Sunday, January 27, 2019

Hoa Mai Không Nở - Thu Phong


HOA MAI KHÔNG NỞ
 
 
 

1

Nhà anh không có chó. Chó nhà chú Mười hàng xóm đẻ bốn con, chú ngỏ ý cho anh một con nhưng anh không nhận. Người ta thường nuôi chó để giữ nhà, phòng trộm, cướp. Anh không có gì đáng để lấy. Nuôi chó chỉ tốn thêm một phần ăn. Nó chia sớt phần cơm ít ỏi của bốn đứa con và hai vợ chồng anh.

Họ là hai người đàn ông không có gì đặc biệt. Vóc dáng trung bình, ăn mặc xềnh xoàng, cử chỉ, giọng nói không khác dân địa phương ngoại trừ họ ít gầy hơn; và trắng hơn. Tuy nhiên, dân ở đây ngoài đa số làm việc đồng áng ruộng nương, cũng có người buôn bán trong nhà, những người ấy không dầm mưa giãi nắng.

Hai người này anh chưa hề gặp mặt. Người trong xóm anh biết, dân làm rẫy anh quen. Có thể họ ở thị trấn, anh không biết hết mặt dân thị trấn. Cũng có thể họ từ địa phương khác.

Anh vào bếp lấy thêm món mặn- tép mỡ kho tiêu, đi ra thì họ đã vào nhà.

Trà đã hết. Bộ tách mới sắm dịp Tết, sau Tết anh đã cất đi. Tụi nhỏ nhà anh phá như quỷ. Anh rót nước trong chai ra hai cái ca nhựa mời khách.

“Thưa, hai anh là…”

Người đàn ông nói: “Chúng tôi vừa uống cà phê ở quán bên kia đường," rồi hỏi với vẻ thân mật, “Anh làm thơ viết văn nhiều chứ? Anh còn đăng ở báo Văn nghệ thành phố không?”

“Không, dạo này tôi ít viết," anh đáp lịch sự.

“Rẫy anh mùa này được khá không?”

“Cũng tàm tạm.”

Người đàn ông bước đến chiếc võng giăng giữa hai cột gỗ, đưa tay kéo miếng nylon đang bị gấp lại, thản nhiên đặt lưng xuống võng.

“Chị và các con chừng nào mới về?”

Anh ngạc nhiên, người này biết vợ anh dẫn bốn đứa con về bên ngoại.

“Chắc là mai," anh đáp gọn.

Người đàn ông đang đứng nhìn một lượt khắp gian nhà với vách ván thủng lỗ chỗ khiến nhiều luồng sáng rọi qua. Ông ta đưa tay nắm tấm màn cũ kỹ ố màu ngăn gian trên với gian dưới, bước vào trong.

Anh dợm bước theo người đàn ông. Nhưng người đàn ông nằm võng nói:

“Anh yên tâm, anh cứ ngồi ăn, chúng tôi không phải là người xấu, chúng tôi là người tốt.”

Một lát, người đàn ông vén màn bước ra, nhìn người đang nằm võng gật đầu, rồi đến ngồi trên mép chiếc giường tre siêu vẹo nơi hai vợ chồng và bốn đứa con anh ngủ hàng đêm khiến nó kêu lên cọt kẹt.

Ông ta nói với anh:

“Tết này nhà anh vui chứ? Bạn bè chắc đến họp mặt đông đủ? Chiều mùng hai anh Hảo đến chơi lâu không?”

Họ biết mình chơi thân với Hảo, biết mùng hai Hảo có đến chúc Tết. Họ biết rõ đến vậy chắc phải có ai đó quen thân với gia đình nói với họ, anh nghĩ.

“Cũng vui," anh đáp.

“Thằng Tôm hết bệnh đau bụng chưa? Nó cứ đau hoài coi chừng nó bị đau bao tử đó!”

Anh chột dạ. Cái gì họ cũng biết.

“Cám ơn. Nó đã hết đau bụng. Hai anh là…”

“Tụi tui là độc giả của anh… Tôi thích thơ.”

“Tôi cũng vậy, thơ dễ đi vào lòng người hơn.”

Thì ra hai người này có đọc thơ mình. Có thể họ quen biết với bạn mình nên biết rõ về gia đình mình, anh nghĩ.

Người đàn ông rời giường đến bên anh, nhìn vào thức ăn trên bàn- cái bàn tròn bằng gỗ với mặt bàn ngả màu đen mốc đặt giữa gian trên vừa tiếp khách vừa làm bàn ăn vừa là chỗ cho hai đứa con lớn của anh bày tập vở học hành:

“Kìa! Anh cứ ăn tự nhiên đi!”

Người kia tiếp lời:

“Phải, anh cứ ăn đi! Vừa nói chuyện vừa ăn được mà! Tụi tui bình dân lắm!”

Anh ngồi xuống, cầm chén cầm đũa lên, nhìn chén tép mỡ kho tiêu anh vừa mới mang ra, nhìn chén cơm chiên rồi nhìn dĩa dưa chuột. Nhưng rồi anh bỏ chén đũa xuống.

Anh không thể ăn trong hoàn cảnh này. Thái độ của hai người đàn ông thật bất thường. Anh thấy có gì là lạ nơi họ. Anh chưa biết tại sao họ đến.

Người đàn ông nhìn chai rượu đế quốc doanh đã cạn nằm dưới gầm giường:

“Mấy nhà văn nhà thơ thích uống rượu lắm nhỉ?”

“Dạ…”

“Anh cũng rất thích, đúng không?”

“Dạ, thỉnh thoảng tôi cũng uống…Vui với bạn bè thôi.”

“Sau khi uống anh thường tỉnh hay say?”

Đó là câu hỏi thân mật; tuy vậy trong giọng nói của người đàn ông có điều gì bất thường. Anh linh cảm nó là sự khởi đầu một tình huống không hay cho mình. Anh cảnh giác:

“Hai anh muốn biết chuyện ấy thật sao?”

Người đàn ông gật đầu.

“Tôi nghĩ các anh biết rồi.”

“Ý anh là anh uống nhiều thì say, uống ít thì không say phải không?”

“Tôi nghĩ ai cũng vậy…”

Hai người đàn ông nhìn nhau.

Người đang nằm võng đứng lên, nhìn người đồng hành:

“À…anh ấy có câu thơ “Rượu nồng ai uống tỉnh hay say," anh ấy chỉ muốn hỏi người khác chứ không phải tự hỏi mình," rồi ông ta bước đến bàn ăn.

Hai người đàn ông bây giờ mỗi người đứng một bên, và như thế anh lọt vào giữa họ, một gọng kìm.

“Đúng! Bản thân anh ấy hiểu rõ chính mình mà!”

Viết câu Rượu nồng ai uống tỉnh hay say là sao? Anh có ẩn ý gì?”

“Tôi không có ẩn ý gì hết.”

“Anh hãy nói rõ ai tỉnh ai say?”

Anh không thể không bực bội:

“Ai tỉnh ai say thì liên quan gì đến các anh?”

“Anh là tác giả, chúng tôi là độc giả, sao lại không liên quan?”

Anh nhìn ra ngoài, im lặng giây lát. Bình tĩnh hơn, nhưng giọng anh vẫn còn chút gay gắt:

“Chẳng lẽ anh không biết khi uống cùng một thứ rượu, một lượng rượu, có người tỉnh có người say sao?”

“Đó là câu thứ hai… Câu đầu là gì nhỉ?…Phải rồi: “Đông đã tàn sao lá rụng đầy," người đứng bên phải nói rồi đặt tay lên vai anh, hỏi, Tôi nhớ có đúng không?”

Anh hoang mang, vẫn chưa rõ hai người đàn ông muốn gì.

“Với tư cách là một độc giả, tôi muốn hỏi anh: Bây giờ là mùa Xuân sao anh lại bảo là mùa Đông?”

Anh ngỡ ngàng, không ngờ người đàn ông lại bắt bẻ kiểu ấy.

Anh bối rối chưa kịp trả lời, người đàn ông kia hỏi:

“Tôi thì muốn hỏi anh: Hết mùa Đông thì sang mùa Xuân, mà mùa Xuân thì hoa nở, tại sao anh viết mùa Xuân lá lại rụng?”

Có thật họ không hiểu hay chỉ muốn chất vấn mình, anh tự hỏi. Ngay sau đó anh nhận ra ý định của họ. Giọng nói của họ không có gì là thân mật, êm dịu.

Anh thực sự bực bội:

“Tôi nghĩ rằng tôi không cần phải trả lời hai anh.”

Hai người đàn ông nhìn nhau. Một người nói:

“Anh ấy không muốn trả lời chúng ta.”

Người đàn ông ngồi xuống ghế bên anh:

“Anh viết hai câu thơ khó hiểu nên chúng tôi mới thắc mắc.”

Người kia bước lại võng, ngồi xuống:

“Tôi thì thấy đó là hai câu sai sự thật, trái quy luật.”

Anh chợt nhận ra mình không hề mời hai người khách ngồi. Nhưng họ đâu cần anh mời.

Anh lắc đầu:

“Mấy anh không hiểu gì về thơ.”

Người ngồi võng nhổm lên:

“Anh luôn coi thường độc giả vậy sao?”

Anh dịu giọng:

“Muốn hiểu thơ phải biết thơ là gì.”

Người ngồi ghế hỏi:

“Theo anh thơ là gì?”

“Thơ là thơ. Thơ có thế giới riêng.”

“Ý anh là thế giới thơ bất chấp sự thật, bất chấp quy luật phải không?”

“Không, thơ tôn trọng sự thật và thơ có quy luật của nó”

“À! Tôi hiểu rồi, là anh muốn ám chỉ phải không?”

“Ám chỉ là một cách diễn đạt của văn chương.”

“Vậy khi anh viết “Đông đã tàn sao lá rụng đầy," anh muốn ám chỉ mùa xuân này hay mùa xuân nào đó đã mang lại sự đau buồn, đúng không?”

Anh gật đầu:

“Cho tôi. Đại ý là vậy.”

Người đàn ông hỏi lại:

“Anh trả lời đúng như vậy?”

Anh gật đầu.

“Ý anh là mùa xuân này hay mùa xuân nào đó không phải là mùa xuân mà là mùa đông, đúng không?”

Anh gật đầu.

Người đàn ông hỏi lại:

“Anh trả lời đúng như vậy?”

Anh gật đầu. Các câu gặn hỏi khiến anh bực bội không còn giữ được sự thận trọng.

Người đàn ông ngồi võng đứng lên, bước lại bàn, ngồi lại chỗ của mình:

“Chắc anh có nghe bài hát “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” và bài “Mùa Xuân này về trên quê ta khắp đất trời biển rộng bao la?”

Anh có nghe hai ca khúc ấy. Đó là hai ca khúc có tựa “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” và “Mùa Xuân trên thành phố”.

Anh gật đầu: “Có, tôi có nghe." Anh muốn nói thêm “Rồi sao?" nhưng kịp ngưng lại.

“Anh xác nhận là anh có nghe hai bài hát ấy, đúng không?"

“Đúng!" anh đáp gọn.

“Có nghĩa là anh sử dụng công cụ ám chỉ để xuyên tạc phải không?”

Anh ngửa ra, bất ngờ trước sự áp đặt ấy:

“Tôi không hiểu.”

Người đàn ông chất vấn:

“Anh là nhà thơ sao lại không hiểu?”

“Ám chỉ và xuyên tạc là hai việc khác nhau," anh nói.

“Sự thực anh đã biết đảng đã cho ta mùa xuân, vậy mà anh lại viết mùa xuân mang lại đau buồn cho anh, không xuyên tạc thì là gì?”

Anh không biết phản ứng thế nào trước kiểu lý luận ấy. Anh đã hết sức chăm chú nghe, quan sát điệu bộ, nét mặt người đàn ông trong lúc ông ta nói, thấy ông ta không vẻ gì là đùa, hoặc nói bừa; trái lại, rất nghiêm chỉnh, tự tin. Vì thế, anh không thể có được vẻ mỉa mai, giễu cợt mà chỉ im lặng.

“Sao? Anh có thú nhận không?”

Câu hỏi ấy khiến anh thấy cần phải tự vệ:

“Đó chỉ là sự suy diễn tùy tiện, tôi không có ý xuyên tạc gì hết!”

Hai người đàn ông thay nhau lên tiếng:

“Thôi được, tất nhiên là anh phủ nhận. Anh viết câu thứ 3, câu tiếp theo: “Trăm dân còn đợi mùa xuân thật”…

“Và câu thứ bốn “Ta há chi xuân giả tạm này”cũng là theo cách ám chỉ hay cách xuyên tạc?”

Anh không trả lời, mà hỏi lại:

“Tôi có thể biết hai anh là ai; và hai anh đọc bốn câu thơ ấy ở đâu không?”

Bốn câu thơ ấy anh chưa gởi đăng báo, chưa cho ai đọc.

“Tôi nói rồi: chúng tôi là độc giả của anh," người đàn ông vừa nói vừa móc từ túi quần ra tờ giấy học trò xếp làm tư.

Ông ta mở tờ giấy, giơ ra trước mặt anh, hỏi:

“Anh xem có phải chữ viết của anh không?”

Anh lặng người giây lát, khẽ gật đầu.

“Sao anh có…”

Người đàn ông kề mặt mình vào sát mặt anh, thì thầm, âm thanh tựa tiếng rít của rắn:

“Bài thơ này cho thấy ý định của anh muốn lật đổ nhà nước. Nó mà đến tay nhà nước anh sẽ bị tội phản động đấy!”

“Anh sẽ phải học tập cải tạo ít nhất là hai năm," người kia tiếp lời.

Anh lên tiếng bảo vệ mình:

“Không, tôi không có ý định ấy. Đó là sự suy diễn không đúng."

“Này nhé! Nhân dân ta đã có mùa xuân thế mà anh bảo là trăm dân đợi mùa xuân nào nữa?”

“Thế nào là mùa xuân thật? Thế nào là mùa xuân giả, anh giải thích đi!”

Anh vẫn bình tĩnh:

“Ý tôi là mai giả không tạo ra mùa xuân thật.”

“Nghĩa là sao, anh hãy nói rõ hơn”

“Hoa mai giả người ta làm lúc nào cũng được, xuân hạ thu đông gì cũng có thể có mai giả; còn mai thật chỉ có vào mùa xuân thôi.”

“Đó là cách chối tội của anh. Công an họ không tin anh đâu. Mai giả là giả, còn mùa xuân thì bao giờ cũng thật; chẳng nhẽ anh không thấy điều đó?”

“Tôi biết là anh không sợ ở tù!" người đàn ông liếc anh, nói tiếp, “Anh còn thích ở tù nữa!”

“Dù sao cũng chỉ có hai năm thôi mà!”

“Sao hai anh lại nói thế?" anh hỏi.

“Nếu sợ anh đã không viết bốn câu thơ này," người đàn ông nói rồi vừa cười vừa vỗ vai anh, nói tiếp, “Chỉ chuyển chỗ ở, không phải lo làm rẫy, không lo kiếm cơm nuôi bốn thằng nhỏ, đúng không?”

“Chỉ có điều vợ anh vất vả một chút. Nhưng không sao, chị ta siêng năng, làm việc bằng hai cũng bình thường thôi.”

Đến lúc này anh đã nhận rõ mình đang gặp phải tình thế nào. Hai người này nói đúng, nếu công an đọc được bốn câu thơ của anh, họ sẽ suy diễn như hai người đàn ông này đã suy diễn. Mà biết đâu hai người này chính là công an.

“Tôi có thể trình bày bối cảnh mà tôi viết bốn câu thơ ấy được không?”

“Anh sẽ không thay đổi được gì…," người đàn ông nói, rồi quay sang người đồng hành: “Nhưng anh hãy nói thử.”

Anh bắt đầu kể, thật chậm rãi, chuyện xảy ra vào ngày anh viết ra bốn câu thơ ấy. Không, trước cả ngày ấy. Anh muốn kể cái hoàn cảnh đã khiến anh viết ra bốn câu thơ định mệnh. Và muốn kéo dài thời gian, không biết để làm gì.


2

Giáp Tết, vợ anh và hai đứa con lớn nghỉ sớm, về lo sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón xuân.

Anh ở lại rẫy thu hoạch nốt số bắp còn lại, gồm cả bắp cào cào.

Bán tất cả hoa màu cho thương lái ngay tại rẫy, đếm tiền anh thấy chỉ đủ để mua hạt giống trồng mùa sau, mua một ít gạo, thịt, mứt Tết, không đủ mua quần áo mới cho bốn đứa con, lì xì cho chúng như đã bàn với vợ. Thôi thì mua cho hai đứa nhỏ đồ mới, để hai đứa lớn mặc đồ cũ. Anh biết hai thằng anh sẵn sàng nhường em. Vẫn lì xì nhưng cho mỗi đứa một ngàn đồng thôi. Anh và vợ không cần đồ mới. Rồi anh tự nhắc mình nhớ mua cho vợ cái kẹp tóc “đẹp đẹp một chút”. Sực nhớ đến mai, anh đi tìm một nhánh mai rừng. Nhưng không có.

Chiếc xe đạp cà tàng vợ anh đã lấy chở hai con về trước nên anh phải đi bộ từ rẫy về nhà, gần 10 cây số. Dọc đường anh để ý những nhà có trồng mai với ý định nếu có cây nào nở hoa sẽ mua một nhánh. Nhưng không thấy.

“Tình trạng này chắc trong xóm cũng khó mà có mai," anh nghĩ.

Bước vào sân nhà, nhìn thấy một cành mai rực rỡ cắm trong bình đặt trên chiếc bàn giữa phòng, anh thầm khen vợ chu đáo, tự hỏi cô tìm đâu ra cành mai ấy. Nhưng rồi anh nhận ra đó là cành mai giả.

Vợ anh cho biết khắp trong xóm không cây mai nào nở bông dù bà con đã sử dụng mọi cách để kích thích.

Anh ghét hoa giả, dù chúng giống thật đến đâu. Anh định ném nó ra sân, nhưng nghĩ lại sợ vợ buồn nên thôi.

Sáng mùng một, anh lấy giấy bút ra để viết một cái gì đấy, một đoản văn, một bài thơ… Còn đang phân vân thì mắt anh chạm bình mai giả…


3

“Anh chắc có nhiều bạn bè, phải không?”

“Một vài người.”

“Anh có thể nói tên những người bạn của anh không?”

Sau thoáng suy nghĩ, anh đáp:

“Tại sao anh muốn biết chứ?”

“Thôi, nếu anh không muốn nói thì thôi; dù sao công an cũng đã biết”.

“Anh có gặp một người tên X phải không?”

“Không," anh đáp ngay, dứt khoát.

“Anh X nói anh nằm trong nhóm của anh ta."

“Tôi không biết ai tên X cả. Tôi không nằm trong một nhóm nào hết!”

“Thôi được, anh hãy tiếp tục ăn đi!

Hai người đàn ông nháy mắt với nhau, lần lượt đứng lên, đi ra.

Anh thở ra, thấy lòng nhẹ đi. Bóng tối đang chực nuốt chửng đời anh đã tan.


4

Bước ra tới cửa, người đàn ông ngoảnh lại:

“Chúng tôi sẽ chờ anh ở quán cà phê bên kia đường. Khi nào anh ăn xong chúng tôi sẽ sang”

Câu nói nói ấy đã đóng sập lại cánh cửa vừa mới mở của đời anh.

Anh thẫn thờ ngồi xuống ghế, người sơ cứng, bất động.

Giờ đây anh không còn thắc mắc tại sao hai người đàn ông có được tờ giấy tập học trò của con anh mà chỉ nghĩ đến vợ con. Không biết khi về nhà không thấy anh năm mẹ con sẽ nghĩ gì. Không biết năm mẹ con sẽ xoay sở ra sao khi thiếu anh. Rõ ràng hai người đàn ông ấy đã kết tội anh; hơn nữa họ đã tuyên bố bản án!

Anh không rõ họ có tốt khi chờ anh ăn xong bữa. Anh có nghe chuyện công an bắt chú rể ngay trong lễ cưới.

Quen ăn nhanh, lần này anh nhai nát miếng cơm trắng thành bột mà vẫn chưa nuốt. Không có vị ngọt mà chỉ thấy đắng ngắt trong miệng.

Anh thẫn thờ gắp từng hạt cơm, cố chống lại số phận. Chưa từng có bữa ăn nào dài như vậy trong đời.

Anh ước ao thời gian dừng lại. Anh nghĩ thà họ dẫn anh đi ngay còn hơn.

Nhìn sang bên kia đường, thấy hai người đàn ông đang ngồi nhìn mình, anh buông đũa. Anh không đủ sức.

 

Thu Phong

Người chuyển bài - GSN

No comments: