Sunday, January 18, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Bảy & Tám) - Thuyên Huy


 
 
 Chương Bảy

 
    Luân rớt tú tài hai mùa thi năm đó, cái ước mơ định mạng mà anh mong đợi, để được nói tiếng yêu Hiên lần cuối đã vỡ tan trong nghiệt ngã của khúc quanh đời mình. Luân thất thểu bên vệ đường giữa cái nắng cháy nung người trong ngày xem kết quả. Luân lặng lẽ về lại Tây Ninh, gom góp hành trang vào hai ba túi xách, trả lại căn gác trọ mà mình đã sống, đã gọi là nhà cho chủ, rồi âm thầm bỏ Tây Ninh. Luân ra đi gần như là trốn chạy, Luân đã không nói được một câu từ giã với bà Cô, với hai bác Sáu, với ba mẹ anh Hùng, với ông nội Hòa, những người đã cho Luân hết thân tình và ơn nghĩa. Đầu Hạ, nắng nung người nhưng lòng Luân buốt lạnh, tiếng nhạc vẳng ra từ quán nước Hà quen ngày nào, xót xa như khúc tơ chùng lở phím. Luân cúi mặt đi, để đừng thấy dãy hành lang thơm mùi tường vôi mới, nơi Hiên thường đứng bên  thả tóc bay đùa nắng trong giờ ra chơi. Luân tránh né mớ cành lá khẳng khiu nằm gãy vụn trên đường về quen thuộc, để đừng ai biết là mình đã qua đây. Cái thành phố nghèo nàn chợt biến tan theo cổng sắt sân trường từ từ khép. Anh Hùng chịu cùng số phận như Luân, tên Toàn, Hân, Hiên in hằn rõ trên bảng niêm yết, Luân rụng rời câm nín. Luân bỏ Tây Ninh như một người bại trận. Chắc rồi anh Hùng và Luân cũng phải vào lính, ở đây bây giờ bọn họ không có sự lựa chọn nào khác. Luân chưa kịp đuổi sầu đi trong đời mình thì buồn đã ở lại.
    Luân lang thang ở Sài Gòn những ngày sau đó, như con chim sâu nhỏ lạc bầy, từ căn nhà sàn bên cầu chữ  Y đến cái gác trọ xiêu vẹo trong ngõ cụt Bảy Hiền rồi Thị Nghè Bà Chiểu. Luân đếm vội ngày tháng đời mình trong niềm vui nỗi buồn của những người không lạ không quen trên đường phố. Luân tình cờ quen Trung, trong một bữa cơm chiều tại quán cơm chay cạnh hông ga xe lửa ngã sáu, khi đến ngồi chung bàn vì quá đông người không còn chỗ. Trung vừa xong năm thứ nhất trường Quốc gia Sư Phạm, trường đào tạo giáo viên cho các trường tiểu học. Nhà Trung ở Phú Giáo Bình Dương, vùng đang chịu nhiều áp lực của quân Cộng sản từ mật khu Hố Bò Tam Giác Sắt. Trung vừa thi lại tú tài hai, cùng lượt với Luân nhưng không đậu. Luân cho biết cũng rớt như anh, chờ ngày khăn gói vào lính giã từ sách vở. Luân theo Trung về nơi anh đang ở trọ chung với một người bạn khác, cũng từ Bình Dương xuống, căn gác cây không cũ lắm trong khu hẻm đường Cộng Hòa, gần trường Sư Phạm. Ngồi trên gác nhìn xuống đường ba người nói chuyện tới khuya.

Luân dọn về ở chung với Trung vài ngày sau, cũng với ba cái túi xách bạc màu bằng vải bố. Trung nhường cho Luân cái phần bàn phía gần tường, để  có chỗ tiện đặt bàn thờ ba mẹ, hai cái hủ tro màu xanh lục đậm vất vả lang thang theo Luân một cách tội tình.
 

 


    Luân nghe lời Trung thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm. Giấy trúng tuyển nhập học lớp giáo sinh năm thứ nhất, đủ điều kiện cho Luân được cái thẻ hoãn dịch một năm. Luân yên tâm đứng ngoài quân trường. Cũng trên gác trọ trong cái tỉnh lẻ nghèo nàn, Luân ấp úng nói tiếng yêu Hiên ngày nào, bây giờ cũng trên gác trọ Luân phải cố nén lòng quên dù có nhớ. Luân viết thư thăm anh Hùng, bà Cô, Toàn, hai bác sáu Biếu, ông nội Hòa, Hòa, Tài và vài người quen khác nhưng không đề địa chỉ người gởi. Luân cũng gởi cho Hiên một cái thư rất dài, dài hơn cái thư mà Hiên chờ Luân trả lời khi hai người vừa gặp lại, trong thư anh xin lỗi Hiên đã bỏ đi không có lấy một lời từ biệt, cám ơn Hiên đã cho Luân niềm vui mà anh không dám nghĩ tới trong đời và đã yêu mình trong khúc quanh đời nghiệt ngã này, Luân sẽ giữ nó như một báu vật trong mớ hành trang nghèo nàn dù phải gắng quên trong niềm đau dằn vặt. Bỏ thư vào thùng ngoài cửa Bưu điện, trên đường băng ngang nhà thờ Đức Bà, đứng lặng lẽ nhìn theo những tia nắng chiếu yếu ớt còn sót lại, cố vương theo tượng Chúa trên nóc cao, Luân bâng khuâng nói một mình, xin cho con lẩn khuất đâu đây trong trăm nẻo đường định mệnh. Chiều thứ sáu, Sài gòn tấp nập người nhưng chuông thánh đường chưa đổ.

    Luân gặp lại cô Quỳnh vài ngày, trước lễ Giáng Sinh tại cổng trường tiểu học Bàn Cờ, nơi Luân và vài người bạn cùng lớp đến dạy thực tập. Tan trường, đứng nói chuyện với chị Trang, cô giáo lớp ba mà Luân vừa tập dạy bài sử ký Bắc Bình Vương, trong khi chờ xe buýt bên kia cổng trường không lâu, thì chị có người nhà đến đón. Cô Quỳnh chưa kịp ngừng hẳn xe honda lại đã gọi tên, khi Luân định bỏ đi vì chuyến xe buýt về Ngã Sáu vừa tới. Đứng bất động trước mặt cô Quỳnh, Luân rưng rưng muốn khóc, không nói được tiếng nào. Chị Trang kinh ngạc nhìn Luân rồi nhìn cô Quỳnh muốn hỏi gì nhưng lại thôi. Thì ra cô Quỳnh là người chị mà chị Trang đang chờ. Ba người đứng bên lề đường thật lâu, nhưng nói chẳng bao nhiêu, Luân cũng không biết tại sao, mặc dù có nhiều điều muốn nói như anh đã từng nói, mỗi khi có chuyện buồn trong những ngày trên trường tỉnh. Cô Quỳnh đổi về trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, gần ngã tư Bảy Hiền, đầu năm nay sau hơn năm năm dạy trên Tây Ninh. Một lần nữa xe buýt tới, cô Quỳnh đưa vội cho Luân tờ giấy có ghi địa chỉ nhà dặn nhớ tới. Xe buýt chạy một quảng khá xa, hai chị em cô Quỳnh vẫn còn đứng yên ở đó.

    Đêm Giáng sinh, Luân đến ăn lễ nửa đêm với gia đình cô Quỳnh, Trung và Sinh lang thang đâu đó trong đám người đông nghẹt ngoài đường phố Sài Gòn cũng như những lần giáng sinh năm trước. Đêm Giáng sinh, Sài Gòn không giới nghiêm, xe cộ rầm rập ngược xuôi, dù đã quá hai ba giờ sáng. Vài người cảnh sát gát đêm, đứng lẻ loi trên ngã tư đường chờ sáng. Trời có chút sương mù mờ lành lạnh. Tim Luân chợt buốt đau theo từng bước chân mình trên đường về gác trọ, khi nghe tiếng chuông cuối đêm từ nhà thờ Đức Bà chầm chậm đổ. Chút kỷ niệm vụn vặt đêm giáng sinh năm xưa trong hồn vụt sáng rực, tưởng chừng như Hiên đang đứng ở cuối đường về. Luân gục đầu trong cái bóng đêm mịt mù trên gác trọ, cố xua đi một phần nỗi nhớ.

    Sau tết ta chị Quỳnh lập gia đình, sau nầy cô Quỳnh không cho Luân gọi bằng cô vì gọi cô thấy xa lạ quá, hơn nữa Luân cũng đã lớn hơn xưa rồi. Chồng cô, anh Hưng, hiện là một trong những Phó Biện Lý của Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn, một chức vụ có quyền hạn rất lớn trong hệ thống tòa án. Hai vợ chồng dọn về nhà mới, một căn biệt thự nhỏ nhắn gần bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản. Chị Quỳnh muốn Luân chọn, hoặc về chợ Hai Bà Trưng ở với chị Trang và bác gái hay về ở với chị, Luân từ chối cả hai, cái cầu thang gác trọ, tiếng mưa lộp độp trên mái tôn, hình như đã là một phần đời mà Luân thương Luân nhớ.

    Sài Gòn lúc này thường có xuống đường biểu tình, chống Mỹ, chống chánh phủ, chống tham nhũng... hết phong trào này đến phong trào kia, nhóm sinh viên ở Đại học xá Minh Mạng có vẻ hăng say nhất, đâu đâu cũng có mặt họ, họ đã đốt cả quân xa Mỹ trên đường. Phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền sống gì đó cũng ồn ào không ít, mấy cô sinh viên Văn Khoa cùng đủ thành phần phu ïnữ khác, đã nhiều lần biểu tình rần rộ, chật cả bồn binh Sài Gòn, đôi khi xô xát dữ dội với quân cảnh cảnh sát. Trong lớp sư phạm vì có rất nhiều bạn vừa học sư phạm vừa học Văn khoa hay Luật khoa, Khoa học, cho nên tin tức nào cũng nghe được.

    Cuối năm thứ nhất Sư phạm, Luân, Sinh, Trung đậu tú tài hai với tư cách thí sinh tự do, sau những ngày cơm chay cơm mặn. Trung và Sinh còn phải thi tốt nghiệp ra trường. Chị Trang lần này đãi Luân một bữa ăn thật lớn tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, ngoài bến Bạch Đằng. Ngày bọn Luân đi lãnh chứng chỉ ở Nha Khảo Thí, gần trường nử Trưng Vương, là ngày Trung được bổ nhiệm về chợ Búng, Lái Thiêu, Sinh thì về Hàm Tân, Bình Tuy. Họ làm buổi tiệc chia tay nhỏ trong sân trường Sư Phạm,  Luân theo Trung về Phú Giáo chơi, ba má Trung cho bọn họ ăn một bữa bánh tráng tươi cuốn cá lóc tại nhà, má Trung chuyên làm bánh tráng bỏ mối cho các chợ trong vùng, đôi khi chở ra tận Củ Chi, Luân chia tay Trung và Sinh từ đó. Một mình Luân ở lại, căn gác trống trơn và vắng ngắt dù Luân vẫn ngày hai buổi đi về.

    Một năm lặng lẽ đi qua trong buồn vương buồn vấn, một năm mà Luân đã chôn kín đời mình trong mộ yêu thương dằn vặt. Hiên bây giờ ở đó, Luân lẩn khuất quanh đây, trách trời cao làm nên định mệnh. Dù không có Hiên, nhưng Luân vẫn coi Hiên là lý do duy nhất để chối từ tình yêu của Khánh Tường, con gái của cô Hảo, giám thị trường , đang học cùng chung lớp. Luân ghi danh học Luật khi bắt đầu lên năm thứ hai sư phạm. Phong trào Phụ Nử Đòi Quyền Sống lại xuống đường, lần này có bạo động, có người chết và người bị bắt giam, phần lớn là mấy cô sinh viên Văn khoa. Mấy chị có ghi danh học Văn khoa cùng lớp với Luân bàn tán xôn xao chuyện bắt bớ, ai cũng nhắc nhiều lần tới người được gọi là Phát Ngôn Nhân của Phong Trào, họ bảo người này có lẽ bị nặng tội nhất. Buổi trưa, trên đường trở lại lớp, sau khi xong giờ thực tập bên trường Sư phạm kiểu mẫu Trần Bình Trọng, Luân hỏi chị Ly, đang học năm thứ hai sử địa văn khoa, ôm mộng đậu cử nhân sẽ chuyển ngạch giáo sư trung học, chuyện bắt bớ xuống đường hồi sáng. Luân rụng rời khi chị cho biết người Phát Ngôn Nhân nặng tội là Hiên, có gia đình giàu có ở Trà Vỏ, Tây Ninh. Hiên là người hoạt động hăng say nhất và là một trong hai ba người thân cận của Chủ Tịch phong trào. Luân đứng lặng câm dưới chân cầu thang lên lầu lớp học, không còn nghe được chị Ly nói gì thêm nữa.

 
Chương Tám






     Luân không đến trường vài ngày sau đó, lang thang trên đường phố Sài Gòn mặc cho trời nắng chói chang hay mưa dầm mờ mịt, không cần biết nơi dừng lại. Đứng đơn độc ở một góc đường hay ngồi lặng thinh trên ghế trống công viên, Luân muốn đừng ai nhận ra mình nhưng mong sẽ thấy được Hiên đâu đó. Luân nằm vật vã, mặc cho nỗi đau xé nát lòng, trong bóng đêm dày đặc trên gác trọ lạnh lùng.

Luân đứng chờ trước cổng nhà Toàn, mấy cột hàng rào sắt vẫn còn phủ kín dây leo hoa dại tím như ngày nào. Cư xá Lữ Gia chiều về có vẻ thưa vắng. Chị Hương, chị tư của Toàn, rưng rưng ôm chầm lấy Luân xúc động:

- Trời ơi đi đâu mà mất biệt vậy Luân?

Luân chỉ gọi chị Hương rồi nghẹn tiếng. Vào nhà, chị Hương buồn giọng hỏi:

- Em đi đâu không cho ai hay ai biết gì hết, ba mẹ chị giận lắm, người quen ai nấy cũng tìm khắp nơi. Gần hai năm rồi chớ ít sao, thằng Toàn không lúc nào yên, hể nhắc tới em thì lầm lũi không nói với ai tiếng nào, tại sao vậy Luân ?

Luân lặng im ngồi trong góc phòng, chị Hương bỏ vô nhà trong lo cơm chiều nói vọng ra:

- Toàn mới lấy xe đi mua cái gì đó.

Ngoài sân hình như trời bắt đầu sụp tối, Luân vẫn ngồi bất động mặc dù chị Hương nhắc vặn đèn lên, lòng cay xé nhìn tấm hình chụp chung, đủ mặt Hiên, Hân, anh Hùng, Tài, Toàn trong ngày ghi danh học đệ nhất trước cổng trường, trên đầu tủ sách sát cửa sổ. Có tiếng xe và tiếng con gái hỏi han gì đó vào sân. Chị Hương nói vọng lên từ nhà sau:

- Toàn nó về đó.

Luân không buồn đứng dậy. Toàn đẩy cửa vào có Hân theo sau, cả hai đứng khựng người. Toàn lắc đầu không ngờ:

- Mầy đây sao Luân?

- Anh Luân! Hân ngậm ngùi gọi tên Luân.

Hai người ngồi xuống cùng một phía với Luân, Toàn trách móc :

- Mầy bậy thiệt, với ai thì tao không nói, với tao mầy cũng không nói tiếng nào, trừ cái thư tao nhận được không đầy mươi chữ. Nhiều người buồn vì mầy lắm!

Tiếng chị Hương gọi ăn cơm, ba người họ vẫn ngồi lặng im, bên khung cửa nhà ai đối diện đã có ánh đèn. Đêm xuống tự lâu rồi. Hân ở chơi tới khuya mới chịu về. Luân ngủ lại nhà Toàn, hai thằng kể cho nhau nghe chuyện giòng đời xuôi ngược trong gần hai năm biền biệt. Ngày đi xem kết quả, không thấy Luân, không thấy tên Luân trên bảng niêm yết, Toàn hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng không ngờ là nó xảy ra quá sớm. Toàn cùng Hân, Hiên trở lại Tây Ninh, vội đến gác trọ tìm thì Luân không còn đó nữa. Hiên khóc tức tưởi mấy ngày, Hân thương bạn không cầm được nước mắt. Vào đại học, Hân và Hiên gặp nhau rất thường trong những tháng đầu, đi chơi chỗ này chỗ nọ, nhưng mấy lúc sau này ít thấy Hiên, nhất là những lần đi xa Lái Thiêu Vũng Tàu đều không có Hiên, mặc dù Hiên là người lăng xăng nhất. Toàn và Hân đếm nhà tìm Hân đôi ba lần nhưng lần gặp lần không, lúc nào thấy Hiên cũng có vẻ bận rộn chuyện gì đó. Sau mùa thi cuối năm, Toàn mới biết Hiên thường có mặt trong đoàn người xuống đường chống đối chánh phủ. Toàn còn cất giữ tờ Đại Dân Tộc, hình Hiên dẫn đầu đám người biểu tình thấy rất rõ trên trang nhất. Toàn lắc đầu ngao ngán, Luân cúi mặt nghẹn lời, không ai muốn biết vì sao. Bạn bè cũ giờ cũng đã tan tác theo đời. Răng chết trên chiến trường Quảng Đức vài tháng sau khi rời Đồng Đế. Triệu, Mẩn, Tòng theo Thủy Quân Lục Chiến đóng mãi tận Sơn Chà. Nhã bỏ mạng trong trận Bình Long khi theo Biệt Kích 81 làm phóng sự. Anh Hùng tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức, hiện về lại Tây Ninh làm sĩ quan Tâm Lý Chiến. Tài nghe nói đã tình nguyện vào Hải Quân, từ Nha Trang có ghé thăm Toàn vài lần trên đường về phép.

    Luân cùng Toàn đến nhà chị Quỳnh, gặp anh Hưng để biết tin chính xác về Hiên như đã nhờ anh Hưng hôm trước. Chị Quỳnh ngạc nhiên vì sự có mặt của Toàn, Luân đành giải thích sự việc. Từ Tòa Án về, trong bữa cơm chiều mà chị Quỳnh bắt Luân phải ở lại ăn, anh Hưng xác nhận đúng là Hiên, theo chi tiết lý lịch mà Luân cho biết, đã bị bắt với tội danh sơ khởi thân Cộng chống chánh phủ VNCH, hiện đang bị giam giữ tại Nha Cảnh Sát Đô Thành, anh nói thêm họ có cho phép gia đình cô Hiên từ Tây Ninh vào thăm hôm qua. Chưa có hồ sơ chánh thức gì gởi qua Toà, cho nên anh Hưng bảo ráng chờ vài bữa nữa xem sao rồi tính, anh hưá sẽ cố theo dỏi chuyện này. Luân và Toàn trở về nhà cho chị Hương biết, ba chị em ngồi lặng thinh. Sài Gòn mùa này vắng mưa.

    Chiến trận xem ra tăng dần khắp nơi, áp lực quân Cộng sản càng ngày càng đè nặng hơn. Hết trận chiến Hạ Lào, Tân Cảnh Đakto, rồi mùa hè đỏ lửa. Bộ đội Bắc Việt hàng hàng lớp lớp cứ vượt rừng Trường Sơn vào nam cùng xe tăng Nga Sô và đại pháo Trung Cộng, mặc tình bom B52 trải thảm. Chính quyền miền bắc nhất định hô hào sinh Bắc tử Nam. Quân VNCH cố sức chống đỡ nhưng rồi cũng mất một số đất trong vùng biên giới Miên Lào, Quân cộng sản chiếm Lộc Ninh, Bù Đăng Bù Đốp. Cộng sản tung quân vây hãm và pháo kích như mưa vào An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long, quân VNCH tử thủ, đánh bật Bắc quân dù họ đã vào trong thành phố. Sư Đoàn Ba đành bỏ Đakto vì áp lực của mấy sư đoàn cộng sản. Thủy Quân Lục Chiến anh dũng lấy lại cổ thành Quãng Trị bị cộng quân chiếm hơn mười mấy ngày. Cờ bay trên tuờng thành đổ nát nhuộm màu máu. Sài Gòn tưởng chừng khó thở, nghĩa trang quanh đây đã có màu vôi sơn trắng. Ngõ ra quân xa đùng đùng chở lính trận ra chiến trường, ngõ về hàng hàng đưa thương binh về bệnh xá, như điệp khúc trong một bài hát dở dang mà người nhạc sĩ chưa tìm ra đoạn kết.

    Chủ nhật, sau khi xong lễ sáng ở nhà thờ Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, chị Quỳnh đến cho Luân hay tin Hiên đã được trả tự do, có lẽ do áp lực chính trị từ phía Mỹ. Luân mừng như cái mừng của một người chết vừa được cứu sống lại, đứng ngồi không yên. Luân quá giang chị Quỳnh qua nhà Toàn trên đường chị về nhà. Chị Quỳnh bỏ Luân xuống ngã ba Tô Hiến Thành, dặn nếu muốn biết thêm gì nữa thì gặp anh Hưng. Toàn và Hân tới trường Sư phạm rủ đến nhà Hiên, Luân từ chối, Toàn đoán biết lý do cho nên không nài nỉ lắm. Toàn không gặp Hiên, người dì bà con cho tin là Hiên đã về Trà Vỏ. Hai thằng thở dài nhẹ nhổm, thôi vậy cũng yên lòng, ít nhất Luân vẫn còn có Hiên đâu đó. Cuối tuần, từ Tây Ninh về, Toàn qua gác trọ với Hân gặp Luân, Toàn có ghé Trà Vỏ, ba má Hiên bảo là Hiên về ở chơi vài ngày, rồi trở xuống Sài Gòn sắp xếp đi học lại. Hân đến nhà tìm, Hiên không có đó. Luân sững sờ buồn vui không biết. Toàn cũng đến tìm Hiên đôi ba lần sau, Hiên thật sự bỏ đi và có lẽ là chuyến đi biền biệt. Đứng trên gác, nhìn về phía chân trời xa, Luân thầm mong nơi mà Hiên ở vẫn còn chút mặt trời.

    Luân về dạy lớp bốn trường tiểu học Bà Rịa. Nhà Luân ở thuê là một căn nhà ngói kiểu cũ trên đầu dốc tới trường. Luân bắt đầu cuộc sống ông giáo làng, ngày hai buổi đơn lẻ đi về với bảng đen phấn trắng, với đám học trò không chợ không quê, nhỏ nhắn vô tư, lúc nào cũng cao giọng đọc theo lời thầy dù trên mái tôn lớp học có nắng cháy nung người hay mưa tuôn xối xả. Toàn và Hân cũng như chị Quỳnh viết thư thăm Luân rất thường. Khánh Tường cũng gởi cho Luân mấy cái thư, vẫn nỗi niềm ngày xưa mong Luân nhớ. Chợ chỉ có mấy con đường, đi lên đi xuống chưa kịp qua bóng mình soi nắng thì đã về chỗ cũ.

Dạy ở Bà Rịa chừng vài tháng, Luân đồng ý thuyên chuyển về Vĩnh Long với một cô vừa lấy chồng về Bà Rịa. Luân về Sài Gòn ở chơi với Toàn vài ngày trước khi xuống nhiệm sở mới. Ngày đi, cũng hai ba cái túi xách bạc màu ngày nào, Toàn, Hân, chị Quỳnh tay xách tay mang, tiễn Luân tận xa cảng Phú Lâm theo xe đò xuôi về Vĩnh Long đường dài sông nước.

    Trường tiểu học Cái Nhum, Minh Đức, nằm cách văn phòng hành chánh quận một con đường ghồ ghề, nhiều đất hơn đá. Từ trường đi qua chợ, dãy nhà mái tôn trống không tường che với vài chục sạp bán hàng, chừng dăm ba phút. Cuối chợ là bến đò, lúc nào cũng có người lên người xuống, nhất là sáng sớm, bạn hàng neo ghe ở đây rồi đón xe lên Vĩnh Long mua bán. Xuống Vĩnh Long, được sự giúp đở của bác Trưởng Ty Giáo Dục, Luân đến ở chung với hai anh nhân viên của tòa hành chánh tỉnh, gốc Trà Ôn, tại căn biệt thự cũ, trước làm văn phòng của người Mỹ nằm sau lưng trường trung học Tống Phước Hiệp. Buổi sáng, Luân thả bộ ra đầu chợ, đón chuyến xe đò nhỏ duy nhất chạy đường Vĩnh Long Minh Đức tới trường, bến xe sát bên hàng rào. Nếu trễ, Luân phải lên chuyến Vĩnh Long Vũng Liêm, xuống tại ngã ba Cái Nhum, chờ quá giang ai đó vào chợ. Trường không nhiều cô thầy, chợ cũng không mấy ai, cho nên người nào cũng quen mặt. Luân ít phải lo bữa cơm trưa vì gần như ngày nào cũng được cha mẹ học trò mời về nhà ăn canh chua cá lóc, cá tra vừa chua vừa ngọt. Học trò đứa chân dép chân trần, thương thầy thương cô như cha như mẹ. Trời nóng giữa trưa, ghé qua cái quán nước mái che bằng liếp dừa tại bến đò, cô gái bán hàng thân mật gọi tiếng thầy, không chịu nhận tiền ly trà đá. Tan trường, ra bến về Vĩnh Long, người chủ xe đã dành sẵn chỗ. Xe qua ngang trường Sư phạm Vĩnh Long, áo dài trắng phất phơ của mấy cô giáo sinh trong sân làm anh chợt thấy đơn lẻ quá. Luân ít khi về Sài Gòn, thư Toàn thăm hỏi nhận được luôn, bài vở học hành từ trường Luật có chị Quỳnh, chị Trang gởi xuống. Cuối tuần, đón xe lôi máy ra ngã ba Mỹ Thuận, xuống phà qua sông, ăn cơm chim mõ nhát rô ti, nhìn khách thập phương ngược xuôi mấy nẻo đi về cho lòng bớt cô quạnh. Ngày lễ theo mấy người bạn mới quen, xuống Chợ Lách ăn ốc gạo luột chấm nước mắm cay, khi nước lên mùa ốc. Toàn có ghé Trà Vỏ vài lần kể từ ngày không còn gặp Hiên, sau đó lại thôi. Hiên cho tới bây giờ vẫn mù xa thăm thẳm. Luân đã ngồi thẫn thờ trên bàn trong lớp học, dấu kín buồn đau trong giấy tập học trò. Toàn báo tin sắp làm lễ đính hôn với Hân, bảo Luân nhớ sắp xếp về dự. Nhớ Hiên, Luân lặng câm ấp ủ hy vọng để đừng phải giết chết đời mình trong những đêm dài không ngủ. Vĩnh Long bây giờ là mùa mưa, mưa đầu mùa chập chùng trên sông, bên kia sông và tận phía chân trời. Đường vào sân trường Cái Nhum hình như bắt đầu có mùi bùn lầy và trơn trợt. Luân một mình cúng giỗ ba mẹ, có đủ ly rượu tây ngon mà ba Luân thích khi ông còn sống, theo lời mẹ kể và miếng gỏi khô loan phòng trộn lá sầu đâu mà mẹ Luân đã chắt chiu mua từ chợ quận Gò Dầu Hạ về ăn ngoài sân sau hè, khi chiều còn chút nắng.

Thuyên Huy
(còn tiếp) 

No comments: