Sunday, July 29, 2018

Lê Xuyên: Kẻ Sĩ Đáng Kính - Vũ Uyên Giang


LÊ XUYÊN: KẺ SĨ ĐÁNG KÍNH

 

 

Tôi quen anh Lê Xuyên Lê Bình Tăng qua một sự rất tình cờ, dù cùng trong làng báo, nhưng vào năm 1965-1966, tôi chỉ là một anh phóng viên trẻ, mới tập tễnh nhảy vào làng báo, nên dù truyện của anh, tôi đã được đọc nhiều, hoặc đọc trên báo anh viết feuilleton hàng ngày, hoặc đọc sách anh gửi đến toà soạn báo tôi làm để tặng cho ông chủ nhiệm; nhưng tôi chưa bao giờ gặp anh, chưa bao giờ được quen với anh dù toà soạn báo của anh và tôi không cách xa nhau là mấy. Anh làm bên tờ Thời Thế của ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng số 77 đường Lê Lai; còn tôi làm bên Hoà Bình ở 235 Phạm Ngũ Lão. Cách nhau có hai bức tường của Sở Hoả Xa Sàigòn. 

 

Một hôm tôi sang tờ Thời Thế vào khoảng 1 giờ 30 trưa để tìm Anh Nhật, Thư ký phụ trách trang trong của Thời Thế để rủ đi uống cà phê. Lúc đó đang giờ nghỉ trưa nên toà soạn vắng. Cánh cửa sắt phía trước mở hờ đủ một người đi qua, cô nhân viên trị sự thường ngồi phía trước không có mặt; tôi liền đi thẳng vào phòng bên trong, nơi sắp chữ với các hộc khuôn chữ để thợ sắp chữ làm việc. Tôi gặp một người đàn ông ngoài 30 tuổi, hơi gầy, da ngăm, mặc một chiếc áo thung đã ngả màu và quần đùi đang ngồi hí hoáy viết. Nhìn anh ta, tôi nghĩ chắc đây là một ông thợ sắp chữ hoặc là người chef typo không chừng. Anh ta không nhìn lên, coi như không thấy tôi bước vào, vẫn hí hoáy chăm chú viết. Tôi hỏi:

 

- Anh Nhật có ở đây không anh?

Anh ta vẫn không nhìn lên, cũng không trả lời mà lấy tay phải đang cầm bút giơ lên trên, ngầm ra hiệu Anh Nhật ở phiá trên lầu. Tôi cảm ơn anh và đi lên cầu thang. Lên trên lầu, tôi cũng chẳng thấy ai; vừa lúc đó ông Hồ Anh từ trong phòng chủ nhiệm bước ra, hỏi tôi:

- Anh kiếm ai?

Tôi cho ông biết tôi làm bên Hoà Bình, muốn gặp Anh Nhật. Ông nói hôm nay Anh Nhật xin nghỉ có việc, ngày mai sẽ trở lại làm. Tôi cảm ơn ông và quay lưng đi xuống lầu. Ông hỏi với theo:

- Khi vào anh có gặp anh Lê Xuyên ở dưới đó không?

- Dạ! Tôi không biết anh Lê Xuyên, chỉ gặp ông chef typo đang ngồi viết gì đó. Tôi nói.

Ông Hồ Anh cười, nói: 

- Anh Lê Xuyên đấy. Nhờ anh nói với Lê Xuyên tôi cần bàn chút việc nhé.

- Vâng! Tôi sẽ nói.

Xuống dưới lầu, khi đến chỗ Lê Xuyên, tôi nói:

- Anh Lê Xuyên! Anh Hồ Anh nói muốn bàn với anh chút việc.

Lúc đó anh mới ngừng viết, ngước lên nhìn tôi:

- Vậy hả? Cám ơn anh nghe. Xin lỗi anh là...

- Tôi là Vũ Uyên Giang bên nhật báo Hoà Bình.

- Ồ! Giang. Anh còn ký là Anh Giang, Vũ Giang phải không?

- Vâng!

- Tôi có đọc mấy truyện ngắn của anh trong Mỗi Ngày Một Truyện. Viết được lắm, nhưng anh phải cái tội "tham lam" quá. Viết nhiều nhưng không tập trung vào một thể loại, nên dễ bị hư ngòi bút đi.

 

Tôi thật thán phục anh Lê Xuyên, chỉ có một câu ngắn đã nói trúng tim đen của tôi. Nói ra thật xấu hổ, vì cần tiền để cà phê thuốc lá và nhậu nhẹt với bạn bè, bồ bịch, tôi đã phóng bút viết loạn cào cào đủ loại truyện đàng hoàng có, sến có, phóng tác có... cho các tờ Thời Thế, Ngày Nay, Chọn Lọc, Tiểu Thuyết Thứ Năm v.v... Vậy mà anh cũng nhìn ra, thế mới đúng là một người Tổng Thư Ký toà soạn một nhật báo.

Tôi cảm ơn anh về nhận xét tinh tế ấy và hứa sẽ sửa; rồi từ giã ra về. 

 

Sau lần gặp đó, tôi trở thành bạn của anh. Mỗi lần tôi có dịp sang Thời Thế, anh đều ngồi nói chuyện với tôi và sửa đổi cho tôi những chỗ sơ hở trong truyện tôi viết. Anh có tặng cho tôi mấy quyển sách anh đã xuất bản như: Chú Tư Cầu, Vợ Thầy Hương và Rặng Trâm Bầu; nhưng tôi không dám đem về nhà vì thuở đó gia phụ rất nghiêm; ông chỉ muốn tôi chăm chỉ học hành đỗ đạt và nối nghiệp con đường công chức của ông. Nhưng lúc đó tôi là một thanh niên mới vừa tuổi trưởng thành, tâm hồn còn muốn "nổi loạn" nên đã đi ngược lại ý muốn của ông: nhảy vào con đường văn nghệ văn gừng chông gai. Sách của anh tặng, tôi phải đem gửi ở nhà một người bạn. Tuy trong các truyện anh viết rất "bạo" nhưng ngoài đời anh là một con người hiền lành; ngay cả những chỗ ăn chơi trác táng của cánh đàn ông, anh cũng không biết ở đâu. Anh rất nhút nhát mỗi khi phải đi đến những chỗ tụ tập đông đảo...

 

Đêm Giao Thừa Mậu Thân 1968, nhà tôi ở Đình Cầu Sơn, phía trong Ngã Ba Hàng Xanh; nửa đêm VC từ nhiều hướng xâm nhập vào thành phố Sàigòn, tấn công ở một số nơi và chiếm đóng ngay Ngã Ba Hàng Xanh. Tôi phải lội con kinh Cầu Sơn để trốn ra ngoài xa lộ. Tất cả giấy tờ tùy thân gồm có thẻ căn cước, Thẻ Báo Chí của Toà báo và 1 Thẻ Báo Chí của Phòng Báo Chí Bộ Quốc Phòng do Ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Báo chí Bộ Quốc Phòng cấp, tôi gói trong nhiều lớp bao nylon và giấu trong quần. Mờ sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, tôi lóp ngóp bò lên Xa Lộ Biên Hoà và bị 1 đơn vị Thủy Quân Lục Chiến bắt giữ. Tôi nhìn thấy huy hiệu con Trâu trên cánh tay những người lính thì biết đó là Tiểu đoàn 2 Trâu Điên TQLC, một đơn vị thiện chiến của QLVNCH. Tôi xin được nói chuyện với cấp chỉ huy và một viên Trung úy tên Quang, Đại đội trưởng đến gặp tôi. Tôi nói cho anh biết tôi là ký giả báo chí bị kẹt trong khu Cầu Sơn khi VC chiếm Ngã Ba Hàng Xanh, không còn lối ra nên tôi phải lội ruộng để trốn đi. Tôi có giấy tờ giấu trong quần. Anh cho tôi lấy giấy tờ xuất trình cho anh. Sau khi xem, anh gọi máy trình cho cấp trên và có lệnh thả cho tôi đi. Anh còn cho tôi 1 bộ quân phục TQLC và cho xe chở tôi về toà soạn Hoà Bình. Tôi và anh Hoàng Sơn, cùng Đạm Phong đã cấp tốc phát hành tờ báo có 2 trang tường thuật về chiến cuộc Mậu Thân ở Sàigòn. Lúc đó ở Sài gòn chỉ có 2 tờ báo phát hành kịp báo tường thuật trận Tết Mậu Thân là tờ Trắng Đen của ông Việt Định Phương, toà soạn trên đường Lê Thánh Tôn do anh Thái Châu phụ trách ra được 4 trang và Hoà Bình được 2 trang. Các báo khác vì nghỉ Tết hoặc các anh chị em ký gỉa bị kẹt trong các vùng chiến sự nên không ra báo kịp.

 

Mấy ngày sau, khi tình hình đã tạm ổn định, các báo đã trở lại hoạt động bình thường, anh Lê Xuyên gọi điện thoại cho tôi nói: "Anh làm khá lắm. Đúng tác phong và tiêu chuẩn con nhà báo". Phải nói vai trò của tôi lúc đó trong tờ báo chẳng ra làm sao cả. Tổng thư ký toà soạn trước năm 1967 là Mặc Giao Phạm Hữu Giáo; khi Mặc Giao đắc cử Dân biểu Hạ Nghị Viện thì Viên Linh về thay thế vào ghế Tổng Thư ký Toà soạn. Tôi từ Thư ký trang trong được đưa lên làm phụ tá cho Viên Linh. Trước Tết Nguyên Đán Mậu Thân Viên Linh đã tự nghỉ việc vì cãi nhau với Trần Hữu Quỳnh, Quản lý Toà soạn về vấn đề tiền nong. Ghế TTK toà soạn còn trống chẳng có ai. Sau Tết vài tháng, chính tôi cũng có xích mích với Trần Hữu Quỳnh khi trong báo Xuân Hoà Bình, tôi có viết một bài phóng sự về việc làm pháo lậu và chạy pháo lậu qua nhân vật Cả Quỷnh; không ngờ nhân vật này lại trùng hợp nhiều chi tiết với đời tư của Trần Hữu Quỳnh như cũng làm y tá dạo không có bằng chích đít con nít làm liệt 1 đứa trẻ trong Xóm Mới và chết 1 đưá khác nên phải xoay qua làm pháo lậu. Quỳnh nói nhân vật Cả Quỷnh chính là tôi nói ông ta (dù tôi không hề biết gì về đời tư ông ta) nên cãi nhau với tôi một trận kịch liệt. Tôi cũng nghỉ làm và gia nhập vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ đó tôi giã từ báo chí. 

 

Bẵng đi một thời gian dài, tôi ít khi gặp giới văn nghệ và báo chí Sàigòn vì chức năng của tôi trong ngành Quân Báo, cấp chỉ huy của tôi không cho phép tôi tiếp xúc với báo chí sợ bị lộ các tin tức bí mật. Tôi cũng không gặp anh Lê Xuyên lần nào nữa... cho đến sau 1975, khi nằm trong tù đầy của VC, tôi được nghe một anh em bạn tù mà tôi đã không còn nhớ được tên, nói là đã có lần gặp được tác gỉa Chú Tư Cầu tức nhà văn Lê Xuyên trong tù...

 

Thời gian trôi đi, tôi được định cư tại Hoa kỳ sau khi vượt biển trên một chiếc ghe loại chạy sông, đến Thái Lan. Năm 2000, khi ở thành phố Charlotte, North Carolina, tôi chủ trương Nguyệt san Đất Sống và chủ trương Qũy Tương Trợ Văn Nghệ Sĩ do Đất Sống thành lập bằng qũy riêng không quyên góp của bất cứ ai, một số văn nghệ sĩ viết bài cho Đất Sống khi nhận nhuận bút đã đóng góp tiền này như anh Phương Triều, Thanh Thương Hoàng, Hoàng Ngọc Liên, MH.Hoài Linh Phương, Sơn Tùng, Tạ Quang Khôi v.v... vào qũy để giúp anh em bên nhà qua anh Văn Quang. Anh Văn Quang cho tôi điạ chỉ của anh Lê Xuyên ở Sàigòn; anh cũng cho tôi biết hoàn cảnh chật vật của anh chị Lê Xuyên sau 75, sau khi bị tù đầy một thời gian, bây giờ già yếu, ngồi bán thuốc lá lẻ để kiếm từng đồng bạc lương thiện. Tôi đã liên lạc được với anh Lê Xuyên và gửi thẳng về cho anh 200 Mỹ kim coi như là chút quà để anh chi dụng trong cơn thiếu thốn. Sau đó hàng năm tôi đều gửi về cho anh 100 Mỹ kim làm chút quà xuân vào dịp gần Tết Nguyên Đán.

 

Có một lần anh chị Lê Xuyên Lê Bình Tăng gửi cho tôi một lá thư, trong đó anh có kèm 1 danh thiếp cũ đã vàng ố có ghi bút hiệu Lê Xuyên của anh và mấy hàng chữ nguệch ngoạc, run run thăm hỏi. Chị Lê Xuyên (nhũ danh là Đặng Thị Bạch) viết cho tôi 1 lá thư ngắn để cho biết là "...từ sau ngày 30/4/1975, anh Lê Xuyên đã hoàn toàn bỏ viết, nghĩa là anh hoàn toàn không cầm bút viết bất cứ một điều gì, lâu ngày tay đã thành cứng và viết rất khó khăn. Sau khi đi cải tạo về, dù phải sống chật vật, anh vẫn luôn nói với mọi người là "Lê Xuyên đã chết". Những hàng chữ này anh LX cố gắng viết cho anh có lẽ là những hàng chữ cuối cùng của anh ấy..."

Đọc thư của anh chị mà tôi cảm động và thương cho một kẻ sĩ giữ được tiết tháo của mình trong một xã hội gian manh, xảo quyệt của cộng sản.

Vài tháng sau, nhân khi có một anh bạn ở cùng thành phố Charlotte, North Carolina của tôi là Lê Văn Cường, cựu sĩ quan binh chủng Công Binh QLVNCH và cũng là một thành viên của Tạp chí Đất Sống của tôi có dịp về Việt Nam. Tôi đã gửi Cường cầm 100 Mỹ kim về ghé đưa cho anh ở 238/146 Nguyễn Tri Phương, Phường 8, Quận 10 Sàigòn. Khi trở về Mỹ, Cường đã kể cho tôi nghe câu chuyện đi tìm gặp anh. Như sự mô tả của tôi, Cường cũng đến nơi, thấy một ông già gầy ốm như tôi nói đang ngồi bán thuốc lá lẻ thì nghĩ đúng là Lê Xuyên nên đến gần hỏi:

- Xin lỗi! Anh có phải là Lê Xuyên không?

Ông già không nhìn lên, đáp:

- Lê Xuyên chết rồi. Xong lơ đãng nhìn trời mây.

Cường liền cười nói:

- Tôi là bạn của Vũ Uyên Giang... Cường chưa dứt lời, Lê Xuyên đã hỏi:

- Sao? Vũ Uyên Giang làm sao? Giang có khoẻ không?

- Khoẻ! Vũ Uyên Giang dặn tôi đến tìm gặp anh để chuyển cho anh chút quà và gửi lời thăm anh chị.

 

Anh Lê Xuyên mừng rỡ hỏi han Cường về tôi. Anh cũng kể cho Cường nghe là có một số báo của VC cũng cho người đến gặp anh để xin anh viết cho họ, có nhà xuất bản của VC cũng xin anh cho tái bản những quyển sách cũ của anh; nhưng anh đều từ chối tất cả dù vẫn phải sống nghèo túng và anh cũng nói với họ rằng Lê Xuyên đã chết.

 

Khi nghe Cường kể về thái độ của anh, tôi vừa thương cảm, vừa qúy trọng và ngưỡng phục thái độ của một kẻ sĩ giữ được dũng khí, sự chính trực và tiết tháo của mình khi nước đã mất thà chấp nhận nghèo đói, khổ sở nhưng quyết không cộng tác với giặc. Thái độ đó chỉ thấy ở những kẻ sĩ thời xưa. Có lẽ anh là một trong những người rất hiếm hoi còn lại giữa thời buổi nhiễu nhương hỗn mang này. Anh đúng là một kẻ sĩ thời đại đáng kính. Tôi rất lấy làm tiếc là khi anh qua đời, tôi đã không về tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ sau cùng đề tỏ lòng ngưỡng mộ một người anh trong nghề báo, một kẻ sĩ mà tôi hằng kính phục. Xin mượn những giòng chữ này như những nén nhang thắp muộn để kính điếu hương hồn anh; mong hương linh anh được an bình nơi cõi vĩnh hằng.

 

Vũ Uyên Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments: