Mỗi tên chè – một nỗi thương
Mỗi tên chè – gợi mùi hương nhớ đời
Cần Thơ thành phố thân yêu của tôi, thành
phố của một thời, một thời mộng mơ. Thành phố của những con đường,
những ngõ ngách thân quen, những quán cà – phê với những bài ca muôn
thuở. Đặc biệt là những quán chè bên lề đường của thời áo trắng
môi hồng phượng đỏ. Những chén chè ngọt lịm môi người, ngào ngạt
hương yêu.
Ai
mà ở bến Ninh Kiều không nghe tiếng rao chè tha thiết, ngọt ngào, ngân
nga kéo dài trầm bổng nửa khuya: “Ai ăn chè bột khoai, đậu xanh, nước dừa,
đường cát hô.ô.ô…hôn? ” lời rao gợi nhớ đến bài ca vọng cổ “Gánh chè
khuya” của soạn giả Viễn Châu, qua giọng ca ngọt ngào, trầm ấm của “Đệ nhứt
danh ca” Út Trà Ôn và “sầu nữ” Út Bạch Lan. Chỉ đoạn ca mở đầu, người nghe cảm
thấy tâm hồn bâng khuâng, xao xuyến:
“Nghe
tiếng rao
Trong đêm dài u buồn
Đêm từng đêm thầm vang bên phố vắng
Nghe tiếng rao
Như một lời kêu than cho số kiếp phụ phàng…“
Về chè của Cần Thơ, tôi xin giới thiệu
đến các bạn bài viết rất lý thú của thầy Lê Văn Quới, đồng nghiệp
và cũng là đàn anh cùng dạy ở Cần Thơ trước 1975.
Trước khi vào bài viết của thầy Quới,
tôi xin bàn sơ về hai chữ CHÈ và TRÀ:
CHÈ, TRÀ
Chè – Sweet Soup/ Sweet gruel – là món tráng
miệng trong ẩm thực Việt Nam và nhiều nước khác. Còn trà – tea – là thức
uống nổi tiếng như cà-phê – coffee .
Có lẽ không ở đâu như ở xứ mình, chè rất
thông dụng và có sức sống mãnh liệt. Tiếng “chè” đã được nhắc bên tai đứa bé
từ lúc nó vừa tròn tháng tuổi. Đó là món “chè ỉ ” không thể thiếu trong lễ cúng
mừng đầy tháng và thôi nôi cho bé.
Trong ngôn ngữ phía Bắc nước ta, hai từ “chè”
và “trà” thường dùng lẫn lộn và trong thực đơn các món chè miền Bắc có một số
loại chè rất lạ với miền Nam, chẳng hạn như chè bà cốt, chè con ong, chè hạt lựu,
chè hoa cau, chè kho… Ngược lại, một số loại chè có thể xem là món đặc sản, là
sự sáng tạo của đồng bào Nam bộ mà miền Bắc xa lạ như chè thưng, chè củ năng trứng
cút, chè chuối, chè bà ba, chè táo xọn …
Riêng tại miền Trung, như Quảng Nam thì dân
chúng còn phân biệt rõ ràng: Thường nói uống nước chè, gồm chè chín (chè đã
sơ chế ), chè tươi , chè xanh (hái trên cây vào chưa sơ chế, sấy ). Còn uống
trà là mua những gói trà hoặc hộp trà về nấu nước sôi để pha trà uống . Chè
thì phải nấu chứ không thể chế nước sôi để pha. Còn chè, món tráng miệng trong ẩm
thực nấu với đậu, hoặc những loại ngũ cốc khác với đường thì được gọi là chè
ngọt.
Trích đoạn bài viết về CHÈ của thầy Lê
Văn Quới bên dưới rất hay, nhưng có lẽ thầy quá nghiêm chỉnh chăng? Trong phần
bàn về chữ CHÈ, theo tôi còn hơi thiêu thiếu, tôi xin ghi ra thêm cho đầy đủ
“bộ tam sên”.
Nam bộ quê tôi có vài phương ngữ liên quan
đến “chè” rất vui.
Thí dụ như “đi ăn chè” và “cho chó
ăn chè“
-Đi
ăn chè: Đi tìm “ngọt ngào” ngoài luồng.
-Cho chó ăn chè: Nói tình trạng “mút mùa lệ thủy” hay “mút chỉ cà- tha” rồi
bị ói mữa của các “ông thần men”. (“…” là phương ngữ “giang hồ” nam bộ,
ghi ra cho vui nhe các bạn).
Thơ rằng:
Khoan
khoan ngồi đó chớ đi
Bạn bè tri kỷ mấy khi sum vầy
Bà đâu ta bảo bà này
Hãy ra bờ ruộng lùa bầy vịt non
Ca-ri vịt, tiết canh ngon
Vài chai rượu rắn cho tròn đệ huynh
.
Uống cho trọn nghĩa trọn tình
“Mút mùa lệ thủy” rồi mình … đứt dây!
(Nguyên Lạc)
Đùa chút cho vui nhe các bạn, có gì bỏ
qua.
Trong ca dao, có vài bài vui liên hệ đến
chè/trà.
Để tặng các bạn vài nụ cười, tôi xinh
trích đoạn ra đây bài ca dao, tân cũng như cổ liên hệ đến vụ hái chè/
trà:
Cô Gái Hái Chè – Chính Bản
Hôm
qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào
Cô
Gái Hái Chè – Phó Bản
Hôm
qua lên núi hái chè
Có thằng mất dạy nó đè em ra
Nó đè em chẳng dám la
Em đè lại nó… nó la quá trời
Tương Tư Tiếng Rao Chè
Phần trích đoạn sau đây là của GS Lê Văn
Quới.
[ … 1. Cái “hồn chè” sống mãi trong tôi
chính là tiếng rao chè. Những năm sống ở Chợ Lớn (khoảng 1958 – 1963), tôi quen
tai với tiếng rao chè của người Hoa: “Chí mà phủ… ủ; lục tào xá… á” mà mỗi lần
nghe lại không nhịn được cười. Cười vì cái âm cuối cụt lủn, chỉ ủ ủ, á á rồi
ngưng, rồi chìm lẫn giữa phố vắng, đường khuya.
Tháng 9/1964, tôi đến Cần Thơ dạy học. Đêm nghỉ
ở khách sạn Thế Giới (đường Thủ Khoa Huân) gần bến Ninh Kiều. Nửa đêm, bỗng
nghe tiếng rao chè; “Ai ăn chè bột khoai, bún tàu, đậu xanh, nước dừa, đường
cát hôôôônnn…?” Tiếng “hôn” kéo dài ngân nga, như bay như lượn, trôi nổi
chơi vơi suốt một cung đường. Tiếng rao tha thiết, ngọt ngào của một cô gái miền
Tây. Lần đầu tôi được nghe, sao mà xao xuyến quá! Tiếng rao khiến tôi nghĩ đến
bao cảnh đời tần tảo, bao số phận chìm nổi giữa chiến tranh… rồi tôi thao thức
cả đêm.
Như thế, đêm đầu hội ngộ Cần Thơ, tôi đã tương
tư một tiếng rao chè! “Nhất thanh, nhì sắc…” Tôi hình dung những cô gái
miền Tây sông nước, những cô gái Cần Thơ đều có chất giọng ngọt ngào như giọng
cô gái rao chè. Và trong sâu thẳm lòng tôi như vút lên câu hát cũ:
“Đến
đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về“.
Và
tôi đã gắn bó với quê hương tình yêu này từ ấy đến nay.
Những năm 1960, ở Cần Thơ có nhiều quán chè,
chốn gặp gỡ lãng mạn của giới học sinh sinh viên và cũng là của tất cả mọi người.
Hai nơi bán chè nổi tiếng nhất là những quán đá đậu nhỏ trên đường Ngô Quyền –
nơi có hai trường trung học: trường nam Phan Thanh Giản và trường nữ Đoàn Thị
Điểm – và quán chè bưởi La San ở đường 30/4 hiện nay. Tôi trở thành khách hàng
thường xuyên hai nơi này. Chè ngon là từ cái không khí của quán chè, từ những
bâng khuâng ngọt ngào mà sâu thẳm gợi lên từ tiềm thức, từ giọng nói tiếng cười
tươi tắn trữ tình của những người trẻ, và như từ lâu lắm trong ký ức bởi một tiếng
rào chè…
Một điều thật bất ngờ là từ tờ báo tường của lớp
tôi phụ trách, lại xuất hiện mấy câu thơ liên quan đến chè:
Buồn
mang mang – ôi nỗi buồn mang mang
Anh hỏi em – cô gái trường Đoàn
Lòng có buồn như kẻ ở trường Phan
Khi tiếng rao chè vừa mới qua ngang?
Những câu thơ không đề tác giả. Và tôi – người
thấy giáo trẻ, chợt ngỡ ngàng vì cảm thấy mình hình như chưa hiểu hết học sinh
mình. Cái tâm trạng “nghe tiếng rao chè” mà lòng “mang mang” cũng chính là tâm
trạng của tôi – của một thời trong quá khứ. Người học trò tôi không biết tên đó
rõ ràng là khách đồng điệu của tôi! Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng là tìm tòi bằng
mọi cách tất cả những bài thơ của người Cần Thơ viết về chè. Tôi đã tập hợp được
hơn 30 bài. Những bài thơ tôi gìn giữ có giá trị như một loại văn học dân gian.
Tôi chia những bài thơ này làm hai loại:
Những câu viết riêng cho những cô gái bán chè,
tác giả có thể là những khách tình si thuộc nhiều lứa tuổi;
Những câu “đặc sản” của giới học sinh,
viết chỉ để gởi cho nhau.
Ở loại thứ nhất, xin dẫn mấy đoạn thơ sau:
Người
là thi sĩ – làm thơ
Anh là “chè sĩ” – vẩn vơ phố phường
Mỗi tên chè – một tên thương
Mỗi tên chè – gợi mùi hương nhớ đời
Đậu đen, đậu đỏ… thơm môi
Chè thưng, bột bán, phổ tai ngọt mềm.
.
Nhìn viên xôi nước phát thèm
Ba chìm bảy nổi thân em vẫn tình
Mát lòng một chén đậu xanh
Thắm duyên chè bưởi ai đành quên ai!
Dù đi khắp biển sông dài
Tiếng rao chè! vẫn đêm ngày tương tư!
Ở
loại thứ hai, có những câu tiêu biểu:
Cần
Thơ có lắm quán chè
Quán ở vỉa hè – quán thật khang trang
Chè bưởi nổi tiếng La San
Con đường đá đậu – trường Đoàn lừng danh
Xôn xao nữ tú nam thanh
Gần xa nô nức, yến oanh hẹn hò!
Đẹp thay cái tuổi học trò
Chén chè mát ngọt để cho tinh nồng.
Cuộc sống ngày một đổi thay. Nếp sinh hoạt đô
thị không còn giống ngày xưa. Tiếng rao chè hàng đêm ngày càng thưa vắng! Mai
này có thể ở thành phố sẽ không còn bóng dáng những gánh hàng rong. Tôi bồi hồi
nghĩ đến tiếng rao chè và ngậm ngùi cho “những người muôn năm cũ”…] [Lê Văn
Quới]
Lời Kết
Ôi Cần Thơ thương nhớ. Cần Thơ của những
chén chè ngọt lịm thân thương. Cần Thơ của “Một thời ta cố quên”.
Xin mượn câu nói sau đây và vài câu thơ
để kết thúc bài viết này – chắc nó pha trộn giữa vui và buồn?
-“Không
ai tắm hai lần trên một dòng sông” – Heraclitus (triết gia Hy Lạp cổ đại)
-Thời
gian – nước chảy qua cầu
Tiếng rao chè cũ đã vào hư vô
Và:
Cái
thời mắt liếc dao cau
Cái thời đưa đón tình nhau Ninh Kiều [*]
Ly chè ngào ngạt hương yêu
Hoài trong tâm tưởng dù chia nghìn trùng
(Nhớ
bến Ninh Kiều – Nguyên Lạc)
Tất
cả chỉ còn là kỷ niệm, chỉ còn là dĩ vãng khôn nguôi!
Nguyên Lạc và Lê Văn Quới
[*] Thời Đệ nhất Cộng Hoà, chính quyền Việt
Nam Cộng hòa nâm 1957 đã cho lập nơi bến sông Cần Thơ một công viên cây kiểng
và bến dạo mát: Ninh Kiều. Kế tiếp là chợ Cần Thơ.
Nguồn:
Văn Học Nghệ Thuật
Từ trang DđQGHCUC
No comments:
Post a Comment