TRĂM NGÀN NHÁNH KHỔ
30 Tháng Tư, những người cầm súng lạ
mặt đi lại ở Sài Gòn (Facebook)
Sau 75, tôi học được một điều, mà đến
nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Lịch sử thuộc về
người chiến thắng. Chân lý cũng thuộc về người chiến thắng luôn. Đánh thắng cả
3 tên đế quốc đầu sỏ, sao lại không đúng ? Cái gì không có nội dung, mới cần tới
hình thức là thế.
Người chiến thắng tự hào là đúng rồi,
nhưng tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy
đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm
đất nước ra nông nỗi thế này, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.
Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc
dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm,…Họ chỉ
hát toàn nhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero nghe tưởng như đồng hồ đếm
ngược. Lần trước về Sàigòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè
như thế…Lặng cả người, “…Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện
xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao
nhau trọn lời..
Tôi chợt nhớ những ngày sau Tháng Tư
75, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để “đối phó”
với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt qua biên giới, nhưng
cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại tưởng họ đã đến bến bờ thiên
đường.
Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ,
không phải là chuyến xe Sàigòn- Đà Lạt. Có khi Hà bá mời xuống chơi, có khi tủi
nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ
người cũng chưa hết. Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh
vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh
xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, “Xứ này không ăn dơ như thế”.
Cũng có người đi làm nail, tiền tươi
thóc thật, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, hiểu sát
nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt. Tiền gửi về nhà, người thân trong nước
tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết
đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng, không mua bảo hiểm y tế.
Nhưng cũng có người kiên nhẫn vừa làm
vừa học, thành danh nơi xứ người. Nhưng cho dù thế nào nơi xứ người, vẫn còn ít
nhiều cơ hội, có chịu nắm hay không mà thôi. Trong nước thì coi như bế tắc. Hồi
đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm 5-7 học sinh. Có em học xuất sắc,
bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy”
còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ… bãi gửi xe. Em
đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Đất nước này
không dung những tiềm năng như em… Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi
chính trị. Sao lại có thể xây dựng đất nước bởi những con người bằng thiệt học
giả ? Những năm sau 75, đói khổ và ê chề thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ
xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, người bơm mực bút bi, bán bún
riêu, buôn hàng lạc xon,… Lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô la,…
Năm 78, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam
lũ, nhưng đẹp, quý phái, không quá 30, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê 2 bao
than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: “Lát nữa gần đến ga
Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi 2 bao than này xuống”. Chị buôn lậu than, đến
ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của
bà mẹ trong một tác phẩm của C.V.Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi
nơi ẩn nấp của con bà. Gheorghiu đã mô tả đôi mắt của bà cũng buồn và nhẫn nhục
như thế.
Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi
Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu-Trương Minh Giảng, ăn mặc chắp vá màu mè như phường
tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, “Cho trẫm điếu thuốc”.
Hoàng thượng đã chiếu cố xin thuốc dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc
và cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, “Cho
lui…”. Lui rồi, ngoái cổ lại, thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.
Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ
trước rồi, sau 75 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật
hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho
khổ?
Mà Sài Gòn lúc đó sao lắm người điên
thế ! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông
ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở
khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật
gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre,…
Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa
làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng 1,5 kg kèm bức thư ngắn: “Gửi mày mấy
hộp thuốc tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần
đó”. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại quá phũ phàng?
Ngẫm lại, một nhà chính trị tài giỏi
là người có thể đưa đất nước tới mục tiêu mà ít đổ máu nhất, chứ đâu cần phải đốt
cả dãy Trường Sơn, đánh tới người cuối cùng. Mạng người quá bèo. Bèo thì cũng
đành, nhưng hệ lụy cho người còn sống, cha mẹ vợ con họ mới là nỗi đau gặm nhấm
cả đời.
Cả đất nước sống bằng khẩu hiệu, đất
nước ta dân chủ gấp vạn lần,… Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng
quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?
Người lẽ ra phải điên mà không chịu
điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối
chợ cả tiếng đồng hồ,có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn
may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ,…quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ
gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.
Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ
khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ,
mà lo. Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi
lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, “Tội nghiệp
cho cả gia đình tôi !
Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù,ở
trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con”. Não lòng đến thế là
cùng ! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên,bà này chắc
có căn phần phúc đức.
Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định
lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải
phong…Thánh.
Sắp vào Tháng Tư năm nay, Sàigòn nóng
khủng khiếp. Sàigòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng tư năm
nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối
diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.
Đà Lạt 8 giờ tối đã như 12 giờ khuya ở
Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về
nhà như kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn
yên tĩnh như đêm. Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan
chập chờn trên mặt sân. Cuối tháng tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sàigòn để
ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này của kẻ buồn, không nói
cho thế hệ sau biết những buồn bã sau 75 là như thế đó, lòng dạ nào yên?
Đời trăm nghìn nhánh khổ, nhánh nào
cho người, nhánh nào cho mình? Năm 75 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người
thành danh, đứa bầm dập, và cho dù có ở phương trời nào, tây hay ta, nỗi khổ vẫn
theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn cuộc đời
rồi….
Tháng tư, tôi thắp ngọn nến trong
lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được
ở quán rượu “…Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…”
VŨ THẾ THÀNH – 17 THÁNG 3, 2025
No comments:
Post a Comment