Saturday, May 20, 2023

Sông Pháp Sông Việt - Phạm Hoàng Hộ

 

SÔNG PHÁP SÔNG VIỆT

 

Ta quí mến dòng sông quennước tiễn… 

Câu rao của bài hát thật là tuyệt! Tuyệt là vì nhạc và lời vô cùng đẹp, giọng ca như một nữ vương, hay vì đánh vào chỗ yếu của người tha hương, bằng cách nói đến sông nước? 

Phạm Hoàng Hộ 

 

Tôi không hiểu vì sao bây giờ khi thấy nước chảy cuồn cuộn, thấy sông, rạch là không khỏi nhớ đến xứ sở, quê nhà. Vì là người vùng châu thổ sông Cửu Long, lúc nhỏ sống cạnh ruộng, cạnh rạch, cạnh mương, cạnh ao, cạnh bưng, cạnh bùn; lội sông, rạch, xẻo, lạch, ngòi, lán, kinh; qua vịnh, qua doi; nghe những từ như kinh Vĩnh Tế, kinh Bảy Ngàn, kinh Xà No, kinh Cúng, kinh Xáng… ai lại không trìu mến cảnh: 

Uốn khúc dòng sông chảy hững hờ 

Bên cầu ông lão sẽ buông … 

hay là ai cũng vậy, thấy nước trong leo lẻo chảy thì mơ nước mát một dòng sông hay nhớ đến những lúc bị đói, khát? Hay đầu của chúng ta, vô ý thức, đã biết là sinh vật do hơn 80 phần trăm nước làm ra? Hay, vô ý thức, đầu ta không quên là sự sống đã xuất hiện cách đây hơn 3 tỉ năm từ môi trường nước? 

Hằng ngày đi làm, tôi phải đi xe lửa chạy ngang qua cầu Bercy, thấy nước chảy qua cầu là lòng không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi nhớ đâu đâu. 

Chữ nước hẳn đã từ chữ quốc mà ra, chớ chắc không phải vì tổ tiên chúng ta đã có “bị” sống trong tình trạng tình cảm tương tự, nên đã dùng từ ấy để gọi cái gì quí mến nhất trong lòng chúng ta, sau hay trước cả người tình, cha mẹ, con cái, anh em… 

Nước thì chúng ta dùng hàng ngày, để trang điểm, giặt rửa, bếp núc, ăn uống… Nước là một chất lỏng cơ bản cần thiết, dù có khi không được chuộng bằng bia hay nước ngọt nhưng người tha hương, lắm khi nhìn chất lỏng ấy mà không tránh được cảm nghĩ không buồn này cũng buồn nọ. Như khi thấy nước mà người da đen lục lộ cho chảy dựa lộ để quét lề; nước lắm khi trong như nước suối, làm nhớ tới bên nhà sau 75; lắm khi nước phông-tên ở Cần Thơ để cho gia dụng, giặt rửa cũng như ăn uống, lại đục ngàu vì là nước sông nguyên, không có phèn để lóng! Buồn là buồn thấy ai đã làm cho chúng ta mất cơ hội ngàn năm một thuở để cho non nước đi lên… Đi métro, thật chúng ta ưu tư, ngậm ngùi lắm chuyện… 

Khi thấy nước sòng Seine chảy đục ngàu, cuồn cuộn thì nhớ đến nước sông Cửu Long, đục mà hiền hòa, không trong suốt như nước trong chai nước suối, của một ống thuốc chích, nhưng là nước mà ta mong đợi vì đầy phù sa quí báu nước yêu đời, vì dù biết rằng mai mốt này mình sẽ tan mất vô danh trong biển cả nhưng vẫn múa nhấp nhô, lượn mình thành muôn ngàn làn sóng nhỏ. 

Thấy nước cuồn cuộn chảy còn nhớ đến mùa nước lên sau khi mùa mưa bắt đầu. Sông rạch, ruộng đồng, châu thổ trở thành một biển mênh mông, huyền bí, đầy sự sống của cá, tôm, ếch, nhái; của sen, súng, rau muống hay lúa ma, mồn hay năng… Cỏ, lúa ma hay năng lúc xưa khô héo, bây giờ dài 4, 5 mét! Còn nói gì đến rau muống… Mặt nước mênh mông là thiên đàng của rau muống: thân dài không biết bao nhiêu mét! Một thảm nhung dài tận chân trời, xanh có khi hường hay vàng, vui vẻ lượn mình theo những làn sóng chậm nhưng to. Cá nhởn nhơ, cá lóc, cá trê; cá sặt bướm, sặt rằn; cá linh rìa, linh đất, linh sơn; cá cơm, cơm thang, cơm đỏ, cơm sọc tiêu, cơm sọc trắng, cơm sọc phấn, cơm trỏng; cá chốt cờ, chốt giấy, chốt hùm, chốt chuộc; ngừ cá… Từ con tép mòng chỉ nặng không tới gram đến con cá hạt nặng cả trăm kí… 

Nước làm nhớ đến lúc đi đăng, đi trể, đi chận ụ, đi chất chà, đi vó, câu giăng, câu giựt, câu cắm, câu cần, câu rê, chặn cửa rạch xẻo, bọc mé sông, bọc bờ cồn… Nhớ đến lúc đi mò tôm ở gốc bần, thân chiếc… Rồi nhớ đến canh chua tôm với bông so đũa, hay cá cháy kho mía, ăn với ba má, anh chị em trong mùa gió bấc lạnh lùng…

Nước sông Seine cũng có lúc lờ đờ chảy, trong trong hay đứng gần như yên, làm nhớ đến nước các đầm, các hồ súng, sen, phơi mình dưới ánh mặt trời tươi rói, hiền lành, chiếu muôn ngàn màu qua những giọt sương đọng ở bìa lá: 

Nhớ nước nhớ hoài bông súng nước 

Thương nhà thèm mãi trái dâu gia… 

trong một đại hòa tấu êm vui của dế, cào cào, của cu, sáo, cưỡng, bìm bịp: 

Bịp kêu nước lớn anh ơi… 

Nước đứng yên, trong, cũng làm nhớ đến các hồ ở thành nội, ở lăng tẩm yên tĩnh, nghiêm trang như đang suy tư về lịch sử. 

Dựa bờ sông bên này ta thường gặp các cây bạch dương với vỏ trắng, nhiều loại liễu với mặt dưới lá cũng trắng, khiến ta nhớ đến cây mắm. Mắm trắng hay mắm đen, mắm vùng Sài Gòn hay mắm vùng Cà Mau, ở rạch Ô heo của thằng Cộc

Những người ở vùng nước ngọt gần như quanh năm thì nhớ bờ sông với mái dầm, với lát voi, lát hến, với cây xà-bông mà cóc kèn phủ, mà dây cám chừa. Bờ sông như vậy buồn tẻ, không có gì đáng chú ý. Đây đó cây bình bát mà trái như mãng cầu xiêm nhỏ, có thể ăn chơi. Nhưng thỉnh thoảng có bụi dành dành hoa trắng hay ngà dễ thương lại thơm ngon ngào ngạt: 

Rủ nhau đi bẻ dành dành 

Dành dành không bẻbẻ cành mẫu đơn! 

Thật ra cũng còn nhiều người lọng cọng giữa dành dành và mẫu đơn, nhất là với người rủ như vậy! Bờ sông nước Pháp hay Mỹ làm gì có cây sánh với cây bần, hiên ngang, chúa của rừng sác. Thân nhiều cây bần lớn đến hai người ôm, phóng bộ rễ chạy tủa ra trong bùn và chìa rễ gió lên trời, cành mang bông to với bộ nhụy tỏa ra như một ngôi sao, cho ra trái chua chua mà khi ưa, mình cũng chịu… cạp chơi. Ban đêm, cây được muôn ngàn đom đóm hầu, chớp màu cam, lục như một thành phố đêm vô hình, một vũ trụ xa xăm hay là như cây đang đàm thoại với thế giới âm u. Bờ sông cũng còn có những cây thuốc quí cho ông bà chúng ta dù mang tên mộc mạc như cây mù u hay những cây mà má tôi thường kể, tuy tôi chưa gặp sống ngoại trừ ở thảo tập hay trong sách, như trao tráo, san trắng. 

Bên này, sông làm sao có những cây đước yêu đời, can đảm, tiên phuông với bộ rễ cà khêu, không ngại bùn mềm, biển sâu, sóng mạnh, bước ra khơi để mở rộng cõi bờ; với những đứa con can đảm, còn trên cây mẹ mà đã mọc, chìa rễ dài, nóng lòng sống, vào đời tiếp mẹ! 

Dừa nước! Dừa nước gợi sự ấm cúng của những gia đình núp sau dạng mà nó tạo ra. Thân to mềm nằm trong bùn, dừa đứng lên, từ bùn, những lá to như lá cờ hùng vĩ và những buồng trái to, tròn cho cái cơm mềm ngọt lúc còn non. Dừa nước đã che nắng che mưa cho bao đời dân Việt, tạo bao tổ ấm cúng cho gia đình dân quê, cho họ hàng nội ngoại, cô dì chú bác của chúng ta. Bãi, rạch với dừa nước sầm uất, ít huyền bí hơn bần, mắm nhưng là niềm vui vì ta biết sau đám dừa nước là nhà bà con, có con chó vện, con trâu cò, bầy vịt, bầy gà, con heo… như ở Rạch Giá, Tam Bình, Vĩnh Long…

Bờ nước các vùng cao hơn như ở Long Xuyên, Châu Đốc đã hết dừa nước từ lâu và cũng không có bần: Không trái bần khô khỉ bạc đầu. Thời ông Cử Trị chắc còn khỉ. Hồi đầu thế kỷ này, cọp còn xuống đến gần Châu Đốc kia mà! Nay thì khỉ cũng không còn. 

Bờ nước ở vùng này vui hơn, ấm cúng hơn một cách khác. Vì trống trải không cây to; vườn tược, lộ chạy đến tận mé sông nên bờ sông tấp nập, thướt tha tà áo mỹ miều của các cô. 

Sáng sớm là phụ nữ đã xuống bờ sông giặt giũ. Trưa một chút thì gánh nước, tưới rau, làm cá, vo gạo… hứa hẹn một bữa cơm ngon lành mà bụi hành, đám răm, rau thơm trên giàn cao cẳng bằng thân cau hay thân dừa sẽ cho thêm hương vị. 

Người phương tây nhờ trang bị vật chất đầy đủ, gần như không còn tùy thuộc vào sông ngòi như Việt Nam. Sông ngòi tại đây, trái lại, còn là nguồn ngập lụt lôi thôi hay là nơi cát lún đáng sợ. Bên ta, sông ngòi là nơi rộn rịp mà đỉnh cao là chợ trên xuồng ở Bangkok. Dòng sông là đường giao thông chánh của chúng ta. Hệ sông ngòi là huyết mạch của nước. Ta khỏi cần đi chợ. Cả siêu thị đến tay. Ta cũng có thể ngôi ở đầu cầu, giắt khăn ăn vào cổ, kêu nào rượu ngon, món ngọt. nhà hàng đến tận nhà: Ở chốn thôn quê chợ đến nhà. Xin đừng là nữa: Trẻ thì đi vắng chợ thì xa!

Trước nhà nào lại không có một chiếc ghe, chiếc tam bản hay chiếc xuồng? Ẩn núp sau rặng dừa nước, quao, dừa là nhà nên rặng cây dựa rạch làm ta bâng khuâng nhớ xóm cũ trường xưa và ngậm ngùi nghĩ đến cuộc chiến đã đem lại điêu tàn cho xứ sở. Vì cuộc chiến ấy mà nhiều người trong chúng ta đã không thể về quê hương để hưởng sự ấm cúng của một ngôi nhà nền đất mái lá, không điện không nước máy nhưng có mái nước mưa trong lành; không có máy thu thanh, truyền hình nhưng có điệu hò câu hát trìu mến; không tường gạch mái ngói nhưng ấm áp tình người. Nghèo nhưng thanh thản, đùm bọc lẫn nhau: 

Tay tôi lần theo đám cỏ lác 

Tay tôi cắt mấy cọng bàn 

Cực khổ tôi chịu, để cho chàng phong lưu…

Song cái quí nhất mà sông phương tây không có (có lẽ trừ các sống như ở Venise) là cái vô cùng đẹp, vô cùng dễ thương của tiếng hát đối, của các điệu hò! 

Ban đêm, khi trời không trăng tịch mịch hay khi trăng rằm sáng tỏ bừng vui, nam nữ ứng khẩu hát hò đối đáp. Các điệu hò ngân mãi trong ta vẻ tình tứ, nét hiền hòa, hồn nhiên như hơi mẹ, tiếng đập của tim mẹ. Tôi không quên được lần đầu tiên nghe điệu hò trên sông. Lúc nhỏ, nhà của ba tôi mới bắt đầu có đèn điện. Cả nhà chỉ có vài bóng đèn leo lét. Nhà thuộc vùng thôn quê nên tôi thường đi ngủ rất sớm. Năm ấy, có lẽ ba tôi thấy tôi đã đủ lớn, đã biết lội nên cho đi sông đi rạch một mình, cho theo đi góp lúa ruộng ở Ngã Bảy (Phụng Hiệp). Đi ghe cà-dom hai chèo nên phải theo con nước mà đi, lợi dụng nước lớn nước ròng cho thuận, đỡ chèo, đỡ sức người, do đó có dịp đi ban đêm. 

Khi ghe rời sông lớn (Hậu giang) vào rạch, chèo một đoạn thì trời đã vừa khuya. Rời làng một chút thì cảnh vật đã vắng vẻ. Ghe xuồng thưa dần, chỉ còn những ghe đi xa, nhận nhau ở các ngọn đèn leo lét để tránh. Đêm tịch mịch. Trời không trăng nhưng trong vắt, đầy sao. Đó đây trên các cây bần, hàng trăm con đom đóm chớp tắt. Yên lặng. Chỉ nghe tiếng chèo nhịp nhàng đâm nhẹ vào nước. Tiếng róc rách của sóng nhỏ nựng vào ghe nghe lách tách, mau hay chậm tùy theo nhịp chèo. Thỉnh thoảng có tiếng ve kêu ở cây bần hay cây sao trên bờ. 

Anh Bảy không nói chuyện nữa và nhịp chèo của anh lơi dần, khoan thai hơn. Hình như anh đang chờ đợi… Mà thật, cảnh đêm yên vắng, thuận hợp nên cả thiên nhiên cũng như im lìm lắng chờ… 

Rồi, như từ nước, từ không gian, từ sự tịch mịch, một giọng hò cất lên! Ngọt ngào, quyến rũ, hợp với cảnh với tình, tiếng hò của một phụ nữ xuất hiện như kết tinh của vạn vật, hiện thân của tình tứ, đẹp như một đóa hoa từ xa xôi hiện ra. Sau khi định hồn lại, hướng về nơi phát xuất, tôi mới thấy giọng hò cũng chỉ từ trên sông, trên thuyền. Nhưng kết hợp giữa cảnh vật và sự phản chiếu âm thanh trên mặt nước, âm hưởng của điệu hò đã tạo ra một đối điểm âm thanh tuyệt diệu! 

Lúc nhỏ, khi trời hừng đông, ba tôi thích nghe cô Tư Sang hát qua dàn hát máy. Ba tôi cũng chịu hòa hợp nhạc với cảnh vật nên nhiều câu hát nghe được cho tới bây giờ tôi vẫn chưa quên. Nhưng câu hò trên sông, có lẽ vì sự mênh mông của sóng nước, đã tạo nên một âm hưởng riêng biệt! Ai đã từng nghe câu rao “Ai ăn chè đậu xanh đường cát nước dừa hôn?” lảnh lót ban đêm, hẳn sẽ không quên cũng câu rao ấy trên mặt sông vào những đêm trăng ở bến tàu Cần Thơ nhưng gây một xúc động khác hẳn. 

Tiếng hò như xuyên qua từng tế bào trong cơ thể tôi, và không biết từ lúc nào, da tôi mọc ốc và tóc tôi dựng lên! Sau này khi học tâm lý tôi mới biết người ta gọi hiện tượng đó là sự xúc động nghệ thuật. 



Có lẽ sông ngòi của chúng ta đã cho ta điệu hò, cũng như bùn đã cho ra hoa sen. Hò tẩm chúng ta đến nỗi chỉ nghe đến từ “hò” là ta đã thấy rung động. Chữ “hò” làm ta nghĩ đến “hẹn hò” hay chữ “hẹn hò” đẹp vì chứa chữ “hò” trong đó? 

Vậy không những sông của chúng ta có tiếng nói, mà tiếng nói ấy là của tình người. Khi nhìn sông bên này với hững chiếc xà-lan chớ khẩm xình xịch chạy, khổng lồ, hăm dọa như một con khủng long đui, làm sao ta không nhớ đến những giòng sông thơ mộng như sông Hương; các doi các vịnh quanh co ấm cúng của sông Vàm Cỏ; sầm uất như các rạch, các xẻo… Sông ngòi ta còn dính liền với con người, nhất là phụ nữ, những cô gái giặt yếm trên sông… Sông còn là nơi gặp gỡ của những mối tình thơ mộng, mang chở trên nó những thuyền đám hỏi, đám cưới… 

Sông quê hương thế đó, đầy tình thân ái, nên tôi vẫn mơ ước kiếp sau nếu không được làm người cũng xin về lại Việt Nam, sống dựa sông rạch, trên đồng trên ruộng. 

Nhưng tôi không muốn thân phận mình sẽ như một cánh bèo, không biết trôi giạt về đâu. Tôi cũng không muốn làm thân lục bình với chùm hoa tim tím, với bớt vàng ở tâm, đẹp tuyệt vời trên nước trên sông nhưng không biết chỉ vài hôm sẽ trôi ra vùng nước lợ, để làm mồi cho cá, cho tôm… 

Tôi không chịu thân phận của con cá chạch, con lịch, chỉ biết sống trong hang chật hẹp ở giữa bùn hay đáy sông. Tôi không muốn như con cá thòi lòi, leo lên bờ, nhảy được một khoảnh đất cạn, ráo, mắt thò dài ra, tưởng đã thấy tất cả! Tôi chẳng thích làm con cá nược, từ biển vào sông lặn hụp vui chơi để thị loài người. Tôi cũng không ưa làm con le le, cánh rộng bay xa, hằng năm vào mùa lạnh từ xứ xa, bay về để tắm vui nước ấm, ăn cá ngon của sông, của ruộng. 

Tôi muốn mình được như con tôm càng, phải ra biển nhưng bầy tôm con sẽ đi ngược dòng nước trở về, vào cửa sông, qua dòng nước lợ, vượt vùng giáp nước, trở về nước ngọt an lành. Hay được làm thân phận của loài cá đen như cá rô, cá lóc. Khi ruộng lúa chín vàng, nước đã khô cạn, phải bỏ ruộng xuống sông. Nhưng khi trời mưa, ruộng ẩm, đất mẹ dịu mềm, cây cỏ xanh tươi thì lại leo, lại lóc trở về. 

Phạm Hoàng Hộ 

#04Đen – llttm -sgtc

 

No comments: