Tuesday, May 30, 2023

Một Địa Chỉ Hoa - Mai Thảo

 

MỘT ĐỊA CHỈ HOA




Tôi đến tiệm bán hoa danh tiếng nằm trên con đường thanh lịch nhất của thành phố năm phút sớm hơn giờ mở cửa. Lưới sắt buông kín, khóa đồng lớn tướng, cửa tiệm thấp thoáng, im lìm và mờ tối ở bên trong, tôi phải đứng chờ chú Tư là người mở cửa, ngoài hè đường.

Buổi sáng đầu năm lạnh, mặc dầu những ánh nắng thứ nhất của một vòm trời thành phố vào xuân đã dấy, khiến tôi nghĩ đến giấc ngủ đêm qua của mình, giấc ngủ phảng phất buồn rầu, tôi một mình giữa biển đêm buốt lạnh mênh mông, như thế, đã ba năm, từ ngày nhà tôi mất. Ném ý nghĩ đi xa hơn, trong sớm mai hắt hiu, tới cái thế giới lộng lẫy màu sắc của những chùm hoa núi đang đổ đèo, xuống dốc, mà một phần, lát nữa, xế trưa, sẽ về tới cửa tiệm này, một hình ảnh trái ngược lại đến với tôi là cuộc đời mình, nhạt phẳng và không màu, mãi mãi tôi chỉ làm cái việc bán hoa, gửi hoa tặng của khách hàng đến từng địa chỉ. Và mình thì không bao giờ là một địa chỉ của hoa, tôi nhủ thầm, đầu óc tối nghiêng và hẫng lặng đi trong khoảnh khắc. Nghe thấy trái tim mình đập thật xa, đâu đó, trong lồng ngực chết. Cảm thấy một xao xuyến lặn chìm. Thấy mình đang đứng đây, một mình, với mình, trong cái khởi đầu trống trơn của một ngày và buổi sáng lạnh chạy dọc hè phố, như một tà áo mỏng.

  • Bà tới lâu chưa?

Tiếng chú Tư làm tôi giật mình. Sáng nay, chú Tư mặc một cái ao len cũ. Chú gầy và già. Chú quê mùa, ở ngoài mọi lối sống có những chùm hoa tặng, không thích hợp chút nào với một tiêm hoa danh tiếng, thời thượng, có truyền thống và tín nhiệm hoa, với chủ nhân là một người đàn bà tây phương trí thức. Mặc dầu vậy, chú Tư đã sáng sáng mở cửa tiệm này trước tôi từ thật lâu. Từ hai mươi năm. Còn tôi, tôi chỉ đi làm từ ngày nhà tôi mất.

Tôi đáp, quên được buổi sáng lạnh quanh mình và giấc ngủ đêm qua buồn rầu phảng phất.

  • Năm phút.

Chú Tư cúi lom khom, tra chìa khóa vào ổ:

  • Hôm nay thứ hai. Chắc vắng khách.

Chú Tư có lý. Hoa thường được gửi tặng tấp nập vào những ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật, và thưa thớt hơn những ngày thường.

Tôi đáp:

  • Tuy vậy, chú đừng quên là còn một số hoa đặt từ chiều thứ bảy chưa gửi. Hôm nay nhằm nhiều sinh nhật. Lại còn hoa cho một tiệm hàng mới mở. Và hai đám cưới nữa. Chúng mình cũng không rảnh rỗi lắm đâu.

Khung cửa sắt rít lên, biến lẫn vào lòng tường trên cao. Chú Tư tránh sang một bên cho tôi bước vào. Chú hỏi:

  • Hôm nay hoa có về?

Tôi gật:

  • Đã có điện tín. Trưa nay hoa tới. Nhiều hồng và cẩm chướng. Chú nhớ sửa soạn.
  • Được. Bà Françoise có dặn gì khác?
  • Bảo chú chờ bà đến.

Chú Tư cau mày, như cái việc chờ người chủ mà chưa biết chờ để làm gì làm cho chú ta khó chịu.

  • Lúc nào?

Tôi nhún vai:

  • Không rõ. Chắc lát nữa, gần trưa. Những buổi sáng lạnh như hôm nay, bà Françoise của chúng mình thường tới muộn.

Tôi đến ngồi xuống cái ghế quay sau bàn làm việc, mặt bàn trải nỉ xanh, lồng kính lạnh lẽo, với tấm hình nhỏ xíu của nhà tôi ở một góc, đối diện với bàn giấy lớn của bà Françoise với những cuốn sách xếp chồng cao ngất, nơi bà Françoise ngồi đọc, lặng ngắt hàng giờ bất động, hoặc tiếp những bạn bè tây phương của bà là những đại sứ, tùy viên văn hóa các sứ quán, họ phục sức rất nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, và tới bằng nhữing chiếc xe hơi đen bóng có cờ hiệu sứ quán đậu trước vỉa hè.

Ngoài hè đường, nắng sáng đã rực rỡ hơn. Những chiếc xe hơi nối đầu thành hàng cùng với những tấm lưới sắt của tiệm bách hóa Ấn độ, tiệm sách, quán nước phía bên kia đường được đồng loạt rút lên. Chú Tư từ nhà trong đi ra nhiều lần với những bó hoa mẫu được cắm vào những cái bình đặt trong tủ kính. Có hoa, cửa tiệm tươi sáng hẳn. Ban mai hắt hiu như một tà áo mỏng ấm áp. Tôi ngồi chống tay lên cằm, bâng khuâng với tâm trạng riêng tây của mình đến chín giờ là giờ của những nhánh hoa mừng cho một đám cưới ở trong Chợ Lớn phải được gửi đi. Cuốn sổ đặt hàng mở rộng trước mặt, tôi cố gắng tập trung thần trí vào công việc, mỗi bó hoa được đưa ra khỏi cửa tiệm là một tên người một địa chỉ hoa được gạch đi bằng bút chì màu đỏ trong cuốn sổ đặt hàng. Buổi sáng hôm nay, hoa tặng không có văn chương kèm theo. Tôi đánh máy mấy tấm danh thiếp những lời chúc tụng khách hàng để lại, chỉ thấy những câu mừng chúc thông thường. Ở nhiều trường hợp khác, hoa được gửi đi với những lời lẽ nồng nàn gấp bội. Người ta dùng hoa để bầy tỏ tình yêu. Hoa thay chữ. Hoa là những lá thư tình, và trên những tấm danh thiếp, như nương theo tiếng nói mở đường của hoa, là những câu tỏ tình đằm thắm nhất. Từ ít lâu nay, điều tôi nhận thấy, một cách buồn rầu, cho hoa, là phần lớn những đời hoa ra đi từ cửa tiệm này chỉ còn được dành cho giao thiệp tầm thường vụ lợi. Thành phố đã bớt đi, mất đi cái không khí lãng mạn một phần nào. Và nếu hoa là tiếng nói lớn nhất của tình yêu, ở thành phố này, người ta đã tỏ tình, đã yêu nhau bằng trăm ngàn phương cách khác. Vai trò mở đường, đưa tin của hoa chừng như càng ngày càng mờ nhạt càng thu nhỏ lại.

 

Mười giờ. Hai mươi bốn bông hồng nhung của một chủ tiệm khách sạn Ý Đại Lợi gửi mừng nữ chủ nhân một quán hàng có âm nhạc và trình diễn khỏa thân ngày khai trương cửa tiệm được gửi đi, chấm dứt cho công việc giao hoa ngày đầu tuần của tôi về những địa chỉ được ghi nhận mấy ngày trước. Một bóng dáng cao lớn hiển hiện làm tối sầm khung cửa. Bà Françoise tới. Bằng dáng đi khỏe mạnh của một người đàn ông, với những tiếng giày đanh đanh lộp cộp dội mạnh trên nền nhà, bà tới bắt tay tôi, kêu trời trở lạnh làm bà váng vất khó chịu. Bà hỏi tôi đêm qua, vào lúc tảng sáng, có nghe thấy tiếng trọng pháo nổ rền từng hồi ở hướng đông bắc thành phố. Tôi trả lời không. Tôi nghe thấy, thật gần, những khung kính phòng tôi rung rinh vì sức dội, bà Françoise nói, tình hình xem chừng lại rắc rối lắm, bà nói thêm, đoạn trở lại bàn giấy bà ngồi xuống, chỉ còn mái tóc màu tro và khuôn mặt đầy những nếp nhăn ở cao hơn những chồng sách đã che khuất gần hết cái thân hình mập mạp của bà. Chúng tôi không nói chuyện gì với nhau nữa. Vây bọc bởi hoa, trong bầu không khí yên tĩnh kéo dài hai buổi liên hệ giữa tôi và bà Françoise từ mấy năm nay là như thế, với nhữn g phút im lặng nín thinh của hai người đứng tuổi, cùng sống một mình như nhau, nhìn cuộc đời quẫy động chung quanh bằng cặp mắt đã phủ nhiều bóng rợp. Trong hai chúng tôi, đều có những cánh rừng đã ngủ, những mặt biển đã yên, những dòng suối đã chết. Và hoa là hoa của đất trời, của loài người, không phải của mình. Một cuốn sách được mở ra, với mái tóc bà Françoise cúi xuống. Cái việc đọc sách của bà khô khan, chăm chú, buồn rầu, như bà chỉ đọc những hàng chữ thôi mà không đọc truyện. Sách hết là một rung động, sách chỉ còn là chiếm cướp và làm đầy những giờ trống phẳng. Cặp mắt đầy bóng rợp của bà Françoise như thế. Cặp mắt nhìn hoa thật thành những chùm hoa giấy.

Một lúc thật lâu như thế. Rồi bà Françoise buông sách, gọi chú Tư từ nhà trong ra, nói chú Tư phải đi theo bà đến nhà riêng một người bạn đồng hương với bà, trang hoàng, bằng hoa suốt khắp tầng dưới, tầng trên cho ngôi biệt thự mở tiếp tân vào lúc buổi chiều. Trước khi đi, bà Françoise hỏi tôi:

  • Chúng mình có chậm muộn của ai không?

Tôi chỉ tay xuống những vệt bút chì đỏ gạch chéo trên mấy trang sổ đặt hàng:

  • Thưa không. Tất cả đã được gửi kịp.

Bà Françoise nhún vai, giọng đều đều:

  • Tiệm chúng ta được tín nhiệm vì thế.

Tôi nói:

  • Vâng, vì thế.

Dăn dò tôi thêm một vài công việc lặt vặt, trong đó có việc giao trả mấy cuốn sách cho một người bạn Hoa kỳ lát nữa tới lấy, rồi chủ nhân vẫy tay gọi chú Tư đi theo. Bà Françoise ra khỏi tiệm chừng mười lăm phút thì tôi nhìn thấy qua thấp thoáng những bông lay dơn, những chùm cẩm chướng, người đàn ông đứng đó, bên kia hè đường.

Sự xuất hiện đột ngột làm tôi giật mình. Không cần nhíu mày định thần, tôi cũng nhận ra ngay người khách hàng quen thuộc của riêng tôi, người khách hàng im lặng, không tên, mặc dầu từ lần cuối cùng ông ta đến tiệm hoa tới bây giờ, khoảng thời gian cách biệt đã trên dưới một năm gì đó. Người đàn ông cầm trong tay một cuốn sách mỏng. Ông ta đứng đó, trên một hè đường đã đông đúc người qua lại, mà tôi vẫn nhìn thấy được thật rõ, trừng mắt mơ màng, nét mặt trầm lặng và cái dáng đứng bất động tạo thành một tách rời biệt lập dứt khoát với xung quanh. Ông ta nhìn sang tiệm hoa. Và tôi chờ đợi ông ta vượt qua đường, đi tới nơi mà một năm trước đây, ông ta là khách hàng quen thuộc của tiệm hoa danh tiếng này. Phục sức đơn giản nhưng thanh lịch, cái thanh lịch của một người đàn ông trí thức và thầm kín kiêu hãnh, khổ người tầm thước, với dáng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh là sự trái ngược hẳn lại với ánh mắt mơ mộng lãng mạn, người khách hàng không tên của chúng tôi, suốt mười hai tháng của một năm ngoái hoa, đã bước chân vào cửa tiệm này, tôi nhớ lần nào cũng vào buổi sáng cuối tuần, khoảng mười một giờ. Tôi tiếp khách tặng hoa thật nhiều. Từ các em nữ sinh gửi hoa cho thầy học họ. Đến những tuổi già Tây phương, tuy lụ khụ rồi vẫn còn thật lịch sự với xa gần thân hữu bằng hoa. Riêng người đàn ông đang đứng ở hè đường bên kia là người khách hàng âm thầm và lặng lẽ nhất.

Những lần đầu tiên đến tiệm, ông ta còn nói một vài lời. như bà làm ơn thế này, bà làm ơn thế nọ. Và trả tiền rồi, lần nào cũng không quên cám ơn rồi mới quay gót đi ra. Những lần sau, nghĩa là từ khi ông ta biết chắc tôi biết chắc ông ta muốn có một bó hoa nhất định như thế nào rồi và gửi tặng đến một địa chỉ nhất định nào rồi, ông ta có vẻ như nhận thấy mọi lời nói đều dư thừa, không cần thiết nữa. Chỉ cúi đầu chào khi bước vào. Và cúi đầu thêm một lần nữa khi quay gót lặng lẽ đi ra. Suốt một năm liền như thế, với người khách hàng khá lạ lùng của tôi, hoa chỉ được gửi đến cho một người, lần nào cũng như lần nào, bằng những khoảng cách thật đều đặn là buổi sáng ngày thứ bảy. Địa chỉ cho những bông hoa tặng là một con số lẻ đường Hồng Thập Tự. Người nhận hoa tất nhiên là một người đàn bà. Một lần đi qua đường Hồng Thập Tự, tôi đã bất chợt nhìn thấy cái số nhà ấy trên một thành cổng sắt đóng kín. Bên trong là một biệt thự. Mái ngói đỏ và tường vàng tươi thấp thoáng ẩn hiện sau những tàn cây lớn. Phút đó, tôi đã nhớ ngay đến người khách hàng mỗi ngày thứ bảy của tôi, và nghĩ đến những bông hoa tặng của ông ta phải vất vả vượt qua một cánh cổng sắt mới vào tới được người đàn bà sống trong ngôi nhà đó. Cũng lần đó, bị thúc đẩy bởi một tò mò bất chợt, tôi bảo xe ngừng lại trước biệt thự năm phút, hy vọng nhìn thấy mặt người đàn bà được tặng hoa. Nhưng cánh công sắt đóng kín. Không chừng những bông hoa tặng trong một cái bình nào đó đã héo rũ. Hoặc đau buồn hơn, chúng bị ném vào thùng rác.

Người đàn ông tặng hoa hàng tuần, không gửi theo danh thiếp, và tôi ước đóan được hai điều. Thứ nhất, hoa đến, người đàn bà trong ngôi biệt thự đã biết rõ người gửi là ai. Thứ hai, những bông hoa buồn rầu được gửi đi từ một người gửi, mà nét mặt khép kín chỉ chuyển từ trạng thái nghiêm trang sang trạng thái trầm lặng là một biểu hiện của một tình yêu mới cháy bùng từ một phía, từ phía bên kia chưa đỏ lửa, chưa dông bão. Cũng có thể đó là một tình yêu đã có nhưng tan vỡ, và hoa là ước mong được hàn gắn lại. Cũng có thể người đàn ông chỉ gửi hoa mà không ao ước gì hơn. Cho mà không cần nhận lại. Mở một đường hoa mà không mong hoa mở thêm một đường về. Cũng có thể là hoa đã có một lịch sử, hoa đã là một biểu tượng riêng biệt nào đó chỉ có chàng và nàng biết được, và ở trường hợp này, hoa đã là tiếng nói, một người nhận và một người gửi đã nói chuyện với nhau như thế, những chuyện xưa cũ, trước sau, một đời của họ mà tôi không tài nào tìm hiểu được. Tình yêu muôn mặt và người ta cũng có trăm ngàn cách yêu nhau, đằm thắm thiết tha, nồng nàn, mặc dầu cách biệt. Tất cả đều có thể. Nhưng suy luận cuối cùng của tôi về một năm hoa tặng của người đàn ông không nói, là nếu có một tình yêu nào đó ở ông ta với người đàn bà trong ngôi biệt thự, tình yêu đó đang trải qua một thử thách khốc liệt. Đang cheo leo trên một sợi dây. Đang chênh vênh trên một bờ vực. Và hai người chưa tìm được cho nhau một ngôn ngữ mới. và hoa là trung gian cho một đợi chờ.

Sự thật như thế nào? Tôi không hiểu rõ được. Những bông hoa tặng kia là hoa vui hay buồn? Của một đi tới hân hoan hay của một ngừng đứt tuyệt vọng? Chỉ biết rằng thình lình vào khoảng đầu tháng chạp năm ngoái, đúng vào tháng hoa núi, hoa đồi từ cao nguyên nườm nượp về với một Nguyên Đán thành phố, người đàn ông trầm lặng, không tên không đến tiệm hoa như mỗi buổi sáng thứ bẩy nữa. Ông ta biến mất. Bà Françoise không chú ý gì đến khách hàng mà cũng nhận thức được sự vắng mặt đột ngột này. Bà ta hỏi tôi, ông thân chủ ít nói của chúng mình sao không thấy lại. Tôi chẳng biết trả lời thế nào hơn là có lẽ ông ta đau, đi xa, hoặc là đã chết. Những lý do khác: đường hoa mở đi cho tới một lúc nào chân của hoa đã mệt, tiếng của hoa đã đứt, lời của hoa đã lạc, và giữa hai người, chỉ còn một cánh cổng đời cao ngất, càng ngày càng cao ngất mãi, cho đến một lúc nào những nhành hoa kiên nhẫn không còn đủ sức vượt qua. Cuối cùng hoa nói gì cho người. Hoa không nói. Cuối cùng, hoa làm được gì cho người? Câu trả lời là ít nhất ở một trường hợp, hoa không làm được gì cho người. Và hiệu năng của hoa và huyền thoại về hoa đã chết.

Bây giờ, sau một năm mất tích, người đàn ông lại xuất hiện, lại từ một phương xa, lại từ một cõi chết trở về. Dưới ánh nắng đầu năm, ông ta đứng đó, trầm tư nhìn sang nơi chốn cũ, ông ta sẽ đi thẳng hay sẽ vượt đường sang? Tôi hồi hộp chờ đợi. Kết quả là buổi sáng hôm nay, mười hai bông hồng nhung mà tôi đích tay lựa chọn trong những bông tươi mởn, đằm thắm nhất đã được một người đàn ông lại gửi lại cho một người đàn bà về cái địa chỉ hoa xưa là ngôi biệt thự ở đường Hồng Thập Tự. Khi trả tiền xong, người đàn ông ấy thốt nhiên mỉm cười với tôi.

Ông ta đặt cuốn sách xuống bàn, trước mặt tôi:

  • Tôi mua biếu bà cuốn sách này. Những bông hoa được bà gửi dùm đi từ nơi này là những bông hoa suốt đời tôi không quên.

Người khách hàng mà tôi không biết tên. Cám ơn ông về cuốn sách. Cuốn sách với riêng tôi là nhành hoa quý nhất. Có phải là cuối cùng tôi đã được hân hạnh dự phần vào sự thành tựu tuyệt vời nhất của một đời người đó không, một đời người ở đó những chùm hoa tặng đã mở lại một con đường mới.

Mai Thảo

 

 

Mùa Đông Thứ Mười Bẩy - Nguyễn Thị Hoàng

 MÙA ĐÔNG THỨ MƯỜI BẨY

 


















Cơn bão nào thổi bay rừng ta đi
để bầy chim mất hướng tìm về
giọt lệ nào rơi tan vào trong ly
cho lòng đau uống hết lời thề
cuộc đời nào buông trôi giòng sông mê
nên tình thiêng đằm thắm phải chia lìa

Chiều một mình đi qua thành phố xưa
thương bàn chân dốc đá rêu mờ
chiều một mình đi qua đồi núi xưa
yêu vầng mây tóc trắng bơ phờ
chiều một mình đi thăm người đã xa
thấy mình quen như chiếc bóng quê nhà
chiều rồi chiều ta đi tìm bóng ta
môi hoàng hôn im khói thuốc bao giờ

Có một người đi rất xa từ đây
qua đời ta tầng địa ngục lưu đày
có một người còn về đâu quanh đây
trong hồn ta ấp ủ dáng hao gầy

Có một người mãi mãi là men say
trong lòng ta từng giọt rượu chiều nay.

Nguyễn Thị Hoàng

Từ trang OVV

Chuyện Vui Anh Ngữ - Sưu Tầm

CHUYỆN VUI ANH NGỮ

 


    A plane is on its way to Toronto, when a blonde in economy class gets up and moves to the first class section and sits down. the flight attendant watches her do this and asks to see her ticket. she then tells the blonde that she paid for economy class and that she will have to sit in the back. the blonde replies, “i’m blonde, i’m beautiful, i’m going to Toronto and i’m staying right here.”

 The flight attendant goes into the cockpit and tells the pilot and the co-pilot that there is a blonde bimbo sitting in first class, that belongs in economy and won’t move back to her seat. the co-pilot goes back to the blonde and tries to explain that because she only paid for economy she will have to leave and return to her seat. the blonde replies, “i’m blonde, i’m beautiful, i’m going to Toronto and i’m staying right here.”

 The co-pilot tells the pilot that he probably should have the police waiting when they land to arrest this blonde woman who won’t listen to reason. the pilot says, “you say she is a blonde? i’ll handle this, i’m married to a blonde. i speak blonde.”

 He goes back to the blonde and whispers in her ear, and she says, “oh, i’m sorry.” and gets up and goes back to her seat in economy. the flight attendant and co-pilot are amazed and asked him what he said to make her move without any fuss.

 “i told her: first class isn’t going to Toronto.”

 Từ trang DĐQGHCUC

  

Mùi Chay - Uyên Lê

 

MÙI CHAY

 

-Tôi có thể ngồi chung bàn với chị được không? Quán hôm nay đông quá!

Hắn bưng dĩa cơm chay trong chiếc đĩa nhựa xanh rẻ tiền khom lưng đứng trước mặt người đàn bà. Người đàn bà nhẹ nhàng ngước lên, đôi mắt đầy thảng thốt :

-Không được. Tôi đang chờ một người quen.

Hắn quay lưng bước đi, miệng lầm rầm cáu kỉnh:

-Ăn chay mà cũng giành chỗ!

Tìm được một chiếc ghế nhựa, hắn uể oải dích từng hạt cơm đã nguội khô khốc trong dĩa. Cơm chay thập cẩm. Cái tên hoa mỹ cho phần ăn ít tiền nhất của quán chay bao gồm nhiều cơm nhất có thể, lèo tèo vài cọng rau xào và vài miếng đậu hủ kho tiêu mặn quéo lưỡi, đóng vai trò xúc tác tích cực cho hỗn hợp chất bột trộn với vô số nước trà đá miễn phí, phình lên sau khi trôi tuột qua cuống họng đau rát vào bao tử rỗng tuếch của hắn.

Quán chay mùa Vu lan lúc nào cũng đông khách. Hắn phóng tia nhìn lơ đảng khắp dãy bàn ghế nhựa xanh đỏ, ngổn ngang giấy ăn vương vãi dưới gầm bàn và những đốm nâu của nước tương Tam thái tử dây trên tấm khăn trải xanh đậm. Tia mắt hắn chợt dừng lại ở khuôn mặt người đàn bà ngồi góc trong cùng của quán ăn. Một khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt, với những đường nét bình thường, không xấu nhưng cũng không có gì đặc biệt đủ để lưu lại trong bộ nhớ người khác sau vài lần gặp. Hắn đã gặp chị ngay từ lần đầu tiên hắn ghé quán, thông thường bắt đầu từ giữa tháng khi tiền viện trợ từ nhà đã cạn và khi hắn không còn trông cậy vào bất cứ khoảng thu nhập thất thường nào, hắn tìm đến quán cơm chay, như mọi thằng sinh viên xa nhà khác.

 

Đây là tuần thứ hai liên tục hắn gặp chị. Có nghĩa là hai tuần liên tục hắn cạn sạch tiền ăn và bao tử hắn chịu đựng một ca trà đá vào buổi sáng và một dĩa cơm chay buổi chiều.

Chị ngồi hơi cúi đầu xuống, mái tóc giấu trong chiếc cặp vải lưới kiểu nhà quê không giấu được cái gáy trắng thon thả nổi bật trên màu tóc đen óng ả. Hắn mỉm cười chua chát nghĩ- người đàn bà này chỉ đẹp khi cúi mặt.

Vứt đôi đũa bạc thếch vào cái dĩa đã được vét sạch, chung quanh đã vản khách, hắn lần dò đến bàn người đàn bà, vẫn ủ rũ với tô cà ri chay trước mặt.

-Chị không có bạn nào hết. Tôi đã để ý chị mấy ngày liền rồi. Sao chị không nhường cho tôi một chỗ ngồi?

-Người bạn của tôi hứa đến, và tôi vẫn chờ – người đàn bà trả lời, giọng hơi run rẩy.

Hắn thấy đặc biệt kích thích và tò mò:

-Đã hai tuần nay rồi, có ai đến đâu! Tuần trước tôi cũng hỏi nhờ ngồi bàn chị, chị cũng trả lời câu này. Hay chị khinh tôi?

Hắn không bỏ được cố tật đặt những câu hỏi trực diện làm người đối diện lung túng và khó chịu, bạn bè hắn kết luận, đó là lỗi lầm chết người của hắn, trong khi người khác uốn lượn trơn như lươn, hoặc chỉ cần một chút tế nhị. Nhưng có lẽ, tế nhị không có trong cái đầu đặc phù sa bùn đất của hắn chăng?

Trái với thái độ thẳng tuột thô thiển của hắn, người đàn bà vẫn từ tốn và rụt rè:

-Tôi không quen với ai, tôi ngại, tôi chỉ ngồi với người quen.

-Tôi cũng ngồi một mình, không có ai quen, tôi chán ngồi một mình lắm rồi. Tôi chỉ cần có người để nói chuyện thôi!

Chị đột nhiên nhìn hắn với đôi mắt ấm áp:

-Thôi anh ngồi xuống đi. Ăn cà ri không? Anh ăn nhiêu đó cơm không đủ no đâu.

Không đợi chị mời đến lần thứ hai, hắn cắm mặt vào bát cà ri còn nguyên trên bàn chị. Mùi khoai lang bùi quánh lưỡi cộng hưởng vị béo của nước dừa cốt đặc sệt làm hắn mờ mịt đi trong sung sướng thoả mãn của 5 giác quan và nỗi thèm khát đau đáu hương quê nhà. Ngẩng đầu lên bắt gặp cặp mắt ái ngại của chị, hắn nói một mạch:

-Tôi không phải thằng cù bơ cù bất, tôi là sinh viên trường nghệ thuật và tôi cần việc làm. Chị có giúp tôi được không?

-Anh đi theo tôi- người đàn bà nhẹ nhàng đứng lên, tiến ra cửa, thậm chí không thèm ngoảnh lại phía sau xem hắn có đi theo hay không.

Hắn ngoan ngoãn đi theo người đàn bà, tư thế sẳn sàng lao vào bất cứ công việc gì có thể kiếm ra tiền.

Vóc dáng cao to lực lưỡng của dân Cà Mau sông nước và đôi mắt lạnh – chẳng ăn nhập gì với nhau đã hại hắn. Trong khi bạn bè cùng lớp hớn hở rủ nhau đi đóng film ca nhạc, hắn liên tục thất bại casting, rồi xuống hạng đóng phim quảng cáo sản phẩm. Hắn không thể nhập vào vai những anh chàng nghệ sỹ ẻo lã si tình trong mấy phim ca nhạc thị trường, cũng không phải anh chàng phong trần bảnh bao có ria quai nón đêu đểu, mắt ướt rượt đa tình và càng không thuyết phục trong vai anh chàng láu lỉnh quảng cáo cho mì ăn liền hay anh chàng sạch sẽ chuyên đi hà hơi vào cửa kiếng cái mùi thơm tho kem đánh răng close-up. Tụi bạn hắn đã nản chí với việc liên tục giới thiệu hắn vào các vai quảng cáo hầm bà lằng mỗi ngày trên nhà đài, và hắn cũng tin rằng, hắn, cuối cùng chỉ hợp vai những anh chàng “vai u thịt bắp mồ hôi dầu mụn cám”. Đành chấp nhận đồng tiền còm cõi đi phát tờ rơi quảng cáo ở ngả tư đường, mặc đồ lông thú đứng cười trước tiệm gà rán, trong khi trông chờ một vai quần chúng lướt ngang camera…

Vì thế hắn lẽo đẽo đi theo người đàn bà trong tư thế không còn gì để mất!

oOo

Làng Giếng nổi tiếng về nghề làm đậu hũ gia truyền rất lâu đời, nếu làng Mai động thuộc Kẻ Mơ ở Hà Nội tự hào về nghề làm đậu phụ đã 2000 năm, thì làng Giếng Hóc môn cũng thuộc hàng con cháu với tuổi đời 100 năm. Có lẻ kể từ cuộc di dân dọc Hoành Sơn vào Nam đã mang theo nghề làm đậu mơ từ những con dân Kinh Bắc nhớ quê!

Công thức làm đậu hũ quan trọng nhất là chất lượng đậu nành rồi sau đó đến nước giếng ngâm đậu. Chính điều này đã làm cho đậu hũ làng Giếng nổi tiếng, nhờ có giếng làng. Và đặc biệt giếng nhà chị Mơ!

Người đàn bà đó tên là Mơ!

Gia đình chị đã trải qua 5 đời làm đậu hũ, nghề đã thấm vào máu thịt, nhưng đến đời chị đậu hũ nhà Mơ mới được nổi tiếng và nhiều người biết đến như vậy. Bao nhiêu người tò mò muốn biết bí mật gia truyền nào đã làm nên hương vị đặc biệt của đậu hũ chị Mơ. Có người ngờ rằng giếng nhà chị trong hơn các giếng làng khác vì chưa bị ô nhiễm, những người ác miệng nói “đậu hũ không chồng”!

Mẹ của chị Mơ cũng không chồng. Chị chỉ là đứa con gái vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi trước cổng chùa mẹ chị nhặt được. Mẹ chị gánh đậu hũ đi ngang nghe tiếng khóc nhỏ bé ngạt ngạt đã mang theo cái bọc tã rách đó trong đống lá gói đậu hũ mang theo về nhà. Và chị lớn lên nhờ váng sữa đậu nành, dậy thì trong mùi đậu hũ.

Hắn nghe chuyện về chị qua lời thì thầm của các bạn hàng mua đậu, chị tuyệt nhiên không bao giờ kể về quá khứ của mình. Chị rất ít nói, ít cười và sạch sẽ như miếng đậu hũ mới ép trong khuôn, còn tươi hôi hỗi! Người chị luôn phảng phất mùi đậu thơm ngai ngái. Hắn gọi đó là mùi chay!

Công việc của hắn bắt đầu từ 3 giờ sáng cho đến giờ hắn phải vào lớp học. Hắn phụ chị những việc nặng nhọc như xay bột, lọc bột và đun sôi nước đậu sống rồi san ra các chum sành. Chị, như một phù thủy, sẽ làm tiếp các công đoạn bí ẩn tiếp theo, pha chế nước men chua vào nước đậu đã nấu chín cho đậu kết tủa theo một công thức đặc biệt. Hắn đồ rằng miếng đậu hũ ngon cũng đỏng đảnh như con gái nhà lành chưa chồng, tùy thuộc vào thời tiết, quá mưa, quá nắng, quá nóng, quá lạnh cũng làm miếng đậu lâu kết tủa và chua loét bỡ bả chẵng ra gì.

Phần hắn đặc biệt ưa thích là lớp váng sữa trắng đục mỡ màng được vớt ra khi nước đậu sôi lim rim trên bếp lửa. Thứ sữa đậu nành ngon lành óng ả béo ngậy như con gái 17 (đó là cách so sánh của hắn, hắn vẫn không bỏ được hệ quy chiếu riêng theo đam mê chưa bao giờ được thoả mãn của hắn!) trở thành bữa ăn sáng không thể thiếu của hắn và biến đổi da thịt hắn trắng trẻo phơi phới hơn rõ rệt mỗi ngày.

Cho đến khi chị cấm hắn không được uống sửa đậu nành và bắt đầu phát cho hắn tiền ăn sáng. Hắn cáu kĩnh bực bội, vị giác của hắn đã bắt đầu quen và thèm vị đậu nành béo ngọt gây gây trên đầu lưỡi mà hắn không tìm thấy ở các quán sữa đậu nành trong leo lẻo nhạt thếch trước cổng trường hay trên vĩa hè. Hắn nghiện món sữa đậu nành mất rồi! Chị dấu cặp mắt tối khi hắn càu nhàu bắt chị giải thích lệnh cấm đặc biệt đó. Hắn chưa quen với các mệnh lệnh không lời của chị.

Công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng bắt buộc hắn phải ở lại nhà chị qua đêm. Trong khi các thợ phụ khác là người làng chỉ lục tục kéo đến lúc 5 giờ sáng. Một mình hắn và chị thênh thang thang trong căn nhà ngói cổ ba gian, giữa khu vườn trước cau, sau chuối um tùm rì rầm cả đêm. Đêm đầu tiên hắn không ngủ được, hắn trằn trọc , xoay người liên tục trên cái giường phản gổ mít thẳng băng phẳng lì, thèm tấm nệm nhàu nát nhò nhĩ trên cái giường sắt ọp ẹp trong ký túc xá đẫm mồ hôi người và gió quạt máy thốc vào tận mặt. Nhà chị không có quạt máy hay điều hòa. Chỉ có gió rì rầm thổi qua tàu cau và bụi chuối len lỏi vào tận nhà. Và giếng…



Cơ man nào là giếng. Có cái xưa cổ thành xây bằng đá ong rêu phủ xanh, có cái mới đào còn đậy nắp gỗ sát mặt đất, có cái đã bị lấp ngổn ngang hoa xuyến chi và rau dền cơm lên san sát. Cái giếng chị yêu thích nhất được xây bằng đá ong đỏ au vững chắc, sâu đến độ hắn thả gào rơi vào khoảng không hun hút không nghe tiếng vọng nào, chị chuyên dùng nước giếng này để ngâm đậu. Có vài nhà trong xóm cắc cớ đến xin nước giếng này về ngâm đậu, chị nhẹ nhàng gật đầu. Rồi sau đó chỉ mỉm cười bí ẩn khi hàng xóm quay trở lại thắc mắc mẽ đậu ngâm nước giếng này chua thếch không được béo ngọt như đậu của chị. Hắn ngây người nhìn chị và thoáng nghĩ, nàng La Giocondo của Da Vinci có lẽ cũng chỉ bí ẩn đến thế là cùng!

Cái giếng đó còn để dành riêng cho chị tắm.

Và hắn còn mất ngủ vì.. chị tắm!

Nhà đặc biệt không có phòng tắm, như mọi nhà khác trong làng Giếng. Chiều nào hắn cũng ra bờ giếng đứng xối ào ào trong khi hát nghêu ngao những bài sến hắn chợt nhớ đến. Cơ bắp hắn nổi vồng lên săn chắc do lao động nặng nhọc và thỏa thuê trong làn nước mát rười rượi. Có lần hắn bắt gặp tia mắt tối sầm của chị dán vào người hắn từ sau cửa sổ phòng của chị. Hắn đã cười hơn hớn với chị, và cánh cửa sổ đóng sập lại !

Chị chỉ tắm vào đêm khuya, những đêm có trăng sau khi đã chán chê lang thang sột soạt trong gian nhà cổ mốc meo làm hắn giật mình khó ngủ. Và sau đó tiếng nước dội nhẹ nhàng khe khẽ, róc rách đánh thức hắn hoàn toàn. Và hắn nằm đó, không thể tránh khỏi những suy nghĩ lạ lùng mơn man len lỏi vào đầu. Con gái trong trường e dè thân hình thô thiễn của hắn, xa lánh lớp võ áo quần sù sì rách rưới của hắn. Ở tuổi 20, hắn chưa trở thành đàn ông!

Và hắn nằm đó, tưởng tượng thân hình của chị trinh bạch sạch sẽ trắng ngà như miếng đậu hũ lóng lánh trong làn nước dưới ánh trăng 16 rờn rợn. Người hắn gai lên trong cảm giác nôn nao bức rức mơ hồ.

Và sau đó là sự im lặng.

Sự im lặng khó chịu bí ẩn dày vò hắn.

Hắn rón rén đi đến bên cửa sổ, bóng chị trắng lờ mờ sau tàng lá tối, im lặng như 1 pho tượng, mặt chị ngước lên cao, cần cổ mảnh dẻ vẻ thành 1 đường cong gợi cảm và thân hình ưởn thẳng hướng về phía ánh trăng phăng phắc.

Hắn như muốn chết ngạt. Không biết bằng cách nào hắn đã chạy băng băng chân trần lao ra bờ giếng, ập vào người chị với tất cả khao khát mãnh liệt, các giác quan căng lên bừng bừng, cơ thể cứng đờ đau đớn!

Hắn chỉ còn nhớ mắt chị nhắm nghiền, và một làn hương choáng ngợp mát rượi trùm lên tất cả.

oOo

Hắn thất nghiệp một tuần nay. Hắn không còn làm cho chị Mơ nữa.

Hai tháng sau chuyện xảy ra trong đêm trăng 16 (mà đôi khi hắn nghi ngờ là không thật, vì có gì đó hư ảo đến mơ hồ), chị cố tình né tránh hắn. Chị ra vào nhẹ nhàng như cái bóng. Thương lái bỗng nhiên ít hẳn không ăn hàng nữa, thẳng thừng chê đậu hũ chị Mơ tự nhiên chua loét, bở bả không còn ngọt béo như xưa. Những cái cười ẩn ý, câu chuyện  thì thầm truyền nhau đi râm ran về nước da tái xanh của chị, về những sợi gân xanh bất chợt đập giần giật hai bên thái dương và nổi bật trên cần cổ trắng như ngó sen của chị. Chị lầm lũi như cái bóng, đôi mắt cúi gằm, nhưng lâu lâu bất chợt lóng lánh như đang lên cơn sốt.

Lần cuối cùng hắn gặp chị ở quán chay. Chị đẩy xấp tiền gói trong giấy báo cẩn thận đến trước mắt hắn và hờ hững báo:

-Tiền công của cậu đây. Từ nay cậu không cần đến nữa!

Mặt hắn sững sờ, hàm hắn căng cứng. Tiếng động ồn ào của quán ăn chay nghe như xa xăm rì rầm vo ve bên tai :

-Tại sao? Tôi đã làm gì sai? Công việc đang tốt mà!

Chị nhẹ nhàng nói từng từ một chậm rãi:

-Dạo này đậu hũ bán chậm lắm, mình làm cực quá mà không cạnh tranh lại với người ta, mà bỏ thạch cao vào đậu cho nhanh như người ta thì mình không làm được. Chắc tôi mở sạp hàng ở chợ bán đậu, mình làm ra bao nhiêu thì bán bây nhiêu thôi. Bao giờ tôi cần, tôi sẽ biết tìm cậu ở đâu.

Hắn nghe nhói buốt sâu trong người, rất đau nhưng không hiểu đau cụ thể ở chỗ nào:

-Thiệt không? Hay là vì đêm đó?

Chị lấy tay xua xua trước mặt, gập người tránh một cơn nôn khan:

-Thôi cậu đừng nhắc nữa, chuyện đó tôi quên rồi.

Chị nhìn thẳng vào mắt hắn, đôi mắt long lanh như đang lên cơn sốt, lần đầu tiên hắn biết chị có đôi mắt màu nâu trong veo rất lạ.

-Cậu đi đi. Dạo này tôi không được khỏe.

Không kịp để cho hắn trả lời, chị đứng lên, nhẹ nhàng mềm mỏng như một cái bóng, lướt ngang hắn và như tan vào nắng trưa vàng rực. Mùi hương đậu hũ đang đọng váng trên bếp lửa nóng bao vây lấy hắn. Hắn thấy mình choáng váng.

Hắn ngồi nôn nao trong quán, tay sốt ruột gõ vào thành ly sữa đậu nành đang nguội dần. Hắn đang hẹn hò với một cô bé sinh viên năm nhất, thân hình vừa phải, khuôn mặt vừa phải, ưu điểm duy nhất là bố làm giám đốc một công ty băng đĩa nhạc, hứa hẹn sáng ngời cho tương lai nghệ thuật của hắn. Cô bé không hiểu sao lại si mê hắn như điên, có lẽ mốt thời trang bóng bẩy sành điệu đã bắt đầu nhàm chán, người ta quay trở lại với những gì thô mộc sần sùi. Lũ bạn thì cười thành thật thú nhận hắn toát ra mùi đàn ông khác lạ và hấp dẫn.

Cô bé từ cửa ùa vào mát rượi nồng nặc mùi nước hoa đắt tiền, nũng nịu nhìn vào ly sữa đậu nành trên bàn:

-Trời, anh lại uống đậu nành nữa rồi! Em đã cấm anh không được uống sữa đậu nành mà anh không nghe lời em gì hết!

Hắn ngu ngơ:

-Uống sữa đậu nành có sao đâu, anh quen rồi không bỏ được. Còn đỡ hơn uống cà phê đen, nôn nao khó chịu lắm.

Cô bé nhào vào lòng hắn thì thầm bí mật:

-Anh khờ thiệt hả, không biết gì hả? Uống sữa đậu nành là không làm ra em bé được đó cưng…

Rồi cô cười ầm ĩ, như tự thưởng thức câu nói rất ý nhị của mình.

Như có một hòn gạch đập thẳng vào đầu, hắn choáng váng. Có lẽ nào đây là lý do chị đã cấm, hắn không được uống váng sữa đậu nành mỗi ngày…Người đàn bà đó…

Hắn lắc đầu thật mạnh như muốn rũ bỏ hình ảnh đêm trăng 16 ra khỏi trí. Cô bé vẫn rúc người sâu vào lòng ngực hắn thì thào:

-Hôm nay bố mẹ em đi công tác hết rồi, mình về nhà em chơi đi. Đi lang thang hoài chán quá. Em muốn cho anh coi cái này!

Hắn đi theo cô bé trong trạng thái ngầy ngật ngẩn ngơ. Hắn khám phá ra từ ngày rời khỏi làng Giếng hắn rơi vào trạng thái lơ lơ lửng lửng này thường xuyên. Có đôi khi hắn giật mình thức dậy giữa đêm khuya, tim đập thình thịch tưởng đã trễ giờ canh nồi nước đậu sôi lim rim trên bếp than rực hồng và váng vất thèm mùi váng sữa gây gây nồng nồng. Lẽ nào hắn đã bị ám ảnh đến thế?

Nhà cô bé là một biệt thự um tùm cây cảnh nằm sâu trong quận 7. Cô bé sành sỏi kéo tay hắn vào phòng tắm trang bị như một spa đắt tiền sực nức hương tinh dầu và lá cây. Trong khi cô bé lần từng hạt nút áo chemise của hắn, hắn ngơ ngác hỏi:

-Sao nghe có mùi sả hả em?

Cô bé cười như nắc nẻ:

-Anh duyên ghê, mùi tinh dầu sả đó. Em đốt nến thơm mà, cho nó lãng mạn, Anh thích không?

Hắn ngu ngơ gật đầu, mùi sả hắn đã nghe quen ở làng Giếng và quê nhà Cà mau, quanh hàng rào nhà nào cũng um tùm bụi sả để chống rắn. Hắn như trượt đi trong cảm xúc thiếu vắng và hụt hẫng. Trong khi tay cô bé trượt trên vồng ngực của hắn mơn trớn đầy lão luyện. Hắn cũng bị dẫn dắt trôi theo bản năng và chúi vào mùi hương cơ thể trẻ trung mới mẻ. Mùi hương nước hoa nồng nàn, mà hắn không thể nào phân biệt được những cái tên kiêu kỳ rắc rối, sộc vào khứu giác của hắn, đột nhiên làm cơ thể hắn chùng lại và đầu hắn ong ong ngầy ngật. Tay cô bé kéo đầu hắn chúi vào ngực bổng ngưng lại nửa chừng, mùi lotion VS ngọt gắt làm hắn nôn ọe khan và chóng mặt. Hắn vùng ra khỏi tay cô bé, lảo đảo chạy ra khỏi phòng tắm, lao về phía ban công. Tiếng cô bé hét lên phía sau rin rít:

-Anh làm gì vậy? Anh điên hả?

Hắn hít lấy hít để mùi cỏ cây và khí trời vào lồng ngực ngạt kín. Gió lạnh tạt vào khuôn mặt đờ đẫn của hắn làm hắn tỉnh táo trở lại. Hắn ngây người tìm trong hơi gió mùi hương trong trẻo thanh sạch rất quen. Mùi chay!

Trời ơi, hắn đã bị mùi chay bỏ bùa mất rồi!

 

Uyên Lê

Nguồn: Hợp Lưu / Từ trang DĐQGHCUC