Friday, September 2, 2016

Chuyện Không Tên Thời Chiến - Không đề tên Tác giả



Chuyện không tên thời chiến
 
 

Chật vật lắm tôi mới kiếm được một chỗ ngồi... Ngay trên đầu tôi, đung đưa đôi chân to như chân voi và dơ dáy của một cô buôn chuyến.
Cô ta mắc võng ngay toa tàu, rồi cứ nằm há miệng ngáy, mặc cho kẻ qua người lại. Con tàu thời chiến giống bát cơm chộp giật trong cơn đói lầm than, khốn cùng.

Tàu chỉ đỗ ở ga xép năm phút. Khách đi tàu chen lẫn nhau, đạp lên những bãi phân lổn nhổn rác và đá, đạp lên các túi xách, ba-lô, sọt đựng hàng, đạp cả lên lưng và chân nhau...

Người ta cố phải tìm được một chỗ ngồi, dù trên ghế hay dưới sàn đầu toa, nước tiểu tràn lênh láng bốc mùi khai lợm.
Những chiếc ghế gỗ cứng, long lở, nhem nhuốc vết dao cứa và nhựa hắc ín. Ở cửa: cái còn, cái mất, phủ đầy bụi lẫn muối than. Tàu sơn loang lổ màu rêu ngụy trang.

Một người đàn ông gày gò, mặt đen nhẻm, huých tôi vào sát thành toa:

- Nhờ anh tí nhá.

Ông ta ghé mông ngồi xuống đồng thời đặt kê nửa chiếc bao tải nặng trĩu lên đùi tôi:

- Thông cảm tí nhá.

Tôi nói:
- Việc gì khó, tôi sẵn sàng giúp ông. Nhưng đi đường dài, mà đặt bao tải nặng như cùm sắt thì làm sao chịu nổi !

Ông ta nhăn nhó:

- Bát. Toàn bát ăn cơm. Để dưới sàn vỡ mất.

Tôi bảo:
- Phải tìm cách thu xếp chứ ?

Ông ta lắc đầu quầy quậy:
- Anh thông cảm, vỡ mất, ở vùng tôi, bom phá vỡ hết.
Nhiều nhà phải ăn cơm bằng gáo dừa !

Tôi dịu giọng:

- Yên trí, tôi sẽ giúp ông.

Thương lượng với mấy cô buôn chuyến, tôi xếp được tải bát giữa những cuộn chiếu cói và sắn khô. Người đàn ông sung sướng nhoẻn miệng cười.
Hai hàm răng trắng làm sáng bừng gương mặt gầy choắt, đen như nhọ than. Ông ta thở phào:

- May quá là may. .

Đoạn, rút trong túi dết ra một ổ bánh mì khô cứng, ông ta bẻ làm đôi mời tôi:

- Làm một miếng cho đỡ đói lòng.

Tôi lắc đầu:
- Cảm ơn, tôi vừa ăn cơm no.

Người đàn ông hể hả, cầm bánh ăn. Miếng bánh mì đã có vết mốc. Tôi nhìn những lằn gân nổi chằng chịt trên cổ ông ta, cả hai bàn tay khô khẳng như rê duỗi...

Trong chiến trường, có lúc đói trắng mắt, đói rã xương, mà lại có lúc thực phẩm dồi dào, ngập đũa ngập bát. Nhưng cái đói bình thường của người dân hậu phương là thứ đói triền miên vô tận !

Thấy tôi nhìn, người đàn ông nói vồn vã:

- Tôi hãy còn cái bánh nữa trong túi, anh ăn nhá?

Tôi vui vẻ đáp:

- Không, tôi nhìn cái mụn ruồi trên cổ ông. Nó giống hệt mụn ruồi của bố tôi.

Người đàn ông cười hề hề, đoạn cúi xuống cẩn thận nhặt từng mẩu bánh vụn rơi trên đùi, bỏ vào miệng. Xong xuôi, ông ta khoanh tay trước bụng, nhắm mắt ngủ. Chỉ một lát sau, tiếng ngáy đã cất lên đều đặn.

Con tàu thét lên hồi còi dài, nhưng vẫn chưa chuyển bánh. Cô buôn chuyến nằm võng trên đầu tôi nói mê:

- Trả tiền tao ngay... Không cho khất được. Biết phiên chợ sau mày còn hay bom nó cắt hộ khẩu rồi... Trả tao...

Cô ta nói rành rẽ khiến đám buôn chuyến xung quanh phì cười.
Tàu rú hồi còi thứ hai. Một nhân viên hỏa xa bước vào toa:

- Yêu cầu đồng bào lùi ra... yêu cầu lùi ra...

Anh ta nói liên tục:

- Dẹp cho tôi một lối đi, yêu cầu...

Đám khách xô đẩy nhau, dạt sang hai phía, nhường đường cho anh ta. Một việc miễn cưỡng. Tuy nhiên, bộ đồng phục ngành hỏa xa, chiếc mũ kê-pi mới và chiếc túi giả da đeo bên hông khiến tấm thân lom khom của anh ta cũng có phần nào oai vệ.

Phía sau anh ta, hai người đàn ông bước theo. Cả hai đều to béo, nhưng một người lùn, một người cao. Ông lùn đeo kính gọng vàng, ông cao đeo kính cận dầy như trôn chén.

- Nào, nào... dẹp vào... dẹp vào lấy lối...

Người nhân viên hỏa xa tới dãy ghế đối diện với dãy ghế tôi ngồi. Ở đó, đã có hai hành khách đi từ ga nào chẳng rõ.
Khi tôi lên tàu, họ đang ngủ, đầu ngoẹo vào nhau, mũ cối úp lên mặt. Cả hai đều mặc quân phục cũ. Chàng nhân viên hỏa xa đập vào vai họ:

- Dậy, dậy... .

Hai thanh niên bừng tỉnh, giương những con mắt đỏ kè nhìn xung quanh. Khi nhận ra người đứng trước mặt, họ bỗng ngồi thẳng lên. Người nhân viên hỏa xa nói lạnh lùng:

- Yêu cầu cho kiểm tra vé.

Cả hai thanh niên đều giữ khư khư mũ cối trước bụng, người nọ đưa mắt nhìn người kia. Cả vẻ mặt lẫn toàn thân họ toát ra vẻ khúm núm:

- Dạ... thưa đồng chí... dạ...

Người soát vé nhắc lại:

- Yêu cầu cho kiểm tra vé...

Hai người đàn ông đeo kính vẫn im lặng quan sát từ đầu bỗng cùng lên tiếng:

- Thôi ... thôi...

Nhân viên nhà ga bảo hai thanh niên:

- Về phòng vé giải quyết.

Đoạn, anh ta quay lại cúi đầu một cách lễ phép nói:

- Xin hai đồng chí cho ý kiến, ngồi đây có được không?

Người đàn ông lùn gật đầu:

- Được

Chàng nhân viên hỏa xa nói tiếp:

- Dạ, có cần gì xin các đồng chí tìm tôi tại phòng vé. Tôi sẵn sàng phục vụ.

Người đàn ông lùn gật đầu:

- Được rồi.

Nhân viên hỏa xa nói:

- Tôi xin phép được đi ạ?... .

Vì phải cúi xuống nói với người lùn một cách kính cẩn, trông bộ dạng anh ta hệt như thằng gù có bướu lưng. Người đàn ông lùn sẵng giọng:

- Được rồi, cần gì tôi sẽ báo...

Anh chàng nhân viên hỏa xa cúi đầu chào lần nữa rồi đi . Hai người đàn ông không có hành lý gì đáng kể, ngoài một chiếc túi du lịch cỡ nhỏ chắc đựng đồ ăn.

Không ai dám ngồi chen thêm vào ghế của họ. Những con người béo múp, trắng như dế nhốt lâu ngày trong bao diêm trở thành bậc chúa tể vô danh giữa đám đông.

Người ta bắt đầu liếc nhìn họ một cách rụt rè, hoặc sợ hãi, hoặc muốn lấy lòng. Ngay đám buôn chuyến trâng tráo là thế cũng không dám thản nhiên buông những lời thô tục.

Không khí trong toa tàu bớt ồn ĩ hẳn đi... Có một thứ quyền lực không tên khống chế mọi người!
Con tàu rít lên hồi còi thứ ba, xô lắc rồi chuyển bánh. Hai người đàn ông tựa đầu vào thành toa, nhìn nhau.
Ông lùn đeo kính gọng vàng cười ha hả:

- Thấy chưa? Cậu đã thấy chưa?...

Người cao lớn gật đầu, im lặng với vẻ như chờ đợi.
Người lùn nói tiếp:

- Cuộc đời không nhàm chán, mịt mù như văn chương, báo chí của các cậu. Chỉ bước lên toa tàu này mươi phút đã rõ.

Người đàn ông đeo kính cận nói:

- Chính vì muốn thấy rõ nên tôi mới theo cậu đi chuyến tàu chợ này. Chưa chi vợ tôi nó đã đe: - - - Liệu đấy, đem rệp về nhà thì tôi tống khứ !

Người đàn ông lùn cười :

- Vợ là kẻ thù không chính thức của mọi người đàn ông ha... ha... ha... Nhưng chúng ta không thể loại bỏ. Bây giờ trở lại vấn đề cậu quan tâm.

Người đàn ông cao lớn hỏi:

- Nội dung và hình thức.

Người đàn ông lùn gật đầu:

- Chính thế. Tôi khỏi cần bố trí diễn các tiểu phẩm làm minh chứng. Trước mặt chúng ta, vừa mới đây đã xảy ra một ví dụ hiển nhiên.

Cậu hãy nhớ lại: Hai thằng trốn vé tàu gọi cậu nhân viên hỏa xa là đồng chí. Cậu nhân viên hỏa xa cũng gọi chúng ta là đồng chí.
Nhưng thực chất mối quan hệ thứ nhất là mối quan hệ giữa những kẻ phạm pháp với người thừa hành pháp luật.
Mối quan hệ thứ hai là quan hệ đầy tớ với ông chủ. Nói rõ thêm: cậu nhân viên kia chỉ là đầy tớ của đầy tớ chúng ta... Đúng chưa?...

Vậy danh từ đồng chí là cái vỏ. Một hình thức chứa đựng những nội dung khác biệt nhau:
- Xét phương diện ngữ-nghĩa, đó là sự ngụy trá.
- Xét phương diện lịch sử, đó là sự thích ứng.
- Xét phương diện thực tiễn, đó là một mánh khóe của các nhà cai trị .

 

Không đề tên tác giả

304Đen - Llttm

 

No comments: