Đọc lại
vài bài thơ thuở chiến tranh
Tôi nhớ lại một thời của cá nhân tôi, từ những bài
thơ đọc để nhắc lại trong ký ức. Trước năm 1968, tôi còn trẻ lắm và đang học ở
đại học. Tuổi ấy, cũng có những băn khoăn về thời cuộc, cũng có những thắc mắc
triết học, như một thời thượng thuở đó. Khi là sinh viên cũng có lúc xuống
đường, hay tham dự các sinh hoạt xã hội như các bạn đồng lứa tuổi. Cho đến khi
vào lính, giản dị là theo lệnh tổng động viên không muốn làm người sống ngoài
vòng pháp luật. Hơn nữa, nhận thấy rằng sống và trưởng thành ở đất nước này thì
phải thi hành nhiệm vụ quân sự là điều tất nhiên.Bây giờ đọc những bài thơ với
nhiều tên tuổi thi sĩ quen thuộc lúc ấy. Tôi không thể nào quên những tối mưa
mù mịt ở Pleiku, ra phố mua một tờ Văn hay Bách Khoa rồi luồn vào trong áo lạnh
nhà binh để cho khỏi ướt. Và, tối về nằm đọc như thấy lại Sài Gòn, thấy lại một
thời ngồi ghế nhà trường và hồi tưởng lại những hình ành đã qua của thơ mộng
tóc xõa dài lưng vai áo trắng. Dù ở xa xôi nhưng trong phòng nhỏ ở cư xá độc
thân tôi cũng có kệ sách nhỏ và các tạp chí văn chương là những món giải trí
thiết yếu mỗi đầu tháng. Lúc ấy, tôi cũng tập tành làm vài ba câu thơ, khi thì
để trang trải tâm sự khi thì biểu hiện những mơ ước lãng mạn bềnh bồng. Thi ca
với tôi lúc ấy như bông hoa tươi đẹp biết bao.Những ngày biên trấn như nồng ấm
thêm của nỗi niềm mênh mang đợi ngỏ.
Mấy ngày nay thành phố nơi tôi ở trời đang mưa.
Những giọt mưa gõ vào mái nhà như đang gõ vào trong tim tôi tiếng vọng thầm của
bước chân nào trở lại những ngày tháng cũ. Tôi nhớ lại những đêm mưa Pleiku.
Gió mưa ào ạt trong cái se lòng của đất trời. Đọc những câu thơ sao mình tưởng
tượng đến những cánh chim đang bay giỡn đùa cùng sương gió. Thấy mình háo hức
trong cõi mộng thanh niên và cũng già đi những suy tư của những ngày tháng mặc
quần áo trận.Cảm khái chập chùng, nên thi cảm chất chứa trong óc trong tim. Giở
từng trang lại từng trang, một đời lính tôi chỉ vỏn vẹn từ 1968 đến 1975 sao
dài quá, dài như cả một đời người. Lúc đó, thơ đã thành những mơ mộng lãng mạn
để thấy mình như trong một cơn đồng thiếp chữ nghĩa nào.
Đọc thơ Lâm Hảo Dũng để nhớ về Bản Hét, gợi lại lúc
ghé Dakto, hay nhìn lại buổi chiều Hàm Rồng. Ôi, Hàm Rồng cái tên đẹp đẽ của
ngọn núi như thế lại có hình dáng rất là gợi cảm của bộ phận sinh dục người phụ
nữ. Những chuyến không hành từ Sài Gòn hay Ban mê Thuột trở về Pleiku khi nhìn
thấy đỉnh núi gợi cảm ấy là biết rằng đã gần về sân đáp.Với thơ Lâm Hảo Dũng,
cảnh với người hình như có gì ràng buộc với nhau và trong cuộc chiến, cái giây
phút mơ mộng hiếm hoi đã làm tươi thắm hơn những rặng núi mù lam vây kín chân
trời:
Con đường ấy vẫn hoen mầu bụi đỏ
Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập
ngừng
Anh sống thở trong tâm hồn trai
trẻ
Nghe nỗi buồn đâu đó đến phân vân
Hoa cúc dại thắm trên đường xa
tắp
Và quê hương tha thướt lá xanh
trà
Em có thả những chòm mây nhung
nhớ
Cho rừng hoang im lắng tiếng chim
ca
Đời viễn khách mơ hồ không biết
được
Bước chân vang rộn rã buổi quay
về
Em mắt biếc hồn nhiên bên cánh
cửa
gửi hương nồng quay quắt bóng
người đi.
Lâm Hảo Dũng có hai câu thơ đọc nghe nhức nhối, như
luồng điện dí vào da thịt.” Chư Pao ai oán hờn trong gió. Mỗi một khăn tang một
tấc đường.’ Câu thơ của những ngày hè đỏ lửa 1972, khi chốt Chư Pao của Bắc
quân cắt ngang đường tiếp tế cho Kontum đã biết bao nhiên chiến sĩ hai bên hy
sinh và biết bao nhiêu tấn bom đạn đã đổ trên mỏm núi.
Nhớ Pleiku, đọc thơ Kim Tuấn.Những Bản Hét, Pleime,
Đức Lập, Pleimerong, Đức Cơ, những địa danh của một thời mịt mù lửa đạn. Đọc
một đoạn thơ, như thấy lại những đời lính thú. Những câu, những chữ có xót xa
có nhung nhớ nhưng cũng có nét hùng tráng của những người lính trận xa nhà:
Bản Hét những chiều không pháo
kích
trời im nghe gió thổi qua mau
rừng im nghe tiếng chim xào xạc
đồn im nghe súng bỗng dưng sầu
Bản Hét hành quân vùng Tam Biên
Núi cao như dựng với sông liền
Rừng sâu màu lá xanh da mặt
Cơm sấy ăn sao nhớ mẹ hiền
Mẹ hiền phương đó con đầu núi
Bưng biền chưa hết trọn đời trai
Bưng biền đêm gối tay lên súng
Bỗng thấy thương thân bỗng thở
dài…
Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn lại trong trang sách sưu
tập, dù đã đọc nhiều lần. Thế mà vẫn thấy bừng bừng như có men say một thời nào
vừa xa xôi vừa gần gũi lắm:
… đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát
ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận may còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn sẽ chắc thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng mấy quận
Che mưa giùm mấy nắm xương tàn.
Đọc thơ Chinh Yên, nhớ lại những ngày ứng chiến
trong hầm đại liên nhìn ra tuyến, đọc thơ Thanh tâm Tuyền, đọc sách Phạm Công
Thiện để nhìn thấy qua lỗ châu mai thấy những sợi mây bay. Đọc, để cảm khái:
hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ
tôi đọc thơ giữa chốn ba quân
cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ
huống hồ trên dưới mấy trăm năm
hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ
để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
máng đầu giường chạm gió kêu khan
hiền sĩ có cây già tựa gối
có chim ngàn ở ẩn chia vui
tôi có gì đâu ngoài nón trận
tránh đạn bom nhờ chút hên xui…
Có những bài hành đọc lên hụt hơi ngút ngàn hào
khí. Những câu thơ dồn dập suy tưởng ào ào lối nghĩ. Những câu thơ dài theo
nhịp trống quân hành, những câu thơ của từng phút giây mênh mang cảm giác. Tôi
đọc “Biên Cương hành” thơ Phạm Ngọc Lư:
… Đây biên cương, ghê thay biên
cương
tử khí bốc lên dày như sương
đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
rừng núi ta ơi đến chia buồn
buồn quá giả làm con vượn hú
nào ngờ ta con thú bị thương
chiều hôm bắt tay làm loa gọi
gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng tận
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn
trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“ nhất khứ bất phục phản” là
thường…
Như gió mây hội ngộ, hành quân qua bến phà Mỹ Thuận
gặp bạn đánh chén say mèm. Thơ Hà Thúc Sinh như tiếng cười ngạo nghễ tràn đầy
cảm khái. Cười như cuộc sống là một trò đùa và trò chơi đánh trận như là một
cuộc cút bắt với thiên thu
Hãy cạn ly chết bỏ
tôm cua cá lươn sò
lương ta còn nguyên vẹn
còn cả cái Seiko
Cửu Long Giang ra biển
Sẽ chẳng trở về đây
Chiến tranh hề gặp gỡ
Có chắc lần thứ hai
Mai mỗi thằng mỗi ngả
Thằng Cà Mau, Năm Căn
Thằng Bình Dương, Bình Giả
Thằng địa ngục thiên đàng
Nhưng ta không sợ chết
(hơi ngán què đôi chân)
còn mày sao lại khóc
cứ cười lên đi con
ta anh hùng tứ xứ
há thua những bông hồng
nơi rừng U Minh Hạ
còn dám nở dưới bom
cứ cười như họng súng
bắn cuộc đời vỡ toang
ha ha ha ha ha
như họng súng
ha ha ha
đời vỡ toang
Đọc thơ Cao Thoại Châu. Đọc thơ Vũ Hữu Định. Đọc
thơ Hạc Thành Hoa. Đọc thơ Hồ Minh Dũng. Đọc thơ Trần Tuấn Kiệt. Đọc thơ… Đọc
thơ… Những bài thơ tiếp nối nhau từ sông ra biển, từ nơi chốn này đến địa danh
khác. Thơ, trong suốt đêm mưa hôm nay, đã thành một không gian của trăm chiều
chuyển động, của xôn xao cảm giác, của nhớ và quên lẫn lộn, thấy mình và người
quấn quít hình nhân. Tôi đọc thơ mê mải. Tôi như bơi theo dòng. Tôi như sống
một thời gian không gian nào của những ngày đôi mươi của xênh xang áo trận của
những lúc tưởng mình là người mang nặng mộng ước trên vai.
Lúc ấy, mới thấy sâu xa cảm tình của những người
chia sẻ với nhau nỗi niềm của chung mang thời thế. Để, có một lúc phải nhủ thầm
trong lòng. Cám ơn những thi sĩ, những người đã góp công làm đẹp quê hương…
Nguyễn Mạnh Trinh
25-10-2010
Theo Việt Herald
304Đen – Llttm - dsc