Tiếng Lóng Sàigòn
….. Có Thể Bạn Chưa Biết
Một thời, một nơi chốn nào đó, trong đời sống
ngôn ngữ dân gian lại nảy sinh ra một số tiếng lóng, một số thành ngữ, một câu
hát nhại theo câu hát chính phẩm, hầu hết là để châm biếm, tạo nên nụ cười, hay
có khi là để răn đe, tìm sự hoàn thiện trong cuộc sống, chúng chỉ sống một thời
rồi tự biến mất, nhường chỗ cho đoạn đời “tiếng lóng” khác đến thay thế. Do đó,
việc ghi chúng lại để đọc vui chơi hay phục vụ nghiên cứu văn học dân gian, chỉ
có giá trị, khi ghi rõ định vị địa lý và thời gian.
Tỷ như Sài Gòn vào thập niên 60, thịnh hành một
chùm tiếng lóng “sức mấy” để thay nói bất lực hay chuyện không thể. Phổ biến đến
nỗi, một nhạc sĩ đã chọn làm đề tài cho một bài hát đường phố “Sức mấy mà buồn,
buồn chi bỏ đi Tám”.
Những câu chuyện thuộc loại tiếng lóng đó xuất
hiện vào thời buổi Sài Gòn bị tạm chiếm, Tây – Mỹ nhiễu nhương, quê hương chiến
tranh buồn phiền; “sức mấy” đã trở thành bút hiệu của một chuyên mục phiếm luận
trên báo, sau đó một kỹ thuật gia sản xuất còi ôtô đã chế ra một điệu còi ôtô,
bấm còi là kêu vang trên phố một dòng nhạc còi auto 9 nốt “tính tính tè tè, tè
ti tè ti té”, làm cho đường phố càng náo loạn hơn.
Trước đó cũng từ bài ca Diễm xưa của Trịnh
Công Sơn mà sinh ra cụm từ tiếng lóng “xưa rồi Diễm ơi”, mỗi khi có ai lặp lại
một đòi hỏi nào đó, mà người nghe muốn gạt phăng đi.
Thời các vũ trường mới du nhập Sài Gòn như Mỹ
Phụng, Baccara, Tháp Ngà, thì dân chơi gọi Tài-pán tức người điều phối nhóm vũ
nữ, bằng tiếng bóng “Cai gà”, gọi cảnh sát là “mã tà”, vì police (cảnh sát) hay
mang cái dùi cui, tiếng Tây là matraque, đọc trại thành “mã tà”. Cũng từ thời
thuộc địa, tiếng Tây chế ra tiếng lóng âm Việt rất nhiều như: “gác-dang” tức
thuê người làm bảo vệ; tiếng Pháp gardien đọc trại ra thành gác-dang. Cũng như
nói “de cái đít” tức lùi xe arriere; tiền bồi dưỡng người phục vụ tiếng Pháp:
pour-bois âm bồi gọi “tiền boa”, sau này chế ra là “tiền bo”.
Cũng thời Pháp thuộc, Sài Gòn có nhiều cách
nói mà đến nay không ai biết nguyên do. Tỷ như gọi ngân hàng là nhà băng, gọi sở
bưu điện là nhà dây thép, mua tem dán bao thư gọi là “con cò”, còn nếu gọi “ông
cò” là chỉ cảnh sát trưởng mấy quận ở thành phố, gọi “thầy cò” tức là các ông
chữa morasse các tòa báo do chữ correcteur, nhưng nói “cò mồi” là tay môi giới
chạy việc, “ăn tiền cò” thì cũng giống như “tiền bo”, nhưng chữ này chỉ dùng
cho dịch vụ môi giới.
Thời kinh tế mới phát triển, đi xe auto gọi là
đi “xế hộp”, đi xe ngựa gọi là đi “auto hí”, đến thời xe máy nổ ầm ào, đi xe đạp
gọi là “xe điếc”, đi nghỉ mát Vũng Tàu gọi là “đi cấp”, đi khiêu vũ gọi là “đi
bum”, đi tán tỉnh chị em gọi là đi “chim gái”, đi ngắm chị em trên phố gọi là
“đi nghễ”, gọi chỉ vàng là “khoẻn”, gọi quần là “quởn”, gọi bộ quần áo mới là
“đồ día-vía”. Đi chơi bài tứ sắc các bà gọi là “đi xòe”, đi đánh chắn gọi là
“múa quạt”, đi chơi bài mạt chược các ông gọi là “đi thoa”, đi uống bia gọi “đi
nhậu”, đi hớt tóc gọi đi “húi cua”. Có một cụm tiếng lóng từ Huế khoảng 1920 –
1950 du nhập Sài Gòn, đó là “đi đầu dầu”, tức các chàng trai ăn diện “đi nghễ”
với đầu trần không mũ nón, để cái mái tóc chải dầu brillantine láng cóng, dù nắng
chảy mỡ. Tuyệt vời gọi là “hết sẩy”, quê mùa chậm chạp gọi là “âm lịch”, hách dịch
tự cao gọi là “chảnh”.
Tiền bạc gọi là “địa”, có thời trong giới bụi
đời thường kháo câu “khứa lão đa địa” có nghĩa ông khách già đó lắm tiền, không
giữ lời hứa gọi là “xù”, “xù tình”, tức cặp bồ rồi tự bỏ ngang. Làm tiền ai gọi
là “bắt địa”, ăn cắp là “chôm chỉa”, tương tự như “nhám tay” hay “cầm nhầm” những
thứ không phải của mình.
Ghé qua làng sân khấu cải lương hát bội, người
Sài Gòn gọi là làng “hia mão”, có một số tiếng lóng người ngoài làng có khi
nghe không hiểu. Tỷ như gọi “kép chầu”, có nghĩa là đào kép đó tuy cũng tài sắc
nhưng vì một lý do nào đó không được nhập biên chế gánh hát, đêm đêm họ cũng
xách valyse trang phục phấn son đến ngồi café cóc trước rạp hay túc trực bên
cánh gà, để đợi, ngộ nhỡ có đào kép chính nào trục trặc không đến rạp được, thì
kép chầu thay thế vào ngay. “Kép chầu” phải thuần thục rất nhiều tuồng để đau
đâu chữa đó.
Đào chính chuyên đóng vai sầu thảm gọi là “đào
thương”, kép chính chuyên đóng vai hung tàn gọi là “kép độc”. Có một cụm tiếng
lóng xuất phát từ hai nơi, một là cải lương rạp hát, hai là quanh các tòa soạn
báo chí, đó là “café à la… ghi” tức uống café thiếu ghi sổ…
Vào làng báo mà tiếng lóng người Sài Gòn xưa gọi
“nhật trình”. Nếu thiếu tin lấy một tin cũ nhưng chưa đăng báo để đăng lấp chỗ
trống, gọi là “tin kho tiêu”, các loại tin vớ vẩn dăm dòng từ quê ra tỉnh gọi
là “tin chó cán xe”, tin quan trọng chạy tít lớn gọi là “tin vơ-đét” vedette,
nhặt từ tài liệu dài ra thành một bài gọn gọi là “luộc bài”, chắp nhiều thông số
khác nguồn ra một bài gọi là “xào bài”, truyện tình cảm dấm dớ gọi là “tiểu
thuyết 3 xu”, các tạp chí bình dân xoi mói đời tư gọi là “báo lá cải”. Làng nhật
trình kỵ nhất là loan tin thất thiệt, lóng gọi là “tin phịa”, nhưng trong “tin
phịa” còn có hai mảng chấp nhận được đó là loan tin thăm dò có chủ đích, lóng gọi
là “tin ballons” tức thả quả bóng thăm dò, hay tin thi đua nói dối chỉ được xuất
hiện vào đầu tháng tư, gọi là “tin Cá tháng Tư”.
Có đến bảy tiếng lóng để thay cho từ chết. Đó
là “tịch”, “hai năm mươi”, “mặc chemise gỗ”, “đi auto bươn”, “về chầu diêm
chúa”, “đi buôn trái cây” hay “vào nhị tỳ”, “nhị tỳ” thay cho nghĩa địa và “số
dách” thay cho số một… đều ảnh hưởng từ ngôn ngữ minh họa theo người Hoa nhập
cư.
Thời điểm truyện và phim kiếm hiệp của Kim
Dung nói chung là chuyện Tầu thịnh hành, người Sài Gòn đã chế ra nhiều tiếng
lóng, như ai dài dòng gọi là “vòng vo Tam Quốc”, ai nói chuyện phi hiện thực gọi
là “chuyện Tề Thiên”, tính nóng nảy gọi là “Trương Phi”. Một số tên nhân vật điển
hình của Kim Dung được dùng để chỉ tính cách của một người nào đó. Tỷ như gọi
ai là “Nhạc Bất Quần” tức ám chỉ người ngụy quân tử, gọi là “Đoàn Chỉnh Thuần”
tức ám chỉ đàn ông đa tình có nhiều vợ bé…
Sài Gòn là đất của dân nhập cư tứ xứ, nơi tha
hương văn hóa bốn phương, nên ngôn ngữ càng thêm phong phú, trong đó tiếng lóng
cũng “ăn theo” mà ra đời.
Thời Mỹ đến thì một tiếng “OK Salem”, mà các
trẻ bụi đời vừa chạy vừa la để xin ông Mỹ điếu thuốc. Thời gọi súng là “sén”
hay “chó lửa”, dân chơi miệt vườn gọi “công tử Bạc Liêu” còn hiểu được, Sài Gòn
xuất hiện cụm từ “dân chơi cầu ba cẳng” thì thật không biết do đâu? Có lẽ cầu
ba cẳng có tên Pallicao, lêu nghêu 3 cẳng cao như dáng vẻ cowboy trong các phim
bắn súng, nên mới gọi “dân chơi cầu ba cẳng”? Đó cũng là lúc các tiếng lóng như
“dân xà bát”, “anh chị bự”, “main jouer” tay chơi ra đời, chạy xe đua gọi là
“anh hùng xa lộ”, bị bắt gọi là “tó”, vào tù gọi là “xộ khám”. Bỏ học gọi là
“cúp cua”, bỏ sở làm đi chơi gọi là “thợ lặn”, thi hỏng gọi là “bảng gót”. Cũng
do scandal chàng nhạc sĩ nổi tiếng kia dẫn em dâu là ca sĩ K.Ng. qua Nhà Bè ăn
chè, để ngoại tình trong túp lều cỏ bị bắt, từ đó “đi ăn chè” trở thành tiếng
lóng về hành vi ngoại tình trốn ra ngoại ô.
Cũng có một số tiếng lóng do nói lái mà ra như
“chà đồ nhôm” tức “chôm đồ nhà”, “chai hia” tức chia hai chai bia bên bàn nhậu,
nó cùng họ với “cưa đôi”. Lóng thời sự loại này có “tô ba lây đi xô xích le” tức
“Tây ba lô đi xe xích lô”. Trong tiếng lóng còn chất chứa ân tình. Họa sĩ
chuyên vẽ tranh sơn mài đề tài lá hoa sen xuất thân xứ Ca Trù hay than “buồn
như chấu cắn”, hay có người than phiền vì câu né tránh trách nhiệm với hai tiếng
“lu bu” để thất hứa, nay còn có người nhấn thêm “lu xu bu” nại lý do không rõ
ràng để trốn việc. Để tạm kết thúc phần dẫn này, tôi muốn nhắc một số âm sắc Bắc
Hà. Những âm sắc theo chân người Hà Nội vào Nam rồi trở thành tài sản chung của
người Việt. Bắt quả tang thành “quả tó”, gọi chiếc xe Honda là “con rim”, gọi tờ
giấy 100USD là “vé”, đi ăn cơm bình dân gọi là “cơm bụi”, xuống phố dạo chơi gọi
là “đi bát phố”, gọi người lẩm cẩm là “dở hơi”…
Nhưng lý thú nhất là nhờ cụ cố nhà văn Nguyễn
Tuân mà Sài Gòn nay có một tiếng lóng hiện đại thay cho cụm từ đi ăn nhà hàng
theo American style – tiền ai nấy trả. Đó là cụm lóng KAMA, ghép bốn chữ tắt của
“không – ai – mời – ai”. Đi KAMA phở một cái, tức cùng đi ăn phở mà không ai mời
ai, món ăn cổ truyền nhưng ứng xử là thoải mái. Vào thời văn minh hiện đại,
ngôn ngữ tiếng Anh trở thành phổ biến, giới trẻ đã chế ra một tiếng khá văn
hoa, như chê một ai đó chảnh, các cô nói “lemon question” tức chanh hỏi – chảnh.
Lê Văn Sâm
No comments:
Post a Comment