Đưa ống
nghe điện thoại xa ra khỏi tai, hướng mặt về phía trung tá Mậu, Trưởng Khối
Chiến Tranh Chính Trị, tôi nói, không lớn tiếng, đủ cho mọi người trong phòng
nghe:
-“Có
khách rồi, không biết có kịp tết không?”
Trung tá
Mậu hỏi ngay:
-“Ma chay
hả? Từ đâu về?”
-“Thiết
Đoàn 16, tử trận ở Kompong Trạch, mẹ ở Gia Định.”
Trung tá
Mậu ngữa lưng, dựa vào ghế. Tôi nghe tiếng ông thở ra. Chỉ còn bốn ngày nữa là
tết. Ông “mệt” cho ông hay ông “cám cảnh” cho tôi, “năm hết tết đến” còn lo
việc an táng cho đồng ngũ.
Tôi lại
đặt ống nghe vào tai, tiếp tục với người ở bên kia:
-“Huế còn
đó không?
-“Có”.
Tiếng thiếu úy Huế trả lời. Tôi hỏi tiếp:
-“Lên
đường về đây rồi phải không?”
-“Vâng!”
Huế trả lời. “Tui cho một trung sĩ đi theo với tài xế. Làm sao anh?”
Tôi vẫn
giữ cái thói hay nói đùa:“Làm sao cũng chẳng làm sao!” Ở đây có người lo
tiếp cho tử sĩ. Ông trung sĩ đi theo có điện thoại của tui không? Gần tới nơi
thì gọi cho tui. Tui chờ ở Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp.” (Hồi ấy “Nghĩa Trang
Quân Đội Biên Hòa đang chuẩn bị hình thành – tg)
-“Tui dặn
rồi. Có phải điện thoại của anh là 30.240?”
-“Đúng!
Yên tâm đi nghe. Có chi trở ngại, tui sẽ gọi ông.”
Huế -Trần
Huế – bạn cùng khóa Bộ Binh, Thiết Giáp với tôi. Anh ta cũng như Phạm Văn Nga
lại là học trò cũ của tôi, khoảng chừng hơn năm năm trước ở Huế. Cả hai thua
tôi khoảng 10 tuổi.
Sau tết
Mậu Thân ở Huế, buồn tình, tôi tự động bỏ dạy –“bỏ cục phấn bấm cò
súng” – câu tôi thường nói đùa với bạn bè – Hai “ông bạn đồng khóa” thì tới
tuổi động viên, thành ra, “cùng nhau đi lính Cộng Hòa”, hết Quang Trung,
lên Thủ Đức, vô trường Thiết Giáp. Ra trường, tôi và Nga chọn Thiết Đoàn 17/ Kỵ
Binh, đóng ở Phước Tường. Huế về Thiết Đoàn 16 ở Long Xuyên; sau tháng 3/ 1970,
Thiết Đoàn thường hành quân vượt biên qua Kamphuchia. Tôi được giữ lại Bộ Chỉ
Huy, tiếp nối tờ báo “Kỵ Binh”, “giữ cái nghiệp làm báo tự chọn” do một ông bạn
cũ từ thời học tiểu học, đại úy Lương Thúc Trình giao cho vì Trình được biệt
phái về “nhiệm sở cũ”, giáo sư ở trường trung học Trần Quí Cáp, Quảng Tín.
Tôi kiêm
luôn công việc mà tôi thường gọi đùa là “Người đưa tin… độc địa”, nghĩa là đưa
tin “báo tử các chiến hữu” của binh chủng cho thân nhân của họ ở Saigon và Gia
Định.
“Tin… độc
địa” vì gia đình người ta đang yên ổn, bỗng tôi tới gõ cửa báo tin thân nhân
họ… tử trận. Thế là cả nhà, có khi còn cả cha mẹ già, vợ con, chị em… òa nhau
lên khóc.
Nghe
tiếng họ khóc, tôi đứng như “chết trân” tại chỗ. Nhiều khi muốn trốn khỏi nhà
họ nhưng không trốn được; nhiều khi muốn làm “ông Tề độn thổ” cho xong, nhưng
lại không có 72 phép thần thông.
&
Về nhận
việc ở đơn vị mới được mấy hôm, Trung Tá Mậu gọi tôi tới bàn ông, biểu ngồi
xuống ghế. Đứng bên cạnh ông là trung úy Nguyễn Đăng Đức, tay cầm xấp hồ sơ
không dày không mỏng. Trung tá Mậu nhìn tôi một lúc, mặt hơi có vẻ nghiêm, nói:
-“Giao
việc nầy cho anh tôi yên tâm hơn. Mấy lâu nay, trung úy Đức đảm nhận nó, chưa
có gì sai trái nghiêm trọng, nhưng ông Đức có bệnh hay quên; nhiều khi ông ta
quên làm tôi đứng tim luôn. Việc ma chay phải hết sức cẩn thận. Gia đình người
ta có người “hy sinh vì Tổ Quốc”, mình lo giúp người ta việc an táng là phải
chu toàn. Lôi thôi, thân nhân thưa lên tới Tổng Thống chớ không phải tới ông
Đại Tướng đâu. Vậy là họ gõ đầu thuộc cấp, từ trên gõ xuống, gõ tới mình là coi
như… khăn gói ra Vùng 1, Vùng 2. Ngại lắm! Mình không sợ tác chiến nhưng khăn
gói quả mướp kiểu ấy thì mất mặt anh hùng.”
Theo lệnh
trung tá Mậu, trung úy Đức trao tập hồ sơ cho tôi. Nhìn hàng chữ ngoài bìa, tôi
đâm lo, “hơi lạnh giò” vì tưởng có “âm khí nặng nề” như khi Kiều gặp mộ Đạm
Tiên. Đây là một cái tên có lẽ tôi chưa từng nghe bao giờ: “Hồ Sơ Ma Chay”.
Tôi cũng
“thấm” lời trung tá Mậu căn dặn: “Gia đình người ta có người hy sinh vì Tổ
Quốc”… Chuyện nầy… dễ “thông cảm”, vì chính gia đình tôi, cũng không “ngoại
lệ”, cũng đã có người tử trận, còn như thấy, thì thấy không ít lần.
Tôi từng
ngạc nhiên vì mấy chữ “Nhà Vĩnh Biệt” treo trước cái nhà nhỏ nằm riêng một góc
phía trong Cửa Hậu, ở thành Mang Cá / Huế, cuối quân y viện Nguyễn Tri Phương
mà tôi từng thấy khi mới học lớp Nhì. Tôi có bà chị, nhà ở đường Lê Văn Duyệt,
con đường song song với sông đào An Hòa / Bao Vinh; bên cạnh con đường nầy,
phía ngoài cửa Hậu là “Nghĩa Trang Quân Đội”. Biết bao nhiêu mồ mả ở đó. Cũng
có lần tôi đi thăm chị, ngang nghĩa trang, nhằm lúc người ta sắp hạ huyệt,
tiếng kèn Tây nổi lên: “Tọ ti tè, tọ ti tè…” bọn trẻ từng nhại theo “Tôi
chưa tề. Tôi chưa tề!” Cái nhại nầy có phần nghiêm trang vì người ta không
dám đùa với người… chết.
&
Về chỗ,
tôi mở tập hồ sơ… nghiên cứu. Ấy là nói cho ra vẻ… chớ “nghiên cứu” gì đâu!
Trước hết là coi thử… phải làm gì: Báo tin là một. Thứ hai là hỏi tang gia có
yêu cầu gì: phương tiện, xe cộ di chuyển (bao nhiêu xe, bao nhiêu người), nơi
an táng (tại nghĩa trang quân đội hay đưa về nhà cũ, những nhà có vườn như ở
Lái Thiêu, Bình Chánh, tang gia yêu cầu đưa về nhà của họ, chôn trong vườn nhà
hay nghĩa trang gia đình. Cũng ngại đấy vì có vài gia đình ở vùng “mất an
ninh”, lỡ khi đang làm lễ thì Việt Cộng tấn công. Đừng nói nhân đạo với “tụi
nó”, có lúc nào Việt Cộng không thẳng tay giết người?!)
Có những
điều phải về làm tờ trình “xin thượng cấp”, có những cái phải làm “Bưu điệp cầm
tay” đem ngay sang cho “Trung Đội Chung Sự” ở Gò Vấp để xin họ giúp đỡ…
Không có
gì khó, cái gì cũng dễ.
Quân Đội
VNCH có bài bản cả rồi: đơn vị nào, người nào, ai lo việc nấy, ngoại trừ khi
yêu cầu của tang gia vượt ra những điều thông thường. Cũng may, phía Quân Đội
thì dự trù hoàn hảo, về phía tang gia, không đòi hỏi gì quá đáng, chỉ cần mình:
“Thi hành công vụ” với một tấm lòng như thế nào đó để tang gia được chút an ủi.
Khó nhất,
chính là việc “báo tin”. Khó mở miệng nói câu “Thưa ông (hay thưa bà, thưa
chị), anh (gì đó)… đã tử trận.”
Và kinh
hoàng, và sợ hãi, và cũng lắm khi đau xót, tội nghiệp vì những tiếng khóc òa
lên, nghe… não lòng.
&
Nửa giờ
sau, tôi báo cáo với trung tá Mậu tôi đi “báo tin tử sĩ”, bắt đầu lo ma chay.
Tài xế Chính dừng xe chờ tôi ngay cửa trước. Tôi khoái đi với “ông” tài xế nầy.
Tuy không phải là dân Saigon, nhưng anh ta rành rẽ đường sá, thông minh, nhạy
bén, “tìm nhà” rất nhanh.
Hồi bấy
giờ xã Phú Nhuận, xã Bình Hòa, tuy thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, nhưng
“Saigon hóa” mất rồi. Từ Saigon, qua khỏi Cầu Bông, Cầu Kiệu, nếu không tò mò,
mấy ai để ý bên nầy cầu là Saigon, bên kia cầu là Gia Định: Nhà cửa san sát,
cái cao cái thấp, phần nhiều mới xây, nhà cũ mất dấu cũng không ít, hết hẽm
nầy, tới hẽm kia, tìm ra địa chỉ gia đình tử sĩ phải chăm chú tìm đường, hỏi
thăm, có khi phải tới ngay trụ sở phường…
Bởi vì
làm công việc “báo tin dữ”, nên tôi biết nhiều con đường, và cả nhiều con hẽm
nữa của “Saigon ngày nay”, và tôi có cái tên mới do các bạn cùng đơn vị đặt cho
tôi: “Thổ công phía sau Saigon”. “Phía sau Saigon” là những xóm nhà lộn xộn,
đằng sau những con đường lớn.
Saigon
khác với Huế.
Huế gọi
là “kiệt”. Saigon gọi là “hẽm”.
Huế có từ
Kiệt 1 tới Kiệt 5, Kiệt 10 đã là nhiều. Saigon thì hàng trăm “con hẽm”.
Huế gọi
là “trên”: Nhà số 5, “trên” 9 chẳng hạn, là đã tới chỗ tận cùng của kiệt.
Saigon
khác, bởi vì Saigon là “thành phố quốc tế”: Tiếng Tầu, tiếng Tây, tiếng Anh
trộn bậy với nhau khá buồn cười.
Đi xe Lam
thì dùng tiếng Anh: “Tốp! tốp”. Là “Xì tốp” đấy. Khách đi xe lam, muốn xuống
thì nói tiếng Anh với tài xế: “Tốp” (stop). Muốn ăn thì gọi “hủ tiếu”; muốn
uống cà phê thì “Xí nại”, “xây chừng” là tiếng Tầu chớ gì. Tìm nhà trong hẽm
thì gọi là “xiệc”: 5 “xiệc” 20, lại “xiệc” 19, v.v… “Xiệc” gốc là tiếng Tây:
“sur”: 5 sur 20, sur 19. Mới tới Saigon thấy lạ, lâu ngày thành quen.
Nhà mấy
“ông lớn” nằm ngay ngoài đường lớn, khỏi “xiệc”, tìm dễ lắm. Nhà lính tráng là
nhà nghèo, dân lao động, thợ thuyền, “buôn thúng bán mẹt”, phải trố mắt
nhìn gần chục cái “xiệc” mới tới nơi. Có khi khóm phường ghi không rõ, người đi
tìm phải đi quanh, không phải “năm phút đã về chốn cũ”, mất vài chục
phút “lại về chốn cũ” là chuyện thường.
“Trăm hay
không bằng tay quen”. Nhờ cái “quen” ấy tìm nhà cũng nhanh, tuy nhiên tôi cũng
có lần kiếm hụt hơi.
Một lần
tôi với tài xế Đãnh tìm một ông già, địa chỉ ghi rất gọn: “Phi trường Tân Sơn
Nhất”.
Tử sĩ con
ông già chắc không quan tâm lắm về nơi cư trú của thân phụ mình, nên anh ta,
trong hồ sơ nhập ngũ, ghi đại khái như vậy. Đến phiên tôi đi tìm nhà, đâu có
thể “đại khái” mà phải tìm cho được, để báo tin rằng “Con trai bác đã tử trận”.
Rồi chờ…
Ông già
góa vợ khi còn trẻ, “một cha một con” sống với nhau, cho đến khi người con
trai, thấy mình cần đăng lính, sau khi bị thôi thúc vì câu hát của Lam Phương:
“Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên”… Và “anh hãy nói khoác chiến y rồi.”
Tôi đi bộ
gần như “đứt hơi” từ đầu tới cuối phi trường Tân Sơn Nhất, để hỏi thăm ông thân
sinh tử sĩ; tôi mới biết thêm ông là nhân viên “Sở Quản Lý Phi Trường”. Đến
ngay “Sở Quản Lý Phi Trường” cũng chẳng ai biết ông là ai vì “ở đây đông người
lắm”. Phải tìm đến “ban phát lương”, bởi vì nếu ông ta có đi làm thì phải có
lương.
Bấy giờ
“bà Thủ Quỹ” mới cho hay rằng, người cha của anh lính tử trận của binh chủng
tôi là một ông Tô Vũ của phi trường, thời kỳ đã có nhiều Boeng 727 lên xuống
phi đạo.
Chắc chắc
ông không phải là nhạc sĩ Tô Vũ của “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “phục
vụ đảng và bác ở ngoài Bắc”, đang ở ngay Hà Nội hay “sơ tán” máy bay Mỹ lên
miền Trung du Bắc bộ; ông ta lại càng không phải là ông Tô Vũ bị rợ Hung Nô bắt
làm con tin đời Hán Vũ Đế bên Tầu, mà chính là một ông già chăn dê cho phi
trường. Chắc là mấy ông lớn “quản lý phi trường” khoái ăn thịt dê, đất phi
trường thì rộng, tại sao họ không nuôi một bầy dê để có thịt dê mỗi khi tiệc
tùng.
Hỏi “bà
Thủ Quỹ” chăn dê ở đâu? Bà lắc đầu: “Thiếu úy tìm quanh phi trường thì gặp ổng.
Ổng không cho dê ra khỏi phi trường đâu!” Vậy là tôi lại phải “một chiều
lang thang” trong phi trường” không phải để xem “người đi, người tiễn”,
hay “người chia tay nơi cuối đường” (băng) mà để đi tìm ông già chăn dê.
Hơn một
giờ sau, “lội bộ rã giò”, mới gặp “ông Tô Vũ thời đại” gần Cổng Số 6 (?), chỗ
gần Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ông đang “thả dê” ăn ở đó; “thả dê” là tôi nói theo
đúng nghĩa đen của hai tiếng nầy.
Báo tin
cho ông già xong, tôi phải ngồi chờ ông khóc tỉ tê.
Ông không
khóc òa như các mẹ, các chị. Ông khóc không thành tiếng, ông khóc thầm; không
“thê thảm” như người đàn bà khóc con bị cọp vồ trong “Cổ Học Tinh Hoa”. Ngày
trước, khi khóc vợ qua đời, ông cũng khóc thầm như thế chăng? Rồi bao nhiêu năm
“gà trống nuôi con”, nếu có khi nào ông thấy thương cho người vợ chết sớm, “đầu
gói tay ấp”, bên cạnh đứa con trai độc nhất, ông cũng khóc thầm như thế chăng?
Ngày
trước ông khóc vợ, nay ông lại khóc con, cũng âm thầm như hồi ông khóc vợ. Có
ai biết cho ông? Có ai thông cảm cho ông, một người cha vừa mới nghe tin con “mất
ngoài chiến trường”. Ông ngồi dựa lưng vào cây bã đậu mà khóc! Ông không
thấy đau khi những cái gai nhọn ở thân cây đâm vào lưng ông. Nỗi đau quá lớn
trong lòng ông làm ông quên đi cái đau nơi thân thể ông rồi chăng?
Đứng chờ
lâu mỏi chân, vả đi bộ nãy giờ, chân tôi cũng đã chồn, tôi cũng ngồi xuống dựa
lưng vào một cây bã đậu bên cạnh.
Một lúc
thật lâu, ông đứng dậy lùa bầy dê về chuồng, cách đó cũng khá xa.
Tôn trọng
nỗi đau của người cha mất con, tôi lặng lẽ đi theo. Cho dê vô chuồng, khóa cửa
lại, “việc công” xong rồi ông mới mời tôi về một cái chòi lợp tôn gần đó, để lo
“việc tư”, để hỏi thăm về việc người con trai ông đã hy sinh, và hỏi thăm về
việc chôn cất.
Dĩ nhiên,
đó là một “kỷ niệm đời lính” khó quên cho tôi!
&
Công việc
của tôi như thế. Bây giờ là lúc tìm nhà người mẹ tử sĩ.
Con hẽm
bên cạnh trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt trên đường Đinh Tiên Hoàng, Gia Định,
gần như đối diện với Lăng Ông Bà Chiểu là một con hẽm xa hun hút. Tôi có cảm
tưởng như nó rẽ phải, rẽ trái rất nhiều lần, cuối cùng sẽ “đụng” với “đường
Hàng Keo”, là một con đường nhỏ, chưa tráng nhựa, đối diện với Ty Canh Sát Gia
Định trên đường Võ Tánh. Có phải xưa là “bót Hàng Keo” như người ta thường gọi?
“Kinh
nghiệm” không sai. Theo địa chỉ, tôi phải đi qua bao nhiêu cái “xiệc”. “Tin tức
đầu tiên” khi hỏi người trong hẽm, mới hay rằng đó là một “bà già Tầu” trên năm
mươi tuổi, “một mẹ một con”, con đăng lính, mẹ ở một mình. Đây không hẳn là một
bà “mẹ Việt Nam” như kiểu cục Tâm Lý Chiến tuyên truyền, mà chính là một “bà mẹ
Tầu” có con đi lính Việt Nam, chống “tay sai Tầu Cộng”. Nói vậy cho đúng bài
bản.
“Tin tức
thứ hai”, bà vốn dĩ gốc Tàu Chợ Lớn, “yêu” một người Việt Nam, bị gia đình cấm
cản. Đó cũng là “chuyện thường tình”, như dân chúng từng nghe. Đến khi có bầu,
bà theo người chồng Việt Nam về ở xóm nầy; chưa được bao lâu, người chồng tử
nạn xe lửa; “sinh nghề tử nghiệp”, người chồng là công nhân hỏa xa.
Bà cũng
đành ở vậy, nuôi con, không tìm về Chợ Lớn, nhà cũ, cha mẹ ruột, vì cha mẹ đã
từ con. Người con trai lớn lên, giống như thanh niên cùng xóm, mười tám tuổi,
anh đăng lính mũ đen. Lính mũ đen là lính Thiết Giáp. Hơn nửa năm sau, anh “hy
sinh trên chiến trường Kamphuchia”. Anh ta đúng là một con người “quốc tế”: Cha
Việt, mẹ Tầu, chết ở Kam-pu-chia. May mà chưa có vợ Tây hay vợ Mỹ.
Tôi giả
bộ đi chầm chậm qua căn nhà tôn nhỏ, nơi bà sinh sống một mình, tự hỏi lòng:
“Làm sao mà báo tin cho bà đây?” vì chắc chắn bà thương con lắm. Nghe tin con
tử trận, chết giả hay bất tĩnh là việc dễ xảy ra.
Và bà già
Tầu ngất xỉu thật, sau khi bà hỏi lại tôi một lần nữa về tin người con trai bà:
“Nó “chiếc” dzồi a?”
Nhưng rồi
bà tỉnh lại ngay, chụp ngay con dao để bên cạnh, giáng lên cao và… chém tôi,
kèm theo một câu chưởi: “Cha cái “xằng Xiệu” giết con… ngộ.”
Tôi không
kịp hay cố nghe cho rõ tiếng cuối “ngô” hay “ngộ” hay gì đó. Tôi bước lui vài
bước thật nhanh, có tạo một khoảng, tin chắc con dao bà cầm chém không tới…
tôi.
Rồi bà
già Tầu khóc, khóc to, bà la to lên, chưởi mắng ai đó tôi không nghe rõ; rồi bà
té xuống đất, lại ngồi lên, lại tiếp tục chưởi “xằng Xiệu”. Bà chưởi tổng thống
đấy…
Nhìn cảnh
ấy, tôi nói với tài xế Chính, đứng bên tôi, mặt cũng tái xanh đi, không phải vì
sợ, mà có lẽ vì ngạc nhiên, vì thấy lạ, một cảnh anh ta chưa từng gặp. Tôi nói:
“Bà điên rồi mầy ơi! Bà điên rồi.”
Nghe
tiếng tôi, Chính hơi bình tĩnh trở lại, hỏi tôi:
-“Làm sao
thiếu úy, bây giờ làm sao?”
Trí tôi
cũng chưa ổn định hẳn, tôi trả lời:
-“Cũng
không biết làm sao?”
Binh thư
của trường Bộ Binh chỉ dạy tôi nhiệm vụ của một trung đội trưởng. Binh thư
trường Thiết Giáp dạy tôi về “Thiết Quân Vận” M-113, xe tăng M-41, và đội hình
hành quân, tấn công; binh thư cục Tâm Lý Chiến không có mục nầy. Tôi phải tự
mình xoay xở lấy, không phải để “đối đầu với địch” mà ứng xử tốt đẹp với… đồng
bào tôi như lời trung tá Mậu dặn dò.
&
Mấy người
hàng xóm chạy lại. Có người vỗ vỗ nhẹ vào má bà già Tầu, có lẽ muốn cho bà tỉnh
lạị, có người la to: “Lấy chai dầu…” Có lẽ họ muốn xức dầu cho bà. Rồi họ làm
gì đó, tôi không thấy rõ. Đúng là “tình Chòm Xóm”. Tình nầy không có ở… Mỹ.
Có vẽ như
việc bà bị ngất đi, bà bị điên, không có gì nghiêm trọng. Chưa ai biết bà vừa
nhận tin con trai bà tử trận. Hồi nãy, trên con đường đi hỏi nhà để vào đây,
tôi “giữ kín miệng”. Kinh nghiệm dạy tôi như thế, “không nói với ai về tin
người tử trận, trước khi báo cho gia đình.”
Yên tâm
như thế, tôi quay lui, đi ra đầu ngõ. Chính đi kế bên tôi, hỏi liên tiếp:
-“Làm sao
thiếu úy? Làm sao bây giờ?”
Tôi không
trả lời, lầm lũi đi. Đến kề bên cổng trường, tôi ngồi xuống cái ghế nhỏ của một
quán “càphê cóc”. Chính cũng ngồi xuống. Tôi và anh ta không ai gọi gì. Cô gái
bán quán đứng chờ bên cạnh. Tôi đưa tay ra dấu biểu chờ, cô ta bỏ đi vào trong.
Một lúc
sau, tôi nói với Chính:
-“Chờ một
chút, tìm cách nào gặp bà!”
Chính
nói:
-“Hồi nãy
có mấy bà hàng xóm, thiếu úy không nói luôn đi.”
-“Đâu
được! Thấy mặt mình, bà xỉu nữa là mệt chết đó.”
Nói với
Chính câu đó là tôi nhớ một chuyện cũ. Hồi tôi còn đi học, anh Trương, hàng
xóm, thường qua chơi với tôi. Anh kể, nhà quen có nuôi một con khỉ. Anh ấy hay
chọc ghẹo và cho khỉ ăn vặt. Một hôm, anh đập chết một con rắn. Tinh nghịch,
anh gói con rắn trong tờ giấy báo, đem cho khỉ. Con khỉ tưởng là đồ ăn, kêu
cheng chéc, cầm chắc trong tay, rồi mở tờ giấy báo ra. Thấy con rắn, con khỉ
nắm tay lại, chết giấc. Đến khi con khỉ tỉnh lại, mở mắt ra, lại thấy con rắn
trong tay, lại chết giấc lần nữa. Tôi không biết chuyện anh ấy kể thật hay đùa,
nhưng tôi thấy vui và nhớ mãi.
Bây giờ
cũng vậy. Nghe tin tôi nói, “bà mẹ Tầu” chết giấc. Nếu tỉnh lại, lại thấy tôi,
chắc gì bà ấy không chết giấc lần nữa. Chuyện thiệt hay giả, tôi tránh mặt “bà
mẹ Tầu” là hay nhất, suy nghĩ một chút rồi tính sau.
Một lúc
sau, tôi hỏi Chính:
-“Khu vực
nầy chắc thuộc xã Bình Hòa?”
-“Đúng
rồi, hôm trước, em tới trụ sở xã một lần.”
-“Xe để
đâu?” Tôi lại hỏi.
-“Em gởi
tại Cảnh Sát.” Chính trả lời.
-“Cứ để
đó đi. Mình tới trụ sở xã, phải nhờ địa phương.”
Tôi đứng
dậy, Chính đi theo, đến trụ sở xã phía chợ Bà Chiểu.
Ông phó
xã trưởng nói, sau khi nghe tôi bày tỏ ý kiến nhờ báo tin cho “bà già Tầu”: “Phải
xuống khóm. Xã nầy dân đông lắm, chỉ thua Phú Nhuận. Khóm họ gần dân hơn.”
Rồi ông
ta hăng hái đi trước, đến trụ sở khóm. Phải chờ hơn nửa tiếng đồng hồ, anh
trung sĩ khóm trưởng mới về tới nơi. Tôi đoán chừng trường hợp của anh ta. Anh
trung sĩ, có một cái dù ông lớn nào đó, được biệt phái về làm khóm trưởng ở
đây, mỗi ngày tà tà lui tới với khóm, xa súng đạn, giữ được chữ “thọ” cho bản
thân. Không rõ vì bản tính hay vì muốn lập công, anh ta hết lòng giúp tôi.
Anh đến
gặp “bà mẹ Tầu”, lúc chòm xóm còn ngồi đứng quanh bà, báo tin và an ủi; xong
anh cho người gọi tôi vào, để tôi “chia buồn”, hỏi bà có yêu cầu gì cho đám ma
người con trai.
Tôi
nghiệp “bà mẹ Tầu”, bà chẳng xin xỏ, đòi hỏi gì hết, bà chẳng biết gì về việc
lo chôn cất con trai bà, chỉ sớm mai, đón bà lên nghĩa trang, cho bà “bịt khăn
cho con”, và chứng kiến cảnh hạ huyệt. “Năm hết tết đến”, bà mẹ Tầu cũng như
các ông bà hàng xóm, theo phong tục của người Việt, “không để đám ra ngoài
năm.”
Tôi hẹn
với “bà mẹ Tầu”, sáng mai, tôi đến để đón bà lên nghĩa trang. Các bà hàng xóm
cũng muốn đi đám, tôi hứa sẽ có một xe Dodge đưa các bà đi và về.
Trước khi
ra về, tôi gặp riêng ông trung sĩ khóm trưởng, hỏi:
-“Tình
hình an ninh ở đây có yên không?”
-“Tình
hình an ninh” là cái gì?” Ông trung sĩ hỏi lại.
-“Bây giờ
người ta hay biểu tình “đả đảo”, “hoan hô”, nhất là đám “phản chiến”, “thành
phần thứ ba”, bọn chúng có lợi dụng hoàn cảnh “bà mẹ Tầu” để làm gì không?”
-“Không!
Ở đây không ai theo họ!” Ông trung sĩ nói chắc.
-“Hồi nãy
tôi quên hỏi, “bà Tầu” có mời sư sãi nào không? Cần thì ở nghĩa trang có mấy
ông tuyên úy. Đạo nào cũng có.”
-“Không
đâu!” Nói xong, ông trung sĩ đổi ý. “Hay thiếu úy mời một ông “tuyên úy Phật
giáo”. Khóm nầy cũng có nhiều bà hay đi chùa!”
-“Được!
Có thôi. Cũng nên có một thầy cho lễ an táng, kinh kệ thêm nghiêm trang, “đủ lệ
bộ”. Tôi trả lời.
Một lúc,
tôi lại hỏi:
-“Vậy
Nguyễn Thị Trừ thì sao?”
-“Nguyễn
thị Trừ nào?” Ông trung sĩ hỏi, vẻ ngạc nhiên.
-“Ni sư
Huỳnh Liên đó! Bả “nằm vạ” hoài, mấy lần tôi bị kẹt xe. Chùa bả gần đây nè! Bả
tới mấy hồi.”
-“Ở đây
không ai hoan hô bả đâu. Láng cháng dân người ta đuổi bà đi, không cần cảnh sát
của đại tá Đệ.”
-“Bà nhà
quê đó, bị tụi nó lợi dụng. Tôi nghĩ bả không có trình độ hiểu biết gì đâu,
ngoài mấy cuốn kinh Phật. Tôn giáo mà cũng xông ra làm chính trị. Khỉ thật.”
Chính hỏi
tôi:
-“Thiếu
úy gọi Nguyễn thị Trừ nên khóm trưởng không hiểu.”
-“Tôi gọi
xách mé chơi, “không ưa được”. Người ta đang đánh giặc ngoài mặt trận, chết
sống từng giây, đám phản chiến ở nhà quậy cho đã, thiệt không có lương tâm gì
cả.”
&
Nói xong,
tôi đi qua hướng Cuộc Cảnh Sát Bình Hòa để lấy xe. Vừa ngồi lên ghế xong, tôi
nói với tài xế Chính:
-“Trễ
rồi, xe của Thiết Đoàn 16 chắc về tới nghĩa trang, mình lên đó ngay.
-“Kiếm ổ
bánh mì thiếu úy. Em đói rồi.” Tài xế Chính nói.
-“Coi chỗ
nào có xe bánh mì thì tấp vô.” Tôi trả lời.
&
Sáng hôm
sau, sau khi đến “Trung Đội Chung Sự” làm việc với toán an táng, xem huyệt và
kim tỉnh xong, tôi về lại đơn vị tôi, rồi cùng mấy người nữa đi đến nhà “bà mẹ
Tầu”.
Sáng sớm,
tôi nói với đại úy Trang, trưởng phòng xã hội: “Cô gọi Phòng Tư cấp xe cho cô.
Xe của phòng tôi phải xử dụng một mình.” Thường chúng tôi dùng chung một xe mỗi
khi đi công tác chung.
Nói như
vậy là tôi có chủ ý. Tôi không muốn “bà mẹ Tầu” đi chung xe Dodge với những
người khác. Ít ra, cũng phải trân trọng bà một chút. Một đời nuôi con gian khổ,
nay con tử trận, đem xe Jeep đến đón bà an táng cho con là một “đãi ngộ” quá ít
ỏi đối với công ơn của người mẹ. Còn như “trợ cấp tổ phụ” có Phòng Xã Hội lo,
không phải việc của tôi.
Khi tôi
tới nhà “bà mẹ Tầu” mọi người tụ họp đã đông. Tôi vào nhà, chào bà và mọi người
xong thì mời họ lên xe. Các bà cùng xóm đã lo xong một mâm lễ gồm hoa trái,
nhang đèn… Tài xế Chính vội bưng lên để trên xe Dodge, và mời mọi người lên xe
Dodge cùng với khóm trưởng.
Thấy “bà
mẹ Tầu” loay hoay tính lên xe Dodge, tôi nói với bà ấy: “Tôi đưa bà đi”, rồi
chỉ tay về phía chiếc xe Jeep. Bà hơi ngạc nhiên, rồi vội vã đi tới phía xe.
Tôi lại nghĩ thầm: “Một lần rồi thôi”. Sau nầy, chẳng còn ai đưa đón bà như thế
nầy đâu. Cuộc đời nầy bạc bẽo thật, trong cả tình người, không chỉ trong việc
trai gái yêu nhau bỏ nhau mà thôi.
Hôm ấy,
tôi để ý thấy có một cô gái còn trẻ, người hôm qua tôi không thấy. Cô đứng sát
bên “bà mẹ Tầu”, mặt còn dấu đẫm nước mắt. Hình như cô ta vừa hết khóc khi thấy
chúng tôi tới nơi. Không ai giới thiệu với tôi cô ấy là ai. Chắc không phải là
vợ vì “hồ sơ quân bạ” của tử sĩ tôi xin ở “Phòng Một” ghi anh ấy còn độc thân.
Vậy thì ai? Một người bà con, một người bạn học, một “cô láng giềng” hay một
“em gái hậu phương”. Rồi loay hoay công việc, tôi bỏ qua cái thắc mắc ấy. Khi
lên xe, tôi thấy cô theo sát “bà mẹ Tầu”, tôi bèn mời cô lên ngồi ghế sau cùng
tài xế Chính. Bữa đó, tôi đích thân lái xe đưa “bà mẹ Tầu” lên nghĩa trang.
Trong nhà
quàn, một dãy dài hơn mười cái quan tài phủ cờ nằm song song với nhau, trong
cái không khí ảm đảm của nơi làm đám ma. Có mấy người đang ngồi khóc quanh một
cái quan tài ở phía xa. Nhờ buổi sáng tôi đã lên đây trước, tôi biết “chỗ” của
người con trai “bà mẹ Tầu”. Tôi dừng lại trước quan tài anh ta. “Bà mẹ Tầu”
hiểu là con bà trong nằm trong đó, bà khóc nức nở: “Con ôi! Con bỏ má mà đi…”
Cô gái cũng ngồi sụp xuống bên cạnh “bà mẹ Tầu” khóc theo.
Tôi đưa
hàm răng trên cắn nhẹ vào môi dưới để nước mắt tôi khỏi chảy xuống theo tiếng
khóc của hai người đàn bà. Thấy ông trung sĩ khóm trưởng cùng vài ông già lo
đặt lễ và bịt khăn cho “bà mẹ Tầu”, tôi lặng lẽ đi ra sân. Vốn dĩ biết mình dễ
xúc động, tôi tránh cái khung cảnh đau đớn nầy.
Sau khi
mọi lễ lược xong, đạo tì đưa quan tài ra huyệt. “Bà mẹ Tầu” vẫn khóc nức nở,
nhưng may mắn, bà không bị ngất xỉu như ngày hôm qua. Cô gái ấy đi theo, tay
nắm vào cánh tay “bà mẹ Tầu”, đỡ bà đi theo quan tài.
Cô ấy
khóc và mọi người cùng khóc.
Tôi đi
sau cùng, bâng khuâng nghĩ tới mấy câu thơ của Huy Cận: “Kẻo thân đau chưa
quen nệm giường đời. Ai đi đưa xin đưa đến tận nơi. Chớ quay lại nửa đường mà
làm tủi. Người đã chết một vài ba đầu cúi.”
Không
phải “một vài ba đầu cúi”. Ai cũng cúi đầu và ngậm ngùi, kẻ khóc nho nhỏ, người
khóc to.
&
Ba ngày
sau, là ngày “ba mươi tết”, cũng là ngày cúng “mở cửa mả” cho người chết, theo
phong tục người Việt Nam.
Hôm qua,
tôi báo cáo với trung tá Mậu: “Tôi đem xe đưa bà lên nghĩa trang một lần nữa,
kẻo tội nghiệp “bà mẹ Tầu”; con chết rồi, một thân một mình, không ai giúp đỡ.”
Khoảng
mười giờ sáng, tôi đưa “bà mẹ Tầu” tới nghĩa trang. Cô gái hôm trước, hôm nay
cũng đi theo. Cô gọi “bà mẹ Tầu” bằng “má”, khiến tôi hơi ngạc nhiên.
Sau khi
cúng xong, cô gái mời mấy người lính ở nghĩa trang “dùng cơm”, tức là dùng các
“đồ cúng” họ mang lên hôm đó. Trong khi mấy anh lính “ăn nhậu” vui vẻ, “bà mẹ
Tầu” ngồi nhìn họ có vẻ trìu mến. Vì thương con nên bà thương những người lính
trẻ nầy bằng tuổi con bà, tôi nghĩ vậy. Tôi không ngồi chung với mấy người ấy;
vẫn với thói quen, tôi ngồi ngoài sân. Trung úy trung đội trưởng “Trung Đội
Chung Sự” ngồi bên cạnh tôi nói chuyện bâng quơ. Thấy cô gái đi ngang, tôi gọi
lại, dặn vài điều. Tôi nói:
-“Bữa nay
tết rồi, các nơi đều nghỉ hết. Cỡ sau tết ít hôm, đơn vị của anh Nghĩa – tên
của tử sĩ – họ sẽ gởi giấy tờ về để lập hồ sơ “trợ cấp tổ phụ” cho bà cụ. Cô có
rảnh, giúp bà cụ điền các thứ giấy tờ được không?”
-“Được
chớ.” Cô ấy trả lời.
Tôi nói
tiếp:
-“Giấy tờ
đôi khi có chỗ khó hiểu. Cô có thể vô đơn vị tôi, hỏi cô đại úy Trang, hay cô
Thanh Nhàn, các cô giúp đỡ cho.”
-“Được.
Tôi biết chỗ thiếu úy làm việc.”
-“Cám
ơn”. Rồi tôi nói tiếp. “Đúng ra thì cô có “trợ cấp quả phụ”, nhưng bởi anh ấy
khai còn độc thân nên chỉ có “trợ cấp tổ phụ” thôi.
Câu trả
lời làm tôi chưng hửng:
-“Tôi có
phải là vợ anh ấy đâu!”
Tôi vội
nói:
-“Xin
lỗi. Thấy cô gọi bà ấy bằng “má” nên tôi hiểu lầm.
-“Không
có gì đâu. Từ nhỏ, tôi coi bà như má tôi.”
-“Vậy cô
là hàng xóm anh ấy hay, xin lỗi, hơi tò mò một chút, “hai người có yêu nhau?”
Tôi nói.
-“Chòm
xóm thì có, nhưng người yêu thì không, bởi vì anh ấy đâu có yêu tôi hay yêu
ai!” Cô gái trả lời.
-“Yêu ai
cũng không, yêu cô cũng không. Vậy chắc cô là “em gái hậu phương” của anh ấy.”
Tôi lại tò mò.
-“Cái đó
cũng không luôn.” Cô gái trả lời, hơi mĩm cười.
-“Anh ấy
không yêu cô nên cô không làm vợ anh ấy?” Tôi lại hỏi.
-“Cũng
không thiếu úy à. Lấy chồng nghèo cực lắm. Nhà anh ấy chỉ một mẹ một con, làm
sao mà giàu?” Cô gái trả lời, vẻ ngậm ngùi.
-“Lại tò
mò một chút nghe! Chắc cô lấy chồng giàu?” Tôi hỏi.
-“Thiếu
úy biết tôi sợ nghèo! Chồng tôi là một “chú ba Tầu giàu” trong Chợ Lớn.” Một
lúc sau, cô ta lại nói: “Nói cho đúng, anh Nghĩa mới là người tôi yêu!” Cô ta
nói, mắt nhìn ra xa ngoài đường lộ, hơi có vẻ đăm chiêu.
-“Cô có
vẻ rắc rối đó. Tôi xin lỗi.” Trung úy trung đội trưởng ngồi bên tôi, góp ý vô.
-“Có gì
đâu! Chồng tôi là “lính kiểng”. Anh có cái giấy phép 15 ngày đổi một lần. Một
hôm, đang đi với tôi, gặp Quân Cảnh hỏi giấy, mặt anh tái mét, sợ líu lưỡi, nói
không ra hơi. Anh Nghĩa thì khác, mặc đồ lính vô, tướng anh ấy ngon lành ghê!
Các anh nghĩ, con gái như bọn chúng tôi, “thần tượng” ai chớ. Đời không như
mình nghĩ.”
Khi ấy có
tiếng gọi của “bà mẹ Tầu”, cô ta “dạ” rồi quay quả đi vô phía trong.
Một lúc
sau, cô gái đi ra, nói với tôi:
-“Mẹ anh
Nghĩa xin gặp “ông tổng thống.”
Chết cha!
Tôi nhớ câu trung tá Mậu dặn dò hôm bắt đầu giao việc cho tôi. “Thân nhân người
ta thưa lên tới tổng thống.” Tôi có làm gì sai để “bà mẹ Tầu” đòi thưa lên tới
tổng thống đây. Tôi vội hỏi lại:
-“Có chi
quan trọng không?”
Cô gái
cười:
-“Hình
như bữa hổm bà chưởi tổng thống. Bà hối hận. Chắc bà muốn xin lỗi.”
Tôi hoàn
hồn. May! Tôi không có lỗi chi. Tôi nói:
-“Cô nói
giúp với bà. Ông tổng thống không chấp nhất gì đâu. Ông cũng thương lính, thương
các bà mẹ lính vậy mà.”
Bỗng “bà
mẹ Tầu” từ phía trong đi ra, tới chỗ tôi, bà ngồi thụp xuống, chấp tay lạy tôi,
khóc, nói: “Tui có tội, tui có tội.”
Tôi vội
vàng đứng dậy, cùng cô gái nâng bà đứng lên. Tôi nói với cô gái:
-“Cô nói
giúp với bà ấy đi. Không có gì đâu. Tổng thống là người cao thượng mà, ông có
trách chi.”
Cô gái
nói lại với bà ta. Có vẻ như bà yên tâm hơn.
Tôi nói
với trung úy trung đội trưởng và cô gái: “Bữa đó tui nghe, chớ tổng thống đâu
có ở đó mà nghe. Ông không biết đâu!”
Bà di vô phía
trong, chắc để chuẩn bị về.
Đang ngồi
chờ, ông trung úy trung đội trưởng nhìn tôi, nói, giọng không vui: “Thiếu úy
nhớ câu cô ta nói không. “Đời không như mình nghĩ.” Cô ta yêu một người
hùng, nhưng lại sợ cho người đi giữa súng đạn, đành phải lấy một “thùng nước
lèo”. Tội nghiệp cô ta nhỉ!
hoànglonghải
304Đen -
Llttm