Thursday, July 12, 2018

Thú Vui Ngủ Đò - Không Đề Tên Tác Giả


Thú vui “Ngủ đò”
 
 
 

    Xứ Huế là đất kinh kỳ, là nơi sinh sống của vua chúa, nơi tao nhân mặc khách cùng nhau tụ hội. Cũng vì vậy mà Huế có rất nhiều thú vui tao nhã. Mỗi thú vui đều có một dư âm, một tầng văn hoá khác nhau, nhưng cùng hoà quyện vào nhau để làm nên một dư vị Huế tuyệt vời. Và trong rất nhiều thú vui đó, thú vui “Ngủ đò” được xem như một phần không thể thiếu trong văn hoá xứ Huế.
Thừa Thiên Huế có nhiều sông nhưng chỉ có con sông Hương mới khai sinh nên thú ngủ đò, vốn rất quyến rũ nhưng cũng đầy tai tiếng. Dòng Hương Giang gắn bó với nhiều trò giải trí của xứ thần kinh, nhưng với riêng thú ngủ đò thì sự gắn bó đó thật là đặc biệt vì không có dòng sông, con đò thì lấy đâu ra thú ngủ đò.
“ Nếu như không có sông Hương
Câu thơ xứ Huế nữa đường đánh rơi…”

Một đêm khuya nào đó, ta đang ngủ say, bỗng vẳng lên đâu đó điệu hò mái nhì xao xuyến như mời gọi trong mơ, tỉnh dậy hóa ra là thực. Giọng hò con gái từ một con đò đêm nào đó từ dưới sông Hương vọng lên làm ray rức tâm can...
Những con đò đêm trên sông Hương không ngủ, mà cần mẫn chở lời ca tiếng hát, chở niềm tri ân tri kỷ, chở cả giấc mơ hoa của bao lữ khách giang hồ. Từ đó sinh ra cái thú "ngủ đò".
 

Khi đêm xuống, thuyến rời bến chạy máy (hoặc chèo tay nếu khách yêu cầu), ngược sông lên Hòn Chén hoặc Hương Hồ thì dừng lại, tắt máy, rồi thả trôi. Những điệu ca Huế, những thú chơi lịch lãm như thả thơ, bình thơ, hoặc trao nhau những lời thủ thỉ suốt canh trường .
Đò trôi đến Thiên Mụ hoặc Phu Văn Lâu thì buông neo. Lúc này đã về khuya, sương trăng huyền ảo, chén thù chén tạc nặng lòng, không ai ngủ được. Lại đàn, lại hát, lại trằn trọc nghe eo óc tiếng gà... Đói thì ăn, say thì nằm gối đầu nghe lẩy Kiều... Thật thi vị. Ngủ thiếp đi cũng chẳng việc gì. Tinh sương thì đò nhổ neo xuôi về bến, bịn rịn chia tay, mơ màng cứ ngỡ mình vừa qua một kiếp người.


Con đò sông Hương phục vụ thú "ngủ đò" (như đò ca Huế , thuyền rồng, thuyền phụng) được kết cấu rất tao nhã, khác với các loại đò trong Nam, ngoài Bắc, lại hoàn toàn khác với đò bán hàng, đò đánh cá, đò vận chuyển trên sông Hương. Các loại đò khác cứ thống thống từ lái đến mũi, ở giữa chỉ có cái mui che.
Còn đó sông Hương phục vụ khách "ngủ đò" bao giờ cũng có bốn phần: Phần mũi là khoảng không gian để du khách ngồi hóng gió, ngắm trăng, ngắm cảnh vật đôi bờ. Tiếp theo là khoang thuyền dành cho khách. Ở khoang này, có mui vòm đóng bằng tôn hoặc gỗ, có cửa để vào ra đóng mở.
Bên trong người ta thiết kế có phòng ngủ, có sàn gỗ làm nơi trải chiếu để uống rượu, ngâm thơ, hoặc nghe đàn hát. Khoang tiếp theo là chỗ ở của gia đình chủ đò, cũng có mui vòm, có cửa đóng mở, có sàn trải chiếu để ngủ, cách biệt hẳn với gian ngủ, chơi của khách.
Sau cùng là chỗ để máy đò, bánh lái để người lái thuyền điều khiển đò. Nghĩa là con đò Huế giống như một ngôi nhà di động. Bây giờ gọi là thuyền Rồng, thuyền Phụng, có cái đơn, có cái đôi (gọi là bằng)…


Không biết lối ngủ đò này ra đời từ bao giờ, nhưng có lẽ nét văn hoá này được manh nha từ thói quen của những cư dân sông nước, sinh sống trên những con sông của Huế. Nơi mà hàng ngày những ngư chài mưu sinh cùng sông nước, đêm đến tận hưởng chút thanh thơi cùng với mây trời. Và dần dần niềm vui nho nhỏ đó đã tạo nên một thú vui cho Huế - Ngủ đò.
Lối “Ngủ đò” ra đời cũng xuất phát từ chính trong lòng của xứ Huế. Nơi mà thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống mưu sinh vô vàn khó khăn. Lắm lúc con người ta phải làm tất cả để kiếm sống không đủ thời gian để cảm nhận thiên nhiên xung quanh. Vì thế Ngủ đò ra đời như một sự bù trừ của thiên nhiên, để con người ta có thể cảm nhận sâu lắng nhịp đập của tâm hồn, tạm quên đi những bon chen của cuộc sống xô bồ để chìm vào những phút giây thư thái nhất, thả tâm hồn cùng với mây nước trăng thanh. Được nghe những điệu hò vang vọng trên sông:


“Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá
Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ bóng ngã trăng chênh
Tiếng hò xa vọng nhắn tình nước non”

“Bên chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng
Bên làng Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Trên sông Hương thấy sống dập dềnh
Non sông thêu dệt kinh thành Phú Xuân”



Hay:
“Bên chợ Đông Ba tiếng gà gáy sáng
Bên làng Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương tiếng sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền tình ngả nghiêng”

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay”

“Gió thổi pho pho đưa đò lên Huế
Trăng non đoài vội xế Bao Vinh
Gặp nhau đây giữa ngã ba Sình
Có ai vô kết nghĩa chung tình ngàn năm”



Và Ngủ đò đã tạo cho Huế thêm nhiều chất thơ. Làm cho nhiều tâm hồn Huế trở thành thi sĩ, làm cho bao lữ khách tha phương đến Huế phải ghé chân dừng lại để cảm nhận dư vị đặc biệt này. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng giải bày qua những dòng tâm sự chất chứa nỗi niềm:


“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn trôi hoa bắp lay
Có ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay…

…ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”

(Hàn Mặc Tử)


Được Ngủ đò, con người ta sẽ cảm nhận được từng khoảng khắc của không gian, cảm nhận được ngày tàn của Huế đang lịm dần, đang chìm vào khoảng không vô tận. Hoà cùng những tiếng rao đêm khuya, tiếng gõ “lanh canh” của những người đánh cá đêm, hay tiếng chuông chùa Thiên Mụ báo thức lúc ban mai hoà trong sương đêm mờ ảo. Được cùng mây nước đón những tia nắng ban mai từ phía chân trời phản chiếu trong dòng sông Hương mát lạnh. Bởi thế, nhiều người đã từng nói rằng: Ngủ đò như được sống từng phút, từng giây, từng ti cảm giác để một mai “Thuyền có về Đại Lược, duyên có ngược Kim Long” thì vẫn có chút gì để nhớ.

Gọi là ngủ đò nhưng có ai xuống đò để ngủ bao giờ. Khách xuống đò là để nghe đàn ca xướng hát, để ngâm vịnh thơ ca, để tìm kiếm bạn tri âm, tri kỷ, hay để được thao thức trong khoang thuyền với cô gái Huế bởi những câu chuyện thâu đêm của nàng, mà dân Huế vẫn quen gọi là chuyện canh trường.Rồi từ những vui thú tao nhã ấy mới thai nghén nên cái trần tục khiến khách xuống đò phải nao lòng trước thú mua hoa bán nguyệt. Vì thế mà sau này trong giới ngủ đò mới hình thành nên các cụm từ “ngủ chay”, “ngủ mặn” để nói về múc độ và tính chất của những chuyến xuống đò.
Khách đò thuở trước lịch lãmvà nho nhã lắm. Hành trang mang xuống đò của họ không chỉ là niềm đam mê lạc thú, mà cả một hồn thơ lai láng, một trí tuệ uyên thâm và niềm háo hức muốn trải nghiệm một đêm trên dòng sông của trăng, của thơ và của nhạc. Khách hiếm khi xuống đò một mình mà thường đi với một, hai người bạn. Lúc con thuyền rời bến, ngược dòng Hương đi về phía Kim Long, Thiên Mụ là lúc những sử tích, những giai thoại về dòng sông và những địa danh ven bờ được khơi dậy. Ðó là những bài học lịch sử và địa dư lý thú và lãng mạn nhất mà khách đò được học trong đời. Nó hấp dẫn bởi giọng Huế ngọt ngào của người kỹ nữ sông Hương, bởi khung cảnh thi vị của một đêm trăng, bởi cảm giác được bồng bềnh trên sông nước với những con sóng lao xao ru vỗ mạn thuyền và tiếng mái chèo khua nước róc rách.


Con đò dừng lại, buông neo và một giọng hò mái nhì cất lên lan dài trên mặt sóng. Người ta nghe trong giọng hò ấy những nỗi niềm của thân kiếp; những sử tích về cuộc đời của nàng công chúa biết dứt tình riêng để mang hoà bình, và cả một phần giang sơn, về cho tổ quốc…khiến lòng lãng khách bùng lên mối cảm thông sâu sắc và cả một nỗi buồn vô cớ nhưng da diết. Giọng hò chợt tan biến vào thinh không, cũng bất ngờ như lúc nó ngân lên. Thay vào đó là tiếng dây cuốn neo xé nước roàn roạt. Con đò quay mũi về xuôi trong tiếng thủ thỉ kể “chuyện canh trường” của phận nữ trong khoang đò. Rồi khách đò đi vào giấc mộng lúc nào không hay. Tinh sương, đò nhổ neo xuôi về bến, bịn rịn chia tay, mơ màng cứ ngỡ mình vừa qua một kiếp người.
Bây giờ, khi cuộc sống trở nên xô bồ, người Huế ngày càng bon chen hơn với cuộc sống thì thú vui ngủ đò cứ dần dần lui về quá khứ. Không còn nhiều người đi ngủ đò nữa nhưng những dư âm của nó vẫn vang vọng mãi trong mỗi tâm hồn Huế mỗi khi có dịp được phiêu du cùng mây nước trăng thanh.

 
Không đề tên tác giả
304Đen – Llttm -YD

No comments: