Người ta cho tôi xuất viện khi tôi vẫn
còn yếu, mỗi ngày một yếu thêm, có nghĩa tôi không còn hy vọng hồi phục. Vậy
cũng được, tốt cho mọi phía. Nằm lì ở đây hơn tám mươi ngày cũng chán rồi. Khỏi
tốn kém thêm vô ích, khỏi phiền hà con cháu, nhất là được “chia tay” cái phòng
bệnh sạch bong nhưng u ám này. Chẳng có gì tốt đẹp ở đây. Người nằm giường bên
phải than van, người giường bên trái rên rỉ; buổi sáng một bà vào cấp cứu, xế
chiều một ông ra nhà xác! Và nét mặt của những người nuôi bệnh, hằn rõ bao nỗi
niềm, lo lắng, phờ phạc.
Tôi về nhà. Vợ tôi buồn rầu, thất thần.
Buồn là phải, “nàng” sắp thành “bà quả phụ”! Nhiều người quen tới thăm, kẻ mang
cam người đem nước ngân nhỉ, sữa hộp đến tặng. Tôi chẳng còn cần quái gì, họ vẫn
tặng. Phép lịch sự phải thế. Khi hàng xóm, bà con túa đến thăm hỏi bạn như học
trò chúc mừng thầy cô là bạn sắp đi đứt rồi đấy! Tôi dư biết, nhưng không sợ.
Tôi đã mường tượng thấy trước điều này, ngay hôm mới nhập viện, nhưng lúc đó
tôi không dám nghĩ nhiều về nó… Dù sống đến 90 năm, trăm năm, rồi cũng sẽ có ngày
“xong” thôi! Chớ buồn. Vì sao? Vì sau mấy cái ngưỡng đó chúng ta sẽ gặp lại
nhau, tất cả, chẳng trừ ai. Hãy cứ nghĩ thế, để vững tâm, còn gặp hay không, thực
ra cũng chẳng quan trọng lắm.
oOo
Khoảng 5 giờ chiều, tôi thấy mệt, như
có vật gì nặng đè trên ngực, khó thở. Theo thói quen tôi muốn uống thức gì đó,
mong đẩy bật cái khó chịu ấy. Vợ tôi vào, tôi ra dấu, bà hiểu. Lại thuốc. Giờ
thì tôi nhận ra, thời gian hạnh phúc là những năm tháng ta không sờ đến thuốc
thang! Vợ tôi dí những viên thuốc vào sát mặt tôi, thuốc quỉ gì, không cần biết,
tôi gật, há miệng ra. Nhưng mấy viên thuốc vừa trôi xuống cổ tôi bỗng thấy nghẹt
thở, như nghẹn, như sặc nước. Tôi huơ tay, ú ớ, không biết vợ tôi có hiểu gì chăng…
Mệt quá, tôi cố mở to mắt ra, nhưng bỗng nhiên… bục! Như tiếng bong bóng nổ
trong tai. Thì ra, ngay lúc đó, tôi… đi! Mắt tôi bỗng sáng khác thường, hết sức
lạ. Tôi nghe trong người nhẹ nhõm, lâng lâng, lòng vui sướng, mũi thông, mắt
tinh tường! À, ra vậy, chết là thế, nhẹ thênh, khỏe ru, sướng hơn nằm bệnh rất
nhiều!
Vợ tôi chợt hiểu, sợ hãi, chạy ra cửa.
Tôi vẫn còn thấy mọi vật. nghe được, thật kỳ quái, thú vị. Hơn thế nữa, ngay
sau đó, tôi phát hiện mình có thể “đọc” được mọi người đang nghĩ gì – đọc những
dòng “băng từ” đen, chữ trắng, chạy trong đầu họ – và nhìn thấy những người
khác ở cách xa bảy, tám trăm cây số.
“Lam ơi!” Vợ tôi gọi đứa cháu đang
chơi trước sân. Con nhỏ chạy vào.
-Ông ngoại chết…
Lam đứng sửng. “Chết… ông…” Vợ tôi ngồi
thụp xuống. “Tôi biết mà, ông khó qua khỏi.” Bà ấy nghĩ thế. Ý nghĩ đó, đoạn
“băng từ” này cứ nằm yên, không chạy thêm, nghĩa là đương sự hoảng, chẳng nghĩ
được gì nữa! Bé Lam tới đứng dựa cửa, sợ sệt. Mất mấy phút yên lặng, vợ tôi bảo
cháu:
-Con qua gọi chú Năm.
Nhưng người tới trước là mụ Đang,
không phải Năm Hành. Mụ ở ngay trước cổng nhà tôi.
-Anh Ba mất rồi hả?
Mụ vào nhà, đến gần, nhìn tôi thật kỹ.
-Đúng là đi rồi, tội nghiệp ảnh!
Cùng lúc, dải băng ý nghĩ trong đầu mụ
bật sáng dòng chữ: “Xong đời, lão thời sự thế giới!” Mụ lấy mảnh giấy báo cũ nằm
cạnh tủ áo đem phủ mặt tôi, nắn tay chân tôi, xếp chúng nằm xuôi theo thân
mình. Bản tính ồn ào và bạo dạn, mụ không sợ người sống, kể chi cái xác!
-Có lưỡi dao cùn nào không?
Vợ tôi chỉ vào bếp. Mụ xuống, mang
lên một lưỡi rựa cũ, dằn trên bụng tôi.
-Ảnh tắt thở lúc mấy giờ?
Vợ tôi khóc, lắc đầu.
-Rửa mặt đi, để dành nước mắt khuya
khóc!… Cho đứa nào chạy vô Quảng Hội ngay, hỏi thầy Sáu Thượng ngày giờ khâm liệm,
an táng… Phải biết chính xác giờ mất. Tội cho anh Ba.
Thêm lần nữa, dòng chữ trắng hiện ra
trong đầu mụ Đang: “Thế là câm! Hết to mồm khoác lác. Hết nói bao la thế giái,
chê người này nông cạn, kẻ kia ngốc nghếch!” Mụ ở trong hội tứ sắc của vợ tôi,
mỗi tháng ít nhất cũng có 28 ngày ngồi “coi tay” tại phòng khách nhà này; nhưng
mụ không ưa tôi, bởi tôi thường ốp, sửa lưng mụ những lúc mụ nói dóc. Chính mụ
là vua ba hoa thiên địa!
Người ta chạy đến, chỉ chốc lát trong
nhà, ngoài sân đã đầy người. Vậy là om sòm như chợ đông, ầm ĩ như đám cúng
đình! Thây kệ, lúc này ta đã có thể phủi tay, hết trách nhiệm, cứ thoải mái nằm
trơ ra, mặc cho “tha nhân” xoay xở! Trong nửa tiếng đồng hồ, tôi ở trong trạng
thái phiêu du, nửa thức nửa ngủ.
oOo
Tôi nhớ đến hai đứa con ở xa. “Thằng
Thuật biết mình đi chưa?” Vừa nghĩ thế, tôi đã thấy cầu Xóm Bóng hiện ra, tiếp
đó là Tháp Bà, hai hình ảnh quen thuộc của Nha Trang. Rồi đến con hẻm cụt trên
đường Cổ Loa. Con tôi ở trong một căn nhà nhỏ như chòi vịt, nằm cuối hẻm… Thuật
ngồi bên máy điện thoại, khóc nức nở. Có lẽ nó vừa biết tin. Hồng – vợ Thuật –
đang nấu nướng gần đó.
-Làm sao bây giờ, anh? – Và, nó nghĩ:
“Ông cụ yếu, không thể qua được, sống đến nay là giỏi.”
Suy tính bốn, năm phút, Thuật nói:
-Anh đến công ty một lát, có vài việc
cần thu xếp, rồi đi mua vé xe… Em lo chuyện xin phép nghỉ học cho con.
-Đi ngay? – Hồng hỏi, và nghĩ: “Mai mốt
sẽ mệt điên đây… tội ông già”.
-Ừ, chuyến bảy, tám giờ.
Thuật lượm cái áo và mấy cuốn vở trên
sàn nhà bỏ lên bàn, xong đến dắt xe. Nhưng ra tới cửa, nó dựng xe, ngồi xuống,
và lại khóc… Trong ba anh em, Thuật chậm lụt nhất, nó học kém, không thành đạt,
mờ nhất, nhưng có lẽ là đứa thương cha mẹ hơn cả. Nó thương thật, chí tình,
không lớn tiếng tự khen, nói nhiều làm ít. Chẳng biết đọc được ở đâu, nó thường
nhắc câu: “Khác biệt lớn nhất giữa con người và con vật là lòng biết ơn, thú vật
không biết ơn”. Do nghĩ thế nên nó chăm sóc cha mẹ ân cần, thường về
thăm, lúc cho thứ này, lúc tặng món khác, đều là của rẻ tiền, bởi nó ít tiền.
Không cần tinh ý, chỉ qua những cái nhíu mày, nhăn mặt, một câu nói gằn, nói
mát của “tử tôn”, ta cũng có thể thấy đứa nào kính yêu thật, đứa nào đãi bôi, vờ
vịt. Nhiều người nói, con nào cũng là con, cha mẹ phải thương đồng đều, nhưng
riêng tôi, thực lòng, tôi thương Thuật nhất! Có lần, (xin tha thứ cho đầu óc hẹp
hòi của tôi) tôi nghĩ: không cần nhiều con, chỉ một đứa như thằng Thuật là đủ.
Tốt, được, giờ ta ghé qua con Hiếu một
lát. Ngay tức khắc tôi thấy cái chợ Bến Thành sáng choang và những con đường rộng,
người xe dập dìu… Hình như Hiếu vừa tắm xong, tóc ướt, chiếc khăn xanh vắt trên
vai. Nó ngồi khóc, tay còn cầm ống nghe điện thoại. Cái máy đơn giản, tiện lợi
này đem đến cho người ta nhiều niềm vui và nỗi buồn! Bé Thới – con Hiếu – vào,
ngạc nhiên, hỏi sao mẹ khóc. “Ông ngoại chết.” Thằng bé đứng trơ ra. Nó tập
trung ý nghĩ để nhớ về tôi. “Ông ngoại… ông chết.” Nó chỉ nghĩ được như vậy. Dải
băng sáng trong đầu nó cứ nhấp nháy, như bóng đèn yếu điện. “Chết… Ông ngoại”,
đều là khái niệm mơ hồ. Ở xa, hơn bảy trăm cây số, mỗi năm nó chỉ về quê thăm
ngoại một lần vào dịp tết, có năm không về, nên tình thân với ông bà khá mỏng.
Không thể trách nó được. Cái gì cũng có cội rễ, căn nguyên, cũng như phải gieo
mới có gặt, gieo gì gặt nấy…
Tay Phùng đen ở đâu? Đây rồi! Phùng –
chồng Hiếu – ngồi nhậu với đám bạn trong chợ Thái Bình, đường Phạm Ngũ Lão… Ngũ
hổ bao quanh bàn tròn. Hổ nào mặt mũi cũng đỏ kè. Một đứa đứng lên hát, lưỡi đã
đơ, chẳng nghe rõ lời. Điện thoại phát nhạc. Phùng nghe, xong ngồi ngây ra.
“Ông già vợ mất.” Các chiến hữu hỏi: “Hồi nào, ổng ở đâu?” Phùng không đáp.
Dòng chữ hiện ra trong đầu nó: “Chà, chà… mệt!” Tiếp đến: “Tội ổng… phiền thực.”
Mấy đứa bạn hỏi, ông cụ bao nhiêu tuổi, bệnh gì, ở quê ngoài cụ còn có ai. Mất
vui, tỉnh rượu. Phùng nói với Hiếu: “Còn họp, bận túi bụi đây… chắc mười giờ mới
kết thúc… nhưng anh sẽ về ngay.” Tính Phùng tốt, nó hiền, ngay thẳng, thích hài
hước. Có lần, lúc say nhừ, bá vai tôi, nó nói: “Công sinh thành dưỡng dục của bố
mẹ rất lớn, cao như núi, các cụ khốt đã dạy thế… mỗi lần ôm Hiếu trong tay là
con cảm ơn bố!”
Rõ mọi chuyện, tốt đẹp cả. Dù mức độ
thương cảm đậm lợt khác nhau, nhưng từ con cháu đến dâu, rể đều sửng sốt, buồn.
Không đứa nào nghĩ: “Tiêu đời lão khọm.” Hoặc: “Nhẹ gánh, tuổi đó ngỏm là phải.”
Tôi vui bụng. Sống lâu trên đời, tôi biết chẳng nên mong những điều quá cao xa,
chớ cầu toàn. Ngẫm lại, con người phần đông chỉ sống quanh quẩn trong vòng sáu,
bảy chục năm, cũng phải cách. Nếu kéo thêm nữa nó sẽ nhùng nhằng, phiền phức, mệt
mỏi, như cố căng sợi dây thun ra, không lợi ích bao nhiêu… Tôi nằm, tâm trí
thanh thản, lơ đãng nhìn cảnh nhốn nháo quanh mình, như xem kịch trên sân khấu.
Lê Văn Thiện
Nguồn: Văn Học Nghệ Thuật
Từ trang DĐQGHCUC
No comments:
Post a Comment