bình an cho chồng an tâm cầm súng.

Để rồi 30/4/75, ngày Cộng Sản phương Bắc ý đồ nhuộm đỏ miền Nam, Anh bàng hoàng buông súng!!! Có thật không? Hai mươi năm chinh chiến để đổi lấy hoà bình, đã kết thúc trong tủi nhục, đau thương!!! Có thật không? Anh đã khóc nhiều cho chiến tranh, khóc khi đồng đội của Anh đã nằm xuống và có ai trong chúng ta đã hơn một lần khóc thương cho người lính???

Lịch sử đã sang trang, đồng thời dân tộc Việt Nam cũng đi vào bước đường cùng của trái đất, nào là hình ảnh những TPB dìu dắt nhau hốt hoảng rời bỏ những Quân Y Viện… Và Anh người lính trong thời chiến, giờ đây trở thành tù nhân trong thời bình. Anh lưu vong trong lòng dân tộc và chịu số phận lưu đầy nơi chính quê hương của Anh, bởi cộng sản đã bắt đầu cuộc trả thù tàn bạo và dã man nhất, đẩy Anh vào địa ngục của trần gian. Chúng ngụy tạo những mỹ từ để mỵ dân nào là “lao động là vinh quang“, nào là “Chủ Nghĩa Cộng Sản đưa người dân đến cơm no áo ấm…” Thế nào là “cơm no áo ấm” đây? Ăn bo bo, cũng no vậy, mặc bao bố cũng ấm vậy? Chúng đã vắt cùng lực cạn sức lực Anh bên rừng sâu núi thẳm, sỉ nhục Anh bên những hố xí tanh hôi.

Nhưng Anh đã vượt qua sự chết để đem ý nghĩa cho cuộc sống và nhân phẩm của con người. Từ ngục tù Anh đã chứng minh, Anh và bọn chúng không bao giờ là người đồng loại… Anh vì lý tuởng Tự Do mà chiến đấu, còn bọn chúng ngông cuồng sát máu là con cờ thí của lũ vô thần cộng sản quốc tế mà thôi. Cuối cùng Anh cũng đã trở về từ địa ngục, mà nơi đó cũng có biết bao bạn bè của Anh đã ngã xuống. Họ đã trở thành những người thụ nạn trong thời bình.

Hơn 32 năm qua, hoà bình thật sự không đến với quê hương VN, họ chỉ lo vơ vét tài sản của dân chúng, để làm của riêng mình; lại còn huênh hoang đánh tư sản, chúng muốn bần cùng hoá dân. Còn đâu tuổi thơ dung dăng, dung dẻ cặp sách đến trường, bởi vì cha mẹ không đủ tiền đóng niên liễm học kỳ cho con em. Thôi thì đi lượm ve chai, giấy vụn phụ sinh kế với gia đinh, thậm chí còn có những em gái thành niên, thấy cha mẹ già yếu, nghèo nàn đành hy sinh bản thân chối bỏ tình yêu đầu đời, lấy chồng Hàn Quốc để có tiền gửi về giúp gia dình, đôi khi phải tiếp nhận những người chồng bệnh hoạn, đáng tuổi cha chú của mình!!!

Hôm nay ở nơi xứ người, mỗi lần có ai nhắc về quê hương, lòng tôi lại dâng lên một niềm cảm xúc. Dù bọn CS có giựt sập chân dung oai hùng của người lính QLVNCH, có cầy nát nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà thì hình ảnh oai hùng của người lính vẫn ngạo nghễ trong lòng dân tộc. Anh đến rồi lại đi, âm thầm lặng lẽ, nhưng Anh đã giữ gìn được ngọn lửa thiêng với tinh thần “Vị Quốc Vong Thân“. 

Thạch Thảo

Nguồn: Biệt Động Quân – https://hung-viet.org/p24a18566/nguoi-la-ai

304Đen – Llttm - dsc

Thursday, September 24, 2020

Tàn Thu Vỗ Giấc Mộng Du - Thuyên Huy

 Tàn Thu Vỗ Giấc Mộng Du

 















Nhớ Nguyễn T. C. –  QGSPSG sáu chín bảy mốt

 



Nắng chiều đuổi sóng xa bờ

Ngữa tay buông khúc thương hờ tàn Thu

Người ngồi vỗ giấc mộng du

Áo tà quên khép tình thơ gọi mời

Xôn xao sóng ngở ai cười

Tương tư trói chặt kiếp đời lãng quên

Tàn Thu vàng lá buồn tênh

Con sông bỏ mặc sóng chênh vênh sầu

Gió lùa nhung nhớ ngang đầu

Đong đưa đếm nhịp chờ nhau cuối trời

Cuối trời cũng lá Thu rơi

Cuốn theo định mạng mù khơi thiên đường

 

Thuyên Huy

Mt Macedon - chưa hẳn là mùa thu 2020

Hương Trần - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 

THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 67-VƯỜN THƠ MỚI

 

Bài xướng:

           

















HƯƠNG TRẦN

 Rặng liễu còn mơ xõa tóc mềm

Thuyền trăng mờ ảo nhạt sương đêm

Dòng thu lặng lẽ trôi lờ lững

Cánh lá âm thầm rải nhẹ êm

Chuông đạo ngân nga hồi thức tỉnh

Gà xa giục giã rộn vang niềm

Duyên trần hé nụ hương thơm thoảng

Kìa cúc nhà ai nép cạnh thềm.

 

Chu Hà

 

Họa 1: 

 

             

HƯƠNG XƯA

 

Nhớ xưa làn tóc lượn vai mềm

Chuyển gió sang mùa lạnh nửa đêm

Bến mộng còn e cơn sóng vỗ

Thuyền tình lay động bóng trăng êm

Gió thu phảng phất nồng hương bưởi

Cánh nhạn lao đao chở nỗi niềm

Cách trở diêu bông buồn tái dạ

Mơ màng yếm thắm tựa bên thềm

 

Kim Trân kính bút

 

Họa 2:

 

             

 ĐÊM BUỒN.

Bên sông rạng liễu thả buông mềm,

Nguyệt tỏ mơ màng xóa bóng đêm.

Leo lét đèn chài cơn gió thoảng,

Bồng bềnh thuyền cá ánh trăng êm.

Kêu sương tiếng vạc than phần số,

Ngâm vịnh Ngư Ông tỏ nỗi niềm.

Còn lắm ưu tư nơi cõi tạm,

Buồn như chiếc lá rụng quanh thềm.

 

Mỹ Ngọc.

Sep.16/2020.

 

Họa 3:

                 

TRĂNG QUÊ

 

Ánh trăng theo dõi bước chân mềm

In bóng hàng tre tỏa sáng đêm

Văng vẳng từ xa bài dạ cổ*

Nhịp nhàng vọng lại tiếng ru êm

Bâng khuâng náo nức nhiều cảm xúc

Ngây ngất lâng lâng lẫn mọi niềm

Bóng ngã về khuya càng thắm thía

Ngân nga tiếng hát đến bên thềm

 

PTL

19-9-2020

* Bài Dạ cổ hoài lang 夜鼓怀朗 của Cao Văn Lầu

 

Họa 4:

 

            

 CHIỀU THU 

 

Mưa nhẹ chiều thu đọng giọt mềm 

Buồn trong quãng vắng dưới màn đêm 
Thuyền trôi lơ lửng trên sông nước 

Hờ hửng trăng treo sóng dịu êm 

Thánh thót chuông chùa xa vẳng tiếng 

Ngân Nga kinh kệ biết bao niềm 
Lòng trần bỗng chốc như thanh tịnh 

Danh lợi đua chen biến trước thềm 

 

Hương Lệ Oanh VA 

 

Họa 5:

 

              

VỀ ĐÂU?

 

Hoa rơi sương lạnh ướt vai mềm

Bước nhỏ đường chiêù ngập bóng đêm

Cô lái neo thuyền còn đợi khách

Ngư ông thả lưới bước chân êm

Việc đời cõi tạm là hư ảo

Bể khổ trầm luân vọng nỗi niềm

Văng vẳng xa, hồi chuông đổ muộn

Chiều tàn ai đó, đứng bên thềm?

 

Nguyễn Cang

 

Họa 6:

 

             

ĐÊM THU

Sương thu lành lạnh ướt vai mềm,
Hiu hắt vầng trăng khuyết giữa đêm.
Cá quẫy lao xao con sóng nhỏ,
Đàn reo thổn thức mặt hồ êm.
Dịu dàng, gió gợi bao nguồn cảm,
Trĩu nặng, mây trêu những nỗi niềm.
Rộn rã tiếng gà xua tĩnh lặng,
Lá vàng dăm chiếc rụng bên thềm.

Minh Tâm