Tuesday, May 17, 2016

Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi Hai) - Thuyên Huy




Bất Chợt Thu Về Đầu Hạ (Chương Hai Mươi Hai)

 


Chương Hai Mươi Hai

     Chiến trận ngày càng nhiều thêm, Bắc quân ồ ạt chuyển quân băng đường mòn Hồ Chí Minh xuyên rừng vào nam nhất định thề sinh bắc tử nam cho cái mà họ gọi là “giải phóng miền nam”. Bạn bè thêm dăm ba thằng nữa chết trận, chung quanh lại có tiếng khóc của những người ở lại, người thân và người tình. Mới đầu thu mà Sài Gòn đã ngập vàng lá úa, hình như đường phố có vẻ buồn hơn thu năm rồi. Cũng lá vàng cũng đường thu nhưng con đường Nguyễn Du vẫn một đời quạnh quẽ, trong khi đó ngựa xe cứ nô nức dập dìu xuôi ngược trên hè phố Lê Thánh Tôn. Có ngồi một mình, nơi quán nước nhỏ bên lề trong những chiều mưa lất phất bay, chờ đêm xuống mới thấy thương cho đám lá me nhỏ nhắn bị từng giọt đẩy đong đưa, bước đi bước ở theo chiều gió. Cũng gọi là mùa thu nhưng thu ở Bến Cầu quê tôi chẳng có ai nhắc tới bao giờ, đừng nói chi tới thương tới nhớ. Những con đường đất ngập bùn, những khúc sông lá vàng ối cả hai bên bờ, cứ rụng cứ vàng một đời. Người qua đường thường đi vội đi vàng cho kịp chuyến đò sớm hay qua được cơn mưa về bất chợt, có mấy ai nghĩ tới mà thương mà tiếc cho mấy chiếc lá cuối đời. Tôi thật sự cũng chưa thật tìm được mùa thu ở đâu trong những ngày về thăm nhà. Ở đây tôi quen với tiếng ễnh ương kéo dài gọi mưa ngoài đồng xa, quen với tiếng vạc đêm lẻ bạn, gọi tìm nhau ở cuối truông, bên kia nhánh sông rẽ vào đầu chợ hơn là tiếng thu rơi xào xạc.



    Ba mẹ tôi giờ ngày một già thêm, anh chị Thương cũng không còn trẻ nữa. Thằng Thiếc, con lớn của anh chị thi rớt tú tài hai, vào quân trường Thủ Đức chắc cũng sắp ra trường nay mai. Cái ghe nhỏ, cột lủng lẳng ở gần khúc mương cạn, sát ngõ ra con lạch giáp đầu sông mà anh Thương hay chèo đi bắt cá sáng, hình như vẫn nằm im một chỗ, như lần trước tôi về. Bến Cầu buờn vẫn buồn như xưa, những cơn mưa chiều bất chợt về kéo dài như muốn khóc. Tôi vẫn chưa cho ba mẹ biết tin, mẹ ruột tôi mất, tôi chần chừ trong hy vọng là do ở đâu đó ông bà sẽ biết hơn là chính do tôi nói ra. Những năm tháng học hành không còn bao lâu nữa sẽ chấm dứt, đời bọn tôi rồi cũng phải theo khúc quanh mới, hạnh phúc hay đau buồn.

    Sáng sớm, như thường lệ, trước khi về lại Sài Gòn, tôi, anh Thương và ba tôi ra ngồi uống cà phê nhà quê ở đầu chợ, nơi nhìn ra bến đò. Giờ này nước sông chưa lớn lắm, mặt trời thấp thỏm hừng lên phía bên kia truông, chú chủ quán chưa buồn tắt mấy ngọn đèn dầu treo ngang cửa. Dân mấy ấp trong, đi chợ sớm bắt đầu ồn ào trên mấy cái ghe nhỏ, trong chợ vẫn còn thưa thớt người. Ba tôi đăm chiêu nhìn ra sông, anh Thương cũng nhìn theo một hướng. Ông hớp chút cà phê, hơi nóng tỏa lờ mờ trên mặt, cười thật nhẹ:

- Chuyện con với con Chiêu tới giờ ra sao rồi?

Tôi cũng cười như ông:

- Dạ cũng bình thường ba ạ!

Ba tôi bỏ ly cà phê xuống ngó anh Thương:

- Mấy đứa con lớn rồi, tính sao cho tiện thi thôi. Thời buổi này không còn chuyện ép uổng gì như xưa.

Tôi nắm tay ông:

- Ba mẹ đừng lo nghĩ gì cho bận trí, con biết lo cho mình, tụi con vui vẻ và gia đình bên đó cũng thương con lắm.

    Ba tôi gật đầu, một chút nắng sáng hắt vào trong quán, ngang qua ông, những lằn nhăn hiện rõ trên trán, nhiều và nhiều quá. Anh Thương hết nhìn tôi rồi nhìn ba tôi mà không nói tiếng nào. Nước sông lớn dần, từng mảng luc bình đầy hoa nhấp nhô giữa giòng, lúc mất lúc còn theo từng cơn sóng. Tôi trở lại nhà, chợ đã có đông người nhóm từ lâu, đôi ba người quen gọi ba tôi chào ơi ới. Vài ba tiếng đại bác vọng từ xa xa. Bên kia hàng thốt nốt cuối chân trời, đâu đó có dăm ba con cò đi ăn đêm hôm nay rã rời bay về muộn. Trên đường ra cầu tàu lớn đi Cẫm Giang, anh nghĩa quân quen đứng gát văn phòng xã vẫy tay chào. Người đi chưa ai chịu xuống, dù máy tàu đã nổ từ lâu, khói quyện đen phủ sương sớm. Mẹ tôi dặn dò thêm điều này điều nọ, ba tôi không nói gì.


 

    Xuống tàu, từ dưới này nhìn lên, tóc mẹ tôi lòa xòa trắng phau, bay lưa thưa theo chiều gió còn chút hơi lạnh. Tàu ra xa rồi, tôi vẫy tay, ông bà vẫn còn đứng đó như những lần trước. Nắng lên, bóng hai người nghiêng dài, nhỏ lần rồi mất hút trên đầu cầu đò. Tàu đã ra giữa dòng, cuối tầm mắt, chỉ còn lại những hàng cây rậm lá hai bên bờ, ở cầu đò chắc không còn ai nữa.

Thuyên Huy
(Còn tiếp)

 

No comments: