Sunday, November 6, 2016

Mùa Thu Của Má - Vương Vi



Mùa Thu của má

 


 Mấy hôm nay trời mưa nhiều, má cứ đi ra đi vào nhìn trời rồi lại ngồi nói chuyện một mình:

– Trở trời mưa gió, không biết con út bên Hàn bây giờ có biết tự giữ ấm không? Còn vợ chồng thằng hai trên Sài Gòn có sao không biết?

Ngoài khung cửa sổ, mưa rơi trên giàn mướp đắng nghe lộp độp, những trái mướp to nhỏ đong đưa theo chiều gió mà vị đắng của nó xem chừng không bằng nỗi cay đắng mà má đang cố giấu trong lòng. Xen lẫn trong tiếng mưa ngoài hiên nhà, bài hát ru con bên nhà hàng xóm vọng lại:

Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời…

Nghe sao mà não nề quá. Má lấy vạt áo cũ sờn bạc màu lau những giọt lệ đọng trên đôi mắt nhăn nheo. Má nhớ lại quãng đời khổ cực một mình nuôi hai đứa con khôn lớn. Ngày ấy, cũng đã hơn hai mươi năm rồi, khi má còn rất trẻ đã cắn răng chịu đựng đau khổ lắm khi người chồng vô trách nhiệm đánh má đến gãy chân rồi bỏ gia đình đi theo duyên mới. Để lại trong lòng má không chỉ nỗi đau tinh thần mà còn nỗi đau thể xác mất đi khả năng đi lại như người bình thường. Thấm thoát mà đã hơn hai chục năm, cứ mỗi lần nhìn lại vết thương ở chân trái và dáng đi khập khiễng của mình, má lại tủi thân, lại cố giấu nước mắt vào trong lòng. Hai mươi năm trôi qua, niềm an ủi động viên má đứng vững nuôi hai đứa con thơ, không làm điều gì dại dột, không đi thêm bước nữa chính là tiếng khóc của con út và ánh mắt của thằng hai khi nhìn thấy ba nó bỏ nhà ra đi.

Hai đứa lớn dần theo nắng mưa mưu sinh của má. Dù sức khỏe yếu, chân đi khập khiễng, nhưng má cũng cố gắng mưu sinh kiếm tiền bằng đủ nghề, từ vớt rác, phế liệu trên sông, đến rửa chén bán trong nhà hàng, rồi nuôi gà, nuôi vịt ở khoảng đất trống ven sông phía sau nhà để nuôi hai đứa con ăn học thành tài. Mồ hôi, nước mắt và cả nỗi buồn là bạn của má mỗi ngày từ lúc ba tụi nhỏ bỏ ra đi. Má nuôi hai đứa con không chỉ bằng cơm gạo mà còn bằng tình thương, sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ đơn thân. Má không xấu, nhưng có duyên, chân đi khập khiễng nhưng lại có tài ăn nói khéo léo. Vì con, má từng nhiều lần từ chối hạnh phúc riêng bởi lý do thật đơn giản, với bà, các con là tất cả.

Không làm phụ lòng má, Thằng hai sau khi học xong lớp 12, đậu đại học, tạm biệt má và xóm nhỏ yên bình lên Sài Gòn học. Nhưng con út thì không, có lẽ nó sớm nhận ra cái nghèo khó cứ vây bủa cái xóm nhỏ bên dòng sông Tiền nên mới học hết lớp mười đã ôm mộng lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc để được đổi đời nơi xứ người. Má nó nhiều lần ngăn cản nhưng nó không nghe. Má không muốn xa con út, khuyên nó đừng đi, má nói trên báo đài vẫn thường đưa tin nhiều người đi lấy chồng bên Đài Loan, Hàn Quốc rồi bị hành hung, đánh đập đến chết nhưng nó bật cười rồi nói “chứ ở lại đây, lấy chồng ở quê xóm mình, rồi cũng bị đánh đến què chân như ba đánh má thôi chứ có khác gì đâu.” Má chỉ biết giấu nước mắt vào trong, ngậm ngùi nhìn đứa con gái nhỏ xách vali sang Hàn Quốc làm vợ người ta khi vừa tròn 18 tuổi. Thời gian đầu khi vừa mới sang Hàn Quốc, con út vẫn thường xuyên viết thư về cho má, nó khoe với má bên đó trời đang vào thu, nó được mặc quần áo đẹp, nhìn cứ như diễn viên Hàn Quốc trong phim má hay coi trên tivi. Nó hẹn một ngày mùa thu không xa nó sẽ dẫn má qua Hàn Quốc chơi. Mỗi lần đọc thư nó viết, má vừa mừng vừa buồn, mừng vì con cái giờ đã trưởng thành, có được cuộc sống riêng ở xứ người, mà buồn vì cảnh neo đơn tuổi già một mình ở căn nhà cũ nát này.

Căn nhà nhỏ mỗi ngày một vắng lặng, ngày nào má cũng phải ăn cơm một mình. Nhiều đêm má giật mình thức giấc giữa khuya. Chiếc phản rộng bóng láng ngày trước má nằm với con út giờ chỉ mỗi mình má nằm trở nên quá rộng. Đã mấy mùa thu rồi má chờ đợi mãi, vẫn không thấy con út quay về quê nhà thăm má rồi dẫn má sang Hàn Quốc chơi như lời nó hứa. Thư nó viết cho má cũng thưa dần đi, điện thoại gọi về cũng không còn nhiều như trước. Má nghĩ chắc có lẽ nó bận nên không dám hỏi han gì nhiều. Má chỉ biết đêm đêm cầu mong cho nó sống bình yên với phận làm dâu nơi xứ người.

Hết bốn năm đại học, thằng hai không về quê như đã hứa với má. Nó xin được việc làm trong một công ty nước ngoài. Nó muốn làm người dân thành phố hoa lệ. Nó chỉ biết kiếm tiền để thoát khỏi cái nghèo đeo bám nó nơi miền quê yên bình ngày xưa. Rồi nó dồn hết tâm trí bon chen với đời, kiếm một địa vị, một cuộc sống giàu sang mà nó mơ ước sau ngày tốt nghiệp đại học. Một năm sau, nó xin phép gia đình cho cưới một cô gái con nhà khá giả. Má vui cho thằng hai đã trưởng thành và xây dựng cuộc sống riêng. Vợ chồng thằng hai trở nên giàu có nhờ tài sản bên nhà vợ, tậu được nhà lầu xe hơi, sinh được hai đứa con dễ thương. Nhưng rồi khoảng cách với người mẹ già ở dưới quê theo đó cũng tăng lên. Nhiều năm trời, má không còn được nghe tiếng vợ chồng thằng hai cùng hai đứa cháu nội bi bô trong căn nhà nhỏ mỗi khi về quê. Lúc nó chưa giàu có thì còn hay về quê thăm má, giỗ tết nào cũng về thắp nhang bàn thờ. Còn sau này, mỗi năm má nhận được một số tiền mừng Tết thay cho sự quan tâm của vợ chồng nó. Má già rồi, má ăn uống bao nhiêu. Cái má cần là tình cảm mẹ con. Má thấy tủi thân vì cách cư xử của con cái. Giữa má và thằng hai như có một bức màn ngăn cách. Má buồn. Má nghĩ đến con út, nghĩ đến mùa thu nơi xứ Hàn và lời hứa hẹn của nó. Chẳng biết giờ này ở bên ấy, con út sống thế nào, gia đình chồng có đối xử tốt với nó không, sao gần hai năm nay không thấy nó liên lạc hay gọi về cho má. Mùa thu năm nay, liệu nó có còn nhớ lời hứa năm nào trong thư nó viết cho má hay không. Trong đầu má ngổn ngang với hàng trăm câu hỏi về con út và hàng ngàn nỗi buồn khi nhớ đến vợ chồng thằng hai cùng hai đứa cháu nội.

Má bước đến bàn thờ tổ tiên, thắp lên ba nến nhang. Má xin những người đã khuất phù hộ cho con cháu, nhất là cho một đứa ít nghĩ về má. Chiều nay mưa nhiều quá, dòng sông phía sau nhà nước đã dâng cao, có khi mai nay ngập vào mảnh vườn sau nhà, má cảm nhận rõ nỗi cô đơn của người già. Má tâm niệm vào tuổi xế chiều, mình có đau buồn cũng chẳng sao, chỉ mong các con cháu hạnh phúc, bình yên là má mừng. Người mẹ tóc bạc, mang nhiều bệnh tật với đôi chân khập khiễng, hi sinh cả đời vì con thầm nghĩ vậy nên lại rơi nước mắt, má đưa bàn tay gầy guộc lên ngực để ngăn những cơn ho, rồi lại đưa tay xoa nắn bắp chân trái để khỏi đau nhức. Ngoài kia vẫn mưa to gió lớn, má ngồi một mình một bóng nghe tiếng mưa như ru lòng mình giữa cuộc đời nhiều buồn đau. Mùa thu này và còn bao nhiêu mùa thu tiếp nữa, má vẫn phải sống trong cô đơn và nỗi nhớ xót lòng hai đứa con, vì cái nghèo, mà chúng nó bỏ má đi xa.

Vương Vi

304Đen - Llttm

 

No comments: