Thursday, October 31, 2024

Chiếc Lá Còn Lại & Buổi Sáng Trong Căn Nhà Vắng - Nguyễn Thị Châu

 CHIẾC LÁ CÒN LẠI



 














Lá vàng còn xót trên cây

Đong đưa theo gió bên nầy rơi nhanh

Thương cho chiếc lá xa cành

Để thương, để nhớ trên cành cây cao

Thoảng nghe cành lá xôn xao

Lá ơi! Sao nở bay vào hư không

Ngoài kia nắng đã nghiêng nghiêng

Mùa Thu đã hết không phiền luỵ ai

Thu sầu hết lá Thu phai

Mùa Đông lạnh lẽo lá bay mất rồi

Bây giờ còn lại mình tôi

Tiễn mùa Thu cũ mấy lời tâm giao

Thương làm sao! Nhớ làm sao!

Lá vàng bay mãi, để sầu tôi mang

Cuộc đời bao nỗi trái ngang

Người mang tâm sự không buồn gió mưa

Xót xa chiếc lá cuối mùa

Chiều Đông sương lạnh, người vừa đi hoang

Để tôi thương chiếc lá vàng

Vì đâu? Mà phải vội vàng xa nhau…!!!

 

 30-10-2024

 Nguyễn thị Châu

----------------------------------------

BUỔi SÁNG TRONG CĂN NHÀ VẮNG

 

 

Nắng sớm ban mai, trong căn nhà vắng

Ngồi một mình bên tách cà phê đen

Nắng vào nhà,nhiều hơi ấm đang lên

Ta vẫn thấy hơi gió Đông vừa đến

 

Nắng lung linh, ánh sáng vào nhà vắng

Hương cà phê thơm ngát cả căn phòng

Bay khắp nơi, len vào cỏi hư không

Ta vẫn thấy thiếu đi hình bóng cũ

 

Trao cho nhau giọt cà phê  triều mến

Thưởng thức hương Lài trong tách trà thơm

Ngồi chuyện trò, to nhỏ, chuyện áo cơm

Hay sang sẻ vui buồn trong cuộc sống

 

Nắng hôm nay, và nắng ngày hôm đó

Đã xa rồi kỷ niệm thuở bên nhau

Nhớ xa xôi đôi mái tóc lên màu

Màu mây trắng của những ngày lận đận

 

Bóng hình cũ, vẫn còn trong nhà vắng

Cùng bên nhau nhắp vị đắng cà phê

Uống cạn ly trà nhạt, lúc chiều về

Để an ủi người bạn tình cô lẻ…!!!

 

 30-10-2024

  Nguyễn thị Châu

 

Tuesday, October 29, 2024

Monday, October 28, 2024

Ừ Em Về Phố Cũ Đi - Thuyên Huy

 Ừ Em Về Phố Cũ Đi




'Việt Nam" Nghĩa Là Gì - Ts Mai Thanh Triết

 

"VIỆT NAM" NGHĨA LÀ GÌ?

 

LTS / TCDV : Chân thành cảm tạ anh Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã có bài viết này, Bố tôi là người am tường tiếng Hán, nhưng không có tài liệu để tham khảo vì khi nhà Thanh rút về Tầu, chúng đã đem tất cả văn kiện “đô hộ” về Tầu, sách chữ Hán cũng bị chúng gom góp đem hết về Tầu. Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết gọi cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, chủ chuà Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan, là Bác.

Năm 1963, tôi sinh hoạt GĐPT Chánh Đạo tại chuà Xá Lợi nên hàng tuần tôi đều gặp cụ Chánh Trí, rồi xảy ra vụ tranh đấu do các ông Sư cộng sản phát động và tuyên truyền, là chính phủ của TT Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo. Cụ Chánh Trí cũng như Thầy tôi, Thượng Tọa Thích Tâm Châu đều bị ông sư cộng sản Thích Trí Quang lừa bịp, cụ Chánh Trí đã để chùa Xá Lợi cho Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo làm trụ sở tranh đấu.

Tôi đã hơn một lần viết ra điều này “Chỉ những người trí thức mới biết mình bị LỪA, và họ bắt đầu sống trong ân hận hối tiếc cho đến cuối đời”.

Germany, ngày 22.10.2024.
Chủ Nhiệm TCDV      .
LÝ TRUNG TÍN        

 


Yêu quý hai chữ “Việt Nam”: NHƯNG … “VIỆT NAM” NGHĨA LÀ GÌ? (*)

1/ Không ít người bây giờ vẫn tưởng “Việt Nam” nghĩa là nước Nam của người Việt. Hoặc là, qua một số em sinh viên trẻ cho tôi biết ở trường giải thích: “Việt Nam” nghĩa là nước Việt nằm về phương Nam (so với Trung Quốc). Mắc giống gì mà danh xưng một quốc gia lại đi lấy một quốc gia khác làm “hệ qui chiếu”? Coi, quốc gia của người Hàn nằm về phía đông nước Tàu, họ đâu giải thích nước họ là … “Hàn Đông”.

Để rồi, hệt như có một làn gió mát mẻ, hết sức khỏe khoắn sau khi tôi may mắn tìm hiểu được ý nghĩa đích xác của quốc hiệu “VIỆT NAM” vào buổi chào đời. “Việt” trong quốc hiệu “Việt Nam”  , té ra không phải làm một với “Việt” trong quốc hiệu “Đại Việt”  gì ráo (mặc dù nhìn vô mặt chữ hệt nhau)! Mà “Việt” đàng nào cũng có cái hay, nhưng lại không giống nhau.

2/ VIỆT NAM trở thành quốc hiệu chính thức, lần đầu tiên, là vào đời vua Gia Long, năm 1804. Trước đó, theo dòng lịch sử qua các đời Lý, Trần, Lê… cho dù mang quốc hiệu “Đại Việt” nhưng nước Tàu mặc kệ, họ cứ gọi xứ sở (lấy Thăng Long làm kinh đô) là “An Nam”. Chỉ tới đời Gia Long sau khi đặt quốc hiệu “Việt Nam” (với Huế làm kinh đô), bên Tàu mới từ bỏ cách gọi truyền kiếp “An Nam” mà gọi nhứt quán luôn là “Việt Nam”! Đời nay chúng ta mỗi khi hãnh diện về hai chữ “Việt Nam” thì nên nhớ tới cái danh xưng đó do vua Gia Long đặt ra, đừng quên luôn cái nguồn quốc hiệu đó từ đâu.

3/ Ban đầu, năm 1802, vua Gia Long đặt tên nước là “Nam Việt”, sai sứ sang Tàu nói họ bỏ cách gọi “An Nam” đi, từ rày trở đi nên gọi là: Nam Việt. Nhưng nhà Thanh e ngại hai chữ (Nam Việt) lặp lại y chang quốc hiệu “Nam Việt” mà Triệu Vũ Đế (Triệu Đà, năm 204 TCN – năm 137 TCN) đặt ra, bấy giờ lãnh thổ không chỉ có Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đồng bằng sông Hồng cho tới Hà Tĩnh) mà bao trùm luôn Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).

(Mở ngoặc nói thêm: Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương” “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”. TRIỆU ở đây tức Triệu Đà, rồi Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông thảy đều xưng “đế”. Thời Quang Trung hoàng đế cũng đã có ý định đòi lại Lưỡng Quảng, do các triều đại nước ta như nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn… trong rất nhiều thế kỷ đều coi Triệu Đà nằm trong dòng chính sử nước Việt đã từng sở hữu Lưỡng Quảng).

4/ Để tránh sự e ngại từ nhà Thanh, vua Gia Long đã đổi “Nam Việt” thành VIỆT NAM ( ). Dầu “Nam Việt” hoặc “Việt Nam” cũng đều chung ý nghĩa. Trịnh Hoài Đức (1765-1825), sử gia nổi tiếng sống dưới thời vua Gia Long, có mặt trong đoàn sứ qua Tàu đàm phán với nhà Thanh, cho biết: “Việt Nam là quốc hiệu thích hợp để chỉ một lãnh thổ thống nhứt giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài”, và diễn giải ý nghĩa của quốc hiệu này là: “chúng ta sở hữu đất của Việt Thường trước, và vùng An Nam được thêm vào sau đó”. Hai chữ VIỆT NAM là sự kết hợp giữa VIỆT (THƯỜNG) với (AN) NAM.

5/ Việt Thường là xứ mô? Theo những sách cổ xưa như “Hậu Hán thư”“Thượng thư đại truyện”“Tư trị thông giám cương mục” thì nước Việt Thường nằm về phía nam Giao Chỉ. Trong cuốn “Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập” xác định tên gọi VIỆT THƯỜNG “là tên cổ của xứ Champa”! Một nguồn khác cho biết cách gọi “Việt Thường” là để chỉ lãnh thổ về phía nam của Giao Chỉ, bao gồm cả Phù Nam (sau này trở thành vùng Thủy Chân Lạp).

Trịnh Hoài Đức viết: “chúng ta sở hữu đất của Việt Thường trước”, để ghi nhận các bậc tiền nhân của vua Gia Long (là các Chúa Nguyễn) đã hùng cứ tại Đàng Trong (Champa, Thủy Chân Lạp), sau đó Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) đã “thêm vào vùng An Nam  là xứ lấy Thăng Long làm kinh đô (tức Đàng Ngoài).

* THAY LỜI KẾT “Việt” (trong “Đại Việt”  ) dùng để chỉ Việt tộc. Còn “Việt” (trong “Việt Nam”  ) tuy cùng mặt chữ nhưng được lấy từ trong danh từ kép “Việt Thường”  (định danh về địa lý).

Ghép chữ “Việt” (trong “Việt Thường”) với “Nam” (trong “An Nam”) thành quốc hiệu VIỆT NAM, là sự ghi nhận đàng hoàng về nguồn gốc của từng vùng lãnh thổ!

Qua đó, vua Gia Long cho thấy niềm hãnh diện trước việc thống nhứt Đàng Trong với Đàng Ngoài. Lãnh thổ nước ta LẦN ĐẦU TIÊN trải rộng từ bắc chí nam, theo đường cái quan đi từ Quảng Ninh cho tới mũi Cà Mau thành đường cong chữ S.

Tắt một lời, VIỆT NAM là quốc hiệu mang ý nghĩa về SỰ HỢP NHỨT LÃNH THỔ (bao gồm nhiều cộng đồng dân tộc; chứ không nói riêng cho tộc Việt).

Ý nghĩa nêu trên của hai chữ VIỆT NAM, thiệt hay hết sức, độc đáo hết sức trong tinh thần hợp quần các cộng đồng dân tộc ./.

——————————————————————————

(*) – Một số nguồn tài liệu cho rằng hai chữ “Việt Nam” đã từng xuất hiện trong thư tịch xưa kia… XIN CHÚ Ý: “VIỆT NAM” trở thành QUỐC HIỆU (tên nước) thì chỉ bắt đầu vào đời vua Gia Long mà thôi. Mặt khác, ý nghĩa của QUỐC HIỆU “VIỆT NAM” phải dựa trên cách giải thích từ Nhà Nguyễn (là triều đại đã đặt ra quốc hiệu này), như trong bài đã dẫn ra, mang ý nghĩa về SỰ HỢP NHỨT LÃNH THỔ.

– Bản đồ nước Việt Nam sau khi thống nhứt sơn hà vào năm 1802, để ý có “Thuận Thành trấn”, theo sắc lịnh của vua Gia Long, là khu vực tự trị dành cho cộng đồng người Cham; có “Nam Bàn” (cao nguyên miền trung, bây giờ gọi là “Tây nguyên”) gồm một vài tiểu quốc, nổi bật nhứt là tiểu quốc J’rai, họ chịu sự bảo trợ của nhà Nguyễn, nơi đây ngược dòng lịch sử xa xưa cũng thuộc Champa. 

Mai Thanh Truyết

NguồnTạp Chí Dân Văn

304Đen – Llttm - BCT

 

 

 

Hương Xưa - Phạm Văn Nhàn

 

HƯƠNG XƯA




 

Tới trước một ngôi nhà, hắn dừng lại. Nhạc! Những dòng nhạc đang chảy vào tai hắn. Một bản nhạc quen thuộc đang phát ra từ ngôi nhà này. Phải rồi. Không thể nói là lầm lẫn được. Rõ ràng. Nhạc vàng. Một loại nhạc đang bị cấm.

Hắn ngồi xuống bên lề đường như có vẻ còn dè dặt ngó trước nhìn sau. Nhưng sau đó tiếng ca, tiếng đàn từ trong bản nhạc làm cho hắn mạnh dạn thêm không ngồi trên lề đường nữa, mà hắn tới ngồi bên cánh cổng sắt dưới giàn hoa ti gôn đang nở rộ. Những cánh hoa màu hồng phấn đang rắc đầy trước cổng trông thật đẹp mắt. Vâng, ngôi nhà to lớn quét vôi trắng của thời Tây để lại mà phải gọi là biệt thự mới phải. Những kiểu biệt thự này chỉ để dành riêng cho những ông lớn, bà lớn ở sau khi Tây rút đi, mà hắn đã đi qua nhiều nơi, nhiều chỗ hắn thấy: Sài Gòn, Đà lạt, Nha Trang, Qui Nhơn…

Những ngôi biệt thự loại này gần giống nhau, đều quét một màu vôi trắng. Nhưng đối với hắn chẳng bao giờ để ý tới; vì hắn chỉ là người lính như muôn vàn người lính khác. Hết đi hành quân trở về hậu cứ, nơi hắn tới là khu gia binh. Ở đó, hắn đã thấy được vợ con của lính trông thật tội nghiệp dưới những mái nhà tôn “ tiền chế ” hâm hấp nóng, nhưng không bao giờ thiếu vắng tiếng cười, tiếng nói, dù cuộc sống có vất vả. Nhiều khi có cả những tiếng khóc vật vã của vợ con lính trong đơn vị khi nghe tin chồng bị thương hay chết. Nỗi đau lòng đó hắn ghi trong lòng, đau thắt, nhưng thật tình, không lừa dối ai.

Còn những ngôi nhà Tây to lớn này, đóng cửa im ỉm, xa cách đối với những người được sống trong khu gia binh. Dù là như vậy, hắn cũng chẳng để ý làm gì với những loại nhà to cửa rộng này. Có lần, đơn vị hắn được biệt phái về giữ an ninh cho một ngôi biệt thự, sau tết Mậu Thân. Ở đó hắn thấy những cậu ấm, cô chiêu trong ngôi nhà quét vôi trắng này dị hợm, phách lối, kiêu căng. Nhưng rất sợ hãi, bởi tiếng súng đang nổ trong thành phố. Hắn nghĩ lại những đứa con của vợ lính trong khu gia binh, mười lăm mười sáu tuổi rồi mà vẫn còn dại khờ, ngây ngô. Cái bản chất đó khác xa các Cậu ấm, cô chiêu này.

Bây giờ hắn lại ngồi trước ngôi biệt thự quét vôi trắng. Ngồi không phải để chiêm nghiệm về một ngôi nhà to lớn mà so sánh với ngôi nhà nhỏ bé, khiêm tốn của hắn. Hắn ngồi vì nhạc thoát ra từ ngôi nhà này. Nhạc, đã kéo chân hắn dừng lại để nghe. Không phải ai cũng có thể mở máy to như vậy được. Mà thật ra máy móc trong các nhà của dân làm gì còn nữa. Từ cái radio nhỏ xíu cho đến dàn máy akai, tất cả đều là sản phẩm của mỹ ngụy. Đã của Mỹ Ngụy là đồi trụy, là phản động, không được dùng. Cho nên hắn cũng như bao nhiêu người dân khác phải có cuộc sống văn hoá chung, không ai có quyền có của cải riêng được. Nghe nhạc phải nghe từ những cái haut parleur bằng thiết gắn trên các trụ điện vào những giờ được quy định. Nhạc cũng thế: vị nhân sinh không vị nghệ thuật. Cho nên khi đi ngang ngôi biệt thự này, nhạc lại thoát ra, mà lại là nhạc vàng làm cho hắn ngạc nhiên, và sướng cả người. Gớm, mới có chín, mười năm “ giải phóng ” mà sao nhớ dữ vậy.

Sau khi ra khỏi trại cải tạo, hắn lang thang hết ngày này qua ngày nọ để tìm việc làm. Nay thì chỗ này gọi. Mai thì chỗ khác kêu. Hắn không từ bỏ một chỗ làm nào, miễn làm sao có tiền để sống. Hắn quan niệm rất đơn giản: chỉ có người xấu, chứ việc làm không xấu. Sự gian khổ từ khi đi kiếm việc làm, cho đến khi lăn xả vào công việc tìm được lúc nào hắn cũng cảm thấy vui vẻ, hồn nhiên như những năm nào còn trong quân ngũ. Nhiều khi hắn phải cám ơn những năm hắn sống trong quân đội, học được nhiều cái hay, từ nhiều bài học rất thực dụng gian khổ từ chiến trường.

Rồi tiếp theo là những năm đói khát trong trại cải tạo đã rèn luyện hắn phấn đấu được trước bao nghịch cảnh. Hắn vượt hơn mọi người ở chỗ là vẫn còn một chút tư cách, dù nhìn bề ngoài trông thật thảm hại. Không như thằng bạn của hắn, thằng Vạn bán thuốc tây lậu, cứ khúm núm, sợ sệt có khi lại phải chạy trốn vào trong những dãy nhà trong khu phố khi bị công an rượt đuổi. Trước mặt những người công an đó, thằng bạn hắn làm như vẻ nai, hiền từ như con gái nhà lành, một dạ, hai thưa rằng: em chả. Nhưng trước bạn bè cũ thì nó lại vênh váo, lên mặt, bởi nó có tiền vì có em ở nước ngoài tiếp tế những thùng thuốc gởi về. Còn hắn thì cứ lang thang tìm việc. Lang thang tìm việc không ra, lại có chút máu văn nghệ, văn gừng trong người. Thấy chán, tới một công viên thành phố , vừa nghỉ chân vừa nghỉ mát, lấy giấy làm thơ chửi đời. Chẳng làm thơ yêu em được nửa. Mà thật tình yêu cũng hết nổi khi đầu gối bắt đầu run. Một hôm hắn đem mấy bài thơ đã làm cho thằng bạn xem, bạn hắn đọc thấy thích, nhưng nói:

-Mầy gởi mấy bài này cho báo đăng, bảo đảm hay hơn mấy thằng làm thơ bây giờ, nhưng chắc chắn mầy vô tù lại, vì tội châm biếm.

Hắn chỉ cười rồi xếp lại những bài thơ đó, cất vào trong túi áo. Thằng bạn hắn nói:

-Mầy biết thơ mầy làm gọi là thơ gì không?

Hắn hỏi:

-Loại gì?

-Chui !

Hai thằng cười ngất.

Nhưng hôm nay hắn không cười, mà hắn trầm ngâm. Vâng, bản nhạc phát ra từ ngôi biệt thự này đã làm hắn giao động trong lòng. Gió từ dưới sông thổi lên làm rơi những cánh hoa ti gôn màu hồng phấn xuống vai hắn. Cánh cổng sắt với giàn hoa ti gôn che khoảng sân nắng mát rượi làm hắn thấy một thoáng nhớ mông mênh trong đời. Hắn nhớ lại…

Nhà em cũng có giàn hoa ti gôn trước cổng gỗ, với sân gạch nung đỏ au, và mái ngói âm dương mờ rêu phủ. Em vẫn thường hay ngồi hát trước hàng ba dưới mái hiên nhà cổ, và những hàng cột gỗ lên nước đen bóng dám chừng có cả trăm năm phơi sương phơi nắng với thời gian. Em ngồi hát cho hắn nghe mỗi khi hắn từ chiến trường được vài ba ngày phép trở về. Tiếng hát của em còn hay hơn những ca sĩ chuyên nghiệp. Tiếng hát đó như bay bỗng, vướng víu trên những cánh hoa như hình trái tim. Hắn ngồi nghe em hát mà thầm nghĩ những cánh hoa như tim đó đừng vỡ như những câu thơ của TTKH ngày nào.

 

Nhạc đang phát ra từ một dàn máy akai từ ngôi biệt thự.

 Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa ”
“ cho tôi về đường cũ nên thơ ”
“ cho tôi gặp người xưa ước mơ…
 ”

Hắn sửa lại bộ ngồi để nghe cho thoải mái. Vâng, để nghe cho thoải mái một bản nhạc thuộc loại cấm như hàng quốc cấm. Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa… Em ở đâu, và tiếng hát ngày xưa đó đã bay bỗng, vụt mất như cánh hoa ti gôn vỡ như tim vỡ rơi rụng trước sân nhà em. Và, hôm nay, gió từ dưới sông thổi lên, vô tình lại những cánh hoa ti gôn của ngôi biệt thự này lại rơi trên vai áo hắn: Cho tôi tìm đường cũ nên thơ…

Con đường nào đưa hắn đi ngang qua đây. Con đường cũ nên thơ. Hắn nhắm mắt như tìm lại một khoảng thời gian trong ngôi nhà hắn thuê mà em đã đến. Em đến trong ngôi nhà thuê của những thằng lính độc thân, bề bộn, dơ dáy trên sàn nhà toàn những tàn thuốc lá. Em không chê, mà còn như cảm thông. Em đến, ngôi nhà như bừng sáng lên tràn ngập mùi thơm. Phải rồi, hắn nhớ như mùi hoa sứ. Hắn nhìn qua cánh cổng với những chấn song sắt, trong sân biệt thự trồng toàn những cây bông sứ. Những cây sứ đang trổ bông trắng điểm chút vàng nhẹ tỏa hương thơm thoang thoảng trong gió hè.

oOo

Có tiếng chó sủa trước sân, rồi có tiếng nói của người con gái từ trong phòng khách vọng ra. Có lẽ, con chó thấy hắn ngồi trước cổng, nên sủa. Con chó chồm tới, sủa dữ. Chó sủa mặc chó, hắn vẫn ngồi nhắm mắt để thưởng thức nhạc chứ không phải nghe chó sủa. Lâu lắm mới có nghe được bản nhạc hay. Đừng để ý tới ngoại cảnh. Nhưng rồi lại có tiếng người con gái gọi vọng từ mặt tiền sảnh của ngôi biệt thự:

-Minh. Mầy ra xem ai trước cổng mà chó sủa dữ vậy?

-Sao bà không đi mà kêu tôi.

-Tao đang nghe nhạc.

-Tôi cũng vậy.

Hắn nhủ: sao ồn dữ vậy. Tiếng chó sủa càng dồn. Hắn ngồi nép qua một bên nơi gốc trụ cổng. Mặc kệ. Mặc cho mày sủa. Mặc cho tiếng ai nói. Lâu quá, hắn không có nghe một bản nhạc vàng nào.

“ Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
Chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất…”

Có tiếng guốc khua động trên lối đi trải sỏi. Hắn nghe, và hắn vẫn nhắm mắt để chỉ thấy lòng nhớ thương chất ngất.

-Ông làm gì ngồi ở đây. Tới xin ăn hả?

Người con gái ra đứng bên cạnh hắn, hỏi nhỏ nhẹ, rõ ràng, giọng Bắc. Rồi gọi vói vào trong nhà:
-Minh, lấy một lon gạo đem ra đây cho ông già ăn xin.

Bây giờ hắn mới mở mắt, nói:

-Không. Tôi không phải người ăn xin.

-Vậy ông làm gì ngồi đây?

-Nắng quá, tôi ngồi nghỉ mệt một chút thôi mà.

-Vậy mà cháu cứ tưởng ông đi ăn xin.

Hắn không nói đưa tay chỉ lên giàn hoa ti gôn đang phủ trên cánh cổng những lá xanh và những bông hoa màu hồng phấn nhạt nhỏ li ti. Lá và hoa che mát một khoảng sân nơi cổng. Rồi hắn nói:

-Trời nắng mà ngồi nghỉ dưới giàn hoa ti gôn này thì thú lắm.

-Ông ăn nói có văn vẽ. Thế mà nhìn ông, cháu cứ tưởng….

-Cô bé người Bắc?

-Vâng. Cháu người Hà Nội.

-Hà nội có mùa thu thật tuyệt vời. Tôi ao ước một lần ra đó để được nhìn.

-Ông cũng biết à?

-Không. Tôi chỉ biết qua thơ văn.

-Thơ của bác Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu?

Không. Của Khái Hưng, của Nhất Linh, của Doãn Quốc Sỹ, của Mai Thảo, nhiều lắm cô có biết những nhà văn này không?

-Không. Mấy ông này của miền Nam hay miền Bắc?

-Miền Bắc. Họ lớn lên từ đó, từ Hà Nội như quê hương của cô bé. Nhưng sau 54 họ di cư vào Nam mang theo cả mùa thu Hà Nội vào văn chương sách vở mà chúng tôi mê mẫn một thời.

-Như vậy thì cháu không biết. Mà cháu nghe cô thầy nói trong Nam không có văn chương, chữ nghĩa thì làm sao mấy ông này mang mùa thu Hà Nội của cháu vào Nam được. Có chăng là có của Mỹ Ngụy. Giết nhau. Đánh nhau. Cướp của giết người.

-Ai nói với cô bé như thế?

-Cô thầy. Sách báo.

Tự nhiên giữa hắn và cô bé chuyển đề tài để nói với nhau. Con chó đứng trong sân nhà thấy hắn ngồi dưới giàn hoa sủa khi nãy thấy chủ và hắn nói chuyện cũng đi ra, lẩn quẩn bên chân chủ. Tiếng nhạc lại vọng ra to hơn. Cô bé nói vọng vào nhà:

-Minh ơi, mày vặn nhỏ lại có được không nào?

“Cho tôi gặp người xưa ước mơ…Hay chỉ là giấc mơ thôi…”

Hắn vờ hỏi:

-Nhạc này của miền Nam hay miền Bắc mà sao nghe hay quá vậy, cô bé?

Nhạc của miền Nam đấy ông ạ. Miền Bắc không có loại nhạc này. Nhạc phải có sự chỉ đạo cho nên khô khan lắm. Mỗi lần nghe ngấy tới óc. Cháu không thích.

-Phải người ta gọi là nhạc vàng không?

-Đúng đấy!

-Chết. Cô bé không sợ công an bắt hay sao ?

-Ai dám bắt? Bố mẹ cháu làm lớn ở tỉnh mà. Mấy chú công an đem cho bố mẹ cháu nhiều loại nhạc lắm. Mà bản nào cũng hay cả ông ạ.

Cô bé ngây thơ nói cho hắn nghe. Hắn nhìn lại con bé, và nghĩ đến con gái hắn. Cũng trạc tuổi thôi sau lại phải buôn đầu chợ , bán cuối chợ giúp mẹ. Mà còn phải gánh chạy vì bị đám quản lý thị trường rượt đuổi. Con nhà quan có khác, dù chế độ nào thì ngôi nhà Tây này đám dân đen không thể nào ngó tới.

Bản nhạc vừa dứt, hắn định đứng dậy bỏ đi. Nhưng con bé còn đứng hỏi:

-Ông có thích loại nhạc này không?

-Thích lắm chứ. Nhưng chắc là không dám nghe.

Cô bé ngồi xuống nhặt một cánh hoa lên, mân mê. Hắn hỏi:

-Cô bé có biết hoa gì đây không?

-Biết chứ. Người ta bảo là hoa ti gôn. Ở Hà Nội có nhiều lắm.

-Cô bé có biết bài thơ nói về hoa này không?

-Cháu biết khi vào thành phố học đại học Văn. Bài “ Hai sắc hoa ti gôn “ của TTKH cháu có chép lại. Ở Hà Nội cháu không nghe ai nói đến TTKH cả, họ chỉ nói đến bác Tố Hữu, bác Xuân Diệu thôi. Cháu có đem bài thơ đó về hỏi bố cháu. Bố cháu nói không biết.

-Sao cô bé không học mà lại về nhà.

-Hè mà. Ông không biết sao?
Hắn nhìn qua bên kia đường. Những cây phượng đã trổ hoa. Màu hoa phượng đỏ tươi bên lề đường dẫn về bến sông. Mãi lo kiếm sống hằng ngày mà hắn quên hết ngoại cảnh chung quanh.

Hắn nói thầm: hè đến. Hắn định đi. Cô bé hỏi:

-Ông hết mệt chưa mà đi ?

-Vâng, tôi thấy khoẻ lại rồi.

-Mà ông định đi đâu?

Hắn nhìn cô bé, mỉm cười. Hắn đi. Những cánh hoa ti gôn còn vướng trên vai áo hắn. Cô bé đứng ngó theo. Hắn nghĩ: tuổi trẻ nào cũng hồn nhiên, tuổi trẻ hai miền Nam Bắc. Chắc chẳng có chút hận thù nào như cô bé trong ngôi nhà quét vôi trắng mà hắn gặp hôm nay.

oOo

“ Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ. Cho tôi gặp người xưa ước mơ… hay chỉ là giấc mơ thôi …”

Tiếng nhạc như còn đuổi theo sau lưng hắn. Những cành hoa phượng nở đỏ rực trên đường ra bến sông về chợ. Màu hoa phượng đỏ tươi hay đỏ bầm dưới ánh nắng? Hắn thấy hình như màu đỏ bầm của máu trên thân xác của bạn bè hắn đang lởn vởn đâu đây. Tân Cảnh, Đắc Tô, Kontum, Bình Định, Phù ly, Phù Mỹ… những nơi hắn đã đi qua, máu đỏ bầm trên thân thể bạn bè và ngày hôm nay người ta không muốn nhắc đến nữa. Chỉ còn hắn là nhớ .

“ Cho tôi tìm một chút hương xưa…”

 

Mới đó, chỉ chín mười năm thôi mà thay đổi lẹ làng. Những giọt máu bầm thâm đen trên cơ thể của bạn bè hắn đổ xuống trên chiến trường, người ta cũng đã quên hết rồi. Hương xưa chỉ tìm về trong thoáng chốc. Hắn đưa tay lên mặt rờ. Tiếng cô bé Bắc kỳ hỏi: ông làm gì ở đây. Tới xin ăn hả? Tiếng cô bé nói như vọng lại đâu đây, xoắn trong óc hắn. Hắn nhìn xuống người, quần áo thế này: ăn xin cũng phải. Bao năm qua hắn không dám đứng trước gương để soi lại gương mặt hắn. Thây kệ. Già thì cũng chẳng sao. Nhưng bản nhạc hắn nghe hôm nay làm hắn quay quắt.

Nắng chói chang trên con đường lỡ lói. Dừng lại trên cầu, nhìn xuống dòng sông, hắn cố nhìn lại gương mặt của hắn in dưới dòng nước trong xanh. Già lắm phải không, nuớc ơi, sông ơi, ta nhờ mi soi bóng ta bên cầu mà đã bao năm thân ta như cỏ rác , như lau lách bên bờ kinh, như cỏ gấu, cỏ mực trên đồi hoang. Đã bao năm ta sợ mảnh gương soi rọi ta trong đó. Bây giờ nhờ dòng sông soi rọi lại ta, để cho ta biết: ta của ngày nào. Hắn nhủ thầm như thế thì một chiếc ghe máy chạy qua cầu, chân vịt của máy ghe tạo thành những vòng xoáy với những con sóng nhỏ lăn tăn xua đi gương mặt của hắn vỡ vụn trên mặt sông. Hắn bỏ đi xuống phố. Con phố chính như không chịu nổi sức nóng của tháng năm, và ngọn gió từ dưới sông thổi lên không đủ làm mát lòng người.

Mùa hạ đang tới và những tiếng ve sầu kêu vang trên những cành hoa phượng.

“ Biệt ly, nhớ nhung từ đây…”

Con gái hắn không thấy được cảnh chia ly trong ba tháng hè với bạn bè. Đổi mới đã làm dập nát đời học sinh của con gái hắn. Phải kiếm sống, phải bươn chải mới có miếng ăn.

Tại hắn hay tại ai? Hắn không đổ thừa cho một ai cả. Tại tai ách lòng trời mới ra nông nổi. Hắn không buồn lòng bởi chiếc áo trên người hắn mặc hôm nay, rách rưới, vá chằng vá chịt. Phải, mùa hạ đến, tiếng ve đang kêu râm ran trong lòng phố làm hắn nhớ lại một khoảng trời rất xanh và tiếng hát của em ngày nào vào những tối chủ nhật trên đài phát thanh của tỉnh. Với giọng hát của em vút cao trên bầu trời đầy mây trắng , nõn nà nơi thành phố cũng có nhiều hàng phượng vỹ, cũng có gió biển, cũng có tiếng sóng vỗ vào ghềnh. Giọng hát đó như những nụ hoa mới nở vào một buổi sáng tinh mơ đánh thức hắn dậy, tươi vui trong ngôi nhà thuê ở khu sáu, Qui nhơn, cùng với những thằng bạn: trời không cho chết, từ một chiến trường về. Vẫn sống, để cùng hắn ngồi nghe em hát mỗi sáng chủ nhật trong ngôi nhà thuê của đám lính trẻ. Cứ thế, tháng này qua năm nọ cho hết niên khoá học của em, để rồi tiếng hát đó lại bay bổng về một phương trời nào đó, xa tít nơi em tới nhận nhiệm sở. Để rồi căn nhà thuê như vắng đi tiếng chim hót buổi sáng. Và, những ngày nghỉ cuối tuần hắn chỉ còn nhìn theo bóng dáng của những chiếc xe lam khuất dần ở cuối chân núi Gềnh Ráng mà thẫn thờ nhớ.

Qui nhơn, khu sáu ơi, bao nhiêu thằng bạn còn lại hôm nay có nhớ đến đứa em gái của hắn không? Mỗi sáng chủ nhật nào cũng vậy, em đến với chiếc áo màu xanh chuối non, làm mát căn phòng dơ dáy của đám lính trẻ độc thân, hay có lúc em mặc chiếc áo màu huyết dụ mà hắn cứ tưởng màu áo nâu sòng của một ni cô đến từ một cõi an bình để cho đám lính trẻ cũng thấy an bình trong cuộc chiến. Và, mỗi lần em đến là tiếng hát lại cất cao.

Hương xưa. Bây giờ, hắn lại nghe những dòng nhạc năm xưa, xa tít, gợi lại những gương mặt của mấy thằng bạn thân lưu lạc nơi chân trời góc biển . Chiến trường như nuốt chửng từng thằng một. Mỗi đứa mỗi nơi. Sống hay chết rồi cũng chẳng ai hay biết. Có chăng còn một chút kỷ niệm. Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt. Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất….Hay chỉ là một giấc mơ thôi…

Có phải thế không? Những thằng bạn trong đám “ cô hồn ” năm xưa. Một giấc mơ. Tiếng hát của em bây giờ vụt mất. Và hắn lại thả bộ đi dọc theo bờ sông, tới quán cà phê quốc doanh. Gọi ly cà phê :

-Ông cho tôi ly cà phê đen.

-Kẹt quá, buổi trưa cà phê hơi nguội. Người bán quán quốc doanh ngồi nói từ trong quầy vọng ra.

-Không sao. Ông hâm nóng lại một chút là được .

Với hắn, người bán hàng như quen mặt, cười cười, rồi hỏi:

-Dạo này kiếm ra việc gì làm chưa?

-Chưa. Định ra đầu quân vào HTX muối.

-Ông đã làm lần nào chưa?

-Chưa.

-Nghe nói khổ lắm. Nước mặn ăn lở da lở thịt.

-Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó.

-Không còn chỗ nào khác hay sao?

-Có lẽ khó tìm việc dạo này. Cứ ra làm thử. Còn hơn là con ở nhà đang chờ gạo.

Nói xong, hắn bưng ly cà phê hớp một hớp. Cà phê lạnh tanh. Nhưng còn hơn là không có. Nắng rực lửa ngoài đường làm chói chang đôi mắt.

oOo

Những ngày tìm việc chưa ra, hắn lại thả bộ xuống phố để tới quán cà phê quốc doanh uống ly cà phê bít tất rẻ mạt. Nơi đó hi vọng sẽ gặp vài người bạn cũ. Tháng năm, cơn mưa hạ bất chợt đổ xuống, ngôi quán ướt át. Người bán quán ngồi co ro trên chiếc ghế cao sau quầy, bó gối chẳng buồn gợi chuyện với hắn. Trời nắng hay mưa đối với hắn không cần thiết, mà thật sự hắn thèm một phút giây yên lặng trong ngôi quán quốc doanh này. Vì hắn biết hơn ai hết, chẳng ai thèm tới đây để uống ly cà phê bít tất rẻ mạt có mùi khét của bắp rang. Chỉ có hắn. Mỗi lần tới ngôi quán bên sông là hắn lại đi ngang qua ngôi biệt thự quét vôi trắng. Hắn dừng lại trong thoảng chốc để có dòng nhạc nào thoát ra từ trong ngôi biệt thự này nữa không. Nhưng không nghe thấy. Chỉ có thoảng mùi hoa sứ từ trong sân biệt thự mà thôi. Và cô bé Bắc Kỳ cũng không còn thấy nữa.

Những lần hắn đi tìm việc làm như thế, vợ hắn thấy thương. Thương cho người chồng lỡ cơ lỡ vận. Có lần vợ hắn nói:

-Thôi ông đừng đi tìm việc nữa. Ở nhà có tôi và con lo được rồi.

Hắn nghe vợ nói, thấy thương. Hắn nhìn lại vợ. Nhìn từ trên đầu xuống dưới chân. Khác nhiều lắm. Khắc khổ. Chịu đựng. Đắng cay. Nhục nhã. Nàng không giống như đứa em gái ngày nào thường đến với hắn để cất tiếng hát trong căn phòng thuê dơ dáy ở Qui nhơn, hát bản Phượng Cầu Hoàng cho hắn nghe. Mà vợ hắn, với chiếc áo blouse trắng dịu dàng với những ngón tay chăm sóc, an ủi từng bịnh nhân. Bây giờ phải lam lũ khi phải cỡi chiếc blouse trắng ra. Gót chân phải nứt nẻ. Tối tối phải lấy dầu dừa thoa mới hợp với trào lưu mới. Một cuộc đời. Hai thái cực. Hắn bị loại ra khỏi xã hội mang theo nhiều hệ lụy cho những người thân khác. Phải, hắn bây giờ như cọng cỏ khô trôi bềnh bồng giữa dòng kênh nước đục. Chỉ có vợ hắn, con hắn hiểu hắn.

Tự nhiên nghe lại bản nhạc xưa từ trong ngôi biệt thự đó phát ra, như còn một chút gì để cho hắn nhớ ?

Phạm Văn Nhàn

 304Đen - llttm

 

Thursday, October 24, 2024

Thà Như Thân Tượng đá - Nguyễn Đạm Luân

 Thà Như Thân Tượng Đá

 












Người ngồi đó như thân tượng đá

Thiên thu giữa trời đất chơ vơ

Phố quen ngày ấy giờ phố lạ

Chiều nghiêng bóng ngã nắng thu hờ

 

Người ngồi đó chờ cơn mưa muộn

Cơn mưa của một thuở đi về

Nhạt nhòa bay theo chiều gió cuốn

Chân ngập ngừng bước ở bước đi

 

Người ngồi đó nhớ ngày tháng cũ

Vá víu đời những mảnh tình hờ

Đến đi tựa mưa cuồng sóng lũ

Rồi vụt tan vội dứt đường tơ

 

Người ngồi đó chờ thu về phố

Muôn chiều lá đổ phủ hoàng hôn

Cùng với người nổi sầu vạn cổ

Cô đơn vây kín tượng đá buồn

 

Tượng ngồi trơ gan cùng tuế nguyệt

Người đứng chờ giấc ngủ trăm năm

Nửa đời không còn gì thương tiếc

Thà như là tượng đá lặng câm

 

Nguyễn Đạm Luân

Độc Ẩm Ban Mai - Nguyễn Cang

 Họa thơ Sơn Nguyễn:

Họa 1/.

ĐỘC ẨM BAN MAI

(nđt)

  


                    















Hoa tàn lá đổ ngập ngoài hiên

Hớp ngụm trà thơm thả nỗi phiền

Vãng cảnh vườn sau hoàng hạc khứ

Mây đùn ngõ mộng cánh diều xiên

Mai vàng gởi gió lời tâm sự

Trúc thả nằm ngang mặt chữ điền

Thấu hiểu trần gian là cõi tạm

Mà sao vẫn cứ mực mài nghiên?!


Nguyễn Cang ( Oct. 18, 2024)

Họa 2/.

ĐẸP BÚT NGHIÊN

(nđt)

Sương chiều lạnh lẽo phủ ngoài hiên

Chạnh tủi mình ta với não phiền

Ngắm cảnh hôn hoàng xua nỗi sợ

Quay nhìn quạnh vắng sẽ quàng xiên

Tìm trong kỷ niệm màu hoang phế

Xóa những sầu thương để cạn điền

Dẫu biết đường đi mờ nhạt nẻo

Trà thơm buổi sáng giũa mài nghiên


Ngọc Ánh Nguoideplongyen

17/10/2024

Bài xướng của Sơn Nguyễn

THƯỞNG TRÀ SỚM MAI

(Tung hoành ngũ độ )


Cảm nhận hương trà dưới quãng hiên

Thành ra khỏa lấp được ưu phiền

Do lòng đáo để luôn hằn học

Tại thói cơ cầu vẫn xỏ xiên

Thoáng đãng tồn vong lường hệ quả

Bình an mãn nguyện mải canh điền

Tâm hồn nhẹ nhõm như làn gió

Giữ lửa thi đàn mộng bút nghiên.


Chơn Thành 16/10/2024.

Sơn Nguyễn.