CHẲNG PHẢI LÀ QUÊ, SAO LẠI NHỚ
Cái họ của tôi nói cho mọi người biết
tôi gốc Huế mà không ai thèm bàn cãi gì thêm. Tôi chưa bao giờ khẳng định
hay bàn cãi gì thêm về cái gốc của mình, mặc định nó là như vậy, nhưng có một
điều tôi không nói được giọng Huế, tôi nghe giọng tiếng Huế rất dở.
Tôn Thất Long
Tôi chưa bao giờ đặt chân ra quê cha
gọi là Huế một lần nào từ khi cha sinh mẹ đẻ ra đến giờ dù nhiều lần tôi đi khắp
từ Nam ra Bắc. Lần gần nhất để đi đến quê là Đà Nẵng và Hội An nhưng tôi vẫn
chưa một lần chịu ghé về Huế thăm quê cha đất tổ.
Trong dòng họ chi nhánh của mình, có
lẽ tới giờ này tôi là thằng con đích tôn của chi, của hệ mình. Các ông anh bà
con nhà mấy ông bác tôi, một là đi Tây từ cái hồi hôm nẵm hôm nao sợ tiếng Việt
đã quên mất luôn rồi, lấy mấy cô Tây bà Đầm nên từ mấy ông anh họ đó cho đến
con cháu chắc cũng đã quên luôn cái chuyện ăn món bún bò bỏ vào chút mắm ruốc
cho mặn mà chứ đừng nói chi đến cái gốc Huế. Tôi có bà chị con ông Bác mà
còn lớn tuổi hơn má tôi, dù đã lớn tuổi vẫn lo đi đi về về cải mộ ông bà gom về
một nơi, hàng năm gởi tiền về đều đặn cho nhà thờ quê họ để lo cúng quẩy.
Cái nhà thờ họ và mảnh đất hương hỏa to đùng vốn lẽ được vua cấp cho từ thuở
nào dùng để làm nơi thờ tự và đất làm ruộng bán lúa thóc để có tiền mà cúng quẩy.
Rồi họ đến họ chia làm ba làm bốn, cái thì chia làm hợp tác xã, cái thì họ chia
đất ra làm ruộng, cái thì họ chia nhau xây nhà để ở. Vậy đó đất hương hỏa
và nhà thờ thừa tự nghe chị họ đi về kể lại nó chỉ còn cái nhà thờ nho nhỏ, nơi
cúng kiếng lúc xưa trang nghiêm ai ra vào đều im tiếng, giờ thì ồn ào nhộn nhịp
như đang ở chốn thị tứ.
Cái thuở ông bà tôi, ai muốn ăn học đều
đi ra Bắc và Hà Nội là nơi chọn đến, học xong thì ở lại đó lập nghiệp hay lấy
người Hà Nội gốc, mua nhà ở trong phố cổ sinh con đẻ cái, lâu dần thành ra dân
Hà Nội chỉ còn cái họ là Huế rặt. Thành ra Hà Nội lại thành quê cho con
cháu hơn là Huế. Hơn trăm năm trước Hà Nội là nơi đắc địa, là nơi để phát
triển và di cư. Cũng vậy 70 năm sau từ cái ngày chia đôi đất nước cho đến
bây giờ, ai muốn sống tự do thì vô Nam, khối gia đình bị chia cắt nhiều người lấy
Sài Gòn làm quê từ đó. Rồi sau này ai muốn làm quan thì đi ra Bắc, ai muốn
phát tài, phát triển thì tìm đường đi vào Nam và đến Sài Gòn tạm dung làm đất dụng
võ, dừng chân là có đất để đem tài ra dùng.
Có lẽ trước và sau, Hà Nội và Sài Gòn
ở hai đầu đều là đầu mối cho dân nhập cư. Hà Nội và Sài Gòn chẳng cần khai phá
như đất Cao Nguyên nhưng là nơi để lập nghiệp và rồi thành quê cho con cháu sau
này. Đất lành chim đậu, người Sài Gòn vốn không hề tự xưng hay coi
là thanh lịch như người Hà Nội, nhưng với phong cách miền Nam nơi dân Việt đi mở
cõi ở phương Nam, vốn dĩ đất rộng, người ít nên cũng rộng rãi, phóng khoáng và
thoải mái hơn rất nhiều. Nhiều lúc làm 1-2 mà ăn xài 3-4 nên được cho là
xuề xòa, phóng túng và dễ sống. Người càng đổ về nhiều, ai cũng có quê
riêng nhưng chẳng mấy chốc ai cũng dễ dàng được cho là thành dân Sài
Gòn. Mấy đứa bạn tôi, toàn dân sinh đẻ ở Sài Gòn nhưng chẳng có thằng nào
quê gốc trăm năm ở Sài Gòn cả, toàn là dân tứ xứ cả đấy thôi. Lâu lâu
nghe tụi nó nói tao “dzìa quê” hay “dzề quê”, “chết mẹ” hay “chết mịa”, nghe là
đoán chừng biết tụi nó có gốc từ ngoài vào hay từ dưới lên.
Trên mạng, có biết bao nhiêu hội
đồng hương, nào hội đồng hương “Kẻ Chợ” cho dân Hà Nội chính hiệu xứ ngàn năm
thanh lịch, hội đồng hương “Huế”, hội đồng hương “Đà Nẵng”, …nhưng có lẽ cái hội
người “Sài Gòn” chẳng phải là hội đồng hương gì gì cả lại nhận được nhiều người
gia nhập nhất kể cả dân gốc Bắc có vài năm sinh sống ở Sài Gòn, dân miền Trung,
dân miền Tây lên sống ở Sài Gòn là gia nhập vào hội được rồi. Chẳng có sự
phân biệt vùng miền và gốc gì, gốc ngo, gốc hoa phượng hay gốc nẫu đều làm dân
Sài Gòn được cả. Ai đi xa cũng nói về cái nhớ Sài Gòn, chẳng phải là quê
mà nhớ mới là lạ. Cứ như Sài Gòn là quê nhà của mình. Người đi xa về,
cứ đi đâu rồi cũng ghé về Sài Gòn, cứ như Sài Gòn là nơi mặc nhiên phải đến rồi
cũng từ đó mà ra đi.
Sài Gòn không giàu quyền lực mà giàu
về năng lực, Sài Gòn có những thứ, những điều mà nhiều nơi không hề có đó là sự
chia sẻ. Chuyện thùng trà đá hay xe/giỏ bánh mì cho người cơ nhỡ là chuyện
bình thường. Cứ mỗi lần ở đâu có thiên tai là người Sài Gòn đi đầu dù nhiều
nơi có lẽ còn giàu hơn dân Sài Gòn nhiều. Sài Gòn cưu mang và giúp đỡ,
cho và nhận đều ngang nhau.
Sau này tôi nói chuyện với bạn tôi và
ngay kể cả tôi cũng vậy, quê thật ra không còn nữa. Chẳng đứa nào còn người
thân ở quê để về thăm. Với tôi thì bà con chỉ còn hai nơi là Hà Nội và Sài Gòn,
thế nên cái nơi nào sống lâu nhất, quen nhất lại thành quê để về. Và hầu
như thằng nào, đứa nào cũng về quê là Sài Gòn, tự nhận quê Sài Gòn nghe nó là lạ
mà lại quen quen. Ngẫm lại quê nhà giờ định nghĩa sao cho đúng đây!
Tôn Thất Long
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment