Friday, January 11, 2019

Quê Hương, Tình Yêu Trong Thơ Luân Hoán - Song Thao


Quê Hương, Tình Yêu Trong Thơ Luân Hoán

 

 

Ðọc thơ Luân Hoán là một điều thú vị. Những câu thơ thật hồn nhiên, nhẹ nhàng, chân thật như đi thẳng từ trong bụng ra chẳng cần một sự cố gắng đặt vần ráp điệu nào cả. Làm thơ như vậy coi bộ dễ quá. Cứ lấy giấy bút ra là có thơ liền. Nhưng có giấy bút trong tay rồi mới thấy chẳng phải như vậy. Cái tưởng như dễ hóa ra muôn vàn khó khăn Làm thơ đâu có phải chuyện tầm phào. Làm thơ hay không phải chuyện ba lơn.

Thơ Luân Hoán không thể là thơ không hay được. Nó như một hòn đá : nhìn bên ngoài tưởng như thô sơ, mộc mạc nhưng thật ra bên trong có chứa ngọc. Chất ngọc tinh tuyền vì nó được chắt lọc từ cuộc sống muôn vẽ muôn sắc. Hình như bất cứ trong hoàn cảnh nào cuộc sống Luân Hoán cũng có thơ được.Lúc vui lúc buồn, khi đắng cay, khi phẩn nộ, lúc tủi nhục, lúc hiên ngang, khi dịu dàng, khi hờn dỗi...mà thơ nào cũng mang cái giọng chất phác, duyên dáng nhưng tiềm ẩn bên trong là cái tinh quái, sắc sảo. Ðọc xong một bài thơ là mường tượng ngay ra được nụ cười của nhà thơ nằm đâu đó . Nụ cười có lúc ngọt, lúc bùi, lúc chua, lúc nồng nhưng cũng có lúc đắng lúc cay.

Vị ngọt ngào của tình yêu có lẽ là cái vị thấm sâu vào nhà thơ nhất. Cái "tên dật dờ" đã sớm bước vào đường tình tự những ngày xa lắc xa lơ khi chưa qua khỏi tuổi thơ dại:

" nhớ năm hết tuổi mười ba
cái lòng đã muốn lân la cái tình"

(Ta phỏng vấn ta - NNCN)

Anh hoa phát tiết sớm sủa như vậy nên thơ tình của Luân Hoán có những câu dễ thương lạ:

" mỗi lần sắp sửa yêu ai
tự nhiên mặt mũi tóc tai lạ lùng
tưởng như có triệu vi trùng
ngo ngoe đòi được nhớ nhung với mình "

(Triệu Chứng - ÐNVÐÐ)

hoặc :

"lạ quá khi không mà tương tư
đêm nay lại thức nữa, hình như
có ai đổ rượu vào ngôn ngữ
tôi nói ra toàn thơ rất thơ "
( Thắc Mắc - ÐNVÐÐ )

Cái tài nói ra thơ đã làm nhà thơ của chúng ta giàu có vần điệu quá đổi. Chất ngọt của tình yêu thấm vô từng chữ từng câu. Nhà thơ hào phóng từng thở ra thơ cho các người tình. Người mang thơ ra tặng:

" mang vào lớp bài thơ anh mới tặng
khoe bạn bè cho chúng lác mắt chơi
í mà chết, anh viết gì trong đó ?
chuyện chúng mình ? em, hổng chịu đâu "

(Nhõng Nhẻo - ÐNVÐÐ)

Người dùng thơ lót đường cho người đẹp:

" theo bóng hồng qua mấy phố vui
mắt em háy nhẹ, đẹp như cười
thơ ta, ta lót đường em dạo
trời ngát hương da thịt tiểu thư "
(Họa Phẩm - ÐNVÐÐ)

Người cho thơ qùi gối hầu người đẹp ngủ:

" trời treo mặt đầu ngọn tre
vài con ve rũ nhau lè nhè rên
em nằm đợi gió ngủ quên
thơ ta qùi gối bốn bên em nằm "

(Một Ngày Ở Quê Huỳnh Phú)

Người dùng thơ thổ lộ nỗi lòng :

" yêu em yêu quá nên không dám
viết bậy lòng ra năm bảy câu
dẫu chẳng cần khai em cũng biết
hồn vía ta chừ đang ở đâu "
(Giải Thích - ÐNVÐÐ)

Ðọc thơ tình coi bộ không có ai không thích. Làm thơ tình chắc hẳn là điều thích thú hơn.  Gỗ đá cũng phải động lòng thì mấy ai có thể để lòng mình dững dưng với cái ngọt ngào của tình yêu. Thơ tình của Luân Hoán triền miên như sóng biển phong phú như sao trời và đậm đà như hương đồng cỏ nội:

" chuyện tình, ờ thứ này hay
cho dù lải nhải suốt ngày chả sao "
(Ta phỏng vấn ta - NNCN)

Thế là thi sĩ "lải nhải" từ những mối tình :

"em có nhớ trong sân trường bữa ấy
ta theo em ngơ ngẩn tội làm sao
tay hổ ngươi ôm tập vở chép ca dao
với ý định tặng cho em kỷ niệm..."

(Trong Sân Trường Bữa Ấy - ÐNVÐÐ)

từ cái vụng dại dễ thương của chàng trai lần đầu tiên tới xông đất nhà người yêu:

" nhớ hồi xông đất nhà em
hai chân lính quính bước lên thềm nhà
trái tim chỉ chực vọt ra
cái miệng ấp úng như là cà lăm
cái đầu cái óc tối tăm
cũng may nhờ cái hết lòng yêu em"

( Chuyện Tình năm Xưa - ÐNVÐÐ)

Từ cái tha thiết tình tứ đi theo người đẹp:

" em đi lễ sáng sang chiều
hôm nay trời lạnh gió nhiều nghe em
giá tôi được phép theo bên
thở dồn dập chắc ấm thêm chút nào "
(Lẽo Ðẽo Theo Sau- ÐNVÐÐ)

Ðến những lúc "chì" hơn: không buông tha cả người nữ tu :

" thôi đành vậy, người yên lòng cầu nguyện
mặc tôi qùi sám hối để nguôi quên
Chúa quá xa, người còn xa hơn Chúa
tôi chẳng xin gì ngoài vài phút lênh đênh "

(Thơ Tặng Người Nữ Tu _ÐNVÐÐ)

Và tán luôn cả người đã một lần dang dỡ trong tình trường :

" trưa trờ trưa trật rồi em
lăn qua lăn lại đâu quên được buồn
tốt hơn nên đổi người thương
ta xin thế chỗ tầm thường đó cho "

( Tán Người Ðang Thất Tình - ÐNVÐÐ)

Tình của người mà sao như có bóng hình những mối tình của mình. Phảng phất đâu đây tâm hồn mình nằm trong thơ người. Nghe như trong lòng vẫn còn xao xuyến với những vụng dại ngờ nghệch của những ngày chớm yêu, nghe như chưa lắng đọng những ngây ngất dạt dào của những đắm say ngày cũ, nghe như những hồn ma của những cuộc tình dang dở đang bay về gợi nhớ gợi thương.

Cái ngọt ngào của ngày cũ như trộn vào cái ngọt bùi của ngày nay. Cái mối tình lớn lúc nào cũng tinh khôi như chẳng bao giờ khô trong kỷ niệm. Người chia ngọt xẻ bùi hôm nay vẫn mang nguyên vẹn dáng dấp thanh xuân của những ngày mới quen :

" một buổi sáng trời mưa buồn chi lạ
bâng khuâng nhìn em vọc nước ngoài hiên
gió mùa thu đùa trong tóc nghiêng nghiêng
bay lên má ...nhận ra em đã lớn
.....
mười sáu năm qua đời dừng trong ga nhỏ
chiều hôm nay ngồi vơ vẩn trông mưa
em ngoài hiên lại vọc nước như xưa
ta bỗng thấy em vẫn còn con gái...

(Chiều Mưa - ÐNVÐÐ)

Vì em mãi mãi là con gái nên nhà thơ vẫn còn mãi mãi mê say. Chỗ của người-vợ-người-tình vẫn là cái chỗ dành riêng muôn thuở :

" Ôi cô bé trường Tây Hồ Trần Thị...
dẫu bây giờ đã hòa nhập trong ta
ta vẫn thấy phải dành riêng một chỗ
để ngồi nhìn em mãi mãi thướt tha "
(Một Chỗ Cho Em - ÐNVÐÐ)

Cái ngọt bùi của nghĩa tào khang mang nét đậm đà của muối mặn gừng cay. Sự chí tình của nhà thơ thấy mà cảm động :

" năm giờ sáng em bắt đầu đến sở
trời tờ mờ tuyết lạnh vướng bên chân
ổ bánh nhỏ trong tay chừng đã mỏi
métro sang bus đã bao lần ? "
(Ly Rượu Cuối Tuần Cho Lý - NNCN)

Hình ảnh của người đầu gối tay ấp có bao giờ phai nhạt trong lòng thi sĩ:

" đóng cây đinh treo ảnh em lên vách
nhìn mắt em cười trong ảnh muốn hôn
xinh đẹp như ri sao mà lận đận
theo ta làm gì hỡi ả mèo con ? "

(Một Ngày Nghỉ Bệnh - ÐNVÐÐ)

Ả mèo con hẳn đã từng là một độc gỉa tâm đầu ý hợp của nhà thơ, nên dù biết lận đận nhưng vẫn miệt mài với thi sĩ. Làm một nàng thơ thường xuyên nằm trong những vần điệu nồng ấm chẳng là một sự thích thú sao ? Huống chi thi sĩ này lại tự hào với cái nghiệp chữ nghĩa của mình:

" em nên nhớ rằng lưng ngựa ô
làm sao bằng được lưng nhà thơ
êm như võng lụa nồng như rượu
dìu dắt em vào triệu giấc mơ "

(Ðưa Em Trình Diện Ao Vườn - CƠÐÐTT...)

Dìu em vào triệu giấc mơ rồi nhà thơ của chúng ta bèn qụẹo qua những giấc mơ thầm kín của riêng mình. Lòng người làm thơ bao la rộng mở. Sông bao nhiêu nước cho vừa ?  Nhưng bóng hình người cũ tuy có nhạt nhòa nhưng vẫn thoáng hiện đâu đây. Nhà thơ đa tình đi tìm lại cái vị chua hấp dẫn của những mối tình với các nàng thơ cũ:

" lâu quá không còn được gặp
tình cờ giữa phố thấy nhau
em ngồi xích lô vắt vẻo
ta theo chân vợ qua cầu
......
tình cờ chắc là vô tội
ta về rót rượu rửa môi
vết hôn ngày xưa đã mất
cảm ơn đôi phút bồi hồi
(Bên Cầu chữ Y SG- ÐNVÐÐ)

Những hoa lá của cuộc đời tạo nên những tác phẩm. Hoa lá trong vườn cũng như hoa lá ngoài vườn. Nhiều khi hoa lá ngoài vườn có cái xa cách hấp dẫn lại tạo những cảm hứng dạt dào hơn. Nên dù có tự dễ dãi cho mình là vô tội vì sự gặp gỡ tình cờ thì nhà thơ vẫn cứ thú vị với cái bồi hồi khi cắn vào trái cấm. Và với người nòi tình thì sự tình cờ chẳng phải chỉ có một lần:

" ao ước người kia chẳng biết ta
để đừng thảng thốt liếc vội qua
cổ quan tài nhỏ trong lòng vẫn
ấm áp lời thề ai thiết tha "
(Gặp Em Ở Plaza Côte des Neiges- NNCN)

Nhưng những khi miệt mài theo bóng hình kiều diễm thì dù có lấp liếm tới đâu cũng phải thú nhận đó chẳng phải là sự tình cờ:

" đâu có phải tình cờ tôi theo dõi
gót chân hồng thoăn thoắt đó về đâu
em kiều diễm một đôi lần ngó lại
đôi mắt xanh như khuyến khích gật đầu
........
đường mấy nẽo theo em làm thi sĩ
có chi vui hơn săn đuổi tình yêu
ngọn nến đỏ trong lòng tôi chợt thắp
gã đông phương thơ thẩn hết buổi chiều "

(Theo Em Sang Longueil- NNCN)

Gã đông phương thơ thẩn theo em mắt xanh qua Longueil cũng chính là gã đông phương tưởng nhớ nàng mắt xanh soi bóng trên giòng sông Seine:

" chắc có lẽ tôi cũng vừa nhung nhớ
Jeanne hãy nhìn xuống mặt nước sông Seine
tôi hy vọng khuôn mặt Jeanne rạng rỡ
bởi có lòng tôi vừa ghé đứng kề bên "

(Thư Cho Scotte Jeanne - ÐNVÐÐ)

Tội nghiệp cho gã đông phương hào hoa, cái sầu của những cuộc tình lỡ chỉ có thể đong bằng chất cay màu hổ phách. Càng đong càng sầu. Càng sầu thơ càng thiết tha:

" còn em sao cũng kỳ khôi lắm
ba năm khăn gói gối tay chồng
lảng vảng làm gì trong cốc rượu
uống càng thương nhớ kẻ sang sông "
(Trời Mưa Uống Rượu- ÐNVÐÐ)

Nước có len lỏi qua rừng qua biển thì nước cũng trở về nguồn. Nhà thơ của chúng ta có lang bang qua trăm phương ngàn lối thì cũng quay về lối cũ. Cái lối thân thương ngọt bùi vẫn cứ mãi mãi níu hồn thi sĩ:

" dù viết về một ai
cũng bằng tim em cả
hình ảnh em không phai
dù gọi tên kẻ khác "

(Em Vẫn Là Người Tình - ÐNVÐÐ)

Thi sĩ của chúng ta đi một đòn hóa giải khá bay bướm. Cái mặn nồng đối với người chia ngọt xẻ bùi kể như đã vẹn toàn. Cái mặn nồng đối với quê hương còn da diết trong tim. Quê hương là chốn nuôi nấng, bao bọc, yêu thương và là nơi để lại muôn vàn kỷ niệm:

" treo lòng lên mũi Chân Mây
lim dim nghe tiéng lá cây trở mình
thương em, khép nép ngồi rình
mây vào lá lá ổ tình đẻ thơ
trên tuyệt mù đỉnh hư vô
ta chìm nổi giữa phất phơ bụi trần "
(Mây Trắng Bay Nhiều Quá...- NNCN)

Quê hương là nơi làm mềm trái tim của đứa con lưu lạc khi đặt chân trở về:

" phi cơ dừng bánh trong phi cảng
run run tôi đứng vẫy tay chào
bốn mươi tám tuổi còn được khóc
như đứa trẻ con, thú biết bao " 
(Quê Hương Nhắm Mắt Như Sờ Ðược ..- NNCN)

Quê hương là niềm nhớ không bao giờ phai:

" bao nhiêu bèo bọt trong lòng
thở vào chữ nghĩa mặn nồng chua ngoa
gởi hoang vu lại quê nhà
xin cho thương nhớ lột da sống đời"
(MTBNQ- NNCN)

Quê hương là nơi giữ hồn của đứa con phải rời xa quê mẹ:

" chào em cúi mặt chào em
xác đây hồn đã lênh đênh cõi nào
vay đời đôi hạt ca dao
ươm trong tim khóm trúc đào xinh xinh"
(Cúi Mặt Chào ÐN- NNCN)

Chốn quê hương ngọt ngào đó giờ đã dẫm đầy nước mắt dưới gót chân hận thù của lũ người không tim. Một quê hương đau khổ nằm dưới muôn ngàn đắng cay. Nơi mà con người chẳng còn quyền làm người, nơi mà tìng người là một thứ vô dụng thừa thãi:

" chúng tôi là súc vật
hôm nay học làm người
xin chân thành"đăng ký"
chúng tôi thừa trái tim "

(Trình Diện - HTVN)

Nơi mà ước mơ của con người không bay cao hơn được cái bụng:

" cơm ăn ngày lưng bữa
đỡ rửa chén rửa nồi
áo quần không bột giặt
thơm hoài hương mồ hôi "

Nơi con người là địa ngục của con người. Rình rập nhau, theo dõi nhau, tố cáo nhau một cách bần tiện đê hèn:

" quê ta chừ khỏi chê
mỗi đêm mỗi hội hộp
mổ xẻ từng bữa ăn
lắng nghe từng hơi ngáp"
(Thăm Quê - HTVN)

Nơi mà con người như những con chuột làm gì cũng phải lén lút, chui rúc. Chữ tự do đã chết một cách tức tưởi, đắng cay:

" em đừng nhắc chút đời ta ngày trước
cái tàn dư Mỹ Ngụy đó cho qua
thơ mấy tập đã đốt mừng giải phóng
kiếp làm người đã nhượng lại qủi ma "
(Nhan Sắc - HTVN)

Nơi mà tương lai chỉ là bóng tối mù mịt :

" còn thầy đây như các em đã thấy
thân xác này và mủng bánh bột khoai
cái kính trắng chút hương thừa trí thức
râu tóc dài như bóng tối tương lai"

(Trước Cổng Trường Hồng Ðức - HTVN)

Nơi mà những đứa con của quê mẹ chẳng còn cách nào khác hơn là mong ước rời xa quê mẹ:

" thay nhau đạp tới đạp lui
gặp thêm mấy mống ngậm ngùi ngồi mong
thằng khổ đè đến lưng cong
đứa buồn ngập đến đỏ tròng mắt sâu
thằng nào cũng bạc toc râu
đứa nào cũng mộng ghe tầu trốn đi"
(Sài gòn xuân 84 - HTVN)

Những người làm thơ, những người có con tim nhậy cảm với tất cả âm ba của cuộc sống chẳng thể làm ngơ trước những nghịch cảnh của quê hương:

" mỗi ngày trăm cảnh sống
mỗi cảnh trăm bài thơ
không viết thì uất ức
viết ra ngục đang chờ "
( Nợ Ðời - HTVN)

Dù phải chịu trăm ngàn đắng cay thì con người thơ vẫn cứ hiên ngang cầm bút.  Sự bất khuất như một mẫu số chung của những người còn nhiều tâm huyết với quê hương:

" thơ của ta là thơ của trái tim
mỗi một chữ là mỗi mầm nhân ái
mỗi một câu là giòng máu về tim
thơ như vậy có lửa nào đốt nỗi
lửa thù hằn lửa đó kỵ nhỏ nhen"

(Vẫn Còn Ta - HTVN)

Tôi nhớ trong một truyện ngắn nào đó, văn hào Léon Tolstoi đã cho rằng:  "cuộc sống không phải là cuộc sống, nếu người ta phải sống". Trên quê hương chúng ta ngày nay chỉ còn những con người phải sống. Muốn sống vô tri như cây cỏ cũng chẳng được.  Muốn sống dật dờ như chỉ hít thở không khí cũng chẳng xong. Trong đầu đồng bào chúng ta ở quê nhà , đều có hình ảnh một con tàu, hay một chiếc máy bay. Chúng ta không ruồng bỏ quê hương, cũng như quê hương chẳng ruồng bỏ chúng ta. Nhưng trong những giây phút trớ trêu của lịch sử, con người phải gĩa từ chốn thân thương như một chọn lựa cay nghiệt:

" ta không khóc nào đâu ta có khóc
giọt nước này ? thưa đó chỉ giọt sương
ai đưa tiễn mở lớn dùm mắt biếc
cho ta nhìn lần cuối nỗi bi thương
cho ta thấy được ta vừa trốn thoát
một cõi đời không nguôi nỗi nhớ thương "

(6 tháng ở 22 Lê Lợi Sàigòn - NNCN)

Còn cay đắng nào hơn cái cay đắng phải trốn thoát nơi không nguôi nỗi nhớ thương Còn cái buồn nào hơn, cái buồn phải dứt bỏ tất cả , để đi vào chốn mù mịt xa lạ của kiếp lưu vong:

" uống thì uống quách cho xong
xong thì xong chứ đừng hòng ta vui
mai ta đã bỏ đi rồi
cồn kia bãi nọ ai ngồi thay ta ?"

Và cái vị đắng của cuộc lưu đày bắt đầu ngay từ giờ thứ nhất, khi phải xếp hàng khám ghẻ, tại chốn dừng chân đầu tiên trên đường lìa bỏ quê nhà :

" từng người một xắn quần dở áo
thịt da vàng lở lói gì không
máu rất đỏ nhưng hồn bầm nhẫn nhục
thẹn đong đầy từng bước lưu vong "

(4 giờ tại phi trường Thái Lan - NNCN)

Cái phần bầm tím của tên lưu đày biệt xứ đè nặng lên con người vừa mất nước :

" bữa cơm trưa quê người thứ nhất
có thịt gà trứng vịt khoai tây
cơm quá khô thầm chan nước mắt
nuốt nửa chừng, mửa lạnh bàn tay

(4GTPTTL-NNCN)

Bỗng thấy bàn tay mình xuội xuống trống trơn; bỗng thấy con người mình trần trụi chẳng còn cái chi chi, như một sự hụt hẫng tàn bạo kéo xuống hun hút vực sâu. Trống rỗng tuyệt đối. Mất mát hoàn toàn. Cái thiên đường tưởng vừa thấy được hóa thành một niềm cay đắng mới:

" xưa ta xe ngựa đi về
chừ ta trâu ngựa yên bề ẩn thân
chốn này danh nghiệp phù vân
đầu ơi cứ cúi thấp dần được không ? "

(Lạc Giòng - NNCN)

Cấp bậc, huy chương , bằng cấp, chức vụ như những thứ đồ gỉa, cái đã có như của phù vân. Cái phải có cầm bằng như vô vọng :

" cái cần ta không đạt
cái đạt người không cần
lỡ tay đời thầy thợ
ước gì mọc lại chân "

(Một Chiếu - NNCN)

Bắt đầu cuộc đời mới , như cõng trên lưng nỗi nhọc nhằn đáng ghét :

" ta cõng trên lưng cái thùng thật lớn
còn nặng hơn cái tấm thân ta
cố nghiến răng giữ cho khỏi ngã
mỗi bước chân chếnh choáng như là... "

(Nhề Nghiệp Mới - NNCN)

Và cái con sâu buồn phiền tủi nhục cứ ngày ngày bò nhột nhat trong trái tim héo úa:

" ba năm lạng quạng xứ người
soi gương già khọm như mười mấy năm
thì ra sữa thịt lùi chân
trước anh địch thủ ngàn cân buồn phiền"

(Thơ Mùa Xuân Con Rồng - NNCN)

Nỗi buồn phiền cứ quanh quẩn trong từng hơi thở của cuộc sống nặng nề nơi xứ người:

" gắp con bún gắp thân thương
ngoằn ngoèo gợi nhớ trăm đường cỏ xanh
vài trái ớt ít giọt chanh
vì cay hay nhớ long lanh lệ trào ?"
(Ngồi Lê - NNCN)

Cuộc sống lúc nào cũng túng rối những nhớ nhớ thương thương :

" đêm dài dài dằng dặt
thức đái thức đái hoài
nước gì trong đôi mắt
thỉnh thoảng giọt giọt dài"

(Gọi Tên Bạn Bè - NNCN)

Cuộc sống không bao giờ nguôi niềm trăn trở bẽ bàng :

" nợ nước nợ nhà chưa trả
sợ chi cái thứ nợ say
năm bảy chén sầu cạn sạch
mặt mày như thịt heo quay '
(Bắc Chước Viết Hành Ca Lưu Vong - NNCN)

Cuộc sống lúc nào cũng dày đặt nỗi lo sợ đánh mất con người thực của mình :

" bỗng tưởng chừng như máu tim ta
đỏ hơn thời tù tội quê nhà
phải chăng chớm nở mầm vong bản
nhục nước phai vì bả vinh hoa "
(Nghêu Ngao Giữa Lòng Montréal-NNCN)

Cuộc sống luôn luôn thắc mắc tra hỏi có còn là cuộc sống không :

" ví như ta được thành ta nữa
thơ thẩn một đời lại thẩn thơ
bài thơ mai mốt ra sao nhỉ
có đỡ xót xa hơn bao giờ ?"

(Thắc Mắc -NNCN)

Cái xót xa của Luân Hoán có là cái xót xa chung của những con người lưu vong còn có lòng với quê hương không ? Tâm trạng của Luân Hoán phải chăng chính là là tâm trạng của mỗi người chúng ta .

"Cùng một lứa bên trời lận đận"(VHC), Tôi có một cái duyên nhỏ được chung cái lận đận với nhà thơ từ những ngày sửa soạn ra đi ở Việt Nam, cho tới lúc qua xứ người hầu như cùng thời gian. Những gì tôi cảm thấy ở quê nhà ngày lìa xa. Ở quê người lúc khởi đầu gian nan, đều thấy có trong thơ Luân Hoán. Thật thú vị và tiện lợi. Cứ mượn thơ người mà vỗ về nỗi lòng mình. Thơ như chẳng còn là thơ người. Nỗi lòng mình như chẳng còn là của riêng mình. Ðọc thơ như vậy chẳng chỉ là đọc xuông mà như hòa mình vào thơ Thơ không còn ở bên ngoài mà đã nằm gọn gàng trong tâm hồn mình. Nỗi cảm thông khít khao như vậy còn gì vẹn toàn hơn.

 

Song Thao

 

Luân Hoán - Tên thật Lê Ngọc Châu
Con ông Lê Hoán (gốc Liêm Lạc Hòa Ða, Quảng Nam) và bà Nguyễn thị Luân (gốc Vĩnh Ðiện, Quảng Nam)
Sống và trưởng thành tại Ðà Nẵng từ 1953.
Sĩ quan trong QLVNCH, mất chân trái tại mặt trận Mộ Ðức, Quảng Ngãi, 1969.
Sau đó giữ chức tham sự ngân hàng VNTT, Ðà Nẵng.
Hiện định cư tại Montreal Canada từ 1985.
Có bài đăng trên nhiều tạp chí văn học trước và sau 1975.
Tác phẩm đầu tiên "Về Trời" xuất bản năm 1964 tại Sài Gòn.

304Đen – Llttm - YD

No comments: