Tuesday, February 7, 2017

Còn Nhớ Xe Lam - Trang Nguyên



Còn nhớ xe lam

 
 


Trong các phương tiện vận chuyển công cộng, xe lam và xích lô máy có tuổi đời tương đối ngắn, chừng khoảng 30 năm tung hoành khắp đường phố Sài Gòn.

Tuy vậy, xe lam có tuổi thọ lâu hơn một chút, mãi đến năm 1995 một số xe lam chỉnh sửa làm xe vận tải hàng hóa và thu gom rác lưu động trong các con hẻm, một số khác dạt về các tỉnh lẻ làm phương tiện thay thế xe lôi. Và ngày nay thì xe lam chỉ còn là nỗi nhớ của những người từng có một thời đi xe lam và một số ít người tìm mua tân trang, phục chế lại thành xe cổ.

Vào một chiều mùa hạ mưa rơi tầm tã, tự dưng ông bạn già của tôi bật ra câu hỏi: “Sài Gòn còn có xe lam?”. Giọng điệu nghe mơ hồ nỗi nhớ bởi chưa một lần về quê hương sau mấy chục năm sống ở xứ người. Không biết ông có kỷ niệm gì với xe lam và rồi lại yêu đời mở miệng hát câu ca: “Trên chuyến xe lam đông người chiều nao…”. Rồi kể một câu chuyện tiếu lâm rằng, có một ông đi xe lam, chiếc xe chật ních người rồi mà bác tài còn cố nhét ông ta vào ghế súp cuối thùng xe. Ghế súp đâu không thấy mà chỉ có một cái bao bố chình ình choán chỗ. Ông định xà đít xuống, thì một bà ngồi góc trong la lên: “Coi chừng bể trứng!”. “Bộ trứng sao mà bể?”. “Không phải, tôi sợ trứng ông nó bể trên cái bao bố sầu riêng của tui”.

Cười vui một chút về chuyện hành khách đi xe lam. Và tôi cũng từng đi học bằng xe lam thuở học cấp hai ở một ngôi trường cách nhà hơn ba cây số. Nhưng thú thật, chuyện đi xe lam chỉ khi nào trời mưa gió đùng đùng thôi, chứ thường tôi đi xe “lô ca chân” cho khỏe, còn tiền má tôi cho đi xe lam thì cùng với mấy thằng bạn học đem nộp cho bàn bi-da cạnh trường trước khi vào lớp. Tôi không khoái đi xe lam, ngồi chèn giữa những bà bán hàng miệng nhai trầu nhóp nhép. Cái mùi trầu cùng mùi dầu khuynh diệp trộn lẫn phả ra chung quanh, chẳng có gì hấp dẫn với một đứa học sinh mới lớn.

Trong lúc viết đến đây, tôi lại nhớ chiếc xe lam của một bác xóm nhà bên hồi tôi còn bé đâu chừng bảy tám tuổi. Gia đình ông tương đối khá giả nhất xóm thời đó khi sắm một chiếc xe lam chở khách mới tinh. Cứ mỗi chiều ông lái xe về đến nhà là chở đám con nít chúng tôi đi lòng vòng đầu trên xóm dưới chơi cho vui. Chúng tôi thích lắm, đứa thì làm hành khách, đứa làm lơ xe, riêng tôi chỉ khoái ngồi cạnh bên bác tài để tưởng tượng như mình đang ngồi băng trước chiếc xe hơi cho bảnh. Tôi còn nhớ bên thành xe trái có hàng chữ “Hữu sản hóa Tự cường” và thành xe bên phải ghi tuyến đường “Hòa Hưng – Ngã sáu Dân Chủ – Sài Gòn”, bên dưới thùng xe cho in hình nổi màu xanh và màu đỏ hiệu xe Lambro 550. Ðó là hình dáng bên ngoài của chiếc xe lam mà một thằng bé như tôi để ghi và còn nhớ đến ngày nay. Nhưng lúc đó nhớ là nhớ vậy thôi vì tính quan sát tò mò chứ tôi chẳng biết ý nghĩa của dòng chữ “Hữu sản hóa” là gì. Cho đến sau này khi bước vào nghề viết lách bắt đầu cho một loại bài về Sài Gòn xưa thì mới cất công tìm hiểu.

Tài liệu đi thu thập thời đó đến nay tôi không còn cất giữ. Cũng may bây giờ mọi thông tin tài liệu đều có trên mạng, mỗi bài viết một khác nhưng đều có chung về chuyện cấu tạo loại hình xe Lambro hay hiệu Vespa để xác định kiểu này kiểu nọ, sức tải hay phân khối của kiểu xe ba bánh Lambretta của hãng Innocenti hay hiệu Vespa của hãng Piaggio qua nhiều năm. Nhưng hầu hết nhiều người đều nhớ chiếc xe Lambro 550 có sức tải hơn 500kg ăn đứt một số xe bán tải hạng nhẹ trên khắp đường phố Sài Gòn thời bấy giờ. Máy xe, khung gầm, cabin từ Ý được nhập vào công ty Vinaco tọa lạc trên đường Huỳnh Quang Tiên gần khu vực Cầu Kho. Thùng xe được vài cơ xưởng chế tạo riêng rồi đem về công ty lắp ráp thành nguyên chiếc bán ra thị trường.

Tôi còn nhớ, chiếc xe lam của ông hàng xóm nhìn bề ngoài sang trọng hơn chiếc xe lam của ông Tư xe ngựa bên Vườn Tre tuốt phía sau chợ Hòa Hưng, một khách hàng quen thuộc mua gạo của má tôi. Ông Tư mang cái tên “xe ngựa” về Sài Gòn từ lúc còn đánh xe ngựa ở Củ Chi di cư về đây nhưng ông không còn đánh xe ngựa nữa mà ông có một chiếc xe lam cũ mèm chở mấy bà hàng bông từ Bà Ðiểm xuống trạm Hòa Hưng đổ hàng. Thuở đó, xe ngựa vẫn còn hoạt động nhưng chỉ giới hạn đến Công Trường Dân Chủ có một bến nhỏ gần Quân Vụ Thị Trấn mà thôi, không được đi tiếp vào trung tâm thành phố ở khu vực Q.1. Tôi không nhớ rõ đó là chiếc xe lam hiệu gì nhưng người ta gọi là xe lam thổ mộ vì cái thùng chở khách thì giống cái thùng xe ngựa nhưng đầu xe là đầu chiếc xe Vespa không có cabin như chiếc Lambro sau này. Loại này xuất hiện một số ít ở Sài Gòn vào giữa thập niên 50, khi nổ máy phải dùng cái ống sắt manivelle để quay tay khởi động. Chiếc xe lam trông chẳng khác nào chiếc xe thổ mộ của ông ngày trước nên có lẽ vì thế ông đành giữ chết cái tên “Ông Tư xe ngựa” thuở nào.
 


 


Còn vấn đề “Hữu sản hóa” chẳng qua là cách thức gọi tên một chương trình của chính phủ thời bấy giờ hỗ trợ giúp người dân có điều kiện sắm xe lam và cả xe taxi để vận chuyển hành khách bằng cách cho mượn tiền mua trả góp. Hình thức này nhằm tăng cường phương tiện giao thông công cộng mà Nha Lộ vận đang bị phá sản vì hệ thống xe buýt thành phố do chính phủ quản lý hoạt động không có hiệu quả. Xe lam năng động, nhanh chóng, không cần trạm dọc đường, giá rẻ tỏa theo các tuyến đường, nối liền Sài Gòn-Chợ Lớn, thậm chí về đến Hốc Môn và đi lên Thủ Dầu Một từ hướng Gò Vấp – Bình Thạnh. Nghe nói một chiếc xe Lambro 550 giữa thập niên 60 nằm trong chương trình “Hữu sản hóa” có giá lên đến 30 cây vàng. Ông bạn già tôi cho biết vào thời đó, ông làm công chức lương tháng mua được hơn một lượng vàng. Xem ra chiếc xe lam giá như vậy không rẻ. Rẻ là nhờ mua trả góp tiền mượn lãi thấp của ngân hàng hỗ trợ cho chương trình hữu sản hóa của chính phủ và chính phủ “mượn” xe lam để thay thế dần xe thổ mộ hoạt động nhiều tuyến đường ven đô làm thay đổi bộ mặt văn minh đô thị.

Theo một ghi nhận không rõ nguồn, vào khoảng cuối thập niên 70, số lượng xe lam hoạt động các tuyến đường thành phố Sài Gòn hơn 35,000 xe, cùng với xe taxi đã giải quyết tốt vấn đề vận chuyển công cộng mà xe buýt không thực hiện được kéo dài cho đến năm 1975. Sau thời kỳ này, xe taxi vắng bóng chỉ còn phương tiện xe lam hoạt động cho đến đầu thập niên 90, khi các tuyến đường thành phố khôi phục lại phương tiện xe buýt quốc doanh. Xe lam lúc đó còn hoạt động theo kiểu hợp tác xã vận tải nhưng rồi những phương tiện khác được nhập vào Sài Gòn xuất hiện thời kỳ xe Honda Cub từ cũ cho đến mới đã khiến xe lam ngày càng thưa thớt. Thời kỳ Honda Cub mới chính là giai đoạn tôi ghi nhận được nhiều dấu ấn của xe lam khi đi thu thập tư liệu. Chuyện gì cũng vậy, một khi điều gì đó gần mất đi thì ta lại tiếc nuối và hồi tưởng càng nhiều hơn về một thời nó từng xuất hiện. Và lòng tôi chợt hỏi có ai còn nhớ xe lam?

Thỉnh thoảng, mấy người bạn tôi ở Sài Gòn kể chuyện cho nghe, sau thời cấm xe lam hoạt động chở khách trong thành phố, xe lam lui về các hợp tác xã vận tải chở hàng hóa rồi tiếp tục xuống cấp thành xe gom rác. Năm 1995, một số lượng lớn xe lam chuyển về các tỉnh làm phương tiện công cộng tiếp tục chở khách. Nếu ai có quê ở thành phố Biên Hòa chắc rõ nơi đó là thủ phủ xe lam. Thành phố Biên Hòa xe lam nhiều lắm, đi đâu cũng thấy xe lam. Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn chừng chục năm khi xe buýt dần thay thế và đường phố Sài Gòn hay ở thành phố phụ cận nào đều chật ních xe gắn máy cá nhân. Giá xe gắn máy rẻ, gia đình nào lại không có Honda. Chính đó là điều khiến cho xe lam không còn chỗ đứng, lui dần về các vùng quê xa chở hàng và cuối cùng chỉ còn là hoài niệm.

Một thằng bạn trong giới chơi xe cổ đang tìm mua một chiếc xe lam mà lại là xe lam thổ mộ cũ mèm nữa chứ. Tôi nói đi qua Vườn Tre, tìm nhà ông Tư xe ngựa mà hỏi liệu còn có hay không. Nói cho vui thôi, chứ ngày nay ông Tư xe ngựa đã ra người thiên cổ và chiếc xe chắc hẳn đã thành đống sắt vụn từ lâu, thậm chí tên gọi Vườn Tre chẳng còn ai biết. Nhưng anh bạn nói rằng, mình đã kiếm được cái đầu máy xe lam nhờ thợ khôi phục lại bộ máy. Chỉ còn cái khung tái tạo là điều không khó. Tôi không biết anh cần chiếc xe lam cũ để làm gì. Chẳng qua nó là vật trang trí cho quán cà phê mà anh sắp sửa khai trương. Nhưng điều đó lại giúp ích cho tôi kết thúc bài viết dành cho những ai còn nhớ xe lam.

 

Trang Nguyên

304Đen - Llttm

No comments: