Wednesday, May 6, 2015

Xuôi Nam - Việt Nhân


XUÔI NAM….

 
…Ðoàn tàu vẫn tiếp tục lăn bánh, hướng về nam với rộn rã của tiếng bánh xe gõ nhịp trên đường ray, tấm bảng cắm bên đường cho thấy ga kế tiếp là nhà ga Vinh. Thành phố Vinh là quê ngoại của Mẹ tôi, thuở còn nhỏ Mẹ theo Ngoại nhiều lần về Vinh. Nhận xét về quê của mẹ sau bao nhiêu năm nhìn lại, trong lần ra bắc thăm nuôi tôi, Mẹ bùi ngùi nói không có gì thay đổi, tất cả vẫn như xưa, có chăng là mọi vật cũ đi theo thời gian mà thôi. Còn tôi tuy biết Vinh là quê ngoại, nhưng trong tôi, sau năm 75 trong chuyến lưu đày ra xứ bắc, tôi cũng đã qua đây vào một đêm, nhưng tình cảm lần đầu tiên đó, không phải thứ tình cảm bồi hồi nao nao, khi đi qua chốn mà mình biết đó là quê mẹ.
 

 
Ðêm đó qua đây lúc trời đã tối, nhà ga tỉnh lẻ, tôi nhìn qua vách xe, trong ánh sáng vàng đèn trứng vịt mù mờ, vài người bán hàng rong hỏi vọng vào trong xe, mời chúng tôi mua bánh. Vài anh tù vô tình trả lời họ, và thế là sau khi họ biết chúng tôi là tù miền nam, thì những viên đá nhặt từ đường ray ném tới tấp vào thùng xe, kèm theo lời chửi thô tục, nghe đâu có vài anh tù ở xe phía trước vì tò mò, thò đầu ra khỏi tấm bạt để nhìn cho rỏ, đã nhận ngay viên đá củ đậu vào đầu, máu ra ướt áo. Cán bộ sau đó qua sự việc này để mà lên lớp chúng tôi, anh ta nói do thấu triệt chính sách khoan hồng nhân đạo, mà đảng đã giáo dục, nên nhân dân chỉ ném đá mà thôi, nếu không có đảng dạy, thì nhân dân đã cắt cổ chúng tôi rồi(?).
 
Ðoàn xe từ từ vào ga, kinh nghiệm của lần ra, nay lần về phải cẩn trọng, chúng tôi không muốn ăn đá củ đậu. Chúng tôi giữ im lặng, không trả lời bất cứ tiếng mời mua hàng, hay tiếng gõ vào thành tàu của người mua đồ cũ… Bánh mật… mía… chuối… ai mua không?… Quần áo cũ… đồ cũ… ai bán không?… khung cảnh nhà ga ồn hẳn lên, với lời rao của kẻ mua người bán, và đặc biệt là trong toa càng lặng tiếng, thì người mua kẻ bán đứng dưới đường ray càng gào to.
Bổng quản chế áp tải tù, chúng được lịnh cho phép nghỉ giải lao, chúng í ới gọi nhau vào nhà ga để chè lá, thấy thế các người mua bán rong, vội ùa đến gần con tầu hơn, áp sát miệng vào khe hở thành toa mà rao to. Một anh mua đồ cũ, vô tình rao đúng chỗ của anh Khanh “mù” ngồi, anh Khanh xuất thân võ bị Ðàlạt và cận nặng, nên anh em thêm chữ mù sau tên anh mà gọi cho vui. Máu tếu nổi lên anh Khanh hỏi: -Có bộ đồ tù rách mua không?… Một bất ngờ và ngỡ ngàng đến với chúng tôi, thay vì là câu chửi thề, hay chuyện gì đó như ném đá, để đáp lại câu nói của anh Khanh như chúng tôi nghĩ, thì lại là tiếng reo vui thật to: -Tầu chở tù về Nam bà con ơi… sau đó qua các khe hở của vách tầu… chuối, mía được nhét vào cho chúng tôi, thật tôi không tin những gì tôi thấy. Bấy giờ buổi sáng trời vừa nắng lên khoảng chín giờ sáng, đâu phải đêm đen đâu mà không thấy những gì đang diễn ra trước mắt mình. Từ khe hở ngay chỗ tôi, tôi cũng được một cái bánh mật, bánh còn ấm nóng, đây là bánh của người dân quê xứ Nghệ, làm từ bột trộn với đường mật, gói lá chuối xong đem hấp hay luộc, đường mật mà trong nam ta gọi là đường chảy hay đường thùng.
 
Ăn bánh mật hơi giống như ăn bánh ếch trong nam, không ngon bằng bánh ếch, vì nó không có nhân. Nhưng quí vị ạ, miếng bánh mà tôi đưa vào miệng , tôi ngậm nó mà nghe ngọt tận tâm can, tôi không muốn nuốt vì sợ mất, mất những gì đang đến với tôi trong suy nghĩ, trong cảm xúc. Tới đây chắc quí vị nghĩ là tôi càn rở ăn nói lung tung chăng, không đâu, cảm xúc đang trào dâng trong tôi, thật ngọt ngào và ấm áp lắm. Ngày nào cộng sản tuyên truyền, gọi chúng tôi là lính đánh thuê, chúng tôi là dã thú, ăn gan uống máu người. Ðưa chúng tôi ra Bắc, chúng thật an tâm, chúng tôi mà trốn trại ư?, tai mắt nhân dân, sẽ giúp chúng bắt chúng tôi lại dễ dàng, nhưng sau đó chúng biết chúng lầm, dưới ánh mặt trời làm sao chúng che đậy mãi cái gian manh của chúng.
 
Và hôm nay theo thời gian, đã xóa sạch những gì cộng sản bôi bẩn chúng tôi. Từ ngay trong lòng người dân, người dân của phần đất Xô Viết Nghệ Tỉnh, mà cộng sản cai trị giáo dục họ từ những năm đầu họ Hồ du nhập chủ thuyết cộng sản vào Việt nam. Nay chúng tôi đã có chỗ, chổ chúng tôi là trong lòng những người dân nghèo bán rong, người mua đồ cũ, họ chia sẻ cho chúng tôi những gì họ có, trong nhà ga này, nhà ga Vinh, quê ngoại tôi, mà hơn năm năm về trước, họ ném vào chúng tôi bằng những viên đá xanh, to bằng nắm tay, mà họ nhặt từ đường ray. Những gì cộng sản tuyên truyền, nhồi sọ người dân quê Ngoại tôi, hay nói chung là cả miền Bắc, nay đã bị cái thật đánh gục.
 
Chuyến xuôi nam này, quả đúng với câu niềm vui nối tiếp niềm vui, hôm nay người dân ga Vinh họ chuyền qua khe hở vách toa tàu, những lóng mía, những quả chuối lẻ, cùng bánh mật, những thứ này là vốn liếng của kẻ nghèo, mua bán hàng rong trong sân ga. Bằng chính rổ cơm của gia đình, họ đãi chúng tôi, những người tù miền nam, mà chính quyền cộng sản gọi là Ngụy. Nguyên do đâu sự việc này xảy đến?. Lý do gì mà tình cảm, của những người nghèo cùng khổ này, dành cho chúng tôi?. Chúng tôi chưa từng gặp họ, họ ở lại Bắc, chúng tôi xuôi Nam, bao giờ biết găp lại?, rổ hàng của họ ít ỏi lắm, mỗi người chỉ dăm quả chuối, dăm lọn mía, ít bánh mật. Cái gì đã thôi thúc, khiến họ cho đi?, phải là một cái gì đó mãnh liệt lắm. Gần sáu năm trong nhà tù cộng sản tại miền bắc, trong khoảng thời gian này tôi đã nhìn thấy quá nhiều biến đổi từ mọi phía, mọi lãnh vực, từ người dân đến cán binh, cán bộ cộng sản. Những sắt máu giáo điều không còn giá trị đối với mọi người, những son những phấn tô lục chuốc hồng, cho chế độ XHCN đã lã chã rơi, lộ nguyên trạng những gì bọn chúng cố dấu. Một câu nói trong Kinh Thánh: “Những gì của César hãy trả lại cho César” thật đúng cho cả hai bên, cho chúng tôi và cho cả cộng sản.
 
Bọn cán bộ áp tải đã trở lại, con tàu kéo còi từ từ chuyển bánh, qua khe hở tôi dõi nhìn, những người mua bán hàng rong trong sân ga, cho đến mãi khi không còn nhìn thấy cả họ lẫn nhà ga. Trời vào trưa nắng thật đẹp, mây có che thì chỉ một lúc nào thôi, sau đó trời vẫn lại rực rỡ như xưa….

 
VIỆT NHÂN

304Đen - Llttm
 

 

No comments: