BUỒN
TRÔNG CON NHỆN GIĂNG TƠ
Buồn
trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
(Ca Dao)
Phụng
thấy hai con về đến cửa liền lật đật đi bới hai tô cơm cho hai đứa, xong rồi
nàng còn phải đi làm thêm buổi tối ở quán cháo vịt đầu đường. Hai đứa nhỏ đi
học về là phải đi bán vé số, kiếm thêm chút đỉnh tiền bỏ ống heo để dành tiền
mua sách vở, tiền đóng học phí, chớ đồng lương giáo viên cấp một của nàng chỉ
vừa đủ chi tiêu trong gia đình ba mẹ con cùng bà mẹ già. Chồng nàng chết trong
một tai nạn xe cộ ba năm về trước, để lại cho nàng những ngày tháng đầu
tắt mặt tối, chỉ biết đi làm ... và đi làm.
Thằng con trai khoe với mẹ:
– Bữa nào cậu Hoà cũng mua giấy số giùm cho con.
Cậu Hoà! người đàn ông Việt kiều lối xóm ngày nào cũng thấy đi ngang
nhà. Cậu Hoà là con cô Hai, con ông bà Năm Thiệt. Cô Hai là chị lớn có người em
trai là chú Tuấn bạn học của cha nàng. Chú Tuấn học cùng lớp và cùng nhập ngũ
một lượt với cha Phụng, khoá 8/68 Thủ Đức. Chú Tuấn và gia đình đi Mỹ theo diện
H.O. còn cha nàng qua đời bất thình lình, chỉ ba tháng trước khi có tin tù cải
tạo được đi Mỹ. Cha nàng khỏe mạnh bình thường, buổi tối hôm đó ông cảm thấy
hơi mệt đi ngủ sớm, và ông đã ngủ một giấc ngàn thu không bao giờ thức dậy, để
nhìn thấy bạn bè lần lượt kéo nhau đi Mỹ. Mỗi khi nghĩ đến điều đó Phụng cảm
thấy thật buồn cho số phận của gia đình nàng.
Đi phụ bếp ở quán cháo vịt nàng cũng bị đồng nghiệp và ông hiệu trưởng
lời ong tiếng ve. Lúc đầu nàng còn nhỏ nhẹ nói là chỉ làm trong bếp chớ không
làm tiếp viên. Nhưng ông hiệu trưởng cứ nói đon ren, cứ sợ người ta dị nghị này
nọ cô giáo mà đi làm quán nhậu. Nàng đổ lì mặc kệ, có đuổi thì tôi kiếm việc
khác chớ đồng lương giáo viên không đủ nuôi con.
Ông bà chủ quán là người lối xóm cũng là bạn học của cha nàng. Lúc chồng
nàng thình lình bị tai nạn qua đời, bà kêu nàng ra phụ bếp. Miệng bà ngọt sớt,
"thấy tội nghiệp con nhỏ này quá, ba nó mà còn sống, giờ này tụi nó ở Mỹ
chớ đâu ở đây. Hồi trước tui khoái ba nó lắm, ngặt nỗi thời buổi chiến tranh,
ổng đi lính xa nhà, chớ nếu không…" bà cười hì hì. Ông chủ quán cũng
là bạn học của cha nàng, ông cũng ăn nói vui vẻ, lâu lâu nhắc chuyện xưa,
"tội nghiệp trung uý Trí, tối ngủ rồi ngủ luôn không thức dậy. Hồi trước
tụi này là bạn học, ổng đậu tú tài đi sĩ quan, tui thi rớt đi lính nghĩa quân,
thiệt hồi đó… ai mà không đi lính".
Ông chủ quán có người em họ, vợ chết muốn tiến thêm bước nữa với
Phụng. Ông này cứ theo o bế ve vản Phụng hoài: "Thôi thì rổ rá cạp lại, cô
hai con tui cũng hai con, tui thích con đông, mai mốt về già không nhờ đứa này
thì cũng còn đứa khác". Ông này cũng chuyên trị quán nhậu, cũng cháo
vịt gỏi vịt. Phụng nghĩ đến cái ngày mà sáu giờ sáng thức dậy làm quần quật đến
mười giờ đêm. Ngày nào cũng như ngày nấy, đôi tay lốp bốp chặt hết con vịt này
đến con vịt khác… nàng thầm nói: "thôi anh ơi! em thà ở vậy sướng
hơn".
Hôm mới đi làm thêm ở quán nhậu, buổi tối về nhà nàng nằm vật xuống
giường tay chân rã rời, giờ quen việc nhưng thật tình… "cứ ngửi tới mùi
cháo vịt… là tui ớn tận cổ". Tội nghiệp hai đứa con nàng, hôm nào
trời mưa bán ế, đồ ăn dư ở quán đem về, tụi nó ăn ngon lành. Bà chủ bảo Phụng
đem về cho mấy đứa nhỏ, đồ ăn mà bỏ tội chết. Nàng nấu nước sôi trụng sơ hai
đứa ăn ngon lành.
Cậu Hoà thấy hai đứa nhỏ bán vé số đi ngang nhà, liền bước ra kêu mua
giùm giúp cháu. Cậu bảo vô nhà cậu cho mấy cái bánh ích mẹ cậu vừa nấu. Cậu nói
với mẹ, hai đứa này là cháu ngoại cậu trung uý Trí. Má biết thằng nhỏ này tên
gì không? Hoàng Thiên Thạch. Dữ dội nhe, rồi cậu quay sang hỏi nó:
– Có bà con họ hàng gì với Hoàng Phi Hồng không vậy?
Thằng nhỏ trầm ngâm nhẹ lắc đầu, chắc nó không biết Hoàng Phi Hồng là
ai.Còn con nhỏ này tên Hoàng Thiên Trang. Tên đẹp nhe, tên như tên ca sĩ.
Cậu nhìn mẹ:– Má à! Có phải hồi xưa có cô ca sĩ tên Hoàng Thiên Trang
tóc dài đẹp đẹp hát hay hay phải không má.
Bà mẹ cố nhớ, hồi xưa cho tới hồi nay, cái cô ca sĩ tóc dài hơi
đẹp đẹp hát hơi hay hay… thì con ơi… nhiều không nhớ hết.
Cậu Hoà nhìn đứa con trai xong nhìn sang đứa con gái so sánh. Con trai
thì đẹp, con gái lại xấu.
– Chị con đâu có xấu, chỉ là không được đẹp.
Cậu Hoà cười khùng khục. Mày mấy tuổi.
Dạ con chín tuổi.
Cậu nói với mẹ, cái thằng này chín tuổi mà ăn nói khôn dữ hôn, hồi con
chín tuổi còn khờ câm, đi học vô lớp sợ thầy giáo cô giáo muốn chết.
Bà mẹ nhìn thằng con, ông bữa nay bốn chục chưa thấy khôn nói chi hồi
đó.
Cậu Hoà nhìn thằng con trai, mặt mày sáng láng chắc học giỏi lắm phải
không ?
– Dạ chị con mới học giỏi, giỏi toàn diện, giỏi nhứt là toán với lý. Con
học cũng trung bình, nhưng con giỏi môn văn.
Cậu Hoà nhìn thằng nhỏ trề môi, con trai mà giỏi văn, chắc lớn lên làm
nhà thơ. Rồi cậu lắc đầu, nhưng mày đẹp trai quá làm thơ không có hay.
– Nhưng con không muốn làm nhà thơ, nhà thơ thì đâu có giàu.
– Nhà thơ nghèo hả? Không có tiền nhưng có tiếng, gái mê, gái mê.
Chừng như thích thú với ý nghĩ đó cậu Hoà lại ôm bụng cười khùng khục.
Bà Hai bước ra sau lấy hai cái bánh ích cho hai đứa nhỏ. Thằng con trai định
ăn, con chị kề tai nói nhỏ. Hai đứa đứng dậy xin phép ra về, cậu Hoà đưa mắt
dõi theo rồi nói với mẹ:
– Má biết con nhỏ chị nói với em nó cái gì không, nó nói đừng ăn đem về
cho má. Rồi cậu có lời khen, còn nhỏ xíu mà biết thương mẹ.
Bà Tuyết đẩy cửa bước vào đưa mắt ngó quanh, cô Hai từ nhà sau bước ra
mừng rỡ gặp lại bà chị họ mấy mươi năm không thay đổi. Quần áo lúc nào cũng ủi
thẳng nếp và người lúc nào cũng thơm phức mùi nước hoa.
– Chị Tuyết ngồi chơi… hay là sợ nhăn cái quần mới ủi. Lâu ngày gặp lại
thấy chị vẫn vậy, má em hồi còn sống nhắc chị hoài, nói con Tuyết qua nhà không
dám ngồi, sợ nhăn cái quần.
Chị Tuyết cười hề hề. Đâu có phải vậy nè, mà sao mình bao nhiêu năm vẫn
thích mặc quần trắng, mà ghét nhứt ngồi xuống dính bụi. Chị về chơi chừng nào
trở qua bển. Nghe tụi nhỏ nói cậu Hoà đi ngoài đường bị giật dây chuyền, mà lúc
công an dẫn thằng nhỏ đem trả lại cậu Hoà không nhận, nói không biết của ai.
– Thằng con em kể lại thấy thằng nhỏ mặt mày xanh lét, run lập cập nó
tội nghiệp. Vàng thì giống vàng, đâu biết chắc có phải của mình hay không, nói
oan người ta tội chết.
– Vậy à! Cậu Hòa tánh tốt quá! Mà cậu nói vậy cũng phải. Nghe đồn cậu
đang tìm vợ phải không em, đừng ham cưới người trẻ quá, sợ không bền.
– Cái đó hên xui dì Tuyết ơi!
Hoà từ ngoài bước vào lớn tiếng vừa cười vừa nói trả lời dì Tuyết.
Chào dì mới qua chơi. Hồi trước con cũng nghĩ vậy, vợ chồng chênh lệch
tuổi tác quá…dễ xa nhau. Nhưng con thấy nhiều người, như ông anh thằng bạn
chẳng hạn, sáu chục tuổi ly dị vợ, về Việt Nam cưới gái hai mươi, ai cũng cản.
Nhưng ảnh nói, "tui chẳng có tiền bạc chẳng có sự nghiệp, ở đây ai cũng
chê. Giờ có người hai mươi chịu lấy mình, chờ gì nữa. Tới đâu hay tới đó! qua
đây nó có bỏ tui đi lấy chồng khác, tui sẽ là người đi cưới chồng cho vợ, tui
sẽ đứng ra lo đám cưới cho nó đàng hoàng". Vậy mà hai người ăn ở tới giờ
có hai mặt con lớn đại. Cô vợ làm nail mấy năm mở tiệm, bảo lãnh ông già bà già
anh em qua một nhà. Ai nói vợ chồng là cái duyên nợ hên xui thiệt là đúng.
Dì Tuyết nhìn cậu Hoà cười cười. Thấy cậu như trai mới lớn đòi vợ.
Bà mẹ nhìn thằng con, nói chuyện sung dữ hé! Rồi bà nhìn dì Tuyết,
em định kiếm chỗ nào được được cưới vợ cho nó. Mới vừa nói, ba bốn chỗ kêu gả
con.
Dì Tuyết nhìn cậu Hoà. Cái điệu của cậu, chắc cậu thích người trẻ và
đẹp.
Cậu Hoà cười hề hề. Thật ra… cũng không hẳn… nhiều khi… người trẻ đẹp
mình không ưng lại nhào vô người dang dở hai ba con. Cậu lại cười hề hề… hên
xui.
Không biết tin tức ở đâu mà mau thiệt, hai ba chỗ đòi làm mai. Anh Chín
Trọng giới thiệu cho một cô con nhà gia giáo, cả gia đình lớn nhỏ ai cũng làm
nghề gõ đầu trẻ. Cô vừa đúng ba mươi, nhưng nhất định chờ đúng người, đúng
người trong mơ mới lấy. Cô đặc biệt yêu thơ và thích làm thơ, đã có một tập thơ
trình làng và đang là thư ký của hội văn nghệ thị trấn. Còn chú Mười Đồng thì
đòi giới thiệu cho một cô người mẫu, đã từng đại diện thị trấn dự thi cuộc
tuyển lựa hoa hậu Việt Nam. Cậu Hoà bỏ nhỏ, mặc dầu là rớt từ vòng gởi xe,
nhưng cái nhan sắc đó cũng làm cho mấy cô gái trong làng ganh tỵ.
Dì Tuyết cười hê hê, vui quá hé, trai bốn mươi tìm vợ, con ơi coi chừng
“già kén kẹn hom”.
Cậu Hoà cười hê hê, dì ơi con đang theo phong trào hát “Duyên phận”,
duyên phận hên xui.
Phụng đi ngang nhà cô Hai thấy Hoà đang đứng trước nhà lui cui trồng
cây, cậu mặc quần đùi cởi trần, làn da trắng bóc. Sao đàn ông Việt kiều người
nào cũng có làn da thiệt đẹp. Cậu Hoà nhìn Phụng mĩm cười, trống ngực nàng đánh
thình thịch. Cô Hai từ trong nhà bước ra kêu nàng lại cho chai thuốc.
– Ngày mai cô về Mỹ, chiều nay nhà cô có đám giỗ con dẫn hai đứa nhỏ qua
chơi. Chai thuốc cảm nhức đầu với lại chai thuốc trị tiêu chảy cô đem về phòng
hờ mà chưa có dùng, con giữ để dành có khi cần.
– Dạ con cám ơn cô, chiều con qua sớm phụ bếp.
Phụng vừa nói chuyện với cô Hai vừa liếc nhìn trộm cậu Hoà. Cậu cũng
đang nhìn nàng, đôi mắt biết nói không cần che đậy. Phụng bước đi không dám quay
lại nhưng biết chắc cậu đang nhìn dõi theo. Lòng nàng rộn rã một niềm vui khôn
tả. Bước vào nhà lòng còn bâng khuâng. Nàng bước đến mở nhạc, muốn nghe lại bài
hát “Lời Rêu”. Thèm có ngày được một người đàn ông đến gần bên nói lời âu yếm
như lời bài hát:
“…Uống cùng nhau một giọt, đắng cay nào chia đôi. Say cùng nhau một
giọt, trong mối đời pha phôi. Say cùng nhau người ơi, chút nồng thơm cuối đời.
Vương dùm nhau sợi tóc, ràng buộc trời sinh đôi…”
Phụng ở trong bếp mà cứ ngó ra phía nhà trên. Cái cô người mẫu từng dự
thi hoa hậu đẹp thì cũng đẹp, nhưng người đã ốm tự nhiên mà lại ăn kiêng chi
cho ốm nhìn khẳng khiu như cây tre miễu. Đã cao còn ốm đứng gần cậu Hoà hai
người như con số 10, mà người nữ dành phần con số một. Còn cái cô nhà thơ nãy
giờ lăng xăng đi ra đi vô tập dợt cho màn ngâm thơ. Cô nói thơ thì phải ngâm
nghe mới hay chớ ai lại đi đọc thơ. Cô còn căn dặn anh chàng dẫn chương trình
phải nhớ và nói tên cô cho đầy đủ: "Nguyễn Hữu Hoàng Uyên Phượng
Uyển".
Anh chàng chu cái miệng nói nhà thơ mà bút hiệu chi dài dữ rứa.
"Không phải, đó là tên thật của em". Và để chứng minh,
cô móc bóp lấy thẻ căn cước trình làng, thấy chưa, tên thật mà. Nhưng anh chàng
emcee chẳng buồn để ý định vội bước đi, cô kéo lại dặn dò. Nhớ nói cho đúng tên
của em, Hoàng Uyên chớ không phải Hoàng Quyên nhe anh.
Nhà thơ nữ từ từ bước ra, phải chi có nhạc đệm thì dáng đi không thấy
chênh vênh. Nhà thơ thì phải gầy mới ra dáng nhà thơ. Đằng này cô to người quá,
lại mặc quần áo bó sát phô rõ ba vòng. Đặc biệt vòng số ba to quá, cái mông bự
này họa may sang Mỹ mới nổi tiếng, chớ còn ở xứ này, đàn ông chỉ chuộng phụ nữ
ngực bự.
Mặt mày cô hớn hở nói em xin được trình bày một bài thơ vừa sáng tác,
đặc biệt dành riêng tặng người đàn ông từ một nơi xa lắm… chàng về đây như vị
hoàng tử đánh thức nàng thơ, như đánh thức nàng công chúa đang ngủ trong rừng.
Phụng nhìn cậu Hoà, không, vị hoàng tử, coi chàng cảm động ra sao. Nhưng
chàng hình như không để ý thơ với thẩn mà bù lu bù loa cùng bạn nhậu.
Một vài tiếng vỗ tay lác đác, nhà thơ ngập ngừng muốn làm thêm một bài
nữa. Nhưng anh chàng MC bước đến lấy micro giới thiệu màn tiếp theo, xin lỗi có
nhiều người đang xếp hàng chờ tới phiên trình diễn. Một cặp đôi bước ra chơi
liên khúc bolero đang nổi đình nổi đám. Có múa minh họa, học sinh trường múa
đàng hoàng. Màn này coi bộ hấp dẫn, nhiều người hát theo, nhiều người vỗ tay
hưởng ứng. Đám giỗ mà vui như đám cưới.
Bà Hai bước ra sau bếp nói lời cám ơn quý bà con đến phụ giúp. Bà nói ai
có mệt cứ về nhà nghỉ ngơi, chớ còn cái màn nhậu này không biết kéo dài tới bao
giờ. Bà bước tới hỏi mẹ con Phụng ăn có ngon không, rồi bà xoay qua nói với bà
Bảy, thằng con tui thương hai đứa nhỏ này lắm, nó khen hai đứa vừa ngoan vừa
biết thương mẹ.
Bà bước đến vỗ đầu hai cháu, ráng học giỏi mai mốt giúp mẹ nhe con. Có
muốn theo bà sang Mỹ đi học không hai cháu?
Phụng nhìn bà ứa nước mắt, muốn nói cô Hai ơi! Đó là điều con mong ước
cả đời. Nhưng nàng xúc động quá, toàn thân run lẫy bẫy, chạy vội ra hàng hiên
ôm mặt khóc như mưa.
Nguyễn
Thạch Giang
Bài hát "Lời Rêu", nhạc Phú Quang, thơ Nguyễn Thị Hoàng.