Wednesday, January 26, 2022

Chúc Mừng Năm Mới Nhâm Dần - 304Đen

 Chúc Mừng Năm Mới Nhâm Dần - 304Đen




Mộ Nửa Xuân - Thuyên Huy

M Na Xuân

 






















Lại một mùa Xuân nữa

Em ở đó tôi đây

Không có hoa Mai nở

Không giao thừa nơi này

 

Sáng đầu Xuân ngày đó

Quen em bên rừng Mai

Trống lân say pháo nổ

Vàng trên tóc em cài

 

Chùa đông người hái lộc

Em thẹn thùng bên tôi

Ngồi xa xa một góc

Xuyến xao nhìn nhau cười

 

Chuông từng hồi chuông đổ

Người nô nức đón Xuân

Chấp tay quỳ nói nhỏ

Xuân này mãi là Xuân

 

Xuân tàn tôi rời xóm

Miệt mài xa cứ đi

Sáng Ba Mươi chợ nhóm

Em chết đêm giặc về


Góc sân chùa ngày cũ

Mộ em nằm quạnh hiu

Rừng Mai buồn thôi nở

Sầu vương nắng Xuân chiều

 

Tôi đi em dưới mộ

Mai muộn vàng tiễn em

Ngút ngàn xa chốn cũ

Xuân xưa biết đâu tìm

 

Ngồi ở đây mà nhớ

Một Xuân nữa xa quê

Đong lệ sầu thiên cỗ

Đâu đây thấy em về

 

Thuyên Huy

Xuân người tàn Xuân mình chưa tới 2022 

Đầu Xuân Vắng Người Năm Ngoái - Nguyễn Đạm Luân

 Đầu Xuân Vắng Người Năm Ngoái




Tuesday, January 25, 2022

Gót Xuân Em Ngượng Ngập - Nguyễn Đạm Luân

 Gót Xuân Em Ngượng Ngập 



Từ Đầu Trăm Năm - Thuyên Huy

 Từ Đầu Trăm Năm



Người Lượm Tiền Trên Bải Đậu Xe Robert Barrett - Thuyên Huy

 

Người Lượm Tiền Trên Bải Đậu Xe Robert Barrett




 

1.

    Mới chập chững vào những ngày đầu Thu mà trời hình như lạnh sớm. Cũng như thường lệ, trên đường làm ca đêm, đi bộ về, từ đầu góc công viên Barrett, theo lối mòn nhỏ nằm giữa hai hàng cây thông chưa đủ cao, chạy đổ dài dọc xuống cánh đồng cỏ, cuối bờ sông Maribyrnong, Ngữ băng ngang bải đậu xe phía Nam khu thương mại High Point để về nhà trọ. Sương giăng mù cả một khoảnh trời sáng sớm, lờ mờ chuyến xe điện từ hướng Moonee Ponds lặng lẽ ngang qua, trên xe không thấy ai và ở trạm đón cũng không có bóng người. Người đàn bà trong chiếc áo lạnh lùng thùng, tay dắt con chó nhỏ màu trắng ngà đi ngang, gật đầu chào buổi sáng, Ngữ đáp lại như mọi ngày, không buồn nhìn mặt nhau. Người đàn bà và con chó khuất dần ở cuối ngõ ra công viên từ lâu nhưng không thấy bóng dáng bác Tư, người đàn ông lớn tuổi mà sáng nào Ngữ cũng gặp khi đi làm về ngang, lang thang trên bải đậu xe. Ngữ đứng lại, đảo mắt nhìn kỹ dưới những gốc cây khuynh diệp, có tàng lá lớn ướt đẩm hơi sương bao quanh nơi này, không một bóng người, ngoại trừ hai ba con chim Hải Âu đuổi nhau giành đôi miếng ăn thừa, mà người đi mua sắm vứt lại sau buổi chiều ra về muộn. Rải rác đâu đó, hơn một chục cái xe đẩy mua hàng của mấy cửa hàng lớn và siêu thị Woolworth, nằm bừa bải trên mấy lối đi dành cho người đi bộ.

    Ngữ quen bác Tư vào một sáng đầu Thu năm ngoái, trong những ngày đầu, mới đi làm ca đêm cho một xưởng sản xuất ghế ngồi an toàn, gắn trong xe hơi cho trẻ em ở Tottenham sau khi hảng điện tử cũ, nơi Ngữ vào làm từ ngày đến Úc đóng cửa, dời về Queensland, môt tiểu bang khác, cách đây hơn mấy ngàn cây số. Trước đó vài hôm, ngày nào cũng vậy, trên đường đi bộ về nhà trọ, băng qua bải đậu xe này, cũng vào giờ này, Ngữ đều thấy một người đàn ông đi đứng khập khễnh, trông có vẻ già tuổi, trong bộ quần áo cũ nhàu nát, đội cái nón vải rộng vành đen màu bạc như sương, lũi thũi đẩy từng cái xe mua hàng, bằng sắt bạc của siêu thị, xếp nối hàng dài nhau trong khung cọc sắt dành cho khách hàng trả lại, sau khi chất đồ vào xe hơi rải rác trên bải. Ông cứ lầm lũi đẩy, cúi gầm mặt xuống đất không ngó ai, nhưng cũng không có mấy người qua vì trời còn quá sớm. Ngữ nhìn ông trong mệt rã, sau một đêm thức trắng làm công, vội vã về để còn kịp ngủ bù lại cho đêm nay.

    Buổi sáng đầu Thu năm ngoái đó, trên đường đi bộ về, bất chợt trời đổ mưa lất phất như sương mang theo cái lạnh giao mùa khó chịu. Người đàn ông với bộ quần áo nhàu nát và cái nón vải củ bạc màu sương mà Ngữ gặp mấy hôm trước, đã có trên bải đậu xe từ hồi nào rồi, hình như ông mới đẩy một hai xe mua hàng, vì còn thấy nhiều cái khác còn nằm rải rác, chắn ngang những lằn vạch sơn trắng chia ô đậu xe. Đi ngang qua, ông không buồn nhìn lên, Ngữ cũng không buồn ngó lại, ở phía dưới đồi cỏ, con sông Maribyrnong lặng thinh chờ mặt trời lên đâu đó. Chưa kịp bước qua phía bên đường, có tiếng kêu “trời ơi” nghe thật rõ, át tiếng mưa, Ngữ khựng người quay lại, ông trợt té nằm ngã dưới đất, bên cạnh cái xe mua hàng cũng lật nghiêng, bất động.

    Ngữ quăng túi xách, ngồi bệt xuống, cố dùng hết sức đở ông lên. Toàn thân ông run từng chập, Ngữ cởi cái áo khoát của mình ra, choàng qua người ông, rồi một lần nữa đở ông đứng dậy. Qua màn mưa lất phất, cả hai ướt sũng, ông cố nhìn xuống đất, trên mặt đường nhựa, rãi rác hai ba đồng bạc cắc ngay chỗ ông té hồi nãy. Ngữ nhặt túi xách lên, dìu ông chầm chậm qua bên kia đường, ngồi xuống cái băng gỗ dài đặt một bên hành lang cửa ra vào khu thương mại. Ông thì thầm hai tiếng cám ơn trong lúc Ngữ đưa tay vuốt nước mưa đang chảy dài xuống mặt mình. Ngữ nhìn ông cười mà không nói gì hết. Đã có một chút mặt trời lưa thưa vài chỗ ngoài bải đậu xe, khu thương mại vẫn chưa tới giờ mở cửa. Hai người ngồi lặng thinh, không ai nói lời nào, Ngữ quen ông từ ngày hôm đó và cũng biết ông đã làm cái việc đi lượm tiền bạc cắc từ các cái xe đẩy mua hàng của siêu thị, trên bải đậu xe của khu thương mại High Point từ lâu lắm rồi nhưng chưa hề hỏi tại sao và để làm gì.



    Từ ngày đó, Ngữ không hỏi tên hay tuổi ông mà chỉ gọi hai tiếng bác Tư. Trước ngày mất nước, Ba Mươi Tháng Tư năm Một Chín Bảy Năm, bác là xã trưởng của một xã nhỏ, thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường, gần cầu Long Định. Vợ bác có một sạp bán trái cây trong nhà lồng chợ khá đông khách. Bác có hai đứa con, một trai trạc cở bằng tuổi Ngữ và một gái học ở trường tiểu học quận. Cuộc sống gia đình bác lúc bấy giờ tương đối an bình dù chiến cuộc xem ra ngày càng tăng hơn trước. Quân du kích Việt cộng thường rình mò về phá rối tại các ấp trong xa, nhất là những vùng nằm kề cận phía Mộc Hóa, Kiến Tường. Một ngày giữa tháng 3 năm 1974, Việt Cộng dùng súng cối 82 ly pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy lúc xế trưa, đúng ngay giờ đang ra chơi, giết chết 32 em trong đó có hai đứa con của bác Tư và gần 50 em khác bị thương nặng. Vợ bác cũng không may, trúng đạn chết vì mấy trái đạn pháo khác lạc qua làm sập khu đầu chợ gần trường không xa, nơi sạp trái cây bà ở đó. Cả trời Cai Lậy phủ mờ một màu tang và nước mắt trên từng nấm mộ của trẻ thơ vô tội. Sau ngày chôn cất, bác có ý định về lại quê cũ ở Chợ Gạo, Bến Tranh nhưng trong nổi đau mất mác tột cùng này, bác lại rơi vào tình cảnh, đi không nở mà ở cũng không đành. Biết là bác sẽ buồn, nhưng bác chỉ buồn có một, mà vợ con đang nằm dưới ba tấc đất kia sẽ buồn tới mười, bác không muốn người ta gọi là những nấm mồ vô chủ. Bác quyết định ở lại xã, ở lại Cai Lậy nơi bác đã lớn lên và sống một phần đời với mùi bùn của đồng chua nước mặn từ những ngày sau đó

    Miền Nam thua cuộc, cùng với nhiều người khác, bác bị bọn cầm quyền quận Cai Lậy bắt tập trung nhốt vào trại tù cải tạo ở khu Bến Đá, Mộc Hóa mênh mông trời nước, sau lần cúng giỗ đầu cho vợ con. Căn nhà bác ở cũng nhanh chóng đặt dưới quyền quản lý của họ, ngay khi bác ôm cái túi xách đựng mấy bộ quần áo bước ra khỏi cửa. Giữa mùa nước lụt hơn ba năm sau, bọn cộng sản buộc phải dời trại tù và cũng là lúc họ cho tràn bộ đội vào đất Miên, thêm hàng ngàn thanh niên buộc đi làm “nghĩa vụ quân sự”, bác cùng hai ba người bạn tù khác trốn trại trên đường di chuyển bằng ghe xuồng, trà trộn vào đám thanh niên qua được tới vùng người Việt sinh sống quanh Biển Hồ. Định mạng một lần nữa không cho bác một sự chọn lựa nào khác hơn, đành làm người thất hứa, đành phải sống mà bỏ đi, vợ con bác ở lại dưới những nấm mồ vô chủ. Đã không còn nữa nước mắt mà khóc, bác sống vất vưỡng theo đó, ăn nhờ ở đậu, làm thuê làm mướn, lần mò cũng lên được tới miệt biên giới phía bắc và cuối cùng nhập đoàn vào nhóm người vượt biên bằng đường bộ từ Sài Gòn lên vào đất Thái Lan. Ở trại tỵ nạn chưa tới hai năm, bác được một hội từ thiện Tin Lành người Úc, bảo trợ đưa qua định cư ở tiểu bang Tasmania, một cái đảo nằm chếch cận Nam cực của lục địa Úc trong một ngày đầu Đông buốt lạnh.

    Không học hành nhiều, tiếng Anh tiếng u ngọng nghệu, người Việt lại không có bao nhiêu, bác Tư theo vài người mới quen từ trại tỵ nạn, trên cùng chuyến máy bay Qantas ngày qua Tasmania, bỏ nơi này vào đất liền, tìm một chỗ ở đậu nhờ trong cái nhà phụ, dựng phía sau mà người ta gọi là cái “băn-ga-lô”của ông mục sư Tin Lành khá già người Úc, chủ tế cái nhà thờ cây cũ kỹ nghèo nàn, ở vùng ngoại ô thành phố Ascot Vale, thuộc tiểu bang Victoria, một tiểu bang có số người Việt sinh sống đông thứ nhì và thành công, giàu có có tiếng trên xứ Úc này. Cũng may, Bác tìm được việc làm tại hảng vỏ xe hơi Dunlop sau ngày đến Melbourne không lâu, một việc làm cần tay chân, ra dấu nhiều hơn là nói năng và cũng không may, tại chỗ làm, không bao lâu, một ngày đó, khi dùng cần trục bằng điện kéo cuộn cao su lớn khoảng thùng phuy đựng dầu, để thay cho cái vừa hết, thanh sắt ngang, tuột khỏi dây xích, rớt đè đánh trúng vào ống chân, bác té quỵ, không có máu nhưng đau đớn không thể tả. Xe cứu thương đưa bác vào bệnh viện, nằm ở đó gần một tháng trời, cuối cùng bác bị gảy xương ống chân và trở thành một người tàn tật vĩnh viễn.

    Một hôm sáng sớm trời giữa Hạ, bác quen một ông già người Úc, hình như cũng bệnh hoạn lắm, quần áo cũng rách nát tả tơi, lang thang bước mất bước còn, đi lượm tiền bạc cắc, bằng cách đẩy mấy cái mấy cái xe mua hàng của siêu thị xếp nối hàng vào nhau, để tiền rớt ra từ ổ khóa, trên bải đậu xe ở công viên Barrett, khi ngồi nghỉ chân bên cạnh ông già, dưới gốc cây thông rậm bóng, chờ xe điện về nhà, trên sân cỏ úa màu trời rám nắng không xa bải đậu xe bao nhiêu. Hai người ba xí ba tú quơ tay gục gặc nói với nhau bằng tay chân, không biết có hiểu hết những gì mình nói hay không nhưng người ta thấy họ lúc thì gật đầu, lúc thì lắc đầu, nhìn nhau cười khoái chí. Ông già người Úc, dẫn bác Tư tới chỗ mấy cái xe đẩy, chỉ cho bác làm sao lấy tiền bạc cắc ra và đưa cho bác vài đồng, vừa kiếm được sáng nay, ra dấu chỉ vào chai nước nhỏ bằng mủ mà hai người đang uống, bảo bác cầm lấy. Rồi sáng nào cũng vậy, bác cũng đến công viên, gặp ông già người Úc, hai người lầm lũi loanh quanh từ bải đậu xe bên này đến bải đậu xe phía bên kia đường Rosamond cho đến giờ trung tâm thương mại mở cửa. Không lâu sau ông già người Úc qua đời vì xuất huyết mạch máu não và từ đó bác Tư thui thủi một mình.

 

2.   

    Ngữ đi nhanh hơn thường lệ, cố nhìn quanh quất một lần nữa trong màn sương mờ mờ đục, tới gần cuối rào của bải đậu xe, nơi giáp ranh với một khoảng đất rộng, đầy cỏ hoang khoảng chừng cái sân đá banh, bỏ trống từ mấy năm qua và con đường tráng xi măng, dùng để xe hàng loại lớn chất bỏ đồ đạc xuống cho cửa hàng bách hóa Target. Lố nhố hai ba người đứng lên ngồi xuống chỉ chỏ dưới đất, trước vĩa hè của tiệm bán máy may, dưới gốc cây to có nhiều hoa tim tím nhỏ, có cái gì đó hơi lo, Ngữ chạy vội đến, bác Tư nằm im bất động, hơi thở xem ra ngắn và từng cơn một, một hai cái xe đẩy mua hàng nằm rải rác sát bờ tường. Một trong mấy người này, người đàn bà lớn tuổi cho Ngữ biết, họ chạy bộ thể dục ngang, thấy ông đang đi té ngã xuống, nên dừng lại xem, chắc là bị “đứng tim” nên dùng điện thoại di động gọi xe cứu thương rồi. Chưa kịp hỏi thêm câu nào, thì xe cứu thương tới với tiếng còi hụ kéo dài, vang lanh lãnh cả một khu phố còn lặng im ngáy ngủ. Hai nhân viên cứu cấp, kéo băng ca, nhanh nhẹn dùng ống nghe, vừa khiêng bác lên xe vừa ra sức đè tay lên ngực bác liên tục. Theo thủ tục, với sự đồng ý của mình, họ điền tên Ngữ là người thân trên phiếu bệnh nhân, Ngữ nghe lời họ nhảy vội theo xe, tiếng còi một lần nữa ré lên, chiếc xe chạy bất kể đèn đường xanh đỏ về hướng bệnh viện Western General, bác Tư vẫn còn thoi thóp. Tới bệnh viện, người ta đưa bác vào phòng cấp cứu, Ngữ ở lại đó cho tới quá trưa, rồi ra về trong nổi buồn cay mắt, cô y tá trực không quên xác nhận lại số điện thoại di động của Ngữ trước khi nói tạm biệt. Quá nửa khuya của ca làm đêm, bệnh viện gọi điện thoại cho Ngữ báo tin bác Tư mất trước đó chừng hơn một tiếng đồng hồ.  Ngồi bất động, có chút nước mắt vội ứa ra mằn mặn trên môi, nổi đau vằn vặt kéo chùng lòng mình xuống, Ngữ chợt biết mình vừa khóc, trước mặt, cái máy đúc khuôn ghế đã ngưng chạy từ lâu, Ngữ vẫn ngồi yên ở đó.




    Ông mục sư già người Úc đem bác Tư đi chôn tại khu đất nhỏ gọi là nghĩa địa của hội nhà thờ, có mấy cây Phượng tím và cánh đồng hoa dại vàng rộng mênh mông, mà ông là người cai quản, ở một vùng nông thôn hẻo lánh. Đám tang chỉ có năm người vỏn vẹn, ông mục sư, một bà cụ già bưng đồ lễ, hai người đàn ông lo việc đào đất và Ngữ. Chờ ông mục sư làm dấu thánh giá kết thúc phần nghi lễ cầu nguyện, như đã nói với ông, Ngữ gom hết những gì ở cái “băn-ga-lô” gọi là của riêng bác Tư, bỏ xuống huyệt, trong đó có cái bao vải màu nâu bạc sờn nếp nhăn với tấm hình đen trắng hoen màu loang lỡ, chụp vợ chồng bác và hai đứa con trước cổng trụ sở xã với lá cờ ba sọc đỏ phía sau, hai đồng tiền cắc 50 xu của VNCH đã đen hơn phân nửa và một cái lon nhỏ đầy các đồng bạc cắc Úc mà bác đã lượm nó trong vài năm qua. Hai người đàn ông phụ việc lặng thinh, nhẩn nại cúi người đấp từng lớp đất một. Nắng trở mình, chạy dài từng vệt nhỏ về từ phía cuối cánh đồng, bóng ông mục sư già nghiêng theo hình cây thánh giá nằm vắt ngang nấm mộ mới đấp.


    Một lần nữa, ông mục sư sờ tay lên trên lớp đất cao và cái mộ bia bằng gỗ xám, làm dấu thánh giá và lâm râm đôi lời trước khi lên xe, ở đó mấy người đi theo đang chờ. Ngữ ngồi xuống, đưa tay vuốt trọn tên bác Tư trên mộ bia, thì thầm, vĩnh biệt và cầu mong bác tư ra đi bình yên, sớm gặp lại gia đình ở nơi không còn oan nghiệt và ở đó, bác sẽ mừng vui vô hạn, mang về cho con mình những đồng tiền bạc cắc mà bác đã chắt chiu đi lượm trên công viên Barrett. Chiếc xe hơi cũ chỡ người đi đám tang, nặng nề khuất dần sau hàng cây thông già ngoài đường cái.  Ở một phía xa đằng sau nghĩa địa mây kéo nhau về một màu xám ngắt, trời bất chợt nổi gió.

 

Thuyên Huy

 

Quê Tôi Bến Cầu & Tìm Ánh Trăng Xưa - Nguyễn Thị Châu

QUÊ TÔI BẾN CẦU

 













Ai có về lại Bến Cầu không?

Cho tôi nhắn nhủ lại đôi dòng

Quê hương tôi đó ngày hôm ấy

Thảm lúa vàng om trải đầy đồng

 

Con sông Vàm Cỏ chia nhiều nhánh

Có con đò nhỏ khách sang sông

Đưa ta đến những vườn xanh mát

Vang tiếng ngày xưa vùng ngủ long.

 

Long Thuận Long Khánh Long Giang đó

Long Chử Long Phi ngoảnh lại nhìn

Bàu Tràm Tiên Thuận chim xoải cánh

Lợi Thuận đi ra nhớ bưng xình.

 

Mộc Bài nhìn qua biên giới bạn

Gió bay đem lại ánh trăng sầu

Trăng về An Thạnh buồn thương nhớ

 Yêu mến quê tôi huyện Bến Cầu ...!

 

Nguyễn thị Châu

12-1-2022

 

TÌM ÁNH TRĂNG XƯA

 

Người hởi có hay tôi một mình

 Đang nhìn xa vắng nhớ bình minh

 Đêm nay trăng sáng thăm bên ấy

Tôi lại hờn trăng chẳng nhớ mình.

 

Một mình thao thức suốt canh thâu

Nhớ trăng nhớ cả áng mây sầu

Đau thương khép kín đời đơn độc

Tôi đến đây rồi trăng ở đâu?

 

Nếu mai tôi đã xa trăng rồi

Trăng còn có nhớ bóng hình tôi

 Có còn thương nhớ loài hoa dại

Một mình ôm mãi bóng trăng thôi

 

Đêm nay trăng sáng ngoài hiên vắng

Bỏ lại tình xưa ướt lệ sầu

Một mình lại nhớ trông trăng đến

Trăng hởi bây giờ trăng ở đâu ??

 

Nguyễn thị Châu

12-1-2022 



Phượng Cầu Hoàng Trong Bích Câu Kỳ Ngộ - Vũ Thế Thành

Phượng Cầu Hoàng trong Bích Câu Kỳ Ngộ

 

Hồi học Đệ lục (lớp Bảy bây giờ), trong phần Cổ văn, tôi phải học Bích Câu Kỳ Ngộ. Đây là truyện thơ lục bát dài cả mấy trăm câu, tôi chỉ được học trích đoạn. Tôi không hiểu tâm tư cô giáo thế nào mà lại cho đám học trò vắt mũi… chưa (chắc) sạch như bọn tôi học trích đoạn Tú Uyên tương tư Giáng Kiều.

 

Vũ Thế Thành

 


Thực ra, trích đoạn này cũng nằm trong quyển Việt Văn lớp Đệ lục của giáo sư Phan Ngô, mà cô giáo khuyến khích nên mua để đọc thêm. Khuyến khích chứ không bắt buộc, vì bả không bao giờ kiểm tra sách, mà chỉ kiểm tra vở xem học sinh có chép bài tử tế không, có chịu học thuộc và hiểu những gì bả “muốn” không.

Bị “truy bức” thì cũng phải ráng lảm nhảm học cho thuộc. Mà thơ lục bát vần điệu êm tai nên cũng dễ nuốt. Cho đến giờ, cả nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn còn nhớ, mà nhớ gần hết chứ không đùa. Đây này…

Lần trăng ngơ ngẩn ra về

Đèn thông khêu cạn giấc hòe chưa nên…

Cổ văn thường có nhiều điển tích. Điển tích giống như những câu chuyện nhỏ trong một truyện thơ lớn. Nghe chuyện phong thần, tình ái lãng mạn thì người lớn còn thích, huống chi con nít. Nghe giảng, đọc phần chú thích trong sách, có khi còn lò mò lần qua những trích đoạn khác để xem thêm.

Nhờ môn Cổ văn mà tôi hiểu thêm được nhiều từ Hán Việt, thêm các điển tích… Tôi có thể nói với các ông thầy bà cô dạy Văn thời nay, nói không cần khách sáo, rằng nếu bây giờ mà tôi giảng trích đoạn Tú Uyên tương tư Giáng Kiều, không chừng còn hay hơn… nguyên bản. Suy bụng ta ra bụng người mà không hay sao được.

Có một điển tích mà tôi rất thích, đó là Phượng Cầu Hoàng. Điển tích này có trong trích đoạn Tú Uyên tương tư Giáng Kiều mà tôi đã học hồi nhỏ:

Cầu Hoàng tay lựa nên vần

Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào!

Ngày xưa, nói đến chim phượng, người ta hiểu đó là con phượng trống, còn phượng mái gọi là chim hoàng. Phượng Cầu Hoàng là khúc ca nói về chim phượng trống đi tìm chim phượng mái. Cũng chẳng khác gì, Tú Uyên lòng ấy Giáng Kiều lòng nào. Chuyện ái tình giai gái là thế!

Tư Mã Tương Như là tay phong lưu tài tử, nổi danh cầm kỳ thi họa, ngao du đây đó, cùng bạn đến chơi nhà Trác Văn Quân. Biết Văn Quân lấp ló sau rèm nghe… lén, Tương Như làm khúc ca Phượng Cầu Hoàng để ghẹo cô nàng, rồi đàn hát luôn tại bữa tiệc. Văn Quân nghe nhạc, phải lòng Tương Như, nhưng ông bố lại không ưng. Con phượng mái nửa đêm trốn nhà đi theo phượng trống.

Hồi trước học Việt văn, dù không có khiếu (mà cũng không ưa luôn) món văn tả tình tả cảnh, lòng thòng dây nhợ, nhưng tôi thấy thoải mái, không bị áp lực khuôn mẫu, tha hồ tán hươu tán vượn, miễn là đừng lạc đề và không được nói trật, chẳng hạn “cầu Hoàng” mà bốc phét là cái cầu có tên Hoàng thì mới bị lãnh búa. Chứ còn nói trật ý thầy cũng chẳng sao.

Thí dụ, Tú Uyên mới gặp Giáng Kiều lần đầu là đã mê mệt, mê đến phát ốm, thơ văn chứng cớ rành rành ra đó, cãi thế nào được. Nhưng bây giờ nói ngược lại, Giáng Kiều mồi chài Tú Uyên cũng rành rành ra đó. Ai thả lá hồng đề thơ rơi vào chân Tú Uyên ở sân chùa? Làm gì có chuyện “hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình” đến thế? Rồi sau đó cô nàng mới từ cổng chùa nhẹ nhàng bước ra, lượn qua ẻo lại thì còn gì hồn vía con nhà người ta! Chưa hết, lại bày ra trò báo mộng, nhập hồn vào tranh vẽ… Sao chỉ toàn là những chuyện vô tình có nguyên cớ thế? Mấy chiêu trò ảo diệu này chỉ có tiên mới làm được. Giáng Kiều là tiên, dù là tiên bị đọa, nhưng biết được cơ trời, biết cái số của mình phải vướng vào Tú Uyên, nên mới bày vẽ ra trò mèo vờn chuột cho biết tay bà. Tiên mà xuất chiêu thì phàm nhân trốn đâu cho thoát?

Ấy là sau này tôi ngẫu hứng mà “phản biện” như thế, chứ hồi đi học, hai chữ “tương tư” còn chưa hiểu mùi vị ra sao, ở đó mà đòi “phản biện” đấu phép với tiên. Nhưng nói ngược với thầy cô là chuyện thường, được khuyến khích ở học đường, lọt tai thầy cô có khi được điểm cao cũng không chừng.

“Nói ngược” ở học đường thuở niên thiếu, và “nói ngược” sau này ở môi trường giáo dục cao hơn là cách nói dân dã. Thực ra đó chính là “Khai phóng”, một trong ba nguyên tắc trong triết lý giáo dục miền Nam thuở trước (Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng). Khai phóng mới bật ra Sáng tạo. Đi học là để sáng tạo, chứ không phải copy / paste.

Trở lại khúc ca Phượng Cầu Hoàng, Trác Văn Quân sau khi trốn nhà đi… bụi đời với tình nhân đã sinh nhai bằng cách mở quán… nhậu. Thật tuyệt vời! Vài tài liệu sau này nói rằng họ mở lò rượu, nhưng tôi ngờ. Cặp vợ chồng tài hoa này phải mở quán nhậu thì tao nhân mặc khách mới tìm đến, chứ mở lò rượu thì đi bỏ mối rượu à?

Bích Câu là địa danh có thật, nằm đâu đó ở Hà Nội. Tôi chưa đến, mà chắc cũng không bao giờ dám đến.

Nhưng ở Đà Lạt thì có quán Bích Câu, nằm trên rẻo đất nhô ra ở hồ Xuân Hương, cũng có cây cầu gỗ bắc qua lạch nhỏ. Thỉnh thoảng tôi vẫn ra đó uống cà phê vào sáng sớm, đọc sách và ngắm trời mây non nước. Phải là sáng sớm, vì khi nắng lên, khách du lịch vào nhiều, Đà Lạt biến mất.

Truyện Bích Câu Kỳ Ngộ thật tẻ nhạt, chẳng có gì đáng nhớ, nhưng điển tích Phượng Cầu Hoàng trong đó lại là câu chuyện đẹp. Khúc ca ngân nga mãi trong lòng…

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,

Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng…

 

Vũ Thế Thành

Đà Lạt, 24.1.2017

(trích ” Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”, 2020)

304Đen – llttm - sgtc

  

Saturday, January 22, 2022

Em Ở Đó Anh Nơi Này - Thuyên Huy

 Em Ở Đó Anh Nơi Này

Nhớ Đông Nghi và những ngày mới lớn ở trường xưa bên bờ sông chợ quận




 













Ở đó có dòng sông và những cơn mưa muộn

Nơi này có con đường và những chiều mù sương

Em ở đó chắc còn dáng xưa áo bay theo gió

Anh nơi này một mình lầm lũi một mình buồn

 

Trời ở đây mùa thu cũng thu vàng lá đổ

Mùa lá thay màu như ngày mới quen nhau

Lối nhỏ sáng chiều hai buổi mình qua phố

Mưa nhè nhẹ như những ngày mưa muộn cũ

Sông xuyến xao trộm nhìn em nghiêng nón che đầu

Bên em đường hun hút mắt sâu

Buồn em mang về để sầu cho anh ở lại

 

Nơi này cũng có dòng sông

Nhưng không là dòng sông của hai mùa mưa nắng

Bờ hai bờ sáng chiều im vắng

Không có lục bình bông tím ngắt ngược xuôi

Không có con đò ngang chờ nhau trên bến nắng chiều rơi

Chiều tan trường bịn rịn bước đi bước ở

Xa thật rồi xa mà cứ nhớ

Em ở đó anh ở đây

Sáng trưa chiều kể chuyện với cỏ cây

Những chuyện mà cây cỏ nghe hoài không hiểu được

Hỏi với cỏ cây em có còn bên sông hai mùa con nước

Hay bỏ những cơn mưa chiều muộn đi xa

Khép áo không còn thả gió bay đôi tà

Nếu vậy, khép lại đi em để đừng lỡ một đời con gái

Khi anh vẫn mãi là bóng chim tăm cá tận chân mây

 

Đã quá muộn nhưng thôi xin được tạ tình

Cám ơn em những tháng ngày hoa mộng

Thu hôm nay tàn rồi ngày mai lại đến

Cố quên mà vẫn nhớ những cơn mưa muộn và một dòng sông

 

Thuyên Huy

Mùa đông vừa tàn hôm qua 2021

Xuân Đất Khách - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 91- VƯỜN THƠ MỚI

Bài xướng:

  




 
XUÂN ĐẤT KHÁCH

Mừng xuân mới ngậm ngùi nơi đất khách

Nhìn hàng cây trong gió lạnh mùa đông

Vọng cố hương sao tránh khỏi chạnh lòng

Mấy ngày Tết lòng vòng trong xóm nhỏ

Đưa ông táo mang lư đồng kỳ cọ

Phản chiếu gương soi rõ mặt người lau

Nguời phương xa thì chột dạ nao nao

Kẻ ở lại vui mừng màu mai thắm

Xuân năm nay mong bên nhà êm ấm

Chớ bận tâm rối rắm kẻ xa nhà

Đêm giao thừa mà không pháo không hoa

Nhìn tuyết đổ lại nhớ về quê cũ.

PTL

Họa 1:

             

XUÂN THA HƯƠNG

Xuân tha hương chạnh lòng bao lữ khách 
Nhìn đất trời quạnh quẽ lạnh cuối đông 
Nhớ quê xưa sao khỏi xốn xang lòng 
Mấy độ xuân đến xuân đi từ thuở nhỏ 
Bóng ông đồ lom khom gò cây cọ 
Đặt bút lông gió nhẹ chuyển hàng lau 
Người năm xưa biền biệt ở phương nao 
Nơi đất khách hoa đào luôn tươi thắm 
Nguyện cầu mọi người bình an đầm ấm 
Hạnh phúc vui tươi hết thảy muôn nhà 
Đón năm mới tưng bừng vạn pháo hoa 
Quên hết ưu phiền từ nhiều năm cũ. 


Hương Lệ Oanh VA 
Jan. 19, 2022

Họa 2:

          

 XUÂN THA HƯƠNG

 

Xuân đã đến chạnh lòng người lữ khách

Nghe tim đau buốt giá lạnh chiều đông

Đêm canh thâu thao thức ở trong lòng

Bao kỷ niệm nhớ thời còn tuổi nhỏ

Ba ngày tết mẹ khuyên đừng cãi cọ

Trên bàn thờ lư đồng đỏ vừa lau

Lòng  hân hoan trong dạ thấy nôn nao

Đón năm mới nắng xuân về tươi thắm

Nơi đất khách trong nhà thiếu hơi ấm

Của mẹ cha yên nghỉ chốn quê nhà

Đêm giao thừa chẳng có pháo ngàn hoa

Chỉ thấy tuyết rơi bên thềm nhà cũ.

 

Nguyễn Cang (Jan. 18, 2022)

 

Họa 3:

               

HƯƠNG XƯA


Trời chuyển tiết, ngậm ngùi thân lữ khách,
Ngóng trời xa mờ mịt buổi tàn đông,
Hỏi mây kia có se sắt trong lòng
Sao lơ đãng che mờ gương nguyệt nhỏ?

Làn gió khẽ lung lay tàu lá cọ,
Ngỡ màn sương trắng đục có ai lau.
Hồn bâng khuâng mơ về tận phương nao
Xuân sắp đến cội mai đào có thắm?

Bao kỷ ức tuổi ngọc ngà đầm ấm,
Pháo rộn ràng, áo mới rạng quê nhà,
Khắp nẻo đường nắng ướp rực ngàn hoa
Hương sắc Tết đậm đà năm tháng cũ…

Minh Tâm

Họa 4:

            

VỀ NHÀ ĐÓN TẾT.

 

Đợi đón Tết buồn lòng người viễn khách,

Vẫn còn bay hoa tuyết lạnh tàn đông.

Chờ về quê rối rắm cả cõi lòng,

Kịp gói bánh quây vòng đàn con nhỏ.

 

Đi chợ nổi, ghe thuyền chen bãi cọ,

Hai ngạn sông hoa cỏ dại bờ lau.

Người mua bán cùng vội vã nôn nao,

Mai vàng, trái chín,cành đào nở thắm.

 

Cả gia đình buồn hiu trong mái ấm.

Mong người thân vất vả trở về nhà.

Đón giao thừa hái lộc đốt pháo hoa,

Mừng năm mới quê nhà quên chuyện cũ.

 

Mỹ Ngọc.

Jan. 20/2022.