Sunday, January 4, 2015

Ước Gì Ta Được Sinh Cùng Một Thời- Nguyễn Hải


Ước Gì Ta Được Sinh Cùng Một Thời
 
   


  
     Tôi là một đứa con không cha không mẹ, có lẽ là hậu quả của quan niệm trọng nam khinh nữ, cũng có thể là sản phẩm của một cuộc mây mưa ông khoái bà sướng.
Chú Triết nhặt tôi đưa về nhà vào cái năm chú được phục hồi công tác (1). Hôm ấy, khi từ nông thôn trở về thành phố, chú nhác trông thấy tôi nằm bên một đống rác ở nhà ga xe lửa – một con bé kháu khỉnh nằm im thin thít chẳng nói chẳng cười. Một đám đông xúm xít xung quanh tôi. Chú Triết bước tới, con nhóc bỗng dưng nhìn chú mỉm cười.
    Chú cho tôi một mái nhà, lại còn đặt cho tôi một cái tên thật đẹp – Đào Yêu (2). Sau này chú bảo : nụ cười ban đầu ấy của tôi đáng được gọi là “Mơn mởn đào tơ, tài hoa rực nở”.
Cuộc đời chú Triết vô cùng bi thảm. Cha và mẹ chú là hai nhà khoa học ở nước ngoài tình nguyện về nước công tác, nhưng không tránh khỏi cuộc xáo trộn văn hóa nọ mà hậu quả là cả hai đều quyên sinh lìa đời trong niềm căm uất (1). Dĩ nhiên, chú Triết cũng không thoát khỏi số phận bị xua về nông thôn lao động. Chú đành phải chia tay với cô Yến, người bạn gái yêu nhau đã lâu của chú. Từ ngày ấy trở đi chú sống vò võ một mình cho tới năm 35 tuổi mới trở về thành phố và nhặt được tôi. Tôi gọi người ấy là chú Triết. Nhớ lại tuổi thơ ấu của tôi chẳng có quá nhiều đều không vui, trừ một chuyện.
Khi tôi đến tuổi đi học, mấy đứa bạn trai tinh nghịch trong lớp cứ hay rủa tôi là “đồ con hoang”. Tôi về nhà mếu máo mách chú Triết chuyện ấy. Hôm sau chú đích thân tới đón tôi khi tan học và hỏi tôi đứa nào bảo tôi là đồ con hoang ? Trông thấy chú Triết cao lớn vạm vỡ, mấy đứa nhóc kia im thin thít. Chú cười nhạt : Lần sau đứa nào còn nói thế chú mà nghe thấy thì dừ đòn, hiểu chưa ! Nhưng có đứa thì thầm : Ông không đẻ ra nó thì nó là con hoang chứ sao. Chú Triết dắt tay tôi, quay đầu lại cười : Thế nhưng chú còn quý nó hơn cả cha sinh mẹ đẻ của nó nữa kia; đứa nào không tin thì đứng ra cho chú xem. Đứa nào có quần áo đẹp hơn nó không ? Đứa nào có giày dép, cặp sách oách hơn nó không ? Sáng nào nó cũng được ăn bánh uống sữa, còn bọn chúng bay ăn gì hả ? … Lũ nhóc chịu thua ngay. Từ đó trở đi chẳng còn đứa nào dám gọi tôi là đồ con hoang nữa. Sau này lớn lên, mỗi khi nhớ lại chuyện ấy tôi lại phì cười. Cuộc đời của tôi sung sướng, may mắn hơn nhiều đứa không cha không mẹ khác.
    Trong nhà, tôi thích nhất phòng đọc sách. Chỗ nào cũng đầy ắp sách. Bàn làm việc của chú Triết kê ngay bên cạnh cửa sổ lớn chan hòa ánh sáng. Hôm nào trời nắng, cái bóng cao lớn của chú trông như một bức tranh phản quang. Tôi bao giờ cũng tự tìm lấy sách để đọc; thấy sách rồi là nằm bò ra trên ghế xô pha say sưa đọc. Thỉnh thoảng chú Triết quay lại nhìn tôi, nở nụ cười ấm áp hơn cả ánh nắng bên ngoài cửa sổ. Lúc nào mệt, tôi lại bá cổ chú, yên lặng nhìn chú vẽ hoặc viết. Chú cười : Bao giờ lớn lên cháu cũng làm công việc này như chú chứ ? Tôi dẩu môi : Ứ ừ, cháu chẳng làm đâu; phơi nắng suốt ngày đen như củ súng ấy, lại còn lấm láp như ma mọ nữa kia ! À, tôi quên kể là chú Triết làm kỹ sư xây dựng. Có điều, tuy thường xuyên phơi nắng gió như thế mà trông chú ấy vẫn cứ chẳng sao cả, lúc nào cũng tươm tất, hiền lành, ung dung đĩnh đạc. Lúc này lúc khác bắt đầu có những phụ nữ lân la muốn đến với chú.
    Năm tôi lên 8 tuổi, có một lần chú Triết suýt nữa lấy vợ. Cô ấy dạy học, người nhanh nhẹn thông minh, lại xinh đẹp nữa. Chẳng hiểu tại sao tôi lại không thích cô ấy. Tôi luôn cảm thấy nụ cười trên môi cô như có ai dán vào. Khi có mặt chú Triết, cô cười vừa dịu dàng vừa ngọt ngào. Khi chú vắng mặt thì nụ cười ấy biến đâu mất cứ như trò ảo thuật. Tôi sợ cô. Một hôm khi tôi ngồi ngoài ban công xem tập tranh, cô hỏi tôi : Bố mẹ đẻ của cháu đâu ? Tại sao chưa lần nào đến thăm cháu thế hả ? Tôi ngẩn người nhìn cô chẳng biết nói thế nào. Cô tặc lưỡi hai cái rồi bảo : Con bé này thật ngu, thảo nào họ không cần mày. Tôi đớ người ra. Bỗng dưng chú Triết mặt tái xanh bước đến cầm lấy tay tôi, chẳng nói chẳng rằng kéo tuột tôi vào phòng.
Tối hôm ấy tôi trùm chăn nằm khóc thút thít. Chú Triết vào phòng ôm lấy tôi bảo Yao-yao đừng sợ, chớ có khóc thế. Về sau tôi nghe thấy bạn thân của chú là chú Phi hỏi chú, tại sao cậu và cô ấy quan hệ với nhau đang tốt như vậy mà lại chia tay thế hả ? Chú Triết đáp, cô ấy thiếu cái tâm, lấy về thì sau này sẽ làm khổ cháu Yao-yao.
Chú Phi bảo, nhưng cậu vẫn chưa quên được Diệp Lan chứ gì ? Mới lên tám tuổi nhưng tôi nhớ mãi cái tên ấy. Sau này lớn lên tôi mới biết Diệp Lan chính là bạn gái của chú Triết năm ấy.
Tôi và chú Triết sống dựa vào nhau. Mọi công việc chú đều giải quyết suôn sẻ, kể cả chuyện tôi trưởng thành vượt qua tuổi dậy thì của đời con gái.
    Sau khi thi đỗ vào đại học, vì trường ở rất xa nhà nên tôi phải ở lại ký túc xá trong trường, Chủ nhật mới về nhà. Có lần chú Triết hỏi tôi đã có bạn trai chưa ? Lần nào tôi cũng chỉ cười không trả lời. Quả thật là trong trường có mấy bạn trai tương đối thông minh xuất sắc hay theo đuổi tôi, nhưng tôi chưa thấy ai vừa ý mình cả. Bạn X cao lớn đẹp trai, song đáng tiếc là học lực chỉ vào loại ba. Bạn Y học giỏi, khá lém lỉnh nhưng hình thức thì lại bình thường. Bạn Z học khá, điển trai nhưng tính tình hơi thô … Tôi rất ít trò chuyện với các bạn trai. Trong mắt tôi, họ đều có vẻ ấu trĩ, nông cạn thế nào ấy; trước mặt người khác, họ chi lăm le mau mau chưng ra các mặt tốt nhất của mình, quá chú ý gây ấn tượng với người khác mà thiếu chín chắn điềm đạm.
Hôm sinh nhật tôi lần thứ 20, chú Triết tặng tôi một món quà là chiếc nhẫn mặt đá đỏ. Từ lâu chú ấy đã giúp tôi mua sắm các loại đồ trang sức lặt vặt này. Chú bảo, con gái lớn rồi, cần có vài thứ trang sức ra trò một chút để làm dáng chứ. Hôm ấy ăn tối xong, chú dẫn tôi đi dạo mấy cửa hàng, tôi thích gì chú đều mua cho ngay.

    Sau khi về ký túc xá, tôi vốn tính nhạy cảm, lập tức phát hiện thấy các bạn học hay xì xào bàn tán sau lưng mình. Tôi cũng chẳng để tâm vì lai lịch con người tôi đã quen bị người khác bàn ra tán vào rồi. Mãi cho tới một hôm, một cô bạn thân kéo tôi ra bảo : Bọn chúng nó nói là cậu có một ông bạn trai lớn tuổi hơn cậu nhiều lắm phải không ? Tôi chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, hỏi lại : Ai nói thế ? Cô bạn bảo : Nghe nói có mấy người trông thấy cậu cùng đi dạo phố với ông ấy, coi bộ rất thân mật với nhau nữa kia ! Bọn chúng nó kháo nhau, thì ra cậu chơi với tay nhà giàu có khác, chả trách cậu coi thường mấy thằng học trò nghèo trong trường ! Tôi hơi suy nghĩ một chút, mặt dần dần đỏ ửng lên. Lát sau, tôi cười bảo : Chúng nó hiểu nhầm rồi. Rồi tôi chẳng hề giải thích mà chỉ quay lại chỗ cũ, yên lặng ngồi đọc sách; có điều mặt tôi cứ nóng ran lên mãi không thôi.
Ngày chủ nhật về nhà, theo lệ thường là ngày tổng vệ sinh. Buồng chú Triết rất sạch. Đầu giường vắt chiếc áo len chú hay mặc, là loại áo cổ lọ màu cà phê nhạt; hôm đi mua lúc đầu chú chọn chiếc áo màu ghi có hình cổ quả tim cơ, nhưng tôi lại chọn cho chú chiếc này. Lúc ấy chú bảo : Thôi được, chiều theo ý cháu vậy; hình như xem ra Yao-yao chê chú già rồi nên cháu muốn chú mặc loại áo trông trẻ hơn chứ gì ? Tôi chậm rãi gập chiếc áo len lại, mỉm cười nghĩ một số chuyện vặt vãnh.

    Sau đấy ít lâu, tôi mang máng cảm thấy dường như chú Triết có điều gì phấn khởi lắm thì phải : khi đi đường, chú bước thoăn thoắt nhẹ tênh; thi thoảng còn nghe thấy chú hát một điệu hát gì đấy, hơi giống như bộ dạng chú ấy năm tôi thi đỗ vào đại học. Tôi hơi bồn chồn trong dạ. Hôm Thứ Sáu, tôi nhận được điện thoại của chú Triết dặn về nhà sớm để cùng chú ra phố ăn cơm.
Chú cạo râu nhẵn nhụi rồi thay quần áo. Tôi hơi nghi hoặc : Có ai giới thiệu bạn gái cho chú phải không ? Chú cười : Ôi chào, chú già rồi, còn nói chuyện bạn gái gì nữa; đấy là chú Phi và một cô bạn cũ từ rất lâu rồi; lát nữa cháu cứ gọi cô ấy là cô Lan nhé ! Tôi biết, nhất định là cô Diệp Lan rồi. Trên đường đi, chú Triết bảo là cách đây ít lâu, chú Phi giúp chú liên lạc lại được với cô Diệp Lan, chồng cô ấy chết đã mấy năm nay; lần này chú gặp lại cô ấy, tình cảm hai bên xem ra đều có thể được; nếu không có gì bất trắc thì chú và cô ấy sẽ chuẩn bị lấy nhau … Tôi dửng dưng nghe chú nói, dần dần cảm thấy đôi chân mình tê cứng lại, nỗi tê tái từ bàn chân lan lên bên trên. Khi đến nhà hàng, tôi ngắm nghía cô Diệp Lan một cách khách quan. Thân hình cô ấy có hơi béo ra nhưng chưa đến mức phục phịch, khuôn mặt còn thoáng hiện lên đôi nét trẻ trung thời xưa; so với các cô cùng độ tuổi thì rõ ràng cô Lan có phần trội hơn đấy. Tuy thế nhưng khi đứng bên chú Triết điển trai, cô ấy trông già hơn hẳn. Cô Lan đối xử với tôi rất tốt, rất thân mật – kiểu thân mật chỉ vì thấy tôi là người nhà chú Triết. Khi về đến nhà, chú Triết hỏi tôi : Cháu thấy cô Lan ấy thế nào ? Tôi tra lời : Cô chú đã định cưới nhau đến nơi rồi, dĩ nhiên cháu phải khen cô ấy thôi.
Suốt đêm hôm ấy mắt tôi cứ mở thao láo cho đến gần sáng mới ngủ được. Về đến ký túc xá, tôi bị ốm. Người gây gấy sốt, nhưng tôi vẫn cố không bỏ giờ lên lớp nào; chỉ thấy đầu nặng trình trịch mà chân tay thì nhẹ bỗng. Cuối cùng tôi ngã lăn ra ở ngay trong lớp học. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, đang được truyền dịch, chú Triết ngồi bên cạnh đọc sách.

Tôi mệt mỏi cười : Cháu đang ở đâu thế này hả chú ? Chú Triết vội sờ trán tôi rồi bảo : Thế là tỉnh rồi, cháu bị sốt vi rút rồi chuyển sang thành viêm phổi. Con bé này chẳng bao giờ chịu chú ý giữ sức khoẻ cả ! Tôi cười : Muốn ốm thì có giữ gìn cẩn thận đến đâu cũng chẳng tránh được ốm, chú ạ !
Chú Triết đi làm về là đến ngay bệnh viện săn sóc tôi. Mỗi khi hết cơn mê sảng tỉnh dậy, bao giờ tôi cũng lập tức đòi gặp chú, được thấy chú ngay tức khắc thì tôi mới yên tâm. Tôi nghe thấy chú gọi điện cho cô Lan : Yao-yao ốm quá cơ. Mấy hôm nay anh bận lắm, hôm nào cháu khỏi ốm anh sẽ gọi điện cho em nhé ! Tôi cười, buồn rười rượi nghĩ, nếu mình cứ ốm thì có thể bắt chú Triết suốt ngày ở bên mình; thế thì tội gì mình chẳng ốm lâu một chút nhỉ. Nằm bệnh viện một tuần tôi mới về nhà. chú Triết kê chiếc ghế dài trước cửa buồng tôi, đêm ngủ ngay trên đó. Tôi hơi cựa quậy là chú nhỏm dậy nhìn tôi. Nhớ lại hồi còn bé, chiếc giường con của tôi kê ngay trong buồng chú Triết, nửa đêm tôi cần đi vệ sinh bèn mò dậy trong bóng tối, thế mà chú ấy biết ngay bèn bật đèn giúp tôi rồi ân cần dặn : Yao-yao đi cẩn thận nhé kẻo ngã nhé ! … Mãi cho tới hồi lên tiểu học, tôi mới ngủ riêng một mình trong buồng.

Cô Lan mang một bó hoa to và túi trái cây đến thăm tôi. Tôi lễ phép cảm ơn. Cô nấu mấy món ăn rất ngon nhưng tôi không tài nào nuốt nổi, đành bỏ đũa về buồng nằm. Tôi nằm mơ thấy cuối cùng chú Triết và cô Lan cưới nhau, cả hai trông đều rất trẻ. Cô Lan mặc chiếc váy cưới lụa trắng rất lộng lẫy. Còn tôi thì tuy cao lớn thế này mà lại làm đứa tiểu đồng nâng gấu váy cho cô ấy. chú Triết mỉm cười sung sướng nhưng chẳng thèm ngoái đầu lại nhìn tôi. Mùi thơm thoang thoảng của bó hoa bách hợp trong tay cô Lan bay đến mũi tôi …Tôi choàng tỉnh dậy. Một lát sau, tôi lại nằm xuống, tuyệt vọng nhắm nghiền mắt. Trong bóng đêm, tôi nghe thấy tiếng bước chân chú Triết đi vào phòng. Tiếp đó, ngọn đèn nhỏ đầu giường bật sáng. Chú thở dài : Lại ngủ mê rồi hả ? Khóc gì mà ghê thế ! Tôi giả vờ ngủ, có điều nước mắt vẫn cứ ứa ra, chảy ròng ròng xuống tai. Bàn tay ấm áp của chú Triết vuốt nước mắt cho tôi hết lần này đến lần khác nhưng vẫn chẳng thể lau khô được hai má tôi.
Trận ốm ấy kéo dài tới mười mấy hôm. Khi tôi khỏi ốm thì cả tôi và chú Triết đều gầy sọm hẳn đi. Chú bảo : Thôi, cháu cứ ở nhà thì hơn. Ở ký túc xá bao nhiêu người nhét vào một phòng, không khí không được trong lành. Thế là từ hôm ấy trở đi sáng nào chú cũng đèo tôi đến trường học rồi chiều tối lại đến đón tôi về nhà. Ngồi sau xe, tôi áp mặt vào lưng chú, trong lòng chộn rộn mọt niềm vui pha lẫn nỗi buồn khó tả.
Từ sau đấy tôi chẳng thấy cô Lan đến nhà chúng tôi nữa. Rất lâu, rất lâu về sau tôi mới biết là cô Diệp Lan cũng như cô giáo gì ngày trước, tất cả đều đã thuộc về “thì quá khứ” rồi.

Tôi tốt nghiệp đại học một cách thuận lợi rồi tìm được việc làm. Cuộc đời trôi qua một cách yên vui, phẳng lặng, không bận bịu với những công việc làm thêm để kiếm tiền. Ở nhà chỉ có hai chú cháu với nhau.
Lẽ ra tôi đã chẳng có thể kể gì thêm, cứ sống thế này cũng tốt chán rồi. Nhưng ông Trời đâu có để yên cho tôi được hưởng cuộc sống hạnh phúc lâu dài như vậy. Một hôm, khi đang làm việc trên công trường, chú Triết bỗng dưng ngã xuống vì choáng. Bác sĩ chẩn đoán là chú bị ung thư gan thời kỳ cuối. Nghe nói thế, tôi đau xót như xé ruột xé gan, nhưng vẫn còn biết bình tĩnh hỏi : Thưa bác sĩ, chú ấy còn sống được bao lâu nữa ạ ? Bác sĩ đáp : Một năm, hoặc có lẽ còn lâu hơn chút ít.

Tôi đưa chú Triết về nhà. Chú không chịu nằm trên giường. Tôi mời một chị y tá đến trông nom chú Triết vào các buổi sáng và chiều, còn buổi trưa và tối thì tự tôi chăm sóc chú.
Chú Triết cười bảo tôi : Thế đấy, chú làm cháu mệt bã người ra rồi, lẽ ra cháu nên đi chơi với bạn trai thì phải.
Tôi cũng cười : Bạn trai nào cơ ạ ? Chẳng phải là từng có câu thơ “Muôn sông ngàn núi có gì đáng sợ đâu” (3) đấy ư ?
Tối tối sau bữa cơm, tôi đều cùng chú Triết đi bách bộ. Tôi khoác tay chú. Trông chú vẫn cao lớn điển trai, chỉ tội người gầy đi so với trước. Trong con mắt người ngoài nhìn vào, đấy chẳng phải là một bức tranh hạnh phúc trời cho đó sao ? Chỉ riêng tôi mới nhìn thấy đằng sau vẻ đẹp của bức tranh ấy là cả một sự thật tàn khốc. Tôi đau đớn một cách tỉnh táo, nhìn thấy rõ mồn một những ngày cuối cùng của tôi và chú Triết đang trôi qua nhanh chóng.




Chú Triết vẫn sống như bình thường, vẫn đọc sách và vẽ các bản thiết kế. Chị y tá giúp việc kể lại : phần lớn thời gian chú ấy ở trong thư phòng. Càng ngày tôi càng thích căn phòng ấy. Sau bữa ăn tối, hôm nào tôi cũng pha hai cốc trà đem vào ngồi xuống trước mặt chú, lúc thì chơi ván cờ, lúc thì đánh bài, sau đấy giúp chú sắp xếp các tài liệu. Chú Triết dặn có một chồng sổ sách tôi không được động vào. Nhưng vì có tính tò mò nên một hôm nhân chú Triết vắng mặt, tôi bèn giở ra xem trộm. Thì ra đấy là mấy tập nhật ký dầy cộm.

“Yao-yao đã nhú hai răng cửa. Chiều tan tầm về đón cháu, nó lắc người chồm lên ngả vào lòng mình đòi bế.”

“Sinh nhật Yao-yao lần thứ 10. Nó cầu ước chú Triết mãi mãi tươi trẻ. Tôi hởi lòng hởi dạ. Bé Yao-yao của chú ! Cháu thật đúng là một đóa hoa tươi đẹp giải sầu cho kiếp sống cô đơn của chú.”

“Hôm nay đưa Yao-yao đến ghi tên ở trường đại học. Mọi việc cháu đều tranh làm lấy. Bây giờ mình mới kinh ngạc nhận ra Yao-yao đã lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Còn mình thì cái già xồng xộc đến nơi rồi. Mong sao cuộc đời của cháu sẽ không cô đơn đau khổ như mình.”

“Khưu Phi cho biết tình hình gần đây của Diệp Lan, thế mà khi gặp cô ấy mình không cảm thấy hấp dẫn như trong tưởng tượng. Lan già đi quá nhiều, tuy vẫn còn giữ được nét thanh tú hồi trẻ. Lan không giấu là vẫn có cảm tình với mình.”

“Yao-yao bị viêm phổi. Trong cơn mê sảng cháu luôn gọi tên mình, nhưng khi tỉnh dậy thì nó lại chỉ chăm chăm nhìn mình, nước mắt ứa ra. Mình thật kinh ngạc. Ai ngờ việc mình định cưới Lan lại tác động lớn đến thế với cháu.”

“Đèo xe máy đưa Yao-yao đi học. Trên đường về thấy lành lạnh ở phía lưng. Về nhà cởi áo ra mới phát hiện một vết loang khá lớn đầy nước mắt. Ôi, con bé này !”

“Bác sĩ nói mình còn sống được một năm nữa. Mình chẳng sợ gì cả. Nhưng còn Yao-yao – cháu là cả một việc lớn của mình. Cần làm gì đây để sau khi mình chết nó vẫn được sống khỏe mạnh vui vẻ ? Đây là vấn đề quan trọng đầu tiên mình cần phải nghĩ đến.”

 
Tôi ôm lấy cuốn nhật ký, nước mắt ròng ròng chảy xuống. Thì ra chú ấy đã biết tất cả ! Biết tỏng mọi chuyện rồi !
Mấy hôm sau tôi không thấy cuốn nhật ký ấy đâu nữa. Tôi biết là chú Triết đã giải quyết xong mấy tập sổ sách ấy rồi. Chú không muốn để tôi biết rằng chú đã hiểu được nỗi lòng sâu kín của tôi. Nhưng chú đâu có biết là tôi đã nắm được mọi chuyện.
Chú Triết ra đi vào mùa xuân năm sau. Khi hấp hối, chú nắm tay tôi nói : Lẽ ra chú muốn chính mình có dịp trao một chàng trai tốt bụng vào tay cháu và chính chú phải được mục kích việc chàng trai ấy đeo vào tay cháu chiếc nhẫn cưới rồi chú mới ra đi. Nhưng đáng tiếc là chẳng kịp nữa rồi !
Tôi mỉm cười. Chú quên mất là chiếc nhẫn ấy hồi tôi 20 tuổi chú đã mua cho tôi rồi đấy thôi !

Tôi thấy trong ngăn kéo bàn có một bức thư với mấy dòng ngắn ngủi : “Yao-yao ! Chú đi đây. Cháu có thể nhớ chú nhưng đừng nên lúc nào cũng nhớ tới con người này. Niềm an ủi lớn nhất của chú là cháu được sống yên lành. Chú.”
    Tôi không khóc đến mức như điên như dại. Nửa đêm tỉnh dậy, tôi như phảng phất nghe thấy giọng nói của chú nhắc nhở : Yao-yao, đi đứng cẩn thận nhé kẻo ngã.
Khi thu xếp các thứ lặt vặt trong phòng, tôi phát hiện thấy ở góc tủ có một chiếc bình gốm phủ đầy bụi. Cái bình rất cổ, kiểu dáng mộc mạc mà trang nhã. Tôi lấy ra, rửa sạch rồi ngẩn người ngắm nghía. Lạ thật ! Trên chiếc bình này chẳng có trang trí họa tiết hoa văn nào cả, mà chỉ có 4 câu thơ viết bằng kiểu chữ Nhan (4):

Người sinh, ta chưa sinh

Ta sinh, người đã già.

Hận chẳng được cùng sinh

Suốt đời ta bên mình.

Đọc tới đây, nước mắt tôi lã chã tuôn rơi không tài nào cầm được.

Ghi chú của người dịch:

1. Trong “Cách mạng văn hóa” ở Trung Cộng (1966-1976), hầu hết các nhà trí thức đều bị vu cáo, đấu tố, hành hạ tinh thần và thể xác; một số người không chịu được đã quyên sinh; con cái họ bị đuổi về nông thôn làm nông nghiệp. Sau 1976 họ lần lượt được phục hồi và trở về thành phố làm việc.

2. Chữ “Yêu” ở đây tiếng TQ đọc là “Yao”, nghĩa là sum sê tươi tốt mơn mởn. Chữ “Đào” (họ Đào) trùng âm với chữ đào của cây đào. “Đào yêu” là tên một bài thơ nổi tiếng gồm 3 đoạn trong sách Kinh Thi, một điển tích nói về việc lấy chồng hợp thì của người con gái : “Mơn mởn cây đào. Hoa hồng rực nở. Nàng về nhà chồng. Thuận hòa nhà cửa. / Mơn mởn cây đào. Quả sai lúc lỉu. Nàng về nhà chồng. Thuận hòa nhà cửa./ Mơn mởn cây đào. Lá chen lớp lớp. Nàng về nhà chồng. Thuận hòa nhà cửa.” “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu : “Quả mai ba bẩy đang vừa. Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì” và “Những từ sen ngó đào tơ, Mười lăm năm mới bây giờ là đây”.

3. Một câu thơ quen thuộc của Mao Trạch Đông.

4. Một thể viết của chữ Hán, là chữ Khải pha nét chữ Triện, đẹp vẻ rắn rỏi phóng khoáng.

Nguyên Hải dịch

304Đen –Lượm lặt trên trang mạng 

 

 

No comments: