Thursday, November 15, 2018

Seretide - Trần Thi Ngh


SERETIDE
 
 
 

 1.

Da bụng bên dưới hai be sườn bùng nhùng, đùn xuống phía rún rồi bị ép, gấp không biết bao nhiêu là nếp ở bẹn. Vài năm trước khi qua đời ba tôi hay ở trần mặc xà-lỏn ngồi bó gối kiểu đó ở góc phản, thở khò khè, lâu lâu khạc đờm vô cái lon sữa bò để gần đấy. Chiều tối về nhà, việc đầu tiên tôi làm là dựng xe gắn máy sát vô vách rồi đi ngang góc phản ghé lấy cái lon mang đi đổ trong bồn cầu. Đờm đặc queo, có khi không chịu nhúc nhích, phải pha thêm nước hoặc dùng que khều khều cho nó trôi xuống đánh tọt. Tưởng tượng ông già đã vất vả thở như thế nào với mớ đờm đặc luôn khi nghẹn trong cổ họng. Đưa đi bệnh viện khám bệnh hút đờm thì ông bỗng mạnh như thần, vùng vẫy chống cự kịch liệt như đỉa phải vôi.

Từ thập niên 50 tôi đã được biết đến Walt Disney với vịt Donald và chuột Mickey. Ông già thường sai người chèo ghe từ Vàm Mương Điều lên chợ tỉnh để lấy báo và các tạp chí đặt mua dài hạn, trong đó có các tập truyện tranh với vô số nhân vật hoạt họa hấp dẫn. Chiếc xuồng cũ có mui được ba tôi biến thành mai rùa, kéo lên bờ lạch đút khuất giữa các lùm bụi ở cuối vườn là thế giới kỳ bí, nơi hai cha con tối tối lại bê ngọn đèn măng-xông chui vào mai rùa để cùng trải qua không biết bao nhiêu cuộc phiêu lưu tưởng tượng. Kích-Tôn-Sơn Bá Tước (Monte Cristo), Lỗ-Bình-Sơn (Robinson Crusoe) và Ngàn Lẻ Một Đêm dạo đó được dịch ra tiếng Việt mỗi đợt vài chương, xuất bản từng tập nhỏ khiến người đọc hào hứng, nôn nóng muốn biết phần tiếp theo của câu chuyện. Thỉnh thoảng ông đổi đề tài, kể chuyện nhà nghèo của Hồ Biểu Chánh, những phận người từ Không Gia Đình và  Trong Gia Đình của Hector Malot, Những Kẻ Khốn Khổ của Victor Hugo. Má tôi thường giăng mùng réo vô ngủ khi chúng tôi đang ở đúng chặng gây cấn nhất của cuộc rong chơi.

 

Ban ngày ba tôi là ông chủ đất thong dong cưỡi ngựa đi thăm ruộng, đặc biệt vào các mùa cấy gặt và vê lúa. Đi đến đâu cũng được tá điền cúi rạp người chào hỏi. Thời gian rảnh ban đêm ông đọc sách làm thơ lấy bút hiệu Trường Xuân, biến phòng làm việc thành Hoàng Hạc Lâu. Má tôi thường kiếm chuyện đi ngang ngó chằm chằm vô mặt thi nhân chì chiết, hứ, ra cái điều nho nhã, đẻ ra cả đống con mà không nhớ tên đứa nào. Khi đã giỏi đọc và viết, tôi rà theo các kệ sách trong lầu Hoàng Hạc điểm thấy Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Sử Ký Tư Mã Thiên, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, Cái Dũng Của Thánh Nhân cùng rất nhiều sách thuộc loại Học Làm Người. Thấy con gái út có chút hoa tay, ông già nhờ vẽ trên vách gác thơ một con hạc vàng đang xoãi cánh trong ánh hoàng hôn. Ông giải thích chiều tà thì chiều cứ tà còn mùa xuân trong ta thì vẫn cứ trường cửu. Bà già tuy khinh ra mặt nhưng ngày nào cũng phất chổi lông gà quét bụi các kệ sách. Khi bậc trí giả nhậu say, đái vãi ra giữa nhà, má tôi mừng húm triệu tập:

- Tụi bây ra đây coi cái vũng của thánh nhân nè.

 

Thời cuộc làm cho nhiều gia đình chẳng những ly tán mà còn tán gia bại sản, từ phú nông miệt vườn nháy mắt đã biến thành bần dân đô thị. Trí giả đến mấy cũng nằm trong số đó. Người hùng của tôi bây giờ chỉ còn là một kẻ bất đắc chí, ngồi chờ chết. Trong tư thế đó ông có thể vòng tay quanh gối, ngủ hàng giờ, vững bàn thạch không thua gì cư sĩ ngồi kiết già. Vừa ngủ vừa kéo đờm nghe sốt ruột, y như phần solo của một cây đại hồ cầm thiếu dây trong giàn nhạc toàn các nhạc công hết thời ở một quán bar sắp đóng cửa dẹp tiệm. Cứ nhìn ông như vậy, tôi lại nhớ đến Toàn và những buổi tối hai chúng tôi lang thang hết phòng trà này đến quán rượu nọ, đuổi theo bè trầm của đêm để chờ sáng. Thực ra chẳng có chi liên quan giữa hai người đàn ông này. Chỉ là kiểu kéo đờm trong cổ họng của ông già làm liên tưởng đến các hộp đêm có chơi nhạc về khuya. Đêm đã đi qua rất chậm và nặng vào dạo ấy. Toàn viện cớ phải làm đêm, trốn vợ để ầu ơ ví dầu với tôi. Lê lết theo gã nhạc sĩ lỡ vận, tôi ho lẹt khẹt thở hụt hơi, xanh lè ốm nhách. Toàn thì mặt mũi thất thần, tay chân lẩy bẩy với điếu thuốc luôn khi kẹp giữa hai ngón trỏ và giữa, hốc mắt ngày càng lõm.

 

Chúng tôi cười ngất ngư, quàng vai bá cổ hát tình yêu như trái phá, con tim mù lòa, một mai thức dậy… Ai da, có ngủ đâu mà thức! Bác sĩ Tạo nói tôi bị nám phổi, còn ông Phiên mò mẫm cho ra một cái toa kết hợp đủ thứ trụ sinh kháng sinh hiện có trên thị trường, thêm cả món Valium 5 khiến đôi lúc tôi muốn nhân tiện tự tử cho rồi. Thuở còn bé tôi đã quặt quẹo lẹt khẹt, bị lang vườn chích strepto đều đều như thuốc bổ, lúc nào cũng phải mặc thêm cái yếm hình tam giác lót bên trong ngực cho ấm phổi trước khi mặc chồng  thêm áo ngoài. Có yêu đương gì ai ở tuổi nhi đồng mà cũng ho thôi là ho.

 

Một tối tôi nói với Toàn, thôi em mệt rồi, phải về nhà uống thuốc, thở và ngủ. Chúng tôi chia tay.

Tôi lủi thủi đi làm, nuôi người hùng. Tính ra trong nhà có đến hai cây đàn dây: một đại hồ cầm và một đề cầm. Tôi kéo bè cao hơn một tẹo, tuy không kém phần hổn hển. Không chỉ đờm nhớt, kẻ bất đắc chí còn bất lực trong việc kiểm soát bài tiết khiến con gái rượu phải trả hiếu mệt nghỉ. Mớ thuốc của ông Phiên chỉ nhồi cho người thêm mệt, không thấy chút chi tác dụng. Ban đêm phải ngủ ngồi cho dễ thở. Trong bóng nhá nhem của ngọn đèn chong, hai thiền sư cùng bó gối, song tấu nhịp nhàng tâm đắc. Ở chỗ làm, thỉnh thoảng dăm ba lần trong ngày tôi phải đứng dậy gằm đầu cong lưng lấy hết sức lực hít thật sâu cho đầy lồng ngực rồi từ từ nhả ra. Chắc là hen suyễn rồi. Có khi di truyền mà không biết. Chẳng phải sưng phổi nám phổi lòi phèo gì đâu. Tại chưa gặp đúng quí nhân thôi. Mấy ông lang băm đặt ống nghe xong hồn nhiên phán lung tung không phân biệt được âm thanh tiết tấu chi cả. Đọc phim phổi thì mắt nhắm mắt mở. Nghe nói phụ nữ sau khi sinh nở máu huyết thay đổi, sức khỏe tốt hơn vậy sao không lấy chồng đẻ con đi cho rồi, đồng nghiệp khuyên.

 

Tôi lấy chồng đẻ con. Tưởng gì, cũng dễ, do sẵn trong sở có một ông bấy lâu kiên trì đeo đuổi. Lúc cầm lấy thiệp báo hỉ từ tay tôi, Toàn nín thinh, khóe môi giựt giựt hồi lâu nhưng không thể kéo nhằng ra thành nụ cười. Tay cầm cái thiệp, anh quay lưng lững thững trở vào Đài Phát Thanh viện cớ đang chuẩn bị thu âm một tình khúc mới. Đám cưới nhanh gọn như chạy tang. Má thì qui tiên rồi, các ông anh bà chị nghèo kiết xác, lại ở quá xa, ai lo phận nấy. Chỉ có bạn bè trong sở, vài họ hàng gần. Ông già chủ hôn đám cưới con gái, mặc đồ vét xám thắt cà vạt đỏ sọc đen ngồi cười cười, ngực phình ra thóp vào chập chùng khiến miếng vải sọc lòng thòng từ cổ đến bụng chuyển động mạnh và đều, lên xuống theo nhịp hai. Ông phải tự bơm hơi để cầm cự cho qua cái đám.

 

Tất nhiên không phải tôi lấy chồng cho khỏe, mệt hơn thì có. Cũng không phải để máu huyết thay đổi. Tôi đã ngán nghêu ngao những bản tuyệt tình ca. Chàng ở rể vì cô dâu không chịu về nhà chồng. Nhưng rồi mọi thứ cuối cùng vượt quá sức chịu đựng. Những lần chăn gối làm tức thở, bầu bì khiến người thêm ì ạch hào hển, cho con bú đêm vắt kiệt sức lực, cơm nước giặt giũ, vệ sinh con vệ sinh cha vệ sinh nhà cửa. Tất cả những thứ này cộng lại gọi là hôn nhân. Lấy chồng rồi ra chỉ là một động từ có qui tắc, được chia ở thì quá khứ. Còn cái bóng của hôn nhân thì ngày càng rợp, dày và rậm, che khuất mất ảnh thật. Gần như không còn sự hiện diện của người đàn ông mà tôi tưởng là để nương dựa. Kinh hoàng là từ hai tháng tuổi con bé đã bắt đầu có hơi thở rít, khẽ nhưng dồn dập. Giờ đây thêm một cây vĩ cầm, bộ ba chúng tôi hàng đêm tam tấu trong ánh đèn chong hình trái ớt màu đỏ cắm trong ổ điện đầu giường.

 

Ba tôi qua đời vì tắc đường thở không lâu sau đó, để lại gia tài cho đề cầm và vĩ cầm những tấu khúc hụt hơi. Để con nhỏ ngủ yên, ban đêm vác nó lên vai đi điệu slow vòng vòng trong nhà là chuyện cơm bữa, đặc biệt những đêm rằm. Ban đầu chẳng để ý, sau thấy không có cái Tết Trung Thu nào mà con bé thông thoáng hô hấp để chơi lồng đèn cho trọn, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về bệnh hen suyễn mà bấy lâu nay cứ ngu si cho là lao phổi vì…nghèo đói, thỉnh thoảng canh lịch âm, nhìn trời, rủa trăng. Strepto của thập niên 50, Vecenol, Chymocycline, Dilar, Franol, Periactin, Suprazid, Nicoscorbine, Bronco Piritisma, Sa sâm, Bản hạ, Bạch trì, Thúc sát… đầu thập niên 70, xuyên tâm liên dập viên và sâm đại hành xắt lát phơi khô những năm 80… tôi tọng vào người hằm-pà-lằng độc dược, tân dược, thảo dược, tiếp tục khò khè qua dăm trận tình nữa, vậy nhưng vẫn sống nhăn để nuôi con theo kiểu mình sống. Mười tám tuổi nó vẫn xẹp lép xanh dờn. Cuộc sống thiếu thốn khiến hai mẹ con xụi lơ, chẳng những trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe mà cả trong nhu cầu vun bón tình cảm.

 

2.

Trong thang máy chỉ có hai người. Tôi ấn số 18, liếc thấy người kia bấm số 12. Chung cư Parkland được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, gần như đồng thời với sự có mặt của trường quốc tế đầu tiên ở thành phố; so với các công trình cao cấp hiện nay thì nó đã có tuổi. Không riêng gì quận 2, khắp nơi trong nội thành cũng như ngoại vi người ta đua nhau xây cao ốc rao bán căn hộ ồn ào náo nhiệt như rau quả hay thức ăn nhanh. Tôi đã bỏ việc ở sở, đi dạy kèm tư gia, lê la từ nhà này sang nhà khác. Các gia đình trung lưu thành phố bắt đầu có khuynh hướng sính kiểu sống thực dụng theo phong trào. Họ gửi con cái học trường quốc tế, mướn gia sư, mua căn hộ trả góp tùy nhu cầu diện tích, tận dụng các dịch vụ tiện lợi mà một chung cư có thể cung cấp: nhà để xe, hồ bơi, phòng tập thể dục, siêu thị mini, sân chơi cho trẻ. Mỗi tuần tôi có hơn 20 giờ dạy cho con em các gia đình trong tòa nhà Parkland, học sinh trường IGS. Hai trò ở tầng 18, một trò ở tầng 12 và ba trò còn lại ở tầng 2. Giỏ xách máng một bên vai, hai tay chắp trước bụng, mắt ngó đăm đăm cánh cửa thang máy, tôi nghe ông ta phì phò ngay sau lưng, hơi thở phả mạnh vào gáy. Cái bóng phản chiếu từ cánh cửa hợp kim cho thấy người đồng hành tuổi xồn xồn, trang phục chỉnh tề, mắt hấp háy sau hai tròng kính dày, thần thái không tiết lộ nét chi đặc biệt.

 

Thang máy lên đến tầng 9 bất thình lình khựng lại nghe đánh phụp. Điện tắt ngúm tối đen. Tôi kêu:

-Á…a….

Ông ta gầm gừ trong cổ họng:

-Hừ…ừ…!

Mò mẫm trong túi xách, tôi móc ra cái điện thoại Nokia cùi bắp sắp hết pin, rị mọ một lúc mới bấm được nút đèn, xong ngoái lại nhìn người đàn ông. Trong hoạn nạn, cùng cảnh ngộ ai cũng là bạn mà. Vệt sáng yếu xìu vừa đủ cho hai người nhìn thấy nhau, nhòa nhòa như hình chụp lâu năm bị phai nước ảnh. Ông ta đưa mắt ngó tôi một lúc không nói gì. Ánh nhìn không chút hoảng loạn, trái lại nguội tanh vô hồn làm lạnh xương sống. Tôi tắt điện thoại để tiết kiệm pin, phòng khi hữu sự. Hai người đứng sựng không trao đổi thêm lời nào trong khối bóng tối đậm đặc hình chữ nhật. Bên ngoài không nghe động tĩnh. Định bấm số gọi tiếp tân nhưng rồi nghĩ có lẽ không cần thiết. Họ có máy phát điện nội bộ, và cũng thừa hiểu thang máy tòa nhà thường xuyên có người sử dụng. Ngoài ra, điện thoại thường mất sóng trong hộp kim loại kín.

 

Không trông thấy gì nhưng tôi đồ rằng người đàn ông đang bồn chồn không yên, sột soạt mò tìm thứ chi không biết. Lát sau ông ta thở gấp một cách bất thường. Không thiếu những kẻ sát nhân bỗng mất bình tĩnh trước khi ra tay. Ý nghĩ này làm tôi hoảng vía, lật đật bật đèn lên. Ánh sáng lu câm cho thấy ông ta đang lăm lăm trong tay một vật trông cưng cứng, có nòng. Gì đây? Án mạng trong thang máy? Muốn giết người thì cần chi chờ đến lúc cúp điện, bắn sao trúng? Trong một sát-na tôi đánh giá nhanh tình hình. Hăm dọa. Hãm hiếp. Bắt cóc. Cướp có vũ khi. Mấy thứ này phim Mỹ đã khai thác cạn tàu ráo máng, logic nằm ở chỗ vì sao nạn nhân lại là mình chứ? Nhưng không, ông ta đang lẩy bẩy kê nòng súng vào họng. Chán đời. Tự sát? Thang máy là chỗ thích hợp để tự kết liễu? Logic nằm ở chỗ vì sao biết trước nó sẽ ngưng đột ngột? Vì sao không tự sát khi nó đang hoạt động ngon lành; chỉ cần một khẩu Makarov thì ở đâu cũng được mà. Vì sao chọn mình làm nhân chứng chứ? Tôi la thất thanh:

-Á…a… bác làm gì vậy?

 

Spotlight hấp hối từ Nokia soi mờ mờ một hình nhân đang đứng im, lưng dựa vào mặt kính lắp trong thang máy, mắt nhắm nghiền, tay cầm báng súng tư thế lẫy cò ngược, miệng ngậm nòng súng, đầu ngửa trật ra phía sau, toàn thân rướn lên gom hết sức bình sinh hít vô thật sâu. Đinh ninh sẽ nghe một tiếng nổ chát chúa, tôi nhắm tịt mắt chờ, mọi giác quan phút chốc bỗng tê liệt, sau một lúc không nghe thấy gì bèn he hé mở mắt ra, tay run run giơ cao cái điện thoại cùi bắp soi thẳng bóng đèn nhỏ xíu vào mặt ông ta không chút nể nang. Vừa lúc đó vệt sáng chuyển sang leo lét rồi chết ngắc. Trong bóng tối chợt nghe giọng ông ta đứt khúc:

- Se…re…ti…de.

Mật khẩu gì đây? Giống nhân vật trong tiểu thuyết Dan Brown, thều thào...Il… lu… mi… na… ti …rồi tắt thở. Ông ta không tắt thở, trái lại, dăm phút sau đã bớt phì phò, phả hơi đều. Giọng phân trần, ông ta nói:

-Tụi này làm gì lâu lắc quá. Tôi mà bị nhốt bí hơi trong đây thêm 30 phút nữa là nguy. May có mang theo vũ khí, không thôi đứt bóng.

Rồi như sợ người nghe không hiểu mình nói gì, ông ta giải thích:

-Tôi bị suyễn kinh niên, Seretide như thần dược, đi đâu cũng mang theo kè kè. Vừa cảm thấy có dấu hiệu khó thở liền hít một liều thật sâu, nín hơi cho kín sau vài ba phút sẽ thấy hiệu nghiệm.

Tôi tẽn tò, e dè hỏi:

- Dạ, tên thuốc đó viết sao bác?

- Chà, cô giáo mà không biết tiếng Tây sao? Cô dạy con bé Kim ở tầng 12 chứ đâu. Tới chơi thấy cô hoài. Tôi là ông ngoại nó. Mẹ nó lấy chồng Hàn….

Cuộc trò chuyện trong bóng tối đến đây bị ngắt ngang bởi ánh đèn huỳnh quang vừa phựt lên. Thang máy rùng rùng vài cái rồi trượt nhẹ lên tầng 12. Ông già bước ra cửa còn ngoái lại, tay vẫy vẫy, thật hoàn toàn khác hẳn cái lão ngậm tăm mặt mũi lạnh tanh khi nãy. Giờ mới hiểu trước đó lão bị ngộp hơi nên chẳng thể nói năng chi, giống mình y đúc mỗi khi lên cơn. Thần dược đã khiến ông ta thân thiện, hoạt bát, thậm chí lắm lời.

Con gái được học bổng ở Anh. Xa nhà, nó viết thư kể huyên thuyên đủ thứ chuyện:….Con bê gia tài khò khè của ông Ngoại sang đây coi như hoàn toàn tương thích thiên thời địa lợi, của thừa tự tha hồ phát huy: lạnh, ẩm, mù mịt sương. Đi khám bệnh bác sĩ ra toa cho trúng phóc thứ vũ khí ở vụ án Seretide. Tên sát nhân trong thang máy năm nào không ai khác hơn là Kẻ Khai Sáng mà hai mẹ con mình không biết để kịp thời tung hô vạn tuế: Illuminati!!!!...

 

Trần Thị NgH

Gambetta,

08.2017

Trần Thị NgH

Trần Thị Nguyệt Hồng

(1949 - ......) Cà Mau

Nhà văn . Nhà giáo
Bắt đầu viết văn năm mười lăm tuổi, truyện ngắn đầu tiên đăng báo người lớn năm 18 tuổi. 

Các truyện ngắn của TT NgH đăng trên các tạp chí: Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn sau chọn thành một tập mang tên Những Ngày Rất Thong Thả in năm 1975 nhưng chưa kịp phát hành thì gặp biến cố 30/4. 

Sau hai mươi năm im lặng, TT NgH đã trở lại trên văn đàn với những truyện ngắn mới...

 

No comments: