Monday, January 12, 2015

Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu - Thuyên Huy


Nơi Hạnh Phúc Bắt Đầu
 Ấn bản tiếng Việt cuốn “Where The Happiness Begins” – Athena Press, Luân Đôn, 2003
 

 

Where the Happiness Begins

Synopsis

    Luan runs away like a combatant who loses the battle. Hien plunges her life in to the troubles of the politically ambitious. As Ho Chi Minh's troops smash their way into Saigon, the political fallout leads to dramatic shifts of fortune. Luan is a prisoner of the Communist regime. Hien is a Communist high-ranking cadre, and is trapped in a loveless marriage. Luan, like many others, wants to quit Vietnam. Fate deals strange cards in this ultra-realistic novel of war-crossed romance.

    Thuyen Huy was born in a poor countryside of Tay Ninh province in South Vietnam. Prisoner of the Concentration and Re-education camp of the Communist Regime for 3 years after Saigon fell into Northern Communist Forces hands in the spring of 1975.

Product details

ISBN: 9781844010318
Category: Contemporary fiction
Format: Paperback / softback
Publication Date: 07-09-2003
Publisher: New Generation Publishing – Athena Press London
Country of origin: UK
Pages: 120

 

 


Chuyện viết mượn từ một phần sự thật, xin thứ lỗi cho những trùng hợp vô tình từ tên người tới bối cảnh nếu có.

  
Chương Một

 
     Mẹ Luân mất cuối mùa hè. Đám tang không có mấy người đưa, lặng lẽ và nghèo nàn như cái nghèo của mẹ Luân  trong suốt những năm làm phu cạo mủ. Cảm thông cho cái đơn côi của thằng con trai mười sáu tuổi một mình còn lại, dăm ba người hàng xóm nghèo bên cạnh tận tình giúp Luân chôn cất. Phủ miếng vải trắng, được may vội làm tang trên đầu, đứng bất động trước nấm mồ vừa lấp đất, Luân không khóc được tiếng nào dù có muốn khóc, khác lần tiễn đưa ba Luân về đất lạnh mười năm trước. Lần đó Luân đã khóc tức tưởi, khóc sụt sùi gọi ba hởi ba ơi, cho đến lúc không còn đủ sức của thằng bé con vừa tròn sáu tuổi. Chung quanh mọi người đã lần lượt bỏ đi, tiếng ve gọi hè chừng như não nùng không thua gì tiếng chuông chùa cuối làng, trên lưng chừng đồi dẫn ra bến đò bên bờ sông Vàm Cỏ. Bây giờ mẹ Luân nằm một mình ở đây cách ba Luân một trời Long Thuận xa thăm thẳm. Luân ngồi gục đầu cạnh mộ cho đến xế chiều mà không biết là ông sư già trụ trì chùa cũng đã đứng ở đây từ lâu. Ông nhìn Luân không nói một lời, Luân cũng không biết nói lời gì với ông. Cuối cùng ông vuốt đầu Luân nói nhỏ thôi về đi con. Nước mắt Luân  bỗng dưng tuôn tràn, Luân ôm lấy tay ông tức tưởi. Sau đó ông lặng lẽ bỏ đi về hướng chùa. Phía bên kia sông, mặt trời đã lặn.

    Căn nhà tranh quạnh quẽ những ngày sau đó. Khu chợ xã vẫn đông người như thường lệ. Xác hoa phượng cũng trải đầy khắp sân trường trong những ngày hè về, khi Luân còn ở tiểu học. Luân theo về Trà Vỏ, sau khi ba Luân qua đời vì một cơn bạo bệnh. Cái tuổi lên sáu không làm cho Luân nhớ được gì những ngày ở Long Thuận. Mẹ Luân đã vội vàng rời đó, với mớ hành trang không hơn hai ba cái túi xách, bỏ lại khu vườn chuối sau nhà có cái ghe nhỏ cột hững hờ bên con rạch cùn ra truông và tiếng ểnh ương trong đêm kêu dài não nuột. Bây giờ có lẽ Luân cũng phải vội vã bỏ Trà Vỏ mà đi.

    Trà Vỏ là khu phố chợ của xã Thạnh Đức nằm cạnh tỉnh lộ. Đi ngược lên thì về tỉnh đi xuôi xuống thì về Gò Dầu Hạ rồi Sài Gòn. Bên kia đường là khu rừng cao su của người Pháp, bao la chạy dài sâu tới Khiêm Hanh Bình Dương. Một số lớn dân làng Thạnh Đức là phu cạo mủ của đồn điền cao su, trong đó có mẹ Luân. Bên này đường là khu phố chợ. Chợ Trà Vỏ được xây lên giữa, hai bên là hai dãy phố. Đầu phố là những căn nhà gạch thẳng tắp, làm thành những tiệm buôn bán đủ loại, từ tiệm tạp hóa của chú Tung, người Tiều Châu, tiệm tạp hóa và phân bón ông Ba Sen, tiệm vải Bà Bích, tiệm thuốc tây ông Lang đến tiệm hủ tiếu cà phê ông Thuyền, tiệm sửa xe đạp ông Cẩn. Luân chỉ biết là các tiệm nầy ở đó, thật ra chưa có lần nào đến, mặc dù cách nhà Luân không hơn vài trăm bước. Nhà Luân là căn nhà tranh nhỏ nằm ở cuối phố, cách  khu nhà gạch một con đường đất trồng đầy bông bụp, dẫn về trụ sở xã. Sự cách ngăn giữa hai khu phố không phải chỉ do mấy con đường, cái vòng rào của sân trường với hàng phượng già nua mà còn là sự cách ngăn của giàu nghèo, của nhà tranh nhà ngói. Luân đã từng thấy cái vết hằn ưu tư của mẹ hiện rõ lên khuôn mặt bà mỗi khi chong đèn dầu, dạy Luân nắn nót viết từng chữ cái. Luân đã biết buồn biết đau mỗi khi nhìn mẹ Luân ướt đẫm người, dù đã được che thân bằng cái áo mưa rách tả tơi, trên đường về nhà từ rừng cao su thăm thẳm, trong những ngày mưa chập chùng tháng tám, Luân cố nhắm mắt quay đầu, khi thấy đám bạn con nhà giàu chia nhau những khúc bánh mì có cá mòi, trong buổi sáng chờ vào lớp. Luân từng ngồi trong bóng tối một mình lặng câm, khi nghe tiếng máy phát điện chạy êm êm, phiá khu nhà giàu trong những đêm dài chờ sáng. Luân đã chọn khu rừng cuối làng là nơi chơi đùa với vài thằng bạn nhà nghèo trong xóm, xa hẳn tiếng cười của đám con nhà giàu đầu phố chợ trong những ngày nghỉ học. Luân đã phải nhờ thằng Thanh, thằng bạn thân nhất nhà ở đằng sau trường đi mua dầu hôi hay nước mắm ở tiệm Ba Sen, mỗi lần mẹ Luân sai đi vì tiệm chú Tung không có bán hay bán mắc hơn. Tiếng lửa cháy bập bùng trong cái chái nhà làm lò rèn của ba thằng Thanh thường là nơi bọn Luân vui đùa không dứt, chúng đã chia nhau mấy cái khoai lang, khoai mì nướng nóng hổi, một khi đào được từ mấy luống đất cày của bác Kẹo còn sót lại. Những ngày ở Trà Vỏ ngoài Thanh ra, người mà Luân nhớ nhiều là cô giáo Châu, người ở Bình Dương, đổi về trường từ ngày mẹ con Luân mới về Trà Vỏ. Nhà Luân  ít khi nào có khách, chỉ có cô Châu là thường hay đến chơi với mẹ Luân. Hai người có vẻ cảm thông với nhau. Cô luôn bảo Luân phải cố gắng học, mặc dù nó  là đứa học trò đứng đầu trong suốt năm năm tiểu học. Cô mua cho Luân tập vở mới khi tập hết trang. Cô cho Luân những cái bánh tây lạt hay mấy miếng kẹo đậu phọng ngọt giòn mỗi khi cô về thăm nhà. Luân không làm sao quên được cái vòng tay ấm ám, không có gì có thể so sánh bằng vòng tay của mẹ mà cô đã vỗ về, những lúc thấy Luân ngồi khóc một mình trong sân trường, khi mẹ Luân bị bệnh.

    Cuối năm lớp nhất mặc dù quận mới cho mở trường trung học đệ nhất cấp, không giống như đám con nhà giàu cùng lớp, mẹ Luân quyết định cho Luân thi tuyển vào trường tỉnh, dù rất xa nhà. Luân đã thi đậu vào lớp đệ thất sau những ngày chong đèn dầu trong đêm mệt mỏi, không uổng công mẹ Luân đã thức sớm lặng lẽ đón xe đò dắt lên tỉnh lỵ và cũng đã lặng lẽ đứng ngại ngùng chờ Luân vào phòng thi ngoài cổng. Ngày đi xem bảng kết quả, cũng giống như ngày đi thi, hai mẹ con thức dậy rất sớm. Luân nắm tay mẹ chen vào đám người chen chúc, chỉ cho bà thấy tên của Luân được đánh máy rõ ràng đen màu mực mới. Hai mẹ con ôm nhau khóc ròng trong cái sân trường loang lở cỏ của những ngày hè oi ả nóng. Mẹ đón xe lôi máy dẫn vào chợ tỉnh mua cho Luân cây bút máy không cần phải chấm mực và hộp viết chì màu thiệt đẹp. Mẹ đã thưởng cho Luân một tô hủ tiếu thật lớn, nhiều thịt heo và hai ba con tôm lớn mà Luân chưa lần nào được thấy. Hai mẹ con ngồi ăn ngon lành trong khi chờ ông tài xế sửa soạn chuyến xe chót về Gò Dầu Hạ.

    Trước ngày lên tỉnh học vài hôm, cô Châu tới thăm, tặng cho Luân mấy sấp vải, trắng may áo sơ mi, xanh dương may quần tây dài cho đồng phục của trường và cũng để từ giã mẹ con Luân về dạy trường khác. Hôm đưa Luân lên Tỉnh, cũng là hôm mà mẹ tiễn cô Châu về trường mới. ở mãi tận dưới Trảng Bàng. Hai chuyến xe đưa hai người về hai ngả. Một mình mẹ Luân đứng bên đường lộ, tóc bà lưa thưa nhuộm màu lá cao su đầu thu, từng sợi lẻ loi cuốn theo chiều gió sớm. Từ đó mẹ Luân ở lại một mình, buồn vui một mình. Chén cơm nguội lót lòng buổi sáng, trước khi đi học, mẹ không còn phải sớt làm hai phần, một nhiều một ít. Mẹ cũng không còn phải chờ cơm chiều những lúc tan trường về, Luân cứ mãi mê bắn bi ngoài đám ruộng cuối chợ. Ngọn đèn dầu tắt sớm hơn, nhưng Luân biết rằng mẹ còn thức trong bóng đêm.

    Lên tỉnh, Luân ở trọ nhà của chị Ngoan cùng với Toàn là em của chị, cũng lên học cùng lớp đệ thất, từ chợ Vên Vên. Chị Ngoan và Toàn là con của Bác Lương vốn là bạn cũ của ba Luân, lúc hai người còn bôn ba trên Cam Bốt. Luân gặp Toàn dăm ba lần khi bác Lương đến thăm gia đình Luân sau khi nghe tin ba Luân qua đời. Chị Ngoan là chị lớn của Toàn, lập gia đình trên tỉnh không lâu thì chồng chị mất, chị không có chồng khác, ở vậy một mình. Nhà ở gần trường nên hai đứa không phải đi xa như đám bạn. Chị Ngoan lo lắng và săn sóc Luân không khác gì em ruột. Mấy tháng đầu của năm đệ thất, cứ mỗi tháng một lần, chiều thứ sáu là mẹ Luân lên tỉnh đón về nhà chơi, rồi sáng sớm thứ hai đưa Luân ra đón xe lên tỉnh lại. Nhưng sau đó, Luân về thăm nhà một mình, thường thì có Toàn đi cùng chuyến, Luân xuống xe ở Trà Vỏ còn Toàn tiếp tục về Vên Vên. Mỗi lần về nhà Luân ít khi đi đâu, cứ ở quẩn quanh bên mẹ, kể đủ mọi thứ chuyện trên tỉnh, chuyện trường, chuyện nhà chị Ngoan, chuyện học hành, chuyện quần chuyện áo... Mẹ vò đầu Luân cười thật nhiều nhưng rồi cũng buồn thật nhiều. Thỉnh thoảng Luân đi vòng ra chợ, đứng nhìn vào cái sân trường làng nhỏ nhoi, trốn mình trong đám phượng già nua rậm lá từ ngày Luân đi và cho đến ngày Luân về. Đám bạn con nhà nghèo của những ngày tháng trước đã không còn mấy ai. Thằnh Thanh con bác bảy lò rèn đã theo bác về Gò Dầu Thượng, bác có đến từ giã mẹ Luân, hình như Thanh cũng vào học trường trung học quận. Thằng Côn đã bỏ học ở nhà phụ ba má làm bún bán ở chợ. Khu rừng cuối làng thiếu hẳn người thăm. Mấy cây guồi và nhản lòng lúc nầy luôn đầy trái vì không còn bị bọn Luân hái ăn trước mùa. Con đường đất xuống bến đò, chiều về đã không còn lắm bụi vì cũng không còn mấy ai tranh nhau đá banh. Mấy con ma trong căn nhà hoang ông Chấy, bây giờ tha hồ mà nhát người qua vì không còn đám học trò cản ngăn. Luân thật sự xa lần Trà Vỏ, xa hết những cái vui ít buồn nhiều, vốn đã đeo đẳng mẹ con Luân gần hết cuộc đời.

    Chiến tranh không biết có từ lúc nào, hình như bắt đầu lan rộng trong những ngày về thăm nhà sau đó. Một số anh lớn trong làng đã vào lính. Ngay đầu chợ xã, phiá bên kia tỉnh lộ, một cái đồn lính khá lớn được xây lên với hàng rào kẽm gai chằng chịch. Súng cũng đã lưa thưa nổ gần làng. Đường lên tỉnh xuống quận thỉnh thoảng kẹt xe, dài mấy chục chiếc sáng sớm vì mấy cái mô đất đấp ngang đường, do mấy người phía bên kia làm trong đêm. Không xe nào dám chạy ngang, sợ cán phải mìn hay lựu đạn nổ. Nửa khuya tiếng chó sủa nhiều và dồn dập hơn xưa, lấn át tiếng chuông chùa lẻ loi tan trong gió lạnh. Từ những ngày đó, Luân không về thăm nhà thường theo lời mẹ dặn, bà lo sợ rủi ro trên đường.

    Mẹ Luân nằm xuống, Trà Vỏ không còn là nơi mà Luân náo nức phải về, mỗi khi nghe tiếng chuông tan trường chiều thứ sáu. Nhờ anh Mười Hoạch, Phó Xã Trưởng bán được căn nhà tranh, vốn liếng cuối cùng mà mẹ Luân để lại. Không nhà không cửa cho nên Luân đã để lại tất cả những gì hiện có cho gia đình người chủ mới, chú thiếm Đạt, dọn ra từ Dầu Tiếng vì nơi đó đã thuộc vùng của phe Việt Cộng. Ngày giao nhà, Toàn từ dưới Vên Vên lên phụ Luân một tay, thu dọn một cách hối hả rồi ra đi, sau khi chào giã biệt bà con gần bên thật sớm. Luân đến ngồi bên mộ mẹ suốt sáng rồi vào thăm ông sư già trong chùa, gởi lại một số tiền nhờ ông dòm ngó giùm mộ và đọc kinh cầu an cho bà. Giống như mẹ, lần bỏ Long Thuận ra đi, Luân cũng bỏ Trà Vỏ với mớ hành trang không đầy hai túi xách.

    Vào học không được bao lâu, chị Ngoan dọn về Vên Vên. Căn nhà được bán lại cho ông bà chủ nhà máy nước đá, phiá bên kia đường. Luân theo Toàn về ở nhà bà cô ruột, cách chợ tỉnh không xa. Luân lang thang khắp nơi tìm việc làm mấy ngày sau đó, Luân nhờ bà cô đem gởi số tiền mươi ngàn vào ngân hàng phát triển nông nghiệp tỉnh coi như là gia tài cho suốt đời mình. Nhờ sự giới thiệu của cô Quỳnh, giáo sư môn Vạn Vật lớp đệ nhị, Luân đến phụ việc cho tiệm cơm của bác sáu Biếu, trên đường Pasteur, bên cạnh nhà thờ chính tòa tỉnh, vào mỗi chiều sau khi tan học. Tiệm cơm này là nơi cô Quỳnh và mấy cô bạn dạy chung, vốn cùng đổi lên Tây Ninh từ Sài Gòn đến ăn và cô cũng là người có đạo. Khi biết được Luân đi làm, bà cô không bằng lòng vì bà đã từng nói với Luân cũng như hai bác Ngoan, ba mẹ của Toàn là bà sẽ lo cho, không nói là nhiều năm nhưng ít nhất cũng là năm này, Luân chỉ cần lo học cho đậu được rồi. Luân đã khóc nhiều lần trong đêm. Ba mẹ đã bỏ Luân quá sớm cho đoạn đường đời còn lại. Ơn nghĩa mẹ cha vốn đã chồng chất trên vai, rồi nghĩa ơn cô bác cũng sẽ chất chồng trong đời của mình, một phần đời chưa biết nhiều vinh quang hay nhiều tủi nhục. Luân giải thích với bà cô, xin lỗi đã làm cô buồn nhưng cũng xin cô hiểu cho suy nghĩ của mình. Mấy ngày đầu cô giận, nhưng sau rồi cũng nguôi ngoai. Phụ việc ở tiệm cơm bác Sáu không mấy gì vất vả cho lắm. Mỗi chiều khoảng vài tiếng đồng hồ, sau khi tan học Luân đi thẳng đến tiệm, phụ bưng dọn cơm, sắp xếp muỗng đủa cho khách đến ăn chiều. Phần lớn là công chức hay quân nhân không có gia đình ở đây, trong số đó có mấy cô dạy Luân. Sau khi khách vắng không còn mấy người, Luân phụ bác trai lau chùi bàn ghế, cất chén đủa cùng mấy việc lặt vặt khác, rồi cùng hai bác và chị phụ bếp ăn cơm chiều. Đôi khi bác gái cho Luân ăn trước, rồi đi về chứ không phải chờ cho đến lúc không còn khách. Luân biết phận mình, cho nên có khi cũng nấn ná tìm việc này việc kia làm, ở lại cho đến khi đóng cửa. Thường thì cứ hai ba ngày, bác trai phát tiền cho Luân một lần. So với việc làm, hình như bác trả lương nhiều lắm. Cứ mỗi lần đưa tiền là bác vò lấy đầu Luân bảo ráng học. Có những lúc vắng khách, nhứt là những ngày thứ bảy, chủ nhật, hai bác kể cho Luân với chị Ánh phụ bếp nghe, đủ thứ chuyện đời vui buồn lẫn lộn. Luân thường im lặng ngồi nghe ít hỏi. Bác trai vốn trước đây làm Trưởng ty Giáo dục Kiến Hòa, vì bất đồng ý kiến với cấp trên về một vụ tiền bạc sao đó, cho nên bác xin hưu trí và cùng gia đình về Tây Ninh. Người con trai lớn của bác hiện sống bên Pháp, chị kế là dược sĩ, đã lập gia đình đang ở tận Đà Lạt. Hai bác là người rất ngoan đạo, bác trai ngoài thời giờ phụ tiệm ra, đều thấy bác bận rộn với công việc nhà thờ, tỉa cây cắt cỏ, quét dọn sân ngoài sân trong. Trong vòng họ đạo ai có chuyện cần gì cũng gọi bác. Hai bác chưa hề rầy rà Luân cũng như chị Ánh cái gì, ngay cả trong những lúc quên làm chuyện hai bác dặn. Đôi khi bác trai dẫn Luân vào nhà thờ xem chỗ nầy chỗ nọ, gặp ai bác cũng giới thiệu là cháu một cách hết sức thân tình, hai bác cũng kêu Luân sắp xếp về ở hẳn với hai bác luôn nhiều lần, nhưng Luân không dám nhận.

    Luân dọn đến ở một mình, trên căn gác trọ cuối đường Vỏ Tánh, chừng hai tháng sau ngày đi làm cho bác Sáu. Bên kia đường là một cái biệt thự cũ, dây leo phủ gần kín tường gạch màu nâu đậm, nằm lặng im trong khu vườn trồng đầy hoa sứ. Đường lúc nào cũng đông học trò lại qua. Phía cuối thì trường tư thục Văn Thanh, đầu đường rẽ trái không xa, trường trung học công của tỉnh, nhất là ở ngay trường có quán cà phê nhạc thật hay, tương đối khang trang, thầy cô hay học trò, trong đó có bọn Luân, đều có mặt ở đó, ít nhất cũng phải một vài lần. Dù không còn ở chung, Luân vẫn thường đến thăm bà cô luôn mỗi khi rảnh rỗi. Toàn thì gần như có mặt trên gác trọ của Luân hàng ngày, không bao giờ quên thắp thêm nhang trên bàn thờ ba mẹ Luân, cái bàn thờ nhỏ nhoi đặt trên đầu kệ sách, mỗi khi ra về. Luân thật sự đơn độc vào đời từ những ngày tháng đó.

 

 

Chương Hai

 
    Trời bỗng dưng mưa vội vã bên kia sông, chập chùng một màu trắng xóa, sáng chủ nhật  buồn hiu buồn hắt. Mở tung cửa sổ nhìn xuống, đường vắng tanh không người, một vài chiếc xe lôi máy, ì ạch đưa bạn hàng ra chợ sáng cố vượt mưa lăn bánh. Mấy con chim sáo tắm mưa, kêu vang rân bên kia sân căn biệt thự kín cổng. Khu phố hình như vẫn còn ngáy ngủ. Mưa từng giọt rớt nhịp nhàng trên sân gạch chậm chạp và hờ hững. Trời độ này đã bắt đầu chớm lạnh, cái lạnh phơn phớt của những ngày lập đông, tuy không cắt da nhưng cũng vừa đủ làm cho đám học trò khẽ rùng mình, trên đường đến trường sáng sớm. Như có gì đó ray rứt trong lòng, Luân quơ vội cái áo mưa khoát lên người, xuống đường đi về hướng quán cà phê, mưa vẫn còn nặng hột.

    Mưa như trút nước, mới đó rồi tự dưng ngưng một cách hết sức vội vã, giống hệt như cái vội vã mà nó đã bắt đầu. Nắng ngại ngùng hừng lên phía bên kia sông. Trong quán lặng thinh mặc dù có rất đông người. Tiếng hát Khánh Ly ray rứt bồi hồi, tưởng chừng như là mưa đang mưa bay trên tầng tháp cổ đâu đây. Luân thường ngồi ở góc cuối của quán, những khi có Toàn hay một mình. Từ đây Luân có thể nhìn về phía chân trời xa, ngang qua cái sân trường loang lở cỏ, chạy dọc theo con sông nhỏ, hai mùa nắng trong mưa đục. Luân không thường uống cà phê, nhưng sáng nay cũng kêu thử. Trong quán đâu đó có mùi khói thuốc. Nhạc Trịnh Công Sơn đã làm nhiều cô cậu học trò, đôi lần khóc ngậm ngùi làm như tình đã chết ngàn thu. Mấy cô mới vào, ngồi bàn bên cạnh có vẻ cười nói nhiều hơn những người đã ngồi lâu ở đây. Luân vẫn để ly cà phê yên trên bàn. Cái mùi thơm ấm dịu dàng làm Luân không muốn uống. Dù không lớn cho lắm, nhưng Luân vẫn nghe được tiếng mấy cô lúc nãy, hát nho nhỏ theo bài hát từ máy phát ra.

- Anh Luân, tiếng gọi từ phía bàn bên đó. Chưa kịp trả lời, Hiên đã đứng dậy đi về phiá Luân.

- Uả Hiên, như một phản ứng tự nhiên Luân nhỏm dậy khỏi ghế rồi ngồi xuống lại.

Hiên chỉ cái ghế trống rồi ngồi xuống đối diện.

- Lâu quá không gặp anh!

    Hiên là người con gái lớn của ông bà chủ tiệm thuốc tây giàu có ở chợ Trà Vỏ, nơi mà Luân đã bỏ đi trong cái khốn cùng của con nhà nghèo mái tranh ủ dột, của cái thèm thuồng ánh đèn điện sáng trưng trong những đêm đèn nhà hết dầu ảm đạm. Nơi mà mẹ Luân đang nằm trong nấm đất lẻ loi như cái lẻ loi trong suốt đời người. Không biết là Luân đã nói chuyện với Hiên và đám con nhà giàu ba Sen hay chín Cẩn, bao nhiêu lần trong suốt những năm tháng dài, từ lớp năm trường làng đến ngày  bỏ Trà Vỏ đi. Luân đã từng trốn, khi Hiên cùng đám bạn đi ngang nhà tung tăng cười nói. Hình như Luân và Hiên chưa bao giờ đi cùng một lối. Cái ngõ rẽ đời cay nghiệt đã theo Luân miệt mài trong quãng đời non dại đó. Bây giờ Hiên ngồi đây, Luân có muốn trốn mình sau cái liếp tranh che cuối sân nhà ngày xưa cũng không kịp nữa.

Thật ra, Luân đã không gặp Hiên từ bao nhiêu năm rồi mặc dù là cùng ở một làng một chợ, từ ngày vào trung học. Luân thì trường tỉnh, Hiên thì học trường quận. Hiên hỏi han Luân đủ mọi chuyện, như là hỏi một người rất thân đã lâu không gặp lại. Cô vừa chuyển lên trường tỉnh khoảng chừng vài ngày nay. Hiên không quên giới thiệu hai cô bạn đi chung cho Luân biết, trước khi chia tay và hẹn gặp Luân khi có dịp mặc dù không ai hỏi ai là mình ở đâu. Bước ra khỏi quán Hiên ngoái đầu nói vọng vào:

- Hiên mong sẽ gặp lại anh !

Luân khẽ cười gật đầu. Nắng đã rực lên đâu đó.

    Luân nhận lời cô Quỳnh và thầy Tổng Giám Thị tổ chức đêm hát nhạc Trịnh Công Sơn, trước Lễ Giáng Sinh một vài ngày. Nhóm phụ trách ngoài Luân, Toàn còn có đám Tài, Định, học dưới một lớp, anh Hùng, con của ông Tiểu Khu Phó Tỉnh. Hùng tuy học cùng lớp nhưng Luân và Toàn thường kêu anh vì lớn tuổi hơn. Anh Hùng có tánh tình giống như con gái, kỹ càng ngăn nắp, rất thích hát hò. Anh đã giúp đở Luân nhiều thứ, kể cả về tiền bạc. Họ chơi thân với nhau từ những năm đệ thất đệ lục, những năm đèo nhau trên cái xe vê-lô khẳng khiu, chạy khắp ngõ cùn lối hẹp, bất kể mưa nắng mặc trời. Anh Hùng có cô em tên Sương, học đệ ngũ, thật dễ thương và hát rất hay. Sương được xem là người chính rồi thêm Mai Phương, Xuân, chị Nguyên lớp đệ nhất, người mà Luân đặt biệt danh là nử hoàng sầu mộng. Anh Hùng, Toàn và Luân cũng dự phần hát cho vui. Tuy tập dượt không lâu, nhưng đêm văn nghệ đã thành công ngoài sự tưởng tượng. Trời tuy có lạnh nhưng người xem, không những ngồi kín cả các hàng ghế, mà còn đứng chật các lối vào và hành lang của phòng khánh tiết trường. Không ai bảo ai, chỉ trình bày những bài tình cảm của Trịnh Công Sơn và xen kẽ những bài hát tiền chiến nổi tiếng khác. Thầy Hiệu Trưởng thưởng cho ban tổ chức mấy trăm đồng ngay ngày hôm sau. Thầy Giám Học cho phép những người có đóng góp trong đêm đó, từ ban nhạc ca sĩ đến các anh chị phụ sơn vẽ trình bày sân khấu, được nghỉ học hai giờ buổi sáng đi, ăn nhà hàng Đông Đề ngoài phố, cùng với cô Quỳnh và vài cô trong ban văn nghệ báo chí của trường.

    Đêm Giáng Sinh, Luân đến phụ bác sáu vài việc cho nhà thờ trong lễ nửa đêm, rồi ở lại ăn khuya. Về đến nhà thì Toàn cũng vừa tới. Gần hai giờ khuya mà đường phố vẫn còn đông người vì giờ giới nghiêm được phép tăng thêm cho tới rạng sáng. Chuông nhà thờ thong thả đổ từng hồi, trong cái lạnh cuối mùa đông. Hỏa châu vàng vỏ nhạt nhòa, theo từng tiếng súng vọng khô khan, lẻ loi từ phiá chân trời. Hai thằng nói chuyện khào cho tới sáng, Toàn đưa cho Luân một cái thiệp giáng sinh màu xanh da trời, với vẻ nghiêm trang hơn mọi ngày, mặc dù Toàn biết, hắn cũng như Luân đã nhận rất nhiều thiệp từ những ngày trước đó.

Toàn nhìn Luân, chờ mở bao thư:

- Đáng lẽ tao đưa cho mầy hôm qua, nhưng khi gặp mầy ở nhà thờ mới biết là bỏ quên ở nhà.

Luân chưa nói gì thì Toàn tiếp lời:

- Hiên đến nhà với Hân chiều hôm qua, nhờ tao qua Hân gởi thiệp cho mầy. Hiên nói với tao rất nhiều về mầy, mặc dù mới gặp tao lần đầu. Hiên hiện đang học chung lớp với Hân và hai cô có vẻ thân nhau, cho nên tao đành phải nhận.

    Toàn ngừng ở đó. Luân cũng lặng thinh. Hiên chuyển lên trường tỉnh vào chung lớp với Hân, cô bạn gái mới của Toàn. Toàn có nói với Luân về Hân, mấy ngày gần đây nhưng Luân chưa có dịp gặp. Hân chính là một trong hai cô bạn cùng đi chung với Hiên hôm gặp trong quán cà phê đầu trường. Sau đêm văn nghệ của trường Hân mới biết Luân là bạn thân của Toàn. Hiên đã hỏi về Luân qua Hân. Cuối cùng là cái thiệp giáng sinh muộn, được mở vội nằm hờ hững trên bàn. Toàn bỏ về khi trời hừng sáng.

(Còn tiếp)

 

1 comment:

vnostrict said...

Học chung với nhau, 4 năm, từ Đệ Thất đến Đệ Tứ. Tao, dân Long Hoa, Mầy, tao cứ ngỡ, là dân Thị Xã chính hiệu. Sau nầy, tao biết, Mầy gốc dân Trà Võ.Tao mồ côi cha, từ năm 7 tuổi.Ngày xưa, chỉ biết đi học, về nhà, chả biết gì.Thế mà, sau hơn 40 năm, Tao mới hiểu, được hoàn cảnh của Mầy.....Mỗi thằng, một hoàn cảnh, một số phận. Nhưng, chúng ta giống nhau: vươn lên, và gục ngã, từ thời thế,và số phận....Tao thấy thương Mầy quá, và cũng buồn cho nghịch cảnh cuộc đời, mãi không buông tha chúng ta... Cho đến bao giờ ?
HKD.