Tuesday, July 3, 2018

Tội Nghiệp Khoai Sắn - Hoàng Long Hải


Tội nghiệp khoai sắn!
 
 

Tính chủ quan làm cho người ta nhiều khi bị hớ. Tôi cũng đã kinh qua một lần như thế.

            Nhân một dịp tết nào đó, cách nay cũng không lâu lắm, ông bà chủ báo hay bạn bè, bảo tôi: Viết một bài cho báo tết. Dễ thôi! Thế là tôi vào ngồi trước computer, đánh máy lóc cóc bài “Ngày tết nói chuyện ăn… cà”.

            Tưởng thế là hay lắm! Xong rồi, tôi nói với nhà tôi vừa viết xong bài “tết nói chuyện ăn… cà”. Vợ tôi nói một câu khiến tôi chưng hửng: “Tết nhứt thịt cá thiếu chi mà nói chuyện ăn cà”.

            Tôi nghĩ nhà tôi nói đúng, nhất là ở bên Mỹ nầy, thực phẩm ê hề! Nhưng vốn dĩ tôi là người chủ quan!

&

            Tôi biết món cà từ lâu lắm, trước năm 1945, khi chưa đi học. Hồi ấy, tôi đã nghe anh chị tôi học bài Lưu Bình – Dương Lễ trong “Quốc Văn (?) Giáo Khoa Thư” truyện thơ cổ tích Việt Nam, Dương Lễ bạc đãi bạn bằng “Dọn mâm cơm cơm với một quả cà”

 

            Ăn cơm với cà mà bạc đãi sao?

            Tôi vốn con nhà nghèo, cơm cà là việc thường tình. Cơm với cà tím (còn gọi là cà dái dê) mới là sang. Tết năm Dần, 1950, mẹ tôi gặp khó khăn lắm. Chạy tản cư hơn hai năm, gia đình tôi mất hai người: Chị đầu tôi qua đời vì bệnh cuối năm 1947 ở làng An Mỹ, huyện Gio Linh, ở bờ nam sông Bến Hải. Thân phụ tôi cũng qua đời năm sau vì bệnh khi ông theo Việt Minh đi kháng chiến ở chiến khu Ba Lòng. Giữa năm 1949, anh cả tôi bị Tây bắt thủ tiêu ở Huế khi ông làm báo chống Pháp và chính quyền tay sai ở Huế. Bữa ăn những ngày tết năm đó thật đạm bạc, mâm cơm có quả cà dĩa với nước mắm ớt là ngon lắm. Tôi khó quên.

            Vậy mà, do đời đưa đẩy, tôi quên mất… cà.

Mãi tới những năm dạy học, tôi mới thấy lại cà trong… ca dao. Người con trai mai mỉa nhà cô gái:

“Công anh làm rể có tài,

Một mìn ăn hết mười hai vại cà,

Giếng đâu thì dắt anh ra…”

Chuyện cà còn dài, quý độc giả muốn đọc cho vui thì tìm trên web, nhiều web có đang bài “Ngày tết nói chuyện ăn… cà”.

Bây giờ xin nói chuyện khoai sắn trong ca hát. Khoai sắn là một loại thực phẩm bà con gần gũi với cà.

            Thực phẩm người Việt có cơm là chính. Các món ăn phụ là ngô, khoai, sắn. Người ta ăn ngô khoai sắn bình thường… Con nhà nghèo, sáng ăn củ khoai, khúc sắn, chén bắp (ngô) đi học, Những năm mất mùa, đói kém, thiếu gạo, người ta chỉ ăn ngô khoai… trừ cơm hay ăn độn. Độn là khoai, sắn hay ngô nấu chung với cơm, để tiết kiệm gạo… Khá giả một chút thì cơm nhiều, khoai sắn ít. Nghèo thì chỉ thấy khúc sắn củ khoai mà không thấy cơm đâu cả. Giỡn một cách mai mỉa như Vũ Ánh thì lát khoai mì cõng 300 hột cơm. Trong “Thung Lũng Tử Thần”, tác giả viết: “Thực phẩm gồm cơm và khoai mì. Thực tế mỗi bữa ăn chúng tôi được phát khoảng 6 lát khoai mì phơi khô rồi luộc chin. Sáu lát khoai mì khô ấy “cõng” thêm khoảng từ 250 đến 300 hạt cơm.” (trang 146)

            Người ta chỉ ăn ngô khoai hay hay độn vào những năm đói kém, mưa bão, lụt lội, mất mùa. Mất mùa thì không có gạo, phải ăn khoai sắn, nên cha ông dặn rằng:

                        Được mùa chớ phụ ngô khoai.

                  Đến năm Thân, Dậu lấy ai bạn cùng.

 

            Những năm Thân, Dậu thường có bão lụt, mất mùa…

            Ấy là nói chuyện cổ tích. Thời đại ngày nay, không bão lụt, hạn hán, cơm không có để ăn mà khoai sắn cũng hiếm. Ấy là do chính sách của nhà nước.

Hồi còn niên thiếu, khi làm precepreur ở nhà ông chú họ, tôi thường nghe ông mai mỉa con cháu: “Thừa cơm rửng mỡ, đói rả họng vào thì…” Hồi trước 1975, thanh niên, sinh viên miền Nam thường biểu tình, tranh đấu, đả đảo, đòi hỏi chuyện nầy, việc kia.

Sau 1975, không thấy thanh niên, sinh viên biểu tình. Nói như ông chú tôi: “Đói rả họng…” thì biểu tình gì nỗi. Ai nói đó không phải là “nhờ ơn đảng, nhờ ơn bác…” nên thanh niên sinh viên không đi biểu tình tranh đấu nữa.

            Những ai không ăn khoai sắn, không ở tù dưới chế độ Việt Cộng, khó hát câu “thương em dài lâu…” Và cũng khó nói nếu ai đó có ở tù với Công Sản, mà lại không quen “chôm chỉa” khoai sắn.

            Bấy giờ thì “đổi đời” rồi. Ngày trước, cơm là món ăn chính, khoai sắn chỉ là phụ. “Đổi đời” thì khoai sắn là chính, cơm là phụ. Lâu lâu mới được chén cơm. Cũng vì vậy nên dân Saigon có câu chuyện đùa “Ăn cơm Ba Lan (g)”: Sáng khoai, trưa khoai, chiều khoai, ngày “Ba” bữa khoai “Lan(g)”. “Chính hiệu con nai vàng” là Cơm Ba Lan(g). Đâu có ai nói vu!

            Cái khổ ấy, dân miền Nam chịu sau dân miền Bắc những hai mươi năm.

Trong vụ “Nhân Văn Giai Phẩm”, Phùng Quán bị “đánh tơi bời” vì bài thơ “Chống tham ô, lãng phí” của ông. Bài thơ có một hình ảnh đang nhớ, nói về cảnh sống của dân Bắc Kỳ hồi ấy:

“Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ;

 

Người ta chỉ ăn toàn khoai sắn, ăn cả vỏ, mà vỏ thì không tiêu hóa được!

Trong thơ, người ta nói về khoai sắn nhiều lắm, nay chỉ xin nói về ca nhạc thôi.

Năm 1946, Phạm Duy theo kháng chiến. Theo kháng chiến, cũng có nghĩa là bỏ thành thị, về vùng quê, sống với nông dân. Phần đông, khi tản cư hay theo Việt Minh kháng chiến, về miền quê, người ta ngại. Trước hết, ở thôn quê thiếu tiện nghi, không như ở thành phố có sẵn điện nước, v.v… và v.v…

Vì vậy, “theo chính sách”(?) của Việt Minh, Phạm Duy làm bài ca ngợi cảnh sống ở nhà quê theo lời một bài ca dao, cũng trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” để khuyến khích người thành phố “Về Đồng Quê”. “Về Đồng Quê” cũng là tên một bài hát của ông.

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ

 

Rồi Phạm Duy ca ngợi:

Khoai lùi bếp nóng
Ngon hơn là (a à a) vàng.

Khoai sắn ngon hơn là vàng? Có thật chăng?

Thật đấy!

Năm 1980, khi tôi còn ở tù cải tạo Z30A, trại Xuân Lộc, gặp anh Cao Văn Thanh, xuất thân Quốc Gia Hành Chánh, em một người bạn học cũ, cô Cao thi N. Lần đầu tiên “ăn chung” với anh, bữa ăn mỗi người lãnh một chén khoai mì lát. Nhìn lát khoai mì còn trắng, anh ta nói: “Khoai mì ngon quá”. Nói như thế là vì anh ấy so sánh với khoai mì được phát khi anh còn tù ở “Vương quốc Lừa Dối” (nói theo cách của nhà thơ Lê Mai Lĩnh), lát khoai mì đã thâm đen lại, mục, đã biến chất, chất bổ dưỡng chẳng còn bao nhiêu.

Phạm Duy không ở tù Việt Cộng, sao ông ta biết khoai “ngon hơn là vàng”. Đó chỉ là cách ông ta nói theo lối thậm xưng của người nhà quê Bắc Bộ mà thôi!

Không chỉ “Em Bé Quê” là trẻ ngoan, người nhà quê cũng thật thành, chất phát. Cũng trong đường lối ca ngợi thôn quê, người nhà quê, Phạm Duy còn viết trong bài hát “Vợ Chồng Quê”:

“Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy.

Nói năng hiền lành như thóc với khoai.

Thóc khoai là biểu tượng cho sự thành thật, hiền lành của người nhà quê Việt Nam?

Bài hát “Bà Mẹ Quê” cũng có tính chất quê mùa, thật thà, vất vả của người mẹ nhà quê, nhưng không thấy Phạm Duy nói tới thóc với khoai như trong bài hát vừa rồi.

Hết ca ngợi người, Phạm Duy ca ngợi cảnh thôn quê Việt Nam: Trong “Nương Chiều” cũng không thiếu hình ảnh nương khoai, (rẫy sắn);

Chiều ơi!
Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi…

Trong số các nhạc sĩ theo kháng chiến, ca ngợi thôn quê Việt Nam, không chỉ một mình Phạm Duy đâu! Người ta cũng thấy điều ấy trong những bài hát của Hoàng Thi Thơ:

mưa lay hoa cà
da em quá mặn mà
và thương bao giọt mồ hôi

(Duyên Quê)

Em ơi . . .
Mướp cà
mấy độ lên hoa?
Hương cau còn tỏa mái nhà?

(Tình sầu biên giới)

Trong bài “Các Anh Đi”, Hoàng Thi Thở diễn đạt một cách cảm động hơn:

Anh đi một sáng Thu buồn
Xao xuyến thôn nghèo và vườn dâu níu tay anh
Vườn khoai níu chân anh ngẩn ngơ bao lòng

(“Các Anh Về” Hoàng Thi Thơ)

Cành dâu vươn ra khỏi hàng, vướng vào tay người đi, như muốn níu người ở lại. Giây khoai lang vươn ra khỏi vồng, vướng vào chân anh, như muốn níu chân anh lại.

Trong kháng chiến, Phạm Duy đi “công tác” nhiều nơi. Lên mạn ngược cùng Văn Cao, ông soạn bài “Rừng Lạng Sơn”, còn Văn Cao soạn bài “Bắc Sơn”. Phạm Duy vào Bình Trị Thiên, soạn các bài “Về Miền Trung” khi ông về Đại Lược (1) và “Quê Nghèo”, khi ông về Quảng Bình.

Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầỵ…

 

Nồi cơm ngô đầy mà cũng vui đến thế sao?!

Dĩ nhiên, người dân cũng không vui với nồi cơm ngô ấy. Họ ước mong một cuộc sống no đủ hơn, không có cơm trộn ngô khoai, v.v…

Phạm Duy biết điều ấy khi ông viết:

Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Ðể cho cô con gái không buồn vì gió Ðông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Ðể cho anh trai tráng được gần người gái quệ

 

            Trong chiến tranh chống Pháp, người dân quê khổ không ít về binh đao, giết chóc. Câu chuyện “Bà Mẹ Gio Linh” được Phạm Duy viết thành nhạc, khiến bao nhiêu người phải khóc. Người ta kể cô Thái Thanh, mỗi lần hát bài hát nầy, cô từng chảy nước mắt không ít lần:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai

                        Nuôi con đánh giặc đêm ngày

                        Cho dù áo rách sờn vai

                        Cơm ăn bát vơi bát đầy

 

            Quê bà ở làng Mai Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Con bà là du kích ở làng, bị Tây ở đồn Nhĩ Hạ, bắt được, chặt đầu cắm vào đòn xóc, đem bêu ở chợ. Nghe tin con bị giặc giết, bà mẹ lặng lẽ đi lấy đầu con về, dấu trong thúng, rồi đem chôn…

            Thương con, bà mẹ thương luôn cả những người bạn của con, đã cùng con chiến đấu. Khi họ đến thăm bà. Bà có gì quí để đãi bạn của con?

 

Mẹ già đi lấy nồi khoai

Bưng lên khói hương mờ bay

 

Có người nói rằng khi “Về miền Trung”, Phạm Duy soạn hai bài hát đáng nhớ: Bài “Về Miền Trung” khi ông ở Quảng Bình, và bài “Bà Mẹ Gio Linh” khi ông đến Quảng Trị.

Tôi không nghĩ vậy. Nếu Phạm Duy viết “Làng tôi không xa kinh kỳ sang chói”, có nghĩa rằng làng ấy thuộc Quảng Trị. Quảng Bình thì xa quá, cách một “Truông nhà Hồ”. Thật ra, cảnh làng xơ xác ấy, tôi từng thấy ở quê tôi. Qua khỏi “phà Bồ Bản”, ở ngay làng nầy, và kế đó là làng Tường Vân, người ta thấy ngay cảnh Phạm Duy mô tả trong bài “Quê Nghèo”, ngay cả những sau năm chiến tranh 46-54.

Vùng nầy, từ phía ngoài Cửa Tùng, kéo dài tới Phá Tam Giang, Sịa, v.v… là vùng đất bị cát xâm thực, không trồng lúa được. Người ta thường lên vồng trồng khoai lang. Trời mưa thì khỏi tưới. Gặp khi hạn hán, người ta gánh nước sông lên tưới khoai lang đến “mờ người”. Tôi từng đọc một truyện ngắn, kể về một cô gái quê nghèo ở vùng Sịa, “theo cách mạng” chỉ vì một câu tuyên truyền không mấy thực tế của một cán bộ Cộng Sản: “Cách mạng thành công thì có máy tưới khoai lang, khỏi phải gánh hàng trăm đôi nước mỗi ngày.”

&

Ở tù dưới chế độ Cộng Sản, không ít người bị “tụi nó” bắt đi cuốc đất trồng khoai. Anh bạn tù thân yêu của tôi, cũng là “đội trưởng” của tôi, gọi đùa việc lên luống trồng khoai là tập “thể dục tổng hợp”. Người tù khi lên luống khoai, đứng một chân trước, một chân sau, đưa cuốc lên thật cao, dáng mạnh xuống phía bên kia, để lát cuốc ăn được sâu xuống đất, rồi kéo mạnh lên, kéo nguyên cả tảng đất, đắp lên bổi. Bổi là các cành lá, bụi tranh, bụi cỏ, được sắp hàng dọc, để làm phân xanh, củ khoai được to. “Bọn tù chúng tôi” cũng không kém thông minh. Thỉnh thoảng xin cán bô xuống suối lấy đá để mài cuốc. Cuốc không bén, lát cuốc không sâu. Cuốc của chúng tôi đâu có lụt. Mài cuốc chỉ là cái cớ. Xuống tới suối, mài tí chút, xong để ngang cây cuốc lót đít mà ngồi nói chuyện với nhau chơi! Ấy là tội “trốn lao động”. Dĩ nhiên, cũng có anh chàng nào đó đứng canh chừng cán bộ. Hễ cán bộ tới thì lại…mài cuốc!

&

Vậy thì sau chiến tranh, người dân quê được gì?

“Ngày Trở Về”, cũng do Phạm Duy viết “Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ”. Có lúa mà cũng có ngô. Hai thứ nầy không rời nhau ra được sao?

Bài hát “Người Về” của Phạm Duy cũng vậy. Mấy đứa trẻ, – tương lai Dân Tộc Việt Nam đấy -, chúng như “Một đàn chim nhỏ bé, Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà.”  Không ngô khoai thì cũng cơm cà.

Hoàng Thi Thơ cũng không khác chi. Nguời đi kháng chiến nhắn về hỏi vợ:

            “Em ơi!

            Mướp cà mấy độ lên hoa…”

(Tình sầu biên giới)

 Ở đây, không cơm với cà thì cũng mướp với cà.

Sau chiến tranh, phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia “tiếp thu” Nam Ngãi Bình Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Phan Lạc Tuyên xúc động không ít vì cảnh sống nghèo khó của người dân vùng nầy. Bài thơ “Tình Quê Hương” ông viết trong chiến dịch nầy, được Đan Thọ phổ nhạc.

Mẹ già như chiều nắng,
Nhớ con trai chưa về,
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa

            “Con trai chưa về”? Anh ta theo Việt Minh, lên rừng hay “tập kết ra Bắc”? Mẹ và con gái ở lại đó, đón người lính Quốc Gia “Về giải phóng quê em” với tình cảm mặn nồng:

Em mời anh dừng lại,
Đêm trăng ướt lá dừa,
Bên nồi khoai mới luộc,
Ngát thơm vườn ngâu thưa,

Dù có mặn nồng như thế nào thì cũng chỉ có “nồi khoai mới luộc”.

Bài hát nầy khá hay, nhưng kể từ khi Phan Lạc Tuyên đào tẩu qua Miên vì tham gia cuộc đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960. Sau ông theo Việt Cộng ra Bắc. Các ca sĩ miền Nam ít hát bài nầy. Ca sĩ Cộng Sản thì chẳng bao giờ. Bây giờ Phan Lạc Tuyên đã bị Việt Cộng hóa, chính anh em nhà ông cũng phê phán ông nặng nề, nói chi dân chúng Việt Nam.

Dù có chiến tranh hay không, đồng quê Việt Nam không bao giờ thiếu cảnh khoai cà. Đó là nhận xét của Phạm Thế Mỹ trong bài “Rạng đông trên quê hương Việt Nam”. Nói cho cam, trước 1975, giới trẻ miền Nam cũng có nhiều người ưa nhạc Phạm Thế Mỹ, nhiều người hát bài “Trăng tàn trên hè phố”. Tuy nhiên, xem kỹ lời ca ông viết, người ta biết ông thiên tả. Ít người biết ông là em ruột nhà văn Cộng Sản Phạm Hổ.

Trên đò máy anh đi qua

Con sông nhỏ trôi hiền hòa
Trong vườn cà đang ra hoa

Cánh bướm xuân múa mừng ta

Những lời ca sau đây, dĩ nhiên, cũng “ca ngợi” ngô khoai, nhưng đây là dân ca:

Gió lên rồi căng buồm cho khoái.

Gác chèo lên ta nướng khô khoai hờ hơ!

Tình tang tang tính tính tang.

Khoan hỡi khoan hò.

Bỏ ghe mà nghiêng ngửa ớ ơ là hò.

Không ai chống chèo.

Không ai chống chèo ơ hò ơ hò là hò ơ

(Lý kéo chài)

Sau khi Việt Cộng “cởi trói”, người ta nghe không ít lần bài hát “Về đây nghe em” của Trần Quang Lộc, một nhạc sĩ trẻ quê ở Quảng Trị. Trước 1975, ông bị tất bẩm sinh nên khỏi bị động viên vào quân đội.

Đừng hiểu lầm đây là bài hát Việt Cộng kêu gọi người Việt hải ngoại về thăm quê hương.

Trước 1975, một dịp nào đó, tình cờ ông gặp vài cô gái cùng quê, vì sợ bom đạn hơn là sợ nghèo đói, lên thành phố, làm nghề bán “bar” Mỹ. Ông đau lòng cho người dân xứ ông, kêu gọi họ “Về đây nghe em”:

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc.

Kể chuyện tình bằng lời ca dao.

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai.

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới.

Những ai có trồng khoai thì biết việc ôm hom khoai dăm vào luống. Có anh chàng mất người yêu, tìm “Người xưa đâu rồi” mãi không thấy, than thở

Lá khoai ôm mãi chưa xong

em đi lấy chồng tui còn với ai!

ơi cò ới ơi cò ơi …

&

Sau khi đất nước chia đôi, miền Bắc thì, nói như Phùng Quán, “phân người toàn vỏ khoai trắng đỏ” thì miền Nam là “Trăng thanh bình”, đất ruộng miền Nam là:

Quê hương đôi ta đồng xanh xanh bao la!
Tình thương như sắn cà một niềm mặn mà

Người ta thương yêu nhau lắm đấy. Nói như Phạm Duy thì “hiền lành như thóc với khoai”. Ở đây thì “sắn cà”.

Dù nói như thế nào, thì khoai sắn cũng là cảnh nghèo. Trang Thế Hy, một cộng tác viên báo Nhân Loại hồi cuối thập niên 1950, sau theo Cộng Sản, như Lê Vĩnh Hòa, tên thật là Đoàn Thế Hối, em ông Võ Phiến, cũng có một bài thơ có khuynh hướng xã hội. Bài thơ nầy được Phạm Duy, dựa theo ý thơ để phổ nhạc. Câu chuyện xảy ra chung quanh một… củ khoai:

Khi họ còn thơ bé, từng chia nhau:

Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê

            Rồi cuộc đời đua đẩy, người con gái đã bỏ nhà ra đi, sống một nơi:

Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán…

            Bây giờ họ:

 

Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon

(Quán bên đường,

thơ Trang Thế Hy, Phạm Duy phổ nhạc)

            Không quên củ khoai ngon, dù hồi thơ ấu, nhà họ nghèo.

&

            Bây giờ, nhiều người Việt Nam sống ở Mỹ, có ai nhớ khoai sắn?

Không ít lần tôi vào chợ Việt Nam. Khoai tây ở đây không thiếu gì, nhưng khoai lang thì thấy ít. Đôi khi tôi tìm được khoai tím Đà-Lạt, khoai trắng, khoai (màu, nghệ) vàng. Tôi nhớ sắn hơn, đôi khi chợ Việt Nam không có, tôi vào chợ Mỹ tìm “Yucca”. Yuca là tiếng “Xì” (Xì-pa-nish) Tây Ban hay tiếng Mỹ? Khoai mì phải trồng ở vùng đất khô, như ở miền Đông Nam Bộ chẳng hạn. Tôi ở miền Đông-Bắc Hoa Kỳ, không biết ở miền Nam Mỹ có trồng khoai mì hay không. Khoai mì ở đây thường từ các nước Nam Mỹ Châu đem lên.

            Không phải chỉ riêng tôi hay nhiều người ưa khoai mì hay khoai sắn, v.v…

            Cũng có người “Em vẫn mơ một ngày nào”, dĩ nhiên là để trở về quê hương mình, và để

Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò.
Khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng.
Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần

“Vê en-Nờ” là Việt Nam kiêu hùng.

            Người sáng tác bài hát nầy là ca sĩ Nguyệt Ánh. Có người nói với tôi rằng cô là con gái một ông đại tá chế độ cũ. Vậy thì có lẽ, trước 1975, không mấy khi cô ta ăn khoai sắn chăng? Khoai sắn là món ăn của người nghèo mà!

            Nhưng đã là người nghệ sĩ chân chính thì dâu cần phải vậy, đâu cần phải có ăn hay không ăn khoai sắn mới biết, mới có tấm long!

            Khoai sắn là món ăn của Dân Tộc. Cảm nhận được tình tự của Dân Tộc là cảm nhận được cái gì thuộc về Dân Tộc. Có thể đó là Lịch sử Dân Tộc, Văn hóa của Dân Tộc, Bản chất của Dân Tộc. Trong viễn tượng đó, dù ăn thịt cá, sơn hào hải vị, hamburger hay hot dog… Dù gì thì khi nhớ Việt Nam, nhớ Người Việt Nam, nhớ Quê Hương Việt Nam, ai lại không thể nhớ tới khoai sắn được?

            Sau khi chiếm miền Bắc, hai mươi năm sau cai trị toàn cõi, Cộng Sản đẩy người Việt Nam tới tận đói nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ngày ba bữa khoai lang, mấy lát khoai mì, ăn vào đau cả miệng, xót cả ruột, khiến người dân Việt Nam đâm ra sợ khoai sắn hay chăng?

 

Hễ nói tới Việt Cộng là người ta nghĩ tới khoai sắn, làm như khoai sắn cũng là… Việt Cộng.

            Nghĩ vậy là nghĩ oan.

            Nghĩ vậy là “Tôi nghiệp cho khoai sắn”!

hoànglonghải

  • Trong một bài viết của Thanh Tịnh, ông kể chuyện “Đi

buôn đò dọc” là một hình thức thương mại của người dân Trị-Thiên trước 1945. Người ta mua hàng từ Chợ Huyện, Chợ Phủ ở Vĩnh Linh hay Cầu Hai, Nước Ngọt ở phía nam Huế để bán lại cho người tiêu thụ ở Huế, cố đô. Thương buôn thường chở hàng bằng Đò Dọc, trong một khung cảnh rất hữu tình. Trên sông dài trời rộng, một chiếc thuyền đi trước, một chiếc đi sau. Người chèo thuyền trên hai chiếc thuyền thường hò đối đáp qua lại.

            Người chèo thuyền đi sau hò một câu làm quen:

                        “Thuyền ai đi trước,

                        Cho tôi lướt đến cùng.

                        Cảnh đã chiều, trời đất mông lung.

                        Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tiếng sương.

 

            Có tiếng hò phía trước đáp lại người chèo thuyền sau. Đến một lúc nào đó, qua gần hết “Phá Tam Giang”, người ta hò chia tay:

                        “Thuyển về Đại Lược,

                        Duyên ngược Kim Long

                        Tới đây là chỗ rẽ của lòng

Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?

 

            Từ ngữ trong câu hò, vừa mới mẻ, bóng bẩy và lãng mạn vô cùng. Nhiều người mê đi buôn đò dọc là vì vậy. Trong ý nghĩa đó, ca dao Trị Thiên lại có câu:

                        “Mẹ già cuốc đất trồng tiêu

                        Con buôn đò dọc mẹ liều con hư”

Hoàng Long Hải

304Đen – Llttm - VT

No comments: