QUÊN MỘT NGƯỜI NGƯỜI QUÊN
Ngồi chờ xe nhìn ra, chung quanh là mấy bà mấy chị bạn hàng, lăng xăng
khiêng đồ, giỏ này giỏ kia, bỏ lên bỏ xuống, từ trên bồn binh Lê Văn Duyệt chiếc
xích lô trờ tới thắng gấp bên lề đường, cạnh chiếc xe đò về tỉnh sớm đầu ngày, Hiển
giựt thót mình gần như chết trân, cô gái bước xuống, trả tiền, cười nói gì đó với
bác đạp xe, “Tường Vi”, Hiển buột miệng đứng dậy, đi lẹ, rời khỏi chỗ xe
đậu một khoảng khá xa, con đường Phạm Hồng Thái vắng người, nhiều nhà còn ngáy
ngủ, kín cửa.
Ngồi tại cái băng ghế dài cuối khu khách chờ của bến, cố để cô gái không
thấy được, nhìn lại, có tiếng người hối hả gọi nhau ơi ới lên xe một lúc, tiếng
máy xe đò và tiếng xe xích lô máy chở hàng qua chợ Bến Thành buổi sáng giữa trời
vừa chập chửng tan sương sớm, vang vọng cả một khu phố cửa sắt lạnh lùng chưa dậy,
chiếc xe đò chập sau rời bến, chầm chậm, thong thả qua khỏi bồn binh, ra đường
Lê Văn Duyệt, Hiển thở dài, đành chờ chuyến sau, gặp lại Tường Vi lần này, lần
gặp lại hết sức tình cờ, một cái tình cờ mà anh không hề muốn có sau bao nhiêu
năm bỏ Sài Gòn đi. Sài Gòn vừa hé chút nắng sáng.
*
Cùng học chung lớp, chung trường trung học quận, nhà Tường Vi ở phố quận,
nhà có cửa tiệm bán nông cơ cụ ở chợ quận và xưởng thợ gì đó dưới Sài Gòn, Hiển
nhà đầu xóm nhỏ khu họ đạo lẻ loi, nằm dọc theo quốc lộ, cách trường chừng đâu
đó hai ba cây số, nhà nghèo, cũng may có được cái xe đạp cà tàng, tuy cũ nhưng
còn đạp tới đạp lui được, của người chị bà con xa xa lấy chồng, theo về nhà chồng
mãi dưới tận Thủ Thừa cho, nên đi việc đi học mấy năm qua tạm ổn. Ở trường Hiển
thuộc loại học khá giỏi nên học trò trên dưới nhỏ lớn cũng biết anh ta nhiều,
Hiển ít nói, nhưng vui vẻ cởi mở, năng động, nhiệt tình, hăng hái với ba mớ
chuyện báo chí văn nghệ nên nhiều cô tóc thề, tóc “đờ mi gạt- xông” ghé
mắt, ghé mắt cho vui vậy thôi, gọi tên rồi bỏ chạy cưới híp mắt. Cùng lớp Hiển
chơi thân với Bình, dân phố chợ, cũng con nhà giàu, gia đình làm chủ mấy cái xe
hàng lớn chạy khắp nơi, xuống tới miền Tây và Tường Vi, ba người lúc nào cũng
thấy bên nhau, sáng vô trường chiều tan học.
Mới đầu quen nhau Hiển cũng ngại và giữ mình lắm vì biết phận mình, nhà
nghèo, ba mất sớm, má lam lũ, nhọc nhằn, vất vả sáng đi chiều về với công việc
phụ đổ bánh canh cho chỗ làm bỏ mối mấy tiệm bán bánh canh dưới chợ Trãng, cảnh
nhà vừa đủ ăn, lúc còn nhỏ chưa biết gì nhưng những năm sau này, thứ bảy chủ nhật
Hiển phụ lo nuôi đám gà đám vịt, cắm câu bắt còng bắt cua ngoài cái rạch nhỏ xế
bên trong ấp. Chơi với Tường Vi, Bình, riết rồi, ngày qua ngày, cái tình chân
thật, gần gũi của họ làm Hiển không còn giữ khoảng cách mà anh e dè nữa, từ đó
họ thân thiết nhau hơn, chia sẻ chuyện mình chuyện người nhiều hơn, nhất là
chuyện tuổi của những người vừa ngấp nghé thành người lớn.
Hè tan, lên đệ nhị, Hiển, Bình vào ban B, toán còn Tường Vi bên lớp ban
A, Vạn Vật, tuy là không còn chung lớp nữa nhưng họ, ba cô cậu vẫn như năm cũ,
vẫn có đi có về những ngày đi học nhưng xem ra bớt dần “đánh đôi đánh đọ”
vì năm thi, con gái thì khỏi nói nhưng đám con trai, rớt một cái là tiêu tan “công
hầu khanh tướng”. Đèn đêm tắt muộn hơn, không phải vì mơ mơ mộng mộng thiên
thai, tương tư thơ tình TTKH hay Nguyên Sa mà vì bao cái ngổn ngang định lý
công thức.
Cũng từ những ngày này, Hiển thấy mình có gì là lạ mỗi khi nói đến Tường
Vi, thoạt đầu thì có chút gì nhơ nhớ vậy thôi, nhưng rồi thì mỗi một ngày đi
qua Hiển chợt hiểu được lòng mình, biết thương Tường Vi mất rồi, nhưng thương
thầm, ngại ngùng chưa dám nói. Rồi cộng thêm những lo lắng, ân cần mà Tường Vi
đã làm cho anh, không thấy có về phần Bình và những chiều chia tay, đứng ngã ba
chờ Hiển đạp xe khuất khúc quanh xa phố, mặc dù Bình đã đi trước đó một quảng
đường, đã làm cho Hiển cảm thấy có một chút hy vọng nhỏ nhoi, ấm lòng, chắc Tường
Vi hiểu được gì rồi, Hiển vui với cái vui thầm, không ai biết.
Nhưng, tuy vậy chữ nhưng cũng quẩn quanh trong đầu mình không ít, với
Bình, thân rất thân, có nhiều thuận lợi hơn Hiển, nếu muốn, vì cả hai, Tường Vi
và anh ta đều là người ở phố chợ, họ có dịp gần gũi, gặp gỡ nhau hơn, nghĩ tới
Hiển cảm thấy lo ngại, biết đâu, cái biết đâu đó làm sao ai biết được, chút ngại
lo đó tuy không nằm chết sâu nhưng vẫn có lúc ẩn hiện trong đầu, nhất là những
chiều mưa, nghe tiếng ểnh ương nảo nuột ngoài ruộng hay từ chái hiên nhà ngồi lúc
hoàng hôn xuống, ánh trăng lên thay đèn đường phố chợ quận, nhìn về đó mà buồn
vời vợi. Một đôi lần, chiều lên rồi xuống, thứ bảy chủ nhật cuối tuần, nhớ dâng
lên vô cớ, giữa hoàng hôn nhuộm tím trời, Hiển chầm chậm đạp xe vào phố chợ quận,
quanh co mấy con đường lên xuống, qua ngang nhà Tường Vi, nhìn vào, cái cổng
hoa Giấy đỏ vẫn đỏ như những ngày đi học, lắng im, chừng đó vậy thôi rồi buồn một
mình, bỏ phố trở lại nhà, dăm ba vạt nắng muộn pha sắc tím đong đưa theo về trên
đường, Hiển hỏi thầm lòng mình “chừng nào mới dám nói đây”.
Cũng cùng lúc này, cùng lúc Hiển bắt đầu thương Tường Vi thì, qua những
lần chuyện trò với nhau, nói cười vẫn như những ngày tháng cũ, để ý một chút,
Hiển thấy Bình hơi khác trước chút xíu, cũng vui vẻ, cũng thân thiện, cũng mầy
tao nhưng qua cử chỉ và những lần nhìn trộm mà Hiển vô tình thấy được, hình như
đã có cái gì đó với Tường Vi, mặc dù cô vẫn vậy, bất giác Hiển lo sợ, chẳng lẻ
anh ta cũng như mình sao, nhưng làm sao hỏi ra đây. Từ đó bổng dưng tình bạn vốn
có từ bao năm qua dường như có chút mai một, nghĩ ngợi mông lung vậy thôi, bài
vở kỳ thi dồn dập tới nơi, ai nấy bù đầu không ít thì nhiều nên mọi thứ, mọi
chuyện tự nó lắng xuống, nhường chỗ cho những trang sách hóc búa, chồng bài vở
khó nuốt trên bàn học trong những ngày nắng cháy hay những đêm mưa dầm.
*
Gần nửa năm đệ nhất, Hiển vẫn chưa nói được gì, chỉ có một lần duy nhất,
hôm bửa tiệc mừng thi đậu tú tài Một ở nhà Tường Vi, khi đứng gần bên bàn dọn
thức ăn, cố nói và can đảm nói, bâng quơ, bóng gió gì đó mà tới hôm nay anh
cũng không biết là mình nói gì và có nghĩa gì hay không, nhưng cũng xin cám ơn
cô bạn thân của Tường Vi đứng bên cô nàng mĩm cười, liếc mắt nhìn Hiển rồi nói
cũng bâng quơ “em biết anh Hiển nhớ ai rồi nghe”, Tường Vi cười chúm
chím mà không nói gì. Và bữa tiệc chiều hôm đó, Hiển chợt dưng ít nói hơn ngày
thường, giữa tiếng cười tiếng mầy tao của mấy cô bạn gái, pha lẫn tiếng pha trò
của Bình, bữa tiệc vui nhưng có người vui mà buồn. Những ngày tháng qua, cứ qua
như những ngày tháng cũ của tình bạn ba người nhưng tình gì nữa, chỉ có riêng
ba người hiểu. Hiển vẫn đi về với cái xe đạp tàn tàng trên đường, Bình và Tường
Vi vẫn một đời “nhà cao cửa rộng”. Đôi khi cũng hẹn hò với Tường Vi,
Bình một vài buổi chiều nắng Hạ, đạp xe lên phố, ngồi uống nước, ỏ cái quán
quen đầu góc ngã ba, đường xuống chợ, tán gẫu chuyện trời trăng mây nước, chuyện
thiên hạ nhân tình, nhìn người đi sớm về muộn ngoài đường, lần nào cũng Tường
Vi hay Bình trả tiền, nên những ngày sau Hiển kiếm cớ nầy nọ từ chối, có lẽ Tường
Vi hiểu được, nên cứ gặp nhau trong sân trường là “Tường Vi có làm gì cho anh
buồn hông”.
*
Qua Tết, cũng như năm rồi, sắp tới mùa thi cuối đời trung học, nhưng xem
ra quan trọng hơn nhiều, không học hành đàng hoàng hay không may đi nữa, nếu rớt
thì, khỏi nói, đường tương lai sẽ không tránh được mịt mù, nghiệt ngã. Ai cũng
biết và tự biết, cho nên họ, gặp nhau trong trường những ngày đi học thì nói gì
cứ nói, nói cho hết, tan trường, vẫy tay chào nhau, ai về đường nấy, không còn
cảnh đứng lại, chờ người khuất nẻo rồi mới đi, nói vậy chứ cũng vẫn còn người nấn
ná ngó theo người quay đầu liếc vội.
Một trưa Chủ nhật, trời hanh hanh nắng, gió từ hướng sông mang theo mùi
bùn, mùi lục bình mát rượi, Hiển đạp vội xe ra chợ quận, mua thuốc nhức đầu cho
má, bà bị khó chịu từ hai hôm nay. Vừa xuống dốc ngã ba, chưa tới tiệm thuốc
tây, Hiển dừng xe, khựng lại, tấp vào lề đường, phía trước mặt một quảng xa
nhưng còn đủ tầm mắt, Tường Vi và Bình đang đi bên nhau, vui cười, nói qua nói
lại gì đó, có chút ngở ngàng, chờ cho họ khuất cuối dốc sau chợ, rồi lẹ lẹ tới
tiệm thuốc tây, cách anh chừng bốn năm căn nhà. Nắng vẫn còn hanh nắng, đường
phố quận giờ này vắng người, lưa thưa vài ba chiếc xe lôi đạp chở đầy hàng, gồng
lưng mệt nhoài lên dốc, thay vì đạp xe đi một vòng lên xuống, ngang qua cổng
hoa giấy đỏ nhà Tường Vi như nhiều lần trước, anh vội vã rời phố chợ, bỗng dưng
nhói đau trong tim mà không biết có phải mình đang lo sợ, sợ vuột mất cái gì đó
mà cái đó chưa phải là của mình hay không, buồn trên đường về.
*
Xuống Sài Gòn, lên đại học, số trời chưa thương, không đậu vào đâu hết,
dù đã cố gắng hết sức với hy vọng có nó để có cơ hội cho mối tình đơn phương của
mình, Hiển lẳng lặng vào trường Luật rồi liệu tính sau, trong khi đó thì Bình vui
vẻ với Phú Thọ, Tường Vi cùng vào Dược với cô bạn cùng trường cùng quê.
Một hai tháng đầu, ba người còn gặp nhau về quê thăm nhà vài lần, rồi
thì chuyện học chuyện hành của Tường Vi và Bình xem ra bận rộn vì chương trình
học của họ, phần Hiển thì bên trường Luật nhàn hạ hơn, thỉnh thoảng cũng hẹn
nhau quán cốc vĩa hè, cà phê cà pháo, nhìn thiên hạ lại qua, nhắc chuyện cũ
chuyện xưa này nọ, rồi thôi, sau đó Hiển thoái thoát bận rộn gì đó vắng mặt, vì
Hiển không đủ khả năng với tiền bạc, để hai người kia trả hoài, ngại lắm, nghĩ
đến má lam lũ ở nhà, lòng đau nhói cố gượng mà vui với bạn, vui trong nghèn nghẹn,
nhưng vì nhớ người, nhớ mà cứ giấu kín trong lòng, chưa dám nói gì được, vẫn là
tình đơn phương ngày qua tháng lại.
*
Chiều thứ Bảy, cầm cái gào – mên vừa đưa cho bác xích lô quen mặt, đợi
ngoài đường, bên lề quán cơm, cái quán cơm bình dân, ngay đầu Trần Bình Trọng, trưa
chiều gì cũng đông người, giá cả rẻ dễ ăn, phần lớn khách là những chú bác đạp
xích lô, xe ba gát chở mướn, trở vô, vừa tới cửa, hai cô gái từ đâu đó cũng tới
cùng lúc, đi vào quán, Hiển đứng lại nhường đường, chưng hửng và có chút bối rối,
không ngờ lại gặp Quyên, cô bạn gái cùng quê cùng trường với Tường Vi và anh,
Quyên trố mắt nhìn thật lâu rồi lên tiếng “anh Hiển, cũng tới ăn cơm chiều hả?”,
có tiếng kêu tính tiền, chưa kịp trả lời cho trọn, Hiển cười “Quyên chờ chút
xíu nghe” rồi vội quày quả đi vô, Quyên cùng cô bạn đứng lặng im nhìn theo.
Hai cô lặng xăng phụ bưng đồ ăn tới cái bàn gần ngoài cửa, nắng Sài Gòn chưa
mát, bụi vẫn bụi như mọi hôm, ngồi bên nhau, bác gái chủ quán nhìn ra cười, làm
dấu tiếp bạn mình đi, giờ này khách cũng vắng đi chút đỉnh rồi.
Số may, trời thương, nhà trọ Hiển ở khúc trong đường Cao Đạt, không xa
quán cơm là bao, ra đón xe buýt đi học, chiều nào cũng về ngang qua, đôi ba
ngày có ghé vô quán ăn cơm, đủ số tiền khiêm nhượng anh có, thêm vào đó còn dư
chút đồ ăn, hột vịt thịt kho, cải chua, mang về cũng đủ được vài ngày, trưa thì
có bánh mì rồi, mấy lúc đó, chiều về trễ nên, quán vắng khách và chuẩn bị tém dẹp
đóng cửa, thấy anh mặt mài cũng dễ thương, ăn nói khiêm tốn, dạ thưa và nhất là
ăn ít, chừa đồ ăn dư, bác gái chủ quán
thường đến ngồi bên, hỏi chuyện này chuyện nọ, Hiển cũng “tình thật xin thưa”,
cảm động cho thằng học trò nghèo, cù bơ cù bất, Hiển được bác nhận cho tới làm
phụ, chạy bàn, bưng đồ ăn buổi chiều cho khách, không cần chuyện gì khác, thêm
nữa kèm dạy toán cho hai con bé gái con
bác, đang học lớp đệ lục, đệ ngủ ở trường Thánh Linh, áo dài xanh thiên thanh
không xa nhà, đi bộ cũng tới vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, sau khi quán
đóng cửa vì gia đình bác chủ quán cũng ở đó, căn gác sau quán, nếu Hiển không về
trên tỉnh, từ đó anh không còn lo toan chuyện tiền bạc, cơm chiều cũng không phải
lo, chưa kể đồ ăn đem về mà bác gái chủ tiệm bỏ vào hộp sẳn, tiền công thì trả
cũng như cho, đã vậy còn dành dụm được chút đỉnh, đem về phụ cho má đở phần
nào, nhất là không còn phải lo lắng, cực nhọc thêm.
*
Cả bọn về tỉnh ăn Tết, Hiển gặp lại Tường Vi, Bình và cả Quyên, mọi người
cũng rộn rả chuyện xưa tích cũ như những ngày tháng trước, cũng gọi tên nhau, Bình vẫn vậy, dồn dã,
nhanh nhẩu như cái nhanh nhẩu mà anh ta có từ mấy năm ở trường. Hiển cố tìm những
gì anh muốn nghĩ tới, nghĩ trong lo sợ, để ý một chút thì Quyên hay nhìn Hiển,
một cái nhìn ái ngại, lo lắng như có chuyện gì đó, nói nhiều hỏi nhiều nhưng
xem ra họ, chưa biết việc Hiển đi làm ở quán cơm, chỉ có Quyên. Qua Tết, trở xuống
trường, chia tay, hẹn mà không hẹn ngày, mọi thứ đâu hoàn vào đó, vẫn như cũ,
và cũng từ đó họ ít thường gặp nhau.
Hiển không về trên nhà nghỉ hè như đám bạn mà đi đi về, vì cố ở lại làm
việc cho quán cơm dưới này, dành dụm thêm tiền cho năm tới, chuyện Hiển vắng
nhà một năm qua má anh cũng quen rồi, bà vui nhưng vui không trọn lắm vì thương
cho con, phận nghèo biết làm sao hơn. Lại một lần nữa, trời vẫn còn thương, Hiển
đậu vào một trường khác, cái trường mà Hiển đã tính tới ngay từ ngày đầu, bước
chân vào giảng đường đông nghẹt, không tiếp tục ghi danh bên Luật nữa, trường mới
chưa khai giảng nên vẫn tới quán cơm làm như trước, chờ ngày vào học, sau khi mọi
thủ tục hoàn tất, anh mừng trong lòng không biết bao nhiêu mà nói với hy vọng,
cũng cứ hy vọng một mối tình chưa dám ngỏ.
*
Vào học không bao lâu, sáng chủ nhật, trời thu lành lạnh, thả bộ chầm chậm
theo bóng nắng sáng mới lên trên đường tới quán cơm chào cám ơn, từ giã gia
đình đã thương mà giúp anh suốt năm qua cũng như tạm nghỉ dạy kèm cho hai con
bé một thời gian, khi ổn định việc học việc hành rồi tính. Vừa băng qua ngã tư
đèn đường, chiếc xe Honda PC trờ tới, ngừng lại gọi tên mình, Hiển cũng đứng lại
bên đường gần tới quán chờ, Quyên gọi “anh Hiển” rồi làm dấu tới quán
trước.
Hiển không còn làm ở quán cơm vì đã có phần học bổng của trường,
đủ ăn đủ xài, cũng không còn ở nhà trọ mà ở trong khu nội trú của trường, không
gặp Quyên đã lâu và chuyện học hành, chỗ ở hiện không ai biết. Quán vừa mở cửa
nhưng chưa dọn bày ra bán, chị giúp việc đi qua đi lại, nhìn trước nhìn sau cười,
hai người ngồi ngay cái bàn nhỏ, trước mái hiên quán nhìn ra đường. Không biết
họ nói gì, mặt Quyên không vui không buồn nhưng Hiển, trầm ngâm cười gượng nhìn
mông lung, phảng phất buồn. Quyên cho biết tin, Tường Vi và Bình sắp làm lễ
đính hôn, chắc sẽ mời bạn bè nhiều lắm.
Không lâu sau, Quyên đẩy xe Honda ra đường, Hiển theo ra, lặng thinh
nhưng vẫn thấy cái cười gượng khi nãy còn đâu đó trên mặt, đứng nhìn theo dù
Quyên đã khuất mất ngoài đường lớn, hết rồi, thôi đã hết rồi, giấc mơ yêu người
đã vỡ tan, sầu nổi sầu khôn nguôi hiện rõ trên mặt, Hiển đứng đó, đứng như trời
trồng, lòng đau nhói, trời nắng rực hồng lên nhưng trước mặt mù mờ, chừng một
màu ảm đạm, ma quái. Tiếng bác gái chủ tiệm vọng ra “vô ăn sáng đi con”,
Hiển quay lại “dạ”, đi vô bật khóc không thành tiếng.
*
Xong lễ đính hôn của Tường Vi, bạn bè cùng lớp, thầy cô cũ có mặt gần đủ
hết, nhưng không có Hiển, vắng mặt Hiển Bình không thắc mắc gì, không nói tới
nhưng Tường Vi không hiểu sao mà mình cảm thấy làm sao đó, không biết là cái gì
nhưng cứ lấn cấn trong đầu. Rồi thì chuyện học hành chuyện đi về như cũ, còn tới
hơn hai năm nữa mới làm đám cưới, sau khi ra trường. Chuyện vắng mặt Hiển hôm lễ
đính hôn và biệt tông biệt tích của anh ta cứ vậy mà loay hoay, quanh quẩn
trong đầu, cố giữ cho riêng mình thôi nhưng rồi cũng đành chịu, cuối cùng cô
nghĩ tới, chỉ còn Duyên, cô bạn thân nhất, vi Quyên cũng từng chuyện trò qua lại
với Hiển khá gần.
Chiều thứ bảy, không về trên nhà, ngồi với Duyên trong cái quán kem, bên
hồ con Rùa, không xa trường Dược, ngó qua cổng trường Luật, hoa nắng chiều đong
đưa rớt trên đường theo chiều cơn gió nhẹ tạt ngang, con đường Duy Tân vẫn đó,
vẫn cây dài bóng mát, chen chúc xe cộ, người và người, trời Sài Gòn chưa nhạt nắng.
vừa ăn vừa nhìn bạn thoáng chút nghĩ ngợi, Quyên chậm rãi và thong thả nói cho
Tường Vi nghe, những gì mà cô giữ kín, định ngày nào đó nói ra nhưng chôn vào
quên lảng như “mùa thu đã chết rồi, em nhớ cho”của Phạm Duy, sau ngày có
lễ đính hôn đó.
Quyên kể những lần gặp Hiển, Hiển làm gì, ở đâu và lần sau cùng, khi hai
người ngồi bên hiên cái quán cơm sáng chủ nhật xa rồi đó, Hiển đã nói gì và
không nói gì sau khi Quyên cho biết tin Tường Vi sắp đình hôn với Bình, đó là lần
sau cùng và từ đó Quyên không biết Hiển ở đâu, làm gì, ra sao cho tới chiều hôm
nay. Tường Vi lặng thinh nghe, ngó mông lung ra hồ con Rùa như kẻ mất hồn, nghẹn
lời, lắc đầu thở dài, Quyên cũng hiểu được gì rồi nên không nói thêm gì nữa. Nắng
chập chững tàn, trời bổng dưng lành lạnh, Sài Gòn ngấp nghé vào đêm, phố bắt đầu
lên đèn, đường xá nhộn nhịp người và người, Sài Gòn chiều thứ bảy vui nhưng có
một người chợt biết buồn, mà không biết tại sao.
Giữa năm thứ tư, sau Tết, đám cưới Tường Vi, Bình định cử hành sau ngày
tốt nghiệp bị hủy bỏ, không thành, cả hai gia đình đều đồng ý, Tường Vi quyết định
dứt khoát vì sự việc này với cô, không thể chấp nhận được, lý do mà bên nhà
Bình cũng khó ăn khó nói, sau nhiều lần nghi ngờ, cuối cùng biết ra Bình lén cặp
bồ với một cô bên Văn Khoa từ hơn một năm nay, từ những ngày thứ bảy, chủ nhật
không hăng hái cùng về thăm nhà như trước kia, viện lý do bài vở ở Phú Thọ chất
chồng qua, cần ở lại lo, sợ rớt.
Mới đầu Tường Vi còn tin anh ta nhưng rồi, dần dần, việc hẹn hò dưới Sài
Gòn cũng bớt đi, làm cho cô cảm thấy Bình có gì giấu diếm và tình cảm của hai
người có gì bất ổn, cuối cùng và tình cờ một chiều chủ nhật, từ trên nhà xuống,
cô đã tận mắt chứng kiến, Bình ngồi ăn thân mật, hun hít với cô gái ở nhà hàng
Thanh Thế, đáng lẽ là Bình cùng về nhà với mình, mà không biết là Tường Vi, Quyên
có mặt ở bàn sát sâu bên trong. Dù vậy Bình vẫn thương thương yêu yêu mỗi khi
hai người gặp nhau, những lần như vậy Tường Vi mĩm cười riêng mình, một cái cười
ẩn ý, tuy nhiên cô vẫn giữ tươi vui ngoài mặt, Bình không hề biết là người ta đã
biết hết mọi chuyện. Vậy thôi, đám cưới không thành, Tường Vi không buồn, gia
đình Tường Vi trả lại sính lễ, gia đình Bình nói lời tạ lỗi và Bình lặng câm, cả
một khu phố chơ quận đều biết tin này, có người vui người buồn, từ đó cho tới
ngày tốt nghiệp hai người không gặp nhau nhưng gia đình họ vẫn “chào anh
chào chị” như trước.
*
Ngồi với Quyên, bên lề góc quán cơm đầu chợ quận xưa, nhìn về sân trường
cũ, sân trường của những ngày hoa mộng, sau mấy tháng tốt nghiệp trường Dược,
chờ việc làm từ hảng bào chế OPV, trời bây giờ mùa mưa, buổi chiều mới còn chút
nắng lưng lửng bên kia sông đó giờ lất phất về ngang, từng giọt bay theo gió
xuôi về đường ra khỏi chợ, trong màn sương mờ mờ đục, có ai đó đạp xe đạp một
mình, xa xa rồi xa xa, bất chợt Tường Vi buột miệng “Hiển”, Quyên nhìn bạn
thở dài không ra tiếng “Hiển”.
*
Ra trường, Hiển về làm việc tại một tỉnh nhỏ miền đông, cận kề biên giới,
từ ngày có tin họ đính hôn với nhau, Hiển chưa lần nào gặp lại, mỗi lần về thăm
nhà, thăm má thì chỉ xuống xe đò ở xóm đạo, và ở đó, chưa lần nào lên tới phố
quận, trường cũ, đường xưa giờ chỉ còn là kỷ niệm, chỉ còn là một chút gì để nhớ
rồi để quên vậy thôi. Tới khi đi làm, ít khi về vì công việc, không còn là ngày
hè ngày nghỉ của năm tháng học trò, và cũng có lẽ Hiển chấp nhận thua thiệt,
nên bao nhiêu năm qua họ không bao giờ gặp lại và chính Hiển cũng không hề muốn
có.
Thuyên Huy
Mùa Phục Sinh 2023
No comments:
Post a Comment