Friday, January 22, 2016

Bộ Ấm Trà (Phần Một) - Hồ Thủy


BỘ ẤM TRÀ

 
 
 
Phần Một

    Chiều hôm nay mưa lớn quá, cơn mưa đầu mùa ào ào trút xuống một lượng nước mạnh như thác đổ làm ngập con mương nhỏ và tràn cả ra khoảng sân sau nhà, những luống rau cải vú trồng nửa tháng trước đây trong mảnh vườn nhỏ đang nẩy mầm xanh tươi ngon lành, bây giờ ngã rạp xuống nằm dập dềnh run rẩy trong vũng nước có màu vàng đục trông thật thê thảm đến tội nghiệp, Vú xót xa chắc lưởi vừa tiếc rẽ vừa thương cho những mầm nhú nhỏ bé mỏng manh ấy đang bị ngập nước làm cho rủ rượi mặc dù Vú trồng là chờ khi nó lớn Vú sẽ nhổ để ăn.

Tôi ngồi trong hiên nhà nhìn mưa rơi, những giọt nước từ trên cao tuôn xuống đan xiên vào nhau như những sợi chỉ mành, thỉnh thoảng tạt vào nơi tôi ngồi mấy giọt làm ướt một vài chổ trên mặt tạo nên một cảm giác mát lạnh, dể chịu, mái hiên nhà tôi lợp tole nên những giọt mưa rớt mạnh nghe dội lớn ầm ầm. Vú đội cái nón cời xắn ống quần lom khom bước trong mưa ra vườn rau nhỏ của mình, bàn tay gầy gò của vú cầm cây que dài khều khều mấy chiếc lá và vài cọng rác để tạo thành một cái rãnh bé xíu khơi thông dòng chảy, Vú đang muốn cứu mấy luống rau của mình thoát khỏi cảnh ngập nước, nhìn dáng Vú liêu xiêu miệt mài khều khều đẩy đẩy, lòng tôi bồi hồi thương Vú quá. Tôi đưa hai tay lên miệng khum lại làm loa kêu lớn:

- Vú ơi, đừng ở ngoài mưa nữa, vô đây ngồi với con nè.

Vú quay lại nhìn tôi cười, lúc nào Vú cũng có một nụ cười rất đôn hậu, hiền lành để dành riêng cho tôi, lại lom khom kéo cái nón cời xuống sát mặt để tránh những giọt nước mưa, Vú bước vào hiên nhà, lột cái nón ra, giủ giủ hai ống quần ước sũng nước, nói trống không:

- Ai dè mưa đầu mùa mà lớn dử vậy, hèn chi mấy bữa nay trời chuyển nên khí hậu nồng nực, chân tay nhức mỏi quá chừng.

Rồi quay qua hỏi tôi:

- Răng không ở trong nhà mà ra đây chi cho ướt mưa?

Tôi cười với Vú:

- Ra đây nhìn Vú tắm mưa.

Vú cũng cười:

- Tội nghiệp mấy cây rau Vú trồng, bị ngập mưa chắc chết quá.

Tôi kéo tay Vú ngồi xuống bên cạnh, Vú lắc đầu:

- Chờ Vú thay đồ đả, uống trà không để Vú châm? lúc trưa có nấu ấm nước sôi chế vô bình thủy rồi.

Tôi gật đầu, mưa vẩn còn nặng hạt rơi trên mái tole kêu lên những tiếng lộp độp rất đều đặn, dù chiều chưa xuống nhưng vì mưa nên mây trời có màu xám đậm thật buồn, tâm hồn tôi bổng nhiên chơi vơi, lênh đênh như mấy ngọn lá bập bềnh trong vũng nước, tôi rất thích trời mưa nhưng mổi lần nhìn mưa rơi là lòng tôi cứ nao nao buồn, vì vậy tôi luôn muốn có một ai đó ngồi bên cạnh mình mổi lần mưa, nhất là những cơn mưa chiều.

Vú bưng ra cái khay, trên khay có bốn cái tách và một bình trà nóng, vừa đặt xuống cạnh tôi Vú lại quay vào vừa đi vừa nói trống không:

- Quên lấy bịch kẹo gừng.

Những viên kẹo màu nâu pha xám được làm bằng tay, bên ngoài áo nhẹ một lớp bột trắng để cho nó không dính vào nhau, nhìn thì không đẹp mắt cho lắm nhưng khi ngậm vào trong miệng rồi thì lại rất ngon, nó ngọt và thơm mùi gừng, ăn thứ này mà uống với nước trà nóng vào một chiều mưa thì thật là tuyệt. Tôi lật hai cái tách lên, rót nước trà vào tách, Vú đút viên kẹo lọt thỏm vào trong miệng nhai qua nhai lại vài lần rồi hớp một ngụm nước trà, tự nhiên Vú nói với giọng ngậm ngùi:

- Mổi lần uống trà Vú nhớ ông quá.

Ông đây chính là cha tôi, tôi cũng rất nhớ cha, biết đến bao giờ tôi mới gặp lại cha mình khi ông đang ở rất xa: tận nữa vòng trái đất lận, hôm qua tôi nhận được thư của cha, câu cuối cùng cha tôi viết trong lá thư nói lên nổi lòng đầy đau đớn của ông khi nhận được tin mẹ tôi mất:

“ Bao năm chinh chiến ta gần gủi,”

“ Nay đã thanh bình sao biệt ly?”

Trước ngày giải phóng miền Nam cha tôi có vé máy bay đi Mỷ nhưng ông không muốn rời xa quê hương xứ sở, rời xa họ hàng bà con thân thuộc nên đã từ chối không lên máy bay, kết quả là phải đi học tập cải tạo ba năm tám tháng hai mươi ngày, sau đó thì được thả về … cái số phải ra nước ngoài “chạy trời không khỏi nắng”, nên vì quá sợ hải cha tôi đành đi vượt biên. Dù ở nơi đất khách quê người nhưng ông luôn nhớ nhung về quê cha đất tổ, nhớ Sông Hương Núi Ngự nên lá thư nào cũng ngậm ngùi đau đớn, chỉ mong sao có được ngày về thăm quê hương, cha viết “bao giờ hết sợ thì cha mới dám về”

Vú thở dài khá mạnh:

- Mưa hoài, không biết khi mô mới tạnh đây?

Tôi ôm bờ vai gầy của Vú, tóc Vú có mùi thơm của bồ kết rất đặc biệt, dù tôi có mua cho Vú những chai dầu gội đầu thơm phức nhưng không bao giờ Vú đụng tới, với Vú thì “ nấu trái bồ kết với chanh để gội đầu nó sạch và thơm hơn”. Tôi đưa tách trà lên miệng nhắp một ngựm, ngoài trời mưa còn lớn, gió thổi hơi lạnh tạt qua hiên nhà, tách trà nóng làm cho tôi ấm lại, tôi đăm chiêu nhìn bộ ấm trà, nó rất là quen thuộc, vú đã đưa nó đi theo với gia đình tôi từ nơi này đến nơi khác đến nổi nó trở thành thân thiết như một thành viên không thể thiếu trong nhà, nhất là đối với cha tôi, kể cũng lạ khi chỉ có vú là người chu đáo để đưa nó đi theo và chăm sóc nó rất kỷ càng. Tôi nói với Vú:

- Trời mưa không làm gì, Vú kể chuyện cho con nghe đi.

Vú cười:

- Còn phải nấu cơm chiều nữa nì, mà kể chuyện chi bây chừ? Vú biết chuyện chi để kể đây?

- Thì chuyện của Vú, chuyện về cuộc đời Vú đó, vừa uống trà, ăn kẹo gừng vừa nghe kể chuyện thì thích quá vú à.

- Có chi lạ nữa mà kể, Vú kể hoài cho con nghe hết cả rồi mà, từ hồi con còn bé xíu lận, rồi con lớn lên Vú cũng kể, nghe hoài không chán hỉ?

Tôi lấy cây que trên tay Vú rồi khều qua khều lại lên nền gạch tàu của hiên nhà nơi Vú và tôi đang ngồi:

- Không chán, lúc nhỏ con nghe Vú kể chuyện của Vú mà như nghe chuyện cổ tích, lớn hơn chút nữa thì nghe hay như một câu chuyện tiểu thuyết, còn bây giờ con muốn nghe kể một câu chuyện có thật về cuộc đời của một người mà con yêu thương.

Hình như trong hai khóe mắt của Vú có hai giọt nước long lanh, tôi đã chạm đến nổi đau của Vú, của một cuộc đời rất hẩm hiu bi đát, không hề có chút may mắn nào. Vú cúi xuống kéo ống quần lên chặm chặm vào hai khóe mắt rồi cười, một nụ cười rất buồn:

- Đời Vú có nhiều chuyện lắm, toàn là chuyện buồn mà thôi, vú chỉ muốn quên đi, nhắc chi cho đau lòng… con muốn nghe chuyện chi ?

Tôi tựa cằm mình vào đầu gối vú, lay nhè nhẹ:

- Con muốn nghe hết, Vú kể từ đầu đi, từ hồi Vú còn nhỏ ấy.

- Ừ, răng mà đời vú chỉ toàn buồn với khổ…vú kể đây…

… Nhà Vú nghèo lắm không có được mảnh ruộng để trồng lúa, cha mẹ vú có ba người con, vú là con gái lớn, rồi đến hai người em; một gái; một trai, cả nhà chui rúc trong một cái chòi lá, Cha mạ vú đi làm thuê làm mướn quần quất suốt ngày mà không đủ ăn. Năm vú mới sáu tuổi đã phải đi mót lúa ngoài đồng, mười tuổi phải đi chăn vịt cho người ta, đàn vịt lớn quá mình vú coi không xuể phải kêu thêm đứa em trai mới tám tuổi theo phụ, úi chà tới kỳ vịt đẻ phải đi lượm trứng vịt, nhiều khi thèm một cái trứng đem về luộc ăn mà không dám, sợ mang tội ăn cắp. Khổ nhất là mùa mưa, trời lạnh cắt da cắt thịt, vú cứ lom khom trong cái áo tời, cái áo người ta kết bằng lá ấy để đi ra đồng chăn vịt, người thì run lẩy bẩy mà bụng lại đói mờ cả mắt, vú ao ước phải chi mình được ở nhà, ngồi bên bếp lữa mà sưởi ấm và được ăn một chén cơm với cá kho mặn thì thiệt là …như ở trên thiên đàng vậy đó. Ôi, đã nghèo thì cứ nghèo hoài, năm vú mười lăm tuổi thì cha vú chết vì bịnh mà không có tiền uống thuốc, nhà nghèo quá làm chi có tiền ma chay chôn cất nên mạ vú phải đi vay của bà chủ ruộng. Chôn cất cha vú xong…( vú thở dài) mạ vú bịnh liên miên không đi cấy thuê làm mướn được nên không có tiền trả nợ, qua năm sau nhà chủ bắt vú về làm vợ lẻ để trừ nợ, mạ vú tưởng là về làm lẻ chắc cũng đở khổ, vú sẽ được ông chủ thương yêu vì vú đẹp lắm nhưng ai mà ngờ…( vú lại thở dài) bà vợ lớn hung dữ như chằng lữa, bắt vú làm việc cực khổ còn hơn con ở đợ, cứ bốn giờ sáng vú phải thức dậy làm đủ thứ việc: quét dọn nấu nước pha trà rồi ra đồng cấy gặt, xế trưa chạy về nhà nấu nướng cơm nước giặt giũ…ban đêm tới tận 12 giờ, 1 giờ khuya thì mói được chui vô cái ổ rơm của mình để ngủ…mà có được yên thân mô nà, mới nằm xuống thì ông chủ mò vô, bà chủ đứng canh bên ngoài đếm thời gian…khốn khổ thân vú lắm, chịu đựng như một cực hình, vú cứ khóc một mình, làm chi mà được về thăm nhà, nói là nhà chớ mạ và hai em của vú ở trong một cái chòi lá xiêu vẹo trống trải rách nát tứ bề nhưng dù răng thì vẩn sướng hơn, không bị ai hành hạ cã ban ngày lẩn ban đêm.

Rồi vú có thai, vú nhớ cái lần vú bị ói mữa tới mật xanh mật vàng, bà chủ đánh chửi vú dữ dội đến nổi vuốt mặt không kịp, còn ông chủ thì ngồi rung đùi hút thuốc uống nước trà. Không hiểu răng mà từ đó bà lớn bắt vú làm việc nhiều hơn, nhiều khi khổ quá vú muốn trốn đi cho xa, ngặt nổi khi bắt vú về làm lẽ cho ông chủ thì mới chỉ trừ được một phần nợ mà thôi, nếu vú trốn đi chỉ sợ họ lại bắt em gái út của vú thế vô chổ vú thì tội cho nó lắm…

 

Mưa nhẹ hạt nhưng chưa tạnh hẳn, tiếng mưa rơi tí tách nghe thật buồn, trời hơi hửng sáng khi đám mây xám loãng dần hé ra một tí nắng, vú sụt sùi khóc, hai ống quần của vú trở thành khăn lau nước mắt, tôi úp mặt mình vào vai vú, tôi cùng khóc với niềm đau trong quá khứ của vú…

 

…Rồi khi vú sanh đứa bé mới được mười ngày thì tới mùa hái ớt, vú lại quần quật từ sáng tinh mơ cho đến khuya lắc khuya lơ, mổi khi ngực căng sữa là vú lật đật chạy về cho con bú rồi lật đật chạy ra đồng, hái ớt xong còn phải phơi ớt nữa chớ, phơi khô xong phải giã cho nó nhừ thành bột, môỉ lần giã ớt hai mắt vú cay xè chảy nước ròng ròng. Khi đứa con vú được 6 tháng thì nó chết, phần nợ của bà chủ cũng vừa trả xong với thời gian vú làm công việc vừa là vợ lẻ vừa ở đợ. Có người trong làng thấy vú cực quá động lòng thương xúi vú bỏ trốn, họ chỉ đường cho vú trốn ra phố chợ, cũng xa lắm. Sáng tinh mơ sau ngày con chết, khi gà vừa gáy canh đầu là vú lật đật bỏ làng ra đi…úi chà, vú ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi, sợ nhà chủ bắt lại làm vợ lẽ tiếp.

Mãi đến trưa khi trời đứng bóng vú tới được chợ phố, mệt với lại khát vú ngồi nghỉ dười một gốc cây bàng, sữa chảy ròng ròng ướt áo, vú nhớ con, thương con chết sớm nên khóc quá trời, có một bà lớn tuổi đi ngang thấy vậy hỏi thăm, vú kể sự tình, bà thương xót đưa vú tới một nhà có tiệm tạp hóa gần chợ xin cho vú vô làm, nhà này có bà chủ vừa sinh con, giàu có lắm nhưng thiếu sữa cho con bú, thấy sữa vú chảy ướt hai vạt áo họ thuê vú vô làm công việc “ ở vú”…

-“ Ở vú” là gỉ hả vú?

Vú cười đẩy mặt tôi ra khỏi vai vú:

- “Ở vú” là họ nuôi vú, cho vú ăn nhiều thứ ngon lắm, đầy chất bổ để vú có nhiều sữa đặng vú cho con họ bú đó mà. Úi chà, khi đó vú được ăn toàn miếng ngon, giò heo hầm với đu đủ, cá tràu kho tiêu, thịt nạc…ôi thôi đủ thứ món mà vú chưa hề được ăn. Vú còn được trả tiền công nữa chớ, một tháng mấy đồng, vú cắt củm để dành đặng sau này đem về cho mạ và hai đứa em.

- Vậy là đời vú lên hương rồi.

Vú nhìn xa xăm như đang cố nhớ lại một điều gì, ánh mắt của vú buồn ghê lắm, vú chắc lưỡi, thở dài:

- Thì cũng tưởng là như rứa, ai mà ngờ. Nhờ được ăn no mà ngon, nên vú càng ngày càng đỏ da thắm thịt và đẹp hẳn lên.

Vú ngừng kể, rót trà ra tách, bỏ một cái kẹo gừng vô miệng, nói khơi khơi không ăn nhập gì với câu chuyện đang kể:

- Ở bên Tây chắc ông thèm uống nước trà ăn kẹo gừng lắm đây, hồi đó vú thường mua từng bịch kẹo như ri để ông ăn rồi uống với nước trà. Bộ ấm trà ni lâu đời lắm đó, nhà có biết bao nhiêu là bộ bình trà người ta tặng, đẹp mà sang trọng nhưng ông không chịu, ông chỉ uống trà khi được châm trong bình ni mà thôi, với lại mấy cái tách trà nhỏ nhỏ như ri nhưng đã quá quen thuộc với ông, mấy chục năm rồi ông đi tới mô là vú cũng mang nó theo tới đó để ông vui lòng vì ông thích đó mà…

Tôi cằn nhằn:

- Vú này, đang kể chuyện đời vú tự nhiên chuyển qua chuyện cha con thích uống trà trong cái bình này, vú lộn xộn quá đi.

- Thì uống trà, thấy cái bình nên nhớ ông, vú nói vậy mà, ừ thôi nghe vú kể tiếp đây…chà…chưa nấu cơm nửa chớ, chiều quá rồi, thôi chờ vú nấu cơm rồi kể cho nghe, còn dài lắm…

 

Nhan sắc của vú trở nên xinh đẹp mặn mòi, thân thể vú căng tròn nhìn no con mắt thì cuộc đời vú lại bước qua một giai đoạn khác, cũng đau khổ không thua chi hồi xưa. Vú ngậm ngùi kể tiếp sau khi châm thêm nước sôi vào bình trà:

- Này, ông cũng ưa uống nước trà nhảo lắm đó, nước thứ hai đó mà, xin lổi, vú kể tiếp đây… Khi vú trở nên xinh đẹp thì ông chủ tiệm tạp hóa bắt đầu để ý dòm ngó, ông ưa tới gần vú, nhất là mổi khi vú ngồi vạch vú cho con ông bú, ông giả bộ nựng đứa bé nhưng mắt thì cứ liếc nhìn vô ngực vú, vú sợ lắm nên khi cho bé bú là cứ tới ngồi gần bà chủ, ai ngờ một ngày đầu năm bà chủ đi chùa Thiên Mụ ở Huế hai ngày, - à vú quên kể là lúc đó nhà chủ của vú ở Quảng Trị – buổi tối hôm đó ông chủ mò vô giường của vú đang ngủ với đứa bé con ông, ông bồng nó đặt nằm xuống đất rồi ép vú phải làm chuyện đó, ông dặn là không được kể ai nghe rồi còn dọa nếu vú kể cho ai hay chuyện ông làm thì biết tay ông. Khi bà chủ về vú muốn kể cho bà nghe nhưng sợ bị ông tìm cách đánh đòn. Chuyện đó xảy ra hoài cho tới khi vú bị ói mửa, vậy là vú mang thai, bà chủ chưởi mắng ghê lắm rồi bắt vú làm việc mà không trả công cho vú nữa, thiệt tình lúc đó vú muốn bỏ đi, mà đi mô bây chừ khi bụng càng ngày càng lớn, ai mà dám chứa vú đây?...

 

Vú lại khóc nữa rồi, hai ống quần bây giờ lại đẩm nước mắt của vú còn vai áo vú thì ướt nước mắt của tôi. Mưa đã dứt hạt, nước trong vườn rau nho nhỏ của vú từ từ rút hết để lộ ra phần mặt đất ẩm ướt, mấy luống rau hơi cao cao nằm bẹp dí sát rạt xuống lấm lem bùn đất trông tội nghiệp hết sức. Vú đang hồi tưởng lại cuộc đời mình nên không còn để ý mà xót thương cho mấy luống của vú như lúc đầu trời mới đổ cơn mưa. Bình trà gần cạn và bịch kẹo gừng cũng sắp hết nhưng câu chuyện của vú thì còn dài ghê lắm. Tôi không cảm thấy đói bụng mà chỉ muốn nghe tiếp chuyện đời vú. Kể cũng lạ, tôi từng được nghe vú kể rất nhiều lần câu chuyện này, nhưng mổi lần nghe thì cảm nhận của tôi mổi khác, thủa còn nhỏ đêm đêm tôi thích nằm ngủ chung giường với vú, bắt vú kể chuyện cho tôi nghe, với tôi lúc đó thì chuyện vú kể như là chuyện cổ tích để ru tôi chìm vào giấc ngủ thật dể dàng. Lớn lên tôi lo bận rộn chuyện hóc hành thi cử, chuyện tình cảm riêng tư nên không còn thường xuyên đòi vú kể chuyện đời vú nữa, có chăng là đôi khi chỉ nhắc lại một đoạn nào đó mà vú chợt nhớ và tôi chợt muốn nghe, rồi khi ráp từng phần lại với nhau nó trở thành một câu chuyện tiểu thuyết ướt át đầy nước mắt hoặc như một vở tuồng cải lương bi lụy, những lần gợi lại như thế vú cười vui và nước mắt thì không hề trào ra, nhưng trong chiều mưa hôm nay, chỉ có tôi và vú bên một bình trà với mấy cục kẹo gừng, ngồi uống trà mà gợi nhớ về người cha đang ở tận bên kia trời Tây, tôi lại thèm được nghe kể từng chi tiết của cuộc đời vú để lòng được cảm thương, muốn sẽ chia cùng vú. Và vú thì đang xót xa ngậm ngùi khóc cho chính cuộc đời mình.

Vú ngừng khóc, thở một hơi dài, hớp một ngụm trà mắt nhìn xa vắng hỏi khơi khơi:

- Ở bên Tây trời có mưa như bên mình không hỉ? Khi uống trà chắc ông tự mình châm lấy, còn phải tự nấu nước sôi nữa, tội ông quá, sống lui cui có một mình không ai chăm sóc thì buồn khổ lắm, phải chi ông đừng đi…

- Vú nói làm con nhớ cha con quá, mà thôi vú đi lạc đề xa quá rồi.

- Ừ, thì vú kể tiếp đây…
 
Hồ Thủy

(còn tiếp phần 2)

No comments: