Monday, January 26, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu (Chương Mười Một & Mười Hai) - Thuyên Huy


Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu
 
 
 
 
 
Chương Mười Một
 
 

 
 
 
     Kontum, một tỉnh nhỏ và lẻ loi của rừng núi cao nguyên nằm cách Pleiku, thủ phủ vùng hai chiến thuật không hơn sáu mươi cây số. Phía bắc Kontum, hai quận Dakto, Daksuk, nằm sâu cạnh ranh giới Quảng Ngải đã bị quân Cộng sản chiếm, từ những ngày mùa hè đỏ lửa. Ngồi trên trực thăng người ta có thể thấy rõ ràng bóng dáng bộ đội Bắc quân đi qua đi lại quanh vùng, nhất là sau ngày có hiệp định Ba Lê. Tỉnh lỵ không có bao nhiêu con đường, thành phố chạy quanh chạy quẩn cũng chỉ là mấy dãy phố bao quanh cái chợ tỉnh luôn vắng người từ xế trưa. Từ đỉnh núi Kompa bốn mùa mù sương nhìn xuống, Kontum như cái lòng dĩa tròn đơn độc. Sông Dakla, con sông chảy ngược giòng, đổ về núi thay vì ra biển, uốn mình chia đôi thành phố, hai bờ cát trắng phau, khác Pleiku mịt mùng bụi đỏ, lặng lờ, dưới cái cầu nửa sắt nửa xi măng dẫn vào tỉnh lỵ, từ hướng Pleiku lên. Bên này cầu, ngôi nhà gỗ mung hai tầng lầu, dân ở đây thường gọi là Biệt Điện vì đó là nơi dùng làm nhà nghỉ mát cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, mỗi khi lên cao nguyên, lúc còn sống và còn quyền, là nơi giờ trở thành cư xá cho dăm ba công chức cao cấp, độc thân trong tỉnh ở. Sau lưng là góc công viên nhỏ, cỏ xanh dầy đặc và hoa leo đủ loại vây quanh cái bia đá ghi ơn chiến sĩ màu xám bám đầy rêu. Cuối phố, qua trường trung học tỉnh, chạy vòng theo dưới đồi, đường về xã Phương Quý, hai bên mấy dãy rừng cà phê hun hút. Lính trận trên phố thường nhiều hơn dân trừ những giờ tan trường có chút màu trắng áo dài. Kontum không có bao nhiêu ngày nắng trọn, trời cứ khói sương mờ mờ lành lạnh quanh năm. Chợ có độc nhất một rạp chiếu bóng Diệp Kính, ít khi mở cửa trễ về đêm. Quán cà phê với cái tên ngồ ngộ Forget Me Not, do hai chị em, người từ Đà Lạt lên làm chủ, trên đường Ngô Quyền hình như lúc nào cũng thấy đông khách. Lác đác một vài thiếu nữ Thượng, nặng nề mang gùi bán hoa Lan rừng, đi lên đi xuống trong buổi chợ sớm.

    Mới đó cũng đã gần hai tháng, kể từ ngày Luân lên nhận chức vụ Phụ Tá Biện lý tòa án Kontum. Tòa án nằm trên một con đường dốc, gần ty Bưu Điện tỉnh, lặng im ẩn mình sau hàng cây thông xanh và thẳng tấp bao quanh. Bạn bè ở đây không có mấy ai, vài anh Trưởng ty hoặc Phó quận độc thân từ miền nam ra, hình như không còn thêm ai nữa. Chiều chiều tụ năm tụ ba, không tập tành đánh quần vợt thì bài bạc cho qua ngày tháng. Đêm ở đây xuống rất nhanh, chưa thấy hết giờ làm việc thì phố xá đã lên đèn, trời mù sương lạnh, ít khi thấy người lang thang ngoài đường ngoại trừ những chiếc xe cảnh sát tuần tiễu mờ mờ lên xuống, không có tiếng súng lưa thưa nổ xa xa đâu đó như những ngày ở Tây Ninh nhưng vẫn thấy hỏa châu bập bùng tận một phía trời. Căn nhà nhỏ mà tòa án để cho Luân ở, nằm cạnh bờ sông Dakla, cách hàng rào khu gia cư của thương phế binh khoảng mươi thước. Luân thường thả bộ một mình, dọc theo bờ cát trắng phau khi con nước xuống, nhìn mặt trời đỏ bầm chầm chậm lặn phía sau rừng cuối xã Phương Hòa. Thỉnh thoảng Luân theo anh Nông, thư ký kiêm thông dịch viên tiếng Thượng, lớn hơn Luân vài tuổi, gốc người Ra-đê, có tú tài một, được tuyển vào làm việc cho Tòa án từ năm ngoái, lên buôn Thượng chơi, lên nhà sàn nhà rong, tập uống rượu Cần, ngọt lần đầu nhưng say nằm liệt lúc nào thì có trời mới biết. Theo anh, Luân cũng quen dăm ba cô gái. Mấy người bà con của anh Nông sống trong buôn, đi săn trong rừng sâu, hái cho Luân vài cụm hoa Lan rừng đẹp lạ lùng, Luân treo trên tường, quên cả tưới nước, cụm hoa vẫn tươi một màu vàng rực rỡ. Luân đã thấy lòng mình se thắt, ngậm ngùi nhiều đêm, khi nhìn cụm hoa Lan vô tội vô tình phơi màu, ẩn trên tường vôi trắng. Cái màu áo mà Hiên mặc trong ngày gặp Luân, tại quán sinh tố Hằng Phương, một chiều đầy nắng ở Tây Ninh, ngày mà lòng Luân thà về yêu hoa cúc, không mến lá sân trường. Hình như Luân đã sống quá dài trong ray rứt, trong lạnh lùng, từ ngày Hiên bỏ đi. Kỷ niệm của một đời yêu nhau chừng như tan tác buông xuôi theo năm dài tháng đợi. Luân hờ hững sống đời con tằm, cứ lặng lẽ nhả tơ trong ổ kén quạnh hiu xanh lá.

    Luân nhận thư chị Quỳnh cùng lượt với thư của Khánh Tường. Chị Quỳnh dặn dò đủ chuyện, nhắc Luân đừng đi chơi xa vì nghe anh Hưng nói tình hình trên này, theo anh biết không yên lắm. Chị hy vọng là Luân có dịp về ăn thôi nôi thằng bé Bảo. Thư Khánh Tường viết vài trang trên giấy màu xanh lá cây nhạt, thăm hỏi không khác gì chị Quỳnh, lúc này thường đến chơi với chị Trang, dạo phố dạo phường những khi nghỉ dạy, chị Trang lười quá, ì ạch tới giờ này cũng chưa đậu được cử nhân, cuối thư nhớ Luân nhiều lắm.

    Trời ở đây giờ đã cuối mùa thu, dăm ba cành lá thông khô, khẳng khiu gãy vụn, nằm trơ trọi bên đường trên dốc lên tòa án trong những sáng mù sương, buồn da diết. Cuối thu lập đông, mới giao mùa mà Kontum lạnh buốt. Đường phố lạ hẳn lên, áo len đủ màu đủ sắc từ ngõ hẹp đầu chợ đến khắp sân trường. Ly cà phê nóng chợt trở thành một cái gì không thể thiếu mỗi sáng, trước khi đến sở làm, dù có muộn màng, ngồi bên này nhìn trên con sông Dakla, sương phủ mịt mù như khói tỏa, mới hiểu lòng ai buồn vì ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Luân lẻ loi ở Kontum những ngày tháng đó. Thứ bảy chủ nhật cuối tuần, thỉnh thoảng, đôi ba lần, Luân theo mấy người bạn bên tòa Hành Chánh xuống Pleiku, cái thành phố buổi chiều quanh năm mùa đông. Tỉnh lỵ Pleiku lớn hơn và nhộn nhịp hơn Kontum vì là bản doanh của Quân Đoàn 2 và Vùng 2 chiến thuật. Phố xá không khác nhau cho lắm, cũng những con đường đồi dốc ngoằn ngoèo, cũng dăm ba hàng cây thông thẳng tấp. Phi trường Cù Hanh về chiều, nếu không có chuyến bay đêm nào đó, buồn như một nghĩa trang chiều ba mươi tết. Đâu đâu cũng là bụi đỏ, bụi đỏ nhuộm công viên, phố chợ trong ngày hanh nắng, bụi đỏ in dấu chân người trong ngày mưa lầy lội. Bọn họ lang thang hết đường Hoàng Diệu, khu tắm hơi đấm bóp rồi qua Phượng Hoàng nhìn thiên hạ nhảy đầm trong tiếng nhạc bập bùng. Đêm ghé quán Vông Vang, uống cà phê Ban Mê Thuộc nghe nhạc tình buồn, khóc đời cô lữ trước khi trở lại khách sạn Thanh Lịch, quăng người xuống giường ngủ quên, sáng ngày dậy muộn. Rảnh rỗi hơn, trên đường về lại Kontum, vòng qua Biển Hồ, quay xuống quận Lệ Trung, xem thằng bạn Phó Quận tên Nhựt ngồi tán gái sơn cước, bằng tiếng đồng bào Thượng, học tới học lui vẫn còn ngọng nghệu thấy mà thương. Cũng muốn xuống Lệ Thanh đó nhưng sợ cán mìn nên đành thôi. Vào điạ phận Kontum, cố nhấn ga cho xe jeep chạy nhanh khỏi ngọn đồi trọc Chupao, nơi lính Dù VNCH quần thảo với quân Cộng sản Bắc việt, cày nát từng gốc cây ngọn cỏ vài năm trước, nếu thấy nắng chiều tắt sớm phía sau lưng.

    Sau Giáng sinh, quân cộng sản pháo kích và tấn công vào tỉnh lỵ từ phía xã Khromon, một xã Thượng thuộc quận châu thành Kontum. Pháo trúng khu gia cư Thương phế binh, lửa cháy dữ dội, một số người chết. Súng đạn nổ khắp nơi, trên cả đường phố, xé màn đêm, sáng rực một góc trời. Trong cái rét lạnh giữa khuya, Luân sắp một số đồ cần dùng và hai cái hủ đựng tro cốt ba mẹ vào túi xách, xỏ đại đôi giày bố ba-ta, chạy qua Biệt Điện, theo lời của mấy anh Quân cảnh đến báo. Bạn bè bên này cũng đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng. Ông Trung Tá Quận Trưởng Châu Thành cho biết, trừ khi xe tăng cộng sản tràn qua cầu, họ sẽ rời tỉnh lỵ với một số xe thiết giáp M113 hộ tống, cùng với sự hổ trợ của Biệt Động quân nằm sẵn tại Phương Hòa, cho đến ranh quận di tản Dakto, tỉnh dùng đất một số xã gần đường làm tạm quận Dakto, di tản từ Tân Cảnh xuống, sau khi Sư Đoàn 3 rút bỏ trong trận mùa hè 72, nếu tình hình nghiêm trọng hơn. Chừng hai giờ khuya, tiếng súng thưa dần rồi im bặt. Lính Biệt Động đông nghẹt, ngoài đường bắt đầu có tiếng cười tiếng nói. Bộ đội Cộng sản bỏ lại mươi xác rải rác quanh bộ Chỉ huy cảnh sát tỉnh và trung tâm hồi chánh viên đang ở. Luân xách túi băng qua bến xe, về lại nhà, lửa bên khu gia cư Thương Phế binh chưa tắt hẳn, Luân thức luôn tới rạng sáng. Dân Kontum rục rịch bàn chuyện dọn về Pleiku mấy ngày sau đó.

 


 

Chương Mười Hai

 
    Đầu tháng ba, Ban Mê Thuộc mất, quân VNCH rút về cố thủ phía nam, chờ mấy liên đoàn Biệt Động Quân từ Kontum xuống, theo lệnh tái chiếm của chính phủ VNCH. Miền Nam sôi sụt trở lại sau hơn một năm tạm yên. Vùng 1, Quân cộng sản rầm rập tung hết các sư đoàn có mặt trong nam, bắt đầu tràn quân vào trận chiến. Chính trường miền Nam hỗn loạn, quốc hội Mỹ bác bỏ dự luật tái viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, hệ thống quân đội cũng như chánh quyền miền Nam trên đường bế tắt. Báo chí, truyền thanh, truyền hình ngoại quốc cho tin, miền nam mất nay mai. Dân chúng hốt hoảng, người có tiền, có quyền thế, tính chuyện ra đi. Không hơn một tuần sau, quân VNCH rút khỏi Ban Mê Thuộc, bỏ chuyện tái chiếm, ùn ùn triệt thoái cao nguyên, cũng theo lệnh từ Tổng Tham Mưu về lập vòng đai cố thủ đâu đó. Tướng Tư Lệnh vùng 1 ra lệnh tử thủ chưa đầy vài ngày, Thủy Quân Lục Chiến bỏ Đà Nẳng, rút ra tàu từ bãi Sơn Chà theo đường biển xuôi nam. Vùng 1 mất vào tay Bắc quân nhanh như chớp. Dân miền Trung, hàng hàng lớp lớp, đường bộ đường biển bồng bế nhau di tản vô nam. Đánh nhau không thấy hình như chỉ thấy quân VNCH bỏ chạy, có lẽ không ai chịu làm người chết giờ thứ hai mươi lăm. Vùng 2 rồi cũng chẳng hơn gì, Bình Định Qui Nhơn chỉ còn là cái tên để gọi, quân cộng sản đóng chốt Tam Quan, Hoài Ân,  Hoài Nhơn không tốn một viên đạn nhỏ. Bắc quân đưa gọng kìm kẹp chặt hai tỉnh Kontum Pleiku.
    Không đầy một tuần lễ sau ngày mất Ban Mê Thuộc, thành phố Kontum bắt đầu di tản, tỉnh lỵ hỗn loạn như một gánh hát rã hàng không tiền trả tiền mướn rạp. Công chức quân nhân, nhỏ lớn mặc ai, không còn thấy gì là lệnh lạc. Các buôn làng Thượng im lìm thu mình trong màn sương dưới núi. Sáng thứ bảy, lái xe lên tòa án, anh Nông, thư ký đã đứng chờ Luân ngay cổng ra vào, người cảnh sát thường gát trong cái chòi canh không thấy bóng. Anh Nông lo lắng nhìn:
- Thưa ông, không còn ai trong đó đâu, họ đi hết rồi

Luân ngỡ ngàng chưa kịp đáp, anh tiếp theo với vẻ mặt buồn vời vợi :

- Tôi nghĩ chắc ông cũng lo về Sài Gòn đi, ông Chánh án, ông Biện Lý và gia đình về Pleiku từ chiều hôm qua, ngay sau khi đóng cửa.

- Rồi còn anh thì sao ? Luân đắn đo hỏi anh Nông.

Anh lắc đầu cười gượng :

- Tôi là người ở đây, thì đi đâu bây giờ ! Anh lên xe honda nổ máy chậm ra đường, quay đầu nói vọng lại: 

- Cám ơn ông, chúc ông bình an, mau gặp lại gia đình.

Luân đứng nhìn theo bóng anh mất hút, ngược hướng đoàn người bỏ đi từ phía xã Phương Qúy.

    Trở lại nhà, quơ vội mấy thứ cần, quăng đại lên xe jeep, Luân lái qua Biệt Điện, đón đám bạn công chức, chen lấn lớp người lớp xe hấp tấp qua cầu. Sông Dakla vẫn lặng lờ chảy ngược lên rừng, mấy người lính nghĩa quân Thượng, ngày thường đóng giữ an ninh cho Biệt Điện, còn đứng lố nhố quanh mấy cái lô cốt chằng chịch bao cát. Luân theo sóng người di tản bỏ Kontum. Xế chiều đoàn người tới Pleiku, dân Pleiku đã bỏ đi từ đêm hôm qua. Bộ chỉ huy quân đoàn 2 di tản về Nha Trang trước đó nữa. Phố xá ngổn ngang xe cộ, quân phục súng ống vứt đầy đường, phủ một màu bụi đỏ. Cổng sắt phi trường bị gãy làm đôi ngã quỵ. Dãy văn phòng dài vẫn còn có đèn. Tòa Hành Chánh Pleiku, không bóng người. Chợ búa, quán ăn cửa cổng mở tung, đập từng tiếng khô khan theo chiều gió. Người nối tiếp người, xe nối tiếp xe từ Kontum xuống, tràn ngập khắp chỗ, rồi người lại tiếp nối người, xe tiếp nối xe từ Pleiku ra đi, chừng như không ai sẽ trở về đây nữa.

Đêm đó, trong cái bóng đêm nóng bức của tháng ba lưng chừng mùa xuân, Luân len theo đoàn người lầm lũi rời Pleiku, trong đó có quân có dân, có xe nhà xe lính, mở đèn sáng lờ mờ xen kẽ nhau, ngơ ngơ ngác ngác trên đường dài hàng mấy mươi cây số. Giữa khuya, sương rừng xuống lạnh, tiếng con nít khóc quanh đây không lấn át nổi tiếng đàn muỗi rừng gọi nhau tìm mồi nghe ớn lạnh. Người mệt mỏi ngã quỵ bên lề, người còn đi cố đi, không ai biết là đi về đâu và bao giờ sẽ tới.

    Sáng sớm, sau suốt một đêm dài đi không nghỉ, khi Luân đến khoảng đường chia ba ngã rẽ, cách Pleiku có lẽ cũng khá xa thì đoàn người rời Pleiku hôm trước đã ở đây từ lâu. Người tới trước vội vã tìm người quen tới sau, gọi tên nhau mệt lã. Bọn Luân tấp xe đậu vào bên lề sau đoàn xe có sẵn, đi bộ lên phía trước nghe ngóng. Không ai bảo ai, đoàn người chậm lại rồi dừng hẳn. Ban Mê Thuộc mất không thể đi về hướng đó, ra Qui Nhơn thì Hoài Ân, Hoài Nhơn đang bị quân Cộng sản đóng chốt, cũng không có cách gì vượt qua, chỉ còn ngả xuống Phú Bổn là con đường duy nhất. Bọn Luân trở lại xe, ngồi lặng thinh, dãy rừng dọc theo đường phía dưới thung lũng âm u, vẫn chưa thấy mặt trời.

    Trời nắng, chừng đó bước chân người, cũng đủ làm bụi đỏ bay mịt mùng, trên con đường đất mang tên liên tỉnh lộ số 8, chật hẹp và loang lở. Bọn Luân phải bỏ xe jeep bên đường vì xe không còn một giọt nhớt nào trong máy, sau khi qua chợ quận Phú Thiện không xa. Có lẽ ở đây, dân đã bỏ đi sớm lắm, khu phố không một người, chim rừng từng đàn, đậu che nghẹt cả sân gạch, nóc nhà. Dăm ba người đàn ông Thượng, thong thả đẩy xe đạp chất đầy mấy bao gạo, lấy từ các tiệm vô chủ, chậm rãi về buôn làng, nhìn đoàn người vội vã một cách hững hờ. Dọc theo đường, mùa này sim rừng trổ hoa, nở rộ một màu tím ngắt, bọn Luân lếch thếch lẩn khuất vào đám đông, nơi mà họ mong đến vẫn mù xa. Liên tỉnh lộ 8, đoạn nối Phú Bổn Tuy Hòa đã bỏ hoang, không dùng từ ngày cách mạng 63, hai bên đường là mây rừng chằng chịch, khúc rộng khúc hẹp, cây cối không bao nhiêu, có khi nám đen cả vùng, không ngay hàng thẳng lối như đoạn qua Phú Thiện, Phú Túc. Không có lấy một cái nhà, không một bóng chim, sau lưng, trước mặt đồng không mông quạnh, rừng tiếp nối rừng.
 
 
 
 

   
    Ngày lầm lũi đi, đêm nằm vất vưởng màn trời chiếu đất, đoàn người tới cầu Đông Bắc, cái cầu sắt rỉ sét, đong đưa như chiếc võng lắc sau hè, bắt ngang một nhánh sông lẻ bạn, còn chút nước lấp xấp chừng như muốn cạn, dưới sức nóng nung người của nắng miền Trung. Người kéo theo người ùa xuống nước reo mừng, chẳng cần biết trong hay đục. Luân đi dài theo bờ, tìm một chổ tương đối ít người có đôi ba bụi rậm trốn nắng, để nguyên quần áo nằm dài trên đất, nước sông mát rượi thấm nhẹ nhàng vào từng thớ thịt.

Xuống lưng chừng đồi, sau khi qua khỏi mấy cánh đồng tranh hoang tàn, người ta có thể nhìn thấy lờ mờ vài mái nhà, hai ba con trâu động đậy, xa xa ở cuối đường. Người đầu gọi người phía sau ơi ới trong cái màn sương của buổi sáng vừa lên. Đoàn người xuống đồi vào chợ quận Cung Sơn, một quận thuộc tỉnh Phú Yên, không có đưòng bộ, mọi việc đi lại phải do trực thăng từ Tuy Hòa vào, cứ hai ba ngày một lần. Vài nhân viên hành chánh và dăm ba anh sĩ quan của quận, ra đón và hướng dẫn đoàn người tập trung vào sân vận động. Không đủ chỗ, người tản ra chật cả mấy cánh đồng, mấy con đường đất chung quanh khu phố quận. Khúc sông Ba chảy quanh ngang phía sau quận, không thấy rộng bao nhiêu so với số lượng mấy ngàn người. Quận còn vài tiệm bán cơm nhỏ, thấy buôn bán vội vàng, chắc cũng không còn ở đây bao lâu nữa. Đám bạn từ Kontum đi, tản lạc lần trên đường, thân ai nấy lo, ở lại Cung Sơn mấy hôm, ngày nào cũng đi lang thang đầu trên xóm dưới, không gặp được ai, một mình lủi thủi.
 
 
 

   
    Chiếc trực thăng cuối cùng, rời Cung Sơn với một số người, vào buổi chiều, không thấy trở lại sáng hôm sau như thường lệ. Xế trưa, dân quận Cung Sơn, gồng gánh, nhập theo đoàn người từ cao nguyên ra đi. Anh lính địa phương quân thẫn thờ bỏ súng, nằm vất vưởng bên hàng rào chi khu rỉ sét, cổi đôi giày nhà binh quăng bất cần xuống cái hố, không còn bao nhiêu nước, vì mấy ngày chưa thấy mưa, đưa tay bịt lấy đầu tuyệt vọng, nói lầm thầm đ. m. bỏ Cung Sơn nữa !. Đoàn người khựng lại bên nầy bờ sông Ba, lúc xế chiều, sau khi rời Cung Sơn được năm sáu tiếng đồng hồ. Con đường số 8 tới đây đứt quảng, bị cắt đôi bởi con sông, mùa này nước cạn. Mực nước sông chỉ cao khoảng tới đầu gối. Mấy chiếc quân xa GMC, kéo bỏ từng cặp miếng sắt dài, thường thấy trong các căn cứ quân sự VNCH, ngang theo khúc sông gần nhất, cho xe hơi chạy. Lục đục đoàn người, vừa xe vừa người lấp xấp nước qua sông. Qua bên này bờ nhìn lại, người chen người như một đàn kiến khổng lồ suốt con đường dài thăm thẳm, lố nhố tận mấy dãy đồi xa mờ trong tầm mắt. Có người bị thương vì trúng mìn khi vào sâu trong lùm cây. Tiếng truyền miệng bảo nhau, đừng vào xa lề đường, cố ở giữa nếu không sẽ bị mìn, loại mìn con cóc, chôn lại từ ngày con đường không xài tới nữa.

    Đêm qua đêm, ngày qua ngày, chung quanh chỉ rừng là rừng, Luân đến một khu ấp nhỏ, tương đối còn an bình, nằm dọc theo con kinh đào xây bằng xi măng, nước trong xanh, từ hướng núi chảy xuống. Nhà tranh từng cái một, cất thẳng hàng cách một bên bờ kinh bằng con đường đá xanh không mấy bằng phẳng. Sau lưng dãy nhà là mấy cánh đồng lúa ngập nước, nối liền dãy núi xa xa. Toán người đi trước vài hôm đã có mặt ở đây mấy ngày rồi. Dân trong ấp Đồng Cam cho biết, quân cộng sản Bắc việt đấp mô chận ngay đầu ấp, chờ vài hôm, lính trên Phú Lâm mở đường, có xe lam khách xuống rồi đi. Lang thang lên xuống, áo quần lếch thếch, Luân gặp Nhựt, anh bạn Phó quận Lệ Trung, Pleiku, ngồi gục đầu bên cạnh đám chuối gầy còm, xơ xác lá, gần căn nhà tranh lụp sụp nhất trong ấp. Hai người nhìn nhau ngao ngán, thở dài, chia nhau cái củ chuối luột nguội khô mà bà cụ già chủ nhà vừa cho Nhựt trước đó. Nhựt tới Cung Sơn rồi Đồng Cam sớm hơn Luân nhưng kẹt lại đây vì quân Cộng sản đóng chốt trong mấy cái đồi sát đường, con đường duy nhất về Phú Lâm, Tuy Hòa, một bên là rừng, một bên là kinh đào, không có ngõ thoát nào khác. Theo lời dân trong ấp, có một số người qua được vài hôm, trước khi Bắc quân xuất hiện. Gần chiều tối, có tiếng súng nổ liên tục và dữ dội, ở phiá đầu ấp bị đóng chốt cách chỗ Luân chừng ba bốn cây số. Người nhao nháo lên, ngơ ngác đứng ngồi. Bà cụ già ra sân nhìn trời lắc đầu không nói. Chừng nửa giờ, tiếng súng im bặt. Luân và Nhựt len lên phía trên nghe ngóng, khoảng mấy trăm người, nóng lòng vượt chốt đi vì thấy trên đường vắng tanh. Quân Cộng sản giữ chốt, lặng im để toán người lọt qua khỏi khá xa, ra chận hai đầu chốt, xả súng bắn như mưa, toán người kẹt giữa đường chết gần hết. Vài chục may mắn, nằm im bên xác người khác, dưới ruộng ngập nước phèn, chờ trời tối, bò ngược về ấp, mệt lã, mặt không còn chút máu. Nắng ròng rã cháy da mấy ngày sau, mùi hôi thúi của xác người chết, nằm phơi thây trên đường, theo chiều gió ngược từ phiá đầu ấp xuống rờn rợn khó chịu. Quân lính VNCH, có cả Thiết vận xa M113 nhiều lần cố mở đường, không đánh bật nổi chốt, súng hai bên nổ rung trời, bụi mịt mù bay mờ cả một vùng, chừng hai hôm rồi không thấy tăm hơi. Đoàn người di tản bắt đầu xuống tinh thần, kêu gào trách móc. Luân cùng Nhựt quyết định tách theo nhóm người độ vài trăm, đi ngược lại theo con đường nhỏ băng cánh ruộng cuối ấp, về phía núi, theo như lời bà cụ già, bên kia núi cũng có đường ra Tuy Hòa miệt trên, có điều hơi xa và nguy hiểm vì phải leo dốc. Bộ đội Cộng sản lố nhố xuất hiện xa xa, trong các khu rừng quanh vùng mà đoàn người di tản đã đi qua những hôm trước.

    Lần theo con đường đất mòn, giữa cái thung lũng hai bên núi, nhóm người chầm chậm đi dọc bên sườn đồi thấp. Lác đác từng nhóm nhỏ lặng lẽ theo sau. Rừng cây trên núi càng lúc càng rậm xanh hơn. Gần chiều tối bọn họ qua được lưng chừng ngọn đồi, quả đúng như lời bà cụ, từ đây người ta có thể nhìn thấy con đường trải nhựa nhỏ xíu, chạy uốn cong theo chân núi mờ mờ bên dưới, dăm ba cụm nhà rải rác cùng mấy hàng dừa bé tẻo teo. Sáng sớm, sau một đêm ngủ lại trên đồi, nhóm người tiếp tục lên đường, đường xuống núi có vẻ khó đi và quanh co, không như chặng trước. Chưa được bao xa, họ bị toán bộ đội Cộng sản đi tuần bắt, họ dẫn nguyên đoàn người về một khu đóng quân rộng, nằm khuất trong khu rừng rậm cạnh đồi, quân trang quân dụng và vũ khí đủ loại chất thành từng đống. Luân và Nhựt được thả, hai ngày sau, với cái lý lịch là giáo viên, trên tờ giấy đi đường cấp bởi tên Chính Trị viên, sư đoàn cao nguyên tây tiến, cho phép về sum họp gia đình ở Sài Gòn. Toán quân độ mười mấy người, đưa đám người được thả băng rừng bằng một con đường mà họ vừa mở, xuống gần tới lúc nhìn rõ được nhà cửa cây cối phía dưới, họ quay trở lại, chỉ hướng cho bọn Luân đi tiếp.
 
Thuyên Huy
(còn tiếp)
 

 

No comments: