Friday, February 20, 2015

Thời Của Sư Phụ - Nguyễn Thị Cỏ May


Thời của Sư Phụ
 

Báo Xuân hay Báo Tết

 
Báo chí Việt nam hằng năm, cứ đến ngày Tết, giử truyền thống gần như bất di, bất dịch là cho phát hành một số báo đặt biệt “Số Báo Xuân”. Khi số Báo Xuân có nhiều bài vở về biên khảo, văn chương,… hơn thông tin thường ngày, còn được gọi là “Giai phẩm Xuân”.

 Báo Xuân phát hành xong, nhà báo vẫn tiếp tục những số báo thường ngày cho đến ngày nghỉ Tết. Số báo cuối năm thường cũng nhiều trang, nhiều màu, hình bìa lộng lẫy và bên trong cũng có nhiều bài nhắc lại năm củ như tổng kết, liên quan tới năm mới như gởi gắm ước mơ. Đó là sốt báo Tất Niên. Giá bán cao hơn giá báo hằng ngày. Một dạng Báo Xuân thu ngắn!

 Nghỉ Tết xong, nhà báo trở lại làm số báo đầu năm gọi là số Tân Niên. Báo cũng nhiều trang, cũng hình bìa màu mè,…

 Chắc chỉ có báo Việt nam mới có Báo Xuân. Ở Việt nam, vào đầu thập niên 60, còn tờ nhựt báo pháp ngữ “Le Journal d ‘Extrême-Orient” không có số Báo Xuân như báo Việt nam.

 Nhưng báo Xuân Việt nam xuất hiện từ năm nào?

 Có lẽ Đông Pháp Thời Báo Xuân xuất hiện năm Mậu Thìn, 1929, là tờ Báo Xuân đầu tiên ở Việt nam. Từ năm sau, các báo tiếp theo làm Báo Xuân là Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, năm 1930, Công Luận năm 1931, Trung Lập năm 1933, Đuốc Nhà Nam năm 1935,…

 Báo Xuân là số báo dành cho năm mới nên báo nhứt định phải có bài dành riêng cho năm đó. Năm con gì, người ta sẽ làm thịt đủ món con vật đó, từ văn chương, bói toán, y lý, dinh dưỡng, ẩm thực,

Nhưng ở hải ngoại nói Báo Xuân thì không đúng. Một nghịch lý nổi cợm bất kỳ ở đâu. Nói Báo Tết đúng hơn nhưng đã là truyền thống nên không thay đổi được.

 Vậy Báo Xuân Việt nam năm nay 2015 nhứt thiết phải nói tới con DÊ .

 Mà nói tới con dê là điều cấm kỵ. Một thứ phạm húy hay nghiêm trọng hơn, là phạm thượng. Vì nói tới Sư Phụ. Theo đạo lý thánh hiền thì Quân Sư (phụ) …làm đầu. Nhưng tại sao người làm báo lại không biêt kiêng cử ?

 Tuổi Dê hay tuổi Mùi

 Theo sách bói toán, Dê vì hiện thân Sư Phụ nên rất thanh lịch, quyến rũ, yêu nghệ thuật,…Từ đó người ta luận ra người sinh ra ở năm dê cũng vô cùng sáng tạo. Họ tinh tế trong cách cư xử và luôn quyến rũ khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhứt là phái nữ.

 Con gái tuổi dê/ mùi rất thưận lợi về tình yêu. Họ thẳng thắng bày tỏ tình cảm với người mình yêu, quan tâm chăm sóc người yêu. Trong đời sống gia đình, người phụ nữ tuổi mùi đảm đang, biết giữ gìn hạnh phúc gia đình.

 Con trai tuổi mùi chân thành với tình yêu, chết bỏ cho tình yêu nên khiến người yêu hài lòng. Họ chung thủy với tình yêu, dốc hết sức lực xây dựng gia đình hạnh phúc.

 Phải chăng vì vậy mà người đời ca ngợi tuổi mùi và than trách thân phận không sanh nhằm tuổi mùi:

 “ Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi,

Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân” (Ca dao).

 Vận mệnh người tuổi Mùi là sung sướng, cả nam lẫn nữ. Còn năm Ngọ cũng là năm thành đạt cho người sanh vào năm này. Hai năm liền đều tốt:

 “Năm Ngọ, mã đáo thành công

Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê ” (Vè miền quê)

 
Dê và Mùi

 Mùi sao là Dê được? Chữ hán Dê là Dương kia mà ? Các con giáp khác cũng vậy. Năm Ngọ là năm Ngựa . Không ai nói năm Mã bao giờ. Vậy Mùi, Ngọ không phải là tiếng hán Việt mà là tiếng Việt thuần túy ? Cỏ May có đem điều này hỏi một Cụ Đồ ở Paris thì cụ cũng chịu thua.

 Trong gần đây có đọc hai học giả về Việt nam : Ông Nguyễn Cung Thông ở Melbourne, Úc và Ông Đặng Tiến ở Pháp . Cả hai ông đều giải nghĩa Mùi đúng là Dê theo chữ Việt cổ. Và Mùi còn đọc là Vị, chữ hán cổ và cách đọc này phổ thông hơn (theo Thiều Chửu).

 Mùi/Vị có nghĩa liên hệ tới giác quan là khác tuy cùng gốc chữ (từ nguyên). Riêng chữ Vị có nhiều nghĩa hơn và ghép với nhiều chữ khác còn lưu hành ngày nay. Như “Vị lai, Vị thành niên, …

 Ông Nguyễn Cung Thông nhấn mạnh sự tự tin của ông về Mùi đúng là Dê : “Tóm lại, ta có cơ sở rất vững chắc để kết luận âm Mùi là âm cổ hơn của Vị. Không những thế, phạm trù nghĩa của Mùi tiếng Việt chỉ giới hạn trong các ý chỉ 12 con giáp ”.

 Nhưng người ta không dùng chữ Mùi thay cho Vị để nói ý “chưa tới, chưa phải ” như không nói “ Mùi hôn phu – Chồng chưa cưới, Mùi thành niên – Chưa tới tuổi thanh niên ” .

 Cách dùng chữ Mùi như trên tương ứng với nghĩa cổ nhất của Mùi chỉ thời gian/Thập Nhị Chi.

 Tác giả Đặng Tiến nói rỏ và đơn giản Mùi/Vị có nghĩa là Dê, tức năm Dê hay năm Mùi. Còn ông Nguyễn Cung Thông thì cắt nghĩa theo khoa học nên rất phức tạp. Người không giỏi chữ Hán và chữ Nôm khó theo dõi. Cỏ May chỉ biết nhắm mắt tin theo lời gỉải thích của ông mà thôi.

 Ở Miền Trung có bài hát ru em trong đó có chữ Mùi/Muồi. Không biết phải khi viết lại từ lời hát, người ta tôn trọng luật chánh tả mà viết mùi thành muồi?

 
"Ru em buồn ngủ buồn nghê

Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi)

Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,

Con dê chín mùi (muồi) làm thịt em ăn ”.

 Dê là biểu tượng giàu ý nghĩa

 Theo sách vở, Dê xuất hiện từ thời tiền sử cùng với loài người. Dê có mặt trong đời sống vật chất và tâm linh của loài người. Thời Hồng Bàng, người Việt đã biết “giết trâu dê làm đồ lễ”. Nghĩa là con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ.

 Biểu tượng Dê khá phức tạp. Theo thần thoại hi-lạp, Dê Cái là hình ảnh đáng kính yêu vì là nghĩa mẫu của thần Zeus, vị thần của các thần. Dê còn là hình ảnh con người gian nan vượt núi trèo non để mưu sinh và đeo đuổi lý tưởng. Sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh và sự phồn thịnh.

 Ngược lại, dê đực tượng trưng cho sức mạnh nam tính, sự hùng dũng và nhu cầu tính dục. Mà thật vậy, chỉ cần một con đực có thể phục vụ cả đàn dê cái mà vẫn giử được phong độ tay chơi như thường .

 Trông gương Dê bản lảnh như vậy, người đời ai mà không bái phục nên Dê mới được tôn lên hàng Sư Phụ!

 Tuy vậy, miệng đời thường ác nên biêu ríu Dê. Người ta gọi những người đàn ông thấy phụ nữ là muốn nhảy xỏm tới là Dê. Người dê thiếu văn minh bị đặt tên là dê xồm và còn bị xỉ vả nặng lời :

 “Dê xồm ăn lá khổ qua

Ăn nhằm sâu rợm, chết cha dê xồm” .

 Hoặc ác hơn khi người phụ nữ bị dê thiếu lịch sự, không chịu được nữa, bèn nguyền rủa:

 “Phượng hoàng đậu nhánh sa kê

Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi” .

 Kẻ dê ra vẻ đạo mạo thì đó là dê cụ. Người thấy gái đẹp thì tìm cách kín đáo “ tiếp cận ” bằng thái độ vì không dám ngỏ lời bị mang tiếng là người có máu dê.

 Chưa đủ. Tên Dê còn được dùng thành động từ: dê gái.

 Thật tội nghiệp cho Sư Phụ . Người ta chê cười Sư Phụ nhưng trong thâm tâm ai cũng mong muốn được bản lảnh như Sư Phụ hết cả . Chắc chắn không có ông nào thật lòng dám thề là ” không, tôi không dê bao giờ ” .

 Người ta quả quyết ” đàn ông không dê, không phải đàn ông ” . Vậy đàn bà có dê hay không ? Theo kết quả điều tra thì phụ nữ có không dưới 40% dê nhưng dưới những dạng kín đáo . Lời nói tỏ tình thì khéo léo, cử chỉ khêu gợi tế nhị, cái liếc mắt chết người, … Theo khoa học, cách dê của phụ nữ không giống như giới mày râu vì ” bộ phận làm động cơ dê ” của hô ẩn sâu kín, còn của các ông thì ” tòm tem ” bên ngơài nên dễ ” bị động ” hơn . Nên cách dê phải nổi cợm!

 Tận tình ngưỡng mộ

 Nhưng vì khó tiếp thu được tài đức của Sư Phụ, người đời nghĩ bắt Sư Phụ bỏ vô bụng thì chắc hưởng được phần nào tinh chất của Sư Phụ. Vậy là họ ngưỡng mộ Sư Phụ theo văn hóa ẩm thực và dinh dưỡng.

 Dê béo là dê thịt ngon nhất, một món ăn khá hấp dẫn được kể một trong ba cái thú vị mà con người ca ngợi, không ai là không thèm khi nói đến. Tuy nó thiên về vật chất quá, nhưng cũng là người trần mắt thịt mà, xin đừng chấp. Vả lại cũng vì Sư Phụ khiêu khích thôi:

 “Thế gian, ba sự khôn chừa

Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ” (Ca Dao) .

 Ăn được thịt Sư Phụ không khác gì ma quỉ thèm ăn được thịt Đường Tam Tạng để sống thọ ngàn năm. Ăn thịt Sư Phụ thì thanh niên chạy rong khắp xóm làng, các cụ bảy tám mươi thì khỏi cần phải 1 viên viagra để giúp đi tiểu cho khỏi ướt mũi giày, mà còn khôi phục lại thời oanh liệt trong giây lát.

Chính Cố Giáo sư Đông Y Đỗ Tất Lợi quả quyết: ” Thịt dê có tánh nhiệt và có tác dụng trợ dương, bổ huyết, rất tốt cho phụ nũ mới sanh nở ”.

 Ngày nay, người ta biết rỏ thịt dê bổ dưỡng, không mỡ, không có cholestérol, cho nhiều chất dinh dưỡng hơn cả thịt bò.

Hầu như tất cả bộ phận của cơ thể Sư Phụ đều có thể sử dụng để làm thuốc. Dái dê và thận dê giàu tánh bổ dương. Xương nấu cao. Thịt dê có tác dụng giải độc, bổ huyết, trị choáng váng, đau lưng, chóng mặt, nhức đầu, …

 Thật tội nghiệp cho Sư Phụ. Thân của Sư Phụ, người đời làm thịt để họ bồi dưởng. Lúc khỏe mạnh, Sư Phụ còn ra sức kéo xe phục vụ nhà vua vào buổi tối. Nhưng vai trò của Sư Phụ là lãnh đạo nhà vua vì Sư Phụ đi đâu, nhà vua theo đó:

 “… Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào …” (Cung oán)

 Năm nay, Sư Phụ tới, phải chăng là thời của Sư Phụ:

 “Mã đề, dương cước, gian hùng tận …” ? (Sấm Trạng Trình : anh hùng tãn)

 Xưa nay, Sư Phụ đã bao nhiêu lần xuất hiện nhưng tình hình xứ Viêt Nam của Sư Phụ chi tồi tệ thêm dưới chế độ cộng sản . Lời tiên tri của Cụ Trạng Trình không ứng nghiệm. Phải chăng vì Cu Trạng dạy “ anh hùng tận ” mà ở Việt Nam với cộng sản làm sao có anh hùng kiểu Lénine, Staline, Mao, Hồ Chí Minh…

 Xin mời nghe một bà mẹ ở Hà Nội định nghĩa anh hùng thời xã hội chủ nghĩa: “ Con ơi ! Con nên nhớ đảng ta là đảng anh hùng. Con ra tới ngõ là gặp ngay anh hùng. Đi, con nhớ cẩn thận khóa xe đạp bằng 6 khóa . Con nhé . Cả gia tài của nhà ta đó!”

 Nguyễn thị Cỏ May
304Đen – Lượm lặt trên trang mạng

 

 

No comments: