Wednesday, January 13, 2016

Hành Phương Nam - Cao Xuân Huy



Hành phương nam

 


Một chiều cuối Ðông.

Nắng quái hắt những vệt lăn tăn loang loáng từ mặt phá Tam Giang lên tấm bạt nhà binh, mái che của một quán nhậu dã chiến, ven làng, gần chỗ dừng quân.

Trong “quán”, bàn là những thùng gỗ đạn pháo binh, nằm chỏng chơ, ghế là những thùng đạn. Có hai “bàn” còn khách, cạnh nhau. Một bàn hai người. Một bàn ba người. Năm người lính, còn trẻ.

Bàn hai người, có những câu nói lè nhè không đầu không đuôi.

Một người ư ử hát:

Chiều trên phá Tam Giang

Anh chợt nhớ em

Nhớ ơi là nhớ…

 – Mày còn em đếch nào mà bầy đặt nhớ…

Nhớ ơi là nhớ đến bất tận

Em ơi…

 – Bộ mày nhớ mấy chị em ta…

– Câm cái miệng mày lại.

– Nó theo thằng khác rồi, nhớ làm mẹ gì nữa.

– Mày im đi, để tao hát. Buồn thấy mẹ…

– Mày mà buồn? Ðừng bầy đặt làm tao mắc cười chớ!

– Tết sắp tới rồi. Tội nghiệp bà già tao còn có một mình…

Nói xong người lính bật khóc.

Từ bàn ba người, Toàn quay sang ra lệnh:

– Tụi bay xỉn rồi, về đi.

– Tụi em chưa xỉn mà ông thầy.

– Tao nói đi về là đi về.

Giọng lè nhè, tiếng dính vào nhau, người tỉnh hơn năn nỉ:

– Cho hai thằng em làm một xị nữa rồi về, ông thầy.

– Thôi. Ði về.

Hai người lính đứng dậy, một người ngã chúi xuống bàn, những vỏ chai không văng xuống đất. Người còn lại lọng cọng móc túi trả tiền, rồi cúi xuống dìu bạn. Hai người lính ngả nghiêng dìu nhau ra khỏi quán, lần theo con đường đất hẹp, quanh co len giữa hai hàng tre, về chỗ đóng quân.

Nhìn theo hai người lính say dìu nhau khuất sau một khúc quanh, Chí đề lô quay lại, ví von:

– Ngày trước Quang Dũng có “lính râu ria”, bàn tay như rễ cây, bộ râu hơn bàn chải… bây giờ mình có “lính say sưa”, sáng xỉn chiều say, để rồi anh trở về dang dở đời em…

Trọng chiến tranh chính trị thở dài:

– Chiến tranh thời Quang Dũng khác với chiến tranh thời mình. Ðó là thời lãng mạn, lãng mạn từ thơ văn đến con người. Thời của lý tưởng. Hai chữ “kháng chiến” làm mê hoặc lòng người, chàng trai nào cũng ôm mộng đi kháng chiến, cả nước muốn đi kháng chiến. Hình ảnh những chàng bộ đội trong mộng đẹp làm sao. Khi lý tưởng bị phản bội, cuộc chiến lãng mạn thời Quang Dũng dẫn đến cuộc chiến tàn khốc mà thế hệ mình lãnh đủ. Những chàng trai hăng hái “lên đường theo tiếng gọi non sông” ngày trước biến thành những kẻ mang “dép râu giết chết đời son trẻ…” ngày hôm nay.

Chí thi sĩ đề lô phụ họa:

– Quán Bên Ðường của Quang Dũng chắc cũng y như cái quán mình đang ngồi:

Tôi lính qua đường trưa nắng gắt

Nghỉ nhờ đây quán lệch tường siêu

Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu

Mùa gạo đắt đường xa thưa khách vắng

 Cùng một hình ảnh, hai thời hai ý nghĩa khác nhau.

Toàn tác chiến giễu:

– Thơ với phú, thời với thế, ý với nghĩa, lính nào chả là lính, quán nào thì cũng quán. Thằng Trọng méo mó nghề nghiệp. Câm cái họng chiến tranh chính trị của mày lại. Nhậu đi.

Chí đề lô cười cười không thèm chấp:

– Thơ thẩn gì cái thứ võ biền như mày, ngoài cái nghề phá bĩnh ra, còn biết cái gì nữa không?

Trọng chiến tranh chính trị đề nghị:

– Thôi, đọc Hồ Trường đi, Chí.

Toàn tác chiến gạt phắt:

– Thằng Trọng thối nhất là cứ hơi “xừng xừng” là đòi thằng Chí đọc thơ.

Chí đề lô lờ như không nghe, cất giọng:

Ðấng trượng phu không hay xé gan bẻ cật

Phù cương thường

Hà tất…

 Nhìn đôi mắt sáng và khuôn mặt trẻ trung, ngược với cái giọng làm ra tráng sĩ cổ thi của Chí đề lô, Toàn tác chiến buồn cười, rồi sợ thằng này ngon trớn chơi luôn nguyên bài, bèn khua khua tay chận ngang:

– Mẹ, trong đầu cả một bồ thơ, mà hễ cứ hả họng ra là “Hồ Trường”. Bố mày ớn lắm rồi.

Trọng chiến tranh chính trị phân tích:

– Thiên thời là lúc này, địa lợi là chỗ này, nhân hòa là giọng đầy đam mê của nó.

Chí đề lô “diễn nghĩa” thêm:

– Thiên thời là buổi chiều giáp Tết mà được nghỉ quân. Ðịa lợi là phá Tam Giang lịch sử. Nhân hòa là cả ba thằng mình còn sống và đang lai rai đón Tết. Hồ trường là bầu rượu, đúng quá rồi. Mày còn mong gì hơn nữa, hả thằng con trai?

Toàn tác chiến ba hoa:

– Sao tụi mày cứ nhất định Hồ Trường. Hay đến đâu cũng phải nhàm chứ. Bố mày nghe thối tai rồi. Cả thế giới ngâm Hồ Trường, cả nước đọc Hồ Trường, nhậu vào là Hồ Trường. Bộ cứ “nam nhi chi chí” là phải ông ổng “Hồ Trường” à? Vừa thôi chứ. Lôi thơ Nguyễn Bá Trác ra “ngâm” cho nát bét, ổng dậy ổng đập thấy mẹ.

Ực một tợp rượu lớn ra cái điều tráng sĩ, Chí đề lô cười khẩy, bĩu môi khinh miệt:

– Tiên sư cái thằng “tai trâu”. Không Hồ Trường thì mày có bài nào khác, đọc cho mấy bố mày nghe đi.

Toàn tác chiến phán:

– Một bồ thơ là mày, có thơ đăng báo dài dài là thằng Trọng. Sao lại tao?

Hồ Trường lại tiếp tục:

Ta biết rót về đâu

Rót về Ðông phương,

nước biển Ðông chảy xiết sinh cuồng loạn

Rót về Tây phương,

mưa tây rơi từng trận chứa chan

Rót về Bắc phương,

ngọn bắc phong vi vút cát chảy đá dương

Rót về Nam phương,

có người quá chén như điên như cuồng

Nào ai tỉnh,

Nào ai say…

 Toàn tác chiến khua tay lia lịa:

– Dẹp, dẹp ngay lập tức. Ðể ông dạy cho bài mới.

Chí đề lô và Trọng chiến tranh chính trị thích chí, nhìn nhau:

– Mẹ, nó đọc thơ! Nói giỡn hay nói chơi dzậy cha?

– Thơ. Bố mày đọc thơ Nguyễn Bính.

Trọng chiến tranh chính trị nhận định:

– Thơ Nguyễn Bính? Nguyễn Bính toàn thơ tình dân giã, không hợp thiên thời địa lợi nhân hòa…

– Mày dẹp mẹ nó cái thiên thời địa lợi của mày đi. Mẹ, thơ chứ có phải kế hoạch hành quân đâu.

Rồi cất giọng vịt đực, Toàn tác chiến lè nhè:

Ðôi ta lưu lạc phương Nam này

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở

Mà ta với ngươi buồn vậy thay

 Cả Chí đề lô lẫn Trọng chiến tranh chính trị tròn mắt nhìn, vẻ ngạc nhiên trên hai khuôn mặt “sắp tới bến” làm Toàn tác chiến phì cười:

– Mình ba thằng, trong “thơ tình dân giã” chỉ có hai thằng thôi, đôi ta lưu lạc phương Nam này, tức là khi “…rồi có một ngày, có một ngày chinh chiến tàn, anh trở về quê…”, chỉ có hai thằng xuôi Nam về được Sài Gòn…

Chí đề lô ngắt lời, nhận định tiếp:

– Mẹ, sao đang thơ Nguyễn Bính, mày lại chêm nhạc Duy Khánh mảy? Mà sao chỉ có hai thằng về Sài Gòn thôi mảy? Nhưng thôi kệ tía nó, trong hai thằng “anh về thủ đô chúng tôi chờ mong…” phải có tao. Ông đề lô pháo binh, mạng ông lớn nhất. Thằng Trọng chiến tranh chính trị, mạng lớn nhì. Còn mày, mày là thằng suốt ngày đánh đấm, thằng nằm lại là mày chứ ai. Hờ hờ hờ… Anh… hỡi anh ở lại Charlie…

Toàn tác chiến khiếu nại:

– Sao đang nhậu ở phá Tam Giang, mày liệng tao qua Charlie, mảy? Cụng ly chứ, sao lại Sạc ly!

Trọng chiến tranh chính trị cười khoái trá:

– Nghe đây Toàn, “đôi ta” là tao và thằng Chí. Không có mày. Ðọc tiếp đi.

Toàn tác chiến đọc tiếp:

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

 Vừa đọc, Toàn tác chiến vừa nhấc ly:

– Dzô…

– Dzô…

Từng hụm lớn rượu đế cay xé cuống họng trôi tuột vào bụng ba thằng.

Nợ tình chưa trả tròn một mối

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

 Chí đề lô thắc mắc:

– Mày có chắc bài này của Nguyễn Bính không?

Toàn tác chiến cười cười:

– Chỉ có Nguyễn Bính hoặc tao, mới làm nổi những câu như thế này.

Ngươi đi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười say chén rượu đầy

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay

 Chí đề lô đăm chiêu:

– Tao ngờ ngợ.

– Ngờ ngợ cái mẹ gì?

– Mày phải đọc hết bài để tao nghiệm xem. Tao không tin là của Nguyễn Bính. Tên bài thơ là gì?

Toàn tác chiến mỉm cười, vẻ mặt trở nên mơ màng:

– Hành Phương Nam.

Chí đề lô lẩm bẩm, suy nghĩ:

– Hành Phương Nam… Hành Phương Nam… Nguyễn Bính có vào sống trong Nam, nhưng hơi thơ không phải Nguyễn Bính.

Toàn tác chiến phà một hơi thuốc, đọc:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ

Ðã dậy phong yên lộng bốn trời

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

Uống say mà gọi cố nhân ơi!

 – Dzô… dzô…

Toàn tác chiến dụi điếu thuốc:

– Bài này là một bài hành.

Trọng chiến tranh chính trị:

– Hèn chi mày bầy đặt đọc nhỏ giọt lấp la lấp lửng cho chúng ông thèm, hành tỏi chúng ông.

Chí đề lô:

– Mày đọc nguyên bài đi.

Toàn tác chiến khoái trá:

– Mẹ, cả một tủ thơ trong đầu mà không biết bài này. Ừ thì ông đọc nguyên bài.

Toàn tác chiến hắng giọng, chưa kịp cất tiếng thì một người lính xuất hiện trên con đường đất ven làng dẫn đến quán. Người lính đến gần nói nhỏ với Toàn tác chiến. Toàn tác chiến đứng dậy:

– Thôi không xong rồi, chương trình “tao đàn” hẹn tụi mày sau Tết. Cũng là “hành”, nhưng không phải tao “hành” tỏi gì tụi mày, mà là “hành” quân. Tao phải về họp gấp.

Bỏ lại một nắm tiền trên bàn, Toàn tác chiến cầm mũ sắt đội lên đầu, đi ra với người lính. Trọng chiến tranh chính trị thở dài:

– Từ Mậu Thân đến giờ, không cái Tết nào mình được yên, tụi nó lại vi phạm ngưng bắn rồi.

Chí đề lô nhìn theo Toàn tác chiến:

– Ðêm nay mà đi thì tới phiên nó đi đầu.

Chí đề lô và Trọng chiến tranh chính trị nhìn nhau, bùi ngùi thương bạn. Một cơn gió tạt vào quán mang hơi lạnh từ phá Tam Giang. Chí đề lô và Trọng chiến tranh chính trị cũng đứng dậy:

– Ðiệu này chắc cũng đến phiên mình, về thôi.

***

Một chiều cuối Xuân.

Nắng quái hắt dài bóng những ngôi mộ trên mặt đất.

Toàn tác chiến tay cầm chai rượu, tay chống nạng, khập khiễng đi sâu vào nghĩa trang, vừa lần mò tìm ngôi mộ vừa lẩm nhẩm đọc thầm:

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu

Mà không uống cạn mà không say

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh

Ngõ trúc ta về lạnh mấy mươi!

     Mộ mới đắp, mới tinh như bộ quần áo trận chưa kịp sửa, rộng thùng thình Toàn đang mặc.

“Chí ơi, tụi nó tan hàng mà mình cũng bị khá nặng, đồ đạc banh hết, nhưng nếu mày chỉ bị thương như tao thì áo mới của mày cũng như của tao, chứ đâu phải cái áo quan chôn dưới huyệt đất này. Thằng Trọng “nằm” lại ngoài đó, đang hành quân. Còn tao với mày đã “hành phương nam…” về tới Sài Gòn, thảm như vầy, Chí ơi…”
 
 
 

    Toàn bật khóc, ngồi xuống cạnh mộ, dựa đôi nạng vào mộ chí, lọng cọng mở nắp chai rượu, rưới lên mộ, rồi ngửa cổ tu một hơi. Những dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt râu ria không cắt tỉa. Ðốt điếu thuốc cắm vào một chân nhang, Toàn móc túi lấy ra tờ giấy xé từ một quyển sách:

“Chí, tao mang cho mày bài Hành Phương Nam, có đề tên Nguyễn Bính là tác giả hẳn hoi, như buổi chiều trước hôm hành quân mày thắc mắc, tao chưa kịp đọc…”

Toàn nghẹn ngào đọc không hết bài thơ, đứng dậy, tay run run bật lửa, nghiêm trang đốt bài thơ rắc lên mộ Chí, như người ta hóa vàng:

“Mày” sang bên ấy sao mà lạnh

“Nạng gỗ” tao về lạnh mấy mươi.

 Cao Xuân Huy
304Đen- Llttm

No comments: