Saturday, July 30, 2022

Có Một Mùa Thu - Nguyễn Đạm Luân

 Có Một Mùa Thu




 











Có một mùa Thu cây lá thưa

Phố quen thôi chờ gió giao mùa

Đường chiều quên lối về từ độ

Từ độ không còn đưa đón đưa

 

Cũng mùa Thu đó nửa hồn đau

Gác trơ vơ đếm giọt mưa sầu

Ở lại mang nổi buồn cô quạnh

Bỏ đi không lời ta từ nhau

 

Cũng mùa Thu đó chim ngừng bay

Lẻ loi ngủ muộn sợ trăng đầy

Nhớ nhung vọng tiếng kêu rời rã

Gọi người người xa tận chân mây

 

Cũng mùa Thu đó lá thôi rơi

Vấn vương buồn đếm tuổi xa đời

Ngậm ngùi hát đoạn thương ca khúc

Có một mùa Thu chết thật rồi

 

Nguyễn Đạm Luân

Hương Cỏ May - Nguyễn Cang

 HƯƠNG CỎ MAY

 














Bây giờ diều đã đứt dây

Hoa cau không  nở rừng mây cũng tàn

Chiều Thu rụng lá đông sang

Bướm vàng thôi đậu lời than thêm buồn

 

Đò đưa nắng tắt hoàng hôn

Hai mùa mưa nắng héo hon phận nghèo

Mẹ già còm cõi gieo neo

Em qua đò lỡ cho bèo giạt trôi

 

Lặng nhìn dòng nước chảy xuôi

Em rời xóm nhỏ đơn côi một mình

Tà huy  bóng ngả Bến Đình*

Con đò còn đó, lênh đênh nơi nào?

 

Bên  sông tiếng quốc kêu mau

Như khơi niềm nhớ điệu hò ngày xưa

Ta về  nặng trĩu hạt mưa

Cỏ may vướng vít cho vừa xót xa!

 

Níu chi đò lỡ chuyến phà

Để thêm nỗi nhớ tình ta lỡ làng

Sông quê xa tít dặm ngàn

Tình thân chan chứa xóm làng vây quanh

 

Cánh cò chao đảo  ruộng xanh

Họp đàn chuyên chở tình anh phương nào?

Quê hương tím ngắt niềm đau

Khuất sau triền núi dạt dào hương xưa!!

 

Nguyễn Cang (July 25, 2022)

Một Thời Để Nhớ & Thương Người Nằm Xuống - Nguyễn Thị Châu

 MỘT THỜI ĐỂ NHỚ





 






















Tôi gặp anh phải chăng là định mệnh

Anh quân trường , tôi cô giáo miền xa

Nắm tay nhau đi hết buổi chiều tà

Để quên hết ta là người xa lạ

 

Hương tình yêu đã lên ngôi từ đó

Cứ mỗi chiều thứ bảy lại gặp nhau

Dưới hàng cây cùng nắng gió xôn xao

Tà áo tím tung bay trong gió mới

 

Cổng quân trường là nơi nhiều kỹ niệm

Đón chào em , người em gái hậu phương

Đến nơi đây với sức mạnh phi thường

Tình yêu đó gởi trao, anh là lính

 

Anh nhẹ bước cằm tay em gái nhỏ

Gởi niềm tin tất cả trái tim mình

Em chờ anh chờ đón ánh bình minh

Ngày hội ngộ cũng không xa xôi lắm.

 

Chín tháng quân trường mồ hôi tuôn đổ

Khoác chinh y anh chuẩn bị lên đường

Nơi chiến trường anh xa mãi người thương

Vui chinh chiến nhìn hỏa Châu cháy sáng

 

Ngày hôm ấy mây buồn bay cuối nẻo

Anh ra đi khi mái tóc còn xanh

Lòng đất mẹ ôm anh! Lá xa cành

Dòng suối lệ dành cho cô giáo nhỏ !!!!

 

27-7-2022

Nguyễn thị Châu

 

THƯƠNG NGƯỜI NẰM XUỐNG

 

Tôi đã thấy lá thu bay ngoài ngõ

Lá vàng rơi xào xạc khóc bi ai

Khóc cho ai ? Sao khoé mắt u hoài

Cho người lình bỏ thây ngoài chiến địa.

 

Gần năm mươi năm còn gì để nhớ

Xác các anh thành tro bụi lụi tàn

Nước mắt nầy đã cạn lúc chiều sang

Còn đâu nữa lưu danh người thiên cổ

 

Mộ các anh không vòng hoa hương khói

Còn lại đây những chiếc lá vàng rơi

Hồn các anh đang bay khắp nơi nơi

Hồn tử sỹ với hồn thiêng sông núi

 

Các anh đó là anh hùng bất tận

Cũng một thời bao khí phách hiên ngang

Mà giờ đây trong cô quạnh hoang tàn

Dẫu tủi nhục mình là bên thua cuộc

 

Nén hương lòng làm sao mà có khói

Viết lên đây với tất cả tấm lòng

Mong các anh hãy bay nhẹ trên không

Vì cũng có nhiều người thương anh đó …

 

Ngủ đi anh  bằng giấc ngủ tươi cười

Với khí phách tinh thần anh bất tử… !

 

27-7-2022

Nguyễn thị Châu

Cây Kim May Máy - Đào Hiếu

 

CÂY KIM MAY MÁY






 

Nhân vụ rùm beng “Việt Nam sắp sản xuất ô-tô-con hiện đại” hiệu Vinfast, do ông chủ mì ăn liền làm sếp, tôi xin kể lại câu chuyện về cây kim may mà tôi từng là người trong cuộc. Chuyện kể rằng:

 

Ngày xửa ngày xưa, vào khoảng năm 1978 -1979 gì đó, khi còn làm phóng viên báo Tuổi Trẻ, tôi được (hay bị) đưa đi “vô sản hoá” tại nhà máy Sinco ở Sàigòn.
Nhà máy này vốn của chế độ cũ để lại, chuyên sản xuất máy may lấy hiệu là Sinco. Khi các “đồng chí” tiếp quản được ít lâu thì hết mẹ nó phụ tùng, nên đếch hoạt động được.

Lúc tôi đến nhà máy, thì thấy Giám đốc cùng mấy anh kỹ sư, thợ tiện, thợ phay, thợ nguội… đang ngồi bàn cách phục hồi hoạt động của nhà máy, để chế tạo cho được một cái máy may mang thương hiệu Việt Nam chính cống.
Các linh kiện của một chiếc máy may, bàn đạp khá đơn giản nên không bàn tới. Mọi người đều tập trung nghiên cứu làm cái ổ thuyền, vì đó là bộ phận khó làm nhất.

Muốn làm cái ổ thuyền phải qua rất nhiều công đoạn: thiết kế bản vẽ, chọn nguyên liệu. Sau đó là thi công: những thợ phay, thợ tiện, thợ mài… giỏi nhất làm đi làm lại nhiều lần, rồi tới thợ nguội đo đạc chính xác từng “zem”, rồi đánh bóng, kiểm tra… rồi cho chạy thử.
Sau nhiều lần trục trặc, chiếc máy may nhãn hiệu Sinco do Việt Nam sản xuất cũng ra đời. Tuy nhiên hôm họp báo công bố sản phẩm, giám đốc nhà máy đã làm tôi ngạc nhiên khi nói:

“Thưa các đồng chí, chúng tôi có thể tự hào tuyên bố rằng chúng ta đã sản xuất được một chiếc máy may hoàn chỉnh trừ… cây kim!”.
Bỏ mẹ! Tôi nghĩ thầm, cái ổ thuyền khó như vậy mà còn làm được, sao cây kim lai chịu thua?!

 



Kể từ đó đến nay, cái sản phẩm đầy tâm huyết, đầy tim óc của tập thể giám đốc, kỹ sư, công nhân nhà máy Sinco, cái “niềm thự hào thương hiệu Việt Nam” kia biến mất tăm và nhà máy Sinco chắc cũng đã bị phù phép thành cái quỷ quái gì rồi.

Hơn bốn mươi năm sau, tôi gặp một cô bé công nhân trên xe buýt, nó nói:
-Con làm trong một nhà máy của Nhật tại khu chế xuất Tân Thuận.
Tôi hỏi: Nhà máy đó chế cái gì?
-Dạ cây kim may máy.
Thưa quý vị, như vậy là cho đến năm này. Sau hơn 40 năm, Việt Nam chúng ta cũng chưa chế tạo được cái kim may. Và cái máy may Sinco (không có kim) mà Việt Nam chế tạo được chắc cũng đang nằm trong viện bảo tàng!

 

Không phải nòi giống ta đần độn. Không phải dân tộc ta lười biếng…Vậy thì vì cái gì?. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế từng nói:
“Thế giới gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển, nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển. Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được, thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”

Sao vậy?. Vì thực ra “Đảng ta” không có khả năng lãnh đạo đất nước. Và vì chẳng biết làm cái cóc khô gì cả nên họ đã chọn công việc dễ nhất và hiệu quả nhất là tham nhũng.

 

Bây giờ tới chuyện “sản xuất ô-tô hiện đại” xem ra cũng chỉ là lắp ráp theo dây chuyền công nghệ với linh kiện của nước ngoài. Chuyện đó cũng chẳng mới mẻ gì, vì Thái Lan, Nam Phi cũng đã sản xuất ô tô với linh kiện của Nhật, Đức v.v. và họ đã làm từ mấy chục năm nay. Và đau nhất là Campuchia đã tự sản xuất ô tô điện từ hơn 10 năm qua

 

Tôi ủng hộ anh bạn Mì Gói và cầu chúc anh thành công. Nhưng tôi muốn anh hiểu rằng đừng khoác lác. Đừng nổ. Vì nó rất kỳ. Con đuòng còn dài lắm, chúng ta còn phải học hỏi nhiều, nhiều, nhiều, nhiều lắm.

Rất mong chúng ta đừng quên câu chuyện về nhà máy Sinco. Họ đã cố gắng hết sức để làm cho được cái ổ thuyền, vậy mà còn cái kim may cho đến giờ vẫn chưa làm được, đủ hiểu con đường công nghiệp gian khổ đến nhường nào!

 

Đào Hiếu

Từ trang QGHCUC

Con Cắt Biển - Nguyễn Thị Chân Quỳnh

 

Con Cắt Biển

 

Từ xưa đến nay, nói tới Nguyễn Hữu Chỉnh phần đông đều cho là một kẻ gian thần, phản phúc, giảo quyệt…

Nguyễn Thị Chân Quỳnh

 


Tuy công nhận Chỉnh thông minh nhưng là thứ thông minh của kẻ theo “chủ nghĩa cơ hội”, tuy nhìn nhận Chỉnh giỏi thơ Nôm nhưng bài thơ được nhắc đến nhiều lại là bài “Vịnh cái pháo”, chẳng phải vì nó tiêu biểu cho văn tài của Chỉnh mà cốt cho thấy “khẩu khí” của con người tạo dựng cơ nghiệp trên trí xảo nên không bền, chỉ như cái pháo nổ tạch một cái là tan xác, không còn gì.

Song nếu xét kỹ những hành vi, ngôn ngữ cùng thi phẩm của Nguyễn Hữu Chỉnh thì ta lại thấy xuất hiện một con người khác.

 I – Thân thế

Nguyễn Hữu Chỉnh người làng Ðông Hải (1), huyện Chân Phúc (Nghị-Lộc), trấn Nghệ An, sinh năm 1741/2, là một trong những nhân vật lịch sử lỗi lạc của Việt Nam.

Năm 16 tuổi, Chỉnh đỗ Hương cống (Cử nhân), 18 tuổi thi Tạo sĩ (tức Võ Tiến sĩ) đỗ đến Tam trường (2). Chỉnh dung mạo tuấn tú lại có tài ứng đối. Ðồn rằng mới lên 9 tuổi đã ứng khẩu làm được bài thơ “Vịnh cái pháo”. Ngô Thì Chí kể Chỉnh làm môn hạ Quận Việp (Hoàng Ngũ Phúc), 16 năm mới được coi đội Thiện-tiểu, có kẻ trêu ghẹo hỏi: “Sao làm nhỏ quá thế?” Chỉnh mượn ngay lời vua Chiêu Liệt (3) trả lời: “Chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm”. Lại khi nghe tin Trịnh Bồng được phong làm Yến Ðô Vương, Chỉnh cười: “Yến Ðô là Ðố yên?

Chỉnh vốn người hào phóng, giao du khắp nước, trong nhà tân khách thường có đến vài mươi người, cùng uống rượu, ngâm thơ tỏ chí. Bài “Quách Lệnh Công Phú” của Chỉnh được nhiều người đương thời truyền tụng.

Chỉnh còn là người rất tài hoa, giỏi văn Nôm, tự soạn những ca khúc phổ vào đàn nhị, nuôi con hát trong nhà hơn mười người ngày đêm ca múa, phong lưu đệ nhất kinh thành.

Cha của Chỉnh là lái buôn, gia tư kể hàng vạn, thường ra vào cửa Hoàng Ngũ Phúc, vẫn đem Chỉnh theo. Phúc cho Chỉnh là kỳ tài, thu dụng và đề bạt cho. Năm Giáp Ngọ (1774), khi Phúc Nam chinh diệt chúa Nguyễn, Chỉnh được giữ chức Tư thừa (thư ký).

Chúa Nguyễn thua chạy vào Nam, Tây Sơn sợ phải thụ địch hai đầu (Trịnh ở Bắc, Nguyễn ở Nam), Nguyễn Nhạc dâng lễ xin làm Tiền khu, giữ biên giới miền Nam cầm cự chúa Nguyễn, Phúc chấp nhận, sai Chỉnh đem cờ, ấn, gươm, đến trại phong Nhạc làm Tuyên úy Ðại sứ, trấn thủ Quảng Nam, tước quận công. Thấy Chỉnh ăn nói lưu loát, Nhạc cũng có bụng mến.

Phúc chết năm 1776/7, Chỉnh theo con nuôi Phúc là Quận Huy (Hoàng Ðình Bảo, cũng gọi là Hoàng Tố Lý). Khi Quận Huy trấn thủ Nghệ An, cho Chỉnh giữ chức Hữu Tham quân, luyện thủy binh, giúp Quận Huy đánh dẹp giặc biển (1778). Chỉnh luôn luôn thắng trận, nghề thủy vào bậc vô địch bấy giờ nên người vùng bể gọi Chỉnh là “con cắt biển” (hải điêu). Quận Huy đi trấn thủ Sơn Nam, Chỉnh đổi sang đội Tiền trung rồi Tiền cơ, đóng ở Nghệ An.

Có kẻ tố cáo Chỉnh thông đồng với Quận Huy tiêu lạm công quỹ mấy trăm vạn, nhưng dù bị tra khảo gần chết, Chỉnh vẫn nhất định không khai nên Quận Huy được vô sự.

Năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông (Khải) mưu đoạt ngôi chúa, việc bại lộ, Tông bị cha là Trịnh Sâm nghiêm trừng. Trước khi chết, Trịnh Sâm gửi gấm Trịnh Cán, con Ðặng Thị Huệ, cho Quận Huy, nhờ phò tá. Quận Huy chuyên quyền, lại mang tiếng dan díu với Ðặng Thị Huệ nên kiêu binh giết Quận Huy, phế Cán, lập Tông làm Chúa. Tông bèn trả thù những người trước đã tố cáo mình, lùng bắt bè đảng Quận Huy để giết. Thấy vậy, Hoàng Viết Tuyển, trước có chịu ơn Chỉnh, vượt biển vào Nghệ An báo tin cho Chỉnh hay. Chỉnh liền xui trấn thủ Nghệ An, Dao Trung hầu, em rể Quận Huy, rằng muốn thoát nạn nên chiếm Nghệ An, giữ những nơi hiểm yếu, liên kết với Phó tướng Thuận Hóa, phần Chỉnh tự nguyện lo mặt bể. Thấy Dao Trung Hầu nhát gan không dám, cũng không chạy trốn, Chỉnh bèn đem vợ con cùng Hoàng Viết Tuyển xuống thuyền vào Nam theo Nguyễn Nhạc. Lúc ấy vào tháng 11 năm Nhâm Dần (1782). Trước khi nhổ neo, Chỉnh gọi 300 binh lính dưới quyền mình ra bờ sông giải tán, nói rõ duyên cớ, lại để lại cho mỗi người một quan tiền đen.

Chỉnh vào đến Quảng Nam vừa lúc Nhạc xưng vương. Nhạc tuy mến tài Chỉnh nhưng lúc đầu còn e dè, ngờ vực. Chỉnh phải kể rõ tình hình biến loạn ở Bắc Hà, đem cả gia đình ra làm con tin, Nhạc mới yên lòng, cho dự bàn quốc sự. Từ đó Chỉnh hết lòng với Tây Sơn, bày mưu hiến kế, chứa tích lương thực, sắm sửa khí giới, luyện tập binh lính, kén chọn tướng sĩ, đánh Chiêm Thành, Xiêm La, Bồ Man, thường cầm gươm đi trước và luôn luôn thắng trận, dần dần được lòng tin của Nhạc.

Từ khi Chỉnh bỏ đi, triều đình ở Bắc thiếu nhân tài, treo giải thưởng cho ai dụ được Chỉnh về. Em rể Chỉnh xin đi, vừa gặp mặt đã bị Chỉnh mắng phủ đầu rằng xưa nay Chỉnh chưa hề nghe ai xui khôn xui dại bao giờ. Sau đó mới hỏi đến tình hình ngoài Bắc, cho ăn uống no say rồi đem chém để Nhạc khỏi nghi ngờ mình ăn ở hai lòng. Nhạc thấy vậy càng tin dùng hơn.

Cuối Xuân Bính Ngọ (1786), Trấn thủ Thuận Hóa Phạm Ngô Cầu sai Nguyễn Phú Như vào bàn việc biên giới hai xứ với Nhạc. Lúc ấy Nhạc đã xưng Vương, không còn thần phục triều đình nữa. Như vốn là chỗ quen biết cũ của Chỉnh, cho Chỉnh hay ngoài Bắc đói kém, lính lại kiêu không thuận với dân, các tướng giỏi không có… Chỉnh vẫn có bụng muốn về Bắc, bèn xui Nhạc nhân dịp này đánh lấy Phú Xuân. Nhạc nghe lời, sai Huệ làm Tiết chế, Vũ văn Nhậm làm Tả quân Ðô đốc, Chỉnh làm Hữu quân Ðô đốc, Lữ đốc xuất thủy quân đến sau (5). Huệ chiếm được Phú Xuân dễ dàng, nhanh chóng, một phần nhờ mưu kế của Chỉnh.

Thắng trận rồi, Huệ dự tính sửa địa giới cũ ở Na Hà (có chỗ chép là La Hà, ranh giới Nam Bắc) nhưng Chỉnh khuyên nên thừa thắng tiến ra Bắc. Huệ ngần ngại e Bắc hà nhiều nhân tài, Chỉnh hăng hái thuyết: “Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi, tôi đi là cái nước rỗng, xin ngài chớ ngại”. Huệ cười: “Ấy chẳng ngại ai, chỉ ngại có mỗi mình ông mà thôi”. Chỉnh biến sắc, từ tạ: “Tôi chỉ muốn nói ngoài Bắc không có nhân tài, đánh lấy rất dễ”. Huệ còn do dự sợ mang tiếng, Chỉnh xui lấy danh nghĩa “Phù Lê, diệt Trịnh” thì không ai bắt bẻ vào đâu được. Huệ vẫn bất quyết vì chưa có mệnh lệnh của Nhạc, Chỉnh lại thuyết: “Tướng ở xa không cần phải có mệnh trên, dù có mệnh lệnh cũng không cần phải nghe”, bấy giờ Huệ mới quyết ý ra Bắc, cắt Chỉnh đem thuyền vượt biển đi trước, chiếm kho lương Vị Hoàng ở Sơn Nam rồi nổi lửa báo hiệu, Huệ sẽ dẫn quân thủy bộ theo sau, một mặt Huệ viết thư cho Nhạc trình bày mọi sự.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (16.7.1786), Chỉnh chiếm được kho lương Vị Hoàng. Quân Tây Sơn lần lượt hạ Trịnh Tự Quyền, Bùi Thế Dận, Ðinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, nhằm Thăng Long trực chỉ. Trịnh Tông thấy thế nguy tự mình cầm trống đốc chiến, nhưng thua phải trốn lên Sơn Tây, sau bị tuần Trang bắt đem nộp Tây Sơn, giữa đường Tông tự sát.

Ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (21.7.1786), Huệ vào thành Thăng Long, đóng ở phủ Chúa (6). Hôm sau đến yết kiến vua Lê Hiển Tông ở điện Vạn Thọ. Huệ trỏ vào Chỉnh nói: “Ðây là bầy tôi cũ của bệ hạ. Người này tuy chưa được hưởng nhiều ân huệ của bệ hạ nhưng khó có người thứ hai nào trung với bệ hạ bằng nghỉ”.

Thấy các quan trong triều tản mát, không người ứng đối nên hồn, Chỉnh tâu vua nên tuyên triệu bọn Trương Ðăng Quỹ, Phan Lê Phiên, Trần Công Sán, v.v. Các quan lục tục trở về độ hơn mười người.

Chỉnh lại khuyên Huệ nên chọn ngày chính thức vào triều kiến để thiên hạ biết rõ chuyện “Phù Lê” của mình, hôm trước yết kiến ở điện Vạn Thọ chỉ là tư yết, Huệ nghe theo. Ngày 7 tháng 7, vua thiết đại triều ở điện Kính Thiên, Huệ dâng sớ tâu việc diệt Trịnh. Hôm sau vua sai người mang chiếu đến tận dinh, phong cho Huệ làm Nguyên Súy, Phụ Chính Dực Vũ, Uy Quốc Công. Huệ tạ ơn xong nói riêng với Chỉnh: “Ta đánh một trận bình định Bắc Hà, muốn xưng đế có khó gì? Cái chức Nguyên Súy, Uy Quốc Công với ta hơn cái gì? Ta không nhận thì bảo ta kiêu căng, ta nhận mà không nói ra lại bảo ta là kẻ man mọi không biết gì”. Chỉnh thấy Huệ bất mãn, tâu vua gả công chúa Ngọc Hân cho Huệ, quả nhiên Huệ vui lòng.

Ở Bắc, Huệ không quen nghi thức triều chính, giao hết cho Chỉnh, lại xếp Chỉnh cùng ở lầu Ngũ-long (gần hồ Hoàn-kiếm) với Vũ Văn Nhậm, Nhậm ở phía trước, Chỉnh ở phía sau. Vì Nhậm từ Nam ra, không quen ai, khách chỉ tấp nập ra vào thăm Chỉnh. Chỉnh thấy chỗ Nhậm vắng tanh, sai người ngồi trước cửa Nhậm, mời khách vào, khách cũng không vào. Sau Chỉnh tiếp đón khách xong, liền thu xếp một món đồ lễ bắt người dẫn khách vào tận chỗ Nhậm, Nhậm vẫn không bằng lòng, thường dèm Chỉnh với Huệ. Cuối cùng, Chỉnh phải dọn đến ở chùa Tiên Tích.

Ngày 14 tháng 7 năm Bính Ngọ, Nhạc được tin thắng trận, sợ viết thư gọi Huệ không về nên thân hành hỏa tốc ra Bắc, tháng 8 tới kinh đô Thăng Long. Ở ít lâu, đến 17 tháng 8, Tây Sơn bí mật rút về, bỏ Chỉnh ở lại một mình, có ý mượn tay người Bắc giết Chỉnh. Sáng ra Chỉnh mới biết, vội vàng xuống thuyền đuổi theo, bị người Kinh ném đá vì cho là Chỉnh có tội “cõng rắn cắn gà nhà”.

Ngay từ trước khi Nhạc ra Thăng Long, Chỉnh đã phát giác ra Huệ nghi kỵ mình nên mật tâu vua xin cho được trấn thủ Nghệ An, việc chưa quyết định thì Nhạc ra kéo Huệ về, Chỉnh cô thế phải chạy theo. Thuyền Chỉnh đi độ hơn mười ngày thì đến Nghệ An, vừa lúc quân của Huệ theo đường bộ tới nơi. Chỉnh liền vào ra mắt Huệ, xin theo về Phú Xuân, nhưng Huệ kiếm cớ thoái thác, nói ngoài Bắc còn Hoàng Phùng Cơ, Ðinh Tích Nhưỡng chưa trừ được, Chỉnh nên ở lại Nghệ An phòng mặt Bắc. Huệ để Nguyễn văn Duệ ở lại giúp Chỉnh, Võ Văn Dũng đóng ở Hà  Ttrang (Nghệ Tĩnh), dặn riêng Vũ Văn Nhậm đóng ở Ðồng Hới làm thế ỷ dốc, dò xét động tĩnh của Chỉnh. Lại chia cho Chỉnh 100 tên lính, 20 lạng vàng, 200 lạng bạc. Chỉnh nghĩ nhận lính cũng không ích gì, xin để mộ thổ dân, chỉ nhận vàng bạc. Ðầu tháng 9 Huệ về Phú Xuân.

Lúc ấy Chỉnh chỉ có hơn 30 thủ hạ, đậu thuyền ở ngoài khơi. Sĩ phu xứ Nghệ lại không ưa, lăm le muốn đánh, song vì chưa rõ thực lực của Chỉnh nên chưa ai dám ra mặt đối đầu. Chỉnh cũng không dám bỏ thuyền lên bộ. Thấy tình hình nguy ngập, Chỉnh bàn với anh rể là Nguyễn Kim Khuê, muốn “lấy thiên hạ”. Khuê xui giả mệnh vua Lê, mộ quân Cần vương, chỉ cần độ 1000 quân là có thể chiếm được Nghệ An làm căn cứ. Chỉnh nghe lời, đưa hịch mộ binh, ai đến chậm thì chém, dân sợ tội nghịch mệnh vua nên khoảng mười ngày mộ được hơn 1000 quân. Chỉnh chiếm cứ Nghệ An, nhưng lòng người không phục, bị hào mục bao vây tứ phía. Lê Quý Dật Sử chép rằng tháng 9 Chỉnh đánh tan quân của Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Toại rồi tháng 10 kéo quân ra Thanh Hóa. Vua Lê sai tướng chống cự, làm bài hịch bằng quốc âm kể tội Chỉnh trong có câu: “Chu Thiên vương ai chẳng tôn Chu, cớ chi rợ Tây Sơn mượn tiếng; Hán quốc tặc chắc nào vì Hán, cũng bởi từ Ðông Hải lắp vây”. Chỉnh dò hỏi được tác giả đem giết (7).

Ở Bắc, Trịnh Tông chết, Vua cho Trịnh Bồng (Quận Côn) làm Chúa nhưng chỉ cho “đời đời tước Công”, có ý muốn kiềm chế họ Trịnh. Ðinh Tích Nhưỡng (Quận Liễn) không bằng lòng, ép vua phải cho Bồng tước Vương. Bồng sai bọn Lê Trung Nghĩa, Phan Huy Ích đi đánh Chỉnh. Chỉnh cầu cứu với Huệ, kể chuyện Quận Thạc (Hoàng Phùng Cơ), Quận Liễn đã lập lại họ Trịnh ở Ðàng Ngoài, Huệ phái Hữu quân kéo ra.

Ðồng thời, Chỉnh lại nhờ Ðinh Tích Nhưỡng bảo toàn với Chúa để mình được giữ Nghệ An, Nhưỡng không giúp nhưng cũng không đòi lại xứ Nghệ.

Chỉnh nhờ anh là Nguyễn Bân lẻn ra xin Vua cho trấn thủ Nghệ An, Vua toan nhận lời thì có người can rằng Chỉnh ở xa mà Chúa thì ở gần, không nên gây hiềm khích với Chúa, nên Vua lại thôi. Bân về nói thác là có chiếu Vua phong cho Chỉnh làm Trấn thủ Nghệ An, tước Bằng Lĩnh Hầu. Chỉnh bèn đưa hịch “Phù Lê, diệt Trịnh”, độ mươi ngày mộ được hàng vạn quân, sắp đặt đội ngũ chỉnh tề, hiệu lệnh nghiêm minh, chẳng bao lâu trở thành một đội quân hùng hậu.

Vua thấy thế lực Bồng ngày một mạnh, lại thêm bị bọn Nhưỡng và Cơ ức hiếp quá bèn gửi mật chỉ triệu Chỉnh ra. Khoảng trung tuần tháng 9, Chỉnh kéo quân ra, giết Lê Trung Nghĩa, bắt sống Phan Huy Ích (8).

Khi ấy Nhưỡng phải đem quân đi Hải Dương đánh dẹp, dẹp không nổi, lui về giữ sông Hàm. Hoàng Phùng Cơ thấy Nhưỡng đã bỏ đi, lại nghe tin Chỉnh sắp đem quân ra cũng sợ, bèn rút về Tây. Trịnh Bồng sai Dương Trọng Tế làm Trấn thủ Thanh Hóa chống lại Chỉnh, Tế cũng thua chạy sang Kinh Bắc. Nửa đêm Trịnh Bồng phải bỏ trốn. Sáng ra, Vua hay tin liền sai đốt phủ Chúa, hôm ấy là ngày mồng 8 tháng 10 năm Bính Ngọ.

Chỉnh đến Thăng Long vào chầu, Vua phong chức Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Ðại Tư Mã, Bằng Trung Công. Con là Du cũng được phong Hầu. Từ đó Chỉnh nắm chính quyền, làm việc khá chu đáo: 5 ngày vào chầu một lần rồi ra công đường xét xử, những ngày khác, các quan phải đến phủ của Chỉnh xin quyết định. Chỉnh sắp đặt lại chính sự, đặt quan chế, thay đổi luật lệ, lập lại các doanh vệ, chia đồn trấn giữ…

Nguyễn Ðình Giản, trước kể tội Chỉnh đem quân “nước ngoài” về, xin đánh, nay Chỉnh lên cầm quyền đã không trả thù lại mời Giản giữ chức Phó Ðô Ngự Sử, các quan thấy vậy lục tục kéo về, triều đình có vẻ phồn thịnh như thời bình.

Chỉnh xin mở Chế khoa để kén nhân tài. Hơn 200 người thi mà lấy đỗ có hai người, Chỉnh cho là không đủ, lại cố xin mở một khoa nữa ở lầu Ngũ Long, lấy thêm 15 người, trong số đó có Nguyễn Khuê đỗ thứ tư. Vì Khuê quen thân với Chỉnh, người ta cho là Chỉnh tư túi.

Thời loạn, nhà giầu chôn của, tiền trở nên khan hiếm. Các mỏ đồng ở thượng du bị thổ ty cản trở không nộp được như cũ, Chỉnh xin vua hạ chiếu thu đồ đồng của nhân dân về kinh đúc tiền, có thuyết cho rằng quá nửa bị sung vào việc trang trí phủ đệ của Chỉnh nên không đủ để dùng, Chỉnh bèn sai thu tượng và chuông đồng các chùa đem về, ai cũng than (9), Chỉnh bực mình ra oai để bịt miệng.

Từ ngày ra Bắc, đánh đâu được đấy, thanh thế lừng lẫy, dần dần Chỉnh có ý lộng hành, làm gì cũng không tâu trước, cho bè đảng cầm đại binh những nơi trọng yếu, lại chế mũ áo, xe ngựa kiểu riêng, oai vệ chẳng kém gì Vua. Chỉnh còn mở phủ cho con là Du ở phía Ðông phủ mình, có ý bắt chước chúa Trịnh. Vua thấy vậy muốn giết, nhưng Vũ Trinh (10) can đã dùng Chỉnh làm nanh vuốt thì nên đãi Chỉnh thực bụng, diệt Chỉnh tức là tự chặt vây cánh mình. Loạn thần mà biết chế ngự thì cũng có thể thành năng thần. Vua nghe ra, bỏ ý định đầu độc Chỉnh. Chỉnh biết chuyện, giận không vào chầu nữa. Vua sai Vũ Trinh đến thanh minh rằng đó là lời đồn bậy. Chỉnh nói thẳng: “Ta đã nhìn kỹ tướng mạo Hoàng thượng là người tàn nhẫn lại đa nghi. Việc ấy chắc có. Nhưng nay bốn bể giặc giã, chuyện này hãy gác lại”.

Tuy ở Bắc, Chỉnh vẫn gửi hậu lễ vào Nam cho Nguyễn Duệ. Nhân khi anh em Tây Sơn bất hoà, Chỉnh xui Duệ, bầy tôi của Nhạc, phản Huệ, chiếm lấy Nghệ An, rạch sông Ðại-lĩnh làm biên giới như cũ. Mưu bị Nhậm phát giác, Duệ bỏ trốn về với Nhạc. Chỉnh cũng có ý sợ, viết thư cho Nhậm phân trần rằng Chỉnh không thông đồng với Duệ vì khi Huệ bỏ Phú Xuân, Chỉnh chỉ ở lại có “hơn mười ngày” (?) ở Nghệ An, không đủ thì giờ kết thân với Duệ, rồi từ đó kẻ Nam, người Bắc. Nay Chỉnh ở Bắc đã giết được Hoàng Phùng Cơ nhưng vẫn chưa trừ được Ðinh Tích Nhưỡng, hễ trừ xong Nhưỡng Chỉnh sẽ quay về, theo đúng lời Huệ dặn. Nhậm xem thư biết Chỉnh còn sợ, bèn theo kế hoạch của Huệ, bỏ qua, vì lúc ấy Huệ đang bận giao tranh với Nhạc.

Tuy Chỉnh nói cứng với triều đình rằng ở Nam, ngoài Huệ ra còn thì từ Vũ Văn Nhậm trở xuống đều không ai đáng kể, mà hễ Huệ ra thì Chỉnh khắc có cách đối phó, song vẫn sai Trần Công Sán cùng Ngô Nho đem lễ vật vào Nam đìều đình “đòi Nghệ An”. Bụng Chỉnh thực sự muốn hòa, một phần vì sẵn úy kỵ Huệ, một phần vì gia đình còn bị bắt giữ làm con tin, Chỉnh “đòi Nghệ An” chắc là bất đắc dĩ phải chiều theo ý kiến của triều đình. Chỉnh vẫn yên trí phái bộ Sán sẽ thành công, vì mình đã dặn dò kỹ, nên không đề phòng, chỉ xin cho Lê Duật trấn giữ Thanh Hoa. Không ngờ Trần Công Sán tính tình quá cứng cỏi, tranh luận gay gắt với Huệ, nên Huệ sai đưa tiễn bằng đường thủy, giữa đường dìm chết cả sứ bộ, nói thác là thuyền bị đắm. Lúc ấy vào tháng 3 năm Ðinh Mùi (1787).

Từ khi Chỉnh lộng hành, các quan có người cáo ốm, trả ấn về, có người mộ quân chống lại, rồi thì kẻ phò Vua, kẻ giúp Chúa, cùng chống Chỉnh, chán lại quay ra đánh lẫn nhau, khắp nước chẳng chỗ nào yên.

Mùa hạ năm Ðinh Mùi, Dương Trọng Tế trước đã thua chạy, nay đưa hịch kể tội Vua dựa vào Chỉnh đuổi Chúa đi, lời lẽ quá đáng, lại xé cả chiếu của Vua trước mặt sứ giả khiến lòng người không phục. Vua giận, sai Chỉnh lập tức đem quân đi đánh. Chỉnh vâng dạ nhưng bảo riêng với thủ hạ là bọn Hoàng Viết Tuyển rằng chỉ cần khua trống đến tận chân thành thị uy, không cần nhọc sức quân đánh phá, quân của Tế ô hợp tự khắc tan. Nếu Tế hàng thì điệu về, không hàng cũng không cần đuổi vì Tế bị dân ghét tất sẽ bắt đem nộp, mình chỉ việc nhận. Lại cấm ngặt không cho quân lính nhũng nhiễu dân chúng. Quả nhiên sau Tế bị bắt sống nộp cho Chỉnh, ai cũng khen Chỉnh có tài tiên liệu, riêng Trần Công Sán nói: “Không phải ông liệu việc giỏi mà chỉ tại Tế vô mưu”. (Không ổn ở chỗ Trần Công Sán đã bị dìm chết từ tháng 3).

Bắt được Tế, Chỉnh muốn đem chém không cần “bẩn bút mực”, nhưng Vua không nghe, sai lập án, bắt Tế quỳ chịu tội trước nhà Thái học rồi mới điệu ra trường thi võ chém. Xong việc, Vua thưởng cho bọn Hoàng Viết Tuyển tước Công. Triều đình xin cho Chỉnh được tước Công một chữ (cao hơn tước Công hai chữ, như Bằng Công cao hơn Bằng Trung Công), được phép mở phủ, đúc ấn Vũ thành…

Tháng 8 năm Ðinh Mùi, quận Thạc dâng mật biểu kể tội Chỉnh là “quốc tặc”, xin đem quân từ Sơn Tây về đánh. Vua muốn xử hòa, đưa biểu cho Chỉnh xem, Chỉnh cũng thuận, viết thư cho Thạc, không ngờ Thạc nổi giận, mắng nhiếc Chỉnh và quyết chiến. Rút cục Thạc bị bắt sống. Chỉnh muốn đem chém, Vua không nỡ, triều đình xử cho uống thuốc độc, chết được toàn thây.

Cuối thu năm Ðinh Mùi, Chỉnh xin đánh Trịnh Bồng. Bản ý Vua không ưng vì cho Bồng thuận thảo, nhưng bị Chỉnh ép phải nghe. Bồng thua chạy, viết thư cho Trương Ðăng Quỹ nhờ nói giúp với Vua xin về, Vua sai Quỹ đi đón nhưng giữa đường nghẽn lối phải quay lại.

Cuối năm ấy Huệ hòa với Nhạc rồi liền sai Tiết chế Vũ Văn Nhậm ra hỏi tội Chỉnh. Quân của Nhậm giết Lê Duật (Cương Mục chép là Nguyễn Duật, trấn thủ Thanh Hoa), Nguyễn Như Thái, rồi kéo thẳng ra Thăng Long. Chỉnh đang ăn cơm hay tin quăng đũa, sai con là Du đi trước ứng chiến, tự mình cầm quân tiếp viện. Tháng chạp, Du thua ở sông Thanh Quyết, hai cha con rút về Thăng Long. Theo Lê Quý Dật Sử thì ý Vua muốn chạy về Thanh Hoa, nhưng Chỉnh tâu nên chạy lên phía Bắc có Nguyễn Cảnh Thược, trấn thủ Kinh Bắc, có thế lực, và cho Du đi trước hộ giá. Nguyễn Cảnh Thược cáo ốm không ra (Cương Mục chép Thược đã hàng Tây Sơn), Chỉnh phải thân đến quở trách, Thược mới chịu ra, sau Thược còn bóc lột hết của cải của Vua mới thả cho chạy đi.

Tháng chạp năm Ðinh Mùi (ngày 9.1.1788) Nhậm kéo quân vào Thăng Long, thấy kho tàng rỗng tuếch, cho quân đi cướp của dân, ai ta thán đem chém.

Bộ tướng của Nhậm là Nguyễn Văn Hòa đuổi theo Chỉnh, Du bị giết, Chỉnh ngã ngựa bị bắt sống ngày 12.1.1788. Chỉnh xin được gập Nhậm nói một câu, Nhậm không cho, sai người kể tội rồi chặt chân tay, phanh thây vứt cho chó ăn, ở cửa Ðông. Theo tài liệu các giáo sĩ thì Chỉnh bị bêu đầu ngày 15.1.1788, tức là tháng chạp năm Ðinh Mùi (vì năm Mậu Thân chỉ bắt đầu từ ngày 7.2.1788). Nguyễn Hữu Chỉnh sinh năm 1741/2 (11), mất năm 1788, thọ 47 tuổi.

Lê Quý Dật Sử chép rằng đến tháng ba, 1788, Huệ nghe tin Tiết chế Nhậm đã giết Hữu quân, làm thơ tỏ ý tiếc tài trí của Chỉnh:

Gạo Phục Ba khéo chất hình non, đường Thục đạo rõ bầy nơi hiểm dễ,

Dây Nhược thủy hay dò đáy nước, sông Nhị hà tỏ mạch chốn sâu nông.

Tháng 11, Huệ lên ngôi, tha tội cho Chỉnh vì có công mở nước, cấp cho vợ con Chỉnh 30 lính hầu, 30 mẫu ruộng làm sản nghiệp đời đời (12).

I I – Tội trạng

 Căn cứ vào những cách đối xử với Nguyễn Hữu Chỉnh của người đương thời (Chiêu Thống từng mưu toan muốn giết, các quan hạch tội, Nguyễn Huệ nghi ngờ, v.v.) người đời thường phê phán Chỉnh nghiêm khắc, có lẽ vì thành kiến “trung quân”? Ta hãy thử bình tĩnh phân tích, xét lại từng trường hợp một:

– Kính Phủ (tức Nguyễn Án, đồng tác giả Tang Thương Ngẫu Lục với Phạm Ðình Hổ) viết trong bài “Mồ mả Quận Bằng” rằng người cha của Nguyễn Hữu Chỉnh nhờ Giám sinh họ Ðỗ tìm đất táng mả tổ ở núi Côn Bằng, sau đó người mẹ có thai sinh ra Chỉnh. Khi nghe tiếng trẻ khóc, Ðỗ Giám sinh than rằng: “Ðó là một kẻ gian hùng thời loạn, làm lỡ việc thiên hạ là ta rồi!”(13).

Chỉ nghe tiếng trẻ khóc mà biết chắc sau này nó sẽ là “kẻ gian hùng”, nếu họ Ðỗ không phải là thánh e rằng nói khoác. Câu này chắc do người đời sau bịa đặt cho phù hợp với tội “phản phúc” thường gán cho Chỉnh thì có phần đúng hơn.

 Ðinh Tích Nhưỡng (Quận Liễn). Nhưỡng với Chỉnh trước cùng là môn hạ của Quận Huy, rất tương đắc, Nhưỡng nhận là đàn em của Chỉnh. Khi Chỉnh nhờ Nhưỡng bảo toàn với Chúa, Nhưỡng gọi con rể Chỉnh ra nói: “Ông anh về chữ nghĩa thì đủ nhưng về chữ trung thì còn thiếu” có ý trách Chỉnh “bất trung” với họ Trịnh.

Nhưỡng chê Chỉnh “bất trung” thì hẳn Nhưỡng là bầy tôi “trung”? Nhưng thế nào là “trung” và “trung” với ai? Nhưỡng vì “trung” với Trịnh Bồng mà ức hiếp Vua, Nhưỡng chỉ biết có Chúa là chủ mình thì chủ của Chỉnh là Quận Huy, Chỉnh “trung” với Quận Huy có khác gì Nhưỡng “trung” với Trịnh Bồng? Lấy danh nghĩa gì mà chê trách Chỉnh?

Ðã thế, chữ “trung” với Chúa của Nhưỡng cũng “tùy thời”: Lúc đầu Nhưỡng đem quân về muốn lập Trịnh Lệ (Quận Thùy), sau lại bỏ Lệ theo Trịnh Bồng, khi Trịnh Bồng thua Chỉnh, chạy đến với Nhưỡng, Nhưỡng đã tỏ ra lạnh nhạt đến nỗi Bồng lại phải chạy đi một lần nữa, thế thì chữ “trung” của Nhưỡng chẳng lấy gì làm bền chặt, Nhưỡng đối với Chúa không bằng Chỉnh đối với Quận Huy (Chỉnh bị tra tấn đến gần chết cũng nhất định không khai Quận Huy trong vụ hai người bị kiện tiêu lạm của công).

Thêm vào đấy, khi ở Hải Dương bị mọi người không dung, Nhưỡng đã gửi thư kín xin hàng Tây Sơn và sai người tố giác chỗ Vua ẩn với Văn Sở.

Nhưỡng đã ức hiếp Vua, đầu hàng Tây Sơn còn cáo giác chỗ Vua ẩn náu, đã bỏ rơi Chúa khi Chúa thất thế, lại đối xử tàn bạo với dân khiến dân ghét muốn giết đến phải chạy trốn, thế thì Nhưỡng hành động vì Vua, vì Chúa hay vì dân? Nhưỡng “trung” với ai và có “nghĩa” với ai?

– Hoàng Phùng Cơ (Quận Thạc) kể tội Chỉnh “chỉ quen dùng trá thuật lừa dối người, trước phản nước theo Tây Sơn, sau lại nhị tâm với Tây Sơn muốn giữ xứ Nghệ; người Nghệ không ưa, Tây Sơn không dùng mới quay về với Hoàng thượng…” Nay Cơ “vâng chỉ về triều hỏi tội Chỉnh” và “xin bệ hạ cho phép hạ thần chém hắn ngay từ đầu để khỏi càn rỡ về sau…”.

Cơ trách Chỉnh “phản nước theo Tây Sơn” nếu không cố tình nói ngoa thì là hồ đồ. Rõ ràng Chỉnh đang sống yên ổn ở Nghệ An, vì Trịnh Tông truy nã bè đảng Quận Huy để trả thù mà Trấn thủ Nghệ An Dao Trung Hầu lại nhút nhát không theo kế của Chỉnh chiếm lấy Nghệ An làm chỗ dung thân nên Chỉnh mới cùng đường phải tính kế vào Nam với Nguyễn Nhạc. Nếu có đất sống ở Nghệ thì Chỉnh còn toan tính vào Nam làm gì?

Cơ kết tội Chỉnh “nhị tâm với Tây Sơn” cũng là nói quá. Rành rành Chỉnh bị Tây Sơn bỏ rơi tới hai lần, mới phải tìm cách tự vệ, không phải bỗng dưng Chỉnh sinh dị tâm muốn bỏ Tây Sơn, nếu quả thế thì khi Tây Sơn bỏ Thăng Long không cho Chỉnh biết, việc gì Chỉnh còn lấy thuyền đuổi theo? Nếu Nguyễn Huệ chịu dung nạp, chưa chắc Chỉnh đã nghĩ đến chuyện chiếm Nghệ An. Phần Huệ, tuy dùng Chỉnh nhưng bụng vẫn ngờ vực nên mới lẳng lặng rút quân ở Thăng Long về. Ðến Nghệ An, Chỉnh đuổi kịp, xin theo vào Phú Xuân, Huệ đã không cho theo lại còn lưu bộ hạ ở bên Chỉnh để dò xét hành vi của Chỉnh, thử hỏi ai “nhị tâm”? Lúc đầu Cơ đem quân về để “phò Vua”, sau lại xoay ra “phò Chúa”, ức hiếp Vua đến nỗi Vua phải triệu Chỉnh đem quân ra, thế thì Cơ có “nhất tâm” không mà chê Chỉnh “nhị tâm”?

Cơ còn nói “vì Tây Sơn không dùng Chỉnh mới quay về với Hoàng thượng”, câu này cũng phải xét lại. Khi phát giác Huệ nhất định không dung nạp mình, Chỉnh chỉ tính kế cố thủ ở Nghệ. Tuy có xin với Vua chức Trấn thủ Nghệ An, cũng như đã nhờ Nhưỡng nói hộ vớì Chúa, song Chỉnh chưa phản Tây Sơn, chỉ là hành động tự vệ thôi. Sau này Chỉnh ra Thăng Long là do chiếu của Vua vời ra cứu giá.

Cơ chê Chỉnh “hay dùng trá thuật để lừa dối người” là không tự xét mình. Chính Cơ tuyên bố “vâng chỉ về triều hỏi tội Chỉnh”, đã “vâng chỉ” tại sao còn phải “xin bệ hạ cho phép kẻ hạ thần…” thế là “giấu đầu hở đuôi”, chính Cơ mới là kẻ “dối trá”.

– Vua Lê và các quan. Khi Chiêu Thống thấy Chỉnh chuyên quyền, có ý muốn giết, mật nghị với các quan Lê Xuân Hợp, Ngô Vi Quý, hai người này về hùa với Vua tâu: “Chỉnh là người ý nghĩ hiểm độc, cơ mưu sâu sắc, giả trá khôn khéo, ứng biến nhanh nhẹn, chưa chắc đã là năng thần đời trị, thật là gian hùng của thời loạn, chỉ nên giết đi là xong”.

Tuy Chỉnh quả có những hành động nhẫn tâm như giết em rể, nhưng xét vì lúc ấy địa vị của Chỉnh ở Tây Sơn còn đang bấp bênh, dẫu được dự bàn quân cơ nhưng Nhạc chưa hết ngờ vực, thế mà ông em rể lại lù lù vào để dụ về Bắc, nếu Chỉnh thả ra thì làm sao xóa được sự nghi kỵ trong lòng Nhạc? Bình sinh không thấy Chỉnh tỏ ra hiếu sát hơn ai.

Người “hiếu sát” là Vua thì có lẽ đúng hơn: Vua bị Trịnh Bồng lấn, không làm gì nổi mới triệu Chỉnh ra trừ hộ, xong việc lại muốn giết Chỉnh đi, chỉ kể đến quyền lợi riêng của mình mà không nghĩ lại công lao của người. Cũng như việc Vua sai đốt phủ Chúa, hay hành tội Dương Trọng Tế, tỏ ra Vua chỉ chăm lo trả thù vặt. Ngô Thì Chí chép Vua là người “anh minh quả quyết” có lẽ vì thấy Vua nhất định chỉ cho Trịnh Bồng “đời đời tước Công” để kiềm chế họ Trịnh. Sự thực Vua chỉ “anh minh quả quyết” trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, “quả quyết” thì đúng hơn “anh minh”. Khi Phúc Khang An dụ dỗ Vua và các tùy tùng phải ăn mặc theo lối người Thanh để dễ trà trộn với quân Thanh, khiến quân Tây Sơn chỉ thấy quân Thiên triều đã “hồn bay phách lạc” thì mới chóng hoàn thành công việc được, Vua chẳng đã từng tuyên bố nếu Thiên triều cứu viện cho mình được trở lại ngôi vua thì “dù bắt cả nước ăn mặc theo lối phương Bắc cũng tuân mệnh. Việc đó có hề gì?”, “anh minh” ở chỗ nào?

Chẳng bao giờ thấy Vua chấn chỉnh triều chính, trù hoạch quốc sách, nếu Chỉnh lâu dần đâm ra tự chuyên, làm gì cũng không tâu trước, hẳn vì nghĩ có tâu Vua cũng chẳng có chủ kiến. Bốn chữ “anh minh quả quyết” dành cho Nguyễn Huệ hợp hơn vì Huệ ngoài tài cầm quân, trị nước cũng giỏi: biết xét người, biết dùng người, tuy Huệ giết cả Chỉnh lẫn Vũ Văn Nhậm, song người đời phê phán Huệ không khe khắt, bởi Huệ có thực tài, Huệ “dùng” Chỉnh, còn Vua phải “nhờ” Chỉnh.

Bàn về “năng thần” hay “loạn thần” thì các quan ăn lộc của Vua mà hễ có biến bỏ trốn hết, hoặc khoanh tay bất lực, đến nỗi Vua phải triệu Chỉnh từ xa về cứu giá, thế thì ai là “năng thần”? Các quan đã không cáng đáng được việc nước vậy mà người ta làm gì cũng hạch tội: mở Chế khoa kén người tài, mưu sự lâu dài cho nước thì bảo Chỉnh tư túi; tiền khan hiếm, thu tượng đồng ở các chùa về để đúc tiền cũng bị oán trách… thế thì chỉ những người không làm gì như các quan là không bao giờ có tội. Ít ra Chỉnh cũng đã đem tài sức của mình để giúp Vua gánh vác việc nước.

– Nguyễn Huệ. Không riêng gì Vua Chiêu-Thống mà cả Nguyễn Huệ cũng muốn giết Chỉnh. Nghe tin Chỉnh muốn lấy Nghệ An, Huệ nói: “Nguyễn Hữu Chỉnh đã chết, ta cứu sống lại vẽ mặt vẽ mày cho hắn, hắn đã chẳng báo ơn thì chớ lại muốn tranh đất Nghệ với ta, chết là đáng.”(14)

Thực ra người “cứu sống” Chỉnh là Nhạc chứ không phải Huệ. Chính Nhạc cho Chỉnh cùng gia đình có chỗ trú chân ở Nam, và cũng chính Nhạc “vẽ mày vẽ mặt “ cho Chỉnh với cái chức Hữu quân Ðô đốc, ngang Vũ Văn Nhậm, con rể Nhạc, khi đi đánh Phú Xuân.

Ở Thăng Long, tuy Huệ có giao phó hết mọi việc cho Chỉnh song không phải vì muốn “vẽ mày vẽ mặt” cho Chỉnh mà chẳng qua vì Huệ không quen với những nghi thức triều đình ngoài Bắc. Chính Huệ nhìn nhận với vua Hiển Tông rằng mình ra được tới Thăng Long là nhờ công của Chỉnh. Không những thế, Chỉnh còn “mách nước” cho Huệ khai thác công “Phù Lê” bằng cách xin vua thiết đại triều để tiếp Huệ, v.v… như thế là Chỉnh có báo đáp ơn Huệ rồi. Huệ lấy được Ngọc Hân Công Chúa cũng là nhờ Chỉnh, tức là Chỉnh cũng đã “vẽ mày vẽ mặt” cho Huệ. Chỉnh muốn chiếm đất Nghệ chưa chắc đã do bản tâm “muốn tranh đất” với Huệ vì vốn úy kỵ Huệ, lại chưa nắm vững phần thắng thì đời nào dám “vuốt râu hùm”? Huống hồ gia đình Chỉnh còn ở trong tay Tây Sơn. Huệ muốn giết Chỉnh chẳng phải vì Chỉnh bội bạc hay muốn “tranh đất Nghệ” mà vì Huệ nhận thấy Chỉnh là đối thủ đáng sợ nên muốn trừ đi để “tránh hậu hoạn” thì có phần đúng hơn.

– Vũ Văn Nhậm. Tuy Nguyễn Huệ muốn giết Chỉnh song người thực sự giết Chỉnh lại là Vũ Văn Nhậm. Trước khi giết, Nhậm sai người kể tội Chỉnh: “Mày vốn là tôi chúa Trịnh, phản Trịnh về với ta, lập mưu giết họ Trịnh rồi lại phản ta về Bắc lừa dối vua Lê, làm oai làm phúc, toan cướp ngôi vua, tranh giành đất Nghệ với chúa ta. Ðời mày xem ra toàn học thói của quân đạo tặc. Nay phanh thây, phanh mật mày để người Bắc lấy mày làm gương”. Nhậm cũng lên án Chỉnh là con người gian giảo, phản phúc, lại còn đèo thêm một tội mới: “muốn cướp ngôi vua”. Ðiều này chỉ thấy có một mình Nhậm nói ra. Tại sao Nhậm lại vạch ra một tội mà không ai trông thấy? Vì Chỉnh “oai vệ chẳng kém vua” hay vì Nhậm “suy bụng ta ra bụng người”? Sau này chính Nhậm bị giết về tội “mưu toan tiếm ngôi.” (15)

Chỉnh với Nhậm, kẻ Nam người Bắc, vốn không quen nhau từ trước, lại cũng không có thâm thù thế mà ở Thăng Long chính Nhậm đã xúi dục Huệ bỏ rơi Chỉnh cho người Bắc giết đi; bắt được Chỉnh, Nhậm cũng dùng thứ hình phạt dã man nhất để giết là phanh thây rồi vứt cho chó ăn, tại sao Nhậm lại có thái độ quá hằn học như thế đối với Chỉnh? Phải chăng vì lòng đố kỵ? Cùng chức Ðô đốc ngang nhau khi đi đánh Phú Xuân, lại cùng là hàng tướng mà Huệ thả lỏng cho Nhậm cầm đầu một trong ba đội quân, trong khi Huệ giữ chịt Chỉnh ở bên mình, quyết không phải vì Chỉnh thuộc rõ địa thế Phú Xuân hơn Nhậm, vì trước đó mười năm Phú Xuân thuộc đất nhà Nguyễn mà Nhậm là bề tôi cũ của chúa Nguyễn. Huệ giữ Chỉnh ở bên mình một phần để tiện bàn việc quân cơ bởi Chỉnh túc trí đa mưu, mà cũng chính vì thế mà giữ lại bên mình để dễ bề kiềm chế, Nhậm chỉ là võ tướng không có gì đáng ngại. Nhậm không dám cho Chỉnh “gặp mặt nói một câu” có thể vì sợ không đối đáp nổi.

Ai có quyền trách Chỉnh là “phản thần” còn được chứ Nhậm thì không nên thốt ra câu này. Ít nhất Chỉnh đã báo thù cho chủ cũ là Quận Huy, còn Nhậm đã làm gì cho Chúa Nguyễn? Nhậm tự coi mình với Tây Sơn là một nên mới mắng Chỉnh là “phản ta về Bắc” và “tranh giành với chúa ta”, rõ là bề tôi trung của Tây Sơn, không còn nhớ đến Chúa Nguyễn là ai nữa. Sự thực, chưa chắc Nhậm đã trung thành với Tây Sơn đến bậc ấy, những lời nói có chiều “xu nịnh” này cốt để vừa lòng Huệ, nhưng thật ra không che nổi mắt Huệ. Thanh toán xong Chỉnh là đến ngay phiên Nhậm. Nếu Nhậm biết thế chắc không vội vã thủ tiêu Chỉnh, vì nhổ được cái đinh trước mắt tức thì họa đến thân ngay.

– Nhân tâm. Vua quan không ưa Chỉnh mà dân chúng cũng ghét: khi Chỉnh bỏ Thăng Long trốn theo Tây Sơn, người Kinh ném đá, người Nghệ lăm le muốn đánh… Lính Nam vì Chỉnh mà phải xa nhà, oán Chỉnh còn có lý chứ dân Bắc bị nạn Kiêu binh, vua quan thúc thủ, Chỉnh đem quân Tây Sơn ra dẹp loạn cho dân yên ổn làm ăn, cớ sao lại ném đá? Tại họ thấy Trịnh Tông vì Chỉnh mà chết nên nổi lòng công phẫn? Song Tông chẳng phải là một ông chúa anh minh, tài cán gì, Tông đã từng cùng mẹ ngồi xuống đất lạy Kiêu binh để họ bớt nhũng nhiễu mà cũng không xong, thế thì mất Tông có hại gì cho dân chúng? Những người thực tâm tiếc Tông ắt là những bầy tôi cũ của họ Trịnh chứ không phải dân. Dân chúng bị họ xui khiến, khích động vì nhẹ dạ. Thử hỏi giữa quân Thanh và quân Tây Sơn thì quân nào là quân “nước ngoài” và quân nào là “rắn”?

Rõ rệt hơn nữa là thái độ của dân xứ Nghệ, lúc đầu lăm le muốn giết Chỉnh nhưng vừa nghe có chiếu của Vua lập tức quay về với Chỉnh, chứng tỏ họ chẳng biết Chỉnh là ai, trở mặt nhanh chóng, giết hay quy chỉ do nghe xui khôn xui dại chứ chẳng có chủ kiến gì. Vậy thì dân yêu hay ghét không phải bằng chứng Chỉnh là “phản tặc”.

 III. Con người Nguyền Hữu Chỉnh qua nghị luận, hành sự và văn thơ

1 – Qua nghị luận

Trên đây ta thấy con người của Nguyễn Hữu Chỉnh qua những lời phê phán của người đương thời, nay ta thử xét Chỉnh qua những lời nghị luận của chính Chỉnh:

Khi người em rể của Chỉnh từ Bắc vào để dụ, Chỉnh hỏi dò tình hình ngoài Bắc, nhân nói đến việc Trịnh Tông tàn sát những người nhúng tay vào vụ án Canh Tý (Trịnh Tông mưu đoạt ngôi chúa, việc bại lộ, bị cha là Trịnh Sâm trừng phạt. Khi Tông lên ngôi bèn trả thù những người tố cáo mình), Chỉnh phê bình:”Giết kẻ vâng mệnh cha mình, nêu rõ tội của cha mình với người trong nước là đại bất hiếu”.

Nghe tin Ðặng thị Huệ tự vẫn, Chỉnh khen: “Chết được lắm! Ta vẫn tưởng Tuyên Phi chỉ có nhan sắc, ai ngờ lại tiết liệt như vậy”.

Bàn về chuyện “hai cậu” (trỏ con của Quận Huy và là anh em con cô con cậu với Trịnh Tông) bị giết, Chỉnh ngậm ngùi:”Phá tổ vọt trứng, người ta có tội tình gì?”.

Những lời nghị luận này thốt ra trong lúc vô tình chứng tỏ Chỉnh vẫn coi trọng luân thường đạo lý.

Về hành vi đối nghịch của Nguyễn Ðình Giản, Chỉnh tìm hiểu, khoan dung, chứ không giữ oán thù riêng nên mới nói: “Ðến bố vợ ông ta mà ông ta còn đàn hặc nữa là. Nếu mình có tội mà ông ta dám nói thì là người thẳng thắn, còn mình vô tội mà ông ta nói thì có hại gì?”. Ta thấy Chỉnh vừa sáng suốt, vừa rộng lượng lại vừa khôn khéo biết thu phục lòng người. Có thế các quan mới lục tục kéo về khiến triều đình “có vẻ phồn thịnh như thời bình”.

Vua Lê mưu giết Chỉnh rồi nghe Vũ Trinh can gián lại thôi, nhưng sợ Chỉnh giận, sai Vũ Trinh đi phân trần là lời đồn bậy… Chỉnh nói ngay: “Ta đã nhìn kỹ tướng mạo Hoàng thượng là người tàn nhẫn lại đa nghi, việc ấy chắc có. Nhưng nay bốn bể giặc giã, hãy gác chuyện ấy lại”. Tư cách hai người đã phân minh: một đằng dẹp tư thù sang một bên để lo việc nước trước, một đằng chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi riêng.

Với Nguyễn Huệ, Chỉnh tỏ ra thực thà đến thành vụng về khi nói: “Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi mà thôi”. Ðó là sự thực, bằng cớ là vua mấy lần phải triệu Chỉnh ra cáng đáng việc nước. Nếu Chỉnh có “nhị tâm” với Tây Sơn ắt không dại gì mà “vạch áo cho người xem lưng” khiến Huệ lưu ý đến mình. Chính sự vụng về này chứng minh Chỉnh chưa hề nghĩ đến chuyện bỏ Tây Sơn.

2 – Qua hành sự

Ở đời không thiếu gì người nói thì rất hay nhưng lời nói không đi đôi với việc làm. Liệu những lời nói của Chỉnh có phải chỉ là những lời đạo đức “cửa miệng”?

Ðối với Quận Huy, Chỉnh đã xử sự chí tình, không thể chê trách vào đâu được.

Tuy đến bước đường cùng mới chạy theo Tây Sơn nhưng Chỉnh cũng “ăn cây nào, rào cây ấy”, hết lòng giúp Tây Sơn huấn luyện binh mã, kén chọn tướng sĩ, đánh Xiêm La, Bồ Man, hiến mưu kế đoạt Phú Xuân, chỉ đường vạch lối cho Nguyễn Huệ ra Bắc… Chỉ từ khi phát giác ra Tây Sơn vẫn nghi kỵ mình, Chỉnh mới đề phòng “bắt cá hai tay”, sinh “nhị tâm” chẳng qua vì muốn tự vệ.

Chỉnh giỏi dụng binh. Dương Trọng Tế được Trịnh Bồng sai đem quân chống Chỉnh nhưng cứ nghe nói đến tên Chỉnh là Tế đã mất cả hồn vía. Ðời sau có người viết rằng Chỉnh đã học được phép điều quân của Nguyễn Huệ, mà quên rằng ngay từ trước khi vào với Tây Sơn, Chỉnh đã nổi tiếng là tướng tài đánh đâu được đấy, nghề thủy vào bậc vô địch, luôn luôn thắng trận nên mới có danh hiệu “con cắt biển”. Nếu Chỉnh học được phép điều binh khiển tướng của Tây Sơn thì đã chẳng thua về tay Tây Sơn.

Với chủ nào Chỉnh cũng hết lòng báo đáp, với thuộc hạ, Chỉnh tỏ ra biết thương kẻ dưới: trước khi nhổ thuyền vào Nam theo Nguyễn Nhạc, Chỉnh gọi hết quân lính dưới quyền ra bờ sông nói rõ duyên cớ, lại để lại cho mỗi người một quan tiền đen. Thử hỏi có mấy ông tướng trước khi chạy trốn còn nghĩ đến thuộc cấp như Chỉnh? Ðây không phải là một hành động mua chuộc lòng người vì đã là kẻ chạy trốn thì còn biết tương lai ra sao mà mua chuộc? Thế mà Chỉnh còn nghĩ đến chuyện cấp tiền cho thuộc hạ trước khi đi, không phải là người có từ tâm và chu đáo hay sao? Khi vâng lệnh vua đi đánh Dương Trọng Tế, Chỉnh cũng căn dặn thuộc hạ không cần nhọc sức quân, lại cấm quân không được nhũng nhiễu dân, không phải là một ông tướng hiểu rõ trách nhiệm của mình ư?

Chỉnh còn là một chính trị gia biết nhìn xa (mở Chế khoa để kén nhân tài), biết quyền biến khi nhu, khi cương, rộng lượng với những kẻ đối nghịch mình như Nguyễn Ðình Giản, Hoàng Phùng Cơ, v.v. Ngô Thì Chí kể khi Phan Huy Ích vâng mệnh Trịnh Bồng đi đánh Chỉnh, có sai chế một cái trống lớn để bắt được Chỉnh sẽ bỏ vào trống khiêng về: “Các ông hãy đứng đó xem tôi vào xứ Nghệ lấy đầu Nguyễn Hữu Chỉnh về cướp ấn quận công”. Rút cục chính Ích bị bắt sống, Chỉnh chỉ hỏi móc: “Nghe nói ngươi làm cái trống lớn lắm phải không? (…) Hủ nho quen múa mép, giết thêm bẩn gươm!” rồi tha, bắt theo dưới trướng (16).

Tuy rằng mang tiếng “ức hiếp Vua còn hơn Chúa Trịnh” nhưng sự thực Chỉnh nể nang Vua hơn Chúa Trịnh. Chúa một tháng vào chầu Vua hai lần, Chỉnh 5 ngày chầu một lần. Năm 1664, Tây Vương Trịnh Tạc đặt ghế ngồi ngay bên trái ngự tọa (16), chưa thấy ai nói Chỉnh leo lên ngồi cạnh Vua, Chỉnh cũng chưa hề giết Hoàng Thái Tử như Trịnh Sâm. Tuy nhiều khi làm việc không tâu với Vua trước nhưng nếu có thể thì vẫn chiều ý Vua như xử hòa với Hoàng Phùng Cơ, lập án xử tội Dương Trọng Tế… Nếu Chỉnh tự chuyên, ắt cũng vì thấy Vua chẳng tha thiết gì đến việc nước.

3 – Qua văn thơ. “Tay bé khôn bưng vừa miệng thế”

a – Vịnh cái pháo

Hễ nói đến thơ văn Nguyễn Hữu Chỉnh là người ta không quên nhắc đến bài thơ “khẩu khí” làm lúc còn nhỏ của Chỉnh. Tương truyền ngày Tết Chỉnh theo cha đi mừng tuổi Thầy Ðồ, Thầy bảo vịnh cái pháo, Chỉnh ứng khẩu làm bài thơ sau đây:

Xác không vốn những cậy tay người,

Bao nả công trình, tạch cái thôi!

Kêu lắm lại càng tan tác lắm,

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

Người ta thường luận rằng “khẩu khí” bài này cho thấy Chỉnh không có thực tài, làm nên sự nghiệp đều “cậy tay người”, song càng trèo cao càng ngã đau, rút cục chết phanh thây mà công danh cũng không còn, khác nào làm cái pháo công trình mà chỉ nổ tạch một tiếng, tan xác là hết.

Cũng may sự nghiệp văn chương của Chỉnh không dừng lại ở bài Vịnh cái pháo nên ngày nay chúng ta còn có cơ hội suy xét Chỉnh một cách công bằng hơn.

b – Quách Lệnh Công Phú

Theo Ngô Thì Chí, thuở trẻ Chỉnh thường họp tân khách trong nhà uống rượu, ngâm thơ tỏ ý chí. Bài Quách Lệnh Công Phú của Chỉnh được nhiều người đương thời truyền tụng.

Quách Lệnh Công là Quách Tử Nghi, một tướng giỏi đời Ðường, đã giúp Ðường Túc Tông dẹp loạn An Lộc Sơn, thu phục kinh đô Tràng An. Họ Quách đã lập công danh bằng vào tài sức mình chứ không “cậy tay người”, chính là mẫu người lý tưởng của Chỉnh lúc thiếu thời nên Chỉnh mới ca tụng.

c – Trương Lưu Hầu Phú

Trương Lương, tên chữ là Tử Phòng, tổ tiên năm đời làm quan đất Hàn. Hàn bị Tần Thủy Hoàng diệt, Lương theo Hán Cao Tổ diệt Thủy Hoàng, báo thù cho Hàn. Hán Cao Tổ phong cho Lương tước Hầu ở đất Lưu nên gọi là “Trương Lưu Hầu”. Sự nghiệp của Trương Lương rắc rối, oái oăm: phục vụ cho nhà Hán mà thực sự lại phục vụ cho nước Hàn nên Chỉnh mới viết:

Nước nhà khi bể biếc dâu xanh, mưu báo phục há kém tay Kha, Nhượng? (17)

song tâm sự của Lương ít người hiểu, thường bị người đời gay gắt luận tội. Hán Sử đã hạ một câu khe khắt:”Chí sĩ nguyện hy Gia Cát Lượng, bất nguyện hy Trương Tử Phòng” (kẻ sĩ nguyện bắt chước Gia Cát Lượng, không muốn bắt chước Trương Tử Phòng). Chỉnh ra sức minh oan cho Lương, phải chăng vì tâm sự của Lương cũng chính là tâm sự của Chỉnh?

Lòng này ai biết Hán hay Hàn, phải biện bạch kẻo thẹn cùng phủ ngưỡng (18).

(…) Trách ai thương hữu cố nhân, sao chẳng nguyện hy Trương Tử Phòng mà lại nguyện hy Gia Cát Lượng?

Chỉnh phục tài Trương Lương cũng có, mà chạnh lòng, ngậm ngùi cho cảnh ngộ của Trương Lương cũng có.

Sau này, Trương Vĩnh Ký cũng phiên âm ra quốc ngữ bài Trương Lưu Hầu Phú, ta có nên đặt câu hỏi Trương Vĩnh Ký có dụng ý hay không khi chọn phiên âm bài này?

d – Ngôn Ẩn Thi Tập

Những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Hữu Chỉnh, ngoài hai bài Quách Tử Nghi Phú và Trương Lưu Hầu Phú tỏ bầy chí khí, cùng bài Văn tế chị (vợ Phạm Nguyễn Du) lời lẽ bi thương, thành thật, còn Ngôn Ẩn Thi Tập gồm những bài thơ buồn bã, thương tâm, nhẫn nhục, nói lên tâm sự cay đắng của tác giả bị người đời gán cho những tội tầy đình: giảo quyệt, phản phúc, bỉ tiện… có miệng mà không sao minh oan được nên phải mượn thơ để bộc bạch nỗi lòng. Xin trích mấy bài:

Than Thân

Tóc chen hai thứ, chửa danh chi,
Thân hỡi là thân, thì hỡi thì!
Chửa giả, chửa đền ân đệ tử,
Thêm ngừng, thêm tủi chí nam nhi.
Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.
Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri.

Tự biết mình

Ai có hay chăng là chẳng hay?
Lòng này vốn đã dạy thân này.
Kẻo lầm, kẻo lỡ, người yêu ghét,
Ðà tỏ, đà tường, kẻ thảo ngay.
Xem nỗi thế-thời, xem đã nhạt,
Bén mùi đạo lý, bén càng say.
Phải cơ mới biết cơ Trời nhiệm (mầu nhiệm),
Có rủi bằng dường lại có may.

Cuộc đời

Cửa sổ buồn xem ngựa trắng qua,
Vừa khôn thì lại thấy vừa già.
Trước đã cậy lòng con cái,
Sau còn nhớ đức mẹ cha.
Giầu có làng, sang có nước,
No nên Bụt, đói nên ma.
“Sắc, Không” chữ ấy âu vàng thép,
Nghĩ lại thì là bẵng cái hoa.

Bài số XIV (19)

Vô duyên, trái kiếp, thiệt hòa hai,
Chẳng biết là ai giống máu ai?
Những tưởng trên thời đà suốt dưới,
Nào hay trong lại phải thua ngoài.
Nghĩ nguồn cơn nọ, gan dầm muối,
Thấy khúc nôi này, thịt sởn gai!
Khen kẻ đặt lời, sao khéo xiết,
Rằng thân người chẳng khác con bài!

 

Cái quan niệm về phẩm giá, nhân cách con người nay đã khác xưa nhiều. Xưa chỉ trọng đạo Nho thì trung với vua là nhất (Quân rồi mới đến Sư, Phụ), những kẻ bị liệt vào hạng bất trung dẫu có trút lên đầu họ bao nhiêu tội cũng không oan. Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép:” Việc làm của Nguyễn Hữu Chỉnh thường càn bậy nhưng động đến đâu đắc chí đến đấy…” (20). Ta đã thấy những hành động của Chỉnh chẳng phải là “thường càn bậy”, còn “động đến đâu đắc chí đến đấy” thì chỉ cần lược qua quãng đời ngắn của Chỉnh cũng thấy rõ:

1 – Quận Việp cho Chỉnh là kỳ tài nên thu dụng, thế mà 16 năm sau mới cho coi đội Thiện tiểu; khi Nam chinh, Chỉnh chỉ được giữ chức Tư thừa.

2 – Vì chung thủy với Quận Huy mà Chỉnh bị tra khảo đến gần chết; sau còn phải bỏ trốn vào Nam với Nguyễn Nhạc.

3 – Hết lòng với Tây Sơn mà vẫn bị Tây Sơn nghi ngờ, bỏ rơi đến hai lần.

4 – Hết sức giúp Vua Lê trị nước nhưng rút cục Vua cho là lạm quyền, muốn giết, các quan hạch tội, người Kinh ném đá…

5 – Hết lòng vì chủ, vì nước, chết đã bị phanh thây mà vẫn tiếp tục bị hậu thế phỉ báng là giảo quyệt, phản thần, vv.

Tôi không thấy Nguyễn Hữu Chỉnh “đắc chí” ở chỗ nào.

“Ðược làm vua, thua làm giặc”, người đời đối với Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh có dạ chênh lệch quá đáng. Ðành rằng Nguyễn Huệ có tài cầm quân, trị nước, có công đánh đuổi quân Thanh , v.v. song Huệ đã sai giết Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ V ăn Nhậm, sai dìm chết cả phái bộ Trần Công Sán mà chẳng thấy ai trách là tàn nhẫn; Huệ làm quan với Nhạc rồi lại lên ngôi, kình chống Nhạc, chẳng thấy ai gọi là “phản thần”… Ai cũng chê Chỉnh “giảo quyệt” mà chẳng nhớ rằng Phan Lê Phiên cũng đã từng phê bình Nguyễn Huệ:”Bắc Bình Vương là người rất quyệt, hay dùng trí lung lao người khác, khi ném xuống, lúc nâng lên, không biết đâu mà dò.” (21)

Nguyễn Hữu Chỉnh cũng là một viên tướng giỏi, so với Nguyễn Huệ tuy có kém về tài cầm quân song chẳng phải kém một trời một vực, mà Chỉnh lại hơn hẳn Huệ ở mặt văn tài. Cả hai đều mưu trí, tàn nhẫn nếu cần, thế mà một người được nâng lên chín từng mây, một người bị dìm xuống tận bùn nhơ.

Nguyễn Hữu Chỉnh tài mạo song toàn, ăn ở có nghĩa khí không kém ai, tàn nhẫn không hơn ai, song gặp toàn nghịch cảnh, suốt đời lận đận. Ðã không gặp thời, không thỏa chí nguyện, ngậm oan chết thảm mà còn đời đời bị phỉ báng. Chữ “tài” quả nhiên cùng với chữ “tai” một vần.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh,

Châtenay-Malabry, tháng 6, 1994

(Thế Kỷ 21, số 64, tháng 8, 1994) Sửa lại tháng 7, 2000

 

Chú thích 

1 – Ngô Thì Chí, tr. 115-6, chép rằng Vũ Văn Nhậm, khi ở Thăng Long, thường dèm Chỉnh với Huệ, dựa vào câu: “Hổ tự Tây Sơn xuất; Long tòng Ðông Hải lai ” [nghĩa là: “hổ” (anh em Tây sơn) từ non Tây ra khỏi núi thì thất thế, còn “rồng” ở biển Ðông lại thì vẫy vùng], mà Chỉnh lại là người Ðông-hải.

2 – Bảo Vân, tr. 77.

3 – Vua Chiêu Liệt là một ông vua có tiếng hiền đời Hán.

4 – Có chỗ chép là Võ Tá Dao, hay Phạm Ðình Dao.

5 – Ngô Giáp Dậu, tr. 130.

6 – Lê Quý Dật Sử, tr. 69-71, chép rằng Huệ, Chỉnh vào thành (Thăng Long) phá tan phủ Chúa.

7 – Lê Quý Dật Sử, tr. 73. Theo Ngô Thì Chí thì vua gửi mật thư triệu Chỉnh ra, trung tuần tháng 9 Chỉnh kéo quân ra giết Lê Trung Nghĩa, v.v.

8 – Ngô Thì Chí, tr. 154-7.

Trong Dụ Am Ngâm Lục, I, tr. 157, Phan Huy Ích cho biết sau khi giao tranh ở bờ biển, Lê Trung Nghĩa bị thương nặng, ngã ngựa, bị bắt sống, nửa đường thì chết, còn Phan Huy Ích cưỡi ngựa chạy trốn, bị một tì tướng của địch bắt về giam nơi đóng quân ở Dương Xá hơn một tháng rồi thả. Không thấy nói đến chuyện cái trống, cũng không nói đến chuyện bị Chỉnh mắng rồi bắt đi theo.

9 – Ngô Thì Chí, tr. 164 & Lãng Nhân, tr. 168-9, chép rằng: “Sau cơn đại biến, kho nhà nước không còn gì, Chỉnh xin vua hạ chiếu thu đồ đồng của dân gian đem về kinh sư đúc tiền. Các đồ đồng ấy quá nửa bị sung vào việc trang trí phủ đệ của Chỉnh nên không còn đủ số lượng dùng đúc tiền. Chỉnh bèn xin thu các chuông chùa để lấy thêm đồng, việc này làm cho nhân dân nguyền rủa Chỉnh thậm tệ. Có người dán hai câu ở cửa Ðại Hưng (cửa Nam, Thăng Long):

Thiên hạ thất tự chung, chung thất nhi đỉnh an tại?

Hoàng thượng phần vương phủ, phủ phần tức điện diệc không.

Nghĩa là:

Thiên hạ mất chuông chùa, chuông mất vạc ở đâu được?

Hoàng thượng đốt phủ Chúa, phủ đốt, điện cũng trơ thôi.

10- Vợ Vũ Trinh là chị ruột Nguyễn Du.

11 – Lãng Nhân, tr. 156, Chỉnh sinh năm 1742 – Thái Kim Ðỉnh, tr. 43: sinh năm 1741.

12 – Lê Quý Dật Sử, tr. 84-5. Hơi vô lý vì Huệ là võ tướng, chưa thấy chỗ nào chép Huệ sính làm văn thơ.

13 – Tang Thương Ngẫu Lục, tr. 150.

14 – Ngô Thì Chí, tr. 224.

15 – Ngô Thì Chí, tr. 241-6: “Từ khi giết được Chỉnh, Vũ Văn Nhậm tự đắc, ra oai “sai người bằng cầm, khiến người bằng ý” (hất cầm và đưa mắt) và cho Ngô Văn Sở biết mình tạm thời lập Sùng Nhượng Công Duy Cẩn lên làm Giám quốc vì người Bắc còn nhớ nhà Lê, sau này “người chễm chệ làm chủ chẳng ta còn ai”?

16 – Ngô Thì Chí, tr. 154-5 & Lãng Nhân, tr. 167 – Cương Mục, XVI, tr. 10.

17 – Kinh Kha, Dự Nhượng là hai người liều chết báo thù cho chủ, thời Chiến quốc.

18 – Mạnh tử viết: “Ngưỡng bất quý ư thiên, phủ bất tạc ư nhân” nghĩa là “Hành sự ngửa mặt lên không thẹn với Trời, cúi xuống không hổ với người”.

19 – Những bài thơ có tên (chưa rõ tên có do Nguyễn Hữu Chỉnh đặt ra hay không) trích theo Trần Trọng Kim và Dương Quảng Hàm, còn bài không có tên, mang số XIV, trích theo Thái Kim Ðỉnh.

20 – Ngô Thì Chí, tr. 223.

21 – Ngô Thì Chí, tr. 194.

Sách tham khảo 

BẢO VÂN: Thi Ca Cổ Ðiển, tập Thượng. Canada: Quê Hương, 1978.

BÙI DƯƠNG LỊCH (?)): Lê Quý Dật Sử. Hà Nội: KHXH, 1987. Dịch giả: Phạm văn Thắm.

DƯƠNG QUẢNG HÀM: Việt-Nam Thi Văn Hợp Tuyển. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu, 1968; Sống Mới tái bản ở Mỹ.

ÐỖ BẰNG, HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, PHAN THUẬN AN, MAI KHĂC ƯNG: Nguyễn Huệ Phú Xuân. Huế: Thuận Hóa, 1986.

HOA BẰNG: Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792). Hà Nội, 1944; Sài Gòn tái bản, 1958; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.

LÃNG NHÂN: Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập. Sài Gòn: Nam Chi Tùng Thư, 1966.

NGÔ GIÁP DẬU: Hoàng Việt Long Hưng Chí. Hà Nội: Văn Học, 1993. Dịch giả: Ngô Ðức Thọ, Mai Xuân Hải, Nguyễn văn Nguyên .

NGÔ THÌ CHÍ: Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Phong trào Văn Hóa tái bản, 1969; tái bản ở Mỹ, không đề năm. Dịch giả: Ngô Tất Tố.

NGUYỀN LỘC: “Nguyễn Hữu Chỉnh”, Tự Ðiển Văn Học, II.

PHM ÐÌNH HỔ , NGUYỀN ÁN: Tang Thương Ngẫu Lục. Sài Gòn, 1962; Ðại Nam tái bản ở Mỹ. Dịch giả: Ðạm Nguyên.

PHAN HUY ÍCH: Dụ Am Ngâm Lục, I, Dật Thi Lược Toản. Hà Nội: KHXH, 1978. Nhiều người dịch.

TẠ CHÍ ÐẠI TRƯỜNG: Lịch Sử nội chiến ở Việt-Nam từ 1771 đến 1802. Sài Gòn; Văn Sử Học, 1973; tái bản ở Mỹ.

THÁI KIM ÐỈNH: Năm thế kỷ VĂN NÔM NGƯỜI NGHỆ. Nhà xuất bản Nghệ An, 1995.

TRẦN TRỌNG KIM: Việt Thi, 1946; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

TƯ MÃ THIÊN: Sử Ký. Dịch giả: Nhượng Tống, 1944; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.

Ðại-Việt Sử Ký Tục Biên. Hà Nội: KHXH, 1991. Dịch giả: Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng.

Một vài sử liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Một nhóm học giả. Ðại Nam sưu tập, xuất bản năm 1992.

“Tần Cung nữ oán Bái Công Phú, của Cống Chỉnh”, Trung Bắc Chủ Nhật, số 210, 9.7.1944. Không đề tên người sưu tầm.

Văn Học Việt-Nam thế kỷ 18 – giữa thế kỷ 19. Hà Nội: Văn Hóa, 1963.

Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập XIX, XXHà Nội: Sử Học, 1960.

o O o

(Phần lớn những chi tiết về Nguyễn Hữu Chỉnh đều dựa vào Hoàng Lê Nhất Thống Chí, so với Lê Quý Dật Sử thì tương đối Hoàng Lê Nhất Thống Chí đáng tin hơn, song vẫn còn những chỗ không ổn mặc dầu tôi đã đối chiếu với các sách sử khác để sửa lại.

Lúc đầu căn cứ vào Trung Bắc Chủ Nhật và Việt-Nam Thi Văn Hợp Tuyển (Dương Quảng Hàm), tôi tưởng bài “Tần Cung nữ oán Bái công” là của Nguyễn Hữu Chỉnh làm, tự ví mình với người Cung nữ oán trách Bái công (Nguyễn Huệ) bỏ rơi. Sau đọc Thái Kim Ðỉnh, thấy ông dè dặt viết:”Tương truyền, ông (Nguyễn Hữu Chỉnh) còn có “Cung oán thi…” nên tôi tạm thời cắt bỏ bài “Tần Cung nữ oán Bái công” vì chưa rõ bài này có đúng của Nguyễn Hữu Chỉnh hay không).

Nguồn: chimviet.fr