ĐỜI BUỒN NHƯ BOLERO CỦA NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG
Chẳng quá lời khi gọi Trúc Phương là
“Ông hoàng nhạc Bolero”. Với cả gần trăm ca khúc, hầu như bài hát nào của ông
cũng có một sức sống bền bỉ mãi cho đến ngày hôm nay ở bất cứ nơi nào có người
Việt sinh sống… Tài năng của ông thì ai cũng thấy, nhưng đời ông thì lại trải
qua quá nhiều bất hạnh và đau thương, khốn khổ cho đến tận giờ phút cuối cùng.
T.K. tổng hợp
Tài hoa, mệnh bạc
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn
Thiện Lộc. Ông sanh năm 1939 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh
Bình) ở vùng hạ lưu sông Cửu Long. Cha ông là một nhà giáo sống thầm lặng và
nghiêm khắc. Nhưng tâm hồn của chàng trai Thiện Lộc thì rất lãng mạn, yêu thích
văn nghệ nên đã tự học nhạc, và bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên lúc vừa
15 tuổi. Xung quanh nhà ông có trồng rất nhiều tre trúc, nên từ nhỏ ông đã yêu
mến những âm thanh kẽo kẹt của tiếng tre va chạm với nhau và sau này đã chọn tên
là Trúc Phương để nhớ về thời thơ ấu của ông với những cây tre trúc.
Cuối thập niên 1950, ông sinh hoạt
văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian ngắn, rồi
lên Sài Gòn dạy nhạc và bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Bài hát “Chiều Làng Quê”
được ông sáng tác vào thời gian này để nhớ về khung cảnh thanh bình ở làng xóm
của ông, một bài khác cũng rất nổi tiếng với giai điệu trong sáng, vui tươi là
“Tình Thắm Duyên Quê”.
Không tiền bạc và không một ai thân
quen ở đô thành Sài Gòn, ban đầu Trúc Phương ở trọ trong nhà một gia đình giàu
có bên Gia Định và dạy nhạc cho cô con gái của chủ nhà. Không bao lâu sau thì
cô gái này yêu chàng nhạc sĩ nghèo tạm trú trong nhà. Biết được chuyện này, cha
mẹ cô bèn đuổi Trúc Phương đi nơi khác. Sau chuyện tình ngang trái này, Trúc
Phương càng tự học thêm về âm nhạc và càng sáng tác hăng hơn. Những bài hát sau
này của ông nghiêng về chủ đề tình yêu với những nghịch cảnh chia lìa.
Trúc Phương sáng tác rất dễ dàng,
nhưng với bản tính trầm lặng, bi quan và khép kín sau những cuộc tình dang dở,
sáng tác của ông thường mang âm điệu u buồn, thê lương như phảng phất nỗi sầu của
cổ nhạc miền Nam. Nổi tiếng nhất là “Nửa Đêm Ngoài Phố” với tiếng hát liêu trai
Thanh Thúy. Sau đó là “Buồn Trong Kỷ Niệm” với những câu hát đớn đau, buốt nhói
tim gan người nghe như “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn.
Đôi khi nhầm lẫn đánh mất ân tình cũ, có đau chỉ thế, tiếc thương chỉ thế. Khi
hai mơ ước không chung lối về…” Có người cho là bài hát này ông đã viết ra sau
khi bị thất tình một cô ca sĩ lừng danh thời đó.
Nhạc của Trúc Phương có một giai điệu
rất đặc biệt của riêng ông, mà khó lầm lẫn với người khác được. Nó trầm buồn,
ray rứt, ưu tư và buồn phiền vì những mối tình dang dở, trái ngang. Nên khi soạn
hòa âm cho những bài hát của Trúc Phương, nhạc sĩ hòa âm phải sử dụng ít nhất
là một trong vài loại nhạc khí cổ nhạc như đàn bầu, đàn tranh, hay đàn cò (hoặc
violon) thì mới có thể diễn tả hết cái hay của dòng nhạc Trúc Phương và người
nghe lại càng thấm thía với nỗi muộn phiền, nhức nhối tim gan của ông.
Tên tuổi và tài năng sáng chói, nổi bật,
nhưng tình duyên của nhạc sĩ Trúc Phương thì vô cùng lận đận. Khoảng năm 1970,
Trúc Phương được một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, cao sang đài các đem lòng yêu
thương ông, do rung cảm từ tài năng và những tác phẩm tuyệt vời của ông. Cả hai
đã nên duyên chồng vợ. Tuy sống trong cảnh nghèo nàn, đó là những năm tháng hạnh
phúc nhất trong cuộc đời của Trúc Phương và ông sáng tác sung mãn hơn bao giờ hết
với hàng chục bài hát ra đời mỗi năm. Nhưng niềm vui của đôi uyên ương này
không kéo dài được lâu. Sau một thời gian chung sống với nhau, những tình cảm
ban đầu trở nên phai lạt dần theo năm tháng và hai người đã lặng lẽ chia tay
nhau. Câu hát ngày nào lại rơi đúng vào trường hợp này “khi hai mơ ước đã không
cùng chung hướng về” và “đường vào tình yêu có trăm lần vui, nhưng có vạn lần
buồn”? Nhạc sĩ Trúc Phương âm thầm đau khổ trong cô đơn và lại vùi đầu vào men
rượu để sáng tác thêm nhiều bài hát trong nỗi đau thương cùng cực, pha chút
chán chường cho nhân tình thế thái.
Bạn bè thường gặp ông ngồi yên lặng
bên những ly rượu nơi một quán nhỏ ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, gần nhà của
ông. Có lẽ đó là một cách làm cho nhạc sĩ tạm quên đi những cay đắng của tình đời.
Đó cũng chính là lúc bài hát “Thói Đời” được sáng tác với những câu như “Bạn
quên ta, tình cũng quên ta, nên chung thân ta giận cuộc đời, soi bóng mình bằng
gương vỡ nát, nghe xót xa ngùi lên tròng mắt”… và “Người yêu ta rồi cũng xa ta
… “Cỏ ưu tư” buồn phiền lên xám môi …”. Thực ra phải nói là “cỏ tương tư” tức “tương
tư thảo” là tên gọi văn hoa của thuốc lá. Những giọt rượu nồng của cõi “trần
ai” này lại càng gợi thêm “niềm cay đắng” để cho nỗi ưu tư “in đậm đường trần”.
“Thói Đời” lại như là một lời tiên
tri thật chính xác cho quãng đời còn lại của ông suốt gần 25 năm sau đó
(1971-1995).
Sau năm 1975 thì sự nghiệp sáng tác
nhạc của ông dừng lại, tất cả những ca khúc của ông đều bị cấm phổ biến và
trình diễn. Ông vượt biên không thành nên mất căn nhà trên đường Nguyễn Văn Thoại.
Không nghề nghiệp, không nhà, ông làm đủ mọi việc để sinh sống. Với hai bàn tay
trắng, ông trở về quê cũ sống nhờ vả bạn bè, mỗi nơi một thời gian ngắn. Có người
hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân nhân, Trúc Phương đã trả lời “Má của
tôi thì già yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải
nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn … nên tôi không thể về đó để làm khổ cho
bà thêm nữa.”
Ở dưới tỉnh nhà Trà Vinh với bạn bè xưa cũ một thời gian, Trúc Phương lại tìm
đường về Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề và lang thang
khắp nơi. Bạn ông kể có một dạo bạn bè cho tá túc, ông sống trong một cái chuồng
heo được sửa sang chút đỉnh, mà cũng chẳng được bao lâu…
Ông có tâm sự lại vài lời xót xa, nghẹn
ngào, xúc động trên một đoạn video clip ngắn ngủi về đời sống của chính bản
thân ông lúc đó như sau: “Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây
mai đó, “bèo dạt hoa trôi”… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng
mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì
cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi
đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… đến nữa lúc đó thì vấn đề an ninh
có khe khắt, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi
không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được
một cách… là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để
tránh bị kiểm tra giấy tờ… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng
thuê một chiếc chiếu, một chiếc chiếu lúc bấy giờ là một đồng… thế rồi ngủ cho
tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta… thế là mình lấy một đồng về… như là
tiền thế chân… Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng… Mà nói anh
thương… khổ lắm… Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng năm giờ
có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút
tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch
vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa
hè”, thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát… mà lẽ
ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn… Tôi nghĩ
mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết
bài sau này…
Và ông âm thầm từ giã cõi đời trong cảnh
nghèo nàn, bi đát và cô đơn trong căn phòng trọ tồi tàn, nhỏ hẹp ở quận 11, Sài
Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995, tài sản của ông có được lúc đó chỉ là một đôi
dép…
Trúc Phương ghi lại biết bao cuộc
tình lãng mạn ướt át nồng nàn. “Nửa đêm ngoài phố” lang thang, tình cờ làm quen
một người con gái lạ, rồi để lòng vương vấn mãi: “Buồn vào hồn không tên, thức
giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Ðường phố vắng đêm nao quen một người..”
hoặc “Trở lại chuyện hai chúng mình. Khi em với anh…” làm quen, hẹn hò cùng
nhau đi tới mòn lối, khiến nó trở thành “Con đường mang tên em”. Cũng có những
lúc cô đơn, rút về nhốt mình nơi nhà trọ, nhưng Ðêm gác trọ chỉ nói lên nỗi buồn
bâng quơ có vương chút phấn chấn nhờ thể điệu Tango, mà Trúc Phương ít khi dùng
trong hầu hết các nhạc phẩm của mình. Rồi có lúc người yêu xưa tìm đến, cùng
nhau ôn chuyện cũ, nhắc lại Chuyện ngày xưa, được ghi lại: “Hôm nào em đến
thăm, mà quên mang tiếng cười, lặng yên không nói. Hai mươi tuổi đời qua mất rồi…
Thôi em nhé, xin trả về niềm cô đơn trước, cho anh bước xuôi ngược, khi hai
chúng mình, vòng tay trót buông xuôi, dù gặp nhau ta cúi mặt bước mà đi ”
Tiếng hát khói sương và nhạc sĩ Trúc
Phương
Nhắc đến Tiếng Hát Liêu Trai, Tiếng
ca U Hoài, Tiếng Hát Khói Sương Thanh Thúy phải nhắc đến Trúc Phương. Hình ảnh
Thanh Thúy là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác nhiều tuyệt phẩm mà giọng hát
Thanh Thúy đã làm cho đi vào tâm khảm bao người: Chuyện Chúng Mình, Hai
Lối Mộng, Ai Cho Tôi Tình Yêu, Chiều Cuối tuần, Buồn Trong Kỷ Niệm, Bóng Nhỏ Đường
Chiều, Tàu Đêm Năm Cũ, …
Trúc Phương đã viết tặng riêng Thanh
Thúy một số ca khúc: Hình bóng cũ, Lời ca ca nữ, Mắt em buồn, Tình yêu
trong mắt một người, Mắt chân dung để lại.
Hãy nghe Thanh Thúy- người hát nhạc
ông thành công nhất, nói về ông trong một số báo tưởng niệm ở hải ngoại sau khi
ông mất:
“Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp
nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi
qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi Anh và tôi như đã gắn liền với
nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.
Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát
đúng vào thời điểm Anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm
sự Anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với
Anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh
đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…
Đến khi nhạc phẩm “Nửa Đêm Ngoài Phố”
ra đời, tên tuổi Anh đã vang dậy khắp nơi. Với thể điệu Rumba quen thuộc, diễn
tả tâm trạng đau buồn của một người khi người yêu không đến nữa, “Nửa Đêm Ngoài
Phố” đã ăn sâu vào lòng tất cả mọi người, từ những người lớn tuổi, cho đến lớp
người trẻ lúc bấy giờ. Bất cứ buổi trình diễn nào, tôi cũng được yêu cầu trình
bày “Nửa Đêm Ngoài Phố”, từ các sân khấu phòng trà, khiêu vũ trường cho đến Đại
Nhạc Hội, từ các thôn làng nhỏ bé cho đến các tiền đồn hẻo lánh xa xôi. Ngoài
ra, trong những chương trình phát thanh của đài Sài Gòn và đài tiếng nói Quân Đội,
vào bất cứ chương trình nhạc nào cũng có bài này…
Cũng như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, nhiều
nhạc phẩm của Anh đã trở thành gần gũi với mọi người và đã giúp tôi leo cao hơn
trên nấc thang sự nghiệp. Các bài này gồm có: Nửa Đêm Ngoài Phố, Buồn
Trong Kỷ Niệm, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần, Mưa Nửa Đêm, Tàu Đêm Năm Cũ, Hai
Chuyến Tàu Đêm, Chuyện Chúng Mình, Đêm Tâm Sự, Hình Bóng Cũ, Đò Chiều, Chiều
Làng Em…
Thế rồi, theo như Anh hơn một lần tâm
sự, đường đời đã chia đôi chúng tôi ra hai ngã, hai hướng đi. Tôi đã giã từ sân
khấu, giã từ lời ca tiếng nhạc, giã từ tất cả, theo chồng đi đến những phương
trời xa. Còn Anh vào quân ngũ, và vẫn tiếp tục hăng say sáng tác, hầu hết những
nhạc phẫm đều nói về đời người lính phong sương, xa nhà, xa thành phố, xa người
em nhỏ hậu phương… (24 Giờ Phép, Bông Cỏ May, Kẻ Ở Miền Xa, Trên 4 Vùng Chiến
Thuật…)
Vào thời điểm này, anh Duy Khánh, anh
Chế Linh và Hoàng Oanh có lẽ là những ca sĩ đã hát nhạc của Anh rất nhiều.
Kiếp tằm chưa dứt, tôi đã trở lại với
sân khấu, với ánh đèn màu. Trở lại với “Nửa Đêm Ngoài Phố”, với “Buồn Trong Kỹ
Niệm”…
Rồi lại thêm một lần cuộc đời lại
chia đôi chúng tôi ra hai ngã: Anh kẹt lại quê nhà, tôi sống đời lưu vong. Tôi
đã tìm đủ mọi cách để liên lạc hầu mong gởi về những gói quà biếu Anh. Sự liên
lạc trong những năm đầu thật khó khăn, cho mãi tới sau này, qua một số bạn bè
và qua Trần Quốc Bảo, tôi mới có thể liên lạc thường hơn với Anh. Tuy nhiên,
tôi rất lo lắng về bịnh tình Anh do Trần Quốc Bảo kể lại. Nhìn những tấm ảnh
Anh gởi qua đăng trên Thế Giới Nghệ Sĩ, trông Anh gầy gò, đau yếu, tôi đã không
sao cầm được nước mắt. Tôi đã bàn với Trần Quốc Bảo thực hiện một cuốn băng với
toàn nhạc của Anh, hầu có thể giúp Anh phần nào trên phương diện vật chất lẫn
tinh thần. Chợt nghe tin Anh đau nặng… Chợt nghe tin Anh qua đời…”
No comments:
Post a Comment