Trên bãi biển Sầm Sơn, Phát và Hoàn
biết nhau, lưu ý đến nhau rồi thân mật với nhau.
Hoàn và mẹ thuê nhà nghỉ mát, thuộc
dẫy thứ sáu. Mỗi khi ra bãi biển, Hoàn phải qua một khách sạn nhỏ. Phát trọ ở
đấy. Sáng nào, chiều nào chàng cũng đứng trên hiên gác đợi Hoàn đi tắm. Và
chàng thả xuống những lời bỡn cợt. Trước Hoàn còn mỉa mai đáp lại. Sau thấy anh
chàng trơ trẽn quá, nàng lặng thinh, hoặc mỉm cười khinh bỉ. Nhưng cái lặng
thinh ấy, cái mỉm cười ấy, Phát không cho là có ý khinh bỉ. Trái lại, chàng
nhất định tin rằng Hoàn ưng mình.
Hoàn khó chịu, đi lối khác ra biển
tuy lối này vừa dài hơn, vừa bẩn hơn, nhất những hôm trời mưa. Biết thóp, Phát
đến đón ở gần cổng nhà Hoàn, để theo nàng đi tắm. Hoàn bật cười. Và chẳng giữ
nổi vẻ lạnh lùng, nàng trả lời Phát một câu nhã nhặn. Thế là hai người bắt đầu
làm quen nhau.
Từ đấy Hoàn lại theo con đường cũ.
Mỗi lần qua khách sạn, nàng ngửng lên nhìn, và cố nhiên gặp Phát đứng vẫy rồi
vội xuống để cùng ra bãi biển. Hoàn thấy Phát có duyên. Phát thấy Hoàn không
nhạt cũng không rởm đời như phần nhiều thiếu nữ chàng đã gặp. Đó là, theo ý
chàng, một hạnh kiểm rất hiếm ở một cô gái con nhà.
Nhờ làn không khí dễ dàng ở nơi tắm
biển, hai người rất chóng thân mật, suồng sã với nhau nữa. Nghĩa là có những cử
chỉ và ngôn ngữ mà ở Hà thành người ta sẽ cho là quá thân mật, suồng sã. ở đây,
đó chỉ là những sự đã được coi thường, đã quen mắt lắm. ở đây, còn ai giữ gìn
bẽn lẽn làm gì nữa, khi mà nam nữ gần trần truồng đứng nói chuyện với nhau hằng
giờ rất tự nhiên và thẳng thắn. ở đây, chỉ những người giả đạo đức mới cho thế
là lõa lồ, là dơ dáng.
Vì thế, không ai lưu ý đến Phát và
Hoàn khi hai người cầm tay dắt nhau đi dưới nước, hay rúc rích cười nhảy theo
làn sóng trắng. Và khi Phát dạy Hoàn bơi, không những chị em bạn Hoàn không lấy
làm chướng mắt mà còn nhờ Hoàn giới thiệu mình với Phát để được chàng dạy. Phát
đã trở nên một thiếu niên được phái đẹp cưng chiều trên bãi biển. Chàng không
lấy thế làm tự hào với đám phụ nữ vì ngoài Hoàn ra chàng không để mắt tới một ai.
Chàng sung sướng rằng môn bơi lội của mình đã làm tôn giá trị mình ở trước mặt
Hoàn. Còn Hoàn thì nàng tự phụ rằng đã quen trước các chị em một người có tài
bơi lội - chỉ cái tài ấy là đáng kể ở nơi bãi biển - mà lại quen thân. Nhưng
một hôm, chính nàng cũng không hiểu tại sao, nàng bỗng cảm thấy nàng ghen. Tính
tình ấy vụt hiện ra trong tâm khảm nàng. Có lẽ thoạt tiên đó chỉ là lòng ích kỷ
không ưng người khác có cái mình có. Phát đã dạy nàng bơi, nàng muốn một mình
nàng được hưởng cái đặc quyền ấy.
Rồi tính ghen thu hẹp lại trong phạm
vi ái tình, Hoàn đau đớn nhìn Phát giữ trong tay những tấm thân màu nâu hồng,
chắc nịch và khỏe khoắn.
Nàng đã bắt đầu yêu.
Phát thì mê man, ngây ngất trong giấc
mộng mới nhóm. Chàng thấy Hoàn có đủ hết đức tính về hình thức và tinh thần.
Một hôm chàng gọi đùa và nịnh: "Cô Hoàn toàn". Hoàn sung sướng đỏ
mặt, nhưng vờ hỏi:
- Sao anh lại gọi tôi là Hoàn toàn?
Chàng mỉm cười đáp:
- Vì cô hoàn toàn đẹp cả người lẫn
nết.
Mặt Hoàn càng đỏ, và nàng ngượng
ngùng nhìn Phát:
- Anh cứ mỉa em!
Thế là tiếng "em" đột ngột
lọt vào trong câu chuyện, rồi ở lại đấy; trước còn ngập ngừng, sau trở nên tự
nhiên và thân mật. Tới thời kỳ ấy, anh chị đã năng đến nhà nhau, hoặc Phát lại
bà hàn rồi cùng bà và Hoàn ra bãi biển, hoặc Hoàn lúc qua khách sạn rẽ vào đó
để đợi Phát thay slip. Những hôm bà hàn không đi tắm được, bà không quên dặn
Phát:
- Ông đừng cho em ra xa quá nhé. Tôi
nghĩ đến những người chết đuối mà tôi sợ... Mà ông cho em về sớm một tí.
Lần nào Hoàn cũng cười và có khi nũng
nịu đáp lại mẹ:
- Mẹ làm như con mẹ lên năm lên ba
không bằng!
Nếu con bà lên năm lên ba thì bà hàn
đã chẳng lo sợ. Bà lo sợ chỉ vì Hoàn năm nay vừa mười tám. Nhưng bà đã kịp hỏi
thăm tin tức về Phát rồi. Bà biết Phát là con nhà giàu sang lại sắp lên năm thứ
ba trường Luật. Vì thế bà bằng lòng cho phép Hoàn gần gụi Phát tuy bà càng cẩn
mật giữ gìn con gái hơn trước. Bà thầm mong Phát sẽ trở nên rể bà, nhưng bà vẫn
ngại cho cái tính quá phóng túng, quá tự do của cô con cưng.
Trong khi ấy, Phát và Hoàn đi sâu mãi
vào tính tình, vào tâm khảm nhau. Và một ngày một thêm kính trọng, yêu mến nhau
hơn. Phát cho Hoàn là người vợ mình mơ ước bấy nay. Không một cái gì một người
đàn bà cần phải có mà chàng không thấy Hoàn có. Về phần Hoàn, thì nàng mừng
rằng nàng đã do dự chưa nhận lời lấy Phiên, người đến hỏi nàng đầu năm nay. So
với Phát, Phiên còn đáng kể vào đâu!
Về Hà Nội, Phát vẫn chăm chỉ đến nhà
Hoàn. Bây giờ, tuy chưa hỏi, hai người đã tôn nhau như vị hôn phu và vị hôn thê
của nhau rồi. Trong đám bạn bè của hai nhà, có người lại tưởng như Phát và Hoàn
đã lấy nhau.
ở Hà Nội, làn không khí thân mật
suồng sã ngoài bãi biển đã nhường chỗ cho một làn không khí trang nghiêm và
buồn tẻ nơi khách thính. Nhưng không vì thế mà đôi bên thấy kém lạc thú trong
sự giao thiệp. Có buổi chiều, hằng giờ ngắm nghía Hoàn đan chiếc áo len ở bên
cạnh bà mẹ ngồi chăm chú phá trận, Phát sung sướng hơn là được trò chuyện với
Hoàn. Vì trong lúc yên lặng ngắm nghía Hoàn, chàng nghĩ đến cái sung sướng
không cùng của chàng.
Nghỉ hè năm sau, Phát đã đỗ bằng cử
nhân. Và trước khi vào Sầm Sơn, chàng đã hỏi Hoàn làm vợ. Đó là một việc không
cần vội, theo ý Phát và Hoàn, nhưng trước sau cũng một lần, làm cho xong đi thì
vẫn hơn. Vả hỏi rồi, hai người sẽ được tự do nói chuyện, sẽ được tự do đi chơi
mát với nhau mà không sợ người ta dị nghị.
- Nhưng chỉ hỏi thôi đấy nhé? Còn
cưới thì hãy thong thả.
Hoàn âu yếm bảo Phát thế. Và Phát
cười ngất trả lời:
- Vâng, xin tuân thượng lệnh.
Hoàn cảm động, giọng nói run run:
- Năm nay em mười chín, ước gì em
được sống cái thời chưa cưới trong ba năm nữa.
- Bấy giờ em hăm hai và anh hăm sáu,
vừa lắm. Thời chưa cưới càng dài mình càng sung sướng, phải không em?
Hoàn giọng nũng nịu:
- Chính thế. Với lại em sợ lúc cưới
rồi, anh không yêu em bằng lúc chưa cưới.
Phát cười, trách:
- Em không tin bụng anh hay sao?
Hoàn vội vàng tạ lỗi.
Quả nhiên hai người xin được nhà cho
hoãn việc cưới. Họ đều là con cưng, muốn sao cũng được cha mẹ chiều theo.
Năm nay ra biển, Hoàn thấy kém thú.
Nàng cố tìm duyên cớ, và dễ dãi nàng cho ngay rằng Sầm Sơn buồn tẻ là vì số
người ra nghỉ mát không đông. Sự thực thì chỉ tại năm trước nàng mới bắt đầu
làm quen với Phát, nàng còn đương náo nức, bồng bột. Năm nay lòng nàng đã trấn
tĩnh lại. Và bên người chồng chưa cưới, nàng thấy cần phải giữ gìn hơn bên một
người bạn trai. Với người bạn, nàng không sợ phật ý. Với người chồng chưa cưới,
nàng chỉ lo làm phiền lòng vì một câu nói lỡ, hay vì một ý tứ kém thân yêu.
Nàng trở nên thiếu thành thực đối với Phát và đối với mình. Không phải nàng
không yêu Phát bằng năm ngoái, trái lại thế. Nhưng lúc nào nàng cũng phải cố
biểu lộ tình yêu của nàng, đó có lẽ là cái cớ làm cho nàng lúc nào cũng áy náy
không vui.
Còn Phát thì chàng thấy cử chỉ của
chàng ngượng ngập, ngôn ngữ của chàng lúng túng.
Bọn phụ nữ quen chàng bảo nhau:
"Phát làm sao ấy, không được như năm ngoái nữa". Quả thực, Phát kém
thân mật, kém vui vẻ, kém cả tự nhiên đối với họ. Chàng đã nhận biết tình ghen
của Hoàn. Chàng thầm cảm ơn Hoàn, cho tình ghen ấy là tình yêu. Và chàng cố cư
xử sao cho Hoàn khỏi bực tức vì chàng: Chàng lạnh lùng với tất cả mọi người,
trừ Hoàn ra. Chẳng bao lâu chàng trở nên một người cứng cỏi, ít giao thiệp.
Nguy hiểm cho chàng, Hoàn cũng nhận thấy thế.
Nhưng may mắn cho hai người, mùa nghỉ
mát của họ kéo dài có đến đấy. Họ về Hà Nội và tình thế cứu vãn kịp. Vì ở Hà
Nội hai người ít gặp nhau hơn ở Sầm Sơn, và nhờ đó, ít phải giữ gìn hơn. Bởi
thế họ lại cảm thấy họ yêu nhau nồng nàn. Có xa nhau mới biết yêu nhau, mới
nhận thấy tình yêu của nhau. Mà ở Hà Nội tuy gần nhau nhưng hai người vẫn xa
nhau. Phát ngày hai buổi bận dạy học ở một trường tư. Rỗi lúc nào lại cắm cổ
học thêm để chờ thi tham tá lục sự, hay thương chánh hay một chân kiểm sát
ngạch tây nào đó. Theo luồng tư tưởng mới trong đám trưởng giả mới, Hoàn rất
ghét quan, lấy sự nói xấu quan trong khách thính làm hợp thời thế.
Hoàn cũng biết Phát chăm học lắm, và
chăm học như thế là vì nàng. Nàng cảm động và yêu Phát hơn, mặc những lời chỉ
trích của các chị em bạn. Họ bảo Hoàn:
"Anh cử nhà chị học lấy chết
à?" - "Anh đồ của chị học mụ người đi mất thôi." – "Bây giờ
chả thấy mặt mũi anh chàng đâu nữa" - "Ghê quá! Hôm nọ gặp chàng ở
Gôđa, trông người bây giờ lù dù tệ!"
Hoàn nghe những câu chế giễu đã chán
cả tai. Nhưng một hôm nàng thấy Phát lù dù thật, nhất Phát lại đi bên cạnh một
người bạn lực lưỡng, khỏe mạnh, đẹp đẽ bội phần. Phát giới thiệu bạn với vị hôn
thê:
- Anh Huấn, một nhà quán quân quần
vợt kiêm quán quân bơi lội, sinh viên trường thuốc.
Hoàn nhã nhặn đưa tay ra bắt.
Sang nghỉ hè năm thứ ba của thời chưa
cưới. Đã có sự thay đổi: Phát vừa đỗ kiểm sát thương chánh và bà hàn vừa làm
xong nếp nhà nghỉ mát ở Sầm Sơn. Bà mời Phát cùng đến ở với mẹ con bà, nhưng
Phát từ tạ nói đã trót thuê nhà rồi. Sự thực, chàng giữ kẽ không muốn đến ở nhà
vợ trước khi cưới, nhất chàng lại biết bà mẹ vợ rất khó tính và lắm điều.
Vui vẻ khỏe mạnh nay đã trở về với
Phát. Những người quen thuộc đều nhận thấy anh Phát năm xưa, hồi còn theo học
trường Luật. Nhưng Hoàn, trái lại, lúc nào cũng nghĩ ngợi, nét mặt buồn tẻ,
lạnh lùng. Phát mải đùa nghịch không hề lưu ý đến cái buồn, cái tẻ của nàng,
làm nàng càng bực tức, khó chịu. Nàng khinh bỉ tự nhủ thầm:
"Lúc người ta lên thì người ta
biến đổi đến thế đấy! Nhưng mới được thế mà đã cho là lên thì tầm thường
quá!".
Và nàng thấy Phát tầm thường. Nhớ
lại, nàng không tìm thấy một cái gì cao thượng ở Phát. Nhưng nàng chép miệng tự
an ủi: "Người ta tầm thường như thế cả, có gì mà mình phải bận lòng!"
Giữa lúc ấy Huấn vào Sầm Sơn, đến ở
nhà Phát. Tính ngộ nghĩnh hay pha trò của Huấn khiến Hoàn quay về với vui vẻ được
hơn một tuần lễ. Rồi sau khi Huấn ra Hà Nội, đâu lại vào đó.
Một hôm nàng mỉm cười chua chát đứng
nhìn Phát giữ cho một bạn gái của nàng tập nằm ngửa trên mặt nước. Phát quay
lại, thoáng nhìn thấy cái mỉm cười ấy. Chàng không giữ nổi chau mày. Chàng nghĩ
thầm: "Hoàn vô lý quá! Bạ ai cũng ghen". Tình ghen mà trước kia chàng
cho là tình yêu, nay chỉ là một tính tình nhỏ nhen, khả ố. "Chưa cưới mà
còn thế này, nữa là lúc đã cưới. Mình sẽ mất hết tự do". Chàng cũng không
trang nghiêm nghĩ tới tương lai. Và ngay buổi chiều, chàng ngỏ ý kiến với Hoàn
về tình ghen. Chàng không muốn để bụng một điều gì. Hoàn xin lỗi chàng. Phát đã
quen với tính mỉa mai của vị hôn thê. Chàng không biết lúc nào Hoàn thành thực,
lúc nào nàng giễu cợt. Đối với Hoàn, chàng thường ngờ vực, và những lời xin lỗi
của Hoàn, chàng không dám chắc rằng đó là những lời thành thực.
Giữa hai người như có một bức rào
ngăn cản. Cả hai cùng cố phá bức rào ấy đi, nhưng phá một cách quá uể oải, nên
một ngày nó một mọc dầy hơn, bền vững hơn.
Chỉ còn những sự giả dối để che đậy.
Cử chỉ dịu dàng, ngôn ngữ mềm mại, thân mật. Và ở ngoài bãi biển bao giờ hai
người cũng đi liền với nhau. Họ khoác cánh nhau, vui cười trò chuyện với nhau.
Nhưng đó là những lúc linh hồn họ xa nhau nhất. Hoàn bảo Phát: "Sáng mai
chúng ta ra tắm sớm nhé?".
Và nàng nghĩ thầm: "Mình phải
bảo Nga, Lan cùng đi tắm mới được, nếu không thì sẽ buồn chết". Phát cố
giữ cái ngáp để trả lời: "Phải đấy Hoàn ạ, mai đi tắm sớm nhé!" Và
chàng tự nhủ: "Để ngắm cái mặt buồn thiu của bà vị hôn thê! Rõ khổ!".
Họ đi sát cánh nhau. Họ nói chuyện để
nghe thấy câu chuyện tẻ nhạt của nhau. Họ yên lặng để nghĩ đến, để nhớ đến cái
xoàng, cái tầm thường của nhau, của gia đình nhau. Nay họ biết nhau, hiểu nhau
như vợ chồng. Ba năm gần chung sống rồi còn gì! Cái mỉm cười của người này,
người kia nhận thấy hết nghĩa sâu kín. Câu khôi hài của người kia người này cố
không nghe thấy vì đã nghe không biết lần thứ mấy rồi.
Họ hiểu nhau, để mà chán nhau, để mà
khinh nhau. Nếu họ là vợ chồng rồi thì họ cứ chán nhau, cứ khinh nhau, không
sao. Đằng này họ là vị hôn phu, vị hôn thê của nhau. Họ có can đảm chán, khinh
nhau mãi để chờ ngày cưới không?
Phát cho việc hôn nhân của mình là
một câu chuyện danh dự: Vì chàng gắn bó theo đuổi mà Hoàn trở nên vị hôn thê
của chàng. Bây giờ còn biết nói sao? "Thôi thì cũng liều; vả lại lấy Hoàn
vị tất đã khổ hơn lấy một người khác, bất cứ người nào... Về nhan sắc, thì Hoàn
chẳng kém mấy ai. Có một người vợ đẹp kể cũng oai, cũng đáng tự hào với chúng
bạn". Tư tưởng ấy làm Phát bật cười lên tiếng.
Hoàn thì cho việc hôn nhân của mình
là do số mệnh. Nàng nghĩ đến, nàng nhớ lại những người định hỏi nàng và bị nàng
lãnh đạm từ chối. Nàng thấy những người ấy đều hơn Phát. "ít ra cũng không
tầm thường bằng!" Vì mới quen, nàng không biết tính tình họ, nhưng nàng
chắc rằng không đến nỗi xoàng xĩnh như tính tình Phát.
Kể nàng tìm cớ tuyệt giao thì cũng
được, thì cũng chẳng khó khăn gì. Phiền một nỗi thời chưa cưới của nàng đã kéo
dài quá. Ai ai cũng biết rằng nàng là vị hôn thê của Phát. Ai ai cũng nói đến.
Hơn thế, người ta coi hai người như đã thành vợ chồng rồi. Chẳng lẽ bây giờ câu
chuyện lấy nhau bỗng im bặt đi! Như cái pháo tịt ngòi? Thế còn ê chề hơn là
nhắm mắt lấy nhau vậy. Giá Phát xin thôi, thì đã đi một lẽ. ừ, giá Phát xin
thôi...
Từ đó nàng hy vọng Phát xin thủ tiêu
hôn ước. Và tính nết nàng càng khó chịu: nàng mong thầm rằng nhờ thế mà may ra
nàng được Phát tuyệt giao.
*
Hết hè, nhà Phát và nhà Hoàn nhộn
nhịp sắm sửa. Đôi bên cha mẹ muốn lo xong việc hôn nhân cho con trước khi Phát
được bổ vào Sài Gòn.
Và đám cưới linh đình, ồn ào, ầm ĩ.
Để che cái nhạt nhẽo, cái lạnh lùng của hai linh hồn sắp hòa hợp.
Tối nhập phòng, Phát bảo Hoàn:
- Giá chúng ta lấy nhau ngay mùa hè
mới biết nhau ở Sầm Sơn...
Hoàn hiểu thấu tư tưởng của Phát, cau
có hỏi:
- Sao anh lại nói thế?
Phát chữa:
- Thì có phải bây giờ đã có con rồi
không?
Hoàn cười làm lành:
- ừ! Thì bây giờ may ra đã có con
rồi.
Khái Hưng
Rút từ tập
truyện Hạnh - Nxb Đời nay, Hà Nội, 1938.