Monday, March 31, 2025

Định Mệnh Sầu - Thuyên Huy

 Định Mệnh Sầu




Hồn Người Trong Ly Rượu - Sơn Nam

 

HỒN NGƯỜI TRONG LY RƯỢU




 

Trong gian phòng hơi tối, Hùng chăm chú nhìn mấy con số thâu xuất trong quyển sổ công  của làng Tây Yên:

– Đinh Văn Mão đóng thuế điền 2 đồng biên lai số 00217.

– Quách Yến đóng thuế thủy lợi Kinh Dài 65 đồng, biên lai số 00218.

– Tu bổ trường làng ngày 21 Ợ 1 Ợ 1937, xuất 6 đồng 8 cắc 6 xu…

Chàng buông viết xuống, đi nhanh đến vách để tìm cái bàn toán. Từ hồi nhận chức vụ biện làng, làm việc tại nhà ông Tư đến nay chàng mới sáng mắt: người Trung Hoa bày ra cái bàn toán thật tiện lợi, để sử dụng, khi lắc mấy con toán, âm thanh vang lên đều đều, vui vui.
Cái bàn toán treo hơi cao, kế bên tấm lịch. Chàng với tay lên chợt rùng mình vì từ trong phòng, một bàn tay trắng muốt đưa ra, nắm chặt bàn tay chàng. Chàng suýt kêu to vì ngạc nhiên, vì sợ hãi:

– Ai… vậy?

Người chủ của cái bàn toán ngà vẫn chưa chịu xuất hiện. Nàng nói lanh lảnh:

– Anh này giả ngộ hoài! hổm rày tôi biết… anh mê tôi lắm nhưng anh sợ, anh không dám nói ra. Phải vậy không?

Hùng định thần, tìm cách gỡ rối. Cô Huệ, người vợ mơn mởn của ông xã Tư đang trêu ghẹo, thử thách chàng. Huệ là người ở cùng xóm. Năm mười bảy tuổi, hồi năm ngoái, nàng vâng lịnh cha mẹ để làm lễ vu qui, làm vợ ông xã Tự Ông xã tuổi hơn năm mươi, lớn hơn nàng
những bốn chục cái xuân xanh, và ông ta cũng giàu có hơn gia đình nàng gấp trăm lần!
Hùng lẩm bẩm:

– Trời! Tội nghiệp tôi, bà ơi.

Huệ cười dòn, lú mặt ra, bàn tay nàng vẫn bám chặt cổ tay Hùng:

– Hễ anh kêu tôi bằng bà thì nắm chặt như vầy hoài.

Hùng lắc đầu, mấy giọt mồ hôi tươm ra như sưong trên vầng trán đau khổ:

– Rủi ông xã về thình lình, chắc ông giết tôi quá!

– Bây giờ anh muốn chết hay muốn sống?

– Dạ, muốn sống.

Mấy ngón tay Huệ như bắt đầu mở vòng vây.
Nàng nói:

– Sống để làm gì?

– Dạ, sống để… làm biện làng, giúp việc cho ông xã.

Huệ buông tay xuống cười khanh khách rồi tát yêu vào má Hùng:

– Anh này nói dóc quá. Tôi nói cho anh mừng, sáng nay nhà tôi đi hầu quan chủ quận, tới chiều mới về. Trong nhà, chẳng còn ai. Con nhỏ ở dưới bếp là đứa thân tín.

Dứt lời, Huệ bước ra khỏi phòng. Hùng cầm cái bàn toán, đặt trên bàn rồi ngồi ghế giả bộ như say sưa làm việc… Ngoài hiên, cơn gió nhẹ thổi qua, vô tình đẩy cánh cửa khép lại he hé. Ấm áp quá. Nhưng Hùng vẫn chưa yên tâm. Mấy năm trước, chàng gặp Huệ nhiều lần qua mấy dịp cúng đình làng, hai người cùng nhau trao đổi những cái liếc tình tứ. Thế thôi. Rồi nàng ngoan ngoãn vâng lệnh cha mẹ, làm vợ ông xã Tự Hôn nhân trái cựa ấy khiến dân làng bàn tán không ngớt. Đa số cho rằng Huệ ham tiền, muốn chiếm đoạt gia tài ông xã Tư trong mai hậu. Nhưng lại còn giả thuyết:

– Ông xã Tư có bùa, có ngải, Huệ đã uống nhằm bùa của lão ta chuộc từ núi Tà Lơn huyền bí.

Huệ đứng dậy, bước khoan thai đến gần bàn giữa, rót tách nước đêm lại dâng cho Hùng với dáng điệu trịnh trọng:

– Mời anh… Anh nhát quá.

Bấy giờ, Hùng bắt đầu tỉnh táo. Bao nhiêu khí phách bừng sôi mạnh trong huyết quản của chàng trai yêu dời.

Huệ là gái có chồng, đang sống trong vòng áp bức của ông chồng già, nghiêm khắc mà nàng còn đủ can đảm huống chi chàng… Nếu ông xã đuổi, chàng đi tìm sanh kế nơi khác và rủ Huệ trốn theo.

Chàng nâng tách nước uống một hơi. Nàng cười:

– Thủng thẳng mà uống. Coi chừng phỏng miệng.

Chàng đáp:

– Chết cũng không sợ, miễn là…

Rồi hai người tha hồ trò chuyện, kể lể cho nhau bao nỗi nhớ nhung uất hận. Nàng an ủi Hùng:

– Em nói với ba má gả Lan cho anh.

Lan là em gái của Huệ, siêng năng hơn Huệ nhưng kém lộng lẫy hơn. Hùng cau mày:

– Anh chỉ yêu Huệ mà thôi.

Huệ đáp:

– Anh này bướng quá, lì quá. Em hiểu lòng anh từ mấy tháng nay. Nhưng từ rày về sau, anh nên cẩn thận. hôm trước, anh vô tình vẽ lại mái tóc của em trên tấm giấy chậm. Chồng em đã chú ý rồi đó…

Từ đó về sau, mỗi dịp ông xã Tư đi hầu quan chủ quận mỗi tháng hai lần, để nạp thuế, hai người tha hồ ân ái. Hùng đánh bạo, vào phòng của Huệ, nằm trên chiếc gối thêu rồn thêu phụng bấy lâu chỉ dành cho ông xã Tự

Huệ càng đẹp, càng xinh thêm.

Hùng thỉnh thoảng ca vọng cổ trước mặt ông xã Tự Ông xã cười gằn, liếc lên vách, nhìn bàn toán treo sát cửa phòng. Và cách cái bàn toán chừng vài tấc là thanh đoản đao bén ngót mưa từ miền cao nguyên.

*

Hồm ấy, sau khi rảnh việc, Hùng về nhà trọ ở xóm vàm.

Chàng đang sờ vào túi, đếm thử mấy đồng bạch chợt nghe tiếng gọi to, phía sau:

– Chú biện!

Đó là ông xã Tự Ông ta gọi lần nữa, giọng rắn rỏi hơn.

– Hùng!  Mầy đứng lại.

Nghĩ rằng xã Tư là kẻ đa mưu, chẳng lẽ ông ta dám giết mình lúc ban ngày, gần xóm đông đúc nên Hùng mạnh dạn đứng lại:

– Thưa ông…

– Mầy đi đâu vậy?

– Dạ về nhà.

– Tao hỏi mầy đi về… âm phủ hay muốn ở lại dương gian. Mầy nghe rõ chưa?

Hai người bước chậm rãi bên cạnh nhau. Hùng chú ý một điều: ông xã không mang khí giới… gương mặt cau có chứng tỏ ông ta ghen bóng ghen gió chớ chưa nắm được bằng cớ nào cụ thể. Để tỏ rằng ta đây là anh hùng, chàng nói thẳng:

– Tôi đã nói chuyện riêng với… bà nhiều lần, lúc ông vắng mặt.

– Tại sao mầy không nói lúc tao có mặt? Chuyện riêng là chuyện gì? Nói thật đi, tao tha tội cho. Tao biết mầy quen với gia đình bên vợ tao, từ lâu…

Mấy tiếng gia đình bên vợ giúp Hùng tỉnh táo, sáng trí.

Chàng xoay sang vấn đề khác:

– Thưa ông, tôi quen với gia đình bên ông… Xóm giềng ai cũng biết…

Rồi chàng cố tình ngưng câu nói, chờ ông xã Tư thúc hối:

– Mầy muốn làm rể hả? Tao cưới con Huệ, mầy tức hả?

Thấy xã Tư đã lọt vào quỉ kế của mình. Hùng nói:

– Xin ông đừng nóng giận. Tôi muốn làm rể và khi ông cưới cô Huệ, tôi tức giận thiệt đó…

Rồi chàng dang xa vài bước, thủ thế:

– Nhưng… tôi muốn cưới Lan, em cô Huệ. Tôi tức giận vì mình nghèo túng. Phải chi tôi có chức phận làm được hương thân, hương hào thì đâu đến nỗi thất vọng vì tình.

Ông xã Tư gật đầu từng chập, bán tin bán nghi. Có lẽ thằng Hùng thổ lộ tâm tình chân thành của nó vì Huệ còn đứa em gái khá đẹp mà ông xã toan đem về làm… tỳ thiếp trong mai hậu. Tuy nhiên, câu trả lời của Hùng vẫn chưa đánh tan sự ghen tương:

– Mầy nói với vợ tao chuyện gì? Nói mấy lần? Nói tại đâu?

– Dạ, nói nhiều lần. Tôi nhờ cô Huệ trình bày hoàn cảnh tôi với ba má cô. Tôi muốn nhờ ông giúp dùm, nói vô vài tiếng ngặt tôi chưa dám.

– Ờ… Để tao coi lại.

Đến xóm trên, ông xã Tư ghé vào quán, uống rượu liên miên, tìm cách ứng phó. Hùng nhanh trí, bơi xuống thẳng về phía Kinh Dài, nơi trú ngụ của Huệ. Chàng thuật đầu đuôi tai nạn đã xảy ra rồi quỳ xuống lậy. Ông Hương Kiểm Lưu, cha của Huệ ban đầu tức giận nhưng ông nghĩ đến tương lại Huệ, thở dài. Hùng nài nỉ thống thiết:

– Ông xã Tư đa mưu túc trí, dám giết tôi để trả thù, giết cách này hoặc cách khác… Xin bác bình tĩnh giúp đỡ cháu. Cháu hiểu phận mình chưa xứng đáng làm con rễ trong gia đình.

Ông Hương Kiểm bỗng giật mình:

– Xã Tư bây giờ ở đâu?

– Dạ, ổng uống rượu ở quán, tại xám Vàm.

– Nguy lắm. Lan ơi!

Lan bước tới, khép nép cúi chào Hùng. Ông Hương Kiểm day lại Hùng:

– Mầy đi cho khuất, kẻo thiên hạ sanh nghị

Hùng trố mắt, bước ra về, nghe ông Hương Kiểm căn dặn Lan:

– Con tới nhà chi. Huệ, nói như vầy, như vầy… Kẻo người nói một đàng, người cung khai một nẻo. Đi cho gấp kẻo… xã Tư về trước. À! Đem nải chuối cau này, gọi là mượn cớ thăm viếng.

Năm ba hôm sau, Hùng cúi đầu làm việc, chẳng dám nhìn Huệ hoặc ông xã Tự Thái độ ông ta thật khó hiểu, thỉnh thoảng vào phòng nói chuyện rù rì với Huệ rồi trở ra. Hùng mừng thầm hy vọng tai qua nạn khỏi vì chàng đã đánh lạc hướng xã Tư một cách khéo léo.

Xã Tư mở tủ, trao cho Hùng mười đồng bạc. Hùng trố mắt:

– Thưa ông, chưa tới ngày lãnh lương.

– Tao cho mầy mượn.

– Dạ, làm sao tôi có tiền trả lại.

Xã Tư nói:

– Tao biểu điều gì, mầy đừng cãi. Ngày mốt, mầy cưới vợ.

– Dạ, cưới ai?

Câu hỏi vặn ngược khiến ông Tư càng nghi ngờ. Tại sao biện Hùng thú thật rằng nó yêu Lan nhưng nó lại không biết… Cưới ai làm vợ? Ông ta nói:

– Cưới con Lan. Tao nói với con Lan rồi. Ông Hương Kiểm đồng ý. Mầy cầm số tiền này may sắm quần áo. Ngày mốt ông Hương Kiểm làm đám nói cho mầy có thể xuống nhà ổng ăn cơm, ở lại đó để làm rể. Hàng ngày, mầy được quyền nói chuyện tình với con Lan. Ban đêm mầy… tự do ra vào phòng của nó.

Quả thật ông xã Tư là đối thủ lợi hại. Ông ta xuất ra số tiền ấy để làm kế ly gián khiến cô vợ trẻ nghi ngờ mối tình son sắt của Hùng. Hùng đau xót nhưng chẳng biết nói sao… Đôi mắt chàng long lanh ngấn lệ:

– Tôi chưa muốn cưới vợ.

Xã Tư cười, đắc chí:

– Thằng này lạ quá. Muốn cưới vợ lại không muốn. Mầy giỡn với ta hả? Người ta cưới vợ rồi cười, mầy lại khóc hận. Mua sắm quần áo đi. Từ giờ phút này, tao cấm mầy nói chuyện riêng với vợ tao, hiểu chưa. Nếu bắt gặp, tao giết mầy. Xứ này, thiên hạ nghe oai danh tao
quá nhiều. Tao giết bất cứ ai, nếu tao muốn. Tao không sợ ở tù đâu… Và hễ giết kễ gian thì lương tâm tao không bao giờ ăn năn hối hận gì ráo.

Hùng ngoan ngoạn cúi đầu. Bơ vơ quá. Bỗng dưng chàng yêu Huệ hơn bao giờ hết. Ngày mốt, chàng làm lễ hỏi Lan.

Vô lý quá. Chẳng biết khi hay tin này, thái độ của Huệ ra sao? Xã Tư độc ác thật. hắn ghen tuông, trả thù, bày kế ly gián để giết lần giết mòn cuộc đời Hùng và Huệ.

Nhưng khối óc non nớt của Hùng chưa suy luận, tiên đoán nổi những chuyện sắp xảy tới.

*

Ngày mười lăm dương lịch, xã Tư đi hầu quan chủ quận như thường lệ. Huệ nằm rũ rượi trong phòng. Từ khi làm lễ hỏi Lan tới giờ, xã Tư bắt buộc Hùng nghỉ việc mười hôm. Ông ta bảo với vợ:

– Em đừng hiểu lầm. Anh cho thằng Hùng nghỉ tạm để vợ chồng nó hưởng tuần trăng mật. Sau đó, nó về đây làm sổ sách như trước.

Huệ ngơ ngác:

– Mình nói sao? Hùng hưởng tuần trăng mật?

– Nó ngủ chung một phòng với con Lan.

Huệ đập tay xuống bàn, giận dữ. Xã Tư liếc thấy sự ghen tuông đang hiện rõ trên mặt vợ. Huệ còn yêu Hùng. Huệ không muốn Hùng… nhập phòng với Lan.

Ông ta cười gằn:

– Em giận ai?

Huệ lanh trí, tìm được câu trả lời:

– Em giận tất cả mọi người, mới làm đám hỏi mà nhập phòng à? Tục lệ nào cho phép chuyện bất lương đó?

Ông ta đáp:

– Tôi muốn như vậy để thằng Hùng khỏi làm chuyện bất lương khác.

Nói xong, ông ta xuống ghe, ra lịnh cho mấy thằng trạo chèo đi dinh quan chủ quận ở tận chơ. Gò Quao.

Gian nhà trống trải lạ thường. Hồi lâu, nàng thấy Hùng và Lan bước vào. Lan rưng rưng nước mắt khi gặp chị:

– Chị đừng hiểu lầm.

Huệ vội đóng cửa phòng:

– Về đi! Về hết đi! Tao muốn chết.

Hùng chạy tới, xô cửa phòng, nói nhanh:

– Huệ, em đừng dại dột. Hễ anh nói, chắc em không tin. Hôm nay, anh dẫn Lan tới đây. Lan sẽ trình bày cho em biết tất cả sự thật.

Bây giờ, Huệ mới bắt đầu yên tâm. Hai chị em Huệ và Lan ôm nhau khóc nức nở. Lan nói nghẹn ngào:

– Ông xã bắt buộc Hùng và em phải ngủ chung một phòng để gây dư luận xấu. Thiệt ra anh Hùng là người tốt. Đêm đó, anh Hùng ngủ dưới đất, em thì ngủ một mình trên giường.

Hùng nghiến răng:

– Khổ quá. Tại sao ba má không cản ngăn.

– Dạ, ông xã hăm he. Nếu ba má từ chối thì ông xã sẽ làm lớn chuyện, giết chị lập tức. Ông nói chị tư tình với anh Hùng…

– Chị hiểu rồi… Vợ chồng em về đi!

Hùng và Lan vô cùng bối rối. Cuộc thăm viếng này sẽ làm cho Huệ uất ức đến mức tự tử. Chàng nàn nỉ Huệ:

– Lan đến thăm để nói sự thật. Huệ à, anh thề chung thủy, sống chết với Huệ. Anh chỉ sơ. Huệ thay lòng đổi dạ thôi.

Rồi chàng lau nước mắt cho Huệ. Nàng nắm tay chàng:

– Anh nhớ giữ lời hứa. Em sợ rằng…

– Thôi, em đừng nói nhảm! Lan cứ về một mình. Anh ở lại đây làm sổ sách…

Khi xã Tư trở về nhà. Huệ và Hùng đều sợ sệt. Mọi khi ông ta về vào khoảng bảy giờ tối. Phen này, mười hai giờ trưa, ông ta về để làm gì? Phải chăng Hùng và Huệ vừa sa vào cạm bẫy ông tả Hùng đứng dậy chào:

– Ủa! Ông không đi dinh quận sao?

Xã Tư vỗ vai Hùng:

– Đùng gọi tôi bằng ông! Hai đứa mình là bạn rể với nhau. Cứ gọi tôi bằng anh.

Rồi ông ta hạ giọng:

– Hay gọi thân mật… bằng thằng, thằng xã Tư cũng được.

Huệ đỡ lời:

– Mình nói khó nghe quá. Hay là bữa nay mình uống rượu nhiều?

– Mới uống rượu chút ít. Tôi mới mua được một con khỉ nên lật đật trở về làm tiệc. Mình ăn thịt khỉ chớ. Để Hùng xuống ghe, đem con khỉ lên.

Nói xong, ông xã Tư nắm tay, dắt vợ vào phòng.

Ngoài này, Hùng bước lững thừng ra sân, xuống ghe với hai thằng trạo thân tín của ông xã. Chiếc ghe rời bến, vào mương nhỏ khuất lá um tùm.

Xã Tư đem cái ly to lớn để trên bàn nói rối rít với Huệ:

– Máu khỉ uống bổ lắm. Hổm rày, em xanh xao…

Huệ trợn mắt. Linh cảm như báo trước điềm không may:

– Ừ! uống bổ lắm.

Cánh cửa hé mở. Một thằng trạo bước vào, nâng một tô rượu đỏ ngầu. Xã Tư cười hề hề:

– Em uống đi.

Huệ nâng tô rượu lên… Trong đáy tô rượu đỏ ngầu, tanh tanh, dường như ẩn hiện một dáng người… Nàng run rẩy, buông tay. Tô rượu đổ xuống bàn, văng vào áo ông xã.

Xã Tư hỏi:

– Em chóng mặt hả?

Huệ nói gắt:

– Em muốn mửa. Uống rượu như vầy, dã man quá! Dã man!

Xã Tư hiểu rằng Huệ đang chửi mắng mình. Ông ta nắm tay vợ:

– Em buồn mửa thì ngoài nầy… Mửa ở đây, dơ dáy nhà cửa.

Ông ta đưa Huệ đến cái mương sau vườn rồi dắt nàng xuống chiếc ghe, nơi Hùng nằm sóng sượt tắt thở trong vũng máu linh láng.

Huệ chạy trở vào nhà, rút thanh đoản đao, thanh đoản đao treo gần cái bàn toán, ngay cửa phòng, Nàng chờ đợi, đứng nép bên cửa.

Nàng đâm ngay bụng xã Tư rồi đâm vào ngực mình ngã gục.

Từ đó về sau, thiên hạ đồn rằng Huệ trở thành ma quỷ linh thiêng, gọi là cô Huê, cô Huê ở cây dương đình làng Tây Uyên. Huê chính là Huệ, nói theo giọng kỵ húy.
 
Sơn Nam

 

Xanh Xanh Miền Nhớ - Võ Thu Hương

                                                             Xanh Xanh Miền Nhớ

 


 

Lại một mùa mưa.

Bốn bề ướt sũng, trái cây rụng bồm bộp trên mái nhà và tiếng côn trùng i uôm bài ca tẻ ngắt khàn đặc của ca sĩ cuối mùa. Chị tần ngần nhìn ngọn lửa vừa nhóm lên, nhớ những ngày còn thơ bé. Lúc là ngồi đợi củ khoai nướng thơm phức, khúc mía lùi ngọt lịm mẹ cho. Lúc mê mẩn nghe bà kể chuyện cổ tích và tưởng tượng có một kinh thành lung linh bên ngọn lửa. Chị tưởng như vị ấm áp của những tháng năm đã xa lan tỏa trong không gian. Tiếng gà trưa nhảy ổ đột ngột làm chị giật mình. Ngoài sân, mưa bong bóng vỡ. Mịt mùng những bọng mây sầm sì từng vệt dày đặc trên trời. mưa chắc sẽ còn lâu lắm.

Chị lại len lén cười khi nghĩ lại lúc tình cờ gặp anh lúc chuẩn bị dọn hàng lên xe ra chợ. Đang gom số trái cây còn sót lại thì anh ghé. Không ra dáng người mua hàng, anh hỏi thăm đường về cù lao Ngọt. Chị tần ngần. Nhìn anh mang dáng vẻ mệt mỏi của những ngày đi từ xa đến. Giọng miền Trung nghe nằng nặng thương thương mà có phần rắn rỏi. Chị dè dặt mời anh lên đi chung chuyến xe thổ mộ, dù gì cũng về chung đường. Nét mặt anh thoáng giãn ra, rồi trở lại trầm ngâm. Ở anh có một cái gì đó rất khó nắm bắt, không hiểu sao chị thấy gần gũi và tin tưởng ngay từ những ánh nhìn đầu tiên.

Anh hỏi thăm về một người tên Tính. Phải khựng ra một lúc, chị nhớ ra không phải ai xa lạ mà chính là bác Bảy. Nhà bác có vườn trái cây to nhất vùng, nổi tiếng ở cù lao, đã dăm bảy lần chị ghé vô mua hàng. Xe dừng, chị nhiệt tình dẫn đường anh vào rồi hối hả đi. Như sực nhớ ra điều gì, chị ngoái lại. Nhìn từ sau, chị ngờ ngợ một nét gì đó như thể rất quen từ anh. Bất chợt anh quay lại, chị nhìn lảng đi nơi khác. Trước giờ chị chưa nhìn lâu người con trai nào, như thế sợ bị nghĩ là dạn quá. Anh gọi với theo:

-Cô ơi, tôi muốn hỏi…

-Ông ấy có vợ con chứ?

-Ờ, ba đứa con. Bác Bảy gái là giáo viên trường làng này. Con cái đi học hết trên huyện.

-Phiền cô…chỉ giúp tôi chỗ nào có thể nghỉ lại một hôm, được không? Nhà trọ hay nhà khách gì cũng được.

Khẽ nhíu mày, chị bối rối. Khái niệm ấy còn xa lạ với vùng quê này. Chợt lúng túng, anh thanh minh:

-Tôi nghĩ là đã nhầm nhà. Sáng mai, tôi sẽ về, trời bây giờ lại sắp mưa.

Mưa dần nặng hạt. Chị băn khoăn một lát, rồi dè dặt:

-Hay là… anh về nhà tui!

-Tôi có làm chị ngại không?

Chị lặng im rồi khẽ lắc đầu thật vội.

Khuya. Càng khuya bỗng dưng càng lo ngại. Từ khi ba má chị lên phố, nhà vắng hơi người quá thể, quẩn quanh bóng chị vào ra với mình. Vì một vẻ ấm áp yêu thương, một niềm tin trong đôi mắt ấy mà chị không nỡ từ chối. Để khi đối diện với bóng đêm, chị lại băn khoăn. Dẫn một người đàn ông về nhà, liệu anh có coi thường chị? Bên ngoài, tiếng trở mình thật khẽ rồi tiếng thở dài giấu mãi bỗng vuột ra. Đêm đặc quá nên những âm thanh não nề kia kéo chùng cả không gian. Chị nén tiếng thở dài, rồi bất chợt cũng đánh rơi ra khỏi lồng ngực. Giọng anh trầm ấm:

-Chị không ngủ được hả?

Lặng một lúc lâu. Anh khẽ “xin lỗi”. Chị vội vã “không”. Rồi trở mình, giọng chị chợt nhỏ đi:

-Lâu lắm rồi nhà không có ai ghé! Sao anh không ghé vào nhà bác Bảy, tôi biết, anh không nhầm nhà.

Đáp lại câu hỏi chị là khoảng không yên lặng. Tiếng côn trùng thi thoảng rúc lên từ đất thẳm. Rồi lộp bộp mưa, gió đập những cành dừa lên mái nhà, rào rạt gió. Một lúc, anh đánh trống lảng: “Nhà dột rồi, để mai tôi sửa lại”. Chị tự trách mình nhiều chuyện rồi khe khẽ à ơi câu vọng cổ dụ mình vào giấc ngủ. Từ khi chỉ một mình, chị có thói quen tự ru như vậy trong những đêm khó ngủ, để bớt thấy đơn côi. Nhưng suốt đêm ấy, chị không chợp mằt lấy được một chút, chị nằm như đếm tiếng thở dài và trở mình của anh lọt qua vách.

Buổi sáng, trời ngớt mưa, hửng nắng. Mưa ngớt đôi chút, anh leo lên gốc mận bên hông nhà, sửa lại mái. Nhà chỉ một người con gái nên đến cái thang cũng không có. Chị cời than, ủ nồi cơm cho chín nóng rồi ra cửa đứng nhìn. Trời nhợt nhạt một màu mây xám, báo hiệu những cơn mưa nối tiếp cơn mưa. Mảnh sân đầy hoa dừa, trái mận non rụng một màu trắng dịu trên nền đất nhờ nhờ những vũng nước đọng. Chị lắc đầu, xõa mái tóc dài đen mướt. Đan tay vào mái tóc, thấy bàn tay mình chợt trống trải khi chưa từng có bàn tay ai đan vào. Cái cảm giác ấy, ô hay! đã bao giờ có ở chị đâu. Chị cảm giác lạnh lẽo, thấy bếp lửa ấm nồng hơn, chị quay vào. Phải chăng vì lâu quá rồi mới đỏ bếp nấu một bữa cơm cho hai người.

Chị không biết anh vào từ lúc nào, vẫn ánh mắt ấm nồng, anh chọc chị:

-Nhìn từ trên mái xuống có thể nhìn thấy hết căn nhà, cô không sợ trộm rình mò sao, cô ở đây một mình à?

Chị gật đầu xác nhận:

-Chỉ khi nội tôi mất đi, ba má và hai đứa em ra phố, thỉnh thoảng ghé lại. Dạo này họ chuyển hẳn lên phố, cũng ít khi về được. Một mình cũng phải quen, đã ở từ lúc sinh ra tôi không thể xa nơi này.

Chị bật cười, nhớ lại cái lần chị dọn đồ lên phố khi hết tang nội. Mùi chăn nệm và những bông hồng kiêu sa cắm trong phòng kín không át được vị trống trải. Chị nhớ mùi thoang thoảng hương dừa, hương cau, mùi ngọt nồng của gốc hoàng lan phía đầu ngõ; và cả mùi nồng hăng của đất bùn từ khúc sông đầy ăm ắp phù sa phía sau nhà. Không đầy ba ngày, chị nhớ khúc sông ấy, mảnh sân nhà và những gốc cây quen thuộc đến phát cuồng. Chị vội vã rời phố.

Từ xa, cây bò cạp vàng cổ thụ với cái dáng nghiêng nghiêng tần tảo tỏa rợp hoa vàng cả bến sông. Chỉ nhìn thấy dáng cây ấy, chị như thấy dáng nội lam lũ, dáng những người thôn quê tần tảo ruộng vườn. Chị bật khóc và hiểu sẽ không thể rời xa nơi này. Như duyên nợ tiền kiếp, chốn ấy đã in vào lòng chị.

Những cơn mưa níu chân anh ở lại. Không hiểu sao tận trong lòng, chị không muốn anh ra đi. Chỉ một thời gian ngắn, chị thấy anh như người trong nhà vậy. Anh kể cho chị nghe về miền Trung, nơi chưa bao giờ chị đến. Là dòng sông Lam xanh văn vắt, núi Hồng chín mươi chín ngọn và huyền thoại đôi trai gái yêu nhau bị cấm đoán vì lời nguyền ranh giới hai vùng. Họ nguyện thề và mong thoát sang kiếp khác để bên nhau mãi mãi. Bao năm rồi, dòng sông như áng tóc mướt dài, xanh dịu vợi ôm vòng quanh ngực núi, căng phồng sức trẻ. Câu chuyện muôn đời ở đâu trên mặt đất này đều có thể thân quen như thế mà sao nghe nhói một niềm riêng.

Những lúc rảnh, anh tước lá dừa bên thềm nhà, tết tặng chị những con thú dễ thương, con châu chấu đuôi dài, chú dế ngóc cao cái đầu tròn như vênh vang ra mặt, những cánh hạc bay mềm… Cả cái xe đạp, giỏ mây…vật nào cũng rất khéo, trông xinh và sinh động hẳn căn nhà.

 

Trời đã ngớt mưa từ ban trưa. Không ai muốn nhắc nhau rằng mưa đã ngớt. Những tia nắng hửng lên, len vào cửa sổ như trêu ngươi. Chiều xuống, phía khúc sông sau nhà, chị bật khóc. Lần đầu, chị biết đến nỗi cô đơn khi bên cạnh một người. Những đám lục bình hợp rồi tan. Cớ chi phải hợp để thấy nỗi chia xa?

Bàn tay khẽ đặt lên và nắm chặt bờ vai chị. Chị không quay lại. Chị nức nở.

-Đừng khóc… Anh sẽ trở lại thăm em.

Anh đặt lên chị một nụ hôn. Nụ hôn đầu tiên trong cuộc đời chị. Chị dựa vào vai anh tin tưởng. Anh nhẹ đan tay vào tóc. Lần đầu, mái tóc chị biết đến bàn tay đàn ông. Để rồi ngày mai, còn trống trải hơn cả khi chưa từng biết.

oOo

-Rồi hai người không gặp lại nhau hả bà?

Đứa cháu gái sau khi nghe kể câu chuyện dài về kỷ niệm nụ hôn đầu của bà nội, bỗng thắc thỏm hỏi. Tay cô bé nâng niu những con thú xác xơ và nâu khẳm với một vẻ yêu thương. Nó chăm chú nhìn ngón tay bà gân guốc với mảnh lá dừa kết hình con hạc.

Một lần, khi ông Bảy ốm nặng… Con người ta, ruột rà máu mủ bao giờ cũng có linh tính. Lần đó, bà mới biết ông ấy là con ông Bảy. Ông Bảy không biết mình có một đứa con trong lần tập kết ra Bắc. Cha con nhận mặt nhau không đầy một tháng, chỉ suốt ngày kề cận chăm nom bên giường bệnh.

… Rồi ông Bảy mất, đất vườn này không níu nổi chân người ấy. Dù mùa mưa, sông vẫn đỏ nặng lòng phù sa. Suốt ngày, anh chỉ ngồi trầm ngâm, lặng im đốt thuốc. Chỉ nhìn bộ dạng anh, chị đoán chắc anh suy nghĩ hung lắm mà không dám hỏi. Con người ấy, kể cũng lạ, lúc không muốn nói thì chẳng cách nào có thể đoán biết chút nỗi niềm gì… Anh lại đi với lời hẹn: “Anh sẽ quay lại”. Cô gái biết, chẳng thể níu kéo, biết trước mắt lại là những ngày chờ đợi, nhớ nhung và hy vọng anh trở lại… Trước ngày anh ra đi, cô đã trở thành đàn bà. Hôm ấy trời trong, trăng sáng lắm. Ánh trăng tinh nghịch tràn qua ô cửa sổ nhỏ xíu, ngọt dịu. Nhiều đêm trăng sáng nhiều năm sau đó, đối diện ánh trăng, chị lại xốn xang, gầy hao, mất ngủ, nhớ mùi mồ hôi nồng nồng, mùi khói thuốc hăng hăng tràn trong đêm trăng.

Chị lành như cục đất quê, mỏng mảnh như lá dừa non mới nhú. Có lẽ vì thế mà sau chín tháng mười ngày và bao nhiêu năm nuôi con một mình mà không ai nói gì. Con của chị lớn lên như con chung của cả xóm. Đã có vài cơ hội đi bước nữa, nhưng chị lần lữa né tránh, bởi vẫn mong đợi một ngày anh về. Chị vẫn tin chắc một ngày anh về. Nhiều năm chờ đợi, những hôm gió chướng, ùa về rào rạt vườn dừa, chị lại thắc thỏm dắt con ra ngóng, lại quay vào nhà khi chắc mẩm chỉ là tiếng lá trêu đùa vô ý.

oOo

Đứa cháu gái bùi ngùi nắm bờ vai gầy xương của bà. Nó xót ruột khi hình dung, tình yêu duy nhất trong đời của bà ngắn ngủi đến vậy. Bà lão thở dài: “Âu cũng là số trời”.

Khúc sông sau nhà tha thiết chảy. Hương phù sa hoang hoải buồn. Nó bần thần trước những bọc lá dừa kết đủ hình, đủ con hong nơi góc bếp, chỉ còn những hình thù cong queo, co nhúm, màu nâu nhợt nhạt. Bà nó đã từng xếp thật nhiều, đã cất giữ bấy nhiêu lâu mà người cũng không trở lại. Nó bất chợt nhớ câu chuyện về nghìn con hạc mà người con gái xếp để đạt ước nguyện trong câu chuyện cổ tích. Có ước nguyện nào không trong đời thực, khi ngày đã qua, tháng đã qua, năm đã qua… xa lắm. Hay là nỗi nhớ chắt chiu trong những cánh chuồn, cánh hạc để đến một lúc nào đó bỗng hoá quen thân như một phần trong cuộc sống vậy.

Chập chờn giấc ngủ của nó hôm đó, bóng cây bò cạp vàng đổ dài trên bến sông, nghiêng nghiêng dáng bà nội tần tảo đứng chờ sau mỗi buổi tan chợ. Rồi ngày kia, bóng cây đơn côi, bến sông trưa không ai đứng ngóng.

Một lần, người đàn ông năm xưa trở lại, dáng khổ hạnh và rắn rỏi sau những ngày lam lũ mưu sinh. Nhưng anh chỉ có thể tần ngần đứng trước ngõ, khi lối vào nhà dường như đã khác, lại nghe tiếng ru con dịu dàng của người mình yêu. “Ầu ơ… ví dầu…” Anh đành quay đi, lòng quằn quặn, cũng chẳng thể trách ai ngoài tự trách mình mê mải quá. Thấm thoắt ba năm bay vèo như chiếc lá, chắc là người con gái không thể chờ nữa. Anh không biết, đêm đêm, bóng đổ dài trên vách, cô tỉ mẩn kết lá dừa với những nỗi niềm riêng.

Nó nhờ bà kết những hình thú đưa về phố. Trong căn phòng đầy sắc màu, màu xanh sẫm của lá dừa tươi như những nốt trầm yêu thương trong bản nhạc tình yêu. Cánh hạc mềm, chú dế với cái đầu tròn hãnh diện như muốn ca khúc hát muôn thuở của mình… Những con thú lá dừa lung linh… Khúc sông đầy phù sa và bóng bò cạp vàng che rợp màu xanh mát long lanh…/.

Võ Thu Hương

Nguồn: văn học nghệ thuật

 

 


Đã Hơn 70 Năm TTKH - Nguyễn Cẩm Xuyên

Đã Hơn 70 Năm, T.T.Kh. Và Chuyện Tình Thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” Vẫn Tươi Nguyên Màu Bí Ẩn.




Hai sắc hoa ti gôn, bài thơ có số phận kì lạ và bí ẩn như chính tác giả của nó.

Bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” của T.T.Kh., đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1937

Thật vậy, đã hơn 70 năm – đã gần qua một đời người với biết bao thăng trầm dâu bể mà chuyện tình thơ Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh vẫn tươi nguyên màu bí ẩn; bài thơ vẫn tồn tại một câu hỏi chưa lời đáp:  T.T.Kh là ai?

Có người đã nhận rằng T.T.Kh chính là người yêu của mình… vì thương nhớ mà viết thành thơ về mối tình ngang trái. Chẳng phải họ cố tình nhận bừa đâu mà là ngộ nhận trong tình huống gần giống nhau.

Kể từ đó đã có biết bao nhiều bài viết về T.T.Kh. và Hai sắc hoa ti gôn; người ta xem xét từng góc cạnh, xét nét từng phong cách của bài thơ… Họ cho là cách viết này là phù hợp với học vấn của một học sinh trường Tây, cách viết kia mang khẩu vị của trường phái thơ “hành” v.v… Có người đã bỏ nhiều công sức để gặp gỡ kẻ mà họ ngờ là nhân vật trong thơ. Nhiều cuộc tranh cãi, bao nhiêu thắc mắc, bao nhiêu cuốn sách được xuất bản; rồi thư đi-tin lại, rồi giận hờn, trách móc… thậm chí người ta còn muốn vận đến luật pháp để luận tội người viết này người viết kia đã xâm phạm đến đời tư…(1).

Từ những rắc rối mịt mù ấy, người hay chữ nghĩa thì gọi nó là một Nghi án Văn học. Nghi án về một bài thơ có một số phận thật kì lạ.

Nói chuyện “kì lạ” của bài thơ là nói ở bước khởi đầu lên báo, bản thảo bài thơ đã bị thư kí tòa soạn vò đi, bỏ vào sọt giấy vụn để rồi qua một phút định mệnh lạ lùng nó lại lên mặt báo để thành một tiếng vang lớn trong làng thơ Việt. Hãy nghe Anh Chi kể :

“…Một buổi trưa, cuối năm 1937, ở tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ bảy các đồng nghiệp trong tòa soạn đã ra về, chỉ còn lại Trúc Khê Ngô Văn Triện và Ngọc Giao. Trúc Khê còn nán lại để dịch “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ ra quốc ngữ. Ngọc Giao đã tiến lại chỗ mắc áo để lấy mũ và ra về. Nhưng khi đó có tiếng kèn đám ma, đám tang đi qua phố Hàng Bông. Ngọc Giao là người rất sợ kèn đám ma nên mới nán lại thêm, cho xe đám đi qua đã. Đã khoác áo, đội mũ, nên ông kéo ghế ngồi tạm lại ở chỗ gần cái sọt đựng giấy vụn. Không biết điều gì xui khiến, ông đưa tay vào sọt, nhặt lên mấy tờ giấy bị vo tròn quăng vào sọt để chờ đi đổ xe rác. Tẩn mẩn, ông vuốt một tờ ra đọc. Đó là một tờ giấy học trò khổ nhỏ. Một bài thơ. Chữ viết nguyệch ngoạc bằng bút chì, nét run, nét mờ, như thể viết ra một lần gửi đi luôn cho tòa báo. Lệ của của báo là lai cảo phải viết trên một mặt giấy sạch sẽ. Còn bài thơ nét chữ bút chì này lại viết trên cả hai mặt giấy. Nhưng, bài thơ đã khiến Ngọc Giao rung cảm lạ thường: Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh! Ngọc Giao bước vội đến, đưa bài thơ cho Trúc Khê, yêu cầu ông đọc ngay. Trúc Khê thấy Ngọc Giao quá xúc động, cũng bỏ bút, cầm đọc bài thơ. Và ông đã cảm động, ngồi lặng đi, rồi đọc lại lần nữa. Ông già Trúc Khê vỗ tay xuống bàn, nói với Ngọc Giao: “Sao lại có bài thơ tuyệt đến thế này!”. Ngay sau đó, thư ký tòa soạn Ngọc Giao gọi ông cai thợ sắp chữ nhà in lên, bảo xếp chữ ngay bài thơ ấy. Và Hai sắc hoa ti gôn đi vào đời sống thi ca nước nhà… Kể câu chuyện tâm sự hơn sáu mươi năm cũ, nhà văn Ngọc Giao còn ghi vào cuốn sổ lưu niệm của một người bạn văn cùng thời: Phạm Văn Kỳ, cũng từng làm thư ký tòa soạn báo Tiểu thuyết thứ năm. Những dòng Ngọc Giao ghi vào lưu bút của Phạm Văn Kỳ là: “…Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh bị bỏ rơi sọt rác như vậy đó. Nó càng được bạn đọc nhắc đến bao nhiêu, tôi càng ân hận về lỗi làm ăn cẩu thả, sơ suất bấy nhiêu… Nếu không có cái đám ma qua phố thổi kèn rầu rĩ đó, thì tôi đã đội mũ lên đầu, không cúi xuống sọt rác… thì đóa hải đường “Hai sắc hoa ti gôn” đành an phận nằm trong đó, rồi người ta mang đi, theo thường lệ, người ta phóng lửa đốt tất cả… Trong đó, rất có thể cả những áng văn hay mà cái anh thư ký tòa soạn quan liêu nhác lười, cẩu thả đã ném đi!” …(2)

Kể từ đó, năm 1937 – năm Hai sắc hoa ti gôn xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy – đến năm 1941 là năm Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân ra đời thì bài thơ  đã có tuổi đời bốn năm. Lúc bấy giờ Thi nhân Việt Nam viết: “…xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T. T. Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác…

…Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết “con người vườn Thanh”  bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?” (3)

Ấy chỉ là là mới 4 năm, còn bây giờ đã là hơn 70 năm rồi mà người ta vẫn không ngớt tìm kiếm: T.T.Kh. là ai ?

Nghĩ cho kĩ nguyên nhân thì sở dĩ có chuyện rộn rã trong làng thơ như thế trước hết là vì bài thơ hay, hay vì cái tình của nó được bộc lộ rất “thực“, cái tình của một phụ nữ đã yêu và rồi cố tình quên đi, đào sâu chôn chặt mối tình đau xót, bất hạnh nhất của mình (4) . Viết thơ lên báo rồi, người phụ nữ ấy cũng muốn ẩn giấu mình đi. Bài thơ hay ngay ở  những câu thơ đầu: tình ý thơ ngây  cho đến cuối bài thơ thì xót xa đau đớn lắm. Có câu, ý thơ bình dị, gần với suy tưởng, ngôn ngữ của quần chúng nên nhiều người đọc, nhiều người thuộc, kể cả một số người bình dân nhất cũng biết; nhiều câu lại được cách điệu mang dáng vẻ hiện đại của thơ phương Tây:

“…. Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu,
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng.
Người ấy sang sông đứng ngóng đò…

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng ? ”

Trong cuộc đời, mỗi ngày qua lại có biết bao mối tình tan vỡ nhưng đã có mấy ai viết được những vần thơ tả tình rất thực như Hai sắc hoa ti gôn ? Tình trong thơ gần gũi với cái tình chung của nhiều người lắm, nhất là lứa tuổi thanh niên. Lúc còn là học sinh trung học, có mấy ai là không chép chuyền tay cho nhau những bài thơ hay trong đó Hai sắc hoa ti gôn có lẽ là bài thơ không thể thiếu trong những cuốn sổ chép thơ nho nhỏ…?

Trở lại vấn đề mà Hoài Thanh-Hoài Chân đã viết trong Thi nhân Việt Nam : ” Có đến mấy người nhất quyết T. T. Kh. chính là người yêu của mình…”: Trước hết hãy nói đến nhà văn Thanh Châu, người khơi nguồn cho chuyện tình thơ:  ngày 27/9/1937 , Tiểu Thuyết Thứ Bảy  số 174 đăng truyện ngắn “Hoa ti gôn” của Thanh Châu. Lúc này ông mới 25 tuổi, mới bước vào nghề văn  khoảng 3 năm. Truyện kể một chuyện tình buồn của một họa sĩ: Họa sĩ Lê Chất đi tìm cảnh đẹp để vẽ mà cũng chính là đi tìm một thiếu nữ yêu kiều chàng mới gặp chiều qua: lúc đạp xe qua một biệt thự cũ, tình cờ  thấy một thiếu nữ dưới giàn hoa ti gôn – người con gái mặc áo cánh lụa, hai má đỏ hồng với một vẻ đẹp cao quý, một vẻ đẹp rất hiếm hoi khiến người ta trông thấy một lần là nhớ mãi. Thiếu nữ vô tình, mãi khi sắp vào nhà, mới trông thấy có người đứng nhìn mình. Từ đó, hôm nào chàng cũng đạp xe vào làng Mọc nhưng thiếu nữ động thấy bóng là lẩn vào nhà ngay. Lê Chất được gặp nàng vài lần nữa rồi thôi, ngôi nhà hình như vắng người và chỉ còn thấy có một ông già cuốc cỏ ở trong vườn. Những nhớ nhung cứ thế triền miên cả đến khi chàng đã trở nên giàu có. Một mùa đông, họa sĩ Chất đi vẽ ở vùng Vân Nam phủ. Trong một bữa tiệc, chàng chợt gặp lại người xưa. Tám năm rồi, nhưng quên làm sao được khuôn mặt người mình yêu. Mai Hạnh là tên thiếu phụ, nàng đã lấy một người chồng quyền thế và giàu có.

Những ngày sau, cuộc tình lãng mạn đã đến: nàng vẫn thường đến chỗ trọ thăm chàng. Hai người yêu nhau và như sống trong cơn mê. Mai Hạnh tuy cố chống chọi lại với ái tình nhưng  sau cùng cũng nhận lời cùng Lê Chất sắp đặt để cùng trốn đi xa nhưng rồi cuối cùng lại vì sợ bị khinh bỉ, tai tiếng ở đời nên từ chối. Cuộc tình chấm dứt. Bốn năm sau, họa sĩ được báo tin: nàng đã chết.

Từ sau ngày đặt lên mồ người yêu những dây hoa ti gôn màu máu, hình quả tim vỡ cho đến cuối đời, cứ đến mùa hoa tigôn nở, không buổi sáng nào chàng không mua một ôm hoa ti gôn về để thay cho hoa cũ trong phòng vẽ…

Câu chuyện tình của Thanh Châu kết thúc. Hơn một tháng sau, tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy  nhận được bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” ký tên T.T.Kh. do một thiếu nữ mang đến tòa soạn. Bài thơ  được đăng ngay trên số báo 179, ngày 30/10/1937. Hai mươi ngày sau tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa: Bài thơ  thứ nhất (đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 182, ngày 20/11/1937). Khoảng chưa đầy một năm sau, tạp chí Phụ nữ thời đàm đăng bài thơ Đan áo cho chồng;  bài thơ vừa đăng thì lại có thêm Bài thơ cuối cùng được gửi tới Tiểu thuyết thứ bảy  (đăng trên số báo 217 ngày 23/7/1938). Cả thảy trước sau có bốn bài cùng kí tên: T.T.Kh; rồi  từ đó bặt luôn, các báo không còn nhận thêm bài thơ nào nữa.

Nhiều người ngờ lắm: Cuộc tình trong thơ khiến họ nghĩ ngay đến nhân vật chính của truyện Hoa ti gôn. Người khẳng định chắc chắn là nhà văn Thế Phong trong Lược sử văn nghệ VN (Nxb Vàng Son – Saigon 1974) đã cho rằng T.T.Kh. là người yêu của Thâm Tâm nhưng mới đây, Thế Phong (soạn chung với nhà thơ Trần Nhật Thu, ký tắt : Thế Nhật) trong cuốn “T.T.Kh. – Nàng là ai” (Nxb Văn Hoá Thông Tin-1994) lại bác bỏ giả thiết đó và khẳng định: T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Chung (Trần Thị Vân Chung), sinh ngày 25/8/1919 tại Thanh Hoá, nguyên là người yêu cũ của Thanh Châu sau đó vâng lời gia đình lấy luật sư Lê Ngọc Chấn. Ô. Trần Đình Thu trong cuốn “Giải mã nghi án văn học” (NXB Văn hóa Sài Gòn; 2007) cũng cho rằng T.T.Kh là Trần Thị Vân Chung nhưng đến nay thì hình như điều này là không đúng: Thanh Châu lúc gần cuối đời đã phủ nhận  những đồn đoán; lời phủ nhận của Thanh Châu ít nhiều bộc lộ sự bất bình: “…Không! Không phải! Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh … Toàn là bày vẽ chuyện “ (5). Bà Vân Chung lúc bấy giờ đang ở Pháp cũng viết thư về phản đối tác giả Thế Nhật và Trần Đình Thu đồng thời khẳng định mình không phải là T.T.Kh. (6).

Vậy là rõ; T.T.Kh. không phải là Vân Chung, hơn nữa các nhà nghiên cứu cũng đã đi quá xa để so sánh những nét tương đồng về nhân thân của Vân Chung với T.T.Kh. được cho là người yêu cũ của Thanh Châu, là nhân vật “tôi” trong bài thơ. Tỉ mỉ hơn một chút, so sánh truyện“Hoa ti gôn” với bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” thì chuyện tình được kể trong hai tác phẩm không giống nhau, một bên là thiếu phụ đã có chồng, yêu một chàng họa sĩ rồi ôm mối hận tình cho đến chết, một bên là một cô gái trẻ, vì sức ép của lễ giáo phải lấy một người chồng mình không yêu để rồi suốt cuộc đời phải chôn chặt trong tim mối tình riêng của mình…Điểm giống nhau duy nhất của hai tác phẩm chỉ là cả hai đều lấy hình tượng “hoa ti gôn”,  loài hoa có màu máu, hình quả tim vỡ làm biểu tượng cho tình yêu tan nát…

Gần đây ta lại biết thêm một chi tiết để có thể phủ nhận ức đoán trên: chuyện tình trong truyện ngắn “Hoa ti gôn” chẳng phải là chuyện tình của Thanh Châu với bà Trần Thị Vân Chung như một số người đã lầm tưởng mà đây chỉ là truyện được nhà văn Thanh Châu hư cấu nên từ cuộc đời thực của một người bạn làm họa sĩ: họa sĩ Lê Phổ, người đã tốt nghiệp khóa đầu của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh năm 1907 và đã mất tại Pháp năm 2002. (7) …

Vậy nên chăng: ta chỉ khẳng định được một điều là truyện ngắn “Hoa ti gôn” là nguồn cảm hứng để T.T.Kh. viết nên bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”.

Thứ đến, hãy nói về nhà thơ Nguyễn Bính: khi đọc đến một đoạn của “bài thơ thứ nhất” – một đoạn thơ khá hay và nhiều ẩn ý: 

“…Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh
Yêu trăng lạnh lẽo rơi trên áo
Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành…
” ,

Nguyễn đã đoán rằng T.T.Kh. là người mình yêu ở Thanh Hóa.

Số là Nguyễn Bính lúc trẻ đã bao lần lê gót viễn du suốt từ Nam chí Bắc. Một lần qua Thanh, gặp đêm mưa lớn, vào trọ một điền trang, được người lão bộc tiếp đãi. Nhà có khu vuờn đẹp, trong nhà có cô gái trẻ đang ngồi quay tơ – mà ông gọi là “Người vườn Thanh” – Vốn là thi sĩ đa tình, Nguyễn Bính xúc động lắm. Mấy năm sau, lại có dịp qua Thanh, tìm đến vườn xưa, lại được người lão bộc tiếp và kể cho nghe “một thiên hận tình” của cô chủ. Bẵng đi một thời gian, Nguyễn Bính chợt đọc được những bài thơ của T.T.Kh. trên Tiểu thuyết thứ bảy và đã viết bài “Dòng dư lệ” với những câu:

“…Truyện xưa hồ lãng quên rồi,
Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh.
Bao nhiêu oan khổ vì tình,
Cớ sao giống hệt chuyện mình gặp xưa?
Phải chăng? Mình có nên ngờ,
Rằng người năm ngoái bây giờ là đây?.”

Viết Dòng dư lệ, Nguyễn Bính cho rằng “Người vườn Thanh” chính là T.T.Kh. Một số ít người đã nghĩ như Nguyễn Bính, nhiều người khác thì cho rằng đây chỉ là ngộ nhận của một thi sĩ đa tình.

Cục diện thế giới những năm kế tiếp nhiều biến động; ở Việt Nam, Nhật đảo chính Pháp, nạn đói Ất Dậu hoành hành, người chết như ngả rạ…Sau Cách mạng tháng Tám, ai cũng chỉ chú tâm vào cuộc giải phóng dân tộc; rồi kháng chiến trường kì gian khổ 9 năm bùng nổ… người ta quên đi chuyện tình thơ của T.T.Kh suốt một thời gian dài mãi đến năm 1969, ở miền Nam, thi-văn sĩ Nguyễn Vỹ vốn là người đã ra làm báo trước 1945 ở Hà Nội- là bạn của Thâm tâm, đã viết đến 15 trang (từ trang 253 đến trang 267) trong “Văn-Thi-sĩ tiền chiến” (Nxb Khai Trí -1969)  kể lại khá tỉ mỉ một chuyện tình:

Khoảng tháng 2/1936, lúc bấy giờ Thâm Tâm là thi sĩ kiêm họa sĩ (họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình). mới 19 tuổi làm quen với cô gái tên Trần Thị Khánh 17 tuổi, nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội nơi vốn được trồng nhiều antigone (hoa ti gôn). Nhà cô Khánh cũng gần vườn Thanh (THANH GIÁM: miếu thờ Khổng Tử được xây từ thời nhà Lý, lúc bấy giờ ngoài tên Temple de Confucius  Pháp vẫn hay gọi nơi này là Pagode des corbeaux – chùa Quạ). Thâm Tâm hò hẹn tại nơi đây được hai lần thì cô Khánh bỏ đi lấy chồng – một người chồng giàu có – khiến Thâm Tâm rất đau khổ. Để đỡ niềm yêu nhớ đơn phương, bớt mặc cảm vì bị người yêu phụ rẫy và cũng để làm cho mấy người bạn khỏi chế nhạo, đùa bỡn, chính Thâm Tâm đã thức suốt một đêm làm bài thơ Hai sắc hoa ti gôn rồi nhờ một cô em họ, con của một bà cô ở phố Cửa Nam chép bằng nét chữ con gái, bỏ vào bì niêm kín mang đến gửi tại tòa soạn Tiểu  thuyết thứ bảy.

Trong những trang sách này, Nguyễn Vỹ cũng đã khẳng định chắc chắn rằng “Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả!” . Tất cả những bài thơ kí tên T.T.Kh. đều do Thâm Tâm làm và gửi báo.

Đọc kĩ những trang viết của Văn-thi-sĩ tiền chiến, ta hình dung được đây là những kỉ niệm  kể khá chân thực qua hồi ức nhiều năm tháng của một đời làm báo. Chỉ tiếc một điều là Nguyễn Vỹ, người bạn thân thiết của Thâm Tâm đã ra đi bởi tai nạn xe ở Long An năm 1971 – hôm nay không thể cùng ai để bàn luận chuyện này nữa.

Đến 1970, Vũ Bằng trên tạp chí Văn số 103 lại đột nhiên công bố những điều mới, làm xôn xao dư luận: T.T.Kh. chính là nhà thơ J.Leiba (Lê Văn Bái) lúc bấy giờ bị lao phổi, đang chán đời bèn cùng với Vũ Bằng giả cách làm thơ rồi kí tên T.T.Kh. để làm trò vui, giải sầu…

Về sau, Mã Giang Lân cho rằng Vũ Bằng chỉ là người giỏi bịa chuyện.(8) Nhà văn Thanh Châu cũng nhận định tương tự: “Những ai đã từng làm báo với họ Vũ cũng đều thuộc “ngón” làm ăn này của Vũ… Leiba là lớp trước Thâm Tâm, không quen biết gì nhau. Đây chỉ là cách làm báo phao tin “giật gân” cho chạy báo…”. (9)

Đến năm 1989, nhằm trả lời câu hỏi T.T.Kh. là ai? Hoàng Tiến viết 2 bài; riêng bài trên báo Nhân dân chủ nhật ngày 23/ 7 đã nêu chứng cớ với người thật-việc thật như sau:

“…Số là vào dịp hội đền Bà Tấm năm nay (Kỷ Tỵ, 1989), chúng tôi rủ nhau sang Phú Thụy dự hội. Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc, năm nay đã 74 tuổi (tên thật là Phạm Quang Hòa), bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. …Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu, và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc Hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót:

T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy. … Nay được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà con hay mất, nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên…”

Vậy là Hoàng Tiến tuy đồng ý với Nguyễn Vỹ về mối tình giữa Trần Thị Khánh với Thâm Tâm nhưng lại cho rằng bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” là do chính cô Khánh làm mang gửi báo..

Vậy là đến hôm vẫn mãi tồn tại câu hỏi : T.T.Kh. là ai?  Hơn 70 năm rồi mà chưa ai tìm được lời giải xác đáng – và rồi mãi mãi ta cũng sẽ không tìm được bởi vì hiện giờ, ngoài Thâm Tâm-Nguyễn Vỹ ra thì tất cả những người có liên quan khác như Thanh Châu, Nguyễn Bính… đều không còn nữa kể cả những người bị cho là bịa chuyện như Vũ Bằng, J.Leiba cũng đã ra người thiên cổ. Chỉ còn lại T.T.Kh.là không biết còn hay mất? Nếu bà là có thật và còn ở trên cõi đời này thì kẻ hậu sinh hôm nay xin được thưa với bà rằng: chúng tôi rất trân trọng, trân trọng một nhân cách, trân trọng một cuộc tình thơ đã từng gây sóng gió trên thì đàn Việt Nam, trân trọng một hồn thơ lãng mạn của phong trào thơ mới bởi vì  chính bà – chính T.T.Kh. đã có công cùng Chế Lan viên, Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử…thổi vào thi đàn Việt Nam một luồng sinh khí mới./.

Nguyễn Cẩm Xuyên 

CHÚ THÍCH:

(1)&(6)“Giải mã nghi án T.T.Kh. của Trần Đình Thu-Chưa rõ đúng sai nhưng chắc là phạm luật”; VIỆT DUY – Paris, 20/3/2007 –Thanh Hải; Pháp luật 18/3/2007.

(2) “Suýt nữa không có bài HAI SẮC HOA TI GÔN” ; Anh Chi; Tạp chí  Khuyến Học&Dân Trí. Gần đây bài viết này được đăng lại trên Báo điện tử Người đại biểu nhân dân ngày 08/09/2008 và nhiều báo khác. Sông Cửu Long online cũng có bài tương tự với tựa đề “TRÚC KHÊ LÀ NHÂN CHỨNG BIẾT VỀ BÀI THƠ “HAI SẮC HOA TI GÔN”.

(3) Hoài Thanh-Hoài Chân; Thi nhân Việt Nam.

(4)&(9) “Nói thêm về T.T.Kh.” – Thanh Châu  ; http://www.thivien.com. ngày 06/06/2006.

(5)“Nhà văn Thanh Châu ra đi, T.T.Kh vẫn bí ẩn!” Trần Đình Thu; http://www.nld.com.vn ngày 13/5/2007

(8) Văn nghệ số 13 – tháng 3 năm 1990

Nguồn: Từ trang DĐQGHCUC