Friday, November 29, 2024

Rồi Em Lại Đi - Nguyễn Cang

 RỒI EM LẠI ĐI

 



















Em trở lại thăm nhà giữa trưa

Tìm đâu dấu tích tuổi ươm mơ

Mang nhớ thương đong đầy ký ức

Hoa tím bằng lăng nở tháng tư

 

Quê em nghèo mưa lũ ngập sông

Mẹ già vất vả phận long đong

Một sương hai nắng thôi đành phận*

Man mác trời chiều lạnh chớm đông

 

Cổng đình trước ngõ giờ đâu thấy

Quạnh vắng chiều xuân lạnh Bến Đình*

Ta cũng về đây thăm chốn cũ

Qua thời binh lửa hết đao binh

 

Mười mấy năm xa cách bùi ngùi

Chạnh lòng dâu bể lúc tàn hơi

Chốn hồng trần gọi em đi nữa

Còn ai tâm sự lệ đầy vơi

 

Về đâu hối hả bước đường xa

Đời ta hai ngã chẳng giao thoa

Gởi hồn khinh bạc theo năm tháng

Chân bước lang thang bóng nhạt nhòa

 

Nhớ bờ vai nhỏ nghiêng làn tóc

Nhớ ánh trăng thanh buổi hẹn hò

Từ ngày bỏ lớp em thôi học

Trôi nổi về đâu những bến bờ

 

Đường trần mấy nẻo anh chưa trọn

Chốn cũ tiêu điều lạnh buốt gan

Hoàng hôn xuống thấp trên đồi vắng

Thương nhớ đợi chờ hỡi cố nhân!

 

Nguyễn Cang (Oct. 28, 2024)

 

 

 

Tiếng Nhạc Nơi Góc Phố & Tình Cờ Gặp Lại - Nguyễn Thị Châu

 TIẾNG NHẠC NƠI GÓC PHỐ

 


















Hiu hắt bên song sợi nắng tàn

Hoàng hôn phố cũ tiếng hát vang

Lời ca hoài cảm ngày hôm ấy

Còn vọng xa xa khúc nhạc vàng

 

Nhà tôi ẩn hiện trong góc phố

Vu vơ lại nhớ chuyện ngày xưa

Anh đàn em hát” Hoa trinh nữ”

Hoà nhịp yêu thương theo gió mưa

 

Chiều nay, nắng cũng phai nhạt rồi

Lại buồn, nhìn ánh chiều buông trôi

Nhớ lời ai hát nghe tha thiết

Tiếng nhạc ai đàn, thánh thót rơi?

 

Còn đâu giây phút bên nhau ấy

Trả lại cho đời bao vấn vương

Người đi mang cả cung đàn cũ 

Bỏ lại phố xưa khúc nhạc buồn

 

Phố cũ bây giờ vắng bóng ai?

Vào ra một bóng nỗi u hoài

Nơi đây không còn vang tiếng nhạc

Chỉ còn bóng nhỏ suốt canh dài…!!!

 

 27-11-2024

 Nguyễn thị Châu

 

TÌNH CỜ GẶP LẠI

 

Tình cờ tôi gặp lại anh

Người anh năm ấy, ta đành xa nhau

Tình yêu thân thiết ngọt ngào

Cô em gái nhỏ, ngày nào gặp nhau

Gặp nhau chỉ có lời chào

Vì nay đôi ngã xa nhau lâu rồi

Anh về bên ấy xa xôi

Còn tôi ở lai, bên đời lẻ loi

Cuộc đời rồi cũng chia đôi

Thời gian qua mãi phai phôi nhạt nhoà

Tôi đi tiếp nối tình xa

Giờ anh về lại cánh hoa héo tàn

Gặp nhau chi? Quá muộn màng

Tóc xanh nay đã nhuộm màu phong sương

Thôi thì giữ mãi tình thương

Ngày xưa thân ái! Vấn vương thêm buồn….!!!

 

27-11-2024

Nguyễn thị Châu

 

Còn Lại Nổi Đau - Nguyễn Cang

 CÒN LẠI NỖI ĐAU

(nđt)

 
















Tường đông gió lạnh thổi qua giàn

Cửa ngõ tiêu điều mấy chậu lan

Biển lặng thương thuyền qua bến đỗ

Chiều nghiêng bãi cạn báo đêm tàn

Thương hoài kỷ niệm trăng lồng bóng

Tưởng mãi trang đài  lệ thấm chan

Ảo mộng xây đời luôn tiếp diễn

Sầu lên rượu đỏ uống tuôn tràn

 

Nguyễn Cang (Nov. 28, 2024)

 

Với Bạn Ngàn Xa - Nhóm Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 159_VƯỜN THƠ MỚI



 













 Xướng:

 

Với bạn ngàn xa

Ngày đông tuyết phủ lặng lờ trôi

Tuổi hạc đường mây đã cuối đời

Vạn nỗi thăng trầm chôn mộ địa

Muôn điều trắc trở mặc cơ trời

Buồn vui khép lại thời niên thiếu

Ủ rũ chia xa cuộc đổi dời

Cọp chết gìn da người giữ tiếng

Mai này sử sách rõ ràng thôi.

Nov 12, 2025

TQ

Họa 1:

 

Sông nớ mô rồi

 

Ai để dòng sông rác rưỡi trôi

Ngắm nhìn đau quặn chán mơ đời

Lối xưa nước biếc ngời trong vắt

Vẩn đục bi chừ hôi thấu trời 

Lạ rứa vì răng mình tự hỏi

Quê ta oằn oại bởi di dời

Nghẹn ngào dân khóc không thành tiếng

Nhỏ lệ sầu than ấm ức thôi

THT

Họa 2:

 

Vật đổi sao dời

 

Thân phận con người buộc nổi trôi

Những ngày thế chủ trên đời

Cơ cầu vận nước theo năm tháng

Cuộc sống lầm than oán trách trời

Luyến tiếc hoài, cảnh thời thịnh vượng

Đau thương thay, vật đổi sao dời

Tang điền gây cảnh đau thương ấy

Chấp nhận cuộc đời khổ nhọc thôi

PTL

Họa 3:

 

Khoảnh Khắc

 

Lặng lẽ mơ màng nước cuốn trôi

Bao năm xuôi ngược quãng đường đời

Lang lang phiêu bạt theo ngày tháng

Tưởng nhớ băn khoăn một góc trời

Khoảnh khắc thanh bình thời cố quốc

Thuở xưa sâu đậm khó di dời

Lòng người yêu nước trời cao thấu

Mong ước mơ hồ ảo vọng thôi

Hương Lệ Oanh VA

Nov.14, 2024

Họa 4:

 

Lẽ tuần hoàn

 

Muôn thuở, địa cầu cứ mãi trôi,

Bốn mùa lặng lẽ điểm trang đời.

Hạ nồng, đông giá thay màu đất,

Xuân nắng, thu mưa chuyển tiết trời.

Trăng khuyết trăng tròn vui mắt nhận,

Nước ròng nước lớn trách ai dời?

Trần gian sướng khổ trăm năm ấy,

Rồi cũng thành mây, mộng ảo thôi.

Minh Tâm

Họa 5:

 

Qua đông

 

Tuyết đổ sông băng nước hết trôi,

Tàn hoa xác lá hận tình đời.

Sương lam nhỏ lệ bay cùng đất,

Gió bấc tê da thổi khắp trời.

Đất khách, quê hương không thấy nữa,

Tha phương, bè bạn đã xa dời.

Qua đông lên nét tìm thi hữu,

Xướng họa chờ xuân sẽ đến thôi.

Mỹ Ngọc

Nov. 17, 2024.

Họa 6:

 

Nhắn người ở lại

 

Nắng tắt dòng sông lặng lẽ trôi

Buồn trong nghịch cảnh vẫn yêu đời

Bao năm trắc trở sầu lên mắt

Một phút suy tư ửng sắc trời

Bạn cũ ngày xưa còn mấy đứa

Gian nan khổ nạn chẳng di dời

Đôi lời nhắn gửi người còn lại

Cốt rũ xương tàn cũng giữ thôi

Nguyễn Cang

Nov. 12, 2024

 

 

 

 

Tuesday, November 26, 2024

Em Đi Mủa Thu Ở Lại - Thuyên Huy

Em Đi Mùa Thu Ở Lại 




Cánh Diều Mùa Xuân Trên Đồng Chó Ngáp - Trương Đạm Thủy

 

CÁNH DIỀU MÙA XUÂN TRÊN ĐỒNG CHÓ NGÁP


Trời cuối năm gió nghiêng nghiêng thổi qua hàng cây sua đủa bông nở trắng xóa. Vài cánh hoa bị gió cuốn, giần giật bay về phía bờ ao xanh những nhánh rau nhúc bập bềnh. Phía xa là cánh đồng lầy đầy cỏ, cây tạp và những dề lục bình tím ngắt như một điểm nhấn u buồn trên bức tranh màu lạnh.

Mẹ tôi đang ngồi vo gạo bên lu nước mưa hứng từ tháng tám chợt ngừng tay rồi nhìn về phía cánh đồng. Hình như mẹ muốn nói điều gì? Tôi lên tiếng trước: “Sao người ta lại gọi cánh đồng nầy là đồng Chó Ngáp, hở mẹ?”. Lúc đó tôi chỉ là một đứa bé mới bảy tám tuổi với rất nhiều thắc mắc về cánh đồng hoang dại nầy. Ở đây chỉ lác đác mươi ngôi nhà tre mái lá cách xa nhau chừng một tiếng hú.  Chủ nhân của những ngôi nhà xiêu vẹo ấy là dân tứ xứ trôi dạt về đây sống hẩm hút bên mép bờ dãi đất cao lúp xúp những cây trâm bầu, sua đũa chùm lé gai. Về đêm, nhất là vào những đêm cuối năm khi trời trở mùa gió Bấc, gió vụt qua cánh đồng lầy chợt hú lên. Tôi rất sợ tiếng hú đó. Mẹ hiểu ý nên thường ôm choàng lấy tôi và nói thì thầm: “Đừng sợ, có mẹ đây. Đó chỉ là tiếng gió thế thôi”.



 

“Mẹ ơi, sao người ta lại gọi cánh đồng nầy là đồng Chó Ngáp, hở mẹ?”, tôi lập lại câu hỏi. Mẹ tôi nhìn tôi ngập ngừng một lát rồi lại nhìn ra cánh đồng mông quạnh, nén một tiếng thở: “Người ta nói cánh đồng nầy rộng lắm, một con chó săn giỏi lắm chỉ chạy chưa đến nửa cánh đồng là đã thè lưỡi ngáp dài rồi. Nói thế để thấy rằng cánh đồng này xa lắm, xa đến tận chân trời…”.

Tôi tự nghĩ trong lòng: sẽ có hôm tôi đi phiêu lưu mạo hiểm qua ngang cánh đồng bao la bát ngát nầy xem thử coi nó rộng đến đâu? Nó không thể nào cứ xa mãi, xa mãi được. Phải có một chỗ nào đó nó dừng lại, chỗ có xóm làng, nhà cửa và người ta. Lẽ nào cánh đồng lầy nầy sẽ đi vào nơi vô tận cho dù người ta có đi hàng tháng hàng năm trời vẫn còn thấy cái mênh mông còn mãi mênh mông trước mặt? Lẽ nào? Tôi nói với mẹ tôi khi hai mẹ con ngồi bên bếp lửa chiều: “Sẽ có một ngày con đi băng ngang qua cánh đồng nầy, chắc chắn ở cuối đường chân trời ấy phải có một thành phố nào đó đông vui”, Mẹ tôi ngưng tay đẩy mấy thanh củi vào cái bếp lò đang cháy mắt trợn lên kinh hãi: “Con nói gì, con sẽ đi qua cánh đồng Chó Ngáp à? Trời ạ, đừng đừng, chỗ ấy có đi mà không có về đâu con trai của mẹ”.

Sao thế nhỉ? Cái gì có đi mà không có về? Nơi ấy có hùm beo, rắn rít hay yêu quái ăn thịt người? Tôi chẳng mấy tin. Mẹ âu yếm vuốt tóc tôi nói như muốn khóc: “Ngày xưa, lâu rồi lúc mẹ sắp sinh con thì có một hôm cha con cũng nói như thế. Ông ấy bảo phải đi qua được cánh đồng nầy mới có cuộc sống tốt hơn. Cha con nói cuộc sống là phải sống ở giữa nhiều người, có nhà cửa, có đường phố, có ánh đèn, có quán xá. Ở giữa cánh đồng cằn cõi nầy không thể được coi là cuộc sống. Và con ơi, cha con đã đi qua cánh đồng đến nay quá tám năm mà vẫn chưa thấy trở về…”.

Cha tôi là ai nhỉ? Ông ấy ra sao, cao gầy mà nghiêm nghị hay đẩm thấp mà vui tính? Tôi thử  hình dung ra một khuôn mặt của người nhưng trong tâm trí non nớt của tôi những hình ảnh ấy chỉ mơ hồ, tản mạn như những lớp mây xốp biến ảo trôi bềnh bồng trên cánh đồng xanh hoang vắng nầy.

Trời đang rủ dần màu tối trên cái cỏi mênh mông nầy. Gió cuối tháng Chạp thổi vù qua ngang cánh liếp đưa chút giá lạnh vào chỗ hai mẹ con tôi ngồi. Ngọn lửa bếp cơm chiều cháy lay lắt. Trên nền trời thẳm đen nhú ra vài ngôi sao sáng xanh như màu sáng của những con đom đóm. Ánh lửa hắt lên khuôn mặt mẹ tạo ra những mảng tối sáng sống động. Tội nghiệp mẹ, nét mặt mẹ hiện ra vẻ khắc khổ và một sự chịu đựng thật khó tả. Tôi nắm tay mẹ: “Lớn lên chút nữa con sẽ đi tìm cha và chắc chắn là con  sẽ trở về với mẹ. Con ghét cánh đồng nầy, nó không thể dài mãi để không có người nào có thể vượt qua. Con thích nhà cửa, phố xá, xe ngựa đông vui. Ở đây buồn quá, sao chỉ có hai mẹ con mình?”. Mẹ tôi chỉ tay về phía những đóm sáng nho nhỏ hiện  ra trong những chòm cây lúp xúp: “Đâu chỉ có hai mẹ con mình. Con quên rằng còn có những căn chòi lá kia sao? Ở đó người ta cũng đang nấu những bữa cơm chiều”.

Tôi nhớ ra rồi, cái đóm sáng leo lét nằm dưới ngôi sao Hôm là nhà của một cặp vợ chồng già, ông chồng chuyên đi bắt rắn bắt lươn. Xa hơn một chút mái nhà nằm dưới ngôi sao Vua là mấy căn chòi tả tơi nơi có mấy gia đình sống bằng nghề đi câu cá, câu ếch trong các ao hồ, đầm lầy giữa đồng Chó Ngáp. Một đóm sáng chập chờn phía cuối sao Lưỡi Cày là mái lều tả tơi của một lão trung niên đầu trọc tuếch chuyên đi lặn móc củ sen, củ súng. Người đàn ông nầy sống một mình mà năm nào đến mùa xuân tôi cũng thấy từ ngôi nhà nát ấy một con diều sáo màu đỏ thắm cũng vi vút bay lên giữa bầu trời xanh lồng lộng gió.

Năm nào cũng vậy vào ba ngày tết tôi cứ ngồi bên hàng hiên ngắm con diều giấy màu đỏ bay lơ lững giữa trời và nghe tiếng sáo vi vu của nó phát ra giữa thinh không. Có lúc tôi nghe tiếng sáo vui tai như một khúc nhạc xuân, song cũng có khi tiếng sáo diều lại tự dưng trở nên buồn bã, âm điệu nỉ non lan tỏa giữa cánh đồng mông quạnh. Có khi mẹ tôi cũng ra ngồi cạnh tôi cùng ngắm cánh diều và lắng nghe tiếng sáo của nó bay theo tiếng gió lúc gần lúc xa. Hồi đó cha con  cũng biết làm diều, năm nào ông ấy cũng làm một con diều rõ to và thả bay ngày nầy qua ngày khác trên cánh đồng nầy”, mẹ nói chầm chậm giọng trầm trầm. Tôi mơ ước có được con diều ấy. Giá như cha tôi còn ở đây có phải giờ nầy tôi cũng có được một con diều màu đỏ thắm như thế bay lượn và ngân nga điệu sáo giữa trời xanh? Tôi biết cha tôi có thể làm mọi điều cho tôi nếu như có còn ông ấy.

Một buổi trưa tôi lén mẹ đi ra cánh đồng. Men theo những lối mòn uốn lượn giữa những lùm cây lúp xúp, những bụi cỏ cao quá đầu người tôi đi về phía nhà người đàn ông có một con diều sáo màu đỏ sáng như một điểm nhấn rất  sinh động giữa màu trời xanh miên man oải chán. Lạ thật, ở xa trông thấy mái lều ấy cũng chỉ gần thôi nhưng đi rồi thì lại thấy hình như nó cứ lùi xa mãi, xa mãi ở đâu đó tận cuối chân trời. Có phải vì điều bí ẩn của một không gian không đơn điệu mà con mắt người ta dễ bị đánh lừa? Vì thế mà cánh đồng Chó Ngáp dường như vô tận, như thể nó luôn luôn chờ chực để đùa nghịch, để bẩy những bước chân của ai muốn đi qua nó, muốn chinh phục nó.

Nhưng cuối cùng tôi cũng đến được dưới chân cái điểm nhấn màu đỏ đang ve vẩy chiếc đuôi dài tha thướt trên khoảng trời cao. Có tiếng sủa của một con chó từ chiếc lều lá rách tơi tả phát ra. Một cái đầu trọc tuếch với một bộ mặt lừ đừ men rượu thò ra từ một lỗ thủng: “Ai đó? Vô đi”. “Dạ cháu, cháu đến thăm chú đây”, tôi nói nhỏ nhẻ ngập ngừng.

Người đàn ông nạt con chó cho tôi bước vào. Ông ấy ngồi trên một tấm chiếu trước một mâm rượu thịt ê hề. Như đoán được tôi sẽ nghĩ gì về chuyện nhậu nhẹt một mình với mâm cao cổ đầy nầy người đàn ông nhếch môi: “Gia tài có hai con chó mà một con tự dưng ngã đùng ra. Và ta đã làm thịt nó, miếng đem hon, miếng ướp muối xả nướng. Đúng là cao lương mỹ vị cho mấy ngày xuân sang. Sao, làm một miếng chớ nhỏ?”. Tôi lắc đầu, ông ta có vẻ không hài lòng: “Rượu ngon, thịt béo không dùng, vậy mày đến đây làm chi?”. Tôi nói tôi thích con diều sáo của ông ấy và năn nỉ ông nếu có thể thì làm cho tôi một con như thế.

Người đàn ông đầu trọc vói hai con mắt đỏ vì men rượu nhìn tôi chầm chậm từ đầu đến chân rồi hỏi có phải cái chòi lá của tôi nằm dưới mấy hàng cây sua đũa ở phía đông cánh đồng. Tôi nói phải, chính đó là nhà của mẹ tôi. Tự nhiên ông ta nhăn mặt: “Sao mẹ mày không có chồng để mày có người làm diều cho chơi? Mày thích con diều à, chuyện dễ như  trở bàn tay. Nhưng mày chiều lòng tao đi, là ăn một miếng thịt chó mới được. Ăn đi con, trông mày còm cỏi quá, đâu phải dễ gì để có một bữa rượu thịt như tao.

Muốn có diều thì phải ăn một miếng với thằng Tư cô đơn nầy”.

Bất đắc dĩ  tôi phải ngồi xuống tấm chiếu rách bươm của lão Tư cô đơn. Ông ta gắp cho vào chén tôi một miếng thịt cầy. Tôi ăn thử, xem ra cũng ngon. Nhìn tôi ăn với nét mặt khó khăn ông Tư cô đơn cười hà hà: “Ngon mà nhỏ. Ta là một tay thợ nấu ăn có tiếng đấy nhóc ạ, chẳng phải đụng ai ta cũng mời ăn nhậu đâu”.

Sau buổi ăn ông ta dắt tôi ra sân đến dưới gốc cây trứng cá kéo con diều xuống. Con diều lớn dần, lớn dần, và cuối cùng nó nằm gọn trên tay ông Tư: “Đây, chú cho cháu. Về hãy thả lên trời, nhớ cột một đầu dây vào mấy cây sua đũa cho chắc. Nhớ thả cho hết dây, ta ở đây vẫn muốn nghe tiếng nhạc của sáo diều vi vu trên cánh đồng Chó Ngáp nầy không có diều sao có thể là mùa xuân? Thôi về đi, nhớ cẩn thận đừng đi lạc vào các đầm lầy đấy”.

Tôi mang con diều về thấy mẹ tôi mặt xanh tái. Mẹ bảo đã chạy khắp nơi tìm tôi. Thế nhưng khi bà nhìn thấy con diều giấy to đùng mà tôi đang khệ nệ vác trên vai thì bà mắng: “Ai cho con đi qua nhà ông Tư ấy? Con xin con diều của ông ấy phải không? Lần sau còn sang bên ấy chắc chắn mẹ sẽ cho con một trận đòn”. Nói thì nói vậy rồi mẹ cũng phụ với tôi để thả con diều giấy từ từ lên cao. Ở đâu thiếu gió chớ trên đồng Chó Ngáp nầy gió rất hào phóng, và thổi lộng suốt ngày đêm. Vì thế con diều sáo của tôi sẽ bay mãi, bay mãi cho đến khi nào giấy bọc cánh diều bung ra khỏi cái khung tre thì sẽ chấm dứt đời diều và nó sẽ rơi xuống.

 

Buổi trưa ngày ba mươi tết tôi nằm ngoài mé hiên nhà gối đầu lên chân mẹ để ngắm con diều tung bay trên khoảng trời xanh lồng lộng gió. Tiếng sáo diều vi vút lúc bỗng lúc trầm ngân nga loang xa trên cánh đồng ngập ánh nắng xuân. Giờ nầy chắc ông Tư cô đơn bỏ cơn say và nằm ngữa trước hiên nhà ngước lên ngắm cánh diều quảy lộn giữa thing không. Mắt tôi và mắt ông ấy gặp nhau trên một điểm duy nhất là cánh diều đỏ thắm lay động giữa khoảng trời xanh. “Cám ơn ông nhé, ông Tư!”.

Mùa xuân năm tôi mười tám tuổi mẹ tôi đi thêm bước nữa với người chồng mới: ông Tư cô đơn. Tôi buồn nhưng không phản đối mẹ. Chính từ khi tôi xin ông ấy con diều đầu tiên thì cứ mỗi lần đến mùa xuân đến ông Tư lại mang tặng cho tôi một con diều mới. Tuổi thơ của tôi lớn dần theo từng con diều giấy và cũng từng năm tháng ấy mẹ tôi đã quen và phải lòng người đàn ông cũng sống một mình đơn chiếc như bà.

Bấy giờ tôi đã đủ lớn và đủ hiểu được rằng, không có người đàn bà nào sống thiếu một người đàn ông. Và ngược lại cũng không có người đàn ông nào sống được khi thiếu một người đàn bà bên cạnh.

Tôi cũng đủ lớn rồi, tôi cũng đã nghe trong tôi có tiếng gọi của một người con gái nào ấy, tiếng đó xa vắng và ngọt ngào giống như tiếng sáo diều vi vu trên cánh đồng Chó Ngáp. Buổi trưa trước khi ông Tư cô đơn dọn về đây mẹ ngồi ngoài hiên vuốt ve tóc tôi, giọng mẹ nghèn nghẹn: “Mẹ là đàn bà nên cũng cần phải có một người đàn ông phụ giúp mẹ để nuôi con. Hơn mười năm ông Tư đã thay cha làm cho con những con diều giấy, mẹ mang hơn mười lần cái ơn của ông ấy. Và nhà ta sẽ thêm một người để bớt cảnh quạnh hiu…”.

Tôi thấy mắt mẹ rưng rưng vì xúc cảm. Vâng, mẹ vẫn còn quá trẻ, mới bốn mươi thôi mà đã mười bảy mười tám năm thiếu vắng một người đàn ông bầu bạn.

Mai mốt đây thôi, tôi cũng sẽ như cha tôi, tôi sẽ đi băng qua cánh đồng nầy. Tôi sẽ đi về phía nơi có một thành phố nào đó, tôi sẽ thay tiếng sáo diều bằng tiếng nói êm đềm của một người con gái, thay cái nắng cái gió bằng ánh sáng của kinh thành, phố xá ngựa xe. Tôi yên lặng giấu mẹ chuyện nầy. Vâng tôi sẽ lên đường, tôi sẽ để lại nơi đồng Chó Ngáp nầy cuộc sống mới với mùa xuân và hạnh phúc cho mẹ. Tôi sẽ là một con diều thật, bay đi, bay đi…

Vẫn nằm trên chân mẹ ngắm cánh diều vi vu hay lượn trên bầu trời mùa xuân sao tự dưng có một giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má tôi…

 

Trương Đạm Thủy

Nguồn: Văn Học Nghệ Thuật

Tứ trang DĐQGHCUC

 

Hãy Trả Lại Tôi - Tạ Tỵ

 Hãy Trả Lại Tôi




Đời Buồn Như Bolero Của Nhạc Sĩ Trúc Phương - T.K Tổng hợp

 ĐỜI BUỒN NHƯ BOLERO CỦA NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG

Chẳng quá lời khi gọi Trúc Phương là “Ông hoàng nhạc Bolero”. Với cả gần trăm ca khúc, hầu như bài hát nào của ông cũng có một sức sống bền bỉ mãi cho đến ngày hôm nay ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống… Tài năng của ông thì ai cũng thấy, nhưng đời ông thì lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương, khốn khổ cho đến tận giờ phút cuối cùng.

T.K. tổng hợp

Tài hoa, mệnh bạc



Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa 15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc.

Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê” được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm của ông, một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là “Tình Thắm Duyên Quê”.

Không tiền bạc và không một ai thân quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì cô gái này yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà. Biết được chuyện này, cha mẹ cô bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Những bài hát sau này của ông nghiêng về chủ đề tình yêu với những nghịch cảnh chia lìa.

Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng, nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dở, sáng tác của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi hai mơ ước không chung lối về…” Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.

Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được. Nó trầm buồn, ray rứt, ưu tư và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất là một trong vài loại nhạc khí cổ nhạc như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của dòng nhạc Trúc Phương và người nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông.

Tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật, nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu thương ông, do rung cảm từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Cả hai đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, đó là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và ông sáng tác sung mãn hơn bao giờ hết với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này không kéo dài được lâu. Sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần buồn”? Nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút chán chường cho nhân tình thế thái.

Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời. Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta … “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Những giọt rượu nồng của cõi “trần ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần”.

“Thói Đời” lại như là một lời tiên tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó (1971-1995).

Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và trình diễn. Ông vượt biên không thành nên mất căn nhà trên đường Nguyễn Văn Thoại. Không nghề nghiệp, không nhà, ông làm đủ mọi việc để sinh sống. Với hai bàn tay trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa.”
Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang khắp nơi. Bạn ông kể có một dạo bạn bè cho tá túc, ông sống trong một cái chuồng heo được sửa sang chút đỉnh, mà cũng chẳng được bao lâu…

Ông có tâm sự lại vài lời xót xa, nghẹn ngào, xúc động trên một đoạn video clip ngắn ngủi về đời sống của chính bản thân ông lúc đó như sau: “Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, “bèo dạt hoa trôi”… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… đến nữa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắt, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách… là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, một chiếc chiếu lúc bấy giờ là một đồng… thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta… thế là mình lấy một đồng về… như là tiền thế chân… Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng… Mà nói anh thương… khổ lắm… Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát… mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn… Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…

Và ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995, tài sản của ông có được lúc đó chỉ là một đôi dép…

Trúc Phương ghi lại biết bao cuộc tình lãng mạn ướt át nồng nàn. “Nửa đêm ngoài phố” lang thang, tình cờ làm quen một người con gái lạ, rồi để lòng vương vấn mãi: “Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Ðường phố vắng đêm nao quen một người..” hoặc “Trở lại chuyện hai chúng mình. Khi em với anh…” làm quen, hẹn hò cùng nhau đi tới mòn lối, khiến nó trở thành “Con đường mang tên em”. Cũng có những lúc cô đơn, rút về nhốt mình nơi nhà trọ, nhưng Ðêm gác trọ chỉ nói lên nỗi buồn bâng quơ có vương chút phấn chấn nhờ thể điệu Tango, mà Trúc Phương ít khi dùng trong hầu hết các nhạc phẩm của mình. Rồi có lúc người yêu xưa tìm đến, cùng nhau ôn chuyện cũ, nhắc lại Chuyện ngày xưa, được ghi lại: “Hôm nào em đến thăm, mà quên mang tiếng cười, lặng yên không nói. Hai mươi tuổi đời qua mất rồi… Thôi em nhé, xin trả về niềm cô đơn trước, cho anh bước xuôi ngược, khi hai chúng mình, vòng tay trót buông xuôi, dù gặp nhau ta cúi mặt bước mà đi ”

Tiếng hát khói sương và nhạc sĩ Trúc Phương

Nhắc đến Tiếng Hát Liêu Trai, Tiếng ca U Hoài, Tiếng Hát Khói Sương Thanh Thúy phải nhắc đến Trúc Phương. Hình ảnh Thanh Thúy là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều tuyệt phẩm mà giọng hát Thanh Thúy đã làm cho đi vào tâm khảm bao người: Chuyện Chúng Mình, Hai Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, …

Trúc Phương đã viết tặng riêng Thanh Thúy một số ca khúc: Hình bóng cũ, Lời ca ca nữ, Mắt em buồn, Tình yêu trong mắt một người, Mắt chân dung để lại.

Hãy nghe Thanh Thúy- người hát nhạc ông thành công nhất, nói về ông trong một số báo tưởng niệm ở hải ngoại sau khi ông mất:

“Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi Anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.

Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm Anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự Anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với Anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…

Đến khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố” ra đời, tên tuổi Anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội, vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…

Cũng như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, nhiều nhạc phẩm của Anh đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn Trong Kỷ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều Làng Em…

Thế rồi, theo như Anh hơn một lần tâm sự, đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, giã từ tất cả, theo chồng đi đến những phương trời xa. Còn Anh vào quân ngũ, và vẫn tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những nhạc phẫm đều nói về đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người em nhỏ hậu phương… (24 Giờ Phép, Bông Cỏ May, Kẻ Ở Miền Xa, Trên 4 Vùng Chiến Thuật…)

Vào thời điểm này, anh Duy Khánh, anh Chế Linh và Hoàng Oanh có lẽ là những ca sĩ đã hát nhạc của Anh rất nhiều.

Kiếp tằm chưa dứt, tôi đã trở lại với sân khấu, với ánh đèn màu. Trở lại với “Nửa Đêm Ngoài Phố”, với “Buồn Trong Kỹ Niệm”…

Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại chia đôi chúng tôi ra hai ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong. Tôi đã tìm đủ mọi cách để liên lạc hầu mong gởi về những gói quà biếu Anh. Sự liên lạc trong những năm đầu thật khó khăn, cho mãi tới sau này, qua một số bạn bè và qua Trần Quốc Bảo, tôi mới có thể liên lạc thường hơn với Anh. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng về bịnh tình Anh do Trần Quốc Bảo kể lại. Nhìn những tấm ảnh Anh gởi qua đăng trên Thế Giới Nghệ Sĩ, trông Anh gầy gò, đau yếu, tôi đã không sao cầm được nước mắt. Tôi đã bàn với Trần Quốc Bảo thực hiện một cuốn băng với toàn nhạc của Anh, hầu có thể giúp Anh phần nào trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Chợt nghe tin Anh đau nặng… Chợt nghe tin Anh qua đời…”