Friday, October 19, 2018

Đọc Bài Thơ Chiếc Nhẫn Cưới Của Jasmina Nguyễn - Nguyễn Cang


ĐỌC BÀI THƠ CHIẾC NHẪN CƯỚI CỦA JASMINA NGUYỄN
 
 
CHIẾC NHẪN CƯỚI

 
Chiếc nhẫn tròn tròn, bé xinh xinh,
Quanh ngón tay thon, trọn cuộc tình.
Như chiếc lồng son gài chặt cửa,
Như chiếc gông đời chợt đóng đinh.
Xoay xoay chiếc nhẫn quanh ngón tay,
Vòng ngược vòng xuôi mãi loay hoay.
Quay quay mỗi sáng trưa chiều tối,
Xoay tít, xoay quanh ngón tay gầy.
Khúc ngoặt của đời đã bước vào,
Bước ngắn, bước dài, bước đảo chao.
Chiếc nhẫn bé xinh – một vòng tròn:
Định mệnh một đời, bỗng lao xao!

Jasmina Nguyên

     Bài thơ "Chiếc nhẫn cưới" của Jasmina tôi đọc đã lâu, nay đọc lại vẫn còn cảm xúc. Bài thơ hay không phải do lời thơ chải chuốt bóng bẫy mà do cảm xúc dâng trào bất chợt khi tiếp xúc với người con gái bất hạnh ở giai đoạn cuối của cuộc đời, để tác giả ghi lại một cách trung thực quanh chiếc nhẫn cưới bằng một bút pháp đầy thuyết phục. Lê Hữu Nghĩa chọn bài thơ nầy để họa tôi nghĩ LHN cũng đã thấy đựơc nét đặc biệt ẩn chứa trong  thơ. Tôi không còn cảm hứng để họa bài thơ trong hoàn cảnh nhất định nầy mà chỉ cảm nhận được ý của thơ để ghi lại những cảm xúc và nhận xét riêng của mình. Bài thơ đưa ra một đề tài tương đối mới mà cách diễn tả cũng mới, không theo khuôn sáo cũ thường thấy, trái lại có khuynh hướng sáng tạo. Thường thì người ta sáng tác một bài thơ để bày tỏ nỗi lòng, dùng từ ngữ trau chuốt đề thi vị hoá hay cường điệu hoá để bài thơ mang tính lãng mạn gây cảm xúc nơi người đọc. Ở đây tác giả không làm như vậy mà đi xa hơn một chút bằng cách diễn tả tứ thơ bằng những từ ngữ thi ca một cách sống động, chọn lọc, chặt chẽ, mạnh mẽ, tưởng như lãng mạn mà không lãng mạn vì ý thơ lẫn tứ thơ rất thật, rất gần với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, nó cũng không thi vị hóa hay cường điệu hóa nhưng chân thành tha thiết. Mở đầu tác giả giới thiệu chiếc nhẫn mới cưới thật xinh tràn đầy niềm vui và hy vong. Câu thơ nghe mượt mà, êm dịu, xúc tích: "Quanh ngón tay thon, trọn cuộc tình". Nhưng tiếp theo, thực tế tình yêu không đẹp như nàng tưởng,trái lại nó phủ phàng cay đắng, vì chiếc nhẫn chỉ là "chiếc gông đời chợt đóng đinh" ! Cụm từ "chiếc gông đời" diễn tả hết sức đầy đủ ý nghĩa cuộc hôn nhân bất hạnh. Câu thơ nầy mang âm huởng của bài ca dao khi đề cập tới người con gái tới tuổi trưởng thành đi lấy chồng để rồi mang "cái gông đời" vào cổ, với tâm trạng vừa hài hước vừa bi ai, không phản kháng, chấp nhận "có còn hơn không" !

"Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đinh
Phản gỗ long đinh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khổ lắm chị em ơi!"

    Tứ thơ dồi dào mà cô đọng trong "chiếc nhẫn" nhưng nó ràng buộc nghiệt ngã cuộc đời tác giả. Từ ngữ khéo sử dụng đã lột tả hết nỗi đau cũng như sự bế tắc cuộc đời của một người vợ, người mẹ trong một cuộc hôn nhân đầy trắc ẩn mà sự lựa chọn giờ đây chỉ còn là một định mệnh không cách nào xoay chuyển hay làm khác được. Thử phân tích 4 câu thơ ở đoạn giữa mà tôi cho rằng đó là trọng tâm của bài thơ :

Xoay xoay chiếc nhẫn quanh ngón tay,
Vòng ngược vòng xuôi mãi loay hoay.
Quay quay mỗi sáng trưa chiều tối,
Xoay tít, xoay quanh ngón tay gầy.

Tâm trạng người con gái biến đổi đột ngột, nàng hoang mang lo sợ như vừa nhận ra mình đã nhầm lẫn khi chấp nhận cuộc hôn nhân nầy. Bây giờ phải làm sao? Bỏ đi? Không được ! Nàng mân mê chiếc nhẫn cưới không phải để trân quý cái hạnh phúc đang có, trái lại nàng muốn tháo bỏ nó đi nhưng than ôi nàng không làm được, nàng không đủ can đảm để làm việc nầy, lễ giáo VN không cho phép nàng thực hiện. Nàng cảm thấy khó chịu, ngột ngạt, cứ xoay qua xoay lại chiếc nhẫn từ sáng tới chiều tối, xoay tít ngón tay gầy thật tội nghiệp! Điệp ngữ: "xoay tít", "xoay quanh", nhấn mạnh sự lo lắng muốn thoát ra khỏi bế tắc, là những động từ chỉ hành động cụ thể có tính cách tích cực.

Động từ ghép "loay hoay" sử dụng rất thich hợp, khéo léo, chỉ một động tác được thực hiện một cách chật vật, khó khăn, mất nhiều thời giờ, đôi khi trở thành vô ích. Ví dụ : tôi đã loay hoay cả buổi sáng mà cũng chưa sửa xong chiếc xe. Trong bài, chỉ sự lúng túng, bối rối và sự bế tắc của nhân vật. Tĩnh từ "gầy" được sử dụng thật đắc vị cho ta thấy cuộc đời nàng trải qua nhiều đau khổ đắng cay nên thân xác gầy còm gầy cả ngón tay. Cũng từ đây cuộc đời nàng bước sang khúc ngoặt mới... Chính cái bất lực nầy đã khiến tác giả ray rức, ngột ngạt, đẩy bi thương đến cùng cực, đau đớn đến tận cùng, nói không ra lời !

Phép ẩn dụ được sử dụng một cách khéo léo, triệt để. Cụm từ "chiếc lồng son" (trong câu : Như chiếc lồng son gài chặt cửa) nghĩa đen chỉ chiếc lồng nhốt chim, nhưng phép ẩn dụ được sử dụng để chỉ lầu son gác tía, cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng thiếu thốn về tinh thần. Lầu cao cửa rộng lại là nơi giam giữ cuộc đời bất hạnh của một người con gái! Trong câu "Chiếc nhẫn bé xình, một vòng tròn", thì cụm từ "một vòng tròn" nghĩa đen là vòng tròn hình học có bán kính nhưng ở đây không phải nghĩa đó mà để chỉ dòng đời nghiệt ngã như một vòng tròn không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc ! chính cái vòng nghiệt ngã nầy đã buộc chặt cuộc sống bất hạnh của người con gái đáng thương ! 

Về phương diện nghệ thuật, ngoài ưu điểm kể trên, theo thiễn ý của tôi thì tác giả đã sơ suất phạm  một lỗi nhỏ mà những người "chơi thơ" sành điệu khó bỏ qua, đó là 5 câu chót tác giả sử dụng một loạt 5 vần bằng cuối câu ! lẽ ra phải có một vần trắc để bài thơ trước khi kết thúc phải có một bước đi lên bởi một vần trắc sau đó mới chìm xuống bằng một vần bằng, như vậy nó mới giữ được cảm xúc lâu dài nơi người đọc:

"Xoay tít, xoay quanh ngón tay gầy.
Khúc ngoặt của đời đã bước vào,
Bước ngắn, bước dài, bước đảo chao.
Chiếc nhẫn bé xinh – một vòng tròn:
Định mệnh một đời, bỗng lao xao!"

    Tôi thử đặt vần trắc như vầy, chỉ cần thay một chữ thôi : 
Chiếc nhẫn bé xinh – một vòng (tròn)[XOÁY, NHỎ]
Thay chữ "tròn" bằng chữ "Xoáy" hay "nhỏ" ( để lấy vần trắc) !

Đây không phải là một bài bình thơ đúng sách giáo khoa mà chỉ là ghi lại một vài cảm xúc cũng như nhận xét vắn tắt về bài thơ mà thôi, hơn nữa cũng để đáp lại nhã ý của LHN mời tôi họa bài thơ trên.
Nguyễn Cang (10/10/18)

Ghi chú: Khi bài viết xong tôi chuyển đến tác giả, đọc giải trí thì nhận được sự giải thích về xuất xứ bài thơ như sau : Bài thơ được sáng tác cách nay gần 30 năm, dựa vào câu chuyện tình cay nghiệt có thật của một người bạn quen mà tác giả có được nguồn cảm hứng và xúc động để sáng tác bài thơ nầy.

Về luật bằng trắc thì lúc đầu tác giả đi đúng luật với bản gốc là : "Chiếc nhẫn bé xinh vòng tròn nhỏ"( đúng vần trắc ở cuối câu)nhưng sau đó chứng kiến cái kết thúc hôn nhân của người bạn gái bằng cái chết, tác giả "phá luật", chuyển trắc thành bằng cho hợp với cảm xúc và tình tiết câu chuyện( xin trích lời giải thích của tác giả: "Chính vì vậy chiếc nhẫn cưới với tôi không còn là một vòng tròn nhỏ hoặc bất cứ vòng tròn gì. Nó chỉ là một vòng tròn không có điểm khởi đầu hoặc kết thúc, cho dù có chết đi vẫn chưa phải là hết. Vậy thôi! Thế nên tôi đổi lại lời thơ trong câu đó, chấp nhận sai luật". Tác giả hứa : "Nếu một ngày nào thấy cần đổi, như cuộc đời thay đổi, tôi sẽ đưa câu thơ đó trở về nguyên thủy".
Xin cám ơn tác giả Jasmina,

NC

 

No comments: