Tuesday, November 29, 2022

Hai Ngõ Đạo Đời - Hàn Thiên Lương

 

HAI NGÕ ĐẠO ĐỜI

 

Vào năm 1940 quân Nhật đã tràn vào Đông Dương và ngự trị Saigòn, nên hằng ngày máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, nhiều khu phố sụp đổ tan tành. Thương vong không ít.  Nhiều người đem gia đình tản cư về quê. Gia đình tôi cũng ở trong trường hợp đó, chỉ có ông ngoại và dì Út tôi ở lại trông nhà. Lúc đầu ở ngay quận Đức Hòa, nhưng vào tháng 11 năm 1945 quân Pháp đánh chiếm Hốc Môn Củ Chi và kiểm soát quốc lộ 1, đám Việt Minh ở Đức Hòa ra lịnh sơ tán vào vùng sâu. Dân chúng gồng gánh chay vào khu Gò Sao, Rạch Nhum có gia đình chạy tuốt và mật khu Rừng Thơm phải bị chết chóc vì Tây oanh tạc, gia đinh tôi ngừng lại xóm Trại Bí xã Hiệp Hòa. Vào đầu năm 1946 Việt Minh rất tàn bạo họ giết đạo Cao Đài, giết các ông hội đồng, cả người trong ban hội tề xã, đốt nhà và cướp tài sản! Lúc đó thật kinh hoàng, cha tôi trước là công chức sở Công chánh nên ông sợ lắm, một đêm ông bỏ nhà lẫn qua đường Hốc Môn vào Sai gon. Thời gian sau nửa, đêm khuya má tôi dẫn chúng tôi lẫn trốn qua Củ Chi, theo quốc lộ 1 về Phú Nhuận ở nhà Ông ngoại tôi.

Bây giờ tôi bắt đầu đi học lại, đã 10 tuổi rồi mà mới được học lớp hai chung lớp với mấy bạn ở bảy tuổi.  May quá trong xóm gần nhà có anh bạn tên Ân cùng hoàn cảnh hồi cư như tôi, lớn đầu mà học trễ! Trường chúng tôi học rất xa, vùng Phú Nhuận chỉ có một trường Sơ Học, gồm có 3 lớp ( 1,2,3 lúc đó gọi là lớp 5, lớp tư và lớp 3 dạy nhiều tiếng Pháp), gọi là trường Tổng, tọa lạc khu Tổng Tham Mưu. Hai chúng tôi rất chăm học, vì cậu Mười tôi cứ hăm he rằng:hai đứa bây phải gắng lên lớp luôn, nếu rớt người ta đuổi học vì lớn tuổi chịu dốt đó!

Qua lớp tiểu học, tôi và Ân thi đậu vào trường Petrus ký, lúc dó hai đứa đã mười lăm tuổi rồi nhưng chúng tôi rất chăm học nên thi đậu trung học đệ nhất cấp rất dễ. Đến lúc học đệ nhị để chuẩn bị thi Tú tài 1, các thầy giáo ai cũng bảo Tú Tài 1 khó đậu lắm, tỷ lệ đậu chỉ mười phần trăm. Chúng tôi thật lo, đã qua 20 tuổi nếu rớt là phải đi quân dịch. Ngặt một nỗi, lúc đó khu phố tôi có một gia đình rất giàu về ở, họ có cả Ô Tô, có máy hát, hát rùm trời!… nhất là  từ buổi trưa đến tối, đủ loại tuồng nào là Lan và Điệp, Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh Khố Chuối …, Gây xáo trộn cho sinh hoạt của cả xóm!

Một buổi tan trường về Ân hỏi tôi: hơn tháng nay bạn có học bài được không?  Tôi nói : – trời ơi chỉ nghe cải lương nhức đầu lắm!

Ân đáp :- Có một chỗ yên tịnh lắm. Mình vào chùa Kim Sơn học bài.

Tôi nói đùa : vào chùa tu hả ông?

Không phải tu hành gì cả, chùa nầy sư nữ trụ trì là Dì Hai của tôi không sao đâu hai đứa mình cứ ngồi bên hong chùa học bài, yên lắm, vả lại cảnh chùa đẹp, ông thấy là ưng ý, chắc ông sẽ viết được những bài thơ hay!

Hôm sau đi học về lối 2 giờ trưa hai đứa chúng tôi vào chùa Kim Sơn, cũng gần nhà, chỉ qua con lộ Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long) là tới. Trước khi vào chùa phải qua một nghĩa trang khá rộng. Chúng tôi đi men theo con đường mòn lên khu đồi thấp là sân chùa. Ôi một cảnh thật đẹp ít có tại vùng Phú nhuận. Một dãy hàng dương rì rào theo gió cạnh con rạch nhiều bông lục bình tím, bên phải là một ao sen có nhiều cá, trên bờ ao vài bụi chuối, có cây buồng chuối có trên 2 trăm nải dài thòng xuống đất thật bắt mắt. Giữa sân một gò mối to đụn trên ngọn có bụi dâm bụt  bông vàng dỏ rung rinh theo gió!

Ân chợt nói nhỏ với tôi rẳng:dưới gò mối đó có hai con rắn hổ to và dài, có lẻ nó tu rồi nên nó hiền lắm, thỉnh thoảng bò vào chánh điện nghe kinh ! Tôi nghe xong phát sợ hỏi lại :-bạn có lần nào thấy không?.

Ân đáp : thấy nhiều lần, vì chùa nầy là chủa dì Hai tôi nên tôi hay lui tới!

Chuyện đó coi như qua di. Thường ngày cứ độ hai giờ trưa hai chúng tôi vào ngồi học ở hiên chùa thật bình yên. Có một hôm đang ngồi học Ân vụt đứng dậy chạy băng qua nghĩa trang, tôi chòm lên nhìn theo thấy Ân đang quảy một gánh vỏ dừa vào sân chùa, đi sau là một ni cô trẻ. Cô lấy chiếc khăn trên vai lau mồ hôi trên mặt, mặt cô ửng hồng, đôi mắt thật tinh anh. Cô nhìn tôi chấp tay khe khẻ nói : –mô Phật chào huynh .

Tôi nhìn cô không đáp lại, chỉ dạ một tiếng. Ân đổ hai thúng vỏ dừa xuống sân. Cô vội lấy chiếc đòn gánh trải mấy vỏ dừa ra phời, bèn nhìn Ân cười, chấp tay nói khẻ: mô Phật, xin cám ơn Huynh,



Ân không nói lời nào chỉ gật đầu !

Sau khi Cô khuất trong chùa thì Ân nói với tôi rằng: Ni cô nầy tội nghiệp lắm, cô pháp danh là Diệu Hạnh, cha mẹ Cô ở cùng quê với má tôi quận Cần Đước. Vào năm 1947 Tây đi bố vào xã, ba Cô trước là thầy giáo tiểu học tức nhiên là giỏi tiếng Pháp. Tây hỏi Ông trả lời ý tốt nói Tây đừng đốt nhà vì ở đây dân hiền lắm. Thế là cả xóm không bị đốt nhà! Nhưng rủi ở xóm ngoài, ba tên du kích đang núp dưới ao cá bị Tây bắn chết, thế là Việt Minh bảo thầy giáo chỉ điểm cho Tây, nên tối chúng đến nhà giết cả cha mẹ Cô. Trời ơi lúc đó Cô mới có Sáu tuổi thật bơ vơ! Má tôi hay tin xuống Cần Đước dẫn cô về cho đi học cùng trường với Kim Anh em tôi. Cô thông minh  học giỏi lắm và đậu tiểu học, má tôi cho cổ cùng học với Kim Anh tại Tư Thục Tân Thịnh được đến lớp đệ ngũ ( lớp 8 ) lúc dó cô trổ mã đẹp lắm, một hôm má tôi dẫn cô và Kim Anh đi chùa nầy cô gặp Sư cô Diệu Đức là dì tôi họp ý trùng nghiệp thế nào không biết, cổ xin nghỉ học vào chùa phát nguyện đi tu. Vì là chùa của dì nên tôi thường hay lui tới, thấy cô cực khổ mà tôi tội nghiệp và thương lắm! Thật hai ngõ Đạo đời trong cõi trần gian nầy ngõ nào cũng khổ cũng cực! Nói đến đó tôi thấy Ân nhìn xuông mắt vương lệ ngậm ngùi!

Chúng tôi tiếp tục đến chùa nầy học bài một thời gian dài rất thuận tiện và kỳ thú: nếu trời vừa đổ mưa ni cô Diệu Hạnh ra bảo:

Hai Huynh vào trong kẻo ướt lạnh,

thường lúc đó Ân bảo nhỏ với tôi :

không sao vào đi chắc dì Hai tôi bảo cô ra kêu đấy.

Còn điều kỳ thú nữa là thỉnh thoảng vào buổi trưa 2 chàng rắn hổ từ gò mối chui ra lửng thửng bò vào chánh điện, thường có một con rùa thật to từ đám chuối bò ra ăn những bông sứ ( hoa đại ) rụng, từ từ lại gần chúng tôi rất thân thiện. Trên cành dương có những con chim cu gù gáy liên tục, bất chợt tôi nhớ cảnh quê nhà tôi vào buổi trưa quá! Thỉnh thoảng chiếc xuồng ba lá lướt qua, các chị hay bà chấp tay hướng vào chùa xá xá biểu lộ sự tôn kính !

Một buổi trưa trước khi vào chùa để ôn bài, Ân dẫn tôi theo đường Võ Di Nguy vào tiệm giày Minh Quang anh lấy đôi dép có quai sau, anh nói là mua cho Diệu Hạnh vì anh thấy mấy ngày nay dép của Diệu Hạnh đứt quay nên cô đi chân không thật tội nghiệp.

Nghe như vậy tôi nghĩ Ân thương Diệu Hạnh biết bao!

Lần lữa chúng tôi qua hai kỳ thi Tú Tài 1 và hai, cả hai đổ được hạng binh thứ chúng tôi nghĩ chắc nhờ Cô Diệu Hạnh cầu nguyện cho chúng tôi!

Sau thời trung học có kết quả, chúng tôi nộp đơn thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh kết quả Ân rủi không trúng tuyển, tôi nghĩ Ân sẽ học ở Đại Học Khoa Học Ban Toán, nào ngờ Ân Vào trường Võ bị Đà Lạt. Trước ngày Ân đi nhập học, Ân rủ tôi vào Chùa Kim Sơn lễ Phật. Thật  sự Ân đến để giả từ Diệu Hạnh, ở sân chùa tôi đứng cách xa bên hồ cá. Tôi thấy Diệu Hạnh khóc nhiều lắm!

Rồi hai chúng tôi xa nhau, xa ngôi chùa nhiều kỷ niệm, Ân xa một ni sư nhưng hình bóng Diệu Hạnh mãi trong lòng chàng! Lúc ra trường chiến tranh càng lúc càng ác liệt, Ân ở miền Cao nguyên còn tôi ở một quận gần biên giới Viêt Miên. Thật xa cách có nhớ về nhau đôi lúc, nhưng nhiệm vụ tất bật của đời trai thời chinh chiến nên mọi sự đều gác lại!

Có một lần cha tôi chết tôi được về phép để lo tang, gặp Kim Anh, em gái Ân, đến chia buồn. Kim Anh hỏi tôi có biết chuyện tình của Ân và ni sư Diêu Hạnh không .

Tôi đáp : có biết nhưng chắc không rõ như cô trong gia đình đâu!

 Tiếp đó Kim Anh nói :

-“lúc anh Ân mới đậu Tú Tài 2, cả nhà vui lắm, trong bữa cơm chiều Ân nói với má tôi rằng anh nhờ má tôi nói với dì Hai Ni sư trụ trì chùa Kim Sơn cho Diệu Hạnh hoàn tục để anh cưới Diệu Hạnh làm vợ! 

Má tôi nghe như vậy bà kêu trời và phản đối, Bà nói :

“Ân ơi đời là bể khổ trầm luân, Diệu Hạnh thoát tục, thoát cõi mê lầm về bến giác cớ chi con kéo người ta về tục lụy khổ đau. Má thương con chìu con mọi thứ nhưng việc nầy má không bao giờ chấp nhận. Ân ơi “tu là cõi phúc tình là dây oan “ mà con ! Con đậu tú tài mai mốt lên đại học thiếu gì nữ sinh đẹp để con thương, cớ chi làm bận rộn cảnh chùa xáo trộn đời một ni cô” .

 Anh Ân nghe vậy không cải lại má, thật bản tánh anh hiền lắm, cả ngày sau anh chỉ ngủ trong buồng và im lặng. Sau đó anh bỏ trường Đại học Khoa học vào trường võ bị Đà Lạt. Nay thì anh sống cuộc dời sương gió khói lửa, canh cánh trong lòng một mối tình.  Ôi như cảnh Hồn Bướm Mơ Tiên!.”

Kim Anh lúc đó là một góa phụ, chồng cô sĩ quan sư đoàn 5 bị Việt cộng phục kích chết ở Lộc Ninh!

Đến sau ngày 30 thán tư 1975 tôi và Ân bị lưu đày nơi đất Bắc miền thượng du , đến năm 1979,  bị Trung Cộng đánh họ đưa các trại trên đó về miền trung du nhất là trại Tân Lập Vĩnh Phú, ở đây mấy năm sau, hai phân trại K2 và K3 phải ra Bến Ngọc gánh lá cọ về sửa nhà tình cờ gặp Ân chúng tôi mừng lắm, tôi hỏi

 Ân có biết tin về Diệu Hạnh không,

Ân đáp :- có lần nào Kim Anh gửi quà Cô cũng cho tôi vài món chay như tương hột đậu phộng rang và một lá thơ ngắn mấy dòng,: “nguyện Đức Phật Gia hộ cho tôi và dặn rằng khi được về nhớ thăm chùa Kim Sơn!”

Tôi đáp :

tức là vào thăm cô  phải không?

Ân nhìn tôi im lặng chỉ nở một nụ cười thật héo hắt!

Đến năm 1984 trại Vĩnh Phú thả nhiều đợt, tôi và Ân được thả vào tháng bảy âm lịnh , về đến nhà vào sáng rầm tháng bảy, mới 11giờ trưa Ân sang nhà tôi rủ vào thăm chùa Kim Sơn, tôi bàn với Ân  :

-Hôm nay là lễ Vu Lan Phật tử đông lắm cô Diệu Hạnh bận, sao tiếp chuyện với mình được, rôi chúng tôi hẹn nhau 7 giờ chiều sẽ đến.

Chiều hôm đó mưa lâm râm, đến chỗ nghĩa trang thì mit mù, hai Chúng tôi lần qua nghĩa trang, xa xa bên trong có bóng một ni sư, chợt nghe có tiếng nói :

“Hai huynh về rồi hả?

Ân nói nhỏ với tôi:

Như tiếng của Diệu Hạnh.

Hai chúng tôi không trả lời. Ở phía trong nghĩa trang nói tiếp :

Hai Huynh vào lễ Phật đi.

Chúng tôi đi mau đến sân chùa và vào ngay chánh điện, lúc đó chi có khoảng 15 người kể cả các ni sư. Chúng tôi ngồi sau cùng. Chừng 15 phút hết lễ, Ân và tôi liền gặp ni cô ngưng hầu chuông Ân hỏi:

-Sao không không thấy cô Diệu Hạnh?

Ni cô trả lời vội :

Diệu Hạnh viên tịch gần một năm rồi!

Nghe như vậy xương sống tôi ớn lạnh, còn gương mặt Ân tái ngắt. Chúng tôi đi lần ra sau chánh điện thấy ảnh của cô Diêu Hạnh trên bàn vong nghi ngút khói hương .

 Lần đâu tiên tôi thấy Ân khóc thiệt! Ni cô trẻ vẫn đi sau lưng chúng tôi và nói :

Diệu Hạnh được chôn cất trong nghĩa trang chùa mà hai huynh mới đi ngang qua….

 

Hàn Thiên Lương

Từ trang dđqghcuc

Ở Đó Dòng Sông Nơi Này Mưa Muộn - Thuyên Huy

 Ở Đó Dòng Sông Nơi Này Mưa Muộn

Cho người con gái quê ở Bến Cầu ngày xưa đó

 













Ở đó dòng sông dòng sông buồn

Nơi này mưa muộn mưa muộn tuôn

Em áo bùn đen đời lam lũ

Tôi quần chấp vá kiếp tha phương

 

Tiếng vạc ăn đêm tiếng vạc sầu

Ễnh ương lẻ bạn ễnh ương đau

Đôi bờ một chuyến đò ngang chợ

Chờ nhau mình hỏi chuyện bể dâu

 

Hiu quạnh đồng xa xóm cứ nghèo

Vách thưa mái dột gió lùa theo

Ngu ngơ tóc vội cài Sim tím

Em nhặt chút duyên giữa nắng chiều

 

Nở muộn bờ mương cánh Điệp gầy

Hoàng hôn đi bỏ nhớ lại đây

Em đã biết buồn từ dạo đó

Từ dạo sông thôi hứng trăng đầy

 

Rồi cũng đành theo một kiếp người

Kiếp người chưa có được ngày vui

Tôi rời xóm vắng chiều mưa muộn

Em đường lủi thủi tiếng mưa rơi

 

Em bỏ dòng sông bỏ con đò

Căn chòi lá rách đứng trơ vơ

Từ đó không ai về chốn cũ

Chờ nhau biết chờ đến bao giờ

 

Thuyên Huy

Tía - Trần Khắc Tường

TÍA





Nhìn cảnh anh Ba Khía lúng ta lúng túng trong bộ vest, con Lụa may cho cha trong ngày cưới mình, ai cũng rưng rưng nhiều xúc động. Đến lúc, anh rung rung cầm ly rượu đại diện nhà gái phát biểu trong lễ vu quy thì mọi người đều đưa tay quệt nước mắt.

Anh Ba Khía ít học, ảnh nói vỏn vẹn có hai câu vậy nè:

- Cuộc đời tía, chỉ có hai lần tía nhớ nhất: Lần thứ nhất là khi tía ẵm con từ tay má con và lần thứ hai là tía thấy con đi lấy chồng. Tía chỉ mong con gái tía hạnh phúc, dù tía có hi sinh cũng được.

Ảnh nói có vậy, mà con Lụa khóc nức nở. Nó hiểu tía nó. Tía nó chỉ là một nông dân nghèo không có ruộng đất, toàn đi làm thuê làm mướn. Tía nó có một cái nhà lá tồi tàn cất trên gò đất do ông bà để lại. Cái nghèo buộc tía nó phải sống đơn côi cho đến khi nó xuất hiện trong đời tía nó. Cái ngày định mệnh đem nó đến với tía, khi tía nhận má nó về cưu mang...!

Lúc đó, má nó đang có bầu, bị người ta hất hủi, không có nơi nương tựa. Tía thương tình mang về cho tá túc và chăm sóc má nó lúc sanh đẻ. Đẻ xong được bốn tháng, má bỏ đi để lại nó cho tía.Đó là những tháng cực nhọc nhất của tía nó trong vai gà trống nuôi con mà nó đâu phải con ruột của tía.

Năm nó vào lớp Một, bạn bè chọc bảo nó con hoang. Nó chạy về hỏi tía, tía đưa tay lau nước mắt nó, tía nói:

- Tía không sinh ra con, nhưng từ khi tía nhìn thấy con thì con là con ruột của tía rồi. Ai nói sao thây kệ nó đi con. Tía thương con bự như ông trời vậy đó nghen!

Rồi tía giả đóng ông trời khệnh khạng, nó cười vang nghĩ:

- Ừ kệ, tía thương mình là đủ.

Năm nó mười tám tuổi chuẩn bị thi đại học thì tía nó bị tai biến ngất ngoài đồng, miệng méo xệch một bên. Nó chạy từ trường vào trạm xá mà nước mắt ròng ròng, lỡ tía có chuyện gì nó mồ côi sao chịu nổi. Nó cứ chạy chạy thật nhanh đến trạm xá ngoài Chợ Đào thì tía đã tỉnh. Tía bị liệt nửa bên trái, tía nằm tía khóc. Nó vừa đi học vừa chăm tía, nó thương tía đứt ruột đứt gan mà không biết làm sao giúp tía.

Rồi không biết sao tía gọi người đến gả nó cho con nhà giàu xóm trên. Tía muốn giải thoát nó. Nó đi học về thấy người ta đến đông nghịt, tía ngồi cái bàn giữa nhà nhìn nó. Tía kêu nó lại, tía nói tía gả nó cho con trai dì Mười Xuân, tía nói người ta hứa sẽ cho nó ăn học đến nơi đến chốn.

Nó nghe mà nức nở, nó quỳ gối gục mặt trên chân tía, nó hỏi:

- Tía gả con rồi tía ở với ai? Ai sẽ lo cho tía khi tía đang bệnh tật?

Tía nó nghèn nghẹn bảo:

- Tía cực khổ nuôi bây từ nhỏ đến giờ. Bây không phải con ruột của tía, bây đi đi cho tía bớt gánh nặng.

Nó lạy tía nó, nó khóc rấm rứt:

- Từ lúc con biết suy nghĩ, tía đã là cha ruột của con. Con không đi đâu hết. Con lạy tía đừng đuổi con đi. Con sẽ đi học, sẽ làm thêm, sẽ lo cho mình để tía không cần lo cho con. Con lạy tía! 

Nó cứ dập đầu lạy tía. Hai cha con ôm nhau khóc, những người xung quanh cũng im lặng nước mắt chảy theo, dì Mười Xuân cũng lẳng lặng rút về.

Đến ngày Lụa thi đại học, tía đưa nó một bọc đỏ, tía cho nó mấy chỉ vàng tía dành dụm cả đời. Tía dặn nó yên tâm thi, tía sẽ lo cho nó học hành đàng hoàng như người ta. Nó chỉ biết dạ, lòng nó dấy lên tình thương vô bờ bến dành cho tía. Nếu không có tía nó đã là đứa trẻ mồ côi, nếu không có tía nó đã lang thang đầu đường xó chợ, nếu không có tía nó làm sao biết được tình cha ấm áp như thế nào...!

Năm nó 20 tuổi thì má về, má xin nhận lại nó. Má bảo sẽ trả tía thật nhiều tiền, tía nói với má:

- Tui hông bán con Lụa, bà cứ hỏi nó, nó muốn sao thì tui chịu vậy!

Rồi tía bỏ ra trước hiên ngồi. Má năn nỉ nó, má hứa cho nó cuộc sống giàu sang, má nó không đẻ được nữa nên nó là đứa con duy nhất. Nó nhìn theo dáng tía, nó nói với má:

- Má về nhận lại con là con vui rồi. Nếu ngày đó, tía bỏ con thì sao má? Má biết tía nghèo nhưng tía chưa bao giờ từ chối con điều gì cả. Tối nào, tía cũng rửa chân con bằng nước ấm, tía bảo cho con dễ ngủ, tía lo bùn lấm chân con, tía sợ con nhớ má tủi thân.

Má nó nấc nghẹn, nó nói tiếp:

- Con và tía trải qua những lúc cực khổ nhất rồi. Con thương tía, giờ tía bệnh tật yếu nửa người, đi đứng khó khăn, con không bao giờ bỏ tía. Má dìa đi!

Má nó gật đầu, nước mắt chảy thành dòng, ngoài hiên tía nó cũng quặn thắt theo từng lời nó nói.

Mỗi người chúng ta gặp trong cuộc đời này đều có một ý nghĩa gì đó. Đối với anh Ba Khía - Nó như một ngôi sao nhỏ trong xanh vô tình rớt xuống mảnh đời cơ cực của anh. Ngôi sao bé nhỏ ấy đã soi sáng cuộc sống anh, làm cho nó hết đơn côi, ý nghĩa và cao cả hơn...!

Có lẽ vì vậy mà anh đặt nó tên Lụa, một loại vải quý được rút ruột từ những sợi tơ tằm thương yêu trong lòng tía nó....!

 

Ghi lại

 

Trần Khắc Tường.

304Đen – llttm -BCT

  

Nỗi Sầu Ma Nữ - Nhát Lang

 Nỗi Sầu Ma Nữ














Hoa ơi! Có thấy dòng châu lệ
Giọt nhỏ xuống đây cảm nhớ hoài
Và nước! Ngươi trườn theo ngọn sóng
Có nghe da diết cõi lòng ai?

Giữa trái tim đau đầy nỗi nghẹn
Hết rồi nồng ấm tiếng yêu em
Không gian ảm đạm, tình tan tác
Liễu héo, nguyệt tàn, rũ bóng đêm…

Em thương nhớ quá hồn lang ạ
Đâu nỡ lòng nào muốn cách xa
Nhưng bởi nhìn anh buồn khoé mắt
Thôi đành dang dở nhịp ngân nga

Trăm năm dương thế chàng còn nhớ
Một ảnh hồn ma ở chốn nầy
Mòn mỏi đợi chồng bên giá lạnh
Dấu yêu, kỷ niệm…tím trời mây?…

Nhất Lang

Trong TẬP THƠ TRUYỆN HỒN LANG VỀ CÕI THẾ
Của Nhất Lang (Nguyễn Thành Sáng)

304Đen – Llttm - yd

Vàng Bông Vạn Thọ - Nguyễn Lệ Uyên

 

VÀNG BÔNG VẠN THỌ






Bất ngờ cô năm Đào cầm bàn tay khẳng khiu của ông Vạn nâng lên khỏi mặt bàn rồi đặt vội xuống. Cô xoay người ngó vào góc phòng hẹp như thể để che giấu sự xấu hổ. Ông Vạn cũng bất ngờ không kém, lúng túng rụt tay thiếu chút nữa làm đổ ly nước trà gần đó. Ông không ngó về góc phòng theo hướng cô năm, mà bối rối nhìn lên mái tóc có những sợi bạc lốm đốm của cô năm Đào. Mau thiệt. Ông thầm nghĩ, mới đó mà đã mấy chục năm. Mấy chục năm trôi qua như cái chớp mắt. Mấy chục năm thừa sức để biến một cô gái xinh xắn thành một bà già; một anh thanh niên thành ông lão đầu bạc hếu. Lòng ông chùng xuống. Chớ chi mà hồi đó… Bất ngờ cô năm quay lại:
-Ông vào chơi lâu không?
-Vài bữa. Thăm hết đám bạn bè quen thân rồi về. Đi lần cuối, biết mai mốt chân tay còn cứng cáp không nữa.
Ông Vạn đưa ly nước lên miệng hớp một ngụm nhỏ, nhưng sao mà đắng ngắt. Đắng như cuộc trùng phùng bất ngờ, không hẹn trước; khô khốc như năm tháng đè chồng lên tuổi tác. Vừa đặt ly nước xuống mặt bàn thoảng hơi lạnh, ông hỏi:
-Chớ mấy đứa nhỏ không ai ở cùng sao?

Cô năm cười buồn:
-Thời buổi này ăn tiêu thì nhiều chớ ở thì mấy hột? Hai đứa nó lặn lội trên Sài Gòn. Một năm có mặt ở nhà vài bữa. Tụi nó còn đòi bán căn nhà này, đưa tui lên trển. Nhưng sao đi được anh? Còn mồ mả ông bà, tía chúng nó nữa.
-Khác chi tui. Tụi nó như chim sổ lồng, bay mất. Ngày tối chỉ có hai vợ chồng già ngó mặt nhau – và, hình như biết mình lỡ lời, vội chữa: có khi cả tháng tôi cũng lại côi cút…
Cô năm Đào hơi nhổm người lên, rót thêm nước vào ly còn đầy của ông Vạn, lúng túng:
-Ông ở chơi lâu không?
Nghe câu hỏi lặp, ông Vạn mới là người lúng túng thật sự. Dường như có cái gì đó mãi vướng víu, ngùng ngoằng như cuộn chỉ rối, không tìm thấy mối gỡ. Nó giống như cảm giác khi ông đứng trên bờ sông nhìn đoàn ghe kết hoa đưa cô năm qua bên kia vàm, giống như cái nhìn buồn kéo dài dưới đuôi mắt cô lúc chiếc ghe tách bờ. Chớ chi câu hỏi này còn có ông Khanh, chồng cô ngồi cạnh (ông đã bỏ cô ra đi từ khi đứa con thứ hai mới chập chững biết đi )
-Hay ông ở lại ăn tết với đám bạn già này một năm đi, như thời ông còn ở đây vậy?

Cô năm lại kéo xịch ông về với quá khứ xa lắc. Đó là năm ông mới ra trường, về cái hóc xó chằng chịt sông rạch. Năm đó ông ở lại, không hẳn vì cái tết mà trước là vì cô năm. Cô rực rỡ, vàng chói như cánh bông điên điển nổi bật lên giữa những gốc rạ chổng ngược trong làn nước đồng mênh mông. Cô đẹp thuần khiết, đẹp dân dã; vẻ đẹp chân quê mộc mạc không cần đến những son phấn lụa là khiến nhiều người ngẩng ngơ, trong đó có ông. Bên này căn phòng trọ nhìn sang hình như vẻ đẹp còn bốc lên thành hương thơm lựng giữa những tên thuốc lạ hoắc: nhục thung dung, tật lê, sanh địa…quyện với hương cau, hương bưởi… trong vườn nhà khiến ông như say như tỉnh. Còn người thanh niên là ông bây giờ thì chập chờn lú lấp, nhưng bà chủ nhà thì tinh ý ngó anh lúc ngồi vào bàn ăn: Con nhỏ đó được lắm. Công dung ngôn hạnh đủ cả. Mà cũng ngược đời, người ta đậu tú tài thì lo học tiếp, còn nó thì lại nằn nì ở nhà xin tía nó học thuốc. Nó kêu để cứu người. Học có giỏi đến đâu mà không cứu được người thì cũng bằng bỏ phí. Tui có hỏi sao cháu không học tây y, cậu biết nó trả lời sao không? Tây y thì nhanh nhưng không thấu triệt mọi lẽ chân kinh. Đông y thì chậm nhưng lại khai thông được những cái tắc cái bí trong huyết mạch con người… Tui chẳng hiểu ất giáp gì ráo.

Những cái tắt, cái bí mà bà chủ kể cũng chỉ dừng lại ở đoạn lần đó anh giả đò bệnh, chạy sang thăm mạch bốc thuốc. Anh đặt tay lên chiếc túi vải nhồi bông nhỏ. Những ngón tay thon mỏng ấn lên các huyệt mạch, ấm áp tưởng chừng như mọi đường huyết mạch của anh thanh niên ngưng chảy mà nhịp tim thì đập liên hồi. Chẳng có bệnh tật gì hết, cô thốt lên. Anh chưng hửng, mặt đỏ rần, lí nhí cảm ơn rồi quay lui.
Một người không bệnh tật gì, để rồi sau đó hai người thành bệnh khi anh lui cui bứng những gốc vạn thọ cho vào thùng kiểng trong góc sân nhà trọ. Cô gái bên phía hiệu thuốc bắc ngó sang thấy lạ, đến áp vào hàng rào dâm bụt hỏi: bộ tính mang vạn thọ về quê ăn tết sao? Anh đứng lên: không, tôi ở lại ăn tết với mấy cây vạn thọ này. Cô gái cười: anh nói nghe thiệt ngộ, rồi bỏ đi. Anh thấy như cả đến những lá, những cành chỗ bộ ngực cô áp vào cũng đang run rẩy…
-Cô năm còn nhớ mấy cây vạn thọ hồi đó không?
-Nhớ chớ sao không? Nếu không tui đã không bắt tía tụi nhỏ trồng vạn thọ đón tết mỗi năm.
Câu nói không hoa hoè, kiểu cách nhưng sao ông thấy lòng bồi hồi, tưởng như đó là câu nói hồi cô năm áp sát ngực vào mấy cành dâm bụt.
-Ở lại hay không tính sau – cô năm đưa tay lên như phân bua – giờ thì tui đi hái bông so đũa nấu nồi canh chua cá lóc, món ông thích ăn hồi xưa.

Nói và cô năm Đào đứng lên, không cần biết ông có đồng ý hay không. Lúc ông bước theo ra, đứng trên hiên thềm nhìn dáng cô năm đưa tay níu những cành so đũa non, nom cô không khác với hồi ông mới gặp lần đầu, vẫn dáng thon thả, từ tốn, ý tứ; vẫn đôi bàn tay mềm mại dịu dàng. Bất chợt ông thở dài, tiếng thở nghe lạ hoắc, như là của ai chứ không phải của chính ông.

Ông Vạn bước xuống hiên thềm, ra chỗ cô năm:
-Thôi được rồi, để tôi chạy qua bên nhà tư Khê, mời ảnh qua ăn cơm với mình, chắc được?
-Sao không – cô năm quay lui – giá mà tía tụi nhỏ còn sống, anh hai Đỉnh đừng bỏ đi thì chắc vui hơn.
Ông Vạn xửng lửng, chân muốn bước mà lòng thì trì níu lại. Những chiếc bông so đũa màu trắng ngà nằm gọn trong chiếc rổ nhỏ y như nụ cười lấp ló sau hàng rào cây xanh, như những ngón tay thon trắng đặt lên huyệt mạch ông mấy chục năm trước. Và tệ hơn, ông tưởng tượng chiếc rổ con đan bằng nan lồ ô chuốc mỏng giống như chiếc thuyền tròng trành trên mặt nước sông mênh mông đưa cô qua bờ bên kia. Ông ngó xuôi theo con thuyền, còn cô thì ngoái nhìn ngược. Chiếc máy đuôi tôm quạt xành xạch, phun chút khói đen ra sau tựa như lời phân trần, nhắn gửi.

Cô kiễng chân, vói tay lên cành cao níu nhánh so đũa có chòm bông lủng lẳng xách theo bên nách áo để lộ ra chút da thịt không thể giấu trong chiếc áo bà ba. Ông Vạn bước tới, đưa tay kéo cành lá xuống. Khuôn mặt ông thật gần với cô năm, thiếu chút nữa là hai người chạm vào nhau. Má cô năm đỏ lựng, hai tay thu chiếc rổ vào bụng;
-Qua bên anh tư Khê kẻo ảnh đi nhậu mất, không tìm ra.
*
Lúc cô năm bưng chiếc bếp gas cá nhân đặt lên bàn, tư Khê gạt phắt đi:
-Đâu được, ở miệt đồng ai lại đi xài bếp gas? Để tui đốt than gáo dừa lên. Nói và tư Khê chạy biến ra ngoài vườn. Cô năm vừa đặt tay lên hông bếp định bưng lui thì cũng vừa lúc bàn tay ông Vạn đặt chồng lên. Thoáng một chút bối rối rồi hai người cứ đứng chôn chân nhìn nhau. Nụ cười rớt trên đuôi mắt cô năm, yên lặng mãi cho tới khi tư Khê kệ nệ bưng lò than hồng đặt lên miếng gạch tàu trên bàn ăn . Vẫn một giọng ồn ào không đổi, tư Khê nhóng người nhìn vào chiếc tủ đựng chén tách.
-Tui nhớ hồi nẳm ông Khanh có món rượu rắn gì đó ngon lắm, chắc còn chôn dưới đất. Chị năm nhớ chỗ nào bưng lên đãi khách quý.

Cô năm Đào đứng lên vừa nói:
-Không có chôn, đặt trong góc nhà kìa. Mỗi năm ngày giỗ của ảnh chỉ rót ra cúng thôi. Mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào đụng tới, nhà không có đàn ông, còn miết.

Tư Khê cười lạch khạch:
-Dưới suối vàng anh năm hả hê lắm đây.

Hũ sành rượu mang ra. Tư Khê chiết ra chai. Màu rượu vàng óng, thơm lừng lựng.
-Bữa nay vui, chị năm cũng uống với tụi này nghe. Mà cũng thiệt ngặt, tại sao ai cũng sanh con trai hết trơn vậy cà? Có nạc có mỡ biết đâu hai người lại sui gia, gần gũi nhau hơn?

Ông Vạn không nhìn tư Khê nói như than thầm:
-Giày dép còn có số mà anh, chớ không thì khu vườn này vàng rực màu bông vạn thọ rồi.
Tư Khê lắc đầu, hiểu lờ mờ một nửa, bỡi màu bông vạn thọ mãi tới giờ này chỉ có hai người thầm biết.
– Không sao – tư Khê lại nói – Ta nâng ly mừng cuộc tao phùng!

Ba ly rượu sóng sánh màu vàng mật ong nâng lên từ tốn và uống từ tốn. Nhưng thứ rượu đặc quánh lưu niên khiến tư Khê hứng chí mời tới, cho đến khi lưỡi bắt đầu đánh đụng chân răng cũng kịp khều khào:
-Thiệt, tức cái số hai ngư…ời… Phải chi mà chị năm chịu cảnh nắng gió núi non thì giơ…ờ na…ày…
Bữa tiệc nhỏ chấm dứt bằng cảnh ông bạn già dìu ông bạn già ra đặt lên chiếc võng gai mắc tòng teng giữa hai đầu cột ngoài hàng hiên. Cô năm Đào lấy chiếc mền mỏng vắt ngang người tư Khê. Ông ta bắt đầu ngáy như sấm động.

Chiều xuống thấp dần sau những rặng dừa lùi xa bên kia sông. Những tàu lá lúc càng đen đậm khiến ông đâm bối rối thật sự. Như có linh tính, cô năm Đào từ cầu ao quay lại, ngó vào mắt ông:
-Chắc ông sợ mang tiếng? Có anh tư làm chứng thì ảnh cũng đã say. Nhưng tụi mình đã lớn rồi, không ai đủ hơi sức để nghĩ này nọ đâu.
-Tôi ngại là ngại cho cô thôi, ở đời…

Ông nói chưa hết câu thì bất chợt nhìn thấy những bông cau trắng xoá rụng đầy vai cô năm khiến ông có cảm giác như hai người đang ở một nơi khác, cách đây mấy chục năm. Lòng ông rộn lên, nhưng cũng kịp ghìm lại. Ông cầm tay cô năm, giữ thật lâu “thôi tôi phải về, đã lỡ đánh mất rồi. Anh tư thức dậy nói tôi xin lỗi” . Cô năm Đào bóp chặt tay ông rồi thả lỏng ra “dạ, anh về mạnh khoẻ”.

Ông già bước lui, khập khễnh trên con đường đất dẫn ra phía dãy phố cuối chợ. Bước đi như bay như chao trong lớp hương cau thơm dịu, ngây ngất, phủ đầy bông vạn thọ nở bừng trong những ngày cuối năm./.

Nguyễn Lệ Uyên

304Đen- llttm- ovv

 

Thursday, November 24, 2022

Hoa Trinh Nữ - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 109- VƯỜN THƠ MỚI        

 Bài xướng:

 



             














HOA TRINH NỮ

 

Bởi em thân ở giữa đồng

Nắng mưa cam chịu nhưng lòng không nao

Bên em muôn vẻ muôn màu

Cùng chung số phận lao xao vệ đường

Đã mang một kiếp má hường

Làm duyên e thẹn,nhịn nhường- bản năng

Quân dân vua chúa đều bằng

Giữ lòng sau trước ngọc đăng sáng ngời

Nhiều gai pháp dưỡng tinh khôi

Hoa đang tươi sắc- gọi mời đáng yêu

Biết bao quân tử dập dìu

Tỏ lòng ngưỡng mộ tên thêu tặng nàng

Loài hoa Trinh Nữ đăng quang

Ngàn đời chung thuỷ Nguyệt Hằng còn ghen

 

 

Kim Trân kính bút

Họa 1:

 

           

HOA TRINH NỮ

 

Hòa cùng cỏ dại trên đồng,

Gọi tên trinh nữ nghe lòng nao nao…

Hoa khoe trắng đỏ nhạt màu,

Vươn hàng lá kép thấp cao bên đường.

Phải đâu má phấn môi hường,

Phải đâu đài các, phố phường quý nâng.

So cùng hồng cúc đâu bằng,

Quả cầu nhung thắm đầy sân sáng ngời.

Hoa cười khoe dáng tinh khôi,

Khép mi e thẹn khi người ấp yêu,

Khuyên đừng dại dột nâng niu

Cành gai sắc nhọn xuyên thêu tặng nàng.

Sớm trưa nắng ấm trời quang,

Rợp màu trinh nữ chẳng màng kẻ ghen…

 

Minh Tâm

Họa 2:

          

HOA MẮC CỠ

Cây gai hoa dại ngoài đồng

Mảnh mai lá nhỏ mà lòng chẳng nao

Loài hoa mắc cỡ một màu

Rung rinh đón gió xuyến xao bên đường

Lá xanh ẩn dưới hoa hường

Nhìn qua cảm tưởng khiêm nhường tài năng

Mặc dù sống ở đồng bằng

Nhỏ nhen nhưng lại hoa đăng rạng ngời

Có người lầm tưởng cây khôi*

Hoa màu nhạt sắc chào mời dễ yêu

Ngày ngày gió thổi dặt dìu

Lung linh vẻ đẹp dệt thêu cho nàng

Những ngày mây tạnh trời quang

Trăng rằm rọi sáng chị Hằng cũng ghen.

 

PTL

Nov.15, 2022

 *Cây khôi: thuộc họ sú, mặt dưới là màu tím

 Họa 3:

 

BÔNG MẮC CỠ

 

Loài hoa mắc cỡ bên đồng 
Giông mưa bão tố trơ lòng chẳng nao 
Quanh đây hoa dại muôn màu 
Mỗi mùa xuân đến lao xao bên đường 
Cánh hoa chi chít nhụy hường 
Thân đầy gai bén chẳng nhường tài năng 
Cho rằng truyền thuyết công bằng 
Có tên trinh nữ hoa đăng rạng ngời 
Thoạt nhìn dáng vẻ tinh khôi 
Giọt sương lấp lánh ghẹo mời dễ yêu 
Gió mùa thổi nhẹ nâng dìu 
Đẩy đưa trân quý dệt thêu tên nàng 
Hoa dại nào có hào quang 
Đêm trăng mi khép chị hằng dám ghen.

Hương Lệ Oanh VA 
Nov. 15, 2022
 

 

Họa 4:

           

HOA TRINH NỮ


Em hoa trinh nữ trên  đồng

Phong ba bão tố mà  lòng chẳng nao

Nhẹ nâng lá xếp  xanh màu

Vướng chân gai xước xác xao bên đường

Cũng thời má thắm môi hường

Đơn sơ mộc mạc phải nhường tài năng

Nhiều khi hoa mọc đất bằng

Ngây thơ duyên dáng hoa đăng rạng ngời

Hoa chưa đoạt giải nguyên khôi

Theo chân quấn quýt chào mời mến yêu

Yêu hoa người ngắm dập dìu

Sắc màu tím nhạt khăn thêu gởi nàng

Mở đôi lá nhỏ thiều quang

Trăm năm Trinh nữ chị Hằng phải ghen!

 

Nguyễn Cang ( Nov. 15, 2022)

Họa 5:

          

THU CÚC.

Sớm mai đi hóng gió đồng,

Heo may hiu hắt thấy lòng  nôn nao.

Thu về cây lá chuyển màu,

Đàn chim rời tổ xôn xao bên đường.

Hoa tàn cánh rã phai hường,

Lá khô gió cuốn nhiễu nhường vô năng.

Giòng sông gió lặng sóng bằng ,

Đôi bờ lau sậy hoa đăng trắng ngời.

Điểm vàng màu cúc nguyên khôi,

Trăm bông cúc nở sắc mời hương yêu.

Bướm bay đôi cánh vẫy dìu,

Thướt tha như vạt áo thêu của nàng.

Đến mùa trăng tỏ thu quang,

Cuội già ấp ủ bóng Hằng hờn ghen.

 

Mỹ Ngọc.

Nov. 16/2022.

 

Họa 6:

          

THÂN CỎ CHỈ

 

Em đây cũng ở ruộng đồng

Bao phen mưa lũ ngập lòng chẵng nao

Hạn khô vẫn giữ xanh màu

Bò ngang sát đất bờ cao mép đường

Có khi chạm góc gai hường

Cho trinh nữ thẹn, lòng nhường thiểu năng

Ngước lên tùng bách sao bằng

Tủi thân cỏ dại trông trăng rạng ngời

Dẻo dai bền chí dường khôi

Lắm loài dẫm đạp, để rồi tin yêu

Bao lần hò hẹn dắt dìu

Bức em dệt Nguyệt Quế thêu biếu nàng

Đời thường đắm chuộng hào quang

Em thân cỏ chỉ khẽ khàng ai ghen.

               

Tâm Quã