Thursday, November 5, 2015

Tiếng Thơ Tao Đàn, Đốt Lò Hương Cũ - Nguyễn Đức Cung


TIẾNG THƠ TAO ĐÀN, ĐỐT LÒ HƯƠNG CŨ…

 
 


    Nếu thơ là mạch sống của xã hội và phản ánh tâm sự của con người thì khi tìm tới đầu nguồn của nền thi văn nước ta, người ta đã gặp thấy hai câu sau đây được coi là đã xuất hiện từ thời Hai Bà Trưng (thượng bán thế kỷ I sau Công Nguyên) với mục đích kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa các sắc dân cư ngụ trên vùng cổ Việt lúc bấy giờ:

            Bầu ơi thương lấy bí cùng,

            Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

            Thật sự bên cạnh những câu thơ mượt mà trong ý nghĩa và chất phác trong ngôn từ như vậy, người ta cũng tìm thấy rất nhiều câu ca dao rất sâu sắc xuất hiện, đồng hành cùng dân tộc từ buổi đầu lập quốc cho tới ngày nay. Qua các giai đoạn lịch sử đã in đậm dấu vết tiếng thơ của từng thời đại trong lòng dân tộc trước những khúc quanh hay qua những thành tựu của đất nước với sự có mặt của hàng hàng lớp lớp những người làm thơ, các văn nhân thi sĩ thuộc nhiều thế hệ.  Với nhan đề của bài sưu khảo “Tiếng thơ Tao Đàn, đốt lò hương cũ…”, người viết chỉ muốn gợi một thoáng nhìn về một vài tổ chức văn học đã từng được biết đến dưới danh xưng “Tao Đàn” qua đó sống lại những bước chân thăng trầm của đất nước, để nghe vọng đâu đây âm ba của lịch sử qua các triều đại quân chủ như những tiếng tơ đồng đầy cảm thương, xen lẫn nuối tiếc những tháng ngày đã trôi qua.

 

            1.- Tìm về từ nguyên của hai chữ Tao Đàn.

            Trong văn chương Việt Nam, chữ “tao nhân mặc khách” có nghĩa người tao-nhã, người văn chương.  Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, mục Tao nhân nói Khuất Nguyên người nước Sở làm bài Ly-tao, nước Tàu có thể văn Tao gốc từ đó, đời sau nhân đó gọi người hay văn là tao-nhân. Tao nhã là lối thơ như nhị nhã (Đại-nhã và Tiểu-nhã), lối phú như ly-tao, là văn rất thanh cao, nên khen người có văn tài nói là tao-nhã. Tao thể: thể văn theo lối bài phú Ly-tao của Khuất-Nguyên (Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển, Trường Thi xuất bản, In lần thứ ba, Sài Gòn 1957, trang 235). Thiều Chửu cho biết sự phong-nhã cũng gọi là phong tao, vì thế nên gọi các làng thơ là tao nhân (Hán Việt Tự Điển, Cơ sở xuất bản Đại Nam, trang 782). Người tao nhã, khách thuyền quyên, Phong hoa tuyết nguyệt là tiên trên đời (Bích câu kỳ ngộ).

            Nhưng chữ tao đàn đã từng xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ cuối thế kỷ XV với Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú của vua Lê Thánh Tông, Tao Đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tứ thế kỷ XVIII, hay thậm chí Tiếng Thơ Tao Đàn của nhà thơ Đinh Hùng (1955-1967) thế kỷ XX có liên hệ gì với các chữ tao nói ở trên ? Để thấy sự liên hệ có lẽ cần truy tầm vào tiểu sử và sự nghiệp của một nhà thơ cổ Trung Quốc, Khuất Nguyên, tác giả thiên Ly Tao.

            Theo tác phẩm 100 Danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc do Vương Tuệ Mẫn chủ biên “Khuất Nguyên (340-280 tr. C.N.), nhà thơ yêu nước vĩ đại. Tên thật là Khuất Bình, “Nguyên” là tên chữ của ông. Tên và tên chữ của Khuất Nguyên có liên quan đến ngày sinh của ông. Ông sinh vào ngày Dần tháng Dần năm Dần, theo quan niệm truyền thống thì ngày tháng năm sinh của ông phù hợp với “nhân sinh vu dần”, vì thế cha ông bèn đặt tên cho ông là “Bình”, đặt tên chữ là “Nguyên”. “Bình” là tượng trưng cho trời, có nghĩa là ngay ngắn. “Nguyên” tượng trưng cho đất, có nghĩa là rộng rãi bằng phẳng. Liên hệ giữa tên gọi và ngày sinh thì có nghĩa bao hàm thống nhất ba cái trời, đất và người.” (Đinh Khả Trần chấp bút, bản dịch TS Nguyễn Văn Dương, Nhà xb. Thông Tin Văn Hóa, Sài Gòn 2002, trang 271)

            Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, “Khuất Nguyên là người học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ, ứng đối với chư hầu, được nhà vua rất tin dùng. Đại phu Thượng Quan (có sách chú Thượng Quan là họ, có sách chú thượng quan là chức quan) cùng ông ngang hàng, tranh được vua yêu, trong bụng ghen ghét tài năng. Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh. Khuất Nguyên nháp bản thảo chưa xong, đại phu Thượng Quan trông thấy muốn cướp lấy, Khuất Nguyên không cho, ông ta bèn gièm với vua:

            -Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra, Bình lại khoe công của mình, nói: “Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi!”

            Nhà vua giận, bỏ rơi Khuất Bình. (Nhữ Thành, Sử Ký Tư Mã Thiên, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội 1988, trang 542).

            Khuất Nguyên đã từng hai lần bị đày. Lần thứ nhất là vào khoảng năm Sở Hoài vương thứ 24 (305-304 tr. C.N.), ở bên ngoài khoảng bốn, năm năm. Nguyên nhân đi đày có thể là Khuất Nguyên đã cực lực phản đối chính sách ngoại giao thân Tần phản Tề của Hoài vương.

Khuất Nguyên đã nhiều lần khuyên can trước mặt, vạch tội Hoài vương và phái liên hoành, vì thế bị nói gièm và bị đày ở thượng lưu sông Hán, tức là một dải huyện Vân và huyện Tương của tỉnh Hồ Bắc ngày nay, lúc đó nằm ở phía bắc đô thành Dĩnh (nay là huyện Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc) của nước Sở.

            Lần thứ hai bị đày là vào thời Khoảnh Tương vương, lần này nguyên nhân bị đi đày là do ông đắc tội với Lệnh doãn Tử Lan. Ông chỉ trích Tử Lan không nên khuyên Hoài vương vào nước Tần để họp liên kết đồng minh dẫn đến bị Tần giam giữ mà chết. Địa điểm đi đày là ở Giang Nam, trong thời gian đi đày Khuất Nguyên lưu lạc trú ngụ khắp nơi, lúc ở dải Mịch La, đô thành Dĩnh (có người đọc chữ này là “Sính” , không đúng phiên thiết. N.D) của nước Sở bị quân Tần đánh phá, tình thế vô cùng nguy cấp. Khuất Nguyên nhìn thấy tương lai của đất nước, của cá nhân một màu đen tối, không còn mảy may hy vọng, liền nhảy xuống sông Mịch La tự trầm, kết thúc cuộc đời vất vả của mình. Theo truyển thuyết Khuất Nguyên nhảy xuống vào ngày Tết Đoan ngọ tức ngày 5 tháng 5 âm lịch nên ngày này được dân tộc Trung Quốc và Việt Nam kỷ niệm cho đến bây giờ.

            Tâm hồn Khuất Nguyên là tâm hồn cương trực, ghét thói điêu ngoa xảo trá ở đời. Trong Ly Tao có những câu:

            Chúng chen chúc trên đường vụ lợi,

            Tấm lòng tham, tham mãi, tham hoài.

            Đem dạ mình, đọ bụng người,

            Sinh tình ghen ghét, đặt lời gièm pha.

            ……………………………………………..

            Người đời thật đã thừa khôn khéo

            Đua nhau theo mực vẹo thước cong.

            Khuôn vuông, mẫu thẳng chẳng dùng,

            Cúi luồn, cầu cạnh, một lòng như nhau.

                                    (Nhượng Tống dịch)

            Tuy nhiên điều cần nhớ là tác phẩm Ly Tao do Khuất Nguyên viết để lại dấu ấn cho đời. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê “Tác phẩm bất hủ của ông là thiện Ly-tao (Nghĩa là xa vua mà buồn), một bài trường thiên 370 câu tả tâm sự ông. Đặc sắc của thiên ấy là lời triền miên bi thảm thường dùng phép tượng-trưng, phép nhân-cách-hóa và dẫn rất nhiều thần thoại. Tình cảm ông thay đổi kỳ dị: mới vui đó đã buồn, mới cười đó đã khóc; mới muốn đi xa lại đổi ý, đòi lên chầu Thượng Đế, rồi lại muốn bói, muốn trở về cố hương; muốn tự tử. Thật là chân tình, mỗi chữ là một tiếng thở dài, một giọt nước mắt; ít thấy văn-nhân nào đau khổ, thác-loạn đến bực ấy.” Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Cuốn I, Từ Thượng cổ đến đời Tùy, Nhà xb. Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn, 1955, trang 92).

            Các tác giả lớn của Trung Quốc như Lưu An, Tư Mã Thiên, Lý Bạch đã đánh giá rất cao tác phẩm Ly Tao. Lưu An nói “Ly tao” gồm cả những phẩm cách mê sắc mà không dâm, oán trách mà không loạn. Tư Mã Thiên đã viện dẫn câu này. Lý Bạch thì đã từng nói “Thơ văn Khuất Bình sánh ngang mặt trời mặt trăng” (Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt).

            Trong bài Ngư Phủ Từ (Lời Người Đánh Cá) mà đời sau cho là cũng do Khuất Nguyên viết ra, Khuất Nguyên đã chứng tỏ khí tiết trung can, trong sạch của mình giữa cuộc đời ô trọc nhưng đã bị một ông lão trên bờ sông Mịch La phản bác kịch liệt khi ông này cho rằng:

            “Thánh nhân không câu nệ việc gì mà phải biết tùy thời thay đổi. Người đời đều đục thì sao không khuấy thêm bùn, đập thêm sóng cho đục một thể?Thiên hạ đều say thì sao không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể ? Việc gì mà phải nghĩ sâu, làm khác người để bị đuổi bỏ?”

            Khuất Nguyên đáp:

            -Tôi nghe nói, mới gội đầu tất chải mũ, mới tắm xong tất thay áo; có đâu đem cái thân trong sạch mà chịu vật nhơ nhớp được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi thân trong bụng cá, chứ sao đang trắng lôm lốp mà chịu vấy bụi cát của thế tục?”

                                                            (Nguyễn Hiến Lê, Sách đã dẫn, trang 109).

            Theo định nghĩa của Nguyễn Hiến Lê thì Ly Taoxa vua mà buồn, như vậy chữ tao cũng hàm nhiều ý nghĩa liên hệ với bậc thiên tử, đấng quân vương cho nên khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thành lập và mệnh danh cho hội thơ xướng họa của ông với các quần thần là “Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú”, phải chăng chữ tao đàn ngoài ý nghĩa văn chương,  cũng còn mang ý nghĩa chốn thi đàn xướng vịnh ca ngâm của bậc vương giả, quyền quý ?

 
 
 


            2.- Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú của Lê Thánh Tông (1442-1497)

            Hai danh xưng Tao ĐànTao Đàn Nhị Thập Bát Tú vốn là cái tên rất quen thuộc được dùng để chỉ hội thơ của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) mà ông là Nguyên soái hay Hội chủ.

            Hai chữ Tao Đàn thật sự  không thấy xuất hiện trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vốn được coi là một nguồn sử liệu chính thống của nước ta khi sách này viết về vua Lê Thánh Tông. Sử phẩm này chép: “Ất Mão, [Hồng Đức] năm thứ 26 [1495]… làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca. Vua thấy hai năm Quý Sửu, Giáp Dần, thóc lúa được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành. Nội dung những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn… nhân gọi là Quỳnh uyển cửu ca thi tập.

            Sai bọn Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận; Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán; Hàn lâm viện thị độc chưởng viện sự Nguyễn Xung Xác; Hàn lâm viện thị độc tham chưởng viện sự Lưu Hưng Hiếu; Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm; Hàn lâm viện đãi chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Khiêm, Lưu Thư Ngạn; Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Ngô Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn; Hàn lâm viện kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú cùng hoạ lại vần.” (Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, dịch theo bản Chính Hòa Thứ 18 (1697),

Tập II, Nhà xb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, trang 512).

            Quỳnh uyển cửu ca có nghĩa là chín khúc ca trong vườn Quỳnh. Đầu đề của 9 bài thơ đó là : 1- Phong niên (năm được mùa), 2- Quân đạo (đạo làm vua), 3- Thần tiết (tiết tháo người làm tôi), 4- Minh lương (vua sáng tôi hiền, tức theo chữ “minh quân, lương tể”, 5- Anh hiền (người tài giỏi), 6- Kỳ khí (người tài lạ), 7 – Thư thảo (viết thảo), 8- Văn nhân, 9- Mai hoa.

            Dưới thời nhà Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục gọi tắt là Cương Mục viết về hội Tao Đàn thời vua Lê Thánh Tông mới đề cập tới danh xưng này với nhiều chi tiết rõ ràng hơn như sau :

            Tháng 11, mùa đông. Sáng tác chín bài hát quỳnh uyển. Nhà vua lấy cớ là : thời tiết thuận, năm được mùa, nên nhân lúc mọi việc được thư nhàn, bèn sáng tác thành chín bài thơ, là:

phong niên, quân đạo, thần tiết, minh lương, anh hiển, kỳ khí, thư thảo, văn nhân, mai hoa. Chín bài thơ này được ghép vào khúc hát, gọi tên là “quỳnh uyển cửu ca”. Nhà vua thân hành soạn bài tựa, tự xưng là Tao đàn nguyên soái. Hạ lệnh cho đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm phó nguyên soái; đông các hiệu thư Ngô Luân và Ngô Hoán, hàn lâm viện thị độc Nguyễn Trùng Xác và Lưu Hưng Hiếu, thị thư Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Võ Dương và Ngô Thầm; thị chế Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí Kiêm, Lưu Thư Mậu, hiệu lý Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Bảo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên và Chu Hân, kiểm thảo Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú và Chu Huân gồm 28 người theo vần trong chín bài ca ấy để họa lại, gọi là tao đàn nhị thập bát tú (28 ngôi sao của Tao đàn).

            Phương danh của 28 vị trong Tao đàn chỉ có một chỗ khác biệt là Nguyễn Xung Xác (Toàn Thư) và Nguyễn Trùng Xác (Cương Mục). Chú thích về chín bài hát quỳnh uyển giữa hai bản dịch Toàn ThưCương Mục không có gì khác nhau. Bản dịch Cương Mục ở phần chú thích cho biết: “Chữ quỳnh nghĩa đen là viên ngọc quý, người ta thường dùng chữ này để tượng trưng cho thứ gì tinh anh trong sáng. Chữ uyển có một nghĩa là tụ họp. Tống Thái Tổ thường ban yến cho các tiến sĩ ở quỳnh lâm uyển, vua tôi xướng họa thơ phú với nhau. Có lẽ Lê Thánh Tông cùng phỏng theo vận sự đời Tống, nên đặt tên chín khúc hát là “quỳnh uyển cửu ca”. Cương Mục, Sách đã dẫn , trang 1184)

            Bản dịch ở trang 1184 cũng ghi chú thêm: “Tao đàn cũng như văn đàn, thi đàn. Chữ “tao” có nghĩa là văn chương thanh tao đến tuyệt diệu. Chữ “đàn” có nghĩa là một nơi quảng trường. Bốn chữ này có ý nói một viên tướng đứng đầu trong quảng trường của Thi Nhân, mặc khách.”

            Nên nhớ rằng đây là định nghĩa của các nhà biên khảo sử học ngày nay cũng có thể khác với quan điểm của vua Lê Thánh Tông và đám quần thần thế kỷ XV. Vua Lê Thánh Tông ngoài những bài thơ về chữ Hán còn có nhiều bài thơ chữ Nôm luôn luôn ẩn tàng khẩu khí hay hình ảnh của một vị quân vương, thí dụ bài thơ Thằng mõ, Cái chỗi, Thằng bù nhìn, Con cóc, Con chó đá v.v…với những câu như:

            Mõ này cả tiếng lại dài hơi,

            Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.

Hay :

            Lời chúa vâng truyền xuống ngọc giai,

            Cho làm lệnh tướng quét trần ai.

Hoặc là :

            Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ,

            Một lòng vì nước há vì dưa…

            Bởi vậy, định nghĩa của học giả Nguyễn Hiến Lê về hai chữ Ly Tao (xa vua mà buồn) như đã có đề cập ở trên và với chữ “Tao” theo ý nghĩa là “vương giả” biết đâu lại chẳng phản ánh đúng với nỗi lòng và chủ đích của vị nguyên soái Tao đàn họ Lê hơn?

            Chủ đề của các bài thi lấy từ kinh nghiệm cuộc sống, đạo vua tôi, kén chọn nhân tài, người hiền vì nhân tài là nguyên khí của trời đất; núi sông, cảnh vật, hoa lá cỏ cây cũng là những hình ảnh thân quen trong xã hội, đất nước Việt Nam.

            Ngày nay khi tìm hiểu về hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, có lẽ ít ai để ý đến lời phê (ngự phê) khá hằn hộc của vua Tự Đức được ghi lại trong Cương Mục như sau:

            “Luôn luôn có hạn hán, nước to, đói dữ (1) mà đã nói như thế như thế (2)…; lại còn xưng hô với nhau một cách khoe khoang (3), thật đáng khinh bỉ. Ông vua này không phải chỉ những đạo đức chưa được thuần thục, độ lượng chưa được rộng mà thôi đâu!” (Cương Mục, Sách đã dẫn, trang 1185).

            Nhóm phiên dịch Cương Mục có ghi chú như sau: “ (1) Lời phê này nhắc lại việc tai biến đã xảy ra đời Lê Thánh Tông: 11 lần hạn hán, 6 lần thủy tai và 4 lần dân bị đói kém.(2) Chỉ vào đầu đề chín khúc hát như phong niên, minh lương, kỳ khí. (3) Chỉ vào việc đặt tên khúc hát là “quỳnh uyển cửu ca” và vua tôi xưng hô là Tao đàn nguyên soái, phó nguyên soái và nhị thập bát tú.” (trang 1185).

            Ngòi bút “ngự phê” của vua Tự Đức có phần nào xem ra nghiệt ngã, bất công. Vua Tự Đức đã không biết, hoặc không cần biết rằng trước đó cũng trong Cương Mục đã có ghi rất nhiều lời nói và việc làm của vua Lê Thánh Tông chăm lo cho cuộc sống của người dân, thí dụ  tháng 7, mùa thu năm Hồng Đức thứ sáu (1475) đặt chức quan hà đê và quan khuyến nông, vào tháng 8 năm 1491, mùa thu, mưa to suốt ngày đêm không ngớt, nước dẫy lên dữ dội, điện Kính Thiên nước sâu hai thước hai tấc, ruộng bằng phẳng ở các huyện Thanh Oai và Thanh Đàm nước sâu đến 4 thước, vua Lê Thánh Tôn hạ lệnh cho chỉ huy, hiệu úy hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô chia nhau đi khơi tháo những chỗ nước mưa làm hại thóc lúa. Nhà vua ra dụ bảo bầy tôi rằng: “Chính sự thiếu sót lầm lỗi, nên trời gia tai vạ. Đấy là do đức trạch của trẩm không thấm khắp đến dân, lòng thành chưa cảm động đến trời, cho nên đến nỗi tai họa như thế, chứ trăm họ có tội gì đâu. Không biết lúc ngày thường các khanh có thật bụng lo việc nước, giữ phép công, để sửa chữa những điều mà trẫm không nghĩ đến không? Hay các khanh chỉ chơi bời cho thỏa thích, theo bụng riêng mưu điều lợi để giữ vững quyền vị đấy thôi?” (Cương Mục, Sách đã dẫn, trang 1180).

            Nhà vua đã luôn tự xét mình, tự kiểm thảo công khai trước mặt quần thần và cũng răn đe đám bầy tôi với dụng ý luôn thúc dục họ lo làm việc cho dân cho nước. Nội dung, thể tài của các thi tập trong Quỳnh uyển cửu ca và các bài thơ Nôm của vua Lê Thánh Tông có cốt cách xây dựng một xã hội tốt đẹp lý tưởng thật đáng quý trọng lắm thay! Hỏi có vị vua nào làm được như vậy?

            Dẫu sao Tao Đàn nhị thập bát tú vẫn được ghi nhận là hội văn học đầu tiên ở nước ta và vua Lê Thánh Tông vẫn được lịch sử thừa nhận là một bậc anh quân, cho nên sự xuất hiện của thi đàn này vào một thời điểm được coi là “phong điều vũ thuận” ( là phong niên tức năm được mùa) cũng đã làm cho nền văn học Việt Nam thêm rạng rỡ, phong phú. Sử gia Trần Trọng Kim đã viết: “Những sự văn-trị và sự võ-công ở nước Nam ta không có đời nào thịnh hơn đời Hồng-đức. Nhờ có vua Thái-tổ thì giang sơn nước Nam mới còn, và nhờ có vua Thánh-tông thì văn-hóa nước ta mới thịnh, vậy nên người An-nam ta không bao giờ quên công đức hai ông vua ấy.”

(Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Tân Việt xuất bản, bản in lần thứ bảy, 1964 , trang 250)

 

            3.- Tao Đàn Chiêu Anh Các của  Mạc Thiên Tứ (1710-1780)

            Phải nói rằng Tao Đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tứ, con trưởng của Mạc Cửu là tiếng thơ xuất phát từ ước vọng sống một cuộc đời tự do, bất khuất theo lý tưởng ôm ấp của tiền nhân. Bước chân phiêu bạt của một thuyền nhân (boat people) như Mạc Cửu vì không chấp nhận chế độ chính trị hà khắc của nhà Mãn Thanh, đã bỏ Trung Quốc dùng thuyền vượt biển xuôi Nam tìm đất sống, đã được Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, quyển VI, của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ghi lại như sau:

            Người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Khi nhà Minh mất, người Thanh bắt dân róc tóc. Cửu cứ để tóc dài, đi sang Nam. Đến nước Chân Lạp, Cửu làm Ốc-nha (quan chức nước Chân Lạp). Thấy phủ Sài Mạt có người Kinh, người Trung Quốc, người Chân Lạp và người Chà Vàbuôn bán đông đúc , Cửu bèn dời đến ở Phương Thành, mở sòng bạc gọi là “Hoa chi” để lấy hồ. Lại đào được hố bạc, do đó vọt lên giàu có. Cửu chiêu tập những dân xiêu tán ở Phú Quốc, Cần Bột, Rạch Giá (Gia Khê), Lũng Cả, Hương Úc và Cà Mau (Cà Mao) lập làm 7 xã thôn. Lại vì đất ở đó có người tiên ẩn hiện trên sông, nên gọi là Hà Tiên. Chỗ ấy gần núi, ven biển, có thể tụ họp buôn bán để sinh lợi. Gặp lúc người Xiêm sang đánh lấn Chân Lạp, người Chân Lạp vốn ươn nhát, nghe giặc đến là chạy. Tướng Xiêm gặp Cửu nhân dụ đem về nước. Cửu bất đắc dĩ đi theo. Sang đến Xiêm, vua Xiêm thấy trạng mạo Cửu, cho là lạ, vui mừng giữ lại, cho ở núi Vạn Tuế. Sau đó, nhân nước Xiêm có nội biến, Cửu bèn lén về Lũng Cả. Những dân xiêu tán quy phục với Cửu ngày một đông. Cửu thấy Lũng Cả đất hẹp không thể ở đông người được lại dời về Phương Thành. Thương nhân và lũ khác bốn phương theo đến đông nhiều.”

            Chỉ một đoạn văn ngắn mà đã hai lần nói đến việc Mạc Cửu chiêu tập dân xiêu tán, rồi dân xiêu tán tìm về với Cửu trong đó có rất đông thương nhân, chứng tỏ Cửu là người độ lượng, có tâm huyết và nhất là ôm ấp mộng lớn.

            Thật ra, tiểu sử của Mạc Cửu có nhiều tình tiết hấp dẫn hơn. Ông đã một thời theo Trịnh Thành Công, một vị tướng nhà Minh cũ gốc Triều Châu khởi nghĩa chống nhà Thanh nhưng thất bại. Tàn quân của Trịnh Thành Công phải chạy ra đảo Đài Loan lập chiến khu. Năm 1671, bất lực trước công cuộc chống quân Thanh, Mạc Cửu đem toàn bộ gia đình, quân lính cùng một số sĩ phu khoảng 400 người  bằng đường biển rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển nhóm Mạc Cửu đã vào đảo Koh Tral, tức đảo Phú Quốc rồi đổ bộ lên một vùng đất lạ là Panthaimas trong Vịnh Thái Lan được vua Khmer cho khai thác vùng đất này.

            Là một tay có đầu óc tổ chức và bản tính giang hồ, Mạc Cửu thu nhận hầu hết các người Hoa vốn là binh sĩ cũ của triều Minh đang làm nghề hải tặc vào dưới trướng của ông. Ông tổ chức sòng bạc để làm cơ sở kinh tài, lập ra 7 xã: Máng Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Ông cho mộ thêm lưu dân người Hoa từ khắp nơi về lập nghiệp và đặt tên vùng đất mới là Căn Khẩu Quốc. Những lưu dân lúc đầu đến với Mạc Cửu đa số người Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến, vốn là những người giỏi về văn học, thạo nghề đi biển, giỏi buôn bán, có kẻ biết canh tác lúa nước, nói chung họ là những thành phần ưu tú của vương triều vừa thất sủng. (Nguyễn Văn Huy, Người Hoa ở Việt Nam, Paris 1993, trang 35)

            Tiền Biên viết tiếp: “Có mưu sĩ là Tô Quân bảo Cửu: “Người Chân Lạp tính giảo quyệt gian trá, ít trung hậu, không thể nương tựa lâu được. Nghe nói chúa Nam triều có tiếng nhân nghĩa, uy đức vốn đủ tin, chi bằng đến gõ cửa xưng thần để gây thế bám rễ vững chắc. Muôn một có biến cố gì, thì nhờ chúa giúp đỡ”. Cửu cho lời bàn ấy là phải.

            Hiển tông hoàng đế, năm thứ 17 Mậu Tý (1708), mùa thu, Cửu cùng thuộc hạ là bọn Trương Cầu, Lý Xá mang ngọc lụa đến cửa khuyết dâng biểu xưng thần, xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa thấy Cửu tướng mạo khôi ngô kỳ liệt tiến lui cung kính, cẩn thận, khen là trung thành, bèn ban sắc cho làm thuộc quốc đặt tên trấn ấy là trấn Hà Tiên, trao Cửu làm chức tổng binh quan, cho ấn và thao. Lại sai nội thần tiễn Cửu ra ngoài cửa thành. Ai cũng cho là vinh dự.

            Cửu về trấn, dựng thành quách, lập doanh ngũ, đặt liêu tá, làm nhiều nhà khách để đón tiếp hiền tài. Dân đến ở ngày càng đông, Hà Tiên trở thành một đô hội nhỏ.”

            Năm 1711, Mạc Cửu được Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mời ra Huế yết kiến và năm 1714 ông được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.

            Mạc Cửu mất năm Ất Mão (1735), thọ hơn 80 tuổi, sống một đời trung thành với chúa Nguyễn, thỏa mãn được ước vọng sống cuộc đời tự do với truyền thống văn hóa của mình. Con trưởng của Cửu là Thiên Tứ.

            Trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên có phần chép về Mạc Thiên Tứ như sau: “Thiên Tứ từ bé đã thông minh, nhanh nhẹn, học rộng kinh điển, hiểu thông võ lược. Túc Tông hoàng đế năm thứ 11 Bính Thìn (1736), mùa xuân, chúa cho Thiên Tứ làm Hà Tiên trấn đô đốc, ban cho 3 thuyền “long bài”được miễn thuế. Lại sai mở lò đúc tiền để việc mua bán được thông đồng. Thiên Tứ bèn chia đặt nha thuộc, tuyển quân lính, đắp thành quách mở rộng phố, chợ. Thương nhân và lữ khách các nước sum họp đông đảo. Lại chiêu tập những người văn học bốn phương, mở “Chiêu anh các” ngày cùng nhau bàn giảng sách, xướng hoạ thơ. Có 10 bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên, phong lưu tài vận, được một phương quý trọng. Từ đấy Hà Tiên mới biết đến văn học.” (Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, quyển 6, Tập I, Nhà xb. Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 186).   

            Mạc Thiên Tứ là con trưởng của Mạc Cửu, tự là Sĩ Lân, mẹ là bà Bùi Thị Lẫm, quê Đồng Môn, thuộc Biên Hòa, là người Việt. Chính dòng máu Việt này đã cho ông khả năng thông thạo tiếng Việt qua thi tài của ông về thơ Nôm và thơ chữ Hán. Cuộc đời hoạt động của Mạc Thiên Tứ và con cháu của ông về sau gắn liền với sự nghiệp phục quốc của Nguyễn Ánh, đã được sử sách của triều Nguyễn ghi lại.

            Sách Hà Tiên trấn, Hiệp trấn Mạc thị gia phả do Vũ Thế Dinh biên soạn năm 1818 có viết về Mạc Thiên Tứ như sau: “Ông (Mạc Thiên Tứ) phú tánh trung lương, nhân từ nghĩa dõng, toàn vẹn tài đức, lại tinh thông sách vở và văn thơ của Bách gia chư tử… Ông có dựng Chiêu Anh Các để thờ Tiên Thánh, và dùng lễ vật hậu hĩ để đón mời người tài giỏi. Từ bên nhà Thanh, cả các bậc tuấn tú các nước khác nghe tiếng ông đều tụ hội đến ngày một đông.”

            Theo lời kể của Mạc Thiên Tứ, trong số danh sĩ”nghe tiếng mà đến”, “có thầy Trần Hoài Thủy từ Việt Đông vượt biển đến đây. Ta đãi làm thượng tân. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi. Nhân, đem “Hà Tiên thập cảnh” trình cho tri kỷ, thầy Trần dựng cơ Tao đàn, mở hội phong nhã…” (Theo bài đề tựa sách Hà Tiên thập vịnh, Thi sĩ Đông Hồ dịch. Và cũng theo bài tực này thì “Sau đó thầy Trần trở thuyền về Châu Giang (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông) đưa ra làng thơ, nhờ được chư công chẳng bỏ. Khi đề vịnh xong, góp thành tập gửi cho ta, bèn cho khắc bản. Thượng tuần quý hạ năm Đinh Tỵ (1737). Thi sĩ Đông Hồ dịch. Văn học Hà Tiên, tr. 70. Bản khắc mà ông Tứ nói đến, là Hà Tiên thập vịnh. Tao đàn Chiêu Anh Các – Wikipedia tiếng Việt).

            Ông Trần Hoài Thủy vốn là khách quý của Mạc Thiên Tứ nói ở trên có tên Trần Trí Khải là một danh sĩ Trung Quốc.

            Theo nhà thơ Đông Hồ, Chiêu Anh Các có số người đông đảo, có sách chép 32, có sách nói 36. Số 36 vị này gọi là tam thập lục kiệt, tức 36 vị kiệt sĩ mà trong số đó có thập bát anh là 18 vị anh hoa xuất chúng.

            Trong Kiến văn Tiểu lục viết năm 1777, học giả Lê Quý Đôn trước đó đã được chúa Trịnh Sâm cử vào Đàng Trong làm Hiệp trấn Tham tán Quân cơ tại Thuận Hóa, cho biết Chiêu Anh Các có 32 vị, ngoài Mạc Thiên Tứ chủ xướng nên  Hà Tiên thập vịnh, còn có   25 nhà thơ người Trung Hoa là Chu Phác, Ngô Chi Hãn, Lý Nhân Trường, Đơn Bỉnh Ngự, Vương Sưởng, Phương Minh, Lộ Phùng Cát, Từ Hiệp Phỉ, Lâm Duy Tắc, Từ Huyễn, Lâm Kỳ Nhiên, Trần Duy Đức, Từ Đăng Cơ, Thang Ngọc Sùng, Trần Tự Phát, Hoàng Kỳ Trân, Chu Cảnh Dương, Trần Thụy Phượng, Trần Tự Lan, Trần Dược Uyên, Trần Minh Hạ, Trần Diễn Tứ, Tôn Thiên Trân,  Tôn Thiên Thụy, Tôn Quý Mậu; và 6 người Việt Nam là: Trịnh Liên Sơn, Phan Thiên Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Trinh, Đặng Minh Bản và Mạc Triều Đán.

            Các tác phẩm của Chiêu Anh Các gồm có:

·        Hà Tiên thập vịnh: Là tập thơ đầu tiên được Tao đàn này cho khắc bản in tại Hà Tiên năm 1737, do chính Mạc Thiên Tứ xướng thơ và đề tựa, Trần Trí Khải và Dư Tích Thuần viết lời bạt. Tác phẩm có cả 320 bài thơ chữ Hán của 32 tác giả, vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên. Năm 1755, Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) vào Nam giao thiệp với họ Mạc, đã họa thêm 10 bài nữa, nhưng vì làm sau nên không có trong tập. Lúc bấy giờ Nguyễn Cư Trinh giữ chức Gia Định Khẩn súy Tham mưu Nghi biểu hầu.

·        Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh: gồm 10 bài đoạn thơ chữ Nôm vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ sáng tác. Tập thơ dài 422 câu liên ngâm vừa lục bát gián thất vừa Đường luật bát cú, liên hành. Chính tác phẩm này đã gợi ý cho Nguyễn Cư Trinh sáng tác “Quảng Ngãi thập nhị cảnh”.

·        Thụ Đức Hiên tứ cảnh (hay Tứ cảnh hồi văn Thụ Đức Hiên) theo Lê Quý Đôn thì có 88 bài thơ của 32 tác giả, họ 4 bài thơ hồi văn vịnh phong cảnh bốn mùa của Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ sáng tác. Sách đã được khắc in, trong khoảng thời gian với Hà Tiên thập vịnh, hiện đã thất lạc chỉ còn 9 bài in trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.

·        Minh bột di ngư  gồm bài phú “Lư Khê nhàn điếu”hơn trăm câu và 32 bài thơ luật Đường bằng chữ Hán. Tập thơ được Trịnh Hoài Đức phát hiện, rồi cho khắc in. Đây là tập thi họa rất quý, chẳng những về phương diện sử liệu, văn học, còn quý về mỹ thuật, về bút tích của các danh bút trong nhóm Chiêu Anh Các. (Theo Tao đàn Chiêu Anh Các, Wikipedia tiếng Việt).

            Ngoài ra, theo Trịnh Hoài Đức, trong bài Tân tự viết năm Minh mạng thứ hai, in trong tập Minh bột di ngư, thì Chiêu Anh Các còn có các bộ sách: Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu Thị Trinh liệt tặng ngôn, Thi truyện tặng Lưu tiết phụ Thi thảo cách ngôn vị tập.

            Do nghiên cứu các phế tích ngày nay tại chùa Phù Dung, người ta cho rằng Chiêu Anh Các đã tọa lạc ở chính vị trí nơi này.

            Cái tên Hà Tiên (trước kia cũng có tên Phương Thành tức thành phố của hương thơm) do Mạc Thiên Tứ đặt để tưởng nhớ tới vị Phật Bà đã xuất hiện khi ông ra đời. Năm 1784 chúa Nguyễn Ánh đã đặt tên vĩnh viễn là Hà Tiên.

            Hà Tiên dưới thời Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ là vùng đất mới khai khẩn, được hưởng một chính sách tự trị dành cho người Trung Hoa mới di cư tới mà sử gọi họ là “Thanh nhân”. Điều đáng lưu ý là theo với thời gian lối sinh sống của họ cũng như những đám dân thiểu số khác dần dần Việt hóa đi. Lịch sử Đại Việt có họ thêm dồi dào, phức tạp, thêm yếu tố thúc đẩy năng lực tiến thủ cần thiết cho bất cứ một tập thể nào muốn sinh tồn và lớn mạnh.” (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, từ 1771 đến 1802, Nhà xb. Văn Sử Học, 1973, trang 243).

            Tóm lại, Mạc Thiên Tứ (cũng còn gọi là Mạc Thiên Tích) là một vị tướng giỏi, ông đã nhiều lần mang quân tấn công Xiêm La và bảo hộ vùng phía nam đất Chân Lạp. Mạc Thiên Tứ có công mở rộng thị trấn Hà Tiên và năm 1739 lập thêm bốn huyện : Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu). Mạc Thiên Tứ là một nhà học thức lỗi lạc, kiến thức uyên bác, giỏi ngoại giao và có tài văn thơ, ông để lại nhiều tác phẩm giá trị. (Nguyễn Văn Huy, Sách đã dẫn, trang 37)

            Về sau nhân bị nghi oan khi còn đang ở Xiêm, Mạc Thiên Tứ tự tử tại đó lúc 70 tuổi, một số người tùy tùng bị giết.

            Thi văn của Chiêu Anh Các được biết là có rất nhiều nhưng nay còn truyền tụng với Hà Tiên thập vịnh tập được dịch ra nôm như sau:

            1-Kim Dự lan đào (Đảo Vàng chắn sóng);

            2-Bình Sơn điệp thúy (Núi Bình Sơn xanh biếc);

            3-Tiêu Tự thần chung (Tiếng chuông chùa Tiêu Tự);

            4-Giang Thành dạ cổ (Tiếng trống đêm ở Giang Thành);

            5-Thạch Động thốn vân (Mây luồn Thạch Động);

            6-Châu Nham lạc lộ (Châu Nham cò đậu);

            7-Đông Hồ ấn nguyệt (Đông Hồ trăng soi);

            8-Nam phố trừng ba (Sóng trong Nam Phố);

            9-Lộc Trĩ thôn cư (Xóm dân ở Lộc Trĩ);

            10-Lư Khê ngư bạc (Cảnh chài cá ở Lư Khê).

            Phê bình về Tao đàn Chiêu Anh Các, GS. Nguyễn Huệ Chi đã viết như sau: “Thơ văn Chiêu Anh Các  hầu hết là thơ đề vịnh thiên nhiên. Tính chất ước lệ, phong cách khoa trương, sự thi vị hóa cảnh vật và thông qua cảnh vật mà phơi bày tâm trạng thỏa mãn với hiện thực, của những người may mắn cai quản một vùng đất nước… Tuy vẫn còn những sáng tác mang tính chất sách vở, khuôn sáo, nhưng chúng vẫn thể hiện được những tình cảm lạc quan yêu đời của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống, niềm tự hào về đời sống hòa bình, no đủ và tinh thần trách nhiệm cùng ý chí muốn gìn giữ nơi biên cương sao cho yên ổn, giàu mạnh. Sắc thái tích cực đó đã làm cho nhiều bài thơ mang được vẻ đẹp chân thực, giản dị, đạt đến cái nhã đạm của văn chương cổ điển.”

            Trong một bài viết, GS Lê Đình Kỵ đã nêu lên các ý kiến như sau:

            “Những bài thơ có mặt (trong những tác phẩm của nhóm Chiêu Anh Các) không có giọng thở than, u hoài hay tiêu diêu thoát tục, thây kệ sự đời như thường thấy trong thơ văn của xã hội phong kiến xuống dốc.

            “Hà Tiên là miền đất khai phá cuối cùng thể hiện ý chí đấu tranh khắc phục thiên nhiên, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Đất nước và con người ở trong thế đi lên, tràn đầy sức sống, nên thơ văn ít bị hạn chế bởi hệ tư tưởng thống trị… mà thấm đượm tình quê hương đất nước, ý chí độc lập tự cường của những người lãnh đạo đầy chí tiến thủ và nhân dân Hà Tiên cần cù khoát đạt.”

(Thay lời tựa, Văn học Hà Tiên, tr.11 và 15. Tao đàn Chiêu Anh Các – Wikipedia tiếng Việt).

            Một học giả Miền Nam, Nguyễn Hiến Lê đã nêu ra nỗi ngạc nhiên:

            “Trong xứ (Hà Tiên) có miếu thờ Khổng Tử mà từ vương (tức Mạc Thiên Tứ) đến dân ai cũng thờ. Có một nhà nghĩa học dạy các thanh niên ưu tú, nghèo không thể tự túc theo học được. Những người Trung hoa sang đây mà có khả năng văn học thì mới được mời đến đó dạy học… Trong khi đó đừng nói chi Gia Định, ngay cả ở Thuận Hóa cũng chẳng có một thi đàn nào cả. Sự kiện ấy quả thực chưa hề xảy ra trong lịch sử văn học (Việt). Ta thử tưởng tượng một nhóm người di cư qua một nước tuy là đồng văn nhưng vẫn là lạ, dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất, mà chỉ nửa thế kỷ sau, làm cho nơi đó thành một đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ ngữ, thì có lạ không chứ !”

            Ngày nay đọc lại mười bài thơ trong Hà Tiên Thập Vịnh hầu hết đều lấy những cảnh trí thiên nhiên, đẹp đẽ, lúc hoành tráng mà cũng có khi u nhàn làm đề tài và cũng nhân đó phô diễn tấm lòng của mình trước thế cuộc mà Mạc Thiên Tứ và các thành viên trong Tao Đàn Chiêu Anh Các từng xướng họa ngâm nga, chúng ta chia xẻ với họ niềm hân hoan của những con người cảm khái và bằng lòng với quan niệm “ở đâu tốt đẹp thì ở đó chính là quê hương” (ubi bene, ibi patria). Mạc Thiên Tứ cũng có thời được xưng tụng là “Bồ Tát tái sinh” (Từ thế giới giác ngộ, vị nầy thể nhập vào cuộc đời, đồng cam cộng khổ với mọi người và tận lực cứu độ chúng sanh. Thích Nguyên Tâm, Từ Điển Phật Học Tinh Tuyển, Nhà xb. Phương Đông, 2013, trang 134) và nhân đó có câu chuyện Hà Tiên (bà tiên xuất hiện trên sông).

            Bình tâm mà nói văn hóa chỉ có thể sinh hoa kết trái trong bầu không khí của tự do, khai phóng và nhân bản.  Cũng vậy, Tao Đàn Chiêu Anh Các có lẽ đã có nguồn gốc khai sinh từ thời Mạc Cửu trong các nỗ lực chiêu hiền đãi sĩ của ông và sáng kiến đó đã tiếp tục được thăng hoa trong thời Mạc Thiên Tứ để rồi xuất hiện cụ thể với hội thơ Tao Đàn này nhờ vào tài năng và phong cách xử thế của vị chủ súy, vả lại cũng nhờ ở “tính năng động và mềm dẻo của các chúa Nguyễn trong thời kỳ này thật thích hợp với việc phát triển xã hội Đàng Trong, khi họ cởi mở hơn trước các cơ hội từ bên ngoài và có tính hướng ngoại hơn địch thủ của họ là họ Trịnh ở phía bắc.” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam Thế kỷ 17 và 18, Nhà xb. Trẻ, 1999, tr. 216).

            Sự có mặt của Mạc Cửu rồi Mạc Thiên Tứ và con cháu của ông ở Hà Tiên, được coi là những “cơ hội” đã làm cho lịch sử Đàng Trong mang thêm nhiều ý nghĩa trong đó về phương diện văn hóa, tưởng cũng cần phải nhắc đến Tao Đàn Chiêu Anh Các mặc dù ngày nay tư liệu văn chương còn lại về số lượng không còn đáng là bao.

 
Nguyễn Đức Cung
 K.1 Viện Hán Học Huế

Philadelphia, ngày 15 tháng 3 năm 2014

Người chuyển bài – vhp Hạ Vũ

 

                       

           

 

           

           

           

 

No comments: