SÀI GÒN THĂNG TRẦM
Khi tôi rời
Sài Gòn lúc đó Việt Nam vẫn còn đang trong tình trạng bao cấp, thời đó khi nói
tới chuyện đi nước ngoài thì chỉ có các nước thuộc khối XHCN như Liên Xô, Đức,
Tiệp Khắc, Hungary…
Tôn Thất
Long
Còn khi nói về các nước khác không
thuộc khối XHCN như Âu Châu, Mỹ…, ngay cả nước Úc, Thailand, Singapore nằm gần
cạnh kề mà giờ đây có rất nhiều người Việt sinh sống thì lúc đó cũng rất có ít
người biết và am hiểu, tất cả chỉ biết được qua nhờ những cuốn sách Anh Văn hay
Pháp Văn may mắn còn sót lại qua nhiều đợt kiểm tra Văn Hóa như English For
Today hay bộ sách Larousse của Pháp vân vân… cái cuốn sách mà tôi nhớ là nhà cô
tôi còn cất giữ kỷ được một thời gian dài nhưng sau này thì nghe được lại là bà
Nội tôi vì sợ quá nên cuối cùng cũng đem nộp luôn cho bọn họ. Còn nói chuyện đi
nước ngoài hay kể chuyện có bà con ở nước ngoài không thuộc khối anh em XHCN
thì tất cả mọi người đều thì thầm hoặc nhỏ tiếng lại rồi nhìn ngó xung quanh
trước sau mới dám nói vì sợ Công An hay có ai đó đi báo lại cho chính quyền. Muốn
nghe đài BBC hay đài VOA thì phải chờ đến nữa đêm và chui vào trong mùng trùm mềm
mới dám bật lên nghe. Đã qua trên chục năm miền Nam dưới chế độ mới nhưng tình
hình thì không khá gì hơn sau bao nhiêu năm họ vào, thật ra mà nói thì gần như
bất cứ gia đình nào ở miền Nam vào thời điểm đó cũng có người thân đi vượt biên
hay có người thân ở nước ngoài nhưng ít ai dám tự nhận hay nói thẳng ra lắm.
Thời đổi mới và mở cửa thì Sài Gòn được
lấy làm nơi thí điểm trong cả nước. Sài Gòn là nơi lúc đó được xem là nơi sống
thoáng nhất và có cuộc sống khá giả nhất so với tình trạng chung của cả nước Việt
Nam cho dù ngay cả Hà Nội. Còn nhớ là vào thời điểm đó gia đình nào mà có được
một cái TV màu chỉ khoảng 12-15 inches là được coi là khá giả và ban ngày được
trùm khăn kín mít, được để trên kệ cao và trang trọng ngay giữa phòng khách,
đêm đêm người lớn và trẻ em quây quần để xem các bộ phim như “Trên Từng Cây Số”
của Bulgary, “Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại” của Đức, “Ruslan and Ludmila” của
Liên Xô hay “Maica – Cô bé từ trên trời rơi xuống” của Tiệp Khắc. Các con đường
Ngô Gia Tự, Hùng Vương, khu Nguyễn Kim là những nơi có nhiều cửa hàng kim khí
điện máy, mỗi lúc rãnh rỗi là tôi luôn đi dạo và nhìn ngắm những cái TV,
Cassette với dàn loa bass khủng, máy có hai dàn đèn chớp chớp thật là ước mơ của
biết bao gia đình lúc đó. Ngoài các hiệu nổi tiếng của Nhật như Sharp, Hitachi,
National, Sony … thì cũng đã bắt đầu có các hiệu của Hàn Quốc như Dawoo, Lucky
hay Goldstar mà sau này là LG, Samsung lúc đó thật sự chưa là hãng lớn và nổi
tiếng như bây giờ. Vào thời điểm đó xe máy vẫn còn hiếm ngoài các xe đời cũ trước
75 hay các loại xe Cub 79, 80, 82 và khi tôi đi thì DD 70, Su 100 và Dream 100
mới chỉ mới được nhập về Sài Gòn từ Thailand, nhìn những ai mà lái những chiếc
xe đó thì mọi người đều biết là nhà có gia đình đi nước ngoài và rất nhiều con
mắt đổ dồn vào nó. Sài Gòn thời đó có nóng nhưng không có cái nóng như bây giờ
do biết bao nhiêu khói xe thải ra, xe đạp vẫn là phương tiện chủ yếu của người
dân trong thành phố. Tôi luôn nhớ những con đường như Phạm Ngọc Thạch (Duy
Tân), Nguyễn Văn Cừ (Cộng Hòa) hay 3 thang 2 (Trần Quốc Toản) là những con đường
với những hàng cây dầu cao tàn lá rộng che phủ cả con đường, những bông hoa dầu
rơi xuống với 2 cánh như hai cái chong chóng rơi xuống như những con vụ. Không
biết ai có còn nhớ cuối con đường 3 tháng 2 ra ngã Sáu Cộng Hòa có hàng cây dầu
tuyệt đẹp và 2 bồn nước được dùng để điều chỉnh áp suất nước của thành phố,
hình như những cái bồn nước còn lại đều là ngoài ngã tư Hàng Xanh và xa lộ Biên
Hòa thì phải, giờ về tìm lại thì chỉ thấy nhà cửa hiệu san sát nhau hai bên đường
nơi mà xưa kia chỉ là những bãi đất trống với bờ tường cao.
Lúc đó, công nhân mà ai xin vào làm
được các hãng liên doanh giữa nhà nước và tư nhân thì được tăng ca, làm thêm giờ,
làm theo năng suất hưởng theo nhu cầu và lương cao so với mặt bằng lương công
nhân viên nhà nước lúc bấy giờ rất nhiều, đi làm thì mặc đồng phục vải mềm màu
trắng, hồng hay xanh nhạt của nhà máy liên doanh nên nhìn thật khác lạ so với
kiểu áo quần khaki màu xanh dương đậm cứng ngắt của các công ty nhà nước. Tuy
nói là công ty liên doanh giữa tư nhân và nhà nước nhưng cũng phải có được sự
quen biết và gởi gắm thì mới xin vào được làm ở những nơi ấy, còn không chỉ là
sự thèm thuồng của biết bao nhiêu người lúc đó. Thời đó chưa có các hãng nước
ngọt như Pepsi, Coca Cola vào Việt Nam mà chỉ có các hãng liên doanh nội địa sản
xuất nước ngọt và bia có gas như các hãng Chương Dương, Hòa Bình bên Quận 8. Ai
ở Sài Gòn lúc xưa chắc cũng còn nhớ bên hông hãng BGI chuyên sản xuất La De trước
75 cạnh sân vận động Cộng Hòa, sau những năm 82-90 là bia lên cơn hay lên men
mà bà con gọi là bia bọt được tuồn ra từ nhà máy ra bằng những can nhưa 20 lít,
các quán bán bia hơi tự phát xung quanh đó thâu gom những can bia bọt đó và
buôn bán các quán nhậu rất phát đạt vào thời điểm lúc bấy giờ.
Sài Gòn thời bao cấp là một Sài Gòn
quái đản, nhiều người dân đi Kinh Tế Mới bỏ về thành phố nằm la liệt trước cửa
nhà của họ khi xưa giờ là của cán bộ. Còn nhớ ngày xưa tôi đi làm về khuya,
sáng sớm 3-4 giờ sáng đi ngang qua bịnh viện Hùng Vương thấy hàng dài người xếp
hàng nằm ngồi la liệt nhưng không phải là chữa khám bệnh mà là bán máu. Sài Gòn
của cái thời mà uống cafe với 5 đồng bạc trong túi nhưng tiệm không có tiền thối
chỉ có thể uống cafe ký gởi cho đến khi nào hết tiền thì thôi. Sài Gòn của thời
Hippy thịnh hành với mốt để tóc dài và mặc quần ống loe, đi dép sa-bô Nhật
nhưng hay bị các du kích và dân phòng chặn xe cắt tóc và xé quần vì cho là vi
phạm thuần phong mỹ tục. Những người trẻ như tụi tôi lúc đó rất đam mê nghe nhạc,
cái loại nhạc mà chính quyền gọi là nhạc Vàng thì hoàn toàn bị cấm đoán, loại
nhạc này vào thời điểm đó thật kiếm không dễ chút nào. Nhớ lúc đó tôi hay sang
bên Nguyễn Kim có mấy gian hàng chuyên sang băng cassette các loại nhạc đó của
Trung Tâm Thúy Nga được gởi lậu về Việt Nam, mua một cuốn tape trắng đã mắc,
sang băng chọn bài còn mắc hơn thế nữa nhưng cũng ráng dành tiền để tậu và quý
còn hơn vàng, nâng niu và lắng nghe những bản nhạc vang danh một thời. Nhiều bản
nhạc được sang qua sang lại nhiều lần chất lượng xuống đến mức tệ hại mà vẫn
thích vô cùng nếu có được một bản nhạc xưa. Những giọng hát được chuộng thâu
vào thời đó như Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Hương, Ngọc Lan, Khánh Hà, Duy Quang, Kim
Anh…làm ngất ngây cả lòng người. Thời đó thật khó mà kén cá chọn canh, tìm được
lại dòng nhạc xưa quen thuộc và nghe được những bản nhạc thân quen là một niềm
vui, nỗi đam mê của thời trai trẻ. Sách dịch vào thời đó rất nhiều nhưng đa số
là sách dịch của các nhà văn Nga, nó không dỡ tí nào, thậm chí có nhiều sách rất
hay là đàng khác nhưng của quý hiếm luôn là thị hiếu và tính tò mò của con người
với những gì xa xưa nay đã biến mất, vì vậy nếu ai còn có những cuốn sách truyện
trước 75 thì trao đổi với nhau để cùng đọc. Mà chết cái là lúc đó tôi lại ham đọc
truyện văn học miền Nam kiểu “Giải khăn sô cho Huế” của Nhã Ca hay sách tình cảm
ướt át của bà Tùng Long là loại sách thuộc dạng khan hiếm thời bấy giờ.
Sài Gòn thời bao cấp thật khó khăn, vất
vả, tuy nhiều nhà không đủ ăn và chật vật với cuộc sống nhưng học sinh ham học
và vui chơi lành mạnh hơn bây giờ, học sinh chịu khó và vâng lời cô thầy chứ
không có nạn hành hung hay bạo hành trong trường học như ngày hôm nay. Sài Gòn
thời đó vẫn còn giữ được nhiều nếp sống xưa và mộc mạc hơn giờ rất nhiều. Có lẽ
vì sự đi lại và việc nhập cư còn khó khăn và nhiều phiền nhiễu nên người Sài
Gòn còn giữ được lại phần nào nếp sống cũ. Có lẽ không có một cái đất nước nào
mà như ở Sài Gòn lúc đó khi thầy cô và học trò cùng làm chung một nghề là nghề
bán chợ trời hay bán thuốc tây, có lẽ chưa có một đất nước nào mà người bán chợ
trời trong đó có rất nhiều người có bằng cấp cao và lòng người chỉ nghĩ được ra
đi nước ngoài dù có chết cũng cam. Sau bao năm đổi mới, hình như Sài Gòn ngày
nay cũng đã mất đi những cái mà nó đáng ra cần phải giữ, cần phải cất về hiện
thực và tinh thần.
Sài Gòn khó khăn và gồng mình gánh chịu
qua thời khắc khó khăn nhưng đi xa rồi mới nhớ về Sài Gòn, nhớ Sài Gòn xưa những
đêm khuya nằm nghe tiếng Hủ Tiếu gõ hay Mì gõ, những tiếng rao vọng lại giữa
đêm thanh vắng. Tiếng gõ lóc cóc lúc to lúc nhỏ, tiếng rao “Bánh chưng bánh tét
noooooong đââââââââỵ”. Cái âm hưởng mà khi nghe rồi sẽ chẳng bao giờ quên được.
Nhớ Sài Gòn với nỗi nhớ về gói khoai mì giã, bỏ dừa, thêm chút mè và chút đường
đựng trong túi nylon. Nhớ Sài Gòn khi nhìn tụi con nít xúm quanh ông bán cà-rem
với những cây cà rem xanh xanh đỏ đỏ đựng trong thùng xốp, mút hết lớp xi rô
ngoài chỉ còn lại đá và đá mà sao ngon chi lạ. Nhớ Sài Gòn ở Ngã Bảy Chợ Lớn
nơi có các xe đẩy Hủ Tiếu, Hoành Thánh Mì được trang trí hình Trương Phi, Quan
Công trong truyện Tam Quốc Chí và chú ba tàu phì lũ làm tô mì lanh tay lẹ chân,
mồ hôi nhễ nhãi nhưng lúc nào cũng cười hề hề. Tụi nhỏ tụi tui lúc nào cũng được
ưu tiên cho thêm miếng bột tôm chiên dòn bỏ bên trên tô mì hay hoành thánh thay
vì phải gọi thêm. Nhớ Sài Gòn là nhớ đến dĩa bột chiên dòn, bột chiên thật dòn
có phủ lên ít trứng, tương ớt và nước xì dầu phải thật ngọt ngon, cái mà mỗi lần
về lại Sài Gòn là tôi phải tìm đến ăn cho được. Nhớ Sài Gòn với những bữa trời
nắng chợt đổ mưa, phóng xe đạp nhanh bay dưới con mưa là một cái khoái như lúc
nhỏ được tắm mưa. Lang thang Sài Gòn với những con đường Đồng Khởi (Tự Do xưa),
Nguyễn Huệ, Lê Lợi, ngó quanh ngó quẩn các gian hàng bán đồ lưu niệm của lính Mỹ
năm xưa, hay các tiệm bán tranh sơn mài, ghé tiệm sách trên đường Đồng Khởi để
đọc sách ké. Mệt rồi nghĩ chân, ghé tiệm kem Bạch Đằng ăn kem dừa bỏ trong trái
dừa thơm thơm.
“Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do,
Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm”.
Đường Tự Do đã mất, dinh Độc Lập giờ
là Hội trường Thống Nhất, bến Bạch Đằng còn đó nhưng bến đò Thủ Thiêm đã là dĩ
vãng. Những cái linh hồn của Sài Gòn xưa, khó phai mờ trong ký ức của người Sài
Gòn. Còn có bao nhiêu cái xưa còn lại giờ đây ở Sài Gòn ngay cả cái tên Sài Gòn
cũng không còn trong bản đồ nữa. Sài Gòn đang vào mùa nắng thiếu vắng những
hàng cây xà cừ hay lá me bay. Sài Gòn miền đất hứa mất tên!
Tôn Thất Long
304Đen – llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment